Tú Bội Đào dịch
Buổi sáng thứ Ba ngày 11/9, chúng tôi rời Frankfurt được
khoảng 5 tiếng và đang bay ngang qua Bắc Đại Tây Dương.
Đột nhiên tấm rèm mở ra và tôi được gọi lên buồng lái gặp
cơ trưởng.
Ngay khi bước vào đó, tôi thấy ngay là tất cả mọi người đều
mang vẻ mặt “có chuyện lớn”. Cơ trưởng đưa tôi một mẩu tin nhắn in trên giấy. Mẩu
tin được gửi từ văn phòng hãng Delta tại Atlanta, có nội dung ngắn gọn: “Tất cả
đường hàng không ngang qua địa phận của nước Mỹ đều bị đóng, áp dụng với tất cả
các chuyến bay thương mại. Hãy hạ cánh KHẨN CẤP xuống sân bay gần nhất. Thông
báo điểm đến cho chúng tôi.”
Không ai giải thích thêm về ý nghĩa của mẩu tin. Chúng
tôi biết rằng đó là một tình thế nghiêm trọng và chúng tôi cần tìm điểm đỗ
trong đất liền ngay lập tức. Cơ trưởng xác định được sân bay gần nhất ở cách
chúng tôi 400 dặm, ở Gander, Newfoundland, Canada.
Ông ta gửi tới phòng điều khiển không lưu của Canada một
yêu cầu đổi đường bay và lập tức nhận được chấp thuận - mà không hề có câu hỏi
nào. Tất nhiên chúng tôi liền nhận ra ngay rằng yêu cầu của mình đã được thông
qua không một chút lưỡng lự.
Trong khi đội bay chuẩn bị cho việc hạ cánh, một tin nhắn
khác đến từ Atlanta cho biết về vụ khủng bố xảy ra ở khu vực New York. Vài phút
sau, tin nhắn tiếp theo nói đến vụ bắt cóc máy bay.
Chúng tôi quyết định NÓI DỐI với hành khách trong khi còn
đang bay. Chúng tôi nói rằng máy bay có một trục trặc nhỏ và cần hạ cánh xuống
sân bay gần nhất ở Gander để kiểm tra.
Chúng tôi hứa sẽ cung cấp thêm thông tin sau khi hạ cánh.
Rất nhiều lời xì xào từ phía hành khách, nhưng chẳng có thêm tin gì mới.
40 phút sau, chúng tôi hạ cánh ở Gander. Giờ địa phương ở
Gander khi đó là 12:30 trưa, tức là 11 giờ sáng theo giờ Mỹ. Ở đó đã có khoảng
20 máy bay khác đến từ khắp nơi trên thế giới và đều đang trên đường đến Mỹ.
Khi cho máy bay đỗ xong, cơ trưởng đưa ra thông báo:
“Thưa quý vị, chắc hẳn mọi người đang thắc mắc liệu có phải là những chiếc máy
bay kia cũng gặp trục trặc giống chúng ta. Thực tế là chúng ta có mặt tại đây
vì một lý do khác.”
Rồi với những thông tin ít ỏi mà chúng tôi có được, ông
giải thích tình thế đang xảy ra ở Mỹ. Nhiều tiếng thở mạnh và những cái nhìn
nghi ngờ, không tin. Cơ trưởng tiếp tục thông báo là bộ phận điều khiển mặt đất
của Gander yêu cầu chúng tôi vẫn phải sẵn sàng bay.
Chính phủ Canada đứng ra chịu trách nhiệm về tình trạng của
chúng tôi và không ai được phép rời khỏi máy bay. Không ai bên ngoài được đến gần
bất cứ chiếc máy bay nào. Chỉ có cảnh sát sân bay được đi kiểm tra quanh máy
bay theo lịch, họ nhìn qua tình trạng của chúng tôi rồi lại đi sang từng máy
bay khác.
Khoảng một tiếng sau đó, có thêm rất nhiều máy bay hạ
cánh xuống Gander. Cuối cùng tổng số là 53 máy bay đến từ khắp nơi trên thế giới,
trong đó 27 cái là máy bay thương mại của Mỹ. Cùng lúc đó, vài mẩu tin phát ra
từ radio trên máy bay, nhờ đó chúng tôi mới biết là có máy bay đâm vào tòa nhà
WTC ở New York và vào Lầu năm góc ở DC.
Mọi người thử dùng điện thoại di động, nhưng không được
do khác hệ thống di động ở Canada. Vài người có sóng, nhưng chỉ gọi được đến tổng
đài Canada và nghe thông báo rằng mọi đường dây đến Mỹ đều bị khóa hoặc tắc nghẽn.
Vào buổi tối, thỉnh thoảng có các bản tin cho biết tháp
đôi WTC đã sụp đổ hoàn toàn và chiếc máy bay thứ 4 bị bắt cóc đã rơi. Giờ đây mọi
hành khách đều bị xúc động và vô cùng mệt mỏi, nếu như không muốn nói là bị hoảng
sợ. Nhưng ai nấy đều thể hiện sự bình tĩnh lạ thường.
Chúng tôi chỉ còn biết dõi mắt qua cửa sổ để nhìn 52 chiếc
máy bay kia và biết rằng mình không phải là những kẻ duy nhất mắc kẹt trong
hoàn cảnh khó khăn này.
Trước đó chúng tôi đã được thông báo là mọi người sẽ được
ra khỏi máy bay, nhưng phải theo lần lượt từng máy bay một. Lúc 6 giờ chiều,
sân bay Gander cho biết là 11 giờ sáng hôm sau mới đến lượt máy bay của chúng
tôi. Hành khách không vui chút nào, nhưng họ đành phải chấp nhận điều này mà
không xì xào nhiều và bắt đầu chuẩn bị dành cả đêm trên máy bay.
Gander hứa rằng sẽ cung cấp dịch vụ y tế nếu cần, nước,
và dịch vụ vệ sinh. Họ đã giữ đúng lời hứa.
May sao, chúng tôi không gặp phải vấn đề gì cần đến hỗ trợ
y tế. Có một phụ nữ trẻ mang thai 33 tuần, chúng tôi đã chăm sóc cô ấy RẤT tốt.
Buổi đêm trôi qua mà không có vấn đề gì mà dù chỗ ngủ không được thoải mái cho
lắm.
Khoảng 10 giờ 30 sáng ngày 12, một loạt xe buýt của trường
học xuất hiện. Chúng tôi xuống máy bay và được đưa tới sảnh đến để làm thủ tục
hải quan và nhập cảnh, rồi đăng ký với Hội Chữ Thập Đỏ.
Sau đó, chúng tôi (ê kíp của chuyến bay) phải tách khỏi
hành khác. Chúng tôi được xe tải đưa đến một khách sạn nhỏ. Chúng tôi không biết
hành khách của mình đi đâu.
Qua Hội Chữ Thập Đỏ, chúng tôi được biết thị trấn Gander
có dân số khoảng 10.400 người và hiện phải chăm lo cho 10.500 hành khách từ tất
cả các máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống Gander!
Họ đề nghị chúng tôi cứ nghỉ ngơi tại khách sạn, họ sẽ
liên hệ lại khi các sân bay ở Mỹ mở cửa trở lại, nhưng chúng tôi chẳng thể hi vọng
họ sẽ sớm gọi mình. Chỉ khi vào khách sạn và bật TV lên, chúng tôi mới biết
toàn cảnh vụ khủng bố ở quê nhà vốn đã xảy ra từ 24 giờ trước đó.
Bấy giờ, chúng tôi có thật nhiều thời gian rảnh và nhận
ra rằng người dân Gander vô cùng thân thiện. Họ bắt đầu gọi chúng tôi là “plane
people” (những người từ máy bay). Chúng tôi được hưởng sự tiếp đãi của họ, khám
phá thị trấn Gander và có một thời gian thật tuyệt vời ở đây.
Hai ngày sau, chúng tôi nhận được cuộc gọi và được đưa ra
sân bay Gander. Trở về máy bay, chúng tôi gặp lại hành khách và được biết họ đã
làm gì trong hai ngày qua. Những điều được biệt thật là... trên cả tuyệt vời.
Thị trấn Gander và các cộng đồng xung quanh (trong bán
kính 75 km) đã cho tạm dừng hoạt động của tất cả các trường trung học, các khu
sảnh, các nhà nghỉ và tất cả những địa điểm rộng rãi khác. Họ sắp xếp lại các
nơi này thành những khu nhà nghỉ tập trung dành cho các vị khách bị mắc kẹt. Có
khu mắc võng, có khu trải chiếu với túi ngủ và gối. TẤT CẢ học sinh trung học
được yêu cầu tình nguyện tham gia trông nom “khách khứa”.
218 hành khách của chúng tôi lưu trú tại một trường trung
học trong một thị trấn tên là Lewisporte, cách Gander khoảng 45km. Nếu có phụ nữ
nào muốn được ở khu vực “women-only” (chỉ dành cho nữ) thì cô ấy cũng được sắp
xếp như ý. Các gia đình được ở cùng nhau. Hành khách cao tuổi được đưa về các
nhà riêng. Bạn có nhớ cô gái trẻ mang thai không? Cô ấy được đưa về nhà riêng của
một gia đình ở ngay đối diện một Trạm Cấp Cứu 24h.
Ngoài ra, nếu (trong số khác) có người cần, một nha sĩ
cùng với y tá nam và y tá nữ sẽ có mặt ngay. Điện thoại và email kết nối sang Mỹ
và các nước khác cũng được cung cấp mỗi ngày một lần.
Ban ngày, các vị khách được mời “đi tham quan”. Có người
đi du thuyền dọc theo sông và các bến cảng. Có người đi dạo trong các khu rừng
của địa phương.
Các tiệm bánh luôn mở cửa và làm bánh mỳ tươi cho khách.
Đồ ăn được người dân nấu tại nhà và mang đến các ngôi trường. Mọi người được
đưa tới các nhà hàng, quán ăn mà họ muốn, và được mời những bữa cơm ngon tuyệt.
Ai cũng được phát phiếu giặt để dùng tại các tiệm giặt trong vùng, bởi vì đồ đạc
của họ để cả trên máy bay rồi.
Nói cách khách, mọi thứ cần thiết đều được cung cấp đầy đủ
tới những vị khách bị mắc kẹt.
Những chuyện đó, hành khách vừa khóc vừa kể với chúng
tôi. Khi họ được thông báo rằng các sân bay ở Mỹ đã mở trở lại, họ được đưa ra
sân bay rất đúng giờ, không thiếu một ai, không ai bị muộn. Hội Chữ Thập Đỏ địa
phương có đầy đủ thông tin về từng người, ai đang ở đâu, ai cần lên máy bay nào
và khi nào máy bay đó cất cánh. Họ kết hợp làm mọi việc rất tốt. Hoàn toàn trên
cả tuyệt vời!
Khi hành khách trở về máy bay, cứ như là họ vừa cùng đi
chơi trên một chuyến du thuyền vậy. Mọi người biết tên nhau, kể cho nhau nghe về
thời gian ở đó xem ai có câu chuyện ấn tượng và vui hơn.
Chuyến bay của chúng tôi đến Atlanta như thể một chuyến
được bao trọn gói cho một bữa tiệc vậy. Đội bay chỉ việc tránh sang một bên. Thật
phi thường!
Các hành khách trở nên gắn bó và gọi nhau bằng tên thân mật,
trao đổi số điện thoại, email, địa chỉ. Và rồi một chuyện hiếm thấy đã xảy ra!
Một trong số hành khách tìm tôi và xin được dùng hệ thống
phát thanh để tuyên bố một điều. Chúng tôi không bao giờ cho phép cả, nhưng hôm
đó thì khác. Tôi đáp ngay “Vâng, tất nhiên rồi!” và đưa ngay micro cho ông ấy.
Ông cầm lấy chiếc micro và cất lời nhắc lại những trải nghiệm của mọi người
trong mấy ngày qua. Ông nhắc họ về sự tiếp đãi mà họ đã nhận được từ những người
hoàn toàn xa lạ. Tiếp theo, ông nói rằng bản thân mình muốn làm điều gì đó để
đáp lại lòng tốt của những người dân Lewisporte.
Ông nói, ông sẽ thành lập một quỹ tín thác lấy tên DELTA
15, số hiệu chuyến bay của chúng tôi. Mục đích của quỹ này là cấp học bổng cho
các học sinh trung học của Lewisporte. Ông kêu gọi các khoản quyên góp dù lớn
dù nhỏ từ các hành khách khác.
Rồi chúng tôi nhận được một tờ giây ghi danh sách các khoản
quyên góp, tên, số điện thoại và địa chỉ. Tổng số tiền quyên góp đượclà hơn
14.000 đô la!
Người đàn ông đó, một bác sĩ y khoa, người vùng Virginia,
hứa sẽ thu thập các khoản quyên góp và bắt tay ngay vào lo các thủ tục hành
chính cho quỹ học bổng. Ông cũng nói rằng sẽ gửi bản đề xuất tới Delta
Corporate để mời họ đóng góp.
Khi tôi viết bài này, quỹ tín thác đó đã lớn hơn 1,5 triệu
đô la và hỗ trợ việc học đại học cho 134 sinh viên.
Một câu chuyện thật “cool” đấy nhỉ. Nó nhắc nhở chúng ta
rằng trên thế giới có bao nhiêu là người có ích. Và những kẻ không giúp được ai
ắt phải sống áp lực nhiều lắm.
(Dịch từ bài gốc tiếng Anh:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10153014415155825&set=a.57297530824.65627.653885824&type=1)
Ảnh: internet
----------------------------------------
Tối nay tôi ngồi dịch status này để post lên phây. Vì câu
chuyện quá ấn tượng, một bài học về văn hóa chia sẻ hay là một lời nhắc nhở về
ý nghĩa của nền văn minh của loài người. Rồi đần mặt ra nghĩ ngợi... Việt Nam
quê hương ta có tiếp đãi bạn bè quốc tế trong hoạn nạn như vậy được không? Chắc
không nổi đâu. Đằng nào thì chắc là các hãng cũng tránh mình ra để chọn Cam hay
Thái hay thậm chí Tàu để đáp xuống, right? haizzzz
Hay.
ReplyDeleteHay.
ReplyDelete