June 24, 2014

Donald Boudreaux - Bàn về pháp quyền


Phạm Nguyên Trường dịch

Mọi người đều nhất trí rằng pháp quyền là tốt, cả về đạo đức lẫn kinh tế. Hầu như không có người nào – dù họ có theo ý thức hệ chính trị nào thì cũng thế - dám nghi ngờ về sự tốt đẹp và tầm quan trọng của pháp quyền.
Chắc chắn là tôi cũng không nghi ngờ rồi.
Nhưng chính xác pháp quyền là gì? Trong khi trả lời câu hỏi này chúng ta sẽ tìm được lí do vì sao những người với những quan điểm rất khác nhau về vai trò của chính phủ đều chân thành tuyên bố rằng họ trung thành với chế độ pháp quyền.

Dưới đây là những thứ không phải bản chất của chế độ pháp quyền. Chế độ pháp quyền tồn tại không phải đơn giản chỉ vì cái chính phủ ban hành mệnh lệnh và thực thi pháp luật là chính phủ được bầu một cách dân chủ và chính danh. Chế độ pháp quyền tồn tại không phải đơn giản chỉ vì mệnh lệnh và luật pháp được thực thi theo đúng lời văn của chúng, không có thiên vị hay ngoại lệ hoặc tham nhũng. Chế độ pháp quyền tồn tại không phải đơn giản chỉ vì mọi người trong xã hội, kể cả những người có quyền lực chính trị, đều phải chấp hành mệnh lệnh của chính phủ.
Mỗi một đặc điểm đó của hệ thống chính trị và pháp luật tử tế đều là hấp dẫn, nhưng từng đặc điểm riêng lẻ lẫn tất cả những đặc điểm đó gộp lại cũng đều không phải là bản chất của chế độ pháp quyền.


Qui định và pháp luật
Chế độ pháp quyền tồn tại khi và chỉ khi các qui định được chính phủ thực thi trên thực tế là các bộ luật.
Định nghĩa của tôi nghe có vẻ thừa. Nói cho cùng, các qui định chẳng phải đã trở thành luật chỉ vì chính phủ thực thi hay sao?
Không. Nhưng sự lầm lẫn về ý nghĩa của “chế độ pháp quyền” xuất phát từ niềm tin phổ biến nhưng sai lầm rằng qui định được chính phủ thực thi là luật.
Trên thực tế luật xuất hiện từ những hành động hàng ngày của người dân trong những cố gắng đang diễn ra hàng ngày của họ nhằm phát triển và tránh những va chạm có tính hủy hoại lẫn nhau. Pháp luật hòa nhập vào những kì vọng dễ nhận thấy nhất của các cá nhân ở trong xã hội.
Ví dụ cực đoan nhất là hành vi giết người vô cớ không phải là trái pháp luật vì chính phủ tuyên bố rằng đấy là hành động phạm pháp. Hành động này trái pháp luật vì rằng nó xâm phạm những tiêu chuẩn và kì vọng mà cộng đồng luôn luôn gìn giữ. Xóa bỏ tất cả những cấm đoán giết người khỏi tất cả những bộ luật của chính phủ cũng không làm cho kẻ sát nhân trở thành người hành động đúng pháp luật được.
Về nguyên tắc, trong thế giới tự do cổ điển, chính phủ đặt ra luật chống lại kẻ sát nhân và sử dụng một số nguồn lực của chính phủ nhằm khống chế tên giết người vì trong xã hội, chính phủ là tổ chức có lợi thế tương đối trong việc khống chế đó. Cũng vì cùng lí do đó mà Starbucks chuyên bán lẻ coffee, còn chính phủ thì chuyên thực thi luật pháp. Cũng như Starbucks phản ứng trước nhu cầu thường thấy của người tiêu dùng – cũng như Starbucks không làm cái việc là bảo cho người tiêu dùng biết họ muốn gì và không muốn gì, mà làm việc phục vụ người tiêu dùng theo đúng sở thích đặc biệt của họ về coffee và bánh ngọt – chính phủ, theo chủ nghĩa tự do cổ điển, thực sự không làm cái việc là áp đặt cho người dân đòi hỏi và ra lệnh cho người dân, mà phục vụ các công dân bằng cách thực thi những bộ luật vốn tồn tại độc lập với chính phủ.
Phải hiểu pháp luật như thế ta mới nhận thức được lời phê phán quen thuộc cho rằng “không biết luật không có nghĩa là không phải chịu trách nhiệm”. Vì bộ luật đúng đắn bao giờ cũng nằm trong những kì vọng đang thịnh hành trong cộng đồng, ngày càng có nhiều người hành động đúng pháp luật – nghĩa là nhiều người hành động phù hợp với những kì vọng đó - thì xã hội sẽ ngày càng hạnh phúc hơn và thanh bình hơn. Cho nên một người nào đó quả thật không biết những kì vọng này là gì thì cũng không có nghĩa là anh/chị ta được phép vi phạm pháp luật bằng cách đơn giản là thề - hay thậm chí chứng minh -  rằng anh/chị ta quả thật không biết, thí dụ, cầm ví của khác khi chưa được phép là phạm luật.
Không ai thấy bất công trong việc trừng phạt kẻ ăn cắp cái ví đó. Những bộ luật bị vi phạm trong những trường hợp như vậy hoàn toàn không phải là những bộ luật độc đoán; đấy là những bộ luật phát triển một cách gắn bó trong cộng đồng và có vai trò quan trọng cho sự tồn tại một cách hòa bình của cộng đồng. Ngoài ra, vì trên thực tế, những kì vọng đó là “luật” được nhiều người biết, khả năng là một kẻ vi phạm luật quả thật không biết luật đó ít đến nỗi không thể để cho người đó sử dụng sự thiếu hiểu biết nhằm biện hộ cho mình trong vụ truy tố được.
Trái ngược với cách hiểu luật dựa trên kì vọng như thế là huyền thoại hiện đại cho rằng chỉ có những mệnh lệnh do nhà nước ban hành mới là luật. Trong trường hợp này, đa số chúng ta có cảm thấy tin tưởng khi trừng phạt một người phạm luật mà trên thực tế đúng là người đó không biết qui định của nhà nước hay không? Tôi nghĩ là không.
Trong khi rất ít khả năng là, nói thí dụ thế, người ăn cắp ví không biết rằng làm thế là phạm pháp, nhưng hoàn toàn có khả năng là, nói ví dụ thế, một người chủ nhà không biết rằng cơ quan lập pháp hay hành pháp đã tuyên bố rằng đổ đầy nước vào cái hố sau nhà là phạm luật hình sự. Ngoài ra, sự kiện là các qui tắc của cộng đồng không qui định là các chủ sở hữu không được đổ đầy nước vào các hố ở sau nhà là bằng chứng mạnh mẽ chứng tỏ rằng đổ nước vào những cái hố như thế gần như không hoặc không cản trở hoạt động nhịp nhàng của xã hội.

Như vậy là, không biết những điều luật nằm sẵn trong những qui tắc và kì vọng của xã hội không phải là lí do để tha thứ cho việc vi phạm pháp luật, nhưng không biết những qui định của cơ quan lập pháp là – hay phải là – luận cứ bào chữa cho việc không hành xử đúng như cơ quan lập pháp ra lệnh.

Tôn trọng quá mức
Đáng tiếc là, vì những qui định của lập pháp hay hành pháp bị gọi một cách sai lầm là “luật”, cho nên chúng thường nhận được sự tôn trọng và đánh giá cao hơn mức mà chúng xứng đáng được hưởng.

Đặc điểm chân thực nhất của pháp quyền vì vậy mà, theo cách nói thông thường, là pháp quyền trái ngược với “chính quyền của một số người” – có nghĩa là trái ngược với chính quyền của một số người cụ thể nào đó. Pháp quyền là các tiêu chuẩn đã tiến hóa thành những kì vọng được nhiều người chia sẻ. Người, ủy ban, Quốc hội hay tòa án không tạo ra được những tiêu chuẩn này – những bộ luật này. Tương tự như giá cả thị trường và mẫu mã hàng hóa, pháp luật đúng đắn (dùng một trong những cụm từ yêu thích của Hayek) “là kết quả của những hành động của con người chứ không phải là ý đồ của con người.”

Pháp quyền có nghĩa lả sự tôn trọng của mọi người đối với những tiêu chuẩn và kì vọng xuất hiện từ hành động tự phát của con người. Ngược lại – cai trị bằng mệnh lệnh – bao giờ cũng có nghĩa là cai trị bởi một nhóm người có sức mạnh cưỡng chế mà không đếm xỉa đến những tiêu chuẩn và kỳ vọng đó. Sự kiện là những cá nhân có quyền lực đó có thể do dân bầu cũng không biến những mệnh lệnh mà họ áp đặt thành luật chân chính được.

Luật theo định nghĩa ở đây chưa bao giờ là luật hoàn hảo. Nó có thể và đã từng xảy ra trong quá khứ, bị nhiễm đủ thứ khuyết tật. Nhưng ưu điểm lớn nhất của nó là ít khi trở thành phương tiện cho những kẻ đi tìm hay sử dụng quyền lực. Còn mệnh lệnh mà những kẻ thèm khát quyền lực tạo ra – tức là những thứ mà những kẻ cai trị đó gọi là “luật” nhằm che đậy các mệnh lệnh của họ bằng tính chính danh giả tạo – hầu như bao giờ cũng là phương tiện thúc đẩy những mục tiêu cụ thể nào đó của những kẻ cai trị không quan tâm nhiều tới sự thịnh vượng trong dài hạn của người dân bình thường.

Donald Boudreaux là Giáo sư kinh tế tại George Mason University, cựu chủ tịch FEE (Quĩ giáo dục kinh tế) và là tác gải cuốn Hypocrites and Half-Wits.


Đã đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An số 266 ra ngày 10 tháng 4 năm 2014.


No comments:

Post a Comment