December 13, 2012

Báo Đất Việt - Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử



Vài lời phi lộ: Đây là bài viết về tác phẩm Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, 1660-1783, do mỗ dịch

  “Lịch sử của sức mạnh trên biển, chủ yếu - tuy không không phải hoàn toàn - là câu chuyện về sự cạnh tranh đầy bạo lực giữa các dân tộc, và đỉnh điểm của chúng thường là những cuộc chiến tranh”.


Người ta đã nhận thức được rằng, những tuyến đường giao thương trên biển có ảnh hưởng sâu sắc đối với sự thịnh vượng và sức mạnh của các quốc gia trước khi những nguyên lí chi phối sự phát triển và thịnh vượng được phát hiện. 
Muốn cho dân tộc mình chiếm được phần lớn hơn trong những lợi ích mà biển cả mang lại, người ta đã làm tất cả, gồm cả những biện pháp pháp lí ôn hòa, nhằm giữ độc quyền hoặc cấm đoán. Và khi các biện pháp ôn hòa thất bại, họ sẽ dùng vũ lực nhằm đẩy các dân tộc khác ra xa. 

Xung đột lợi ích, lòng hận thù bùng lên là do các bên đều cố giành cho được phần lớn hơn, nếu không nói là tất cả, những lợi ích mà thương trường và những vùng đất vô chủ tạo ra, đã dẫn đến những cuộc chiến tranh.

Mặt khác, trong quá trình giao chiến, những cuộc đụng độ có thể chuyển hóa vì những lí do khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn là kiểm soát cho bằng được mặt biển. 

Vì vậy, lịch sử của sức mạnh trên biển, trong khi xem xét toàn bộ những xu hướng có thể làm cho các dân tộc trở thành cường quốc trên biển hoặc nhờ biển mà trở nên hùng mạnh, lại chủ yếu là lịch sử chiến tranh...

Đó là lời dẫn nhập của cuốn Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, 1660-1783 của tác giả Alffred Thayer Mahan, được dịch giả Phạm Nguyên Trường biên dịch, NXB Tri thức phát hành.

Tác phẩm gồm 16 chương, trừ Chương I, nói về những nhân tố của sức mạnh biển, các chương còn lại là sự liệt kê và đúc rút bài học từ các cuộc xung đột vũ trang, liên quan đến sự tranh giành quyền lực trên biển, từ trận đánh trên biển ở Lowestoft thuộc chiến tranh Anh - Hà Lan (1665-1667) tới cuộc chiến trên biển gần đảo Các Thánh, 1781-1782.

Nghiên cứu lịch sử chiến tranh, như tác phẩm này đang làm, được những nhà cầm quân vĩ đại coi là cực kì cần thiết để có thể nắm được những tư tưởng đúng đắn và biết cách hành xử khôn ngoan trong cuộc chiến tương lai. 

Napoleon nói rằng, người lính muốn thăng tiến thì phải nghiên cứu các chiến dịch của Alexander, Hannibal và Ceasar, những người chưa biết thuốc súng là gì. Và đa số những người cầm bút chuyên nghiệp đồng ý với nhau rằng, tuy điều kiện của chiến tranh thay đổi theo thời gian, do sự phát triển của vũ khí, nhưng một số bài học của lịch sử vẫn còn nguyên giá trị, và vì vậy, nó được áp dụng một cách phổ quát, có thể được coi là những nguyên lí chung. 

Với cùng lí do như thế, nghiên cứu lịch sử của biển cả trong quá khứ sẽ là một bài học sâu sắc, nó cung cấp cho chúng ta những nguyên lí chung nhất của chiến tranh trên biển, mặc cho những thay đổi to lớn mà tiến bộ khoa học trong nửa sau của thế kỉ qua cũng như động cơ hơi nước đã được trang bị cho vũ khí, khí tài của lực lượng hải quân”.

Đặt trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo trên thế giới và trong khu vực, tác phẩm sẽ không chỉ truyền tải tới độc giả câu chuyện từ quá khứ, ở vùng địa lý cách biệt, với điều kiện lịch sử gần như chẳng liên quan mà đó là thông điệp, kiến thức nền tảng giúp có thêm góc nhìn để đối chiếu, phân tích, đánh giá những vấn đề thời sự.

No comments:

Post a Comment