Phạm Nguyên Trường dịch
Theo những đánh giá mới
nhất, sẽ được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, thì đến năm 2030
thế giới sẽ cần 100 ngàn tỉ USD đề đầu tư
cho nhu cầu hạ tầng cơ sở. Những khoản đầu tư này phải là những khoản
đầu tư vào kinh tế “xanh” – việc thiết kế và sử dụng chúng phải dùng ít carbon (ý
nói than đá và dầu khí – ND) hơn và ít nguồn lực tự nhiên hơn – đấy là nói nếu
chúng ta muốn tránh sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu trong những thập niên
tới thêm bốn độ hoặc hơn nữa.
Ít nhất trong ngắn hạn, đầu tư xanh sẽ có chi phí cao hơn đầu tư
kinh doanh bình thường khoảng 700 triệu USD, đấy là theo đánh giá của tổ chức
gọi là Green Growth Action Alliance do cựu tổng thống Maxico làm chủ tịch và
được nhóm G-20 khuyến khích. Bên cạnh khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng trên
toàn thế giới từ nay đến năm 2020 là 15 ngàn tỉ USD thì mỗi năm cần đầu tư vào
năng lượng xanh 140 tỉ USD nữa.
Các khoản chi phí gia tăng này là không đáng kể so với những thiệt
hại về kinh tế và những thiệt hại khác, trong đó có, thí dụ, sự gia tăng và
biến động của giá hàng hóa và lương thực do thời tiết biến đổi bất thường gây
ra. Nhưng phải có ai đó mở hầu bao.
Đầu tư vào năng lượng sạch đã tăng lên, kể từ năm 2004, đầu tư vào
năng lượng tái tạo được đã tăng lên gấp 6 lần. Nhưng tổng số vẫn còn quá nhỏ.
Trong khi sự hỗ trợ của chính phủ vẫn có vai trò cực kì quan trọng đối với
những khoản đầu tư vào công nghệ “xanh” trên quy mô lớn thì sự yếu kém về mặt
tài chính tại nhiều nước lại kéo nó theo hướng ngược lại. Ví dụ, Đức, Vương
quốc Anh và Tây Ban Nha đã cắt giảm ưu đãi đối với thuế suất đánh vào năng
lượng mặt trời, còn thời hạn cho những khoản vay để sản xuất những nguồn năng
lượng có thể tái tạo được đã hết đã làm suy yếu những khoản đầu tư vào điện gió
ở nước này. Sự sụt giảm những khoản đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng còn là hậu
quả khôn lường trước được của những quy định cứng rắn trong lĩnh vực ngân hàng được
áp dụng sau vụ khủng tài chính toàn cầu vừa qua.
Có một tin tốt là càng ngày người ta càng có kinh nghiệm trong
việc thu hút đầu tư tư nhân với sự trợ giúp không lớn của ngành tài chính công.
Cổ phiếu và trái phiếu của các thiết chế công cộng, đặc biệt là của các ngân
hàng phát triển, là chất xúc tác quan trọng đối với đầu tư tư nhân, vì có biểu
thuế ưu đãi, trái phiếu cho công nghệ xanh và được nhà nước bảo hiểm cả những
khoản rủi ro về chính trị và tiền tệ.
Thật vậy, theo ước tính sơ bộ mỗi đồng USD tiền thuế có thể được
sử dụng với những công cụ như thế để tạo ra từ 3 tới 8 USD đầu tư tư nhân. Trên
cơ sở đó mà tổ chức the Green Growth Action Alliance đã tính được rằng với
khoản đầu tư công là 130 tỉ USD – một con số khá nhỏ, nếu tính đến chi phí đầu
tư thấp và hậu quả khủng khiếp nếu không hành động – sẽ tạo ra được những khoản
đầu tư tư nhân đủ sức bù đắp chi phí gia tăng cho đầu tư vào công nghệ “xanh”.
Có một tin tốt hơn nữa là các nền kinh tế đang phát triển đang là
nguồn đầu tư gia tăng nhanh chóng vào lĩnh vực công nghệ “xanh”. Tổng vốn đầu
tư cho công nghệ sạch có xuất xứ từ các nước nằm ngoài tổ chức OECD (Tổ chức
hợp tác và phát triển kinh tế) cho cả việc sử dụng trong nước cũng như xuyên
quốc gia đã tăng từ 4,5 tỉ USD vào năm 2004 lên 58 tỉ USD vào năm 2011. Do có
tốc độ gia tăng đầu tư có xuất xứ từ các nước nằm ngoài tổ chức OECD, trong năm
2012 dòng vốn đầu tư vào năng lượng sạch của các nước này có thể đã vượt vốn đầu
tư của các nước thuộc khối OECD.
Có hai việc cần phải thay đổi thì mới có thể làm cho tin tức tốt
lành này góp phần gia tăng mức độ đầu tư mà chúng ta đang cần. Thứ nhất, những quy
tắc thương mại và các tổ chức tài chính quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển phải
ngừng ngay việc ngăn chặn các lợi ích tiềm năng về công nghiệp và kinh tế thu
được từ những khoản đầu tư vào công nghệ “xanh” được hỗ trợ từ ngân khố quốc
gia. Đây là một vấn đề rất quan trọng cho tất cả các quốc gia – chứ không chỉ cho
các quốc gia có tiềm năng xuất khẩu lớn như Trung Quốc, mà còn cho các quốc gia
nhỏ hơn ở châu Phi và các nơi khác nữa, tức là những nước đang tìm kiếm lợi
nhuận từ sự sẵn sàng của họ trong việc đầu tư vào công nghệ “xanh”. Trợ cấp
đồng loạt cho xuất khẩu là việc cần phải tránh, nhưng nhu cầu cấp thiết là phải
cải cách nền thương mại quốc tế và các quy tắc tài chính nhằm công nhận giá trị
và khuyến khích quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng “xanh”.
Thứ hai, các thị trường tài chính là cần phải có quan điểm dài hạn
hơn. Như Nicholas Stern đã chỉ ra, không đánh giá đúng rủi ro của khí hậu, các
nhà đầu tư đang đánh cược – thực ra là khuyến khích - sự gia tăng nhiệt độ trên
toàn cầu. Có thể làm được nhiều việc trong lĩnh vực này, từ việc đưa rủi ro về
môi trường vào bảng xếp hạng tín dụng đến việc công bố đầy đủ hơn về về cách
thức các nhà đầu tư định giá carbon (ý nói than đá và dầu khí – ND) và các
nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Tuy nhiên, lĩnh vực tài chính của các nước
tiên tiến nói chung vẫn tiếp tục chống lại cải cách.
Các nước đang phát triển với các thị trường vốn trưởng thành có cơ
hội để nhảy lên phía trước bằng cách tạo ra những thị trường nhằm khuyến khích
đầu tư nhiều hơn vào nền kinh tế sử dụng ít carbon trong tương lai và sử dụng tài
nguyên một cách hiệu quả trên toàn thế giới. Những chuyển động của Brazil và
Nam Phi theo hướng này cho thấy nhiều hứa hẹn, trong khi Trung Quốc đang đứng trên
ngưỡng cửa của một sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính, đấy có
thể là sự kiện mang lại nhiều thay đổi.
Thất bại trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng “xanh” sẽ làm giảm tăng
trưởng kinh tế, làm tăng rủi ro của hệ thống, làm sâu sắc thêm sự bất bình
đẳng, và là nguyên nhân của bất ổn xã hội. Những nhà đầu tư giành chiến thắng
hôm nay cuối cùng sẽ bị thua, nhưng lúc đó thì đã quá trễ, không thể nào thay
đổi tiến trình lịch sử được nữa. Các nhà đầu tư tư nhân cần được khuyến khích
để “xanh hóa” các danh mục đầu tư của họ và phải bị phạt đối nếu không làm được
như thế.
Simon
Zadek, là nghiên cứu viên được mời tại trường kinh tế và quản trị Thanh Hoa
(Tsinghua School of Economics and Management - Bắc Kinh), cộng tác viên cao cấp
của Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (Global Green Growth Institute) và Viện quốc
tế về phát triển bền vững (International Institute for Sustainable Development).
Đã đăng
trên tạp chí Văn hóa Nghệ An số 241, ra ngày 25 tháng 3 năm 2013
No comments:
Post a Comment