Thất
vọng
1.
Tôi gặp Stalin lần thứ ba vào đầu năm 1948. Đây là cuộc gặp
có ý nghĩa nhất vì nó diễn ra ngay trước cuộc xung đột giữa lãnh đạo Liên Xô và
Nam Tư.
Ngay trước cuộc gặp đã xảy ra những sự kiện và thay đổi
quan trọng trong quan hệ giữa Liên Xô và Nam Tư.
Quan hệ giữa Liên Xô và phương Tây đã bắt đầu có tính chất
của cuộc chiến tranh lạnh và dưới hình thức quan hệ giữa hai khối.
Sự kiện có tính chất quyết định ở đây, theo tôi, là việc
Liên Xô từ chối kế hoạch Marshall, cuộc nội chiến ở Hi Lạp và việc thành lập
Phòng thông tin của các đảng cộng sản và công nhân quốc tế gọi là Cominform.
Chỉ có Liên Xô và Nam Tư là hai nước kiên quyết từ chối
tham gia kế hoạch Marshall. Nam Tư từ chối do chủ nghĩa giáo điều, còn Liên Xô
thì sợ rằng sự giúp đỡ kinh tế của Mĩ sẽ làm lung lay cái đế chế vừa chiếm được
bằng chiến tranh.
Tôi, trên đường tham dự đại hội Đảng cộng sản Pháp ở
Strasbourg, đã tình cờ có mặt ở Paris đúng vào lúc diễn ra cuộc đàm phán giữa
Molotov và các đại diện phương Tây về kế hoạch Marshall. Molotov tiếp tôi trong
Đại sứ quán Liên Xô, tại đây chúng tôi đã thoả thuận sẽ phản đối kế hoạch
Marshall và phê bình Đảng cộng sản Pháp vì cái gọi là “đường lối dân tộc” của họ.
Molotov đặc biệt quan tâm đến thái độ của tôi đối với đại hội. Molotov nói về tờ
Dân chủ mới do Duclo làm tổng biên tập, một tờ báo có nhiệm vụ thể hiện sự thống
nhất quan điểm của các đảng cộng sản, như sau:
“Không phải là việc cần, không phải là việc cần làm bây
giờ.”
Molotov có lưỡng lự về kế hoạch Marshall và cho rằng có
thể phải đồng ý tổ chức với sự tham gia của các nước Đông Âu, nhưng chỉ với mục
đích tuyên truyền, sẽ lợi dụng diễn đàn và đứng dậy bỏ ra về khi cần thiết. Tôi
không thích phương án ấy lắm, nhưng nếu người Nga cố ép thì tôi sẽ đồng ý, đấy
cũng là quan điểm của chính phủ tôi. Nhưng Molotov đã nhận được chỉ thị của Bộ
chính trị từ Moskva rằng không được đồng ý ngay cả với việc tổ chức hội nghị.
Ngay sau khi tôi về Belgrad thì ở Moskva diễn ra hội nghị
các nước Đông Âu nhằm thống nhất quan điểm về kế hoạch Marshall. Tôi được chỉ định
dẫn đầu đoàn đại biểu Nam Tư. Mục đích thực sự của nó là cùng ép Tiệp Khắc vì
chính phủ nước này không phản đối việc tham gia kế hoạch Marshall. Máy bay Liên
Xô đã đợi sẵn ở sân bay nhưng có điện từ Moskva nói rằng không cần họp nữa vì
chính phủ Tiệp đã từ bỏ quan điểm ban đầu rồi.
Phòng thông tin quốc tế (Cominform) được thành lập cũng
vì lí do như thế: nhiệm vụ của nó là giải quyết các quan điểm khác với quan điểm
của Moskva. Ý tưởng về việc thành lập một tổ chức có thể bảo đảm sự phối hợp và
trao đổi quan điểm giữa các đảng cộng sản được bàn thảo ngay từ mùa hè năm
1946; Stalin, Tito và Dimitrov cũng đã nói chuyện đó. Nhưng vì nhiều lí do mà kế
hoạch phải hoãn lại, mà lí do chủ yếu là vì các lãnh tụ Xô viết chưa quyết định
được thời gian thích hợp. Mãi đến mùa thu năm 1947, kế hoạch này mới được thực
hiện, không nghi ngờ gì rằng điều đó có liên quan đến việc Liên Xô từ chối kế hoạch
Marshall và sự củng cố vai trò của Liên Xô trong các nước Đông Âu.
Trong cuộc hội nghị thành lập diễn ra ở miền tây Ba Lan,
đây là vùng đất cũ của Đức, chỉ có hai đoàn kiên quyết đề nghị thành lập, đấy
là đoàn Nam Tư và đoàn Liên Xô. Gomulka (Ba Lan –ND) phản đối, ông phát biểu thận
trọng nhưng không úp mở về con đường “đi lên chủ nghĩa xã hội theo cách của Ba
Lan” .
Xin nhắc lại một chuyện vui rằng Stalin đã nghĩ ra tên gọi
cho tờ báo của Cominform là Vì một nền hoà bình bền vững, vì nền dân chủ nhân
dân, và cho rằng các cơ quan tuyên truyền phương Tây mỗi lần trích dẫn một câu
gì đó từ tờ tạp chí cũng sẽ phải nhắc lại khẩu hiệu này. Nhưng hi vọng của
Stalin không thành hiện thực: tên này dài quá và mang tính tuyên truyền lộ liễu
quá nên ở phương Tây người ta chỉ gọi đơn giản là “cơ quan của Cominform”.
Stalin cũng là người quyết định địa điểm của Cominform. Các đoàn đại biểu đã thống
nhất đặt ở Praha. Đại diện của Tiệp là Slanski ngay chiều hôm ấy phải phóng xe
về Praha để tham khảo ý kiến Gottwald. Nhưng đêm đó, Gdanov và Malenkov đã nói
chuyện với Stalin, ngay ở một khách sạn xa xôi hẻo lánh thế này cũng phải xin ý
kiến trực tiếp của Moskva. Và vì Gottwald không thích đặt ở Praha lắm, Stalin
đã ra lệnh đặt trụ sở Cominform ở Belgrad.
Có hai quá trình diễn ra song hành trong quan hệ giữa Nam
Tư và Liên Xô: ngoài mặt thì là thống nhất về chính trị và tư tưởng nhưng trên
thực tế thì đánh giá và hành động đã khác nhau.
Khi phái đoàn lãnh đạo cấp cao Nam Tư gồm Tito,
Rankovich, Kidric, Neskovic có mặt ở Moskva vào mùa hè năm 1946, ngoài mặt,
quan hệ giữa hai bên cực kì thân thiện. Stalin ôm hôn Tito rồi còn dự đoán vai
trò của ông trên phạm vi toàn châu lục nữa, trong khi tỏ ra coi thường đoàn
Bulgaria và Dimitrov. Nhưng chẳng bao lâu sau đã xảy ra tranh luận và bất đồng.
Những mâu thuẫn được che đậy tiếp tục phát triển. Tuy thế
giới phi cộng sản không hề biết đến những mâu thuẫn ấy nhưng chúng vẫn luôn
bùng phát trong các cấp lãnh đạo cao nhất của đảng. Đấy là những vụ liên quan đến
việc tuyển mộ nhân viên tình báo, đặc biệt là trong bộ máy đảng và chính quyền
và trong lĩnh vực tư tưởng mà chủ yếu là việc coi thường cách mạng Nam Tư từ
phía Liên Xô. Các đại diện Liên Xô đã tỏ vẻ khó chịu ra mặt khi thấy Tito được
ca ngợi cùng với Stalin, họ có thái độ hoàn toàn tiêu cực khi thấy Nam Tư có
quan hệ độc lập và ngày càng có uy tín với các nước Đông Âu.
Chẳng mấy chốc, mâu thuẫn đã chuyển sang lĩnh vực kinh tế,
đặc biệt là khi người Nam Tư nhận ra rằng ngoài các quan hệ thương mại bình thường,
họ không thể hi vọng vào sự giúp đỡ của Liên Xô trong việc thực hiện kế hoạch
năm năm. Cảm thấy sự chống đối, Stalin nói rằng các công ty hợp doanh là không
phù hợp với các nước hữu nghị anh em và hứa sẽ giúp đỡ về mọi mặt. Nhưng đồng
thời các đại diện thương mại của Liên Xô lại dụng lợi thế do sự bùng nổ mâu thuẫn
trong quan hệ giữa Nam Tư và các nước phương Tây và ảo tưởng của Nam Tư rằng
Liên Xô là nhà nước không vị kỉ và không có ý đồ bá quyền.
Chỉ có Nam Tư và Albania là hai nước Đông Âu tự giải
phóng khỏi ách phát xít và đồng thời hoàn thành cuộc cách mạng nội bộ mà không
cần sự trợ giúp có tính chất quyết định của Hồng quân. Công cuộc cải tạo xã hội
ở đây diễn ra sâu sắc hơn bất kì nước nào khác và Nam Tư đồng thời cũng là nước
có vai trò tích cực trong việc thành lập khối Đông Âu thân Liên Xô. Cuộc nội
chiến đang diễn ra ở Hi Lạp. Nam Tư bị vu là kích động và ủng hộ về mặt vật chất
cho cuộc chiến tranh đó, quan hệ của nó với phương Tây và đặc biệt là Mĩ cực kì
căng thẳng.
Hôm nay, nhìn lại thời đã qua, tôi có cảm tưởng rằng
chính phủ Liên Xô không những chỉ quan sát một cách thích thú sự xấu đi của những
mối quan hệ đó mà còn thực hiện một số bước làm cho nó trầm trọng thêm, dĩ
nhiên là họ theo dõi để làm sao các bước đó không vượt ra ngoài khả năng và lợi
ích của chính mình. Molotov chút nữa thì đã ôm hôn Kardelj khi nhận được tin
hai máy bay Mĩ đã bị bắn rơi trên bầu trời Nam Tư nhưng đồng thời lại thuyết phục
rằng không nên bắn thêm cái thứ ba. Chính phủ Liên Xô không ủng hộ một cách trực
tiếp cuộc khởi nghĩa ở Hi Lạp, như vậy là đã để Nam Tư gần như đơn độc trên ghế
bị cáo ở Liên hiệp quốc, nhưng cũng không có một hành động dứt khoát nào nhằm
vãn hồi hoà bình cho đến khi Stalin thấy rằng việc đó có lợi cho mình.
Việc đưa Cominform về Belgrad cũng thế, mới đầu thì tưởng
đấy là công nhận cách mạng Nam Tư nhưng hoá ra đằng sau nó là ý định ngầm của
Liên Xô: ban lãnh đạo Nam Tư được ru ngủ trong sự tự mãn cách mạng và phải phục
tùng tinh thần đoàn kết cộng sản quốc tế giả tạo; trên thực tế, điều đó nghĩa
là công nhận chủ nghĩa bá quyền Liên Xô và thực hiện những đòi hỏi không bao giờ
ngưng của bộ máy quan liêu Xô viết.
Xin được nói về thái độ của Stalin đối với cách mạng,
cũng có nghĩa là thái độ đối với cách mạng Nam Tư.
Có nhiều ý kiến, không phải là không có cơ sở, cho rằng
vào những giờ phút quyết định, Moskva đã từ chối giúp đỡ cách mạng Trung Quốc,
Tây Ban Nha, Nam Tư vì Stalin là người phản đối cách mạng nói chung. Nhưng điều
đó không hoàn toàn đúng. Stalin chỉ chống lại cách mạng khi cuộc cách mạng ấy
vượt ra ngoài quyền lợi của nhà nước Liên Xô mà thôi. Ông đã linh cảm thấy rằng
việc thành lập các trung tâm cách mạng mới bên ngoài Moskva sẽ đe doạ vị trí độc
quyền trong phong trào cộng sản thế giới, điều đó đã trở thành hiện thực rồi.
Cho nên ông ta chỉ ủng hộ các cuộc cách mạng khi chúng còn nằm trong vòng kiểm
soát của ông, ông sẵn sàng bỏ rơi nếu chúng vượt khỏi tầm tay. Tôi cho rằng cho
đến hôm nay chính sách của chính phủ Liên Xô chưa có thay đổi đáng kể về vấn đề
này.
Nắm trong tay toàn bộ nguồn lực của đất nước, Stalin
không thể hành động khác ngay cả ở bên ngoài lãnh thổ của nó. Kéo khái niệm tiến
bộ và tự do xuống ngang với quyền lợi của một đảng chính trị ở nước mình, ông
chỉ có thể hành động như chủ nhân ông tại những nước khác mà thôi. Ông chỉ còn
là công việc. Ông đã trở thành nô lệ của chế độ chuyên chế và quan liêu, nô lệ
của sự hẹp hòi, thiển cận và nhạt nhẽo, nghĩa là nô lệ của tất cả những điều mà
ông đã buộc vào cho chính đất nước mình.
Hoàn toàn đúng khi có người nói rằng: không thể tước đoạt
tự do của người khác mà không đánh mất tự do của chính mình.
2.
Tôi phải đi Moskva là vì có sự khác biệt trong chính sách
giữa Nam Tư và Liên Xô về vấn đề quan hệ với Albania.
Cuối tháng 12 năm 1947, chúng tôi nhận được một bức điện
nói rằng Stalin yêu cầu tôi hoặc một ủy viên nào đó trong Ban chấp hành trung
ương Nam Tư phải đến Moskva để thống nhất chính sách của hai chính phủ đối
trong quan hệ với Albania.
Sự khác biệt biểu hiện rõ nhất sau vụ tự sát của Spiru
Naku, ủy viên Ban chấp hành trung ương Albania.
Quan hệ giữa Nam Tư và Albania phát triển trong tất cả
các lĩnh vực. Nam Tư ngày càng gửi nhiều chuyên gia, thuộc đủ các ngành nghề,
sang Albania. Nam Tư còn cung cấp cho Albania lương thực thực phẩm, mặc dù
chính Nam Tư cũng đang thiếu thốn. Về nguyên tắc, cả hai chính phủ cùng có
chung quan điểm cho rằng Albania phải hợp nhất với Nam Tư, như thế cùng một lúc
sẽ giải quyết được vấn đề nhóm dân thiểu số Albania ở Nam Tư.
Các điều kiện trợ giúp của Nam Tư cho Albania có phần thuận
lợi và công bằng hơn các điều kiện của chính phủ Liên Xô đối với Nam Tư. Nhưng dường
như vấn đề không phải là lẽ công bằng mà là thực chất của các mối quan hệ. Một
số nhà lãnh đạo Albania ngấm ngầm chống lại các mối quan hệ như thế.
Spiru Naku, một người nhỏ nhắn, yếu đuối về mặt thể lực
nhưng là một trí thức sâu sắc và cực kì nhạy cảm, lúc đó đang lãnh đạo lĩnh vực
kinh tế trong chính phủ Albania, là người đầu tiên công khai phản đối Nam Tư và
đòi cho Albania được phát triển một cách độc lập. Quan điểm của ông gặp phải phản
ứng tiêu cực không những ở Nam Tư mà còn bị phản đối ngay trong Ban chấp hành
trung ương Albania. Koci Xoxe, Bộ trưởng Nội vụ, sau này bị tử hình vì tội ủng
hộ Nam Tư, là người phản đối dữ dội nhất. Xuất thân là công nhân, một người
cách mạng lão thành, Xoxe được coi là đảng viên trung kiên nhất, mặc dù Enver
Hoxha là Tổng bí thư Đảng và là người đứng đầu chính phủ, ông này là người có học
hơn và khôn ngoan hơn. Enver Hoxha cũng phê phán Naku, mặc dù không ai biết
quan điểm thực sự của ông là gì. Bị kết án là theo chủ nghĩa sô vanh và bị cô lập,
đứng trước nguy cơ bị khai trừ khỏi đảng, Naku đã tự bắn một viên đạn vào đầu
mà không biết rằng cái chết của ông đã khơi mào cho sự căng thẳng trong quan hệ
giữa Nam Tư và Albania.
Người ta đã giấu nhẹm biến cố này, chỉ mãi về sau, khi
xung đột giữa Nam Tư và Albania đã trở thành công khai, Enver Hoxha mới biến
Naku thành anh hùng dân tộc. Nhưng sự kiện này đã gây ra cho lãnh đạo hai bên ấn
tượng rất nặng nề, những câu chữ chung chung mà người cộng sản vẫn dùng trong
những trường hợp như thế như: tiểu tư sản, hèn nhát... không thể nào tẩy xoá được
ấn tượng nặng nề nêu trên.
Chính phủ Liên Xô biết rõ nguyên nhân cái chết của Naku
cũng như quan hệ giữa Nam Tư và Albania. Các cơ quan đại diện của Liên Xô ở
Tirana phình lên nhanh chóng. Nói chung, chính phủ Albania và Nam Tư không giấu
diếm Liên Xô các vấn đề của mình, mặc dù Nam Tư không tham khảo Liên Xô về các
chính sách cụ thể.
Các đại diện Liên Xô càng ngày càng tỏ ra bất mãn với những
công việc cụ thể do Nam Tư thực hiện tại Albania. Nhóm lãnh đạo của Enver Hoxha
ngày càng tỏ ra thân mật hơn với phái đoàn Liên Xô. Lúc thì một đại diện nào đó
của Liên Xô trách: Tại sao Nam Tư tổ chức các công ty hợp doanh với Albania mà
không muốn thành lập các công ty như thế với Liên Xô? Có khi lại hỏi: Tại sao
chúng tôi lại cử cố vấn sang giúp quân đội Albania trong khi người Liên Xô làm
cố vấn cho Nam Tư? Làm sao chúng tôi có thể cố vấn cho Albania về vấn đề phát
triển trong khi chính Nam Tư lại cần cố vấn nước ngoài? Tại sao một nước Nam Tư
vừa nghèo vừa lạc hậu lại đi giúp Albania phát triển?
Càng ngày càng thấy rõ xu hướng của Moskva muốn thay thế
vị trí của Nam Tư ở Albania. Thật là bất công đối với Nam Tư vì không phải Liên
Xô sẽ hợp nhất với Albania, hơn nữa, Liên Xô cũng không phải là nước có biên giới
chung với Albania. Đồng thời, người ta cũng thấy rõ xu thế ngả về Liên Xô của
ban lãnh đạo cấp cao Albania, điều đó thể hiện rất rõ trong công tác tuyên truyền
của họ.
Đề nghị của chính phủ Liên Xô về việc giải quyết bất đồng
trong vấn đề Albania được phía Nam Tư đón nhận bằng cả hai tay nhưng cho đến
nay, vẫn không rõ là tại sao Stalin lại muốn chính tôi phải đi Moskva.
Tôi nghĩ rằng có hai lí do.
Không nghi ngờ gì rằng tôi đã để lại cho ông ta ấn tượng
là một người bồng bột và thẳng thắn, những người cộng sản Nam Tư cũng nghĩ rằng
tôi là một người như thế. Như vậy, tôi là người phù hợp cho những cuộc đối thoại
cởi mở về những vấn đề phức tạp và nhạy cảm.
Nhưng tôi còn cho rằng Stalin muốn lôi kéo tôi để gây
chia rẽ và khuất phục Ban chấp hành trung ương Nam Tư. Trước đây, ông ta đã lôi
kéo được Hebrang và Giuovik rồi. Nhưng Hebrang đã bị khai trừ khỏi Ban chấp
hành trung ương và đang bị theo dõi vì những liên hệ mờ ám với cảnh sát Hoàng
gia trước đây. Giuovik là một người lỗi lạc, nhưng mặc dù là ủy viên Ban chấp
hành trung ương, ông lại không phải là người thuộc nhóm thân cận Tito từ thời
thành lập Đảng và trong thời kì diễn ra cách mạng. Trong chuyến viếng thăm đến
Moskva vào năm 1946, khi Tito nói rằng tôi bị bệnh đau đầu thì Stalin đã mời
tôi đến nghỉ ở Krym. Tôi không đi vì sau đó, không thấy họ gửi lời mời qua sứ
quán và tôi cho rằng đấy chỉ là lời nói có tính xã giao.
Tôi lên đường đi Moskva, nếu tôi nhớ không lầm, vào ngày
8 tháng 1 năm 1948 hoặc gần ngày đó với tâm trạng nửa mừng nửa lo. Tôi mừng vì
được Stalin mời nhưng trong đáy sâu tâm hồn, tôi ngờ rằng đây không phải là vô
tình và không phải là việc tử tế đối với Tito cũng như Ban chấp hành trung ương
đảng cộng sản Nam Tư.
Trước khi lên đường, tôi không nhận được hướng dẫn hay chỉ
thị cụ thể nào. Vì tôi nằm trong ban lãnh đạo tối cao và quan điểm chung cũng
đã được xác định rồi, mà quan điểm chung lúc đó là các đại diện Liên Xô phải kiềm
chế trong việc đưa ra ý kiến thiếu tế nhị liên quan đến chính sách hợp nhất giữa
Nam Tư và Albania, cũng như họ không được thực thi những đường lối đặc biệt nào
khác.
Nhân dịp này, một phái đoàn quân sự Nam Tư cũng lên đường
đi Moskva cùng với tôi. Họ có nhiệm vụ trình bày nhu cầu trong lĩnh vực trang
thiết bị quân sự và khôi phục nền công nghiệp quốc phòng. Trong đoàn đại biểu
quân sự có Koca Popovic, Tổng tham mưu trưởng và Todorovic, Tổng cục trưởng tổng
cục công nghiệp quốc phòng. Cvetozar Vukmanovok-Tempo, Tổng cục trưởng tổng cục
chính trị cũng đi với chúng tôi để làm quen với kinh nghiệm của Hồng quân trong
lĩnh vực này.
Chúng tôi đi bằng tàu hoả, mọi người đều phấn khởi, lòng
tràn đầy hi vọng. Nhưng đồng thời quan điểm của chúng tôi cũng rất rõ ràng: Nam
Tư phải giải quyết các vấn đề bằng lực lượng và theo cách của mình.
3.
Quan điểm này đã được nói ra ngay cả trước khi cần nói, đấy
là tại bữa ăn tối trong đại sứ quán Nam Tư ở Bukarest, bữa đó Anna Pauker, bộ
trưởng ngoại giao, và một số nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Rumania cũng
có mặt.
Hôm đó, tất cả các đồng chí Nam Tư, trừ ông đại sứ
Golubovic, người sau này đã vượt biên vì có cảm tình với Moskva, đều công khai
nói rằng Liên Xô không thể là mô hình tuyệt đối trong công cuộc “xây dựng chủ
nghĩa xã hội” vì hoàn cảnh đã thay đổi, hơn nữa, điều kiện và quan hệ trong các
nước Đông Âu cũng khác nhau. Tôi để ý thấy Anna Pauker chăm chú lắng nghe nhưng
bà không nói gì hoặc miễn cưỡng đồng ý với chúng tôi một vấn đề gì đó song vẫn
tránh thảo luận vấn đề tế nhị này. Một đồng chí Rumania, tôi nghĩ đó là
Bodnarosh, tranh luận với chúng tôi, còn một người khác, đáng tiếc là tôi đã
quên tên, lại hoàn toàn đồng ý. Tôi cho rằng không nên thảo luận những vấn đề
như thế vì tin rằng sẽ có người báo cáo với người Nga còn họ thì nhất định sẽ
coi đó là “bài Xô”, nguồn gốc của mọi tội lỗi trên đời. Nhưng đồng thời tôi
cũng không thể từ bỏ quan điểm của mình. Cho nên tôi cố gắng làm dịu bớt cuộc
tranh luận bằng cách nhấn mạnh những cống hiến của Liên Xô và ý nghĩa mang tính
nguyên tắc của các kinh nghiệm của Liên Xô. Nhưng điều đó có lẽ cũng chẳng mang
lại lợi ích gì vì tôi lại nhấn mạnh rằng phải hiểu biết các điều kiện cụ thể mới
có thể xác định được đường lối. Nói chung, sẽ có nhiều phiền toái: tôi biết rằng
lãnh đạo Liên Xô không bao giờ chấp nhận chính sách “đại đồng tiểu dị” và nhượng
bộ, nhất là ngay trong hàng ngũ những người cộng sản với nhau.
Lí do để phê bình thì nhiều, dù chúng tôi chỉ đi ngang
qua Rumania mà thôi.
Lí do thứ nhất là quan hệ của Liên Xô với các nước Đông
Âu khác: các nước này vẫn bị quân đội Liên Xô chiếm đóng trực tiếp, tài nguyên
của họ thì bị khai thác bằng đủ mọi phương tiện, mà thường là thông qua các
công ty hợp doanh, người Nga dùng ngay vốn của Đức mà họ tuyên bố là chiến lợi
phẩm của họ, ngoài ra không có gì hết. Buôn bán với các nước này cũng khác, thường
là theo các hợp đồng đặc biệt, chính phủ Liên Xô mua với giá thấp hơn mà bán
thì với giá cao hơn thị trường thế giới. Chỉ có Nam Tư là ngoại lệ. Chúng tôi
biết hết. Khung cảnh nghèo nàn và nhận thức được sự bất lực và phục tùng của
chính quyền Rumania càng làm chúng tôi bất mãn thêm.
Nhưng điều làm chúng tôi khó chịu nhất là thói ngạo mạn của
những người đại diện Liên Xô ở đây. Tôi nhớ chúng tôi đã phát hoảng khi thấy
viên tư lệnh ủy ban quân quản Xô Viết ở Iassy nói:
“Cái vùng Iassy này, bẩn ơi là bẩn! Rumania toàn một lũ
trộm cắp!”
Ông ta còn nhắc lại lời của Ehrenburg và Vyshinsky về
thói ăn hối lộ và trộm cắp ở Rumania như sau:
“Đấy không phải là một dân tộc, đấy là một nghề!”
Iassy, đặc biệt là vào mùa đông năm ấy, quả thật rất bẩn,
là khu vực bỏ hoang của vùng Ban-căng, chỉ có những người ở đây mới nhận thấy vẻ
đẹp của nó trong những quả đồi, những khu vườn và ruộng bậc thang trải dài tít
tắp mà thôi. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng các thị trấn của Liên Xô cũng chẳng
có gì tốt hơn, nếu không nói là còn xấu hơn. Tuy nhiên, điều làm chúng tôi bực
nhất là thói tự cao tự đại “của chủng tộc thượng đẳng” và sự khệnh khạng nước lớn
ở những người đại diện Liên Xô. Thái độ tôn trọng, ân cần đối với chúng tôi
không chỉ làm nổi bật thêm sự khinh miệt người Rumania mà còn làm chúng tôi
thêm tự hào về sự độc lập của mình, buộc chúng tôi phải suy nghĩ một cách độc lập
hơn.
Chúng tôi đã coi những thái độ và quan điểm như thế là
“có thể xảy ra trong chế độ xã hội chủ nghĩa” vì người Nga là “như thế”, họ là
những người lạc hậu, bị cách li với thế giới bên ngoài, truyền thống cách mạng
đã nguội lạnh rồi.
Chúng tôi ngáp dài ở Iassy mấy tiếng đồng hồ, cho đến khi
xe lửa Liên Xô có toa dành riêng cho khách của chính phủ tới đón, đại uý
Kozlovski, chuyên gia về Nam Tư trong các cơ quan an ninh Liên Xô đã đợi sẵn.
Nhưng lần này, anh ta không được tự nhiên, vui vẻ như trước, dĩ nhiên là không
phải vì trước mặt anh ta là các bộ trưởng và tướng lĩnh. Có một cái gì đó khó nắm
bắt, khó giải thích, một thái độ xã giao lạnh lùng đã xuất hiện trong quan hệ
giữa chúng tôi và các “đồng chí" Liên Xô.
Chúng tôi tìm đủ mọi từ ngữ cay độc để chế giễu cái toa tầu
mặc dù nó có đủ thứ tiện nghi, thức ăn ngon và thái độ tận tụy của nhân viên
nhà tầu. Những cái tay nắm bằng đồng to đùng, quá nhiều đồ trang trí cổ, chiếc
bồn cầu cao đến mức chân không chạm đất, tất cả đều rất khôi hài. Có phải đấy
là cách thể hiện sự vĩ đại và sức mạnh của quốc gia? Nhưng buồn cười nhất là
người phụ trách cái toa tầu sang trọng không khác gì thời Sa hoàng này lại mang
theo một cái lồng có mấy con gà ngay trong buồng ngủ của anh ta. Lương ít, quần
áo tồi tàn, anh ta phàn nàn với chúng tôi:
“Biết làm thế nào được, các đồng chí ơi, công nhân thì phải
xoay đủ cách thôi, nhà đông con, chật vật lắm.”
Mặc dù xe lửa Nam Tư cũng không đúng giờ lắm nhưng không
ai phải quá lo lắng chuyện chậm tầu như ở đây. “Sẽ tới”, một anh nhân viên bảo
chúng tôi như thế.
Nước Nga dường như cố khẳng định tính chất cố hữu của tâm
hồn từng con người và cả dân tộc bằng cách gồng mình lên chống lại sự tất bật của
quá trình công nghiệp hoá và sức mạnh của bộ máy công quyền.
Ukraine và Nga, tuyết phủ đến tận mái nhà, khắp nơi vẫn
là khung cảnh hoang tàn thời chiến với những nhà ga bị cháy, lán gỗ, những người
đàn bà trùm khăn, đi ủng dọn dẹp đường phố, ăn thì chỉ có nước sôi và bánh mì
đen.
Chỉ có Kiev là tương đối sạch và đẹp. Dù đêm đã che mất
khung cảnh sông Dnepr và những cánh đồng ngoại vi như đã trộn lẫn với bầu trời
thì Kiev vẫn làm tôi nhớ đến Belgrad, một thành phố Belgrad của tương lai, với
cả triệu dân, một thành phố đã được xây dựng lại bằng tình yêu thương và sự cẩn
thận cần thiết. Nhưng chúng tôi dừng lại ở Kiev không lâu. Không có nhà lãnh đạo
nào của Ukraine ra đón chúng tôi cả. Chẳng bao lâu sau, chúng tôi lại lên đường,
chúng tôi lao vào bóng đêm trắng xoá vì tuyết và đen ngòm vì buồn, chỉ có toa của
chúng tôi là có điện, có đủ thứ tiện nghi, có thừa đồ ăn thức uống giữa cái
nghèo và cảnh đổ nát trải dài mênh mông, bất tận.
4.
Vừa đến Moskva được vài tiếng đồng hồ, khi chúng tôi còn
đang tay bắt mặt mừng, nói chuyện với Vladimir Popovic, đại sứ Nam Tư, thì
chuông điện thoại reo: Bộ ngoại giao Liên Xô hỏi tôi có mệt không, Stalin muốn
gặp tôi ngay chiều hôm đó. Sự vội vàng như thế là bất bình thường, những người
cộng sản ngoại quốc luôn luôn phải chầu chực nên họ thường kháo nhau: Đến
Moskva thì dễ nhưng về thì khó. Ngay cả nếu tôi có bị mệt, mà tôi mệt thật, thì
tôi cũng phải đón nhận lời mời của Stalin bằng cả hai tay; tất cả các thành
viên trong đoàn đều tỏ vẻ ngạc nhiên, có cả ghen tị nữa, Koca Popovic và
Todorovic nhắc nhở tôi là đừng quên mục đích của họ, mặc dù trên suốt chuyến đi
tôi đã tìm hiểu rất kĩ nhu cầu của họ rồi.
Tôi rất mừng vì được gặp Stalin, nhưng đồng thời cũng suy
nghĩ rất lung về lí do của sự vội vã này. Đêm đó, tôi bị chi phối bởi cảm giác
mừng lo lẫn lộn như thế trong suốt buổi gặp với Stalin và các nhà lãnh đạo Liên
Xô khác.
Như mọi khi, khoảng chín giờ tối thì có xe đưa tôi vào Điện
Kremli. Stalin, Molotov và Zhdanov đã đợi sẵn, tôi biết Zhdanov là ủy viên Bộ
chính trị, phụ trách quan hệ với các đảng cộng sản quốc tế.
Chào hỏi xong, Stalin vào việc ngay:
“Ở Albania các ủy viên
Ban chấp hành trung ương tự bắn vào đầu! Không tốt, rất không tốt!”
Tôi bắt đầu giải thích:
Spiru Naku chống lại mối quan hệ giữa Albania và Nam Tư, ông ta tự tách ra khỏi
Ban chấp hành trung ương. Nhưng tôi chưa nói hết thì Stalin đã bất ngờ nói:
“Chúng tôi không có quyền
lợi gì đặc biệt ở Albania cả. Chúng tôi đồng ý để Nam Tư nuốt Albania!”, vừa
nói ông vừa co những ngón tay của bàn tay phải lại rồi đưa lên miệng làm bộ như
đang nuốt vậy.
Tôi vô cùng ngạc nhiên,
gần như cứng lưỡi vì cách thể hiện và động tác của ông, nhưng tôi không biết điều
đó có thể hiện trên nét mặt không vì tôi cố gắng biến câu đó thành một lời nói
đùa và coi đấy là cách thể hiện tư tưởng bình thường, có phần thô nhưng đầy
hình ảnh của Stalin. Tôi lại bắt đầu giải thích: chúng tôi không muốn nuốt mà
là liên kết!
Nhưng Molotov đã nói
chen vào:
“Thì thế là nuốt đấy!”
Còn Stalin thì vừa lặp lại
động tác vừa nói:
“Đúng, đúng, nuốt. Nhưng
chúng tôi đồng ý: các đồng chí phải nuốt Albania, càng nhanh càng tốt.”
Mặc dù cách nói như thế,
không khí có vẻ rất chân thành và cực kì hữu nghị. Ngay Molotov cũng nói một
cách vui vẻ, nhã nhặn, một điều hiếm thấy xưa nay.
Tôi luôn xem xét vấn đề
xích lại gần nhau và hợp nhất với Albania với lòng chân thành và tình cảm cách
mạng. Cũng như nhiều người khác, tôi cho rằng việc hợp nhất, nếu được ban lãnh
đạo Albania tự nguyện, không chỉ đem lại cho Nam Tư và Albania những lợi ích trực
tiếp mà còn đồng thời chấm dứt mối thâm thù và xung đột truyền thống giữa người
Serb và người Albania nữa. Theo tôi, còn một điều quan trọng nữa, đấy là khả
năng liên kết của nhóm người thiểu số Albania ở Nam Tư vào nước Albania thuộc
liên bang Nam Tư - Albania. Mọi giải pháp khác cho vấn đề người thiểu số
Albania ở Nam Tư, tôi nghĩ, đều không thực tế bởi vì chuyển giao lãnh thổ Nam
Tư có người Albania sinh sống cho Albania sẽ gặp phải sự chống đối quyết liệt
ngay trong Đảng cộng sản Nam Tư.
Tôi, lúc đó cũng như hiện
nay, không thể bác bỏ quyền tự nhiên của người Albania trong việc liên kết với
chính quốc của họ, hơn nữa, tôi còn đòi cho người Nam Tư cũng được quyền như thế,
thí dụ, trong giai đoạn hiện nay là người Nam Tư sinh sống ở Ý. Thêm vào đó,
tôi còn có tình cảm đặc biệt đối với nước Albania và người Albania: người
Albania, nhất là ở phía bắc, có tính cách và nếp sống giống người Trernogornưi,
đồng bào của tôi. Sinh lực và ý chí bảo vệ bản sắc của họ cao đến mức khó dân tộc
nào trên thế giới sánh kịp.
Tất nhiên là tôi không
nghĩ đến việc từ bỏ quan đểm của lãnh đạo nước mình và đồng ý với Stalin nhưng
câu nói của Stalin lập tức tạo ra trong lòng tôi hai ý: Thứ nhất, chính sách của
Nam Tư ở Albania chưa thực sự tốt. Thứ hai, Liên Xô đã nuốt các nước vùng
Ban-tích, nhận xét của Molotov đã nói thẳng ra như thế.
Hai ý đó hoà quyện với
nhau thành một cảm giác nặng nề.
Có thể chính sách của
Nam Tư đối với Albania có gì đó không rõ ràng và không nhất quán, tôi nghĩ,
nhưng dù sao cũng không thể nào gọi là “nuốt” được. Trong đầu tôi chợt nảy ra ý
nghĩ rằng chính sách đối với Albania không phù hợp với nguyện vọng của những
người cộng sản Albania, mà một người cộng sản như tôi lại được xem như người phản
ánh ý chí của nhân dân Albania. Tại sao Naku lại tự sát? Ông ta là cộng sản, là
người mác-xít chứ đâu phải “tiểu tư sản” hay “dân tộc chủ nghĩa”? Nếu người
Albania, cũng như chúng tôi, muốn có một nước độc lập với Liên Xô thì sao? Nếu
lợi dụng sự cách li và nghèo khó của Albania để tiến hành hợp nhất trái với
nguyện vọng của nhân dân, có dẫn đến những khó khăn và xung đột không thể khắc
phục được hay không? Người Albania là một chủng tộc lâu đời và có bản sắc riêng
nhưng họ lại là một quốc gia tương đối mới, vì vậy, tình cảm dân tộc chủ nghĩa
của họ còn rất cao. Liệu họ có coi hợp nhất là đánh mất độc lập, mất bản sắc
không?
Tôi liên kết ý nghĩ thứ
hai, về việc Liên Xô nuốt các nước Ban-tích, với ý nghĩ thứ nhất và nhắc đi nhắc
lại với mình như sau: Người Nam Tư chúng ta không thể hợp nhất theo kiểu đó, ta
không có quyền làm như thế. Còn nguy cơ về việc một nước đế quốc nào đó, như Đức
chẳng hạn, xâm lược Albania và sử dụng làm bàn đạp chống Nam Tư là không thể xảy
ra.
Nhưng Satlin đã hỏi:
“Theo đồng chí thì Hoxha
là người thế nào?”
Tôi tránh trả lời trực
tiếp, nhưng Stalin đã nói đúng như ban lãnh đạo Nam Tư nhận định:
“Ông ta là người tiểu tư
sản, có xu hướng dân tộc chủ nghĩa phải không? Chúng tôi nhận định như thế đấy.
Người kiên định nhất là Xoxe có phải không?’’
Tôi trả lời khẳng định ý
kiến của ông.
Stalin kết thúc câu chuyện,
kéo dài chưa đến mười phút, về Albania như sau:
“Chúng ta không có bất đồng
nào cả. Đồng chí thay mặt chính phủ Liên Xô soạn một bức điện nói về chuyện đó
để gửi cho Tito và ngày mai đưa cho tôi xem”.
Sợ không hiểu rõ, tôi phải
hỏi lại. Stalin trả lời rằng tôi phải thay mặt chính phủ Liên Xô soạn một bức
điện gửi chính phủ Nam Tư.
Đầu tiên, tôi nghĩ rằng
đấy là sự thể hiện sự tin cậy tuyệt đối đối với tôi và mức độ đồng thuận cao nhất
với chính sách của Nam Tư ở Albania. Nhưng ngày hôm sau, khi soạn thảo bức điện,
tôi chợt nghĩ rằng một lúc nào đó, nó có thể được sử dụng để chống lại chính phủ
của chúng tôi cho nên tôi viết ngắn và cực kì thận trọng, nội dung như sau:
“Hôm qua, Djilas đã đến
Moskva, cuộc họp được tổ chức ngay sau đó cho thấy sự nhất trí hoàn toàn giữa
chính phủ Liên Xô và chính phủ Nam Tư về vấn đề Albania”.
Bức điện này chưa bao giờ
được gửi nhưng cũng chưa bao giờ được sử dụng để chống lại chính phủ Nam Tư
trong cuộc xung đột sau đó giữa Moskva và Belgrad.
Cuộc nói chuyện còn kéo
dài thêm một lúc nữa xung quanh những vấn đề không quan trọng như đặt Cominform
ở Belgrad, cơ quan ngôn luận của Cominform, sức khỏe của Tito và các vấn đề
khác đại loại như vậy.
Lựa chọn lúc thích hợp,
tôi đặt vấn đề về trang bị cho quân đội Nam Tư và công nghiệp quốc phòng. Tôi
nói rõ rằng chúng tôi hay gặp trở ngại với các đại diện phía Liên Xô, họ từ chối
giúp đỡ, khi thì việc này, khi thì việc khác, lấy cớ rằng đấy là “bí mật quân sự”.
Stalin đứng dậy và gào lên:
“Chúng tôi không giấu
các đồng chí bất cứ chuyện gì. Các đồng chí là nước xã hội chủ nghĩa anh em,
chúng tôi không giấu bất cứ bí mật quân sự nào”.
Sau đó ông đi lại phía
bàn viết, gọi điện cho Bulganin và hạ lệnh:
“Ở đây đang có mấy người
Nam Tư, có đoàn đại biểu Nam Tư, phải nghe họ nói ngay bây giờ”.
Cuộc nói chuyện ở Điện
Kremli kéo dài chừng nửa giờ, sau đó chúng tôi đến nhà nghỉ của Stalin ăn tối.
Chúng tôi ngồi vào xe của
Stalin, có cảm tưởng như đây chính là cái xe tôi đã cùng Molotov đi hồi năm
1945. Zhdanov ngồi ghế sau, bên phải tôi, còn phía trước là Stalin và Molotov.
Lúc đang đi, Stalin thắp một cái đèn nhỏ trên tấm chắn đằng trước, bên dưới cái
đèn có một chiếc đồng hồ đeo tay, lúc đó gần mười giờ đêm. Tôi nhìn thấy lưng
ông đã so lại, cái gáy xương xẩu và lớp da nhăn nheo bên trên chiếc cổ áo
nguyên soái là cứng. Tôi chợt nghĩ: đây là một trong những người có quyền lực
nhất trong thời đại chúng ta, còn bên cạnh là những cộng sự gần gũi nhất của
ông ta, nếu bây giờ có một quả bom nổ tung xe chúng tôi ra từng mảnh thì thảm
hoạ này sẽ giật gân đến mức nào! Nhưng đấy chỉ là ý nghĩ không tốt bất chợt, nó
xảy ra bất ngờ đến nỗi chính tôi cũng phát hoảng và tôi lại nhìn thấy trong
Stalin hình ảnh một người suốt đời nghĩ đến thắng lợi và hạnh phúc của toàn thể
những người cộng sản.
Trong khi chờ những người
khác, Stalin, Zhdanov và tôi đứng gần tấm bản đồ thế giới treo trong phòng lớn.
Tôi lại nhìn vào Stalingrad, được khoanh bằng bút chì màu xanh, Stalin lại nhận
ra sự chú ý của tôi và tôi cũng thấy rằng ông cảm thấy thích. Zhdanov cũng bắt
được ánh mắt của chúng tôi, ông ta nhận xét ngay:
“Khởi đầu chiến dịch Stalingrad.”
Nhưng Stalin không nói gì.
Theo tôi nhớ thì Stalin bắt đầu tìm trên bản đồ thành phố
vì thành phố này cần phải đổi tên thành Kaliningrad, trong khi tìm như thế,
chúng tôi bắt gặp những địa danh gần Leningrad vẫn còn mang tên Đức như dưới thời
nữ hoàng Ekaterina. Stalin tỏ vẻ không thích, ông bảo Zhdanov:
“Đổi tên! Thật là không ra gì, đến giờ mà vẫn còn mang
tên Đức!”
Zhdanov lấy sổ tay và một cái bút chì ra ghi chỉ đạo của
Stalin.
Sau đó, tôi và Molotov đi vào toilet bên dưới tầng hầm
ngôi nhà, ở đây có mấy cầu tiêu và bồn tiểu. Vừa đi, Molotov vừa kéo
phéc-mơ-tuya và bình luận:
“Chúng tôi gọi như thế này là xuất rồi mới nhập.”
Mặc dù tôi đã phải ngồi tù nhiều năm, trong tù thì không
còn gì xấu hổ nữa, nhưng tôi vẫn ngượng nên sau khi vào cầu tiêu tôi đóng cửa lại.
Sau đó, chúng tôi lên phòng ăn, Stalin, Malenkov, Beria,
Zhdanov và Voznesensky đã đợi sẵn.
Zhdanov và Voznesensky là những người tôi mới gặp lần đầu.
Đã đăng trên http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=7514&rb=0202
No comments:
Post a Comment