April 9, 2012

Václav Havel - Sức mạnh của thảo dân (Kì cuối)


Phạm Nguyên Trường dịch

XIX.

Tôi đã nói về tiềm lực chính trị của sống trong sự thật và khó mà dự đoán được là biểu hiện cụ thể của sống trong sự thật có thể dẫn tới những thay đổi thật sự hay không, và nếu có thì sẽ diễn ra như thế nào và bao giờ. Tôi cũng bàn đến khả năng của những dự đoán loại này: đặc điểm cơ bản của những sáng kiến độc lập là: đây là canh bạc được ăn cả ngã về không, ít nhất là lúc đầu.

Tuy nhiên, phác thảo về một số công việc mà các “phong trào bất đồng chính kiến” đã thực hiện sẽ là chưa trọn vẹn nếu không xem xét, ít nhất là một cách chung nhất, một số cách thức khác nhau mà những việc này có thể thực sự tác động tới xã hội; nói cách khác, xem xét những cách thức mà tinh thần trách nhiệm với tất cả và vì tất cả có thể được được thực hiện trên thực tế (không có nghĩa là nó phải như thế).


Ngay từ đầu, phải nhấn mạnh rằng đời sống độc lập của xã hội và thậm chỉ cả “phong trào bất đồng chính kiến”, dĩ nhiên không phải là yếu tố tiềm tàng duy nhất có thể ảnh hưởng tới lịch sử của các nước đang sống dưới chế độ hậu toàn trị. Khủng hoảng xã hội âm ỷ trong những xã hội đó có thể bất ngờ, độc lập với những phong trào này, kích thích những thay đổi chính trị khác nhau. Nó có thể làm rối loạn cơ cấu quyền lực và châm ngòi hay thúc đẩy những vụ đối đầu ngấm ngầm, kết qủa là tạo ra những thay đổi về nhân sự, quan niệm, hoặc ít nhất là “bầu không khí”. Nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình đời sống nói chung, nó có thể gây ra những bất ổn xã hội đầy bất ngờ, không lường trước được và gây ra những cơn giận dữ của dân chúng. Quá trình chuyển giao quyền lực ở trung tâm của khối có thể ảnh hưởng đến điều kiện trong những nước khác nhau theo những cách khác nhau. Các tác nhân kinh tế cũng như những khuynh hướng của nền văn minh toàn cầu dĩ nhiên là có ảnh hưởng quan trọng. Một lĩnh vực cực kì quan trọng, có thể là cội nguồn của những thay đổi tận gốc và các biến động chính trị, chính là những diễn biến trên sân khấu chính trị quốc tế, chính sách của siêu cường kia (Mỹ) và của tất cả các quốc gia khác, cơ cấu đang biến động của những quyền lợi quốc tế và các vị trí mà khối chúng ta đang chiếm giữ. Những người đang ngự trên những vị trí cao nhất cũng rất quan trọng, mặc dù như tôi đã nói, không nên phóng đại tầm quan trọng các nhà lãnh đạo trong hệ thống hậu toàn trị. Có nhiều ảnh hưởng và phối kết hợp của những ảnh hưởng, và chỉ có thể xem xét tác động chính trị cuối cùng của “phong trào đối lập” trên cái nền chung này và trong bối cảnh mà cái nền ấy cung cấp cho nó. Tác động này chỉ là một trong nhiều yếu tố (chưa phải là yếu tố quan trọng nhất) có ảnh hưởng đến sự phát triển chính trị, và có thể nó chỉ khác các yếu tố khác ở chỗ nó tập trung tư duy về sự phát triển chính trị từ quan điểm bảo vệ con người và tìm cách áp dụng ngay lập tức kết quả của quá trình tư duy đó.


Như ta đã thấy, mục đích nguyên thủy của khuynh hướng hướng ngoại của những phong trào này là tác động lên xã hội, chứ không phải là tạo ảnh hưởng đối với cơ cấu quyền lực, ít nhất là không ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức. Đấy là những sáng kiến độc lập hướng tới không gian bị che dấu; những sáng kiến đó chứng tỏ rằng sống trong sự thật là một lựa chọn khác của con người và xã hội, đấy cũng là cuộc đấu tranh nhằm mở rộng không gian cho cuộc sống ấy; chúng giúp – mặc dù tất nhiên chỉ là gián tiếp – nâng cao lòng tự tin của các công dân; đập tan thế giới giả tạo và lột mặt bản chất thực sự của quyền lực. Chúng không đóng vai trò cứu thế; chúng không phải là lực lượng tiên phong hay tinh hoa của xã hội tức là lực lượng biết rõ mọi chuyện, và cũng chẳng phải những người với nhiệm vụ là “nâng cao tính tự giác” của quần chúng “chưa có ý thức giác ngộ” (cái hình ảnh tự phóng chiếu ngạo mạn này, một lần nữa có thấy rằng đấy là cách tư duy hoàn toàn khác, tưởng rằng mình có một bằng sáng chế về một dự án lí tưởng nào đó, và vì vậy mà có quyền áp đặt lên xã hội). Chúng cũng không muốn lãnh đạo ai. Chúng để cho các cá nhân tự quyết định sẽ tiếp nhận những gì và không tiếp nhận những gì từ kinh nghiệm và công việc mà chúng đã làm. (Nếu như bộ máy tuyên truyền chính thức của Tiệp Khắc mô tả những người hoạt động trong phong trào Hiến chương như là “những kẻ tự phong”, thì không phải là để tô đậm những tham vọng mang tính tiên phong của họ, mà đấy là biểu hiện tự nhiên cách tư duy của chính quyền, biểu hiện của thói quen suy bụng ta ra bụng người của nó, bởi vì đằng sau bất kì một lời phê phán nào, nó ngay lập tức nhìn thấy ước muốn hất cẳng những kẻ nắm quyền và ngồi vào đó để “thay mặt nhân dân” mà cai trị, giống hệt những gì chế độ đã làm trong suốt bao nhiêu năm qua).

Vì vậy mà những phong trào này - một bộ phận của toàn thể xã hội -  luôn luôn tác động lên cơ cấu quyền lực một cách cách gián tiếp, họ chủ yếu hướng tới không gian bị che dấu, vì vấn đề không phải là đối đầu với chế độ trên bình diện quyền lực thực sự.

Tôi vừa trình bày một trong những phương pháp hoạt động của nó: củng cố một cách gián tiếp nhận thức về pháp luật và trách nhiệm phải lí. Tất nhiên, đây chỉ là một thí dụ cụ thể của tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn nhiều, đấy là áp lực gián tiếp của sống trong sự thật: áp lực của tư tưởng tự do, của những giá trị có thể được lựa chọn và những hành vi có thể được lựa chọn, và của xã hội độc lập được thể hiện trên thực tế. Cơ cấu, dù muốn dù không, lúc nào cũng phải phản ứng lại với sức ép đó, với một mức độ nào đó. Nhưng, phản ứng của nó luôn luôn bị giới hạn ở cả hai đầu: đàn áp và thích nghi. Có lúc cái này thắng thế, có lúc cái kia thắng thế. Ví dụ, “Trường Đại học bay” của Ba Lan chịu sự khủng bố ngày càng tăng, còn các “giáo viên bay” thì bị cảnh sát cầm tù. Nhưng cũng trong thời gian đó, các giáo sư trong các trường đại học công lại tìm cách đưa thêm vào giáo án của mình hàng loạt đề tài vốn vẫn bị cấm đoán, và đấy chính là kết quả của áp lực gián tiếp do “Trường Đại học bay” tạo ra. Động cơ của việc thích nghi có thể khác nhau, từ lí tưởng (không gian bị che dấu đã nhận được thông điệp, lương tâm và ý chí hướng về sự thật đã được đánh thức) đến thuần túy vị lợi: bản năng sinh tồn của chế độ buộc nó phải để ý đến những ý tưởng đang thay đổi và bầu không khí xã hội và tinh thần đang biến chuyển, và phải phản ứng một cách linh hoạt. Động cơ nào trong số ấy thắng thế tại một thời điểm nào đó không phải là quan trọng đối với tác động cuối cùng.

Thích nghi là phản ứng theo chiều hướng tích cực của chính quyền, thích nghi có thể và thường có rất nhiều hình thức và giai đoạn khác nhau. Một số nhóm có thể cố gắng đưa những giá trị hay con người từ “thế giới song hành” vào các cơ cấu chính thức để tận dụng và trở thành hơi giống họ trong khi tìm cách làm cho họ hơi giống mình, và bằng cách đó, điều chỉnh tình trạng bất xứng đã quá lộ liễu và không thể nào biện hộ được. Trong những năm 1960, những người cộng sản tiến bộ bắt đầu “khám phá” ra những giá trị và hiện tượng văn hóa chưa được thừa nhận. Đây là một bước đi tích cực, mặt dù không phải không ẩn chứa một số nguy cơ, vì các giá trị bị “tích hợp” hay bị “lợi dụng” sẽ mất đi phần nào tính độc lập và tính độc đáo của nó, và khi được khoách lên mình tính hợp pháp và phục tùng, thì độ tin cậy của nó cũng suy yếu đi ít nhiều. Trong giai đoạn tiếp theo, sự thích nghi này có thể dẫn tới vô số nỗ lực của chính quyền trong việc cải cách, cả về mục tiêu lẫn cơ cấu của nó. Nhưng đấy thường là những cuộc cải cách nửa vời; đấy chỉ là những cố gắng nhằm kết hợp và phối hợp giữa phục vụ cuộc sống và phục vụ bộ máy tự động hậu toàn trị mà thôi. Nhưng không thể khác được. Những cuộc cải cách đó đã làm mờ đi cái ranh giới rõ ràng giữa sống trong sự thật và sống trong dối trá. Những cuộc cải cách đó làm cho tình trạng trở thành mù mờ, xã hội trở thành khó hiểu và làm cho người ta khó giữ được phương hướng. Dĩ nhiên là điều đó không làm thay đổi sự kiện là sự thích nghi như thế về cơ bản là tích cực vì nó mở ra những không gian mới. Nhưng nó cũng làm cho người ta khó phân biệt đâu là nhượng bộ “chấp nhận được” và đâu là nhượng bộ “không chấp nhận được”.



Rồi đến giai đoạn thích nghi cao hơn, đấy là quá trình phân hóa trong các cơ cấu  chính thức. Những cơ cấu này tự mở cửa cho những hình thức đa nguyên ít nhiều được thể chế hóa vì những mục đích đích thực của cuộc sống đòi hỏi như vậy. (Thí dụ: nếu không thay đổi nền tảng của đời sống văn hóa vốn đã bị tập quyền hóa và thể chế hóa, thì do sứ ép từ bên dưới, các nhà xuất bản, các tập san nội bộ, các nhóm nghệ sỹ, các viện nghiên cứu song hành .v.v.. có thể xuất hiện. Thí dụ khác: một đoàn thanh niên duy nhất và đồng nhất, do chính quyền điều khiển như là một “dây dẫn động” điển hình của nhà nước hậu toàn trị, dưới sức ép của các nhu cầu thực tế, đã phân rã thành một loạt các tổ chức ít nhiều độc lập như Hội Sinh viên, Hội Học sinh Trung học, Hội Công nhân Trẻ v.v.). Có mối liên hệ trực tiếp giữa sự phân hóa như thế - tức là quá trình tạo điều kiện cho người ta cảm nhận được những sáng kiến từ dưới lên – và sự xuất hiện và hình thành những cơ cấu mới vốn đã song hành hay độc lập với những cơ cấu của nhà nước, hay ít nhất là được các thiết chế chính thức tôn trọng hoặc ít ra là có thái độ khoan dung với những mức độ khác nhau. Những định chế mới này không chỉ gồm những cơ cấu chính thức đã được tự do hóa để thích ứng với những đòi hỏi chân chính của đời sống, mà còn là biểu hiện trực tiếp của những nhu cầu đó, đòi hỏi phải có địa vị trong bối cảnh của những điều kiện hiện hữu. Nói cách khác, đấy là những biểu hiện thực sự của một xã hội đang muốn tự tổ chức. (Ở Tiệp Khắc, năm 1968, những tổ chức nổi tiếng nhất theo kiểu này là KAN, Câu lạc bộ những người ngoài đảng tận tụy, và K123 tức là tổ chức của các cựu tù chính trị).



Giai đoạn tột cùng của quá trình này là tình huống trong đó các cơ cấu chính thức – các cơ quan đại diện của hệ thống, tồn tại chỉ để phục vụ bộ máy tự động của nó, và được xây dựng cho vai trò đó – đơn giản là bắt đầu suy tàn và chết dần, và sẽ bị những cơ cấu mới, tức là những cơ cấu tiến hóa từ dưới lên và được xây dựng theo phương pháp hoàn toàn khác – thay thế.

Chắc chắn là có thể hình dung ra nhiều phương pháp khác nhau, trong đó những mục tiêu của cuộc sống có thể tạo ra những chuyển biến về mặt chính trị trong việc tổ chức xã hội và làm suy yếu trên mọi bình diện cơ chế thao túng đối với xã hội. Tôi vừa nói đến phương pháp tổ chức xã hội đã thay đổi trên thực tế, như chúng ta từng thấy ở Tiệp Khắc vào khoảng 1968. Phải nói thêm là tất cả những thí dụ cụ thể bên trên là một phần của một tiến trình lịch sử đặc thù, và không nên coi đó là lựa chọn duy, hay nhất thiết phải lặp lại (nhất là ở nước ta), dĩ nhiên là sự kiện này không làm giảm sút tầm quan trọng của những bài học chung, mà hiện nay người ta vẫn tiếp tục tìm kiếm và tìm được.

Trong khi bàn về năm 1968 ở Tiệp Khắc, có thể cần phải chỉ ra một số khía cạnh phát triển điển hình trong giai đoạn này. Tất cả mọi chuyển biến, đầu tiên là ở tâm trạng chung, sau đó là khái niệm, và cuối cùng là tổ chức, không diễn ra dưới áp lực từ cơ cấu song hành đang hình thành trong giai đoạn hiện nay. Những cơ cấu đó – là những phản đề nổi bật của những cơ cấu chính thức – lúc đó, đơn giản là chưa có, mà cũng chưa có “người bất đồng chính kiến” theo nghĩa hiện nay của từ này. Thay đổi diễn ra chỉ đơn giản là hậu quả của những áp lực đủ mọi loại, có những thay đổi triệt để mà cũng có những thay đổi chỉ mang tính nửa vời. Đã có những cố gắng mang tính tự phát hướng vào những hình thức tư duy tự do hơn, sáng tạo độc lập hơn và thể hiện quan điểm chính trị một cách tự do hơn. Đã có những nỗ lực mang tính tự phát, kéo dài và kín đáo nhằm làm cho đời sống xã hội độc lập thâm nhập được vào những cơ cấu hiện hành, những nỗ lực này thường bắt đầu bằng quá trình thể chế hóa một cách thầm lặng đời sống độc lập trong và xung quanh khu vực ngoại vi của những cơ cấu chính thức. Nói cách khác, xã hội đang thức tỉnh một cách từ từ, đấy là quá trình “trườn dần lên”, trong quá trình đó, không gian bị che dấu sẽ dần dần hiển lộ. (Những lời tuyên truyền chính thức có chứa một phần sự thật khi dùng thuật ngữ “phản cách mạng theo lối trườn dần” ở Tiệp Khắc để nói về cách thể hiện những mục đích của cuộc sống). Động lực đằng sau sự thức tỉnh này không hoàn toàn xuất phát từ đời sống độc lập của xã hội – nếu coi đấy là một môi trường xã hội được xác định (mặc dù dĩ nhiên là nó cũng có xuất xứ từ đây). Nó cũng có thể xuất phát từ sự kiện là những người làm việc trong những cơ cấu chính thức - vốn ít nhiều tự đồng hóa với ý thức hệ chính thống – va chạm với hiện thực như nó vốn là và thông qua những cuộc khủng hoảng xã hội ngấm ngầm và những trải nghiệm cay đắng của chính bản thân mình về bản chất và sự vận hành của hệ thống, họ càng ngày càng nhận chân được hiện thực. (Tôi đang nghĩ trước hết, đến những người cộng sản cải cách “chống giáo điều”, những người mà sau một thời gian đã trở thành một lực lượng bên trong những cơ cấu chính thức). Trong thời đại của những phong trào “bất đồng chính kiến”, tức là những phong trào biệt lập hẳn với những cơ cấu chính thức và en bloc (hoàn toàn) không được những cơ cấu này công nhận, những thứ vốn quen thuộc với chúng ta như điều kiện thích hợp và raison d’être (lí do tồn tại) cho những sáng kiến độc lập nhằm “tự tổ chức” đều chưa hề có. Lúc đó, hệ thống hậu toàn trị ở Tiệp Khắc chưa bị tê liệt đến mức bất động, và trì trệ như bây giờ, buộc con người phải quay về với khả năng tổ chức của mình. Vì nhiều lí do, cả xã hội lẫn lịch sử, chính quyền 1968 tỏ ra cởi mở hơn. Cơ cấu quyền lực, bị chủ nghĩa chuyên chế Stalin làm cho kiệt quệ và sự tìm kiếm trong vô vọng một cuộc cải cách không gây ra đau đớn, đã bị thối rữa từ bên trong, hoàn toàn không thể ngăn chặn được những thay đổi trong tâm trạng, không thể ngăn chặn được quan niệm của thanh niên về xã hội và hàng ngàn biểu hiện chân chính của đời sống trên bình diện “tiền chính trị” đang bùng lên trong lãnh địa chính trị bao la giữa chính thức và không chính thức.

Từ quan điểm tổng quát hơn, một tình huống điển hình nữa lại tỏ ra quan trọng: quá trình lên men trong xã hội đã lên tới đỉnh điểm vào năm 1968, chưa bao giờ – theo nghĩa những thay đổi cơ cấu thực sự – đi xa hơn là cải cách, hoặc đa dạng hóa hay thay thế các cấu trúc, vốn chỉ đóng vai trò thứ yếu. Nó không động đến cái cơ bản của cơ cấu quyền lực trong hệ thống hậu toàn trị, không động đến những nguyên tắc nền tảng về tổ chức xã hội, thậm chí không chạm đến cái mô hình kinh tế mà trong đó tất cả quyền lực kinh tế đều phục tùng quyền lực chính trị. Cũng không có sự thay đổi cấu trúc cơ bản nào trong những công cụ trực tiếp của quyền lực (quân đội, cảnh sát, tư pháp, v.v.). Trên bình diện này, vấn đề chưa bao giờ vượt quá sự thay đổi trong tâm trạng, nhân sự, đường lối chính trị và hơn hết, thay đổi trong cách mà quyền lực được thực thi. Mọi thứ khác đều còn ở trong giai đoạn thảo luận và lập kế hoạch. Hai cương lĩnh được chính thức chấp nhận, tiến xa nhất về mặt này, là Cương lĩnh Hành động Tháng Tư 1968 của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, và một đề xuất các cải cách kinh tế. Cương lĩnh Hành động chứa đầy mâu thuẫn và giải pháp nửa vời, không động chạp tới khía cạnh vật chất của quyền lực. Còn các đề xuất kinh tế, trong khi đã tiến một bước dài nhằm đáp ứng những mục tiêu của đời sống trong lĩnh vực kinh tế (chấp nhận những ý tưởng, thí dụ như sự đa nguyên về lợi ích và sáng kiến, những biện pháp khuyến khích, áp đặt giới hạn lên hệ thống kinh tế chỉ huy), nhưng không động tới trụ cột chính của quyền lực kinh tế, tức là nguyên tắc sở hữu nhà nước chứ không phải là sở hữu xã hội thực sự đối với phương tiện sản xuất. Vì thế, ở đó có một khoảng cách mà không một phong trào xã hội nào trong hệ thống hậu toàn trị có thể hàn gắn được, trừ một ngoại lệ, đấy là vài ngày trong cuộc nổi dậy ở Hungary.

Phương án phát triển nào có thể xuất hiện trong tương lai? Trả lời câu hỏi này có nghĩa là bước vào địa hạt của phỏng đoán thuần túy. Hiện tại, có thể nói rằng cuộc khủng hoảng xã hội âm ỉ trong hệ thống sẽ luôn luôn tạo ra (và không có lý do gì để tin rằng nó sẽ không tiếp tục làm như thế) những vụ rối loạn xã hội và chính trị (Đức năm 1953, Hungary, Liên Xô và Ba Lan năm 1956, Tiệp Khắc và Ba Lan năm 1968, Ba Lan năm 1970 và 1976), tất cả những vụ rối loạn này đều khác nhau về bối cảnh, quá trình phát triển và hậu quả cuối cùng. Biết trước rằng những vụ rối loạn như vậy là do một loạt những tác nhân khác nhau, biết trước rằng quá trình lên men trong không gian bị che dấu bung ra giữa thanh thiên bạch nhật là do những sự kiện hoàn toàn ngẫu nhiên (vấn đề của “giọt nước cuối cùng”); và cuối cùng, biết rằng không thể nào dự đoán được những hậu quả của sự đối đấu của những xu hướng hoàn toàn trái chiều nhau: một mặt là sự hội nhập ngày càng sâu sắc của các quốc gia trong “khối” và sự mở rộng quyền lực trong lòng nó, và mặt khác là nhận thức dân tộc đang thức tỉnh trong các khu vực ngoài Nga (về mặt này, Liên Xô không thể hi vọng sẽ vĩnh viễn đứng ngoài cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn cầu), thì ta phải công nhận rằng dự đoán cho dài hạn là việc làm vô vọng vậy.

Dù mặc lòng, tôi tin rằng những dự đoán như thế chẳng có bất kì ý nghĩa trực tiếp nào đối với các “phong trào bất đồng chính kiến” vì những phong trào này, nói cho cùng, không xuất phát từ những tư tưởng mang tính tiên tri, và do đó, nếu những phong trào này tự xây dựng trên cái nền ấy thì có nghĩa là họ đang làm cho mình xa cách với cái cội nguồn mang tính bản sắc của họ.

Nói về các triển vọng của các “phong trào bất đồng chính kiến” như chúng đang là, dường như có rất ít khả năng là sự phát triển trong tương lai sẽ dẫn đến việc cùng tồn tại lâu dài giữa định chế biệt lập, không tương tác và bàng quan với nhau: đấy là thành bang chính và thành bang song hành. Chừng nào mà sống trong sự thật vẫn còn là nó thì đấy nhất định vẫn là mối đe dọa đối với hệ thống. Không thể tưởng tượng được là nó có thể tiếp tục cùng tồn tại với sống trong dối trá mà không gây ra những căng thẳng đầy kịch tính. Quan hệ của hệ thống hậu toàn trị – chừng nào mà nó vẫn còn là nó – và đời sống độc lập của xã hội – chừng nào mà nó còn là nơi dành cho tinh thần trách nhiệm vì mọi người và cho mọi người – sẽ luôn luôn là xung đột, chỉ có ngấm ngầm công khai mà thôi.

Trong tình hình như thế, chỉ có hai khả năng: hoặc là hệ thống hậu toàn trị sẽ tiếp tục phát triển (nghĩa là, sẽ có khả năng tiếp tục phát triển), và do đó, chắc chắn sẽ tiến gần hơn đến viễn cảnh đáng sợ mà Orwell nói về thế giới của sự thao túng toàn diện[1], trong khi mọi biểu hiện của sống trong sự thật sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn; hoặc là đời sống độc lập của xã hội (thành bang song hành), trong đó có các “phong trào bất đồng chính kiến”, sẽ từ từ nhưng chắc chắn trở thành một hiện tượng xã hội ngày càng quan trọng hơn, có vai trò thực sự trong đời sống xã hội, phản ánh ngày càng rõ ràng hơn và ảnh hưởng đối với tình hình chung cũng ngày càng tăng lên. Đương nhiên là đấy luôn luôn chỉ là một trong nhiều tác nhân có ảnh hưởng tới hoàn cảnh và nó chỉ vận hành trong khung cảnh và trong sự phối hợp với những tác nhân khác và phù hợp với khung cảnh đó.

Liệu nó có phải tập trung vào việc cải cách những cơ cấu chính thức hay khuyến khích sự phân hóa những cơ cấu này, hoặc thay thế chúng bằng những cơ cấu mới; liệu mục đích là cải thiện hệ thống hay, ngược lại, đập tan nó: những câu hỏi này và những câu hỏi tương tự, trong chừng mực mà chúng không phải các giả-vấn đề, chỉ có thể được các “phong trào đối lập” nêu ra trong những hoàn cảnh cụ thể, khi phong trào ấy đối mặt với một nhiệm vụ cụ thể. Nói cách khác, nó phải đặt ra những câu hỏi, cũng như chính sự xuất hiện của bản thân nó, ad hoc [tại trận], từ việc xem xét một cách cụ thể những nhu cầu đích thực của đời sống. Tôi tin rằng, trả lời những câu hỏi này một cách trừu tượng, và lập ra cương lĩnh chính trị dưới dạng một tương lai giả định nào đó có nghĩa là trở lại với tinh thần và các phương pháp hoạt động chính trị truyền thống, và sẽ hạn chế và làm cho “bất đồng chính kiến” xa rời ngay chính bản chất và định hướng đúng đắn nhất của nó. Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các “phong trào đối lập” này không có xuất xứ từ việc phát minh ra những thay đổi mang tính hệ thống, mà có xuất xứ từ một cuộc đấu tranh đang diễn ra hàng ngày hàng giờ, cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, ở đây và lúc này. Những hình thức thể hiện đời sống mà mang tính cơ cấu và chính trị sẽ luôn luôn là – hay ít nhất trong thời gian sắp tới – hạn chế, nửa vời, không thỏa đáng và bị ô nhiễm bởi những tiểu xảo gây suy yếu. Không thể khác được, chúng ta phải lường trước điều đó và không để nó làm nhụt chí. Quan trọng nhất là nội dung chính – cuộc đấu tranh hàng ngày, bạc bẽo và không bao giờ dứt của nhân loại để được sống tự do hơn, trung thực hơn và trong danh dự thầm lặng – không áp đặt bất cứ một giới hạn nào, không bao giờ miễn cưỡng, thiếu nhất quán, không bao giờ rơi vào bẫy của những thủ thuật chính trị, đầu cơ bằng kết quả của những thủ thuật chính trị, hay thỏa mãn với những mơ ước hão huyền về tương lai. Sự thuần khiết của cuộc đấu tranh này sẽ là sự đảm bảo tốt nhất cho những kết quả tối ưu khi nó biến thành những tương tác thực sự với những cơ cấu hậu toàn trị.

XX.

Bản chất đặc trưng của hệ thống hậu toàn trị – không có một đời sống chính trị bình thường và sự kiện là không thể dự đoán được bất cứ thay đổi chính trị sâu sắc nào - có mặt tích cực: nó buộc chúng ta phải rà xét hoàn cảnh của mình một cách nghiêm cẩn hơn, và xem xét tương lai của chúng ta trong bối cảnh toàn cầu và dài hạn của cái thế giới mà chúng ta đang sống. Sự kiện là cuộc đối đầu thực chất nhất và căn bản nhất giữa con người và hệ thống diễn ra ở một mức độ sâu sắc hơn là nền chính trị truyền thống có thể tượng tượng rất nhiều, và đồng thời, sự kiện đó cũng quyết định phương hướng của việc xem xét vừa nói tới bên trên.


Vì thế, chúng ta phải chú ý tới vấn đề căn bản nhất: cuộc khủng hoảng của toàn bộ xã hội công nghệ đương đại nói chung, cuộc khủng hoảng mà Heidegger mô tả là sự bất lực của nhân loại khi đối mặt với sức mạnh của công nghệ trên bình diện toàn cầu. Công nghệ – con đẻ của khoa học hiện đại, mà đến lượt nó, khoa học lại là con đẻ của siêu hình học hiện đại – đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của con người, đã không còn phục vụ chúng ta, đã biến chúng ta thành nô lệ và buộc ta phải tham gia vào sự chuẩn bị cho sự hủy diệt của chính mình. Nhân loại không thể tìm được lối thoát: chúng ta không có ý tưởng và không có niềm tin, và lại càng có ít hơn những khái niệm chính trị để giúp mình đưa sự vật trở về dưới sự kiểm soát của con người. Chúng ta tuyệt vọng nhìn theo trong khi cỗ máy vận hành lạnh lùng mà ta tạo ra đang nhận chìm chúng ta, giằng chúng ta khỏi những gắn bó tự nhiên (thí dụ giằng ra khỏi môi trường sống của chúng ta, theo nghĩa rộng nhất của từ này, trong đó có môi trường sống của ta trong sinh quyển), hệt như chúng đẩy chúng ta khỏi Đời Sống và ném chúng ta vào thế giới của “sinh tồn”. Tình huống này đã được mô tả từ nhiều góc độ khác nhau và nhiều cá nhân và nhóm xã hội đã cố gắng - thường là rất đau đớn - tìm đường ra (thí dụ, từ tư tưởng phương Đông hay thành lập các công xã). Nỗ lực xã hội, thực ra nỗ lực chính trị duy nhất đang cố gắng làm một cái gì đó chính là nỗ lực chứa trong mình nó thành tố cần thiết là tính phổ quát (trách nhiệm với và cho toàn thể), chính là nỗ lực tuyệt vọng của các phong trào sinh thái, và với việc thế giới đang ở trong một tình trạng hỗn loạn như hiện nay, tiếng nói của nó cũng đang yếu dần, thậm chí cố gắng này cũng chỉ giới hạn ở khái niệm cụ thể sử dụng công nghệ để chống lại chế độ chuyên chế của công nghệ mà thôi.

 “Chỉ có Trời mới cứu được chúng ta mà thôi” Heideger nói, và ông nhấn mạnh nhu cầu của “một lối tư duy khác”, tức là, phải chia tay với thứ triết học đã tồn tại suốt nhiều thế kỷ gần đây, và phải có thay đổi tận gốc rễ trong cách con người nhận thức về mình, về thế giới và vị trí của nó trong thế giới đó. Ông không tìm được lối thoát và ông chỉ có thể khuyến cáo là “chuẩn bị cho tương lai”.

Nhiều nhà tư tưởng và phong trào khác nhau cảm thấy rằng lối thoát còn chưa biết này có thể có đặc điểm chung nhất là một “cuộc cách mạng hiện sinh” rộng lớn. Tôi chia sẻ quan điểm này, và tôi cũng chia sẻ ý kiến cho rằng thủ thuật công nghệ không phải là giải pháp, tức là, không thể tìm được giải pháp trong những đề xuất bên ngoài, hay trong một cuộc cách mạng thuần túy triết học, thuần túy xã hội hay thuần túy công nghệ, hay thậm chí thuần túy chính trị. Tất cả chúng đều là những lãnh địa mà cuộc “cách mạng hiện sinh” sẽ phải động chạm tới; nhưng lãnh địa căn bản nhất chính là sự tồn tại của con người theo nghĩa sâu sắc nhất của từ này. Cuộc các mạng phải xuất phát từ nền tảng ấy thì nó mới có thể trở thành một cuộc các mạng đạo đức tổng quát – và, cuối cùng nhất định nó sẽ trở thành cuộc tái cấu trúc xã hội về mặt chính trị.

Hiện tượng mà chúng ta gọi là xã hội tiêu thụ và công nghiệp (hay hậu công nghiệp), và Ortea y Gasset từng hiểu là “cuộc nổi loạn của đám đông”, cũng như sự khốn cùng về trí thức, đạo đức, chính trị và xã hội trên thế giới ngày nay: tất cả có thể chỉ đơn giản là khía cạnh của một cuộc khủng hoảng sâu sắc, trong đó nhân loại nhìn thấy mình bất lực và đang bị bộ máy tự động của nền văn minh công nghệ toàn cầu lôi đi mà thôi.

Hệ thống hậu toàn trị chỉ là một khía cạnh – một khía cạnh đặc biệt nghiệt ngã và vì thế mà làm lộ rõ những nguồn gốc thực sự của nó – thể hiện sự bất lực chung của nhân loại hiện đại trong việc làm chủ tình cảnh của nó. Bộ máy tự động của hệ thống hậu toàn trị chỉ đơn thuần là một phiên bản cực đoan của bộ máy tự động của nền văn minh công nghệ toàn cầu. Thất bại của  con người mà nó phản chiếu chỉ là một biến thể của thất bại chung của nhân loại hiện đại mà thôi.

Dĩ nhiên là thách thức mang tính toàn cầu về vị trí của con người trong thế giới cũng diễn ra ở thế giới phương Tây nữa, chỉ khác ở những hình thái chính trị và xã hội mà nó diễn ra. Heideger coi đấy là sự khủng hoảng của nền dân chủ. Không có bằng chứng thực sự nào chứng tỏ rằng nền dân chủ phương tây, tức là nền dân chủ đại nghị truyền thống, có thể cung cấp cho ta một giải pháp hoàn hảo hơn. Thậm chí có thể nói rằng, trong các nền dân chủ phương Tây, có nhiều không gian hơn (so với thế giới của chúng ta) cho những mục tiêu đích thực của cuộc sống thì cuộc khủng hoảng càng bị che đậy, người ta càng không biết đến cuộc khủng hoảng này và họ lại càng bị chìm đắm vào đó hơn.


Dường như các nền dân chủ đại nghị truyền thống không thể chống lại được cỗ máy tự động của nền văn minh công nghệ và xã hội tiêu thụ-công nghiệp, bởi vì họ cũng đang bất lực và bị nó cuốn theo. Con người bị thao túng theo những cách tinh tế và nhẹ nhàng hơn những phương pháp thô bạo, được dùng trong các xã hội hậu toàn trị. Nhưng tổ hợp tĩnh tại của những đảng phái chính trị mang tính quần chúng, thực dụng về chính trị, luộm thuộm về nhận thức và cứng nhắc, được điều khiển bởi những bộ máy chuyên nghiệp và làm cho người ta không còn phải chịu bất cứ trách nhiệm cá nhân và cụ thể nào; và những trung tâm tích tụ tư bản phức tạp tham gia vào quá trình thao túng bí mật và bành trướng; nền độc tài của tiêu thụ, sản xuất, quảng cáo, thương mại, văn hóa tiêu dùng, có mặt khắp nơi, và tất cả cơn lũ thông tin ấy – tất cả những điều ấy - vẫn thường xuyên được phân tích và mô tả - khó có thể tưởng tượng được lại là suối nguồn nơi con người có thể tìm lại chính mình. Trong bài giảng ở Harvard vào tháng 6 năm 1978, Solzhenitsyn đã nói về ảo tưởng của những chế độ tự do không dựa trên trách nhiệm cá nhân và kết quả là sự bất lực kinh niên của những chế độ dân chủ truyền thống trong việc chống lại bạo lực và chủ nghĩa toàn trị. Trong chế độ dân chủ, người ta có thể được hưởng nhiều quyền tự do và bảo đảm cá nhân mà chúng ta không biết, nhưng rốt cuộc thì cũng chẳng tốt đẹp gì, bởi cuối cùng thì người ta cũng chỉ là những nạn nhân của cùng một một cỗ máy tự động, họ không thể bảo vệ được bản sắc của mình hay tránh được sự tha hóa, không thể đi xa hơn những quan tâm về cuộc sinh tồn của cá nhân để có thể trở thành một thành viên có trách nhiệm và đầy tự hào của thành bang, có đóng góp thực sự vào việc tạo thành số phận của chính mình.

Bởi vì mọi triển vọng về một sự thay đổi theo hướng tốt lên là rất xa vời, ta buộc phải ghi nhớ cuộc khủng hoảng sâu sắc này của chế độ dân chủ truyền thống. Chắc chắn là, nếu có thể tạo ra những điều kiện cho chế dân chủ trong một vài nước thuộc khối Xô viết (mặc dù điều này ngày càng trở nên xa vời), thì đấy có thể là một giải pháp quá độ thích hợp, có thể giúp phục hồi nhận thức dân sự đã bị suy kiệt, phục hồi lại cuộc tranh luận dân chủ, tạo điều kiện củng cố chủ nghĩa đa nguyên chính trị, và sự thể hiện thực chất các mục tiêu của đời sống. Nhưng bám víu vào khái niệm về chế độ dân chủ truyền thống như là một lí tưởng chính trị và đầu hàng ảo tưởng cho rằng chỉ có hình thức đã được thử thách và đúng đắn này là có thể đảm bảo cung cấp cho con người nhân phẩm trường cửu và một vai trò độc lập trong xã hội, theo tôi, ít nhất cũng là cách nhìn thiển cận.

Tôi cho rằng việc chính trị quay trở lại với con người cụ thể là hiện tượng sâu sắc hơn rất nhiều so với việc trở về với những cơ chế thường nhật của nền dân chủ phương Tây (hay nền dân chủ tư sản, nếu bạn thích nói như thế). Năm 1968, tôi cảm thấy rằng vấn đề của chúng ta có thể được giải quyết bằng cách thành lập một đảng đối lập có thể cạnh tranh công khai để giành quyền lực với đảng Cộng sản. Nhưng đã tôi nhận ra rằng, không phải đơn giản như thế, và không một đảng đối lập nào, tự thân nó, cũng như không luật bầu cử mới nào, tự thân nó, có thể làm cho xã hội miễn nhiễm với những hình thức bạo lực mới. Không có biện pháp tổ chức “khô khan” nào, tự nó, có thể bảo đảm được điều đó và ta khó mà tìm được trong những biện pháp đó một ông Trời có thể cứu chúng ta.


XXI.

Và đây là lúc người ta có thể hỏi tôi: “Thế thì phải làm gì?”

Tất nhiên là, thái độ hoài nghi của tôi đối với những mô hình chính trị thay thế và khả năng những cuộc cải cách hay thay đổi hệ thống có thể cứu chúng ta không có nghĩa là tôi nghi ngờ tất cả mọi tư tưởng chính trị. Hay việc tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung quan tâm vào con người cụ thể không có nghĩa là tôi không xem xét những hậu quả mang tính cơ cấu do mối quan tâm này tạo ra.  Ngược lại, nếu đã nói ra A thì cũng phải nói nốt B. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ đưa ra một vài nhận xét rất chung.

Quan trọng nhất là, bất kì cuộc cách mạng hiện sinh nào cũng sẽ phải tạo được hi vọng về sự phục hồi đạo đức xã hội – có nghĩa là một hi vọng canh tân triệt để mối quan hệ của con người với cái mà tôi gọi là “trật tự của con người”, mà không trật tự chính trị nào có thể thay thế được. Một trải nghiệm mới của cuộc hiện sinh, một gốc rễ mới được tái sinh trong vũ trụ, cảm nhận mới về trách nhiệm lớn hơn vừa giành lại được, một quan hệ nội tại với những người khác và với cộng đồng vừa hình thành – đấy là những nhân tố chỉ rõ đường mà chúng ta phải đi.

Còn hậu quả chính trị? Nhiều khả năng là chúng sẽ được phản ánh trong quá trình hình thành những cơ cấu có xuất xừ tinh thần mới này, xuất xứ từ những nhân tố nhân bản hơn là từ quá trình chính thức hóa các quan hệ chính trị và bảo đảm chính trị. Nói cách khác, vấn đề là phục hồi những giá trị như niềm tin, cởi mở, trách nhiệm, tương trợ, yêu thương. Tôi tin những cơ cấu không nhắm tới khía cạnh thủ thuật của việc thực thi quyền lực, mà nhắm tới ý nghĩa của thực thi ấy; tôi tin vào những cơ cấu gắn bó với nhau bằng cảm nhận chung về trách nhiệm trước những cộng đồng nhất định chứ không phải bằng những tham vọng bành trướng, hướng ngoại. Những cơ cấu này có thể và nhất định phải là những cơ cấu mở, năng động và nhỏ; vượt qua một mức nào đó, những ràng buộc giữa người với người, niềm tin cá nhân hay trách nhiệm cá nhân không còn hiệu lực nữa. Những cơ cấu này về nguyên tắc không áp đặt bất cứ một giới hạn nào về sự hình thành  những cơ cấu khác với chúng. Chúng không chấp nhận bất cứ sự tích tụ quyền lực nào (vốn là một đặc trưng của cỗ máy tự động). Đấy có thể là những cơ cấu không theo nghĩa tổ chức hay định chế, mà giống như là một cộng đồng. Uy quyền của những định chế này chắc chắn là không dựa trên những truyền thống đã trống rỗng từ lâu, thí dụ như truyền thống của các chính đảng mang tính quần chúng, mà dựa vào cách thức tham gia – trong những điều kiện cụ thể - vào hoàn cảnh cho trước. Đấy không nên là một khối liên kết chiến lược của các tổ chức đã được chính thức hóa, mà nên là các tổ chức nảy sinh một cách tự phát, đầy nhiệt tình trước một mục tiêu cụ thể nào đó, và giải tán khi đã hoàn thành mục tiêu. Uy quyền của các lãnh tụ phải bắt nguồn từ phẩm chất cá nhân và được thử thách theo từng cá nhân trong môi trường cụ thể của họ, chứ không phải từ vị trí của họ trong bất kì ngạch bậc (nomenklatura) nào. Họ phải được người dân tín nhiệm và thậm chí giành được quyền lực lập pháp nặng kí trên cơ sở sự tín nhiệm đó. Dường như đây là lối duy nhất thoát khỏi sự bất lực kinh điển của các tổ chức dân chủ truyền thống, vốn dường như thường xuyên dựa trên sự nghi ngờ hơn là tin tưởng lẫn nhau, và dựa vào sự vô trách nhiệm tập thể hơn là trách nhiệm. Chỉ với sự hậu thuẫn toàn lực mang tính hiện sinh của mỗi thành viên trong cộng đồng, thì mới có thể dựng nên một bức tường thành bền vững chống chủ nghĩa toàn trị lấn dần. Những cơ cấu này phải xuất hiên một cách tự nhiên từ dưới lên, như là kết quả của sự tự tổ chức đích thực của xã hội; những cơ cấu này phải sống bằng cuộc đối thoại sinh động với những nhu cầu đích thực, vốn là lí do để chúng xuất hiện, và khi những nhu cầu này không còn thì những cấu trúc cũng nên tự giải tán. Nguyên tắc tổ chức nội bộ của những tổ chức này phải rất khác nhau, quy định từ bên ngoài phải được giữ ở mức tối thiểu. Tiêu chí quyết định của sự tự tổ chức này phải là ý nghĩa thực tế của cơ cấu, chứ không phải chỉ là quy tắc hoàn hoàn trừu tượng.

Cả đời sống chính trị và kinh tế đều phải dựa trên sự hợp tác đa dạng và phong phú của những tổ chức hợp -tan một cách năng động như thế. Đối với đời sống kinh tế, tôi tin vào nguyên tắc tự quản, đây có lẽ là biện pháp duy nhất nhằm đạt được điều mà tất cả các lí thuyết gia về chủ nghĩa xã hội đã và đang mơ ước, tức là sự tham gia thực sự (nghĩa là tham gia không chính thức) của người lao động vào việc ra quyết định kinh tế, dẫn đến cảm giác về trách nhiệm chân chính đối với công việc chung của họ. Nguyên lý kiểm soát và kỉ luật phải dành chỗ cho nguyên tắc tự kiểm soát và tự kỉ luật.

Thậm chí từ những phác thảo chung chung vừa nói, có vẻ cuộc cách mạng hiện sinh kiểu này sẽ mang tới những hậu quả mang tính hệ thống vượt ra ngoài khuôn khổ của chế độ dân chủ đại nghị cổ điển. Vì đã giới thiệu thuật ngữ “hậu toàn trị” để phục vụ cuộc thảo luận này, có lẽ tôi nên gọi khái niệm mà tôi vừa phác ra – hoàn toàn tạm thời – như là tương lai của hệ thống “hậu dân chủ”.

Không nghi ngờ gì rằng có thể nói thêm về khái niệm này, nhưng tôi nghĩ, chí ít thì đấy cũng là việc làm vô nghĩa vì cho dù có diễn ra một cách chậm chạp thì chắc chắn là toàn bộ ý tưởng cũng sẽ trở nên vong thân và tách khỏi chính nó. Nói cho cùng, bản chất của chế độ “hậu dân chủ” chỉ có thể phát triển thông qua tình hình cụ thể (via facti), như là tiến trình xuất phát trực tiếp từ đời sống, từ một bầu không khí mới và tinh thần mới (dĩ nhiên là tư duy chính trị sẽ có vai trò ở đây, dù không phải là đạo diễn, mà chỉ là người hướng dẫn). Nhưng, dự đoán cơ cấu của tinh thần mới ấy khi nó còn chưa hiện diện và chưa biết diện mạo cụ thể của nó là việc làm viển vông vậy.

XXII.

Tôi có thể bỏ toàn bộ phần trước, và coi đó là chủ đề thích hợp cho việc suy tư cá nhân nếu không có một cảm giác cứ trở đi trở lại với tôi. Nói thì có vẻ hơi viển vông, và vì thế tôi sẽ trình bày dưới dạng câu hỏi: Quan niệm về các cơ cấu “hậu dân chủ”, trên phương diện nào đó, chẳng đã nhắc nhở ta nghĩ tới một trong những nhóm “bất đồng chính kiến” hay một vài sáng kiến độc lập của công dân như ta đã biết từ chính môi trường chúng ta hay sao? Những cộng đồng nhỏ này - ràng buộc với nhau bởi hàng ngàn nỗi khổ cực được cùng nhau sẻ chia – chẳng đã hồi sinh một vài mối quan hệ và ràng buộc chính trị có ý nghĩa nhân văn đặc biệt mà ta đã nói tới hay sao? Những cộng đồng này (và đấy các cộng đồng hơn là các tổ chức) – mà động cơ chủ yếu là niềm tin chung vào tầm quan trọng của những việc mà họ đang làm vì họ không có cơ hội thành công nhanh chóng và nhìn thấy được – đã được bầu không khí mà trong đó những mối ràng buộc chính thức và mang tính nghi thức trong các cơ cấu chính thức đã bị tình huynh đệ và tương trợ thay thế, liên kết lại với nhau hay sao? Những mối quan hệ “hậu- toàn trị” dựa trên sự tin cậy mang tính cá nhân và những quyền phi chính thức của cá nhân dựa trên những mối quan hệ này chẳng phải là có xuất xứ từ những khó khăn được mọi người cùng chia sẻ hay sao? Chẳng phải là những nhóm này sinh ra, trưởng thành và tiêu vong dưới áp lực của những nhu cầu đích thực và cụ thể, chứ không phải mang trên vai gánh nặng của những truyền thống trống rỗng hay sao? Những cố gắng của họ nhằm sáng tạo một hình thức cụ thể của sống trong sự thật và khôi phục lại cảm giác về trách nhiệm trong một xã hội thờ ơ chẳng phải là dấu hiệu thực sự hồi sinh về đạo đức hay sao?

Nói cách khác, chẳng phải những cộng đồng mở, không mang tính quan liêu, năng động và có đầy đủ thông tin - tạo ra “thành bang song hành” - là một bản phác họa sơ khai, một mô hình mang tính biểu tượng của những cơ cấu chính trị “hậu-dân chủ” có ý nghĩa hơn, có thể trở thành nền tảng của một xã hội tốt đẹp hơn hay sao?

Từ những trải nghiệm cá nhân, tôi biết rằng chỉ đơn giản là đặt bút kí vào Hiến chương 77 đã ngay lập tức tạo ra mối liên hệ sâu sắc hơn và cởi mở hơn, và khơi dậy những cảm giác mạnh mẽ và đột ngột về một cộng đồng thực sự giữa những người mà trước đó còn là những người xa lạ. Những tình cảm kiểu này, nếu có, cũng rất hiếm khi xảy ra, thậm chí là giữa những người đã từng làm việc cùng nhau trong thời gian dài trong một cơ cấu chính thức lãnh đạm nào đó. Dường như chỉ cần nhận thức và chấp nhận một nhiệm vụ chung và một trải nghiệm được mọi người chia sẻ là đã đủ chuyển hóa người dân và môi trường sống của họ, dường như điều đó làm cho công tác của họ trở thành nhân bản, khó tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác.


Có thể tất cả những chuyện bên trên là do mọi người bị cùng một mối đe dọa mà ra. Có thể khi mối đe dọa đó chấm dứt hay bị xóa sổ thì tâm trạng mà nó tạo ra cũng biến mất theo. (Nhưng mục đích của những kẻ đang dọa nạt chúng ta thì ngược lại. Đã nhiều lần, người ta cảm thấy choáng váng trước công sức mà họ bỏ ra nhằm làm ô uế - bằng nhiều cách hèn hạ khác nhau – tất cả những mối quan hệ giữa người với người bên trong cộng đồng bị họ đe dọa).

Ngay cả nếu như thế thì nó cũng không làm thay đổi được bất cứ điều gì trong câu hỏi mà tôi đã đặt ta.

Chúng ta không biết cách thoát khỏi tình trạng suy nhược của thế giới, và sẽ là một sự ngạo mạn không thể tha thứ được nếu chúng ta coi những việc nhỏ bé mà ta đang làm như là một giải pháp cơ bản, hay tự cho rằng cộng đồng của chúng ta và những giải pháp của chúng ta đối các vấn đề quan trọng còn là công việc duy nhất đáng làm.

Nhưng tôi vẫn cho rằng trên cơ sở những suy nghĩ nói trên về hoàn cảnh hậu toàn trị, và về tình hình và tổ chức nội tại của những nỗ lực đang phát triển nhằm bảo vệ con người và bản sắc của họ trong những hoàn cảnh đó, thì những câu hỏi mà tôi đặt ra là thích hợp. Ít nhất, chúng cũng là một lời mời gọi mọi người suy nghĩ một cách cụ thể về những trải nghiệm của chính chúng ta và nêu ra vài suy nghĩ về việc liệu những yếu tố nhất định của trải nghiệm ấy – mà ta có thể không biết –  có hướng tầm mắt ta đi xa hơn là giới hạn của trải nghiệm đó, và liệu ngay ở đây, ngay trong đời sống thường nhật của ta, những thách thức nhất định nào đó vẫn chưa được giải mã, và đang âm thầm chờ đợi thời khắc khi chúng được nhận ra và nắm bắt, hay không.

Vì câu hỏi liệu có tương lai tươi sáng hơn hay là không bao giờ cũng là câu hỏi diệu vợi. Nhưng nếu ngược lại, nó đã luôn ở đây từ lâu, và chỉ có sự đui mù và yếu đuối của chúng ta làm cho chúng không nhìn thấy nó đang hiện diện xung quanh và ở ngay trong chính mình, và ngăn cản không cho ta vun trồng nó thì sao?

Tháng 10 năm 1978

Nguồn: Václav Havel et al., The Power of the Powerless: Citizens against the State in Central Eastern Europe, trans. Paul Wilson, M.E. Sharpe, Inc. Armonk, New York, pp 23-96.

Nguồn: Power of Powerless.
Có tham khảo bản dịch của Khải Minh tại địa chỉ  talawas.org
và bản dịch tiếng Nga tại địa chỉ: http://www.inliberty.ru/library/classic/3492/

 




[1] Ý nói thế giới được mô tả trong tác tác phẩm 1984 của G. Orwell – PNT.

No comments:

Post a Comment