Phạm Nguyên Trường dịch
Lời người dịch: Những cuộc bàn thảo về giáo dục thường tập trung vào những vấn đề cụ thể như: Một kì thi chung (tốt nghiệp phổ thông và vào đại học -ND), các tiêu chuẩn giáo dục mới, lương giáo viên..v.v.. Đây là cuộc nói chuyện với bà Irinna Prokhorova - đại diện chính thức của ứng cử viên tổng thống Mikhail Prokhorov – về sự kiện là những vấn đề của nền giáo dục của chúng ta không nằm trong những sai lầm cụ thể mà nằm ở chỗ là đất nước vẫn chưa quyết định được mẫu người cần thiết – đấy là một người chỉ biết thực hiện mệnh lệnh hay là một người có tình thần sáng tạo và tư duy cởi mở, một người sống trong xã hội rộng mở với thế giới. Vấn đề nằm trong tiêu chuẩn nước đôi, trong sự không rõ ràng của triết lí phát triển của đất nước, cũng có nghĩa là không rõ ràng trong triết lí giáo dục. Có lẽ đấy cũng là những vấn đề chung cho các nước ta nữa.
* * *
Hai xu hướng đối đầu nhau
Phóng viên: Thưa bà Irina Dmitrievna, theo bà đâu là những vấn đề chính của nền giáo dục của chúng ta?
Irina Prokhorova: Tình hình khủng hoảng giáo dục không có liên quan gì đến sự yếu kém năng lực của một người nào đó. Đơn giản là xã hội đang có vấn đề mang tính nền tảng, nó thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống: Chúng ta không có một bức tranh rõ ràng về thế giới, không có mô hình của tương lai. Nếu vào đầu những năm 90, sau khi thoát khỏi móng vuốt của chế độ toàn trị, chúng ta nói rằng muốn phát triển như xã hội châu Âu, cởi mở, bình thường, thì hiện nay quan niệm về tương lai đang có sự lẫn lộn. Một mặt, người ta nói rằng cần phải hiện đại hóa. Nhưng mặt khác, một loạt biện pháp đang được thực thi lại đưa chúng ta đi sang hướng khác. Sang hướng biệt lập, quân phiệt hóa, quan liêu hóa. Có cảm tưởng rằng có hai xu hướng đang đối đầu với nhau.
Như vậy là, trong khi chúng ta chưa xác định một cách trung thực cho chính mình rằng chúng ta muốn sống trong một nước như thế nào, muốn có con người sau khi ra trường như thế nào, thì chúng ta chưa thể có triết lí giáo dục được. Nếu chúng ta phát triển theo hướng (nói một cách tương đối như thế) xã hội cởi mở thì sẽ cần một kiểu trường học. Còn nếu chúng ta theo mô hình xã hội khép kín, được hình thành trong thế kỉ XX, thì lại cần một kiểu trường học khác. Hôm nay, một mặt, chúng ta muốn hướng trường học vào những công nghệ mới, những kiểu sách giáo khoa mới, chúng ta tuyên bố rằng cần những người có khả năng ứng dụng một cách mềm dẻo kiến thức đã học được và có khả năng học tập suốt đời; nhưng mặt khác chúng ta lại đưa vào chương trình “huấn luyện quân sự ban đầu”, rồi những môn ý thức hệ, trong khi đó lại giảm những môn nền tảng (như thế là chúng ta đang giảm kiến thức). Tôi nghĩ rằng đây là mô hình thiếu cân đối và sẽ sinh ra nhiều vấn đề. Vì, dù có thông qua những đạo luật nào đi nữa thì chúng cũng chỉ làm cho cái dây xích này dài ra mà thôi, cái này chống lại cái kia.
Một vấn đề khác. Cơ cấu giáo dục, cả phổ thông lẫn đại học, đã hình thành trong thời Xô Viết, được những người có học vấn trước cách mạng soạn thảo, những người này đã lập ra nhiều mô hình mang tính sáng tạo và đã có thể hoàn thành- dù chỉ một phần - những mô hình này vào đầu những năm 20 và 30. Hệ thống hoạt động không đến nỗi tệ. Nhưng hiện nay chúng ta chưa phân tích: nền giáo dục đó tuyệt vời ở chỗ nào (nếu bỏ đi những môn mang tính ý thức hệ), cần phải thay đổi cái gì, còn cái gì thì không được động chạm đến. Chúng ta chưa nghiên cứu một cách nghiêm túc có bao nhiêu điều mới lạ và xu hướng trong những năm đầu 90. Đấy là sự phát triển của các dạng trường lớp mới, là dự định cải cách đại học, nhưng đã không được thực hiện. Và tôi có cảm giác rằng chúng ta thường mắc lỗi của người Nga: xây dựng lại tất. Đấy bao giờ cũng là chuyện bất khả thi, chúng ta thường làm công việc rời non lấp biển, rồi sau đó anh dũng khắc phục khó khăn mà chúng ta gặp.
Cương lĩnh của ứng cử viên tổng thống Prokhorov đã nói rõ: chúng tôi cho rằng giáo dục phải phát triển phù hợp với quan niệm về xã hội. Chúng ta là một đất nước hiện đại, đã hội nhập vào cộng đồng thế giới; chúng ta có một tiềm năng tri thức rất lớn, nhưng chúng ta lại thường xuyên đánh mất (đây là điều không thể chấp nhận được). Vì vậy mà cương lĩnh tranh cử đưa ra một loạt biện pháp liên quan đến cả giáo dục đại học lẫn phổ thông, đến các môn khoa học cơ bản và văn hóa (đấy là một nhóm vấn đề liên quan mật thiết với nhau), những biện pháp này chỉ rõ làm thế nào vừa giữ được truyền thống, giữ được tính đặc thù của nền giáo dục của chúng ta, đồng thời lại cải biến nó cho những mục đích mới.
Địa vị của người thày
Phóng viên: Bà có nghĩ rằng tình hình giáo dục phụ thuộc rất nhiều vào địa vị của người thày trong xã hội hay không?
Irina Prokhorova: Địa vị của người thày trong xã hội hiện nay rất thấp. Điều đó được phản ánh cả trong hệ thống tiền lương của giáo viên. Nghề thày giáo, cũng như nghề bác sĩ, chịu trách nhiệm về sức khỏe, cả tinh thần lẫn thể lực, của con người. Vì vậy mà tình hình này thể hiện quan hệ của xã hội đối với con người. Đấy là những nghề bị thua thiệt về quyền lợi. Trong khi đó, điều quan trọng là phải nhận thức được thày giáo trong xã hội hiện đại là người như thế nào, địa vị ra sao, biện pháp nâng cao trình độ phải như thế nào, mức độ tự do trong việc giảng dạy đến đâu.
Tăng lương không thì chưa đủ. Thí dụ, việc thay đổi nguyên tắc đánh giá giáo viên làm cho những thày giáo có lòng tự trọng bị tổn thương rất nặng. Nghĩa là chúng ta phải xác định chúng ta cần kiểu giáo dục nào và cho đất nước nào. Và lúc đó mới hiểu được người thày phải có những tiêu chuẩn nghề nghiệp gì. Nếu chúng ta nói: thay vì học thuộc lòng các đề mục và trả lời các câu hỏi, chúng ta muốn dạy trẻ con lựa chọn thông tin, suy nghĩ và sử dụng nguồn thông tin, nghĩa là đào tạo ra những con người biết tư duy thì cần một kiểu giáo viên. Nhưng nếu chúng ta muốn có một đám đông chỉ biết vâng lời, những kẻ bao giờ cũng vỗ tay và nói “đồng .. ý..!” – thì lại cần những người thày có phẩm chất hoàn toàn khác.
Có thể giáo dục được lòng yêu nước hay không
Phóng viên: Bây giờ người ta hay nói về vai trò của giáo dục. Trong đó có giáo dục tinh thần yêu nước. Có thể giáo dục được tình yêu đối với tổ quốc hay không?
Irina Prokhorova: Không có môn học gọi là tinh thần yêu nước. Tình yêu đối với tổ quốc, cũng như mọi tình cảm khác là cái mang tính cá nhân, và được giáo dục, thí dụ như trong gia đình. Rõ ràng là: chúng ta không thể tạo ra được những người yêu nước từ một môn học có tên là “tinh thần yêu nước”. Nếu trong nhà trẻ người ta nhục mạ trẻ con, nếu trong nhà trường không có những điều kiện cho học sinh tiếp xúc với kiến thức một cách bình đẳng và không có điều kiện thăng tiến xã hội thì mọi lời kêu gào đều chẳng có tác dụng gì. Vì vậy mà lòng yêu nước được giáo dục thông qua trách nhiệm của chính quyền đối với xã hội. Chúng ta đã đánh mất tính cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục. Thế mà toàn thế giới, đấy là nói những nước tiến bộ - châu Á, châu Âu hay Mĩ thì cũng thế - đều xây dựng dựa trên những người có văn hóa cao. Ngay cả người công nhân trong bất cứ xí nghiệp nào cũng đều là người có văn hóa cả.
Trong những năm 90, khi không hề có sự cổ xúy nào về lòng yêu nước thì trẻ con vẫn viết: Nga là đất nước tuyệt vời nhất. Muốn giáo dục lòng yêu nước thì còn cần phải chứng tỏ rằng chúng ta có một nền văn học tuyệt vời như thế nào (trong bối cảnh chung của thế giới). Chứ không phải là những buổi học chính trị: ông tổng thống hiện nay hay ông trước nói cái gì.
Về nhận thức mang tính đế quốc chủ nghĩa.
Phóng viên: Nga có cơ cấu liên bang. Điều đó được giáo dục như thế nào trong nhà trường?
Irina Prokhorova: Tôi xin đưa ra đây một thí dụ, chứng tỏ rằng mô hình giảng dạy lịch sử và văn học mang tính đế quốc chủ nghĩa còn sót lại từ thời Xô Viết là không phù hợp đến mức nào. Một đồng nghiệp của tôi thuở thiếu thời từng sống ở Trung Á. Ông bà của bà này là những chính trị phạm bị đày đến vùng đó từ trước cách mạng (1917 - ND). Trẻ con ngồi ở trường để viết bài văn “Buổi sáng trong rừng mùa đông”. Bên ngoài cửa sổ - 400C, cồn cát và lạc đà. Để cho những đứa trẻ chưa từng bao giờ đến khu vực miền Trung có thể tưởng tượng được cảnh mùa đông, người ta đem treo trước mặt chúng một bức tranh và chúng viết. Đấy là minh chứng cho cách tiếp tận theo lối đế quốc chủ nghĩa đối với lịch sử và văn hóa, và tôi có cảm tưởng rằng hiện nay người ta vẫn sử dụng cách tiếp cận như thế. Chúng ta là một đất nước đa tôn giáo và đa văn hóa. Và nhiệm vụ chủ yếu của các thày giáo, các chuyên gia, những người làm trong các ngành nhân văn là viết một cuốn lịch sử khác về đất nước. Chúng ta cần phải hiểu: sự đa dạng văn hóa phải trở thành một phần của lịch sử đất nước.
Thế mà một đất nước to lớn và đa dạng như thế lại qui về có Moskva và khu vực miền Trung, không có hiểu biết về đặc trưng lịch sử văn hóa khu vực. Không phù hợp, cả lúc đó lẫn bây giờ. Tôi không nói rằng phải phá bỏ lịch sử chung rồi ai muốn làm gì thì làm. Nhưng cần phải xác định: đất nước ta là thế nào, đây là liên bang hay một đế chế mới. Trên danh nghĩa thì chúng ta là Liên bang Nga. Nhưng thực tế là một đế chế.
Mô hình biệt lập đang được áp dụng. Đời sống của đất nước ta hoàn toàn không tương thích với các nước khác, đấy là nói những nước có cùng nền văn hóa Âu châu. Từ đó mới có hiện tượng là người thanh niên mới bước vào đời mang theo trong đầu mô hình thế giới đóng kín: “xung quanh đầy dẫy kẻ thù”, “chúng ta có di sản tinh thần khác hẳn”..v.v.. Điều này có thể thuận tiện cho việc quản lí, nhưng sẽ cực kì bất tiện khi phải tiến hành công việc hiện đại hóa. Không thể ngồi một lúc trên hai cái ghế được: hoặc là một dân tộc thiếu hiểu biết, sẵn sàng tuân phục (nhưng đừng có đòi hỏi những người đó sáng tạo và xây dựng được đất nước vĩ đại) hoặc là những con người sáng tạo. Xã hội của chúng ta là xã hội thế kỉ XXI, nhưng hệ thống quản lí thì lại thuộc thế kỉ XVI-XVII. Khoảng cách kinh khủng giữa một xã hội năng động và sự cổ lỗ của bộ máy quản lí tạo ra muôn vàn cuộc xung đột. Cần phải nói về khế ước xã hội, chuyện này diễn ra ba trăm năm nay rồi. Còn chúng ta lại chỉ có những nhà độc tài vị đại. Nhiều ứng cử viên nói thẳng: chúng ta cần một Sa hoàng. “Chúng ta” là ai – tôi không hiểu rõ lắm. Với mô hình như thế thì không thể nào đi xa được. Thế thì “lịch sử” nào cũng chỉ là một hình thức khác của cái lịch sử mang tính đế quốc chủ nghĩa mà thôi. Hơn thế nữa, đấy là lịch sử của nhà nước chứ không phải là lịch sử của con người (Sa hoàng đe dọa cả nửa nước, nhưng đấy là để cho nhà nước trở thành vĩ đại). Đấy là lời biện hộ cho tất cả mọi tội lỗi, tất cả những tên độc tài trong lịch sử của đất nước chúng ta. Thậm chí tôi có thể nói rằng đấy là mô hình sai lầm kinh khủng. Đã đến lúc thay đổi. Vì vậy mà những nhà cải cách của chúng ta luôn luôn bị bôi nhọ (đấy là những người định thay đổi một cái gì đó). Họ bao giờ cũng là kẻ thù của nhân dân. Còn những nhà độc tài và toàn trị lại được coi là những vị anh hùng, ý tưởng về sự vĩ đại cũng được giải thích theo cách đó. Vĩ đại của cái gì? Hóa ra là một đất nước vĩ đại mà không có con người. Con người cản trở. Con người luôn luôn là tù binh của những mơ tưởng địa chính trị hão huyền. Và cái lịch sử đó tiếp tục được giảng dạy trong trường phổ thông, trường đại học và sau đó thì người ta viết luận án tiến sĩ.
Mô hình khác – đa văn hóa, đa tôn giáo, một đất nước tươi đẹp, có thể được quản lí theo những nguyên tắc hoàn toàn khác. Chuyện này không thể giải quyết trong ngày một ngày hai được. Cần phải thay đổi nhận thức và hiểu biết. Dân chúng ra quảng trường Bolotnaia để làm gì (ý nói người biểu tình – ND)? Họ đòi một quan niệm khác về đất nước: đứng đầu không phải là một nhà độc tài phân phát của bố thí mà một người quản lí chịu một phần trách nhiệm, người phối hợp hành động, còn bây giờ xã hội trên khắp thế giới đều tự tổ chức một cách tuyệt vời rồi. Xã hội có thể sống một cách độc lập. Chúng ta đã bước lên một nấc mới của nền văn minh, nhận thức của nhân dân cao hơn, khả năng tự tổ chức cũng cao hơn rồi.
Học vấn – chiếc thang xã hội cho trẻ em
Phóng viên: Hiện nay mọi người đều tìm cách học đại học. Chắc là tốt chứ ạ?
Irina Prokhorova: Ngược đời là ở chỗ xã hội khao khát học vấn. Tôi đã gặp rất nhiều người – thí dụ những người di dân bất hạnh. Tất cả những người đó đều tiết kiệm tiền để cho con ăn học. Họ hiểu rằng học vấn là cái thang cho con em vào đời. Nhưng không ai chịu nhìn nhận chuyện này. Hãy tạo điều kiện tiếp xúc bình đẳng với kiến thức. Người ta cố tình lờ đi tình trạng là mỗi người đều có hoàn cảnh xuất thân khác nhau. Có những đứa trẻ xuất thân từ những gia đình có văn hóa cao, chúng đã được chuẩn bị cho việc tiếp nhận học vấn, trong khi đó lại có những đứa trẻ có tài nhưng xuất thân từ những gia đình nghèo hèn, những đứa trẻ này không thể nào cạnh tranh với nhau được. Nghĩa là cần phải có hệ thống giảng dạy mềm dẻo cho những đứa trẻ đó. Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng nếu chúng ta thực sự muốn tạo cơ hội tiếp xúc với kiến thức thì phải hiểu cách thức xây dựng trường học cho phù hợp với mức độ học vấn có sẵn của các cháu. Có thể phải có sự chuẩn bị ngay từ lớp mẫu giáo.
Phóng viên: Và để ý tới những cháu có năng khiếu?
Irina Prokhorova: Vâng, để ý tới những cháu có năng khiếu. Phải hiểu rằng đứa trẻ không có nền tảng văn hóa thì không thể nào bứt phá lên được. Nghĩa là phải lập ra những chương trình thật cụ thể. Thí dụ, quĩ Mikhail Prokhorov theo dõi một số nhà trẻ. Đấy là những đứa trẻ tuyệt vời, rất có năng khiếu. Nhưng chúng là những đứa bé của trại trẻ mồ côi, không có khả năng thích ứng với cuộc đời, không có nghề nghiệp. Con trai lập tức rơi vào các tổ chức tội phạm, con gái thì vào những tổ chức khác. Trường hợp tốt nhất là đi làm trong các liên hiệp (thí dụ như ở Norilsk). Những đứa trẻ này không có tương lai. Vì vậy hiện nay chúng tôi bắt đầu lập những chương trình trợ giúp: cung cấp cho chúng học phí, xác định nghề, cho chúng đi học.
Tôi cho rằng giai đoạn hiện nay là sự kết hợp đúng đắn của việc toàn dân đi học với những môn căn bản và hệ thống mềm dẻo, tạo điều kiện rút ngắn sự bất bình đẳng đó. Đấy là việc khả thi, nhưng cần phải giao một phần công việc cho các tổ chức xã hội, các hiệp hội giáo viên, các quĩ từ thiện, chuyên ủng hộ văn hóa và giáo dục.
Phóng viên: Và giao cho họ việc soạn thảo những chương trình như thế?
Irina Prokhorova: Vâng. Nhưng chúng ta có truyền thống độc tài. Nhạc trưởng là gì? Đấy là người có thể biến mọi thứ thành hài hòa. Ông ta làm công tác phối hợp. Nhưng ông ta không chạy qua chạy lại và chơi thay cho từng nhạc công, rồi nói rằng ông ta chơi tốt hơn. Ở nước ta mọi chuyện diễn ra đúng như thế. Tổng thống tự đứng ra theo dõi việc người ta hàn vá đường ống bị vỡ ở Saransk.
Phóng viên: Nếu không thì họ không hàn.
Irina Prokhorova: Nếu không thì họ không hàn. Nhưng xin lỗi, đây là mô hình quản lí kiểu gì vậy? Người ra cho rằng xã hội ta chẳng làm được việc gì hết. Đấy là một sai lầm khủng khiếp. Trong những năm 90, chúng ta đã thấy xã hội có khả năng tự tổ chức tuyệt vời như thế nào, nhân dân đã xây dựng cơ sở hạ tầng từ con số không, đã đánh đuổi những tên lưu manh. Cần phải chuyển giao một phần trách nhiệm cho xã hội dân sự, xã hội sẽ tìm được biện pháp và có những đề xuất mang tính chuyên môn cao trong lĩnh vực giáo dục.
Bàn về lợi ích của Harry Potter
Phóng viên: Hiện nay “văn học” trong nhà trường đang gặp thảm họa. Là một nhà ngôn ngữ học, bà có ý kiến gì về vấn đề này?
Irina Prokhorova: Tôi cho là ở phổ thông và đại học phải giảng dạy nhiều “văn học” hơn nữa. Cần phải nghiên cứu cả văn học nước ngoài nữa. Ở nước ta tất cả mọi người đều chỉ đọc mỗi cổ điển thôi. Bây giờ lại vừa xuất hiện ý tưởng về 100 cuốn sách mà mọi người đều phải đọc. Đây không phải là giáo dục mà là đánh tráo, học vẹt. Xin hỏi, các cháu lớp mười ở các khu vục nghèo khổ đọc gì? Chúng có đọc Dostoevsky không? Tôi còn nhớ: nói chung ở trường thường học những bài cực kì chán. Trẻ con đã hình thành thái độ chán ghét và không tin vào bài học nữa. Liệu có nên xem xét lại ý tưởng là trẻ em phải đọc sách gì không? Ta cần loại văn học giải trí kiểu gì để chúng giành nhau những cuốn sách hay, rồi sau đó chúng bắt đầu đọc những cuốn khác?
Phóng viên: Thí dụ như Harry Portter đã lôi cuốn cả những cháu chưa bao giờ đọc bất cứ cuốn sách nào.
Irina Prokhorova: Hoàn toàn chính xác. Còn những lời kêu gào về Harry Portter, cuốn sách bị người ta lăng mạ mà chẳng hiểu lăng mạ vì chuyện gì, làm cho tôi hoảng sợ. Đây là một câu chuyện hay, nhân bản, nó nêu được nhiều vấn đề nghiêm túc đối với trẻ em (và cả người lớn nữa). Tại sao ở nước ta lại không khuyến khích đọc những cuốn sách giải trí như thế? Vì là đã có chỉ thị mang tính ý thức hệ: dứt khoát phải đọc “cuốn này, cuốn này”.
Phóng viên: Và tất cả mọi người đều nhắm mắt trước hiện tượng là trẻ em không đọc các tác giả đó và không đọc một khối lượng như thế.
Irina Prokhorova: Vâng, đúng thế. Là một nhà ngôn ngỡ học, tôi có thể nói rằng: tác phẩm già dần đi. Chúng trở thành sự kiện lịch sử, cần phải nghiên cứu sâu ở đại học (khoa ngôn ngữ học chẳng hạn). Vì thường xuyên xuất hiện những tác phẩm văn học mới, hay, đồng điệu với tâm hồn trẻ em hiện nay.
Phóng viên: Nghĩa là bà đề nghị nhà trường giảng dạy văn chương hiện đại?
Irina Prokhorova: Đây là lĩnh vực đòi hỏi trình độ của giáo viên, giáo viên phải có khả năng kết hợp những bài bắt buộc với những bài ngoại khóa.
Nói chung, có thể nói rằng phần nhân văn trong giáo dục đã bị đánh giá thấp. Ở Nhật, cả ở đại học lẫn cao đẳng, không phụ thuộc vào ngành học, hai năm đầu tất cả sinh viên đều học các môn nhân văn, đến mức có thể viết được những bài Haiku. Đây không phải là sự ngông cuồng, mà người ta hiểu rằng những môn nhân văn chính là cơ sở giúp người ta học và học tập suốt đời. Những môn này giúp phát triển trí tưởng tượng và khả năng thích ứng. Còn ở nước ta thì lại giảm những môn nhân văn. Cần phải đưa những môn này trở lại lại phổ thông và đại học (các khoa như toán, kinh tế…).
Phóng viên: Bà nghĩ thế nào khi hiện nay học sinh giỏi máy tính trong khi các thày giáo thì ngược lại?
Irina Prokhorova: Đây đúng là vấn đề. Làm sao trẻ em có thể tin cậy thày giáo, nếu thày là người của thế kỉ trước? Công nghệ mới – thể hiện một kiểu nhận thức mới, phản ứng và tiếp nhận thông tin kiểu mới. Trẻ em – cũng như cách đây hai ba trăm năm: ham hiểu biết, tò mò. Nhưng chúng sống trong thời đại khác, ta cần phải có cách cung cấp thông tin khác trước. Thông tin kiểu gì. Chứ không được lên án: không có hồn (chỉ chúi mũi vào công nghệ). Điều này chỉ dẫn đến sự xa cách, sự phủ nhận người thày trong lòng học sinh mà thôi. Tôi xin nói thêm là người thày nên có tình yêu đối với học sinh và có trình độ cao.
Nguồn: dịch từ nguyên bản tiếng Nga tại địa chỉ http://www.russ.ru/Mirovaya-povestka/Poka-my-dlya-sebya-chestno-ne-opredelim-v-kakoj-strane-hotim-zhit-kakogo-cheloveka-hotim-poluchit-u-nas-ne-budet-nikakoj-koncepcii-obrazovaniya
Người thực hiện phỏng vấn: Natalia Ivanova-Gladinshikova.
No comments:
Post a Comment