September 2, 2015

Trịnh Sơn - Kẻ thù ở đâu


(về cuốn sách Catalonia – Tình yêu của tôi của George Orwell,
 do dịch giả Phạm Nguyên Trường chuyển ngữ)
Catalonia - Tình yêu của tôi, Alphabook - 2013

“Kẻ thù ở đâu?

Benjamin vung tay thành một vòng tròn. “Đằng kia kìa”. (Benjamin nói bằng tiếng Anh, nghe như đấm vào tai)
Nhưng ở đâu?”



Đây là một đoạn trích rất nhỏ trong cuốn sách Homage to Catalonia của George Orwell do dịch giả Phạm Nguyên Trường chuyển ngữ với tiêu đề Catalonia – Tình yêu của tôi. Một đoạn nhỏ, nhưng ý nghĩa của nó không nhỏ, lặp đi lặp lại và bao trùm toàn bộ tác phẩm. Bao trùm toàn bộ cuộc nội chiến đẫm máu của những chiến sĩ cách mạng chống phát xít trong những năm 1936 – 1937 ở Catalonia, Tây Ban Nha.

Bao trùm không khí cách mạng đặc trưng bởi hai màu đỏ và đen, hứa hẹn một xã hội “bình đẳng và tự do”, nơi tất cả mọi người, không phân biệt sang, hèn, lớn, nhỏ bắt tay nhau thật chặt, gọi nhau bằng danh xưng “đồng chí”
.

Cả thành phố hoang tàn, bị xé vụn bởi hai màu đỏ và đen ấy. Vô tình hay cố ý, đỏ tượng trưng cho máu, còn đen là ám chỉ địa ngục? Nhà thờ bị đập phá. Mọi tài sản, công trình đều nắm trong tay quân đội với cái “mác” sang trọng: Của chung! Tài sản cách mạng! Người ta đi vào cuộc cách mạng hăng hái, nhiệt tình một cách trong sáng, với những khẩu súng rỉ sét như thể từ mấy thế kỷ trước, những quả lựu đạn với tên gọi “vô tư” vì giết cả người ném lẫn kẻ bị ném. “Centuria, gồm tám mươi người và mấy con chó, thất thểu lên đường. Mỗi đơn vị đều mang theo ít nhất là một con chó, đấy là bùa hộ mệnh của họ. Con chó khốn khổ đi cùng chúng tôi bị đóng dấu trên lưng mấy chữ cái: P.O.U.M. to tướng bằng sắt nung đỏ, dường như nó cũng thấy ngượng vì diện mạo của mình”, trốn chui trốn lủi trong các sườn đồi để kiếm củi, lương thực và chiến đấu. Một lực lượng mang danh nghĩa “tình nguyện” bị những người phê phán coi là: “khiếm khuyết của nó là do sự bình đẳng quá trớn chứ không phải là do thiếu huấn luyện và không đủ khí giới”, và tác giả đúc kết một cách nghiêm khắc: “Giác ngộ chính trị, tức là hiểu vì sao phải thi hành mệnh lệnh là cơ sở của kỉ luật cách mạng, muốn thế phải có thời gian, nhưng muốn biến một con người thành cỗ máy tự động trên sa trường cũng cần thời gian cơ mà”.

Kẻ thù ở đâu?

Tác giả thực thi vai trò của một phóng viên chiến trường: Ghi chép, mô tả tỉ mỉ, chính xác. Không khoa trương, không tô đậm thái quá nhằm mục đích tuyên truyền, mặc dù cảm tình của ông hẳn là nghiêng về, thậm chí có lúc hoàn toàn thuộc về “nghĩa quân”. Cũng như văn hào Ernest Hemingway hay nhà báo kỳ cựu Henry Buckley, George Orwell đến Tây Ban Nha để viết báo, nhưng đã ghi danh tham gia chiến đấu trong đội quân mà ông cho là “chính nghĩa”. Cuộc Nội chiến Tây Ban Nha là một cuộc xung đột lớn, khởi đầu từ nỗ lực đảo chính của một bộ phận Quân đội Tây Ban Nha chống lại chính phủ Đệ nhị Cộng hòa Tây Ban Nha. Cuộc Nội chiến đã tàn phá Tây Ban Nha, kết thúc với thắng lợi của phe nổi dậy và việc thiết lập chế độ phát xít độc tài của Tướng Francisco Franco. Những người ủng hộ nền cộng hòa nhận được sự hỗ trợ của Liên Xô và Mexico, trong khi phe nổi dậy, còn được gọi là phe Quốc gia, nhận được trợ lực từ nước láng giềng Bồ Đào Nha và các cường quốc phát xít là Ý và Đức. Cuộc chiến trở nên nổi tiếng vì nó gây ra sự chia rẽ sâu sắc về mặt chính trị,vì những cảm xúc mạnh mẽ, cũng như vì những tội ác chiến tranh mà các phe tham chiến gây ra. Không đi sâu vào bản chất cuộc chiến cũng như các tiểu tiết nóng bỏng, giòn tan của xứ sở đầy nắng và gió đó, nhưng George Orwell đã khái quát được một trong những khía cạnh lớn nhất của bất cứ cuộc chiến tranh nào, đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra trong thế giới con người: Kẻ thù ở đâu?

Câu trả lời đến từ nhiều phía. Những phe phái tranh nhau công việc xé nát đất nước Tây Ban Nha, nhuộm đỏ những quả đồi và dòng sông. Cái “vung tay thành một vòng tròn” của người lính Benjamin có lẽ bao hàm động tác có phần ngớ ngẩn, ngây thơ nhưng cũng là thái độ giũ bỏ, buông xuôi dữ dội nhất mà tác giả của Trại súc vật và 1984 đã nắm bắt được, sau hàng loạt sự kiện khổ đau, đày ải đất nước và con người Tây Ban Nha. Kẻ thù ở đâu? Tác giả nhiều lần có ý trả lời, nhưng độc giả cảm giác rằng ông chỉ hơi ngập ngừng, bập bẹ môi rồi im lặng. Bày ra một khoảng không đầy hỗn loạn trên trang viết của mình: “Chúng tôi sống một cách bất bình thường, bất bình thường trong chiến tranh, nếu có thể gọi đấy là chiến tranh”. Tác giả (hay dịch giả?) chọn chữ “bất bình thường” trong trường hợp này e rằng hơi thi vị hóa hoàn cảnh ngặt nghèo mà cuộc chiến mang lại. Và lý giải sự nhẹ nhàng, ế ẩm, “bất bình thường” ấy bằng câu trả lời cũng không kém phần nhẹ nhàng, ế ẩm, “bất bình thường” của một vị chỉ huy đội quân ô hợp là Georges Kopp: “Đây đâu phải là chiến tranh. Đây chỉ là một vở hài kịch, thỉnh thoảng mới có một vài người chết mà thôi”.

Cataloina - Tình yêu của tôi, Domino Books, 2018

Nếu như trong Trại súc vật, George Orwell sử dụng bút pháp ẩn dụ, tượng trưng đến cực độ để châm biếm một cách chua cay nhất về bối cảnh hiện thực và gióng lên những hồi chuông tiên tri cho thế hệ sau – thì, Catalonia– Tình yêu của tôi lại là bức tranh buồn thảm: đẹp buồn thảm, lý tưởng buồn thảm, tương lai buồn thảm. Buồn thảm tổng quan. Buồn thảm chi tiết. Buồn thảm bối cảnh. Buồn thảm nhân vật. Buồn thảm đến nổi người ta quen mặt nó, chấp nhận nó và xem nó như một nỗi niềm, một hiện trạng rất đỗi bình thường. Nhà bình luận Arthur Herman rất có lý khi đánh giá: Nghiên cứu thế kỉ XX mà không đọc cuốn sách này là một thiếu sót lớn. Độc giả Việt Nam hoàn toàn có thể có riêng một cái nhìn sắc nét về đất nước Tây Ban Nha thời kỳ nội chiến kinh hoàng này: nỗi đau, vẻ đẹp, tình người, cách cư xử với đồng chí, với kẻ thù,… Nếu như nhà báo Henry Buckley có những kiến giải chuẩn mực và chính xác cùng niềm tin dành cho Tướng Franco trong cuốn Sự sống và cái chết của nền Cộng hòa Tây Ban Nha (The Life and Death of The Spanish Republic), thì George Orwell tập trung tất cả tinh thần và tình cảm nhằm đi sâu vào những xung đột, bất hòa và bất an mà người dân Tây Ban Nha phải chịu đựng: “Cuộc cải cách nông nghiệp ở Tây Ban Nha khó hiểu đến nỗi tôi cũng chẳng biết là ruộng đất đã được tập thể hoá hay là nông dân tự chia ruộng với nhau” và ngay trong vùng Huesca đang có cuộc nội chiến thì: “Những cô thôn nữ xinh đẹp, tóc đen huyền, bước nhún nhảy, cư xử tự nhiên, thẳng thắn, có lẽ đấy là sản phẩm của cách mạng”, cho đến trong nghĩa địa: “Không có một sự kính trọng nào đối với người quá cố!”, và xa hơn nữa là: “nhà thờ chỉ còn là biểu tượng của sự lừa gạt. Ở một mức độ nào đó, niềm tin Thiên chúa giáo đã được thay thế bằng chủ nghĩa vô chính phủ, ảnh hưởng của nó cũng khá rộng và cũng mang màu sắc tôn giáo từ lâu”. Hiện thực cuộc “cách mạng” phơi dưới ánh sáng của ngòi bút nhà văn: “bên dưới cảnh xa hoa và nghèo túng đang gia tăng của nó, bên dưới cảnh hào nhoáng của các đường phố với những quán bán hoa, những lá cờ đầy màu sắc, những biểu ngữ tuyên truyền và đám đông ồn ào của nó, ẩn chứa một cảm giác kinh hoàng và không thể nào lầm lẫn được về lòng hận thù và cuộc đấu tranh chính trị đang diễn ra”. Và, kết thúc bằng một điều chẳng bao giờ kết thúc, một vòng lẩn quẩn Đông Tây kim cổ rối bời: “trái đất hình tròn cho nên nó đã che hết, không cho ta nhìn thấy khói bụi và cảnh khốn cùng”…

Catalonia – Tìnhyêu của tôi, cũng có thể là Tưởng niệm Catalonia và cũng có thể hiểu nguyên nghĩa là "Lòng kính trọng với Catalonia”. Một cảm giác chân thực đối với quá khứ, để đi đến hiện tại và cảnh giác trước tương lai không còn bí ẩn nữa. Dịch giả Phạm Nguyên Trường cẩn trọng và hào phóng với thứ ngôn ngữ có vẻ khó chịu của George Orwell: Anh ngữ, pha lẫn giọng điệu đặc biệt hùng tráng theo phong cách địa phương Tây Ban Nha, Ý và nhiều phương ngữ khác như bản chất ô hợp của đội quân vô chính phủ trong cuộc nội chiến. Cuốn sách công bố lần đầu tiên vào năm 1938, không được xuất bản tại Mỹ cho đến năm 1952, với lời đánh giá cao của Lionel Trilling: cuốn sách “nâng Orwell lên tầm của một vị thánh trường tồn”. Hiện nay, tác phẩm này đã được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới. Và, lần đầu tiên Catalonia – Tình yêu của tôi được thể hiện chính bản thân nó bằng Việt ngữ.

Núi Dinh, 2/9/2013
TS.

Nguồn http://tuyluan.blogspot.com/2015/09/ke-thu-o-au.html#gpluscomments

1 comment: