Graham Webster
Phạm Nguyên Trường dịch
Phản ứng chính thức của chính phủ
của Trung Quốc trước hoạt động “tự do hàng hải” (FON) của hải quân Mỹ trong khu vực 12 hải lý của một
hòn đảo do Trung Quốc tạo ra và chiếm đóng ở biển Đông là một câu đố đa ngôn ngữ.
Nhưng nghiên cứu cẩn thận phiên bản tiếng Hoa các báo cáo của Bộ Ngoại giao và
Bộ Quốc phòng cho thấy họ cực kỳ tinh tế trong ngôn từ và một nỗ lực dường như
có phối hợp nhằm duy trì sự mơ hồ mang tính chiến lược về những câu hỏi quan trọng
về quan điểm của Trung Quốc.
Các quan chức Trung Quốc có tin rằng
hải quân Mỹ đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc hay không? Không rõ. Họ có
tuyên bố chủ quyền hàng hải xung quanh những hòn đảo được xây dựng, vượt quá những
quyền mà Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) cung cấp hay không? Không rõ ràng.
Họ có xác định chính xác lý do vì sao hành động của Mỹ lại được coi là bất hợp
pháp hay không? Không hẳn - nhưng cánh cửa vừa hé mở.
Báo cáo chính thức của Trung Quốc
gần như không có kẻ hở nào trong việc giữ cho những câu hỏi này không có câu trả
lời, trừ vấn đề sẽ được thảo luận bên dưới. Làm như vậy đòi hỏi phải thay đổi
trong ngôn từ giữa những tuyên bố trước đó, tức là những tuyên bố nhằm cảnh báo
chống lại các hoạt động FON và những lời phản đối được đưa ra trong tuần này,
sau khi sự kiện đã xảy ra. Trong tháng 5, Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại
giao đã cảnh báo Mỹ, không được “vi phạm (qīnfàn) chủ quyền của Trung Quốc và
đe dọa (Weihai) an ninh quốc gia của Trung Quốc”. Nhưng đầu tháng này, Hoa Xuân
Oánh lại phản đối “hành vi xâm phạm (qīnfàn) lãnh hải (lǐnghǎi) và vùng trời
(lǐngkōng) của Trung Quốc”.
Việc sử dụng thuật ngữ “lãnh hải”
cụ thể về mặt pháp lý và từ qīnfàn (dịch là “vi phạm” hay “xâm phạm”) - và một
thuật ngữ được sử dụng trong bối cảnh tương tự gọi là “quốc hữu hóa” quần đảo Senkaku/
Điếu Ngư) của Nhật bản, đặt chính phủ Trung Quốc trước thách thức. Nói chung, theo
UNCLOS, chỉ có những thực thể - trước khi có bất kỳ xây việc xây dựng nào – nổi
trên mặt nước khi thủy triều lên là có thể có lãnh hải 12 hải lý mà thôi. Nếu Hải
quân Hoa Kỳ đi vào trong khu vực 12 hải lý của hòn đảo do con người xây dựng
(thuật ngữ mà tôi sử dụng cho những thực thể nổi lên khi thủy triều xuống), và
chính phủ Trung Quốc nói về “lãnh hải” hoặc phàn nàn về vi phạm (qīnfàn) chủ
quyền, tức là Trung Quốc đưa ra tuyên bố ngấm ngấm, không được UNCLOS ủng hộ.
Trên thực tế, sứ mệnh của Mỹ được thiết kế rõ ràng nhằm quản
lý chính cuộc thử thách bằng cách đi vào vùng 12 hải lý xung quanh công trình
xây dựng trên bãi Vành Khăn (Subi Reef), tức là bãi cạn mà mọi người đều công
nhận rằng lúc đầu nó chỉ nổi lên trên mặt nước khi thủy triều xuống. Các quan
chức Trung Quốc có măc bẫy hay không?
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Lu
Kang, đã đưa ra những phản ứng chi tiết đầu tiên. Lu Kang khẳng định rằng tàu chiến
Mỹ “xâm nhập trái phép vùng biển gần” những thực thể ở biển Đông. Đối với “vùng
biển gần”, ông ta không sử dụng thuật ngữ Trung Quốc dùng cho lãnh hải, thay
vào đó, ông ta gọi là línjìn hǎiyù, nghĩa đen là “gần” hay “lân cận”. Lu Kang
nói rằng hoạt động của Mỹ “đe dọa (wēixié) chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”,
nhưng ông ta không nói những lợi ích đó bị vi phạm hay xâm phạm. Sau đó, trong
tuyên bố, Lu Kang khẳng định rằng chủ quyền của Trung Quốc trên “Quần đảo Nam
Sa và vùng biển lân cận (Fujin hǎiyù)”, tức là sử dụng một cách mỉa mai thuật
ngữ khác của Trung Quốc, khác với thuật ngữ mà người ta nói rằng Mỹ đã thâm nhập
vào.
Cuối cùng, làm nhẹ bớt lời cảnh
báo trước đó của Hoa Xuân Oánh nhằm chống lại việc sử dụng FON như một cái cớ để
“vi phạm” chủ quyền, Lu Kang nói rằng Trung Quốc phản đối sử dụng FON như một
cái cớ để “làm hại (sǔnhài) ... chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”. Cuối
cùng, Lu Kang kêu gọi Mỹ tránh hành động “gây phương hại (wēixié) tới chủ quyền
và an ninh của Trung Quốc”, tức là trở lại với động từ được dùng nhằm mô tả những
điều mà Lu Kang đã cáo buộc Hải quân Mỹ làm trong ngày hôm đó.
Trong tuyên bố này, Lu Kang tránh
đưa ra quan điểm rõ ràng hay ám chỉ việc: liệu Vành Khăn (Subi Reef) có thể tạo
ra lãnh hải 12 hải hay không, liệu hải quân Mỹ có vi phạm chủ quyền của Trung
Quốc hay không, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên những khu vực cụ thể nào, và
ngưỡng leo thang trong những cuộc đối đầu trong tương lai nằm ở đâu. Quả là một
kỳ công và được thứ trưởng Ngoại giao Zhang Yesui lặp lại, như được trình bày trong
cuộc gặp với đại sứ Mỹ, Max Baucus.
Nhưng chưa hết. Trong khoảng thời
gian này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng, Yang Yujun, cũng đưa ra tuyên bố của
mình. Yang cũng tránh thuật ngữ “lãnh hải” (lǐnghǎi), thay vào đó, ông ta sử dụng
thuật ngữ “vùng nước ngoài khơi” (jìnàn shǔiyù) và “vùng biển lân cận” (fùjìn
hǎiyù). Yang tránh gọi hành động của Mỹ là bất hợp pháp, nhưng gọi là sự lạm dụng
(lànyòng) quyền tự do hàng hải được luật pháp quốc tế quy định. Yang tuyên bố rằng
hành động của Mỹ là đe dọa nghiêm trọng (yánzhòng wēixié) đối với an ninh quốc
gia của Trung Quốc (mặc dù không nhất thiết phải là đe dọa chủ quyền), và kêu gọi
Mỹ tôn trọng mối quan tâm của Trung Quốc về chủ quyền và an ninh quốc gia.
Bằng cách tránh thuật ngữ “lãnh hải”
và bất kỳ tuyên bố rõ ràng nào về cơ sở để gọi hành động của Mỹ là bất hợp
pháp, phần lớn các quan chức đều duy trì sự mơ hồ được chăm chút một cách kỹ lưỡng
của Trung Quốc về bản chất của các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Bằng
cách làm như vậy, họ đã phủ nhận một trong những mục tiêu của các nhà lập kế hoạch
của Mỹ trong việc tiến hành các hoạt động FON nhằm buộc các quan chức cứng đầu
của Trung Quốc phải đưa ra tuyên bố khó có khả năng tìm được sự ủng hộ trong luật
pháp quốc tế.
Nhưng người ta phải từ bỏ một vài
sự không rõ ràng. Ngày 28 tháng 10, Lu Kang tuyên bố: “Những gì Mỹ đã làm vi phạm
(wéifǎn) Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển cũng như bộ luật liên quan của
Trung Quốc”. Nếu những tuyên bố trong tương lai xác nhận quan điểm của Trung Quốc
cho rằng hành động của Mỹ là vi phạm UNCLOS, chính phủ Mỹ sẽ có những câu hỏi rất
chính đáng. Chính phủ Trung Quốc dựa vào thẩm quyền nào để tuyên bố về chủ quyền
trên những vùng biển đó? Trung Quốc có khẳng định lãnh hải xung quanh bãi Vành
Khăn (Subi Reef) hay không? Nếu thế, làm sao con tàu đó lại vi phạm những quy định
về việc tự do đi lại như được nêu trong UNCLOS? Cách khác, Trung Quốc có khẳng
định khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) ở Biển Đông hay không? Nếu thế, ranh giới
của nó nằm ở đâu, và điều gì làm cho Trung Quốc cáo buộc tàu Mỹ đã vi phạm quy
định của UNCLOS cho phép hoạt động quân sự trong vùng EEZ?
Luật pháp quốc tế tiến hóa thông
qua các tiền lệ và hoạt động thực tế, và đang có những bất đồng chính đáng trong
giới hàn lâm và ngoại giao về cách áp dụng UNCLOS. Nhưng hiện nay, các quan chức
thận trọng của Trung Quốc không để cho đối thủ những căn cứ cụ thể để có thể tranh
luận.
Graham Webster là nhà nghiên cứu,
giảng viên và cộng tác viên chính tại Trung tâm Trung quốc (The China Center) ở
Yale Law School.
http://thediplomat.com/2015/10/how-china-maintains-strategic-ambiguity-in-the-south-china-sea/
No comments:
Post a Comment