September 21, 2015

Gabriel Openshaw - Bỏ phiếu bằng chân: Các nước tự do hơn hạnh phúc hơn và giàu có hơn

Phạm Nguyên Trường dịch

Tự do kinh tế càng cao thì người dân càng giàu có hơn và hạnh phúc hơn.
Người dân Mỹ tham gia lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Obama. 

Từ luật lương tối thiểu đến thuế lũy tiến cao hơn, rồi tổ chức công đoàn lớn hơn đến những chương trình phúc lợi rộng lớn hơn, rồi quản lý nhiều hơn, những người theo phái tự do cánh tả đòi hỏi chính quyền trung ương mạnh hơn và hoạt động tích cực hơn về mặt kinh tế. Nhưng những người ủng hộ chế độ kinh doanh tự do (laissez-faire),thì lại ủng hộ chính phủ nhỏ hơn, ít quy định hơn, thuế thấp hơn, và nhiều cơ hội cho cá nhân và quyền sở hữu tài sản lớn hơn.

Trên thực tế, chính sách kinh tế nào tạo ra kết quả tốt hơn?

Chúng ta đã chứng minh rõ ràng - thông qua tỷ lệ người di cư trên bình diện quốc tế và ở Mỹ - rằng người dân trên khắp thế giới tự nhiên là đều hướng về những nơi có nhiều tự do kinh tế hơn. Trong tất cả các nước và thậm chí là trong các bang, mỗi năm có hàng triệu người đi từ nơi thuế suất cao hơn và nhiều quy định hơn sang những nơi có thuế suất thấp hơn và ít quy định hơn. Nhưng đời sống của họ có được cải thiện hay không?

Có.


Xin xem qua năm mươi bang của Mỹ, được sắp xếp theo mức độ tự do kinh tế. Những bang được xếp cao nhất thì gánh nặng thuế khóa thấp hơn, tôn trọng quyền sở hữu hơn, chi tiêu chính phủ thấp hơn, và tự do của thị trường lao động:

Mức độ tự do kinh tế ở Mỹ (các bang)
Mười bang đầu bảng
Mười bang cuối bảng
1. South Dakota
41. Mississippi
2. North Dakota
42. Connecticut
3. Tennessee
43. Maine
4.     Idaho
44. Rhode Island
5.     Oklahoma
45. West Virgina
6.     Virgina
46.Vermont
7.     New Hampshire
47. Hawaii
8.     Utah
48.New Jersey
9.     Arizona
49. California
10.  Georgia
50. New York

Xem xét sự khác biệt về giá sinh hoạt, thu nhập trung vị (median incomes) của hộ gia đình trong mười bang tự do nhất về kinh tế là 52.334 USD, cao hơn đáng kể so với thu nhập trung vị (median incomes) trong mười bang ít tự do nhất (43.090 USD). Nghĩa là chuyển các chính sách của chính phủ bang sang chính phủ nhỏ hơn thì người lao động được tăng lương thêm 21%. Nếu làm như thế trên bình diện quốc gia thì mức tăng còn cao đến đâu?


Trung vị
Mỹ gốc Phi
GốcTây Ban Nha
Mỹ gốc Á
Dân nhập cư
10 tự do nhất
52.334 USD
33.182 USD
39.748 USD
58.504 USD
46.328 USD
25 tự do nhất
50.369 USD
32.697 USD
37.999 USD
57.705 USD
44.787 USD
25 ít tự do nhất
47.758 USD
31.196 USD
37.136 USD
56.130 USD
44.681 USD
10 ít tự do nhất
43.090 USD
29.263 USD
34.707 USD
48.308 USD
41.598 USD

Những kết quả quan sát được không phải vấn đề chủng tộc hay nguồn gốc xuất thân: người Mỹ gốc Phi, Mỹ gốc Tây Ban Nha, Mỹ gốc châu Á và những người nhập cư ở những bang tự do hơn về kinh tế cũng có thu nhập cao hơn đáng kể. Trong khi những người theo chủ nghĩa tự do cánh tả nên được tán dương vì sự quan tâm rõ ràng của họ đối với quyền lợi ích của người thiểu số thì sự thật lại là chính sách của họ đem lại kết quả tồi tệ nhất cho chính những nhóm dân thiểu số: những người sống trong các bang bị quản lý nhiều hơn và thuế khóa nặng nề hơn có mức sống thấp hơn.

Có thể nghĩ rằng đấy có thể là do các bang thành thị và các bang nông thôn chứ không phải là chính sách, nhưng trong mười bang tự do nhất có 71% người dân sống ở đô thị, trong khi mười bang ít tự do nhất, con số đó là 72% - sự khác biệt là không đáng kể. Hơn nữa, những bang nằm giữa thậm chí còn có nhiều người sống ở thành thị hơn, ở mức 75%, tức là không có mối tương quan nào.

Luận cứ phản đối khác là “những người giàu” hay “1% dân số” đã làm sai lệch các con số - bất bình đẳng về thu nhập tràn lan trong những bang với chính phủ nhỏ hơn, nhiều người vẫn tin như thế. Thực ra là hoàn toàn ngược lại.

Sử dụng thu nhập trung vị (median incomes) làm thước đo (chứ không phải thu nhập trung bình - average incomes) loại bỏ một cách hiệu quả ảnh hưởng của những người rất giàu lên các con số. Và tỷ lệ nghèo trong hầu hết các bang tự do nhất (13,3%) thấp hơn những bang ít tự do nhất (15,1%).

Nhưng thước đo thực sự bất bình đẳng về thu nhập là chỉ số Gini (Gini endex) và tạm thời chúng ta có thể để sang một bên sự kiện là thu nhập trung vị (median incomes) là thước đo về thịnh vượng kinh tế tốt hơn hẳn bất bình đẳng thu nhập (ví dụ, 100 người làm được 1 USD một ngày là hoàn toàn bình đẳng nhưng cuộc sống không tốt hơn là chín mươi chín người làm được 2 USD một ngày và 1 người làm được 5 USD một ngày, dù trong trường hợp sau bất bình đẳng cao hơn).


Nghèo
Chỉ số Gini
Gia tăng chỉ số Gini
10 tự do nhất
13,3%
0,446
22%
25 tự do nhất
13,4%
0,448
24%
25 ít tự do nhất
14,4%
0,456
30%
10 ít tự do nhất
15,1%
0,462
30%

Nếu chúng ta giả định bất bình đẳng là thước đo kinh tế quan trọng chứ không phải là sản phẩm phụ bình thường của tăng trưởng kinh tế, thì những bang tự do nhất cũng tốt hơn, với chỉ số Gini 0,446 cao hơn và ít bất bình đẳng hơn chỉ số Gini là 0,462 ở các bang ít tự do nhất. Không chỉ có thế, tốc độ gia tăng bất bình đẳng trong bốn mươi năm qua ở các bang tự do nhất thấp hơn so các bang ít tự do nhất: 22% so với 30%. Nói cách khác, chính phủ càng tham gia thì càng làm gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và tốc độ gia tăng bất bình đẳng cũng tăng lên, trong khi chính phủ nhỏ ít làm gia tăng bình đẳng về thu nhập.

Luận cứ cuối cùng có thể là, trong khi trong những bang mà thị trường tự do hơn thu nhập có thể cao hơn, nhưng các quy định và can thiệp của chính phủ tăng lên làm cho dịch vụ chăm sóc tốt hơn và làm gia tăng hạnh phúc và thịnh vượng của nhân dân. Nhưng ngược lại mới đúng .

Viện Gallup công bố chỉ số hạnh phúc (Well Being Index) hàng năm, chỉ số này đo và xếp dân chúng các bang theo năm thước đo quan trọng nhất về hạnh phúc:

Mục đích (thích công việc bạn đang làm hàng ngày và có động cơ nhằm đạt được mục tiêu của mình)
Xã hội (có những mối quan hệ có sức động viên và tình yêu trong cuộc đời)
Tài chính (quản lý đời sống kinh tế của bạn nhằm làm giảm căng thẳng và tăng an toàn)
Cộng đồng (yêu nơi bạn sống, cảm thấy an toàn và cảm thấy tự hào về cộng đồng của mình)
Thể chất (có sức khỏe tốt và đủ năng lượng làm việc mỗi ngày)

Lấy trung bình xếp hạng chỉ số hạnh phúc của từng bang trong bảy năm qua, chúng ta thấy rằng những bang có nhiều tự do kinh tế hơn cũng mang lại nhiều hạnh phúc và thịnh vượng hơn.


Xếp hạng trung bình về hạnh phúc
10 tự do nhất
20,3
25 tự do nhất
23,4
25 ít tự do nhất
27,6
10 ít tự do nhất
26,6

Vì vậy, điều gì sẽ xảy ra khi bạn tạo dựng được môi trường tự do kinh doanh (laissez-faire) hơn và tự do hơn, nơi mọi người kiếm được nhiều tiền hơn, ít nghèo đói hơn, và tìm thấy nhiều hạnh phúc hơn trong cuộc sống của họ? Người ta sẽ muốn đi tới đó. Và quả thực, nhìn sự di cư giữa các bang của Mỹ từ năm 2006 đến năm 2010, chúng ta thấy luồng di cư chung cuộc của 704.000 người từ 25 bang ít tự do nhất về mặt kinh tế đến 25 bang tự do nhất về kinh tế. Nghĩa là hàng trăm ngàn người Mỹ quyết định đi khỏi những chính phủ can thiệp nhiều sang những chính phủ định hướng thị trường tự do hơn.

Đảng chính trị là một tác nhân

Về vấn đề vừa nói, quan trọng là phải phân biệt tư tưởng chính phủ nhỏ với quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa trong bang. Trong khi đúng là có mối liên hệ mạnh mẽ giữa đảng Cộng hòa và tự do kinh tế - 10 bang tự do nhất có chỉ số cử tri ủng hộ đảng (PVI) trung bình của Cộng hòa là R + 10,3 (R là viết tắt đảng Cộng hòa – ND) so với D-6.1 (D là viết tắt đảng Dân chủ - ND) ở 10 bang ít tự do nhất  - đây cũng không phải là mối liên hệ hoàn hảo. Ví dụ, hai trong mười bang đứng đầu (Virginia và New Hampshire) là những bang mà đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ thay nhau kiểm soát, còn hai trong mười bang ít tự do kinh tế nhất (West Virginia và Mississippi) lại luôn luôn bị đảng Cộng hòa kiểm soát.

Cũng cần ghi nhận tự do kinh tế không phải là: chủ nghĩa nghiệp đoàn hay chủ nghĩa tư bản bè phái, nơi mà chính phủ cứu các ngân hàng và tài trợ giá cho những doanh nghiệp có liên hệ về mặt chính trị, mà cả hai đảng chính trị lớn đều mắc. Mà đấy là chính phủ nhỏ hơn, ít can thiệp hơn.

Thực tế là các bang với chính sách thị trường tự do hơn thường có kết quả tốt đẹp hơn: thu nhập trung vị cao hơn, phân phối công bằng hơn, ít nghèo đói hơn, các dân tộc thiểu số và người nhập cư thành công hơn, mức độ hạnh phúc và thịnh vượng nói chung cao hơn. Trong ngôn từ chính trị, cuộc chiến ý thức hệ là rất khốc liệt và đầy ngôn ngữ mị dân; nhưng trong thế giới thực, sự khác biệt về kết quả giữa các chính sách kinh tế đối đầu nhau là rõ ràng.

Gabriel Openshaw có có bằng về kinh doanh quốc tế và là Phó Chủ tịch hiệp hội thương mại điện tử của các nhà bán lẻ quốc gia. Ông có ba quốc tịch và đã khám phá hơn 100 quốc gia trên tất cả bảy lục địa.


Nguồn https://mises.org/library/vote-your-feet-free-states-are-happier-and-richer
Đã đăng trên http://www.ijavn.org/2015/09/vntb-bo-phieu-bang-chan-cac-nuoc-tu-do.html

No comments:

Post a Comment