April 8, 2013

Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp thị

Độc quyền chân lý thì tai hoạ khôn lường

http://sgtt.vn/Loi-song/176534/Doc-quyen-chan-ly-thi-tai-hoa-khon-luong.html

Còn đây là bài chưa biên tập:



Câu hỏi: Ông đến với việc dịch và dịch sách như thế nào? Từ năm nào? Sản phẩm đầu tiên mà ông dịch là về vấn đề gì?

Trả lời: Tôi tốt nghiệp ngành vật lí kĩ thuật ở Liên Xô năm 1975. Giống như các bậc thày và các bậc đàn anh trong ngành vật lí đi trước, ngoài chuyên môn, cũng là công việc kiếm sống, tôi còn quan tâm đến văn học, xã hội học và triết học. Tôi thích đọc sách, cả tiếng Việt và tiếng Nga, sau này là tiếng Anh và trong quá trình đó trong tôi nảy sinh ý định chia sẻ, trước hết là với những bạn bè tâm giao. Tôi bắt đầu dịch một số truyện ngắn cho tờ Văn nghệ của Hội văn nghệ Vũng Tàu từ khoảng năm 1987. Sau này, khi mạng Internet lan truyền rộng rãi thì tôi bắt dịch và công bố trên mạng, cụ thể là website Talawas.org tác phẩm Trại súc vật, đấy là đầu năm 2004. Sản phẩm đầu tiên trên Văn nghệ Vũng Tàu là một truyện ngắn (dịch qua bản tiếng Nga) về một cô giáo ở đảo Mindanao (Philippines) chịu nhiều bất hạnh, có lẽ cũng giống như của ta, tôi thấy hay hay.


Câu hỏi: Ông muốn dùng bút danh nào: Phạm Nguyên Trường, Phạm Duy Hiển, Phạm Minh Ngọc… trong cuộc trò chuyện này? Rõ ràng ông có chủ đích lựa chọn bút danh cho từng chủ đề dịch thuật, tại sao vậy?

Trả lời: Tên tôi là Phạm Duy Hiển, nhưng lúc tôi bắt đầu dịch thì đã có một người rất nổi tiếng và đáng kính là Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Duy Hiển rồi, tôi không muốn làm phiền đến ông. Còn Phạm Minh Ngọc là tên con gái út của tôi, khi viết cho Talawas, tôi ngại người ta dị nghị nên lấy tên con gái làm bút danh. Sau này cơ quan chức năng không muốn tôi viết cho Talawas nữa, con gái tôi cũng đã lớn, tôi không muốn cháu phải liên lụy đến những vấn đề mà cháu chưa hiểu. Thế là tôi phải chọn bút danh mới: Phạm Nguyên Trường, trong cuộc trò chuyện này tôi muốn dùng bút danh Phạm Nguyên Trường vì những lí do vừa kể.


Câu hỏi: Ông chuyển hướng hay bắt đầu lựa chọn các tác phẩm, các tiểu luận mẫu mực về chính trị để dịch từ khi nào?

Trả lời: Nước ta đang trải qua giai đoạn chuyển mình dự dội, xã hội, phải nói, đang đứng trước ngã ba đường, nhiều vấn đề không thể lí giải nổi, tôi nghĩ rằng sách văn học và dịch sách văn học không đáp ứng được những nhu cầu nội tâm của mình và có thể là của cả bạn đọc nữa. Tôi bắt đầu dịch những tiểu luận đó vào khoảng năm 2004 hay 2005 gì đó.

Câu hỏi: Có sự khác nhau nhiều không giữa một bản dịch khoa học thuần túy và khoa học xã hội, chính trị ở Việt Nam?

Trả lời: Tôi nghĩ rằng không khác nhau nhiều, dù dịch tác phẩm loại nào thì người dịch cũng phải chuyển ngữ một cách trung thành tác phẩm mình dịch, lí tưởng nhất là tạo cho người đọc văn bản dịch cảm giác như người bản ngữ đọc văn bản nguồn vậy. Khoa học thuần túy, khoa học xã hội, chính trị hay văn học thì cũng vậy thôi. Còn dịch xong, người ta biên tập, cắt xén và anh có đồng ý hay không lại là chuyện khác.

Câu hỏi: Xét về thứ tự ưu tiên, các dịch phẩm của ông cũng hướng đến các chủ đề về chính trị - xã hội, chế độ toàn trị, chủ nghĩa tự do… trước, rồi mới đến kinh tế, văn học, đời sống… Xin ông cắt nghĩa về ưu tiên và chọn lựa này?

Trả lời: Tôi nghĩ là tôi không ưu tiên chủ đề nào cả. Phê phán chế độ toàn trị cũng là gián tiếp nói đến chủ nghĩa tự do, mà nói về tự do là nói về cái đối lập với toàn trị. Muốn có tự do thì trước hết phải có tự do về kinh tế, tức là tự do kiếm sống, tự do làm giàu. Có thể tôi dịch nhiều tác phẩm về chính trị xã hội hay chế độ toàn trị hơn là vì tôi đã tìm được nhiều tác phẩm như thế hơn chứ đấy hoàn toàn không phải là chủ ý của tôi.

Câu hỏi: Từ điểm nhìn tác động xã hội, dịch thuật được ông quan niệm như thế nào?

Trả lời: Tôi chỉ chọn dịch những tác phẩm mà tôi nghĩ là có những kiến thức mới, ít nhất là mới đối với tôi, giúp tôi lí giải được những hiện tượng xã hội đang diễn ra quanh ta hiện nay. Như đã nói, tôi thích đọc sách báo, và nhiều khi cũng thấy một người viết nào đó có những ý tưởng mới, hay. Nhưng sau đó, đọc sách nước ngoài mới thấy vấn đề đó đã được người ta đào xới kĩ càng, lật đi lật lại chứ không phiến diện như các tác giả “cây nhà lá vườn” của ta. Những lúc như thế chỉ muốn dịch thật nhanh, thật nhiều để có thể bổ khuyết phần nào cái mà nước mình hiện đang thiếu. Đáng tiếc là sức người có hạn, lực bất tòng tâm. Tôi chỉ dịch những tác phẩm mà mình cho là có vấn đề, có kiến thức mới, tức là có tính chất khai dân trí, tuyệt đối không dịch những tác phẩm có tính cách giải trí, vô thưởng vô phạt, mua vui.

Câu hỏi: Với quan niệm như vậy, ắt có nhiều tiểu luận, cuốn sách sẽ không được phép dịch, hoặc dịch nhưng sẽ không được xuất bản chính quy. Ông có buồn không?

Trả lời: Tôi nghĩ rằng chẳng ai có thể cấm tôi dịch bất kì tác phẩm nào, đấy là nói nếu tôi chỉ dịch và giữ sản phẩm của mình trong bộ nhớ của máy tính. Còn xuất bản? Dĩ nhiên, đã làm việc thì ai cũng muốn thấy thành quả thật sự của mình. Người viết hoặc dịch dĩ nhiên là muốn thấy tác phẩm của mình được in. Nó chứng tỏ rằng anh đã thực sự làm việc có kết quả, và còn nhuận bút nữa; không nhiều, nhưng cũng có ý nghĩa lắm chứ. Nhưng nếu chưa in được thì cũng không sao, bây giờ có mạng Internet, có blog cá nhân, mình có thể tự công bố. Một nhà văn Liên Xô, ông Vasily Grossman, tác giả cuốn Cuộc đời và số phận, từng nói: muốn có tác phẩm được in thì trước hết phải có bản thảo đã. Tôi không buồn, vì, như đã nói, tôi dịch trước hết là để đáp ứng nhu cầu nội tâm của chính mình và chia sẻ với bạn bè tâm giao. Bạn bè tâm giao có thể đọc những bản dịch của tôi trên mạng.   

Câu hỏi: Ngoài việc truyền bá kiến thức, ông thấy dịch thuật còn có những tác động gì đối với đời sống, đối với xã hội?

Trả lời: Khi nói đến dịch thuật, người ta thường bàn đến khía cạnh truyền bá kiến thức của nó. Điều đó dĩ nhiên là đúng. Nhưng còn một điều nữa, đấy là ảnh hưởng của dịch thuật đối với ngôn ngữ dân tộc, đối với phương pháp tư duy. Và khi nói tới ảnh hưởng của dịch thuật đối với ngôn ngữ, người ta thường nhắc tới Martin Luther, người đã dịch Kinh tân ước (vào năm 1522) và Kinh cựu ước (vào năm 1534) từ tiếng Latin sang thổ ngữ của miền trung nước Đức và đã khiến cho bộ phận ngôn ngữ ấy sau này trở thành ngôn ngữ chuẩn của nước Đức. Dù không có những nghiên cứu về ảnh hưởng cụ thể của dịch thuật đối với tiếng Việt, nhưng tôi tin chắc rằng việc dịch Tam tạng kinh điển của đạo Phật, dịch các trước tác của Khổng giáo và các tiểu thuyết kinh điển của Trung Quốc sang chữ nôm và sau này là sang chữ Quốc ngữ, cũng như việc dịch các tác phẩm văn học và khoa học từ tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Nga sang tiếng Việt đã có những đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển của tiếng Việt hiện đại. Chỉ cần đọc một vài tác phẩm viết cách đây khoảng 100 năm và so sánh văn phong của những tác phẩm đó với những tác phẩm được xuất bản gần đây, chúng ta cũng sẽ thấy ngay rằng tiếng Việt đã rõ ràng, mạch lạc, trong sáng và hiện đại hơn rất nhiều. Ngôn ngữ trong sáng hơn, mạch lạc hơn tức là phương pháp tư duy của chúng ta cũng trong sáng, mạch lạc hơn. Có người đã viết trên mạng rằng đọc sách về kinh tế, xã hội, luật pháp bằng tiếng nước ngoài dễ hiểu hơn đọc bằng tiếng Việt, nếu điều này đúng thì chúng ta còn phải làm việc nhiều nữa để tiếng Việt, một trong những di sản quý báu nhất mà cha ông đã để lại cho chúng ta, trở thành trong sáng hơn nữa, hợp logic hơn nữa.   

Câu hỏi: Người ta học điều gì hay cần học điều gì từ những cuốn sách có tính cách tiên tri và phản biện xã hội mạnh mẽ như vậy?

Trả lời: Tôi nghĩ rằng những người trí thức cấp tiến thường muốn giải quyết cái ác trong xã hội một lần cho mãi mãi bằng phương cách đơn thuần là tổ chức lại xã hội. P.I. Novgorodsev trong bài viết Bàn về phương hướng và nhiệm vụ của giới trí thức Nga (1918) [trong cuốn Về trí thức Nga, cũng do tôi dịch] đã cảnh cáo: “Nhưng nếu cuộc đấu tranh chống lại cái ác trong xã hội là nhiệm vụ cao cả nhất của quá trình xây dựng quốc gia thì thử nghiệm việc đào tận gốc trốc tận rễ ngay lập tức và toàn triệt cái ác chỉ là niềm tin mù quáng của lý trí con người, hóa ra lại là một cái ác khủng khiếp hơn rất nhiều và sẽ đưa đến những tai họa còn nặng nề khó chịu hơn nhiều“. Đã như thế rồi mà lại độc quyền chân lí nữa thì tai họa không biết thế nào mà lường. Tôi nghĩ mọi người chúng ta đều đã tự cảm thấy ngay trên da thịt của mình kết quả cũng những việc làm đầy hoang tưởng như thế rồi. Một lần nữa, chế độ dân chủ và tự do cạnh tranh lại là con đường đúng đắn, con đường này tưởng như chậm chạp, nhưng chắc chắn và nếu có những bước đi sai lầm thì cũng không lớn, có thể dễ dàng sửa chữa được.

Câu hỏi: Mỗi xã hội, mỗi đất nước – tùy từng lúc – mà cần có những sách tư tưởng khác nhau. Ông có nghĩ về những quyển sách như vậy cho xã hội Việt Nam hiện nay và tương lai gần không?

Trả lời: Tất nhiên là như thế rồi. Mỗi lúc, mỗi giai đoạn cần có những tư tưởng hướng đạo khác nhau. Tôi nghe một anh bạn người Pháp nói rằng cuốn Đường về nô lệ có thời từng là cẩm nang của các nhà cải cách Trung Quốc, còn bây giờ thì cuốn Nền dân trị Mĩ và cuốn Chế độ cũ và cách mạng (chưa được dịch sang tiếng Việt) đều của Alexis de Tocqueville hiện đang là best-seller ở bên đó. Bây giờ chúng ta đang muốn xây dựng nền kinh tế thị trường thì sách viết về những nguyên lí của nền kinh tế thị trường tự do thật sự, viết về những lợi thế của nền kinh tế thị trường và phê phán chủ nghĩa tư bản hoang dã, chủ nghĩa tư bản ô dù, theo tôi là những tác phẩm cần được quảng bá rộng rãi. Hay, nước ta đất chật, người đông, rừng đã hết vàng mà kinh tế biển lại èo uột thì cuốn Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử -1660-1783 của A. Mahal là tác phẩm mà những người làm chính sách rất nên đọc. Cùng với nền kinh tế thị trường, chúng ta còn muốn đồng bào của mình được sống trong một xã hội dân chủ tự do, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, đều có cơ hội như nhau… Nghĩa là cũng cần những tác phẩm nói về cách thức hoạt động của xã hội dân chủ, để dần dần người ta theo đó mà làm. Tôi vẫn đang nghĩ đến những tác phẩm như thế. Chỉ đáng tiếc là, như tôi đã nói, sức người có hạn.

 

Câu hỏi: Tại đất nước có môi trường dịch thuật và giáo dục như VN hiện nay, ông nghĩ công việc dịch nên hướng đến hay nên dừng lại ở những giới hạn nào trong việc tác động cộng đồng?

Trả lời: Tôi nghĩ đưa một ý tưởng mới vào xã hội thì cũng tương tự như một phát minh khoa học vậy thôi. Không ai biết nó sẽ tác động như thế nào, tích cực hay tiêu cực. Cho nên tôi nghĩ chẳng ai có thể xác định được phương hướng hay giới hạn trong việc tác động cộng đồng. Chỉ có một điều chắc chắn là những xã hội có tự do ngôn luận là những xã hội có tiến bộ nhanh hơn. Các tư tưởng nên được để cho tự do cạnh tranh với nhau, người đọc của chúng ta thông minh lắm, họ sẽ chọn được những điều bổ ích, có lợi cho đời sống của họ.

Câu hỏi: Nhìn lại môi trường dịch thuật từ năm 2000 đến nay, bỏ qua những rào cản và hạn chế, ông nghĩ sách dịch đã tác động những điều gì hữu ích đến người đọc và xã hội VN?

Trả lời: Tôi không có điều kiện theo dõi chuyện này và có lẽ cũng khó mà nói được rằng một ý tưởng mới xuất hiện trên công luận là do dịch hay do các học giả trong nước tự nghĩ ra. Nhưng có lẽ dịch thuật đã có tác động, thí dụ, trước đây không thấy ai dùng thuật ngữ chế độ toàn trị, bây giờ thuật ngữ này trở thành thông dụng rồi. Hay, tôi đã từng nghe một người khá nổi tiếng nói nhiều lần đại ý rằng khát vọng tự do thì ai cũng có, nhưng để có dân chủ thì mọi người đều phải học. Ban đầu hãy học đã, rồi sau đó người ta sẽ hành xử theo những tiêu chuẩn của chế độ dân chủ.

Câu hỏi: Ông nghĩ như thế nào về nhuận bút?

Trả lời: Đúng là nhuận bút còn thấp. Nhưng tôi là người ủng hộ nền kinh tế thị trường, tôi nghĩ chẳng nên đòi hỏi cơ chế đặc biệt hay một cái gì đặc biệt cho người dịch. Sách chưa có nhiều người đọc, không bán được nhiều thì nhà xuất bản lấy đâu tiền mà trả nhuận bút cao. Nhưng tôi nghĩ ở đây có vấn đề truyền thông. Có lẽ các nhà xuất bản chưa để ý đến lĩnh vực truyền thông, chưa để ý đến việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm của mình. Tôi nghĩ báo chí nên góp một tay. Báo chí có thể quảng bá cho một tác phẩm hay một dịch giả cụ thể, báo chí cũng có thể đăng lại nhiều kì một tác phẩm nào đó. Tờ Sài Gòn Tiếp Thị vừa rồi có đăng loạt bài Trò chuyện triết học của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, tôi thấy rất hay. Ta cũng có thể làm như thế với đề tài nền kinh tế thị trường tự do. Tìm được người viết thì càng tốt, nếu không thì đăng những bản dịch chuyển tải được nhiều kiến thức bằng ngôn ngữ dễ hiểu cũng là việc làm bổ ích lắm.    

Câu hỏi: Giải thưởng dịch thuật Phan Châu Trinh với ông như thế nào? Ông sẽ “làm gì” với nó?

Trả lời: Tôi nghĩ rằng từ đây các tác phẩm do tôi dịch sẽ dễ dàng tiếp cận bạn đọc hơn. Đấy là điều quan trọng nhất. Giải thưởng sẽ làm cho tôi tự tin hơn và dĩ nhiên cũng là nguồn động viên rất lớn đối với tôi.

Câu hỏi: Nhưng cuốn sách mà ông đang và sẽ dịch sau giải thưởng này?

Trả lời: Vẫn là những cuốn sách theo chiều hướng mà chúng ta đã nói bên trên. Chủ nghĩa tự do, chế độ toàn trị, chế độ dân chủ và cơ sở của nền kinh tế thị trường tự do. Tôi nghĩ đấy là những thứ mà xã hội ta hiện nay đang thiếu. Tôi xin được giữ lại một chút bí mật: tên các tác phẩm đó.

7 comments:

  1. "Tôi không buồn, vì, như đã nói, tôi dịch trước hết là để đáp ứng nhu cầu nội tâm của chính mình", đọc đến đây cháu nhớ đã đọc trong một cuốn sách nào đó của Karl Marx rằng ông viết cuốn Hệ tư tưởng Đức không phải để xuất bản mà là để thanh toán những điều còn chưa được rõ trong tâm trí ông, vì khi viết là lúc ông phát triển mạch ý tưởng của mình. Viết xong xuất bản được thì tốt, không cũng chẳng sao vì ông đã thanh toán xong món nợ với chính mình. Cháu ước sao toàn bộ các tác phẩm trong giai đoạn cuối đời của Marx và Engels sẽ được dịch sang tiếng Việt, khi mà tư tưởng về tiến bộ xã hội của hai ông đã chín hơn rất nhiều. Chúc chú chân cứng đá mềm.

    ReplyDelete
  2. Tôi đã đọc qua bản tiếng Việt Mahan của bạn và thấy khá nhiều lỗi về thuật ngữ hàng hải thế kỷ 19 về ship-in-line ,frigate ...từ đó di6n4 tả các trận hải chiến chưa chuẩn.Tôi có viết vài ý trên FB Vietnam Ocean.Trân trọng
    Đỗ Thái Bình
    098-886-4892

    ReplyDelete
    Replies
    1. This comment has been removed by the author.

      Delete
    2. Cám ơn anh Đỗ Thái Bình. Tôi không biết những thuật ngữ đó, anh có thể gửi bài viết của mình cho tôi theo địa chỉ phamnguyentruong11@gmail.com được không. Dạo này FB ở chỗ tôi vào rất chậm, lại phải qua ultrasurf mà nó lại hay có lỗi lắm. Xin cám ơn anh nhiều.

      Delete
  3. Khi đọc các tác phẩm dịch của anh: Đường về nô lệ, Trại súc vật, Trí thức Nga... có cảm giác như anh đang thổi vào XH một luồng gió Duy Tân , giúp mọi người nhìn được rõ ràng hơn về Tự Do, Toàn Trị, Thị trường...
    Mong anh khoẻ và có thêm nhiều tác phẩm có giá trị cho độc giả.
    Trân trọng

    ReplyDelete