February 21, 2016

Công bằng và bác ái

NGỌC VIỆT

(GDVN) - Một sự bác ái không dựa trên sự công bằng sẽ không thể che giấu, không thể đánh lừa được người dân Venezuela. Và họ đã phải trả giá cho chính sách...


BBC ngày 18/2 đưa tin, Venezuela tăng giá xăng dầu lần đầu tiên trong 20 năm qua, mặc dù Tổng thống Nicolas Maduro tuyến bố giá xăng dầu tại đất nước này vẫn là rẻ nhất thế giới. Tổng thống Venezuela cho biết, giá xăng nhiên liệu cao cấp sẽ tăng từ 0,01 USD/lít lên khoảng 0,60 USD/lít (0,40 euro). Giá xăng chất lượng thấp hơn sẽ tăng lên khoảng 0,10 USD/lít.

Cũng nên nhắc lại rằng, giá dầu thô trên thế giới giảm sâu đã đưa nền kinh tế Venezuela vốn phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu dầu thô, đến bờ vực của sự sụp đổ. Vì vậy, tăng giá nhiên liệu là "một biện pháp cần thiết, một hành động cần thiết để cân bằng mọi thứ, tôi chịu trách nhiệm về việc này", BBC dẫn lời Tổng thống Maduro.

Chính quyền Venezuela đã công bố một loạt các biện pháp nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi cuộc khủng hoảng, trong đó có việc giảm giá trị đồng tiền nước này và việc tăng giá nhiên liệu. Theo tính toán của chính phủ Venenzuela, việc tăng giá nhiên liệu sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước được 800 triệu USD một năm do bao cấp nhiên liệu.

Những quầy hàng trống trơn tại các siêu thị - một trong những "kết quả của hành động bác ái" của chính phủ Tổng thổng Venezueal Maduro. Ảnh: EPA.

Đây là một việc làm cần thiết, nếu không muốn nói là bắt buộc của chính phủ Venezuela để tránh bị sụp đổ nhanh chóng. Việc bao cấp nhiên liệu gần như cho không là một việc làm được chính quyền Venezuela xem như chính sách “vì dân” của họ.

Tuy nhiên chính điều đó lại khiến chính phủ Venezuela ngày càng mất lòng dân chúng nước này. Tại sao một chính phủ thân thiện và trách nhiệm như vậy mà lại bị người dân Venezuela phản đối?

Công bằng

“Mọi người đều sinh ra bình đẳng” – Nguyên lý ấy đã trở thành nền tảng cho mọi ứng xử, hành xử giữa con người với con người trong xã hội. Và nguyên lý ấy cũng được xem là nền tảng của mọi nguyên tắc hành động, hoạt động của những tổ chức do con người tạo ra, dựng nên đại diện cho quyền lực và quyền lợi của họ.

Từ Tuyên ngôn của nước Mỹ, nước Pháp đến Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam và gần đây nhất là Hiến pháp đầu tiên của Cộng hòa Nepal cũng xem nguyên lý bất hủ ấy là nền tảng cho việc hình thành nhà nước, xây dựng nền tảng quyền lực và phương châm sử dụng quyền lực của mình. Điều đó cho thấy chân lý ấy là tiến bộ, là nhân văn, phù hợp với mọi thời đại.

Tuy nhiên, từ bình đẳng người ta đưa ra hai khái niệm để để diễn giải cho bản chất của phạm trù này, đó là công bằng và ngang bằng. Phải khẳng định rằng, bình đẳng là công bằng, sự bình đẳng được thể hiện qua lẽ công bằng.

Bình đẳng không phải và không chỉ đơn giản là ngang bằng – đây là một trong cách hiểu không đúng hay cố tình hiểu sai vì những mục đích nào đó.

“Mọi người đều sinh ra bình đẳng”. Song ngay trong khi sinh và được sinh ra, không có người nào giống người nào, người khỏe, người yếu, người hoàn thiện, người kiếm khuyết…Nghĩa là không có sự ngang bằng của con người ngay từ khi ra đời và tồn tại trên cõi đời này. Do vậy, sẽ không thể có sự ngang bằng trong ứng xử hay tiếp nhận ứng xử của tất cả mọi người.

Vì vậy, bình đẳng là công bằng, nghĩa là gắn với từng còn người cụ thể, từng thực thể cụ thể - tức là thực tế và thực tiễn. Người bình thường hoàn thiện thì phải có trách nhiệm với người không may mắn – khiếm khuyết, khuyết tật. Người khuyết tật, khiếm khuyết phải được ưu ái hơn so với người phát triển bình thường…

Cũng từ lẽ công bằng thì người làm việc kém hiệu quả thì không thể ngang bằng về quyền lợi với người có đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. Công bằng là động lực thúc đẩy con người phát huy hết khả năng của mình và xứng đáng được hưởng, thậm chí phải được hưởng quyền lợi tương xứng với khả năng của mình.

Từ đó suy rộng ra, nhà nước hay chính quyền đại diện quyền lợi và quyền lực nhân dân phải dựa trên lẽ công bằng trong xã hội để ra quyết sách, thực hiện chính sách phù hợp, công bằng với mọi đối tượng trong xã hội, tương xứng với công lao đóng góp của họ cho xã hội, cho đất nước.

Song có nhiều học thuyết chính trị luôn xem xét bình đẳng trên khía cạnh ngang bằng, từ đó có nhiều thể chế chính trị ra đời dựa theo học thuyết ấy thực hiện những hành động cào bằng trong phân chia nguồn lợi xã hội.

Với cách suy diễn ấy, với phương cách hành động ấy, người ta đã tạo ra sự bất bình đẳng ngay trong nguyên lý của sự bình đẳng.

Và chính quyền hiện nay tại Venezuela đã thực hiện theo nguyên tắc ấy. Họ cứ tưởng bao cấp gần như tất cả những gì thuộc về cơ bản, thiết yếu của cuộc sống cho người dân Venezuela là họ tạo ra một xã hội bình đẳng, họ cứ tưởng như thế là nhà nước Venezuela lấy nguyên lý bình đẳng là nên tảng cho mọi chính sách của họ.

Thật sự nhà nước Venezuela đang tạo ra sự bất bình đẳng chính từ cái cách bao cấp cào bằng ấy.

Đúng ra họ phải tạo ra và thu về lợi ích từ mọi nguồn lực, nguồn lợi của quốc gia, sau đó họ thực hiện phân phối thông qua chính sách tiền tệ, lương bổng và giá cả. Như thế ngươi dân Venezuela đã được công bằng về quyền lợi trong cơ chế phân phối ấy.

Tuy nhiên nà nước Venezuela không làm như vậy, họ cào bằng mọi lợi ích với tất cả công dân, trong khi sự đóng góp cho đất nước, cho xã hội không công bằng giữa các chủ thể. Những kẻ phá hoại đất nước, những kẻ hèn kém và những người tài năng đều có chung quyền lợi – sự bao cấp.

“Nền kinh tế Venezuela sụt giảm 10% năm 2015, trong bối cảnh lạm phát tràn lan và thiếu hụt của nhu yếu phẩm. Trong khi đó, công ty xăng dầu nhà nước Petroleos de Venezuela cho biết, phải mất 15,2 tỷ USD để duy trì trợ cấp nhiên liệu của chính phủ Venezuela, chỉ trong năm 2013”, theo Bloomberg.

Theo lẽ thường, người tài năng phải được hưởng lương cao, người kém cỏi phải chấp nhận lương thấp, kẻ phá hoại phải bị tước quyền lợi. Nghĩa là quyền lợi được phân phối phải công bằng, trước khi thực hiện ngang bằng của phân phối lại quyền lợi xã hội – phúc lợi xã hội. Song chính phủ Venezuela lại thực hiện ngay bước phân phối lại quyền lợi ngang bằng và từ đó tạo ra bất bình đẳng trong xã hội.

Bác ái

Nếu như công bằng là gắn liền với phân phối (lần đầu) lợi ích xã hội, thì phân phối lại lợi ích xã hội – phúc lợi xã hội – gắn liền với một phạm trù nhân văn khác là bác ái. Bác ái là hệ quả của công bằng, phải có công bằng mới có bác ái. Hay nói cách khác bác ái dựa trên nền tảng của sự công bằng. Không có công bằng thì không thể có bác ái được.

Khi một cá nhân, một chủ thể dựa trên khả năng của mình thực hiện sự bác ái – chia sẻ với cộng đồng – thì người ta được xem là người có tâm với cộng động, có trách nhiệm với xã hội.

Ngược lại, họ làm điều ấy mà ngoài khả năng thì một là họ sĩ diện hão, hai là có ý đồ, mà dễ nhận ra nhất là mua chuộc lòng tốt của người đời để làm lợi bản thân.

Suy rộng ra, với một chế độ chính trị, một nhà nước cũng vậy. Khi chưa thực hiện công bằng hay thực hiện công bằng rồi, nhưng phần nguồn lợi cho phân phối lại còn rất ít – nghĩa là khả năng thực hiện chính sách phúc lợi xã hội hạn chế, mà nhà nước ấy, chế độ ấy vẫn thực hiện phân phối lại lớn hơn nguồn lợi còn lại, thì sẽ nhằm phục vụ cho hai mục đích.

Thứ nhất là, lực lượng cầm quyền Venezuela muốn chứng minh chế độ chính trị của họ là tiến bộ, là vì dân – nghĩa là họ muốn chứng minh nhà nước của họ rất gần với bản chất của nó. Tuy nhiên, điều ấy sẽ dẫn đến lợi bất cập hại với họ khi nguồn lợi cho phúc lợi xã hội không đủ duy trì cho việc chứng minh “cái tiến bộ mơ hồ” ấy.

Thứ hai là, lực lượng cầm quyền Venezuela thực hiện chính sách mị dân – làm cho người dân ảo tưởng vào cái chế độ không nhân văn ấy. Với việc thực hiện điều này, lực lượng cầm quyền đã cho thấy chế độ chính trị của họ không phải thuộc về dân, nhà nước nước của họ không phải đại diện cho quyền lực nhân dân.

Thực hiện chính sách mị dân là một con dao hai lưỡi, một mặt nó làm cho nhà nước Venezuela ngày càng suy yếu, mặt khác nó tạo điều kiện cho sự ra đời và khẳng định tính ưu việt hơn cho một lực lượng cầm quyền khác trong tương lai – hình thành ngay trong lòng cái chế độ chính trị ấy.

Chính quyền tại Venezuela, họ thực hiện bác ái – qua bao cấp toàn dân về nhu cầu thiết yếu, trong đó có việc áp giá như “cho không” với nhiên liệu – họ nhằm tới cả hai mục đích. Lúc đầu thì chứng minh cho cái “sĩ diện hão” là chính phủ Venezuela là chính phủ lo cho dân, tất cả vì nhân dân Venezuela, nên nó tốt, nó ưu việt.

Khi không thể “sĩ diện hão” được nữa thì nó hướng tới mị dân – nghĩa là chính phủ Venezuela không còn là chính quyền của người dân Venezuela nữa. Và hệ quả là họ mất lòng dân và tạo điều kiện cho lực lượng đối lập mạnh lên, dần thay thế họ trên vũ đài chính trị tại Venezuela thông qua bầu cử tự do – cơ chế uỷ nhiệm quyền lực nhân dân.

Có thể nhận định rằng, Tổng thống Maduro và chính phủ của ông ta đã kế thừa và thực hiện chính sách mị dân. Một sự bác ái không dựa trên sự công bằng sẽ không thể che giấu, không thể đánh lừa được người dân Venezuela. Và họ đã phải trả giá cho chính sách “ nhân đạo giả tạo thiếu nhân văn” ấy.

“Nền kinh tế Venezuela - phụ thuộc vào dầu thô khi xuất khẩu dầu thô chiếm khoảng 95% doanh thu xuất khẩu của đất nước – rơi vào khủng hoảng khi giá dầu giảm mạnh. Các nhà đầu tư ngày càng quan ngại về khoản nợ khổng lồ mang tính mặc định của Venezuela”, theo BBC bình luận.

Việc tăng giá nhiên liệu càng chứng tỏ chính phủ ấy đã không phải là chính phủ tiến bộ và không có khả năng lãnh đạo đất nước. Việc tăng giá nhiên liệu hay phá giá tiền tệ chỉ là một trong những biện pháp chữa cháy mà thôi.

Chính sách và chương trình hành động của một chính phủ không chỉ đơn giản như vậy, mà nó phải dựa trên bản chất của nhà nước và những nguyên lý làm nền tảng cho sự hình thành và những nguyên tắc đảm bảo cho sự tồn tại của nó.

Qua đây có thể thấy rằng, một chế độ chính trị tiến bộ và nhân văn tạo ra động lực và tận dụng nguồn lực thúc đẩy xã hội phát triển phải dựa trên sự công bằng xã hội. Và xã hội sẽ là xã hội văn minh khi nhà nước thực hiện những hành động mang tính nhân đạo – bác ái. Mọi chính sách dối trá, lừa dân đều là phản động và ngày càng làm suy yếu chính quyền, tình hình tại Venezuela đang diễn ra như thế.

NGuồn Giáo dục

No comments:

Post a Comment