September 1, 2015

Kerry Brown - Vì sao Trung Quốc lại là cơn ác mộng khủng khiếp nhất của chính mình?


Phạm Nguyên Trường dịch

Lãnh đạo Trung Quốc coi ổn định là quan trọng nhất – và chính Trung Quốc là đất nước bất ổn đến mức không thể nào dự đoán được.

Với tất cả sự phức tạp của quan hệ tương tác của Trung Quốc với thế giới bên ngoài, sau khi nước này phát triển và trở thành tay chơi lớn về mặt địa chính trị và kinh tế lớn trong ba thập kỷ qua, những nguyên tắc cơ bản mà họ dựa vào khá đơn giản và đủ độ tin cậy. Từ thời Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã tìm được một tiêu chí quan trọng nhất trong các đối tác chính của nó, dù đấy có là Hoa Kỳ, EU, Nga hoặc các nước láng giềng của Trung Quốc thì cũng thế - đó là tính ổn định và có thể dự đoán được. Nhưng não trạng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là não trạng của nạn nhân; họ coi Trung Quốc là đất nước dễ bị tổn thương, đấy là do thời gian bị mất mát trong “thế kỷ bị sỉ nhục” và sử dụng thời khắc hiện này nhằm khắc phục sự bất công của lịch sử hiện đại. Cơ hội chiến lược kéo dài hai thập kỷ mà Giang Trạch Dân nói tới vào năm 2000, hiện nay đã đi được ba phần tư đoạn đường, chính là nhắc đến quá trình khắc phục này.


Về mặt lý thuyết, kết thúc giai đoạn này đã không còn bao xa. Đến năm 2021, Trung Quốc sẽ tung ra mục tiêu một trăm năm đầu tiên của mình: trở thành quốc gia “tương đối thịnh vượng”. Điều đó ít nhất là không trệch khỏi tầm nhìn của Đặng Tiểu Bình trong những năm đầu thập niên 1980, đúng vào giai đoạn khởi đầu của việc xoay trục mang tính sử thi của Trung Quốc, tức là trở lại với thế giới sau ba thập kỷ bất hòa và cách ly. Cuốn tiểu sử nhà cựu lãnh đạo tối cao của Trung Quốc do Andrei Pantsov và Stephen Levine chấp bút thể hiện rõ, đấy phần lớn là những tiêu chí đã được Đặng đưa ra - dù thu nhập bình quân đầu người mà người ta kỳ vọng thấp hơn hẳn. Hiện nay tầm nhìn của Đặng vẫn giữ thế thượng phong, mặc dù có những tuyên bố nói rằng Tập Cận Bình có quyền lực như Đặng hay hơn Đặng.

Đặng cũng tạo dựng được mối quan hệ hợp tác rộng lớn hơn giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài. Dưới sự lãnh đạo của Đặng, sự hòa giải với Mỹ đã chuyển thành quan hệ ngoại giao đầy đủ vào năm 1979. Trong những năm 1980 và 1990, Trung Quốc hầu như không sử dụng quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chiến tranh với Việt Nam trong năm 1979 và những cuộc đụng độ kéo dài trong năm năm sau đó là những hành động quân sự thực sự cuối cùng mà Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc chứng kiến. Sau đó là cuộc nổi dậy năm 1989 và vụ đàn áp đầy bạo lực, nhưng về tổng thể, từ những năm 1980 Trung Quốc là đất nước hòa bình, và là lực lượng hội nhập và hợp tác. Nước này mới lớn tiếng đe dọa, chứ chưa ra tay với ai.

Phần thưởng cho cách hành xử đó là sự phát triển kinh tế tốt đẹp mà nước này đã đạt được, ít nhất là cho đến thời gian gần đây. Trung Quốc đã giàu lên và có nhiều ảnh hưởng hơn, nước này đang thực hiện nghệ thuật quân sự của Tôn Tử, rằng chiến thắng trên chiến trường mà không phải động đến một ngón tay. Nước này để cho tàu bè chở hàng hóa và tiền bạc đi qua để làm lợi cho mình, không cần hạm đội và những cuộc tấn công quân sự mà vẫn chinh phục được thế giới.

May là quá trình này diễn ra trong môi trường bên ngoài ổn định và thân thiện. Mặc dù có những trục trặc, từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 tới cuộc khủng hoảng toàn cầu xảy ra gần một thập kỷ sau đó, nói chung, từ các thị trường quan trọng nhất của nước này như Mỹ và EU cho các đối tác trong khu vực chính là Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc đã gặp những hệ thống chính trị ổn định, thách thức lớn là thay đổi chính quyền chứ không phải là thay đổi hệ thống chính trị. Trớ trêu là, tuy là chế độ phi dân chủ nhưng Trung Quốc thu được lợi ích to lớn từ các chế độ dân chủ nằm xung quanh nước này, các nước dân chủ là những đối tác kinh tế đáng tin cậy và quan trọng nhất của Trung Quốc, dù nước này đang tìm kiếm những thị trường mới ở châu Phi và châu Mỹ Latin. Trung Quốc đã lợi dụng chế độ pháp quyền và và ổn định của những đối tác của mình. Đất nước này đã ăn bám vào hệ thống mà ở trong nước Bắc Kinh tuyên bố không phù hợp và không thích hợp với hoàn cảnh của nước mình.

Sự kiện khủng khiếp nhất là nguồn gốc lớn nhất làm cho Trung Quốc trở thành không dự đoán được lại là chính nước này. Những nhà hoạch định chính sách ở Mỹ, Anh, Úc, và hầu hết các nước dân chủ khác biết một cách gần đúng kiểu hệ thống chính trị và kinh tế nào có nhiều khả năng giữ thế thượng phong trong nước của họ trong vòng 2, 3 thập kỷ tới. Dù tất cả những câu chuyện về các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều nói rằng họ có thể tư duy dài hạn, trong khi các chế độ dân chủ dân cử có thể không làm được như thế, đây chỉ là một nửa câu chuyện. Các nhà hoạch định chính sách ở các nước dân chủ không phải suy nghĩ quá nhiều về nhiều vấn đề lớn mà những đối tác của họ ở Trung Quốc phải làm - như xây dựng pháp luật, hệ thống thuế khóa và những nguyên tắc cơ bản của quản trị - chủ yếu là do hệ thống của họ có đủ khả năng dự báo vốn có, cho nên họ không phải lo lắng quá mức về những vấn đề này. Thay vào đó, họ phải giải quyết những vấn đề nhỏ hơn, diễn ra hàng ngày. Đây không phải là mặt yếu mà là món hàng xa xỉ phẩm  - một món hàng mà người Trung Quốc sẽ rất thích.

Đối với Trung Quốc, sẽ là một người dũng cảm – dù ở trong hay ngoài nước – nếu dám viết một bài tiểu luận dự đoán hệ thống chính trị nào sẽ giữ thế thượng phong trong thập kỷ tới, chứ chưa nói tới hai hoặc ba thập kỷ. Điều này không có nghĩa là bắt buộc chấp nhận chế độ  dân chủ đa đảng. Thay vào đó, đấy là công nhận rằng, các chính trị gia ở Trung Quốc nói về nhu cầu cải cách hầu như mỗi ngày, họ nói thường xuyên hơn và nhiệt tình hơn các đối tác phương Tây. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc biết rằng hệ thống của họ cần có những thay đổi căn bản, thậm chí ngay cả khi họ không có kế hoạch chi tiết rõ ràng về mục tiêu và những biện pháp để đạt mục tiêu đó. Nền chính trị ở Trung Quốc là nguyên nhân sâu xa của tính không dự đoán được ở trong nước và là trung tâm của nhu cầu về việc có càng ít rắc rối ở nước ngoài thì càng tốt.

Đương nhiên là, có những vấn đề có hiệu ứng phụ, như những năm gần đây đã cho thấy, đặc biệt là ở Biển Đông. Nhưng ở trong nước, nguyên tắc có tính mệnh lệnh là cái gọi là “tính quyết đoán” của Trung Quốc trong khu vực của mình, và điều này, theo một nghĩa nào đó chỉ đơn giản là xuất khẩu những vấn đề ở trong nước ra ngoài biên giới của nó, là đây là lời giải thích có sức thuyết phục nhất cho những hành vi dường như là tự chuốc lấy thất bại .

Điểm mấu chốt là việc Trung Quốc đầu tư và tham gia vào lãnh thổ nước khác như Úc hay Mỹ là Trung Quốc tìm kiếm sự ổn định gián tiếp, chứ không phải là bằng chứng chứng tỏ rằng Bắc Kinh đang cố gắng thay đổi thế giới cho phù hợp với hệ thống của mình. Nếu thế giới cư xử và được xây dựng hệt như Trung Quốc thì đấy sẽ thực sự là cơn ác mộng khủng khiếp nhất của Trung Quốc, còn khủng khiếp hơn là chúng ta có thể tưởng tượng.

Kerry Brown là trưởng ban nghiên cứu Trung Quốc và mạng lưới cố vấn của châu Âu (ECRAN) do EU tài trợ và là cộng tác viên của Chatham House, London.

Ông là tác giả cuốn The New Emperors, cuốn sách viết về ban lãnh đạo của nước Trung Hoa hiện đại.



Nguồn http://thediplomat.com/2015/08/why-china-is-its-own-worst-nightmare/

No comments:

Post a Comment