Nina L. Khrushcheva
Phạm Nguyên Trường dịch
Ở nước Nga Xô Viết, tất cả mọi
người biết rằng mình đang bị theo dõi. Mọi hành vi lệch chuẩn đều bị nghi ngờ
và có nhiều khả năng là sẽ bị trừng phạt. Nhà nước Xô Viết cho rằng mình đang
tiến hành chiến tranh với hầu như tất cả mọi thứ trên đời - điệp viên nước
ngoài, kẻ thù giai cấp, những người mặc quần jean hay những người chơi nhạc jazz.
Tư tưởng giữ thế thượng phong của chế độ không phải là chủ nghĩa Mác-Lênin mà
là nghi ngờ và thù địch.
Trước những năm 1980, tức là
trước khi những tia sáng đầu tiên của công
khai hóa chiếu rọi vào nước Nga, đã có những thời điểm đen tối chẳng khác
gì giai đoạn hiện nay. Hôm nay, bảo vệ xã hội khỏi kẻ thù, trong và ngoài nước,
một lần nữa lại trở thành mệnh lệnh. Thật vậy, đặc trưng của tinh thần cảnh
giác thường trực là duy trì mức độ ủng hộ của dân chúng đối với Tổng thống
Vladimir Putin. Và người có vai trò quan trọng nhất trong việc tạo ra bầu không
khí công cộng cần thiết chính là Vladislav Surkov.
Vladislav Surkov
Từng là trưởng phòng nhân sự
của Putin, từ năm 2011 đến năm 2013, Surkov giữ chức phó thủ tướng chính phủ. Còn
hiện nay, chính thức thì ông ta là cố vấn của Putin về vấn đề đối ngoại, nhưng trên
thực tế, ông ta là người đứng đầu bộ máy tuyên truyền của chế độ. Ông ta được
coi là người khai sinh ra khái niệm “dân chủ có quản lý” ở Nga, và là người có vai
trò cực kỳ quan trọng trong việc khuyến khích phong trào ly khai ở Abkhazia và
Nam Ossetia khỏi Georgia. Thời gian gần đây, ông ta chính là người đạo diễn cuộc
xâm lăng của Nga vào Ukraine và sáp nhập Crimea, ông ta cũng là người khuyến
khích chiến dịch truyền thông nóng bỏng, mà đấy chính là lý do của sự ủng hộ gần
như tuyệt đối đối với những hành động đó.
Surkov là người chịu trách
nhiệm cao nhất trong việc nuôi dưỡng thái độ ủng hộ Putin, ngày càng giống như sự
sùng bái cá nhân Stalin thuở nào. Surkov là người gốc Chechnya, đã bị nhiễm – tương
tự như Stalin - tư duy khủng bố của vùng Caucasus. Dưới sự chỉ đạo của ông ta,
chiến lược truyền thông của điện Kremlin chú tâm vào việc củng cố nhận thức cho
rằng phương Tây muốn tiêu diệt nước Nga. Do đó, xung đột ở Ukraine được coi là cuộc
chiến chống chủ nghĩa phát xít mới - và bảo vệ bản sắc chân thực, bài phương
Tây của nước Nga. Trong dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II người ta đã nhấn
mạnh những mối đe dọa được cho là đang nhắm vào nước Nga, những tấm biển nhắc nhở
người Nga về những hy sinh mà chiến thắng đòi hỏi mọc lên khắp Moskva.
Tương tự như Joseph Goebbels
của Đức quốc xã, Surkov không quan tâm nhiều đến các sự kiện. Cảm xúc là cốt
lõi của thông điệp mà Điện Kremlin gửi đi, cảm xúc là sợi dây ràng buộc Putin với
các thần dân của mình. Đấy là lý do vì sao Surkov lại miêu tả Putin - người vừa
ly dị bà vợ đầu gối tay ấp suốt 30 năm trời và có tin đồn là cha mấy đứa con với
một cựu vận động viên Olympic - như là người đại diện cho những giá trị truyền
thống, với vị Đại giáo chủ của Chính thống giáo luôn luôn cặp kè bên cạnh. Chiến
dịch chống lại quyền của người đồng tính giúp thu phục được sự ủng hộ của nhà
thờ đối với Điện Kremlin, trong khi họ nhắc nhở người dân bình thường rằng nhà
nước theo dõi kỹ lưỡng cuộc sống của họ.
Paul Joseph Goebbels
Bộ máy tuyên truyền của Nga hiện
nay kết hợp một cách khéo léo phong cách bàn tay rắn của Liên Xô và phương tiện
kỹ thuật hiện đại. Hiện vẫn chưa có những cuộc thanh trừng hàng loạt và cũng chỉ
có vài cuộc biểu tình lớn. Giá trị phương Tây có thể bị người ta tấn công,
nhưng hàng hóa phương Tây thì lại được chào đón. Hình ảnh thường thấy ở Nga là
một chiếc xe sáng bóng do Đức chế tạo với một miếng giấy dán trên thân xe nhắc
nhở người ta vinh quang của Thế chiến II: “Tiến về Berlin” hoặc “Cảm ơn ông nội,
vì chiến thắng, và cảm ơn bà ngoại vì những khó khăn”.
Trong hai thập kỷ qua, người
Nga đã có thể đi du lịch ra nước ngoài mà không có bất cứ hạn chế nào. Nhưng hiện
nay, dường như nhiều người đã sẵn sàng từ bỏ quyền này. Tháng trước, Điện
Kremlin cảnh báo công dân của mình rằng Hoa Kỳ đang “săn” người Nga ở nước
ngoài. Có mấy người Nga bị bắt giữ và dẫn độ sang Mỹ: ví dụ như Viktor Bout,
trùm buôn lậu vũ khí, cũng là người chịu trách nhiệm cung cấp viện trợ cho bọn khủng
bố, hay một hacker tên là Vladimir Drinkman, bị cáo buộc là đã ăn cắp hàng triệu
thẻ tín dụng. Không có mối đe dọa nào đối với những người Nga bình thường,
nhưng chiến dịch của Surkov đã tạo được tác động sâu sắc.
Không để bị nhạo báng vì những
lời tuyên bố một tấc đến trời – cũng là điểm yếu những người làm công tác tuyên
truyền của Liên Xô – rằng một ngày nào đó Nga sẽ vượt phương Tây về mặt kinh tế,
Surkov kích thích cảm xúc sâu sắc hơn và an toàn hơn: sự sợ hãi. Dù người Nga có
nghĩ như thế nào về tình trạng khó khăn của nền kinh tế quốc gia – năm nay GDP
được dự báo là sẽ sụt giảm 3,8%, trong khi lạm phát có thể lên đến 15% - người
ta vẫn nói với họ rằng không có Putin thì tình hình còn tệ hại hơn.
Và người Nga đồng ý như thế.
Vài năm trước đây, dường như cứ mười người thì có một người đeo dải ruy băng
màu trắng, biểu tượng của phong trào chống Putin. Ngày nay, có cảm giác rằng cứ
ba người Nga thì có một người đeo Ribbon Saint George - một dải băng hai màu:
màu cam và màu đen – biểu tượng của lòng yêu nước và trung thành với Điện Kremlin.
Những người không đeo băng bị hỏi – với thái độ phải nói là không hoàn toàn lịch
sự - tại sao họ không đeo.
Đây là chiến lược xảo quyệt
và có hiệu quả, nó đẩy những người bất đồng chính kiến ra rìa và tạo được ấn tượng
là hầu như mọi người đều ủng hộ chế độ. Trong chuyến viếng thăm gần đây của tôi
tới Moskva, tôi thấy một người bạn, cũng là ca sĩ nhà hát Bolshoi ở Moskva, gắn
chiếc Ribbon Saint George lên chiếc Mercedes màu trắng của mình. Mặc dù chị không
phải là người hâm mộ Putin, nhưng chị không muốn đứng tách ra khi không cần thiết.
Thông qua những vụ đầu hàng nho
nhỏ như của chị bạn tôi mà cuối cùng những người như Surkov đã thành công. Những
người công dân giả vờ trung thành đang tạo ra nền văn hóa tuân phục. Khi bất đồng
chính kiến đã bị đàn áp thì tính xác thực của lòng trung thành của dân chúng không
còn là vấn đề đáng quan tâm nữa. Thật vậy, tương tự như Goebbels, Surkov hiểu rằng
khi đời sống công cộng và những biểu hiện mang tính riêng tư có thể biến thành hý
trường thì không thể nào còn phân biệt
được giữa diễn xuất và thực tế nữa.
Nina L. Khrushcheva là hiệu
trưởng trường The New School ở New York và là cộng tác viên cao cấp ở Viện
Chính sách Quốc tế (World Policy Institute). Bà từng giảng dạy ở Columbia
University's School of International and Public Affairs và là tác giả hai tác phẩm: Imagining
Nabokov: Russia Between Art and Politics và The Lost Khrushchev: A Journey into
the Gulag of the Russian Mind. Bà là cháu của nhà lãnh đạo Liên Xô cũ, Nikita
Khrushchev (1894-1971).
Đã đăng trên http://www.ijavn.org/2015/06/vntb-goebbels-cua-ien-kremlin.html
No comments:
Post a Comment