March 11, 2016

Đại gia giả ăn mày

NGỌC VIỆT


(GDVN) - “Của chìm của nổi” luôn là hai yếu tố cấu thành giá trị tài sản của một cá nhân hay tổ chức. Ở Trung Quốc, những gì nhà nước kiểm tra, kiểm soát được chỉ là...


BBC ngày 8/3 đưa tin, trong tháng 2/2016 kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh, tới 25,4% so với năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 13,8%. Số liệu của hải quan Trung Quốc cho biết, kim ngạch xuất khẩu giảm xuống còn 126.1tỷ USD. Dư luận xem điều này phản ánh tình hình tồi tệ hơn nhiều so với dự kiến trong năm 2015 là ​​giảm khoảng 15%.

Các số liệu không khả quan thể hiện hoạt động thương mại của Trung Quốc sụt giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 5/2009 – thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các dữ liệu có thể bị ảnh hưởng bởi những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Trung Quốc.

Reuters ngày 8/3 cũng nhận định, các dữ liệu yếu kém của Trung Quốc đã nhen nhóm lo ngại của những nhà đầu tư về suy thoái kinh tế toàn cầu bởi sự tác động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trung Quốc thường được gọi là "động cơ của tăng trưởng toàn cầu". Nhu cầu thị trường toàn cầu đối với hàng hóa của Trung Quốc mà suy giảm thì được xem như biểu hiện sự ảm đạm của môi trường kinh tế thế giới.

"Các dữ liệu không khả quan ấy đã làm chững lại nhiều quyết định của những nhà đầu tư, nó thể hiện sự quan tâm của giới đầu tư về tăng trưởng ở Trung Quốc nhiều hơn so với bất cứ điều gì khác diễn ra trong nền kinh tế thế giới vào thời điểm này", Ryan Larson, giám đốc kinh doanh công bằng của Hoa Kỳ tại RBC Asset Management Global ở Chicago cho biết, theo Reuters.

Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc đã làm ảm đạm thêm triển vọng của nền kinh tế nước này khi Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu tại Quốc hội rằng: "Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn và thách thức trong năm nay, vì vậy chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ để chống lại một cuộc chiến khó khăn", BBC tường thuật. Và Quốc hội Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2016 ở khoảng 6,5% -7%.
Trung Quốc vẫn có nền kinh tế đủ sức mạnh có những ảnh hưởng và chi phối kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa: BBC.
Với hàng loạt những những hiện tượng, những con số, chỉ số không khả quan của kinh tế Trung Quốc, liên quan tới kinh tế Trung Quốc, cùng với sự sụt giảm của giá dầu thô trên thị trường thế giới hiện nay, những nhà đầu tư quốc tế đã nghi ngại: Có thể có một đại cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu kiểu 2008 sẽ lặp lại lần nữa hay không?

Người viết thừa nhận rằng kinh tế Trung Quốc đang khó khăn, nhưng nó không thể rơi vào đại suy thoái hay đại khủng hoảng. Bởi vậy những sự phản ứng quá nhanh, quá nhạy cảm của giới đầu tư quốc tế trước sự biến động của nền kinh tế “đặc biệt” này, có thể sẽ là những động thái mà những nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh chờ đợi, vì nó mang lại những lợi ích cho Trung Quốc.

Người viết cho rằng, Bắc Kinh đang tạo ra những “làn sương mù” quanh những con số, từ đó hình thành nên những giả tượng khiến cho kinh tế thế giới chao đảo theo đó, nhưng bản chất phía sau thì hoàn toàn khác. Bởi lẽ kinh tế Trung Quốc có những nét đặc biệt mà khiến nó không vận hành theo những cơ chế chung của kinh tế thế giới.

Sự thiếu minh bạch trong cơ chế kiểm soát tài sản và thu nhập

Khi Forbes xếp hạng những người giàu nhất thế giới thì những cái tên Bill Gate, Warren Buffett, Carlos Slim được nêu lên, hầu hết giới đầu tư cho rằng họ giàu thật sự và số tài sản của họ được sử dụng để xếp hạng được kiểm soát và luôn minh bạch qua các báo cáo tài chính.

Song ở Trung Quốc, và cả ở Việt Nam, những bảng xếp hạng không mang nhiều ý nghĩa, bởi thực tế nó không phải như vậy.

Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa Trung Quốc cũng như những nước chưa có cơ chế kiểm soát sự minh bạch của thu nhập và tài sản, khi so sánh với những quốc gia đã hoàn thiện cơ chế này.

Những hiện tượng “nghèo khó bất ngờ”, “giàu có bất thường” lại là những hiện tượng bình thường, không thể hiện sự “bất minh” và không được kiểm soát bằng cơ chế.

Dư luận nghi ngờ về những sự bất minh ấy, nhưng cơ quan chức năng không dễ dàng kiểm tra, kiểm soát được sự “bất minh bình thường” ấy. Đây là biêu hiện rõ nét nhất của những quốc gia chưa hoàn thiện thể chế, của những nhà nước thiếu cơ chế thực thi quyền lực.

Đây cũng là những “cánh cửa” che đậy cho tham những, khiến cho việc tấn công “giặc nội xâm” này không thể hẹn “ngày chiến thắng”.
Thói quen sử dụng tiền mặt là một trong những yếu tố khiến cho cơ chế kiểm soát tài sản và thu nhập tãi Trung Quốc không thể minh bạch. Ảnh: BBC.
Việc phòng chống tham những thì người viết xin được đề cập vào một dịp khác, chỉ xin đi vào bản chất đặc biệt của nền kinh tế thiếu minh bạch ấy.

Có hai vấn đề được xem là cơ sở đảm bảo cho việc tồn tại và phát triển của sự thiếu minh bạch, đó là thói quen sử dụng tiền mặt trong giao dịch và nguồn gốc tài sản không được truy nguyên.

Ở Trung Quốc lượng tiền mặt dùng trong lưu thông tiền tệ là quá lớn, chuỗi niên kim tạo nên dòng chảy tiền tệ thực tế trên thị trường chứ không phải qua giao dịch bởi tính chất của nghiệp vụ kinh tề phát sinh.

Mua bán trả bằng tiền mặt vẫn đang là sự ưa thích nhất trong làm ăn của người Trung Quốc và qua đó khái niệm “của chìm của nổi” luôn tồn tại trong quan niệm về sức mạnh của các thực thể kinh tế.

“Của chìm của nổi” luôn là hai yếu tố cấu thành giá trị tài sản của một cá nhân hay tổ chức. Ở Trung Quốc, những gì nhà nước kiểm tra, kiểm soát được chỉ là “của nổi” và thường là nhỏ hơn rất nhiều so với “của chìm”.

Lý do được cho là nỗi lo sợ của các chủ thể trong một đất nước mà cơ chế thực thi quyền lực còn quá nhiều khoảng trống khiến họ trở thành những con “bò mộng” có thể bị “làm thịt” bất cứ lúc nào.

Và “của nổi” cũng chính là giá trị tài sản và giá trị tổng tài sản của người dân, của những thực thể và của cả nền kinh tế quốc gia Trung Quốc mà những nhà đầu tư quốc tế có thể nắm được.

Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc hình thành trên những “của nổi” thường sẽ biến động theo quy luật của kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, với sự khác biệt, tính đặc biệt mà Bắc Kinh đã tạo ra qua việc vận dụng nguyên tắc của kinh tế thị trường với nền tảng của kinh tế kế hoạch truyền thống khiến cho giới đầu tư quốc tế như bị “tung hỏa mù”. Từ đó họ có những phản ứng quá nhanh, quá nhạy cảm trước những biến động của kinh tế Trung Quốc và không tránh khỏi những thiệt hại rất lớn.

Từ chỗ sự thiếu minh bạch trong cơ chế kiểm soát tài sản và thu nhập, khiến cho những “của chìm” có thể được sử dụng một cách hợp pháp và dễ dàng, dù trong đó có nhiều tài sản bất minh.

Cùng với thói quen sử dụng tiền mặt, những tài sản bất minh có thể chuyển hóa thành tiền tệ để trong két sắt, chứ không phải nằm trong tài khoản tại các ngân hàng.

Reuters ngày 20/11/2014, dẫn nguồn Tạp chí Phoenix Weekly (Hong Kong) đưa tin, cơ quan điều tra Trung Quốc đã tìm thấy trong căn biệt thự sang trọng tại Bắc Kinh của Từ Tài Hậu, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, khoản tiền hối lộ khổng lồ với hơn 1 tấn tiền gồm đô la Mỹ, euro và nhân dân tệ với tổng trị khoảng 1,6 tỉ nhân dân tệ (khoảng 261,8 triệu USD) được giấu trong hầm.

Nếu có cơ chế kiểm soát tính minh bạch nguồn gốc của tài sản và thu nhập thì hiện tượng này sẽ khó xảy ra vì những khoản tiền khổng lồ ấy có thể sẽ chỉ là những tờ “giấy lộn” vì không dễ dàng được đưa vào lưu thông.

Nhưng tại Trung Quốc cơ chế ấy chưa hoàn thiện. Giới đầu tư cho rằng, chắc chắn những thực thể kinh tế của Trung Quốc cũng có “của chìm” kiểu như vậy và điều đó khiến cho sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc không thể đánh giá chính xác được.

Thị trường chứng khoán không phản ánh chính xác sức mạnh của nền kinh tế

Sự thiếu minh bạch trong kiểm soát tài sản và thu nhập khiến cho thị trường chứng khoán không phải là phong vũ biểu chân thực của nền kinh tế Trung Quốc.

Có nghĩa là những biến động trên thị trường chứng khoán không phản ánh chính xác những mặt mạnh yếu hay tích cực tiêu cực của kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc nhìn dưới lăng kính của thị trường tự do và minh bạch thì luôn cho thấy sự phập phù trong thời gian qua.

Cũng từ đây mà yếu tố triển vọng và thực tế trong các hoạt động kinh tế đã khiến cho kinh tế Trung Quốc ngày càng khác biệt so với kinh tế vận hành theo quy luật của thị trường tự do.

Sự biến động trên thị trường chứng khoán có thể làm tăng giảm giá trị tài sản xã hội. Điều đó được tác động bởi triển vọng của một nền kinh tế thông qua kết quả khả quan hay không trong hoạt động của những thực thể kinh tế.

Triển vọng của một nền kinh tế được quyết định bởi niềm tin của nhà đầu tư vào sự phát triển của nền kinh tế ấy, của các thực thể kinh tế ấy trong tương lai. Nó không phải là sự gia tăng mang tính số học tuyệt đối.

Hiểu nôm na là nhà đầu tư mua cổ phiếu không phải là mua giá trị thực tại của doanh nghiệp, mà họ mua giá trị tương lai của nó. Tương lai càng sáng thì giá trị doanh nghiệp càng lớn và ngược lại.

Tuy nhiên, với kinh tế Trung Quốc thì điều ấy chỉ đúng có một phần bởi cơ chế kiểm soát tài sản và thu nhập không minh bạch.

Thông thường, khi thị trường chứng khoán ảm đạm, giá cổ phiếu giảm và kéo theo là bốc hơi tài sản của nền kinh tế theo triển vọng, nhưng với thị trường chứng khoán tại Trung Quốc thì chỉ là bốc hơi “của nổi” mà thôi. Còn “của chìm” thì vẫn bảo đảm giá trị của nó.

Chẳng hạn, theo Reuters thì tại thị trường chứng khoán Phố Wall lúc 10h51’ sáng 8/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones .DJI giảm 130,29 điểm, tương đương 0,76%, còn 16,943.66 điểm;

Chỉ số S & P 500 .SPX giảm 20,69 điểm, tương đương 1,03%, còn 1,981.07 điểm và chỉ số Nasdaq Composite .IXIC là giảm 48,47 điểm, tương đương 1,03%, còn 4,659.79 điểm.

Điều đó được hiểu là, nếu tài sản các doanh nghiệp được vốn hóa theo chỉ số Dow Jones .DJI có tổng giá trị trên sàn chứng khoán là 18.000 tỷ USD tương đương với 17.073,95 điểm lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/3.

Khi giảm 0,76% thì thị trường bốc hơi mất 136,8 tỷ USD và khoản này là “mất thật” trong ngày 8/3, giá trị tài sản ngành công nghiệp Mỹ giảm 136,8 tỷ USD trong ngày 8/3 là giảm giá trị thật và thể hiện trên những cáo bạch tài chính.

Thị trường chứng khóa Trung Quốc không phải là phong vũ biểu chân thực của nền kinh tế. Ảnh: BBC.

Tuy nhiên, với Trung Quốc thì khoản “bốc hơi” ấy chỉ là trên sàn chứng khoán, chứ giá trị thật của nó không “bốc hơi” đi như vậy. Nghĩa là với Trung Quốc giá trị nhà xưởng, máy móc…là tính bằng tiền thật, nó không tăng giảm theo giá trị vốn hóa trên thị trường.

Do vậy, hơn 6.000 tỷ USD bị bốc hơi khỏi Trung Quốc trong thời gian qua là bốc hơi trên sàn chứng khoán chứ không hẳn kinh tế Trung Quốc mất 6.000 tỷ USD một cách tuyệt đối số học như vậy.

Nếu một doanh nghiệp có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán tại Mỹ có giá trị tài sản vốn hóa là 5 tỷ USD, có giá trị tài sản nợ theo những bản cáo bạch tài chính là hơn 5 tỷ USD thì nó rơi vào tình trạng phá sản.

Doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản và xin bảo lãnh của nhà nước. Sau đó, chủ doanh nghiệp sẽ có kế hoạch phục hồi hoạt động nếu họ muốn hoặc thanh lý tài sản để trả nợ.

Nhưng với Trung Quốc – và cả Việt Nam – doanh nghiệp phá sản thường không được xác định như vậy. Nếu giá trị vốn hóa của doanh nghiệp là 5 tỷ USD, có số nợ hơn 5 tỷ USD thì vẫn có thể chưa tuyên bố phá sản vì phải xác định giá trị tài sản thật của doanh nghiệp rồi mới quyết định.

Đây là sự tách biệt giữa triển vọng và thực tế của doanh nghiệp tại Trung Quốc. Và điều này lý giải cho việc doanh nghiệp ngắc ngoải trên sàn mà thực tế thì doanh nghiệp vẫn có sức mạnh để có thể đầu tư phát triển.

Kinh tế Trung Quốc hiện nay cũng đang vận hành một cách “trái khoáy” như vậy. Chứng khoán ảm đạm, tiền bị bốc hơi nhưng sức mạnh của nó không giảm sút tương ứng.

Vì vậy khi chính sách kinh tế của chính phủ Trung Quốc còn hướng mạnh vào khuyến khích đầu tư thì thị trường chứng khoán phản ánh khá sát với thực tế. Nhưng khi tái cơ cấu lại nền kinh tế thì cái “phong vũ biểu” ấy vô hình chung tạo nên giả tượng tuyệt vời che đậy cho những toan tính đầy tham vọng của Bắc Kinh.

Tính chất kinh tế Trung Quốc hậu tái cơ cấu

Có thể thấy rằng nền kinh Trung Quốc đã thay đổi rất nhanh sau tái cơ cấu nền kinh tế, từ điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ đến những thay đổi trong những hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế, đến kết quả hoạt động của các lĩnh vực kinh tế quốc gia.

Điều này chứng tỏ việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã chính thức có tác dụng, khiến cho kinh tế Trung Quốc chuyển mình và thay đổi tính chất.

Những biểu hiện rõ rệt nhất là xuất khẩu giảm nhanh hơn nhập khẩu, lượng lao động dôi dư đã trở thành vấn đề nổi trội trong chiến lược kinh tế - xã hội của Bắc Kinh.

Đặc biệt là đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc tăng mạnh trên cả ba tiêu chí: đầu tư trực tiếp, hợp tác đầu tư và gia tăng sở hữu tài sản tại nước ngoài.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng khi Trung Quốc thay đổi cơ cấu kinh tế nhưng hình như giới đầu tư quốc tế vẫn đánh giá, nhận định về nên kinh tế đặc biệt này theo góc nhìn truyền thống.

Những thay đổi của nền kinh tế này vẫn được nhìn nhận với tính chất của những con số ấy ở thời kỳ trước tái cơ cấu, hay giai đoạn tiền tái cơ cấu. Điều này sẽ khiến cho những nhận định về kinh tế Trung Quốc thời hậu tái cơ cấu có thể thiếu chính xác.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – kiến trúc sư của tái cơ cấu kinh tế Trung Quốc. Ảnh: BBC.

Người viết cho rằng, việc nhìn vào kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 25,4% trong tháng 2/2016 rồi đưa ra nhận định hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc tồi tệ là không chuẩn xác.

Phải phân tích cơ cấu về số lượng và giá trị của các mặt hàng, các sản phẩm trong từng lĩnh vực, cơ cấu hàng hóa trong tổng các chủng loại hàng hóa xuất khẩu thì mới khẳng định được bản chất của vấn đề.

Chẳng hạn, tháng 2/2015 một công ty thương mại của Trung Quốc xuất sang Việt Nam 100 xe gắn máy với tổng trị giá là 1 tỷ VND và có lợi nhuận 10% với số tiền lãi là 100 triệu VND.

Tháng 2/2016, công ty thương mại ấy xuất khẩu qua Việt Nam 5.000 bộ quần áo với tổng trị giá là 750 triệu VND và có lợi nhuận 20% với số tiền lãi là 150 triệu VND. Như vậy, dù tổng giá trị xuất khẩu giảm, nhưng lợi nhuận lại tăng. Như thế rõ ràng đây không phải là sự sụt giảm tồi tệ mà là sự tăng trưởng tuyệt vời.

Thực chất của tái cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc nằm ở đó. Do vậy, dù chỉ số tăng trưởng GDP giảm, tổng trị số các hoạt động kinh tế giảm, quy mô nền kinh tế co lại, nhưng thực ra kinh tế Trung Quốc không yếu đi là như vậy.

Từ những con số không ngang bằng giá trị ấy mà đưa ra nhận định tiêu cực về nền kinh tế Trung Quốc sẽ hình thành nên ảo tưởng về sức mạnh của nền kinh tế này.

Có thể thấy rằng, khi tái cơ cấu nền kinh tế thì tại Trung Quốc sẽ xảy ra hiện tượng những đại công trình không một bóng người, những đại công xưởng sẽ có thêm nhiều giờ im tiếng máy và những đại công trường dang dở và hoang vu.

Đó là hệ quả tất yếu của việc những nhà đầu tư nước ngoài không được khuyến khích như trước nữa. Còn những nhà đầu tư trong nước thì được khuyến khích hướng ra làm ăn ở nước ngoài.

Sản xuất công nghiệp đang được đẩy lùi mức độ ưu tiên, đứng sau kích thích tiêu dùng nội địa và tăng cường thúc đẩy hoạt động kinh tế dịch vụ.

Tiền của Trung Quốc sẽ ít “mùi xăng dầu vôi vữa” hơn, mà thay vào đó là “mùi đặc trưng của chốn ăn chơi”, khi giá trị của kinh tế dịch vụ được xác định sẽ tăng dần trong cơ cấu GDP của quốc gia này.

Điều đó đã trở thành hiện thực trong quá trình vận hành của nền kinh tế Trung Quốc và sự điều phối hoạt động kinh tế của Bắc Kinh. Chiến lược ngoại giao kinh tế đã giúp cho kinh tế đối ngoại phát triển với nhiều thuận lợi qua sự hỗ trợ của chính phủ ở nước ngoài.

Bên cạnh đó chính phủ thay đổi luật lao động để đảm bảo sự hài hòa trong giải quyết việc làm và đào tạo lại nguồn nhân lực, để “xuất khẩu” lao động cho những công trường rộn tiếng Hoa ở nước ngoài.

Việc chấm dứt chính sách dân số “gia đình chỉ có một con” là một quyết sách đảm bảo cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời hậu tái cơ cấu, khi dân số già tăng nhanh và xảy ra tình trạng thiếu nhân lực trong độ tuổi lao động.

Đặc biệt, việc thay đổi quan trọng trong chính sách nguồn nhân lực của Bắc Kinh là một sự hỗ trợ cho ý đồ toàn cục của họ, từ chiếm lĩnh thị trường hàng hóa đến đồng hóa các nền kinh tế.

Tóm lại, những hiện tượng tiêu cực của nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian gần đây không phải là những hiện tượng phản ánh bản chất của nền kinh tế quốc gia này, bởi lẽ nó có những nét riêng biệt, không giống ai.

Chính phủ Trung Quốc đang sử dụng những hiện tượng ấy cho việc “tung hỏa mù”của họ mà qua phân tích những chính sách và những công cụ kinh tế của Bắc Kinh thời hậu tái cơ cấu, sẽ cho thấy sự nguy hiểm của nó đối với nền kinh tế toàn cầu.


Nguồn: Giáo dục.

No comments:

Post a Comment