December 17, 2012

Bùi Mẫn Hân - Thay đổi chế độ ở Trung Quốc?


Phạm Nguyên Trường dịch
Một câu hỏi cần phải hỏi về Đảng cộng sản Trung Quốc, một đảng vừa thực hiện xong việc luân chuyền ban lãnh đạo, là bài tập được dàn dựng một cách công phu này có giống như việc sắp xếp lại bàn ghế trong boong tàu Titanic hay không. Lễ nhậm chức của ban lãnh đạo mới có thể chẳng có mấy ý nghĩa vì ngày tàn của Đảng cộng sản Trung Quốc vừa có thể dự đoán được, vừa có nhiều khả năng là sẽ xảy ra.
Nhiều nhà quan sát có thể cho rằng lời khẳng định đó là sai. Họ bảo rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đã chứng tỏ được sức sống của nó sau sự kiện Thiên An Môn vào năm 1989 và sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Liên Xô vào năm 1991. Vậy thì tại sao hiện nay lại phải xem xét những dự báo về sự sụp đổ của Đảng cộng sản Trung Quốc một cách nghiêm túc?


Trong khi tương lai của Trung Quốc là điều không thể dự đoán được, nhưng có thể đánh giá được sự bền vững của chế độ hậu-toàn trị của nó với độ tin cậy nào đó. Trung Quốc có thể là một đất nước độc đáo về nhiều mặt, nhưng chế độ độc đảng khó mà là một ngoại lệ. Thực ra, chế độ chính trị của nước này cũng đang bị những lực tự hủy tấn công, đấy cũng là những lực lượng đã đưa các chế độ độc tài sang thế giới bên kia.
Trong số những khiếm khuyết của chế độ độc tài thì sự thoái hóa ở trên đỉnh kim tự tháp quyền lực, được thể hiện bởi những nhà lãnh đạo yếu kém chưa từng thấy, là hiện tượng ngày càng thể hiện rõ và không thể nào cứu chữa được. Bản chất đóng và không chấp nhận những nhân tố mới, theo mô hình kế vị, tức là tưởng thưởng cho lòng trung thành về mặt chính trị chứ không phải khả năng - cản trở, không cho nhiều người có tài leo lên những chức vụ cao trong chính phủ. Trên thực tế, những nhà cầm quyền độc tài thường ủng hộ những người kế nhiệm ít tài năng vì dễ lèo lái và kiểm soát khi họ bước trên đường tiến đến quyền lực.
Sự thoái hóa càng gia tăng khi chế độ độc tài bước vào giai đoạn già cỗi và quan liêu hơn. Khi các cá nhân leo lên những nấc thang cao hơn trong bộ máy quyền lực thì ô dù và tìm kiếm người bảo trợ là những tác nhân quan trọng nhất trong việc quyết định cơ hội thăng tiến của họ. Hậu quả là chế độ đó càng ngày càng trở nên sơ cứng khi họ lựa chọn các nhà lãnh đạo với những bản sơ yếu lí lịch sáng chói nhưng lại chẳng có mấy thành tích thực sự.
Căng thẳng chết người nhất của sự thoái hóa lãnh đạo là hiện tượng ăn thịt lẫn nhau đang ngày càng gia tăng trong giới tinh hóa chính trị. Triệu chứng dễ nhìn thấy nhất là nạn tham nhũng, nhưng nguyên nhân lại là bản chất của chế độ độc tài. Thường thì, những người cách mạng thuộc thế hệ đầu tiên là những người có sự gắn bó mạnh mẽ về tư tưởng và tình cảm với một số lí tưởng nào đó, mặc dù đấy có thể là những lí tưởng sai lầm. Nhưng giới tinh hoa hậu cách mạng lại là những kẻ cơ hội, chẳng còn tin gì lí tưởng nữa. Và giống như những nhà đầu tư, họ tìm kiếm lợi nhuận, càng cao càng tốt.
Khi các thế hệ lãnh đạo trước dùng quyền lực kiếm tiền bất hợp pháp thì những kẻ kế nhiệm lại được thúc đẩy bằng động cơ vừa muốn cướp bóc thậm chí còn nhiều hơn, lại vừa sợ là đến lượt mình sẽ chẳng còn gì. Đấy cơ chế thúc đẩy nạn tham nhũng ở Trung Quốc hiện nay. Trên thực tế, có thể dễ dàng nhìn thấy hậu quả của sự thoái hóa lãnh đạo: kinh tế trì trệ và tốc độ phát triển thấp, căng thẳng xã hội gia tăng và mất niềm tin vào chính phủ.
Vấn đề là vì sao cả logic về sự tự hủy của chế độ độc tài lẫn những bằng chứng về hiệu năng kém của chế độ ở Trung Quốc vẫn không thuyết phục được phần lớn những nhà quan sát am tường rằng sự cáo chung của Đảng cộng sản Trung Quốc là một khả năng không thể nghi ngờ.
Rõ ràng đấy là do cách tư duy thông thường. Các chế độ cầm quyền lâu đời – thí dụ như chế độ Đảng cộng sản Liên Xô, của Shuharto ở Indonesia, của Hosni Mubarak ở Ai-Cập – thường được cho là vững như bàn thạch, thậm chí ngay trước khi chúng sụp đổ người ta vẫn nghĩ như thế. Nhưng những người tin rằng Đảng cộng sản Trung Quốc có thể thách thức được cả cơ chế thoái háo từ bên trong lẫn ghi nhận của lịch sử về những chế độ độc đảng đã sụp đổ có thể đọc Leon Trotsky, người đã từng biết một cái gì đó về những cuộc cách mạng. Trước khi sụp đổ, tất cả các chế độ độc tài đều được coi là bất khả chiến bại, Trotsky nhắc chúng ta như thế, nhưng sự cáo chung của chúng lại được coi là không thể tránh được ngay khi chúng bị lật đổ.
Lí do thứ hai là sợ tư duy về điều chưa biết. Chính quyền của Đảng cộng sản có thể không thể tồn tại mãi, nhưng thay vào đó – sự sụp đổ của nhà nước và sự hỗn loạn xã hội – có thể còn xấu hơn rất nhiều so với hiện trạng. Nhưng ghi nhận về những cuộc chuyển hóa dân chủ từ năm 1974 tới nay cho thấy rằng sự thay đổi chế độ ở Trung Quốc có thể không phải là một tai họa. Tác nhân quyết định là liệu nó có được giới tinh hoa cầm quyền khởi động và lãnh đạo, như đã từng xảy ra ở Đài Loan, Mexico, Brazil và Tây Ban Nha, hay không. Những cuộc chuyển hóa có lãnh đạo tạo ra những nền dân chủ ổn định hơn. Nếu một quá trình như thế diễn ra ở Trung Quốc thì Đảng cộng sản Trung Quốc có thể tự chuyển hóa thành đảng chính trị lớn, cạnh tranh với những đảng phái khác để giành quyền lực, như những đảng độc tài trước đây đã từng làm ở Đài Loan và Mexico.
Nhưng ngay cả khi sự chuyển hóa chế độ có xảy ra một cách hỗn loạn thì những chấn thương và lộn xộn diễn ra trong ngắn hạn cũng có thể tạo ra một hệ thống tốt đẹp hơn là chế độ độc tài, tham nhũng, hà khắc và trì trệ. Chế độ dân chủ mới của Indonesia có thể là chưa hoàn hảo, nhưng là chế độ thịnh vượng mặc dù ban đầu đã có viễn cảnh tồi tệ. Tương tự như thế, nước Nga của Putin, một chế độ độc tài lai ghép rất không hoàn hảo, nhưng vẫn là chỗ sống tốt hơn nhiều lần Liên Xô trước đây.
Nếu có một bài học cần phải học từ lịch sử của những cuộc chuyển hóa dân chủ trong suốt 38 năm qua thì đấy là: khi giới tinh hoa và xã hội vất bỏ chế độ độc tài, họ sẽ làm hết sức mình để cho hệ thống mới hoạt động. Nếu cuộc chuyển hóa như thế xảy ra ở Trung Quốc thì cũng không có lí do gì để nghĩ rằng quá trình và kết quả sẽ khác hoàn toàn.

Bùi Mẫn Hân 裴敏欣là Giáo sư về quản trị tại Claremont MacKenna College và thành viên không thường trú của của Quỹ Marshall Đức ở Hoa Kỳ.

Đã đăng trên Bauxite Việt Nam

No comments:

Post a Comment