October 28, 2015

Sự hồi sinh của lãnh tụ vĩ đại

Chris Patten

Phạm Nguyên Trường dịch

Trận chiến Waterloo diễn ra cách đây hai trăm năm, sự thất bại thảm hại của Napoleon ở đấy đã tạo ra một lỗ thủng lớn rất lớn trong quan niệm của người Pháp về đất nước mình, đến nỗi tướng Charles de Gaulle, trong cuốn sách viết về lịch sử quân đội Pháp, đơn giản là đã bỏ qua sự kiện này. Tuy nhiên, Napoleon, cũng như de Gaulle, cả hai người dễ dàng được đưa vào danh sách các nhà lãnh đạo vĩ đại của lịch sử - dĩ nhiên là với giả định rằng người ta coi “vĩ đại” là đặc điểm mang tính cá nhân.
Chỉ có một người châu Âu duy nhất đương thời là có thể tranh danh hiệu vĩ đại, đấy là thủ tướng Đức, Angela Merkel, cũng là người đứng đầu Liên minh châu Âu trên thực tế.


Nếu được hỏi thì chắc chắn là Marx và Tolstoy sẽ nói rằng không có khái niệm “lãnh tụ vĩ đại”. Marx cho rằng cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp đã tạo nên những tình huống, trong đó một kẻ “tầm thường kỳ cục” -  đấy là Napoleon - đã trở thành anh hùng. Còn đối với Tolstoy, Napoleon không phải là một viên tướng giỏi, chính lòng can đảm và tận tụy của tất cả các binh sĩ Pháp, những người đã thắng trong trận Borodino, đã đưa ông ta tới chiến thắng.

Cho dù Napoleon có là người vĩ đại hay không, câu hỏi vẫn là: Có nhà lãnh đạo nào xứng đáng với dang xưng đó hay không. Và nếu có thì là ai?

Dường như có hai tiêu chí đặc biệt quan trọng để đánh giá sự lãnh đạo vĩ đại. Cả hai đều do nhà triết học-chính trị, Isaiah Berlin, đưa ra. Trước hết, nhà lãnh đạo có nhận thức được chiều hướng của lịch sử hay không? Otto von Bismarck đã nhận thức được, đồng nghiệp người Đức của ông, ông Konrad Adenauer, cũng nhận thức được. Cả hai người đều - theo cách nói của Bismarck - có thể nghe thấy “tiếng sột soạt của tấm áo choàng của Đức Chúa Trời”.

Thứ hai, nhà lãnh đạo có cần đưa ra những quyết định quan trọng hay không? Tất nhiên, nếu nhà lãnh đạo bị buộc phải chấp nhận quyết định thì không thể ghi nhận công lao (hay phê phán) ông ta hay bà ta về những quyết định đó. Vì vậy, điều quan trọng là nhà lãnh đạo có cơ hội để xem xét những phương án lựa chọn thay thế và chọn được phương án đúng cho đất nước mình.

Đây là lý do vì sao de Gaulle gần như chắc chắn sẽ nằm trong tất cả các danh sách liệt kê các nhà lãnh đạo vĩ đại. Gần như một mình ông đã cứu nước Pháp, không để nước này tụt hạng,  sau Thế chiến II. Sau khi trở lại quyền lực vào năm 1958, ông đã cứu đất nước lần thứ hai. Ông đã dẹp tan hai vụ âm mưa đảo chính, chấm dứt cuộc chiến ở Algeria và truyền cảm hứng cho hiến pháp của nền Đệ Ngũ Cộng hòa.

Tương tự như thủ tướng Anh, Winston Churchill, de Gaulle đã đem đến cho người Pháp một thế giới quan mới, chính thế giới quan này đã xác lập vị trí của nước Pháp trong trật tự thế giới thời hậu chiến. Trên thực tế, thế giới quan mà de Gaulle và Churchill thiết lập cho đất nước của họ hóa ra là không có nhiều ảnh hưởng. Những người kế nhiệm họ tiếp tục nhận thức thế giới - và vai trò của nước họ trên thế giới - theo những cách góp phần ngăn cản những thảo luận theo lối duy lý và làm méo mó quá trình ra quyết định trong suốt nhiều năm ròng. Kết quả là, sau đó, ở cả hai nước này đều không có lãnh đạo nào giữ được vị trí tương xứng với họ.

Nhưng có một thủ tướng Anh, người có thể tiệp cận với hai ông này: đấy là bà Margaret Thatcher, một nhân vật đầy tranh cãi, bà được nhiều người yêu và cũng bị nhiều người thù ghét. Thậm chí vụ từ chức của bà – cách đây 25 – cũng do cuộc nổi loạn trong chính nội các và đảng của bà. Nhưng một người không cần phải được được tất cả mọi người cùng thích - hoặc thậm chí đáng yêu – mới là một nhà lãnh đạo vĩ đại. Và sự kiện là ngay cả những người không ưa bà Thatcher cũng không thể phủ nhận ảnh hưởng của bà.

Không chỉ là nữ thủ tướng đầu tiên của nước Anh và là một trong những nữ thủ tướng đầu tiên trên thế giới, bà Thatcher đã giúp phục hồi nền kinh tế đang suy thoái của nước Anh. Hơn nữa, cuộc tấn công của bà vào tổ chức công đoàn đầy sức mạnh đã làm cho nước Anh trở thành quản lý được đúng vào lúc đất nước dường như đang rơi vào tình trạng tê liệt và rối loạn. Với những thành tích như thế, bà chắc chắn là ứng cử viên cho danh hiệu “lãnh tụ vĩ đại”.

Tương tự như thế, Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc có thể được coi là lãnh tụ vĩ đại, mặc dù ông ta đã có những thành tích còn lâu mới được coi là trong sạch. Ngoài những việc làm đen tối khi còn là một trong những phụ tá của Mao, Đặng Tiểu Bình còn có vai trò quyết định trong việc ra lệnh thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Nhưng Đặng cũng đã giải phóng thị trường, đưa đất nước bước vào con đường hướng tới tốc độ tăng trưởng và thịnh vượng chưa từng có, cuối cùng đã đưa hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Nhiều người sẽ coi Lý Quang Diệu, người sáng lập và giữ chức thủ tướng trong nhiều năm ở Singapore, là lãnh tụ vĩ đại, mặc dù có lẽ ông sẽ chấp nhận cơ hội để kiểm tra khí phách của mình trên đấu trường rộng lớn hơn. Còn trên thực tế, dường như kích thước có ảnh hưởng đến khả năng của một người trong việc bảo vệ danh hiệu lãnh tụ vĩ đại của người đó. Tôi không định xúc phạm đến Hoàng gia Luxembourg (House of Luxembourg) khi tôi nói rằng đất nước quá nhỏ bé thì khó có lãnh tụ vĩ đại, nhất là chính sách nói chung là không thể tranh cãi của nước này.

Mỹ chắc chắn là nước lớn, đủ sức tạo ra các nhà lãnh đạo vĩ đại. Một số vị tổng thống quả là đã làm được những việc vĩ đại. Harry Truman và Dwight Eisenhower – chắc chắn là những trí thức khổng lồ - đã có những quyết định tuyệt vời, đấy là khi họ thiết lập trật tự quốc tế thời hậu chiến, trật tự đã duy trì được hòa bình ở nhiều nước trên thế giới suốt nhiều thập kỷ qua. Một số người khác, trong đó có Ronald Reagan và Bill Clinton, có khả năng nói siêu đẳng - khả năng truyền cảm hứng hay có tài thuyết phục.

John F. Kennedy có cả hai, mỗi thứ một chút. Ông đã làm được một việc vĩ đại: giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Và khả năng vận động quần chúng có một không hai.

Ở châu Phi, sau khi tổng thống Nam Phi Nelson Mandela chết, không thấy có nhân vật vĩ đại nào. Nelson Mandela là người kết hợp được lòng can đảm, uy quyền và sự cao thượng. Trên thực tế, ông là một trong những nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn và quyến rũ nhất mà tôi từng gặp; hai người kia - cựu tổng thư ký LHQ Kofi Annan và cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell – cả hai đều là người châu Phi hoặc người Mỹ gốc Phi.
Hiện nay thì sao? Chỉ có một người châu Âu duy nhất đương thời là có thể tranh danh hiệu vĩ đại, đấy là thủ tướng Đức, Angela Merkel, cũng là người đứng đầu Liên minh châu Âu trên thực tế. Tương tự như cựu thủ tướng Helmut Kohl, ban đầu người ta chưa đánh giá cao bà, nhưng bà đã đưa ra những quyết định lớn, đúng đắn. Kohl đã đưa ra những điều kiện hào phóng cho việc thống nhất nước Đức; Merkel đã đứng lên chống cuộc can thiệp của tổng thống Nga Vladimir Putin vào ở Ukraine, và bà đã thái độ rộng lượng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Tôi tin rằng Marx và Tolstoy đã lầm. Lãnh đạo chính trị - cả đàn ông lẫn đàn bà nhận trách nhiệm đó - có thể tạo ra khác biệt thực sự, cả tốt hơn lẫn xấu hơn. Bà Merkel hiện nay là ví dụ rõ ràng, bà đã chỉ ra phương hướng cho châu Âu, châu lục này cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng hiện sinh đầy thử thách mà họ đang gặp.

Chris Patten, Thống đốc cuối cùng của Anh ở Hồng Kông, cựu ủy viên của EU về công tác đối ngoại, hiện là hiệu trưởng Đại học Oxford (University of Oxford).



Đã đăng trên http://www.ijavn.org/2015/10/vntb-su-hoi-sinh-cua-lanh-tu-vi-ai.html

No comments:

Post a Comment