April 8, 2012

Václav Havel - Sức mạnh của thảo dân (Kì 4)




Phạm Nguyên Trường dịch

XVI.

Hệ thống hậu toàn trị tiến hành một cuộc tấn công tổng lực vào con người, trước mặt nó, con người là một kẻ đơn độc, bị bỏ rơi và cách li với những người khác. Cho nên, rất tự nhiên là tất các các “phong trào bất đồng chính kiến” đều là các phong trào mang tính tự vệ một cách rõ ràng: các phong trào này sinh ra là để bảo vệ con người và những mục tiêu chân chính của cuộc đời và chống lại những mục tiêu của hệ thống.

Ngày nay, nhóm KOR Ba Lan được gọi là “Ủy ban Tự vệ Xã hội”: Từ “tự vệ” xuất hiện trong những tên gọi của các tổ chức khác ở Ba Lan, nhưng thậm chí Nhóm quan sát Helsinki ở Liên Xô và chính Hiến chương 77 của chúng ta về bản chất cũng là những tổ chức tự vệ.

Trong thuật ngữ chính trị truyền thống, cương lĩnh tự vệ này là dễ hiểu, mặc dù nó có vẻ nhỏ bé, tạm thời và về bản chất là tiêu cực. Nó không đưa ra bất kì một khái niệm, mô hình hay ý thức hệ mới nào, và vì thế, không phải là chính trị theo đúng nghĩa của từ này, bởi vì hoạt động chính trị bao giờ cũng đòi hỏi phải có một cương lĩnh tích cực và ít khi có thể tự giới hạn trong việc bảo vệ ai đó khỏi một cái gì đó.


Tôi cho rằng quan điểm như thế cho thấy những giới hạn trong cách nhìn nhận các sự kiện bằng nhãn quan chính trị truyền thống. Nói cho cùng, hệ thống hậu toàn trị không phải là một chính quyền đặc biệt đang theo đuổi một đường lối chính trị đặc biệt. Nó là một sự kiện khác hẳn: nó là sự xúc phạm kéo dài, sâu sắc và phức tạp đối với xã hội, hay nói đúng hơn là xã hội tự xúc phạm mình. Nếu chỉ chống lại nó bằng cách vạch ra một đường lối chính trị khác, và đấu tranh làm cho chính quyền thay đổi, không những chỉ là phi thực tế, mà còn hoàn toàn không phù hợp, bởi vì cuộc đấu tranh đó không bao giờ đụng chạm tới được căn cốt của vấn đề. Vì đã từ lâu, nó không còn nằm trong các đường lối chính trị hay cương lĩnh nữa: đó là vấn đề của chính cuộc sống.

Do đó, bảo vệ các mục đích của cuộc sống, bảo vệ nhân phẩm không chỉ là cách tiếp cận thực tế hơn – vì nó có thể bắt đầu ngay bây giờ và có thể được nhiều người ủng hộ hơn vì nó liên quan đến đời sống hàng ngày của con người, đồng thời (và có lẽ đúng hơn là chính vì thế), nó còn là cách tiếp cận triệt để hơn nhiều, bởi vì nó nhắm đúng vào bản chất của sự vật.

Đã từng có thời ta phải lặn xuống tận cùng của sự khốn nạn của ta để tìm hiểu sự thật, cũng như chúng ta phải trồi lên từ đáy giếng để nhìn những ngôi sao trong ánh sáng ban ngày. Tôi cảm thấy rằng, hiện nay, chính cái cương lĩnh “nhỏ bé”, “tạm thời” và “tiêu cực” này - “đơn giản” chỉ là bảo vệ con người như thế - theo một nghĩa nhất định (và không chỉ trong những hoàn cảnh mà chúng ta đang sống), là một cương lĩnh tối ưu và tích cực nhất, bởi vì nó buộc chính trị phải trở về cái xuất phát điểm phù hợp nhất –  phù hợp, đấy là nói nếu như ta muốn tránh tất cả những sai lầm cũ: đó là trở về với cá nhân con người. Trong những xã hội dân chủ, nơi mà bạo lực với loài người không bộc lộ một cách rõ ràng và tàn khốc như thế thì cuộc cách mạng căn bản như thế trong hoạt động chính trị cũng sẽ phải xảy ra, và một số vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi người ta cảm nhận được nhu cầu cấp thiết cho một cuộc cách mạng như thế trong hoạt động chính trị. Trong thế giới của chúng ta, bởi vì sự khốn nạn của hoàn cảnh mà chúng ta đang sống, dường như chính trị đã trải qua sự hóa thân ấy rồi: quan tâm chính của tư duy chính trị không còn là những quan điểm trừu tượng của một mô hình “tích cực” (và tất nhiên cả những hoạt động chính trị mang tính cơ hội vốn là mặt trái của đồng tiền), mà là con người – những người mà cho đến nay vẫn bị những mô hình ấy và quá trình thực hiện những mô hình đó biến thành nô lệ.


Dĩ nhiên là mỗi xã hội đều cần có một mức độ tổ chức nhất định. Nhưng, tổ chức ấy là để phục vụ con người, chứ không phải ngược lại, thì con người phải được giải phóng, và phải tạo ra không gian để họ có thể tự tổ chức theo những cách có ý nghĩa. Sự suy đồi của cách tiếp cận ngược lại, trong đó con người phải được tổ chức theo cách này hay cách khác (theo ý một người nào đó, tức là người bao giờ cũng biết rõ hơn ai hết: “nhân dân cần gì”) để sau đó thì được cho là đã được giải phóng, đấy là cái chúng ta đã cảm nhận được trên chính da thịt của mình rồi.

Tóm lại: hầu hết những người gắn bó quá mức với phương pháp tư duy chính trị truyền thống cho rằng “phong trào bất đồng chính kiến”- với tính chất tự vệ thuần túy của chúng – là những phong trào không có sức mạnh. Ngược lại, tôi coi đó là sức mạnh lớn nhất của những phong trào này. Tôi tin rằng đây chính là chỗ mà các phong trào này đã thay thế kiểu hoạt động chính trị xưa cũ, mà từ quan điểm của những người gắn bó với những hoạt động xưa cũ đó thì đây lại dường như là cương lĩnh không phù hợp.

XVII.

Trong các “phong trào bất đồng chính kiến” của khối Xô Viết, bảo vệ con người thường diễn ra dưới hình thức bảo vệ các quyền dân sự và quyền con người, tức là những quyền đã được long trọng ghi nhận trong Tuyên ngôn phổ quát về Quyền Con người, các Công ước Quốc tế về Quyền con người, Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Helsinki và hiến pháp của từng quốc gia. Những phong trào này được dựng nên nhằm bảo vệ bất kì ai đang bị kết án vì đã hành động phù hợp với những quyền này, và đến lượt mình, những phong trào này cũng hành động theo tinh thần ấy - bằng cách nhất quyết đòi chính quyền công nhận và tôn trọng nhân quyền và các quyền dân sự, và bằng cách hướng sự chú ý của người ta tới những lĩnh vực của đời sống mà các quyền này vẫn chưa được công nhận và chưa được tôn trọng.

Vì thế mà các phong trào này hoạt động trên nguyên tắc hợp pháp: các phong trào này hoạt động công khai, không những họ luôn luôn khẳng định rằng hoạt động của họ nằm trong khuôn khổ của pháp luật mà còn khẳng định rằng tôn trọng luật pháp là một trong những mục tiêu chính của họ nữa. Nguyên tắc hợp pháp, tức nguyên tắc tạo cho họ cả xuất phát điểm lẫn khuôn khổ hoạt động, là nguyên tắc chung cho tất cả các nhóm “bất đồng chính kiến” trong khối Xô Viết, mặc dù các nhóm riêng lẻ chưa bao giờ có thỏa thuận chính thức về điểm này. Trường hợp này gợi cho ta một câu hỏi quan trọng: Tại sao mọi người lại cùng chấp nhận và chấp nhận một cách tự phát nguyên tắc hợp pháp trong khi việc lạm dụng quyền lực tràn lan và tùy tiện đã trở thành luật chơi?

Ở cấp độ thấp nhất, việc nhấn mạnh tính hợp pháp như thế là biểu hiện tự nhiên của những điều kiện đặc thù trong hệ thống hậu toàn trị, và là kết quả của nhận thức tối thiểu về tính đặc thù này. Nếu thực chất là chỉ có hai con đường đấu tranh cho một xã hội tự do – bằng những phương tiện hợp pháp và bằng khởi nghĩa (có vũ trang hay không có vũ trang) – thì sẽ thấy ngay rằng cách thứ hai là không phù hợp với hệ thống hậu toàn trị. Khởi nghĩa chỉ thích hợp khi những điều kiện đã rõ ràng và vận động một cách công khai, thí dụ như trong chiến tranh, hay trong các tình huống mà xung đột xã hội hay xung đột chính trị đã đến hồi nguy kịch. Khởi nghĩa phù hợp với những nền độc tài cổ điển, đấy là lúc nền độc tài vừa hình thành hay đang trong giai đoạn sụp đổ. Nói cách khác, nó có thể được sử dụng ở những nơi mà các lực lượng xã hội có sức mạnh tương đương (thí dụ như chính quyền chiếm đóng và một dân tộc đấu tranh giành tự do) đang đối đầu nhau trên bình diện sức mạnh thực sự, hay ở nơi có sự phân định rạch ròi giữa những kẻ tiếm quyền và quần chúng bị nô dịch, hay khi mà xã hội đang ở trong tình trạng khủng hoảng công khai. Dĩ nhiên là - trừ những tình huống bùng nổ quá mức như ở Hungary năm 1956 – tình hình trong hệ thống hậu toàn trị khác hẳn với những điều kiện vừa nói. Tình hình ở đó tương đối yên tĩnh và ổn định, và phần lớn các cuộc khủng hoảng xã hội đều diễn ra một cách ngấm ngầm (mặc dù chúng diễn ra ở những tầng sâu hơn). Trên bình diện sức mạnh chính trị thực tế, xã hội không bị phân cực quá mức; nhưng, như chúng ta đã thấy, lằn ranh của cuộc xung đột chạy xuyên qua mỗi con người. Trong tình hình như thế, tất cả mọi nỗ lực khởi nghĩa đều không thể hi vọng gây được dù chỉ là một sự cộng hưởng tối thiểu trong phần còn lại của xã hội, bởi vì xã hội này bị ru ngủ, đã bị chìm đắm trong một cuộc ganh đua tiêu thụ và dính líu một cách toàn diện với hệ thống hậu toàn trị (tức là, tham gia và hành xử như là các nhân viên của “bộ máy tự động” của nó), và cho rằng những gì đại loại như khởi nghĩa đều không thể chấp nhận được. Xã hội đó sẽ coi khởi nghĩa là sự tấn công vào nó, chứ không ủng hộ cách mạng, rất có thể là nó sẽ phản ứng bằng cách nghiêng hẳn về phía chính quyền, bởi vì, theo quan điểm của nó, ít nhất hệ thống cũng có một nửa-tính chính danh. Thêm vào đó, hệ thống hậu toàn trị nắm được một bộ máy theo dõi trực tiếp và gián tiếp rất phức tạp, chưa từng có trong lịch sử, hiển nhiên là mọi cố gắng nhằm phát động khởi nghĩa không những đều sẽ cáo chung về mặt chính trị, mà còn bất khả thi về mặt kĩ thuật nữa. Hầu như chắc chắn là sẽ bị tiêu diệt ngay trước khi có cơ hội chuyển các dự định thành hàng động.

Nhưng, thậm chí nếu khởi nghĩa có xảy ra thì đấy cũng chỉ là hành động đơn độc của một vài cá nhân bị cách li khỏi xã hội mà thôi, họ sẽ phải đương đầu với không chỉ bộ máy quyền lực nhà nước khổng lồ (và cả bộ máy siêu quốc gia nữa) mà còn phải đương đầu với xã hội, tức là đương đầu với chính xã hội mà nhân danh nó họ đã tiến hành khởi nghĩa. (Nhân tiện xin nói thêm rằng đấy cũng là lí do vì sao chế độ và bộ máy tuyên truyền của nó gán cho phong trào “bất đồng chính kiền” là khủng bố và kết án họ là sử dụng những phương tiện bí mật và bất hợp pháp).

Nhưng, tất cả những điều này đều không phải là lí do chính làm cho các “phong trào bất đồng chính kiến” ủng hộ nguyên tắc về tính hợp pháp. Lí do chính nằm sâu hơn, nó nằm ở phần sâu xa nhất của thái độ “bất đồng chính kiến”. Đây là thái độ thù địch và nhất định phải thù địch với khái niệm chuyển hóa bằng bạo lực – vì đơn giản là khái niệm đó ntin tưởng vào bạo lực. (Nói chung, thái độ “bất đồng chính kiến” chỉ có thể chấp nhận bạo lực như là cái xấu bắt buộc trong những trường hợp chẳng đặng đừng, đấy là lúc phải dùng bạo lực để chống lại bạo lực trực tiếp và thụ động đồng nghĩa với ủng hộ bạo lực: xin nhắc lại rằng tinh thần yêu chuộng hòa bình của châu Âu đã trở thành một trong những nhân tố chuẩn bị chiến trường cho Thế chiến II). Như tôi đã nói, “người bất đồng chính kiến” thường tỏ ra nghi ngờ tư duy chính trị đặt cơ sở trên niềm tin cho rằng phải tạo ra những  thay đổi trong hệ thống hay trong chính phủ (bất kể bằng cách nào) thì mới có những thay đổi xã hội sâu sắc, và niềm tin rằng những thay đổi như thế – vì chúng được coi là “căn bản” – có thể biện minh cho sự hi sinh những thứ “không cơ bản bằng”, hay nói cách khác, hi sinh sinh mạng con người. Ở đây, người ta tôn trọng các khái niệm lý thuyết hơn là tôn trọng cuộc sống con người. Và nó chính là mối đe dọa sẽ biến nhân loại thành nô lệ một lần nữa.

Các “phong trào bất đồng chính kiến”, như tôi đã cố gắng chỉ ra, có quan điểm hoàn toàn ngược lại. Họ cho rằng thay đổi của hệ thống chỉ là thay đổi bề ngoài, thứ yếu, tự thân nó chằng đảm bảo được cho bất cứ chuyện gì. Như vậy là, thái độ quay lưng lại với những quan điểm chính trị trừu tượng về tương lai để hướng về những con người cụ thể, và những biện pháp bảo vệ họ một cách hiệu quả, tại đây và bây giờ, là người đồng hành tự nhiên, ác cảm đối với mọi hình thức bạo lực nhân danh tương lai tốt đẹp hơn, và song hành với niềm tin sâu sắc rằng nếu phải dùng bạo lực mới bảo đảm được tương lai thì tương lai đó có thể còn tồi tệ hơn là hiện tại; nói cách khác, tương lai có thể bị chính những phương tiện dùng để bảo vệ nó làm cho mất giá hoàn toàn. Đồng thời, không được lẫn lộn thái độ này với chủ nghĩa bảo thủ hay ôn hòa chính trị. Các “phong trào bất đồng chính kiến” không né tránh ý tưởng lật đổ bằng bạo lực chỉ vì ý tưởng này quá cấp tiến, mà ngược lại, vì nó dường như chưa được cấp tiến lắm. Họ cho rằng vấn đề nằm quá sâu, chỉ thay đổi hệ thống hay chính phủ, hoặc công nghệ đều không thể giải quyết được. Một số người, trung thành với học thuyết Marxist cổ điển của thế kỉ 19, cho rằng hệ thống của chúng ta là sự thống trị của giai cấp bóc lột đối với giai cấp bị bóc lột, và định đề cho rằng bọn bóc lột sẽ không bao giờ tự nguyện từ bỏ quyền lực của mình, họ chỉ thấy một giải pháp duy nhất, đấy là làm cách mạng để đánh đổ bọn bóc lột. Tự nhiên là, họ coi việc đấu tranh cho các quyền con người là cái gì đó hợp pháp đến mức chẳng có hi vọng gì, đấy chỉ là thứ lòe bịp, cơ hội chủ nghĩa và rốt cuộc là sai lầm bởi vì nó dựa trên một giả định đáng ngờ rằng anh có thể có dựa vào tính hợp pháp giả tạo để đối thoại một cách chân thành với những người bóc lột mình. Vấn đề là họ đã không thể tìm được người đủ quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng này, và kết quả là họ trở thành những người chua chát, hoài nghi, thụ động và cuối cùng là lãnh đạm  – nói cách khác, họ kết thúc đúng vào nơi mà hệ thống muốn đặt họ vào. Đây là một thí dụ về việc con người có thể lầm lạc đến mức nào nếu cứ đem áp dụng một cách máy móc những mô hình ý thức hệ có xuất xứ từ thế giới khác và từ thời đại khác cho những hoàn cảnh hậu toàn trị.

Dĩ nhiên là không cần phải là người biện hộ cho cách mạng bạo lực cũng có thể hỏi: liệu việc viện dẫn đến tính hợp pháp có ý nghĩa gì hay không trong khi luật pháp – đặc biệt là những bộ luật tổng quát liên quan đến quyền con người – chỉ là cái mặt nạ che đậy bên ngoài, chỉ là một phần của thế giới giả tạo, một trò chơi đơn thuần mà đằng sau nó là bộ máy thao túng toàn diện. “Họ có thể phê chuẩn mọi thứ bởi vì đằng nào họ cũng sẽ tiếp tục làm những thứ họ muốn” – đây là ý kiến mà ta thường gặp. Đây chẳng phải là cuộc cãi vã bất tận về ngôn từ và viện dẫn những đạo luật mà ngay trẻ con cũng biết rằng chúng chỉ có hiệu lực khi chính phủ còn muốn chúng có hiệu lực hay sao và rốt cuộc cũng chỉ là đạo đức giả, chỉ là một luật chơi mới, là tự lừa dối mình hay sao? Nói cách khác, liệu cách tiếp cận hợp pháp có tương thích với nguyên tắc “sống trong sự thật” hay không?

Muốn trả lời câu hỏi này, trước hết ta phải xem xét một cách thấu đáo chức năng của luật pháp trong hệ thống hậu toàn trị.

Trong chế độ chuyên chính cổ điển, ý chí của nhà cầm quyền được thực hiện một cách trực tiếp, bằng những biện pháp không bị ai kiểm soát, mức độ rõ ràng là lớn hơn rất nhiều so với hệ thống hậu toàn trị. Chế độ chuyên chế không có lí do gì để phải che giấu nền tảng của nó, hay che giấu sự vận hành thực sự của quyền lực, và do vậy chẳng cần bận tậm quá mức đến các đạo luật. Mặt khác, hệ thống hậu toàn trị, hoàn toàn bị ám ảnh bởi nhu cầu đưa mọi thứ vào trong một trật tự duy nhất: một mạng lưới dày đặc các quy định, tuyên bố, chỉ thị, tiêu chuẩn, mệnh lệnh và quy tắc đã thấm vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. (Nó đã không bị gọi là hệ thống quan liêu nếu không có lí do chính đáng).  Phần lớn của những quy tắc ấy hoạt động như là các công cụ trực tiếp để thao túng đời sống – thao túng vốn là bản chất của hệ thống hậu toàn trị. Cá nhân con người chỉ còn là những bánh răng nhỏ xíu trong một cơ chế khổng lồ, và giá trị của con người chỉ còn là thực hiện chức năng của mình trong cơ chế này mà thôi. Công ăn việc làm, nhà cửa, đi lại, đời sống văn hóa và xã hội, nói ngắn, mọi thứ đều phải được kiểm soát càng chặt chẽ càng tốt, tất cả đều được qui định trước, tất cả đều bị kiểm soát. Bất cứ sự lệch lạc nào so với lối sống được quy định từ trước đều bị coi là lỗi lầm, phóng túng và vô chính phủ. Nếu không có giấy phép của của bộ máy quan liêu (mà xin giấy phép là việc rất khó) thì người đầu bếp trong cửa hàng ăn không thể nấu món đặc biệt cho khách hàng; nếu không được bộ máy quan liêu chấp thuận thì người ca sĩ không thể diễn bài hát mới của anh ở một buổi hòa nhạc. Mọi người, trong tất cả các mặt của đời sống, đều bị những quy tắc quan liêu trói chặt, mà đấy lại là sản phẩm tất yếu của hệ thống hậu toàn trị. Càng ngày nó càng tìm cách trói buộc tất cả mọi biểu hiện và mục tiêu của cuộc sống vào những mục tiêu của nó: vào sự vận hành một cách tự động và trơn tru.

Theo nghĩa hẹp hơn, luật pháp cũng phục vụ cho hệ thống hậu toàn trị một cách trực tiếp như thế, tức là, nó cũng là một phần của thế giới của những quy định và cấm đoán. Nhưng, đồng thời, nó lại làm nhiệm vụ ấy một cách gián tiếp nữa, tùy mức độ liên hệ của nó với ý thức hệ và trong một số trường hợp, làm cho nó trở một thành tố trực tiếp của ý thức hệ.

1. Tương tự như ý thức hệ, pháp luật vận hành như một lời biện hộ. Nó khoác cho việc thực thi quyền lực bộ y phục sang trọng của ngôn ngữ luật pháp; nó tạo ra ảo tưởng có tính xoa dịu rằng công lí đã được thực thi, xã hội được bảo vệ và việc thực thi quyền lực được kiểm soát một cách khách quan. Tất cả chỉ để che giấu bản chất thật sự của thực tiễn pháp lí trong hệ thống hậu toàn trị mà thôi: đấy là thao túng toàn bộ xã hội. Nếu một người quan sát bên ngoài, người không có hiểu biết gì về đời sống ở Tiệp Khắc, mà chỉ nghiên cứu những bộ luật của nó thì anh ta sẽ hoàn toàn không thể hiểu được chúng ta đang phàn nàn về chuyện gì. Việc thao túng các tòa án và các công tố viên thông qua con đường chính trị, những giới hạn kiềm chế khả năng bào chữa của luật sư trong quá trình bảo vệ thân chủ của mình, các phiên tòa thực chất là xử kín và những hành độc đoán của lực lượng an ninh, quyền lực của các lực lượng này còn cao hơn pháp luật, và cách áp dụng rộng đến mức vô lí những điều luật cố tình soạn thảo một cách mù mờ, và đương nhiên là việc nhà nước lờ đi những phần tích cực của bộ luật (các quyền công dân): người quan sát bên ngoài không thể biết được những chuyện này vì nó được che đậy kĩ. Điều duy nhất mà anh ta có thể nhận thức được là ấn tượng cho rằng bộ luật của ta cũng không tệ hơn luật pháp của các nước văn minh khác, và cũng không khác lắm, trừ một vài điều kì quặc nho nhỏ, thí dụ như hiến pháp khẳng định một chính đảng sẽ cầm quyền mãi mãi  cũng như khẳng định tình yêu của đất nước đối với siêu cường láng giềng. Nhưng đấy vẫn chưa phải là tất cả: nếu nhà quan sát của chúng ta có cơ hội nghiên cứu mặt thủ tục (trên giấy tờ) quá trình hoạt động của các cơ quan an ninh và toà án, anh ta sẽ phát hiện ra rằng hầu hết những nguyên tắc chung của thủ tục tố tụng hình sự đều được tuân thủ: bản luận tội được tống đạt đúng thời hạn qui định kể từ khi bị bắt, lệnh tạm giữ cũng vậy. Cáo trạng hợp lệ, bị cáo có luật sư .v.v.. Nói cách khác, tất cả những người thực thi pháp luật đều ngoại phạm: tất cả những người đó đều tuân thủ pháp luật. Nhưng, trên thực tế, họ tước đoạt vô cớ và dã man tuổi thanh xuân của một người chỉ vì anh ta làm những bản sao theo lối samizdat một tiểu thuyết của một nhà văn bị cấm đoán, hoặc cảnh sát cố tình xuyên tạc lời chứng (và mọi người đều biết thế, kể từ ông quan tòa cho đến bị cáo). Mặc dù vậy, tất cả những chuyện này tiếp tục bị che dấu. Tài liệu của phiên tòa không chắc đã thể hiện rằng lời chứng bị xuyên tạc, và điều khoản trong bộ luật hình sự quy định về tội kích động không loại trừ việc áp dụng tội này đối với hành vi sao chép một tiểu thuyết bị cấm. Nói cách khác, các bộ luật – ít nhất là trong một số lĩnh vực - chỉ là cái mặt nạ, chỉ là một khía cạnh của thế giới giả tạo. Thế thì tại sao lại cần pháp luật? Cũng cùng lí do như ý thức hệ: nó cung cấp một cây cầu biện hộ giữa hệ thống và các cá nhân, nó giúp họ tham gia vào cấu trúc quyền lực và phục vụ những đòi hỏi độc đoán của bộ máy quyền lực một cách dễ dàng hơn. Lời biện hộ này giúp các cá nhân tự lừa mình khi nghĩ là họ chỉ giữ gìn luật pháp và bảo vệ xã hội khỏi bọn tội phạm. (Không có lời biện hộ như thế thì việc tuyển lựa một thế hệ mới các quan tòa, công tố và điều tra viên sẽ khó hơn biết chừng nào!) Như là một khía cạnh của thế giới giả tạo, những bộ luật đó đánh lừa không chỉ nhận thức của những người buộc tội, mà còn lừa dối công chúng, lừa bịp các nhà quan sát quốc tế, và thậm chí đánh lừa cả lịch sử nữa.

2. Tương tự như ý thức hệ, bộ luật là một công cụ căn bản để truyền đạt nghi thức ra bên ngoài cơ cấu. Bộ luật tạo ra hình thức, khuôn khổ và một loạt các qui tắc cho việc thực thi quyền lực. Bộ luật tạo điều kiện cho các thành tố của hệ thống liên lạc với nhau, tạo điều kiện cho những thành tố này đánh bóng mình và thiết lập tính chính danh của mình. Nó cung cấp luật chơi và những người điều hành-công nghệ cho toàn bộ cuộc chơi. Có thể tưởng tượng được việc thực thi quyền lực hậu toàn trị mà không có cái nghi thức chung cho tất cả mọi người, cái nghi thức có thể biến mọi thứ thành hiện thực đồng thời lại là ngôn ngữ chung nhằm liên kết tất cả các bộ phân liên quan của cơ cấu quyền lực lại với nhau hay không? Bộ máy đàn áp càng chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu quyền lực, thì nó càng phải vận hành theo một bộ luật nào đó. Nếu không thế, nếu không có quan tòa, không có công tố viên, không có điều tra viên, không có luật sư biện hộ, không có người ghi tốc kí cho tòa án, không có những chồng hồ sơ dày cộp và nếu tất cả những thứ đó không được sắp xếp một cách qui củ thì làm sao có thể dễ dàng và kín đáo ngăn chặn được người ta sao chép các tác phẩm bị cấm đoán. Và quan trọng nhất là nếu không có điều khoản có vẻ lương thiện, tức là điều 100 nói về tội kích động? Tất nhiên là có thể làm tất cả những việc này mà không cần tới luật pháp và những thủ tục đi kèm với nó, nhưng điều đó chỉ có thể diễn ra trong những chế độ độc tài sớm nở tối tàn của các băng nhóm ở Uganda, chứ không thể diễn ra trong một hệ thống bao trùm lên phần to lớn đến như thế của nhân loại văn minh, và cũng là một phần không thể tách rời, ổn định và đáng trọng nể của thế giới hiện đại. Đấy không những là điều không tưởng tượng nổi, mà còn đơn giản là bất khả thi về mặt kĩ thuật nữa. Thiếu các đạo luật vận hành như là lực cố kết mang tính nghi thức thì hệ thống hậu toàn trị không thể nào tồn tại được.

Tất cả vai trò của nghi thức, mặt nạ, và biện hộ đều xuất hiện một cách hoành tráng nhất, nhưng dĩ nhiên là không phải ở những điều luật mang tính cấm đoán – tức là những điều luật nói rõ công dân không được làm gì và cơ sở buộc tội nằm ở đâu, mà ở những điều luật tuyên bố người ta được làm gì và quyền của họ nằm ở chỗ nào. Ở đây, đúng là không có gì, chỉ toàn “nói, nói và nói” mà thôi. Nhưng đây cũng là phần rất quan trọng với hệ thống, bởi vì đây là chỗ hệ thống xác định tính chính danh của nó như là một chỉnh thể, trước các công dân của nó, trước những đứa trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, trước cộng đồng quốc tế và trước lịch sử. Hệ thống không thể coi thường chuyện đó vì nó không thể tự mình gây nghi ngờ đối với những định đề cơ bản cuả ý thức hệ của nó, mà ý thức hệ là điều quan trọng sống còn đối với nó. (Ta đã thấy cơ cấu quyền lực đã bị ý thức hệ và uy tín của ý thức hệ của nó bắt làm nô lệ như thế nào rồi). Làm như thế cũng có nghĩa là phủ nhận những thứ mà nó đang đại diện, và như vậy là tự mình chôn mìn vào chân cột cái mà hệ thống đang dựa vào: tính toàn vẹn của thế giới giả tạo.

Nếu việc thực thi quyền lực luân chuyển trong toàn bộ cơ cấu quyền lực như là máu chạy trong huyết quản, thì các bộ luật có thể được coi như chất gia cường cho thành huyết quản vậy. Thiếu nó, máu của quyền lực không thể tuần hoàn một cách có tổ chức và cơ thể xã hội sẽ bị xuất huyết lung tung. Trật tự sẽ sụp đổ.

Việc viện dẫn pháp luật một cách liên tục và không bao giờ dứt – không chỉ viện dẫn những bộ luật liên quan đến quyền con người, mà tất cả các bộ luật – hoàn toàn không có nghĩa là những người đang làm việc ấy đã chấp nhận ảo tưởng về giá trị của luật pháp trong hệ thống của chúng ta. Họ biết rõ vai trò mà nó đang đóng. Nhưng chính vì họ hiểu hệ thống phụ thuộc vào nó đến mức nào – phụ thuộc vào phiên bản “cao quý” của pháp luật, tức là – họ cũng biết việc viện dẫn như thế có ý nghĩa to lớn như thế nào. Vì hệ thống không thể vận hành mà không có luật pháp, bởi vì nó bị nhu cầu giả đò là luật pháp vẫn được tuân thủ trói chặt cả tứ chi, cho nên nó buộc phải phản ứng với những lời viện dẫn ấy theo một cách nào đó. Như vậy là, đòi hỏi rằng pháp luật phải được tôn trọng chính là một hành động của sống trong sự thật, đấy là mối đe dọa toàn bộ cơ cấu dối trá ở chính điểm dối trá nhất của nó. Một lần nữa và một lần nữa, những sự viện dẫn như vậy làm cho xã hội và những người sống trong cơ cấu quyền lực hiểu rõ rằng luật pháp chỉ là nghi thức thuần túy. Họ làm mọi người chú ý tới cốt lõi vật chất thực sự của nó, và như vậy là, một cách gián tiếp, họ buộc những người lẩn tránh sau luật pháp phải khẳng định và phải làm cho phương tiện biện hộ này, phương tiện giao tiếp này, chất gia cường động mạch xã hội này - thiếu nó, ý chí của họ sẽ không thể lưu chuyển trong xã hội - trở nên khả tín. Họ buộc phải làm thế vì chính lương tâm mình, vì muốn tạo ấn tượng đối với người ngoài, nhằm duy trì quyền lực của chính họ (với tư cách là một phần của của bộ máy tự bảo tồn của hệ thống và các nguyên tắc cố kết của nó), hoặc đơn giản vì họ sợ bị phê phán là không biết vận dụng nghi thức. Họ không còn lựa chọn nào khác: vì họ không thể vứt bỏ luật chơi của chính trò chơi do mình tạo ra, họ chỉ có thể cẩn thận hơn với những luật này mà thôi. Không phản ứng với những thách thức có nghĩa là làm xói mòn chính lời biện hộ của họ và có nghĩa là đánh mất quyền kiểm soát hệ thống thông tin có đi có lại của họ. Cho rằng luật pháp chỉ là mặt nạ, rằng nó chẳng giá trị gì và vì thế mà viện dẫn luật pháp là vô nghĩa sẽ có nghĩa là tiếp tục bồi đắp cho khía cạnh mặt nạ và nghi thức của luật pháp. Cũng có nghĩa là khẳng định rằng luật pháp là một khía cạnh của thế giới giả tạo và cho phép những kẻ lợi dụng nó thản nhiên dựa vào những hình thức biện minh rẻ mạt nhất (và vì thế mà cũng là giả dối nhất) của nó.

Tôi thường xuyên chứng kiến những viên cảnh sát, công tố viên hay quan tòa – nếu họ đang phải đương đầu với một người hoạt động trong phong trào Hiến chương dày dạn kinh nghiệm hay một luật sư dũng cảm, và nếu họ bị đưa ra trước công luận (như là các cá nhân với tên tuổi rõ ràng, không còn được bộ máy vô danh bao che nữa) – bỗng chốc trở nên rất cẩn thận và rất lo lắng để khỏi làm lộ ra những vết nứt của nghi thức. Điều này không thể thay đổi được sự thật là đằng sau nghi thức ấy là một quyền lực chuyên chế, nhưng chính sự lúng túng của các viên chức chắc chắn đã  điều chỉnh, đã tạo ra giới hạn và làm chậm lại sự vận hành của chế độ chuyên chế đó.

Tất nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Nhưng bản chất của thái độ “bất đồng chính kiến” là nó xuất phát từ đời sống của con người “bây giờ và ở đây”. Nó coi những hành động cụ thể, kiên quyết và lặp đi lặp lại – mặc dù có thể không thích hợp và mặc dù nó có thể chỉ làm giảm bớt chút ít đau khổ của một công dân bình thường nào đó – có giá trị hơn những giải pháp căn bản có tính trừu tượng trong tương lai chưa xác định. Dù sao chăng nữa, trên thực tế, đấy chẳng phải là một hình thức khác của làm “những việc nhỏ” theo tinh thần của Masarykia, tức là điều mà dường như mới nhìn thì ngược hẳn lại với thái độ “bất đồng chính kiến” hay sao?

Sẽ chưa đủ nếu không nhấn mạnh một số hạn chế nội tại của những cuộc cãi vã về ngôn từ. Vấn đề là: ngay cả trong trường hợp lí tưởng nhất, luật pháp cũng chỉ là một trong những phương cách đầy khiếm khuyết, và ít nhiều đều mang tính ngoại tại, để bảo vệ những mặt tốt hơn trong cuộc sống nhằm chống lại những mặt xấu hơn mà thôi. Tự nó, luật pháp không bao giờ có thể tạo nên một cái gì đó tốt hơn. Mục đích của nó là cung cấp dịch vụ, còn ý nghĩa của nó thì lại không nằm trong bản thân luật pháp. Xác lập sự tôn trọng luật pháp không tự động bảo đảm một đời sống tốt đẹp hơn, bởi vì nói cho cùng, đó là công việc dành cho con người, chứ không phải dành cho luật pháp hay các định chế. Có thể mường tượng ra một xã hội với những luật lệ tốt và được hoàn toàn tôn trọng mà vẫn không thể sống được trong đó. Ngược lại, có thể mường tượng là cuộc sống vẫn có thể chịu đựng được thậm chí ở cả những nơi mà luật pháp không hoàn thiện và không được thực thi thật nghiêm chỉnh. Quan trọng nhất vẫn luôn là chất lượng cuộc sống, và pháp luật hỗ trợ hay đè nén nó, chứ không chỉ đơn thuần nó được tôn trọng hay không. (Thường thì, phục tùng luật pháp nghiêm ngặt có thể gây ra các tác động bi thảm tới phẩm giá của con người). Điều quan trọng nhất để có một cuộc sống phong phú, hạnh phúc, nhân bản và được trân trọng hơn không nằm ở hiến pháp hay luật hình sự. Những văn bản đó chỉ quy định những điều được làm và những điều không được làm, và vì thế, chúng chỉ có thể làm cuộc sống dễ dàng hơn hay khó khăn hơn mà thôi. Những văn bản đó ngăn cấm hay cho phép, trừng phạt, khoan dung hay bảo vệ, nhưng không bao giờ có thể làm cho cuộc sống có giá trị và có ý nghĩa. Cuộc đấu tranh cho cái gọi là “tính hợp pháp” phải luôn đặt tính hợp pháp này trong khung cảnh của cuộc sống như nó vốn là. Nếu không thực sự muốn quan sát tất cả những biểu hiện tốt đẹp cũng như xấu xa của cuộc sống, và nếu không có mối liên hệ đạo đức với cuộc sống, thì không trước thì sau cuộc đấu tranh ấy cũng mắc cạn trên vũng bùn của chủ nghĩa kinh viện mà thôi. Dù không muốn, nhưng người ta sẽ dần trở trở thành người quan sát bên ngoài, tức là người nhận xét về hệ thống của chúng ta mà chỉ dựa trên những tài liệu của tòa án và lấy làm hài lòng nếu tất cả các quy định phù hợp đều được tuân thủ.

XVIII.

Nếu như công việc chính của các “phong trào bất đồng chính kiến” là phụng sự sự thật, tức là, phụng sự những mục tiêu chân chính của cuộc đời, và nếu nó nhất định phải phát triển thành phong trào bảo vệ cá nhân và quyền được sống cuộc đời tự do và chân thực của anh ta (có nghĩa là bảo vệ các quyền con người và đấu tranh để buộc người ta tôn trọng pháp luật) thì cách tiếp cận này phải có một giai đoạn tiếp theo, có thể là giai đoạn trưởng thành nhất cho đến nay, tức là giai đoạn mà Václav Benda gọi là tạo ra những “cơ cấu song hành”.

Khi những người quyết định sống trong sự thật đã bị tước đoạt, không có cơ hội tác động trực tiếp lên các cơ cấu xã hội hiện hữu, chứ chưa nói đến cơ hội tham gia vào những cơ cấu đó, và khi những người này bắt đầu tạo ra cái mà tôi gọi là cuộc sống tự chủ của xã hội, thì cuộc sống tự chủ này bắt đầu tự tổ chức theo một phương pháp nhất định. Đôi khi đấy chỉ là một vài biểu hiện mang tính phôi thai của quá trình tổ chức; nhưng cũng có khi đấy lại là những cơ cấu đã phát triển khá hoàn thiện rồi. Sự ra đời và tiến hóa của những cơ cấu này có liên hệ mật thiết với hiện tượng “bất đồng chính kiến”, mặc dù chúng bao trùm một lĩnh vực rộng rãi hơn nhiều lần lĩnh vực hoạt động được thuật ngữ này xác định một cách tùy tiện.

Những cơ cấu này là gì? Ivan Jirous là người đầu tiên ở Tiệp Khắc phát biểu một cách có hệ thống và áp dụng trên thực tế khái niệm “nền văn hóa thứ hai”. Mặc dù lúc đầu ông quan tâm chủ yếu đến nhạc rock bất phục tùng và một vài sự kiện văn học, nghệ thuật hay trình diễn gần gũi với cảm nhận của những nhóm nhạc bất phục tùng này, thuật ngữ “nền văn hóa thứ hai” đã nhanh chóng được áp dụng cho toàn bộ mảng văn hóa độc lập và bị đè nén, nghĩa là, được áp dụng không chỉ cho nghệ thuật và những trào lưu đa dạng của nó, mà còn được áp dụng cho cả những ngành ngành khoa học xã hội, nhân văn và tư duy triết học nữa. “Nền văn hóa thứ hai” này, rất tự nhiên, đã tạo ra những hình thức tổ chức giản đơn: các bản samizdat của những cuốn sách và tạp chí, những buổi trình diễn, hội thảo, hòa nhạc, triển lãm tư nhân.v.v. (ở Ba Lan tất cả những thứ này đều phát triển mạnh hơn rất nhiều: họ có các nhà xuất bản độc lập và tạp chí ra định kì, thậm có cả các chí tạp chí chính trị nữa; ngoài cách đánh máy, họ còn có những phương tiện nhân bản khác nữa.v.v... Ở Liên Xô, samizdat có truyền thống lâu đời hơn và rõ ràng là hình thức của nó cũng khác). Vì vậy mà văn học là môi trường mà ta có thể thấy những hình thức phát triển nhất của “cơ cấu song hành”. Tất nhiên là Benda cũng đã nghĩ đến những hình thức tiềm ẩn hay còn sơ khai của cơ cấu trong những lĩnh vực khác nữa: từ hệ thống thông tin song hành đến những hình thức giáo dục song hành (đại học tư thục), công đoàn song hành, quan hệ quốc tế song hành, đến một nền kinh tế song hành giả định. Trên cơ sở những cơ cấu trúc song hành này, ông phát triển khái niệm về “polis[1] song hành” hay nhà nước song hành, hay, như ông thấy những mầm mống của một polis như thế trong những cấu trúc này.

Đến một giai đoạn phát triển nhất định, đời sống độc lập của xã hội và các phong trào bất đồng chính kiến sẽ không thể không được tổ chức và thể chế hóa ở một mức độ nhất định. Đấy là sự phát triển tự nhiên và nếu đời sống độc lập của xã hội không bị đàn áp tàn bạo và không bị xóa bỏ tận gốc rễ, thì xu hướng này sẽ mạnh dần lên. Cùng với nó, đời sống chính trị song hành nhất định cũng sẽ hình thành, và ở mức độ nào đó, đời sống chính trị song hành cũng đã hiện diện ở Tiệp Khắc rồi. Nhiều nhóm có bản chất chính trị, ít nhiều khác nhau, sẽ tiếp tục xác định lập trường chính trị của họ, sẽ hành động và chống đối lẫn với nhau.

Có thể nói rằng, cho đến nay, những cơ cấu song hành này là biểu hiện cụ thể nhất của “sống trong sự thật”. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà các “phong trào bất đồng chính kiến” đặt ra cho mình là ủng hộ và phát triển những cơ cấu này. Một lần nữa, điều này khẳng định sự kiện là tất cả những cố gắng của xã hội nhằm chống lại sức ép từ hệ thống phải bắt đầu từ khu vực “tiền-chính trị”. Bởi vì những cơ cấu song hành chính là không gian mà người ta có thể sống một cuộc sống khác, cuộc sống hòa hợp với những mục tiêu của nó, và đến lượt mình, nó lại tự tổ chức để hài hòa với những mục tiêu ấy. Những nỗ lực ban đầu của xã hội nhằm tự tổ chức chính là cố gắng của một bộ phận xã hội nhắm sống – với tư cách là xã hội – trong sự thật, nhằm giải thoát mình khỏi những yếu tố tự duy trì của chủ nghĩa toàn trị, và vì thế, giải thoát triệt để bản thân nó khỏi sự dính líu trong hệ thống hậu toàn trị. Nó chính là nỗ lực bất bạo động của nhân dân nhằm phủ nhận hệ thống ngay trong chính bản thân mình và xây dựng đời sống của họ trên một nền tảng mới, nền tảng của bản sắc chân thật của chính họ. Và xu hướng này khẳng định một lần nữa nguyên tắc tập trung chú ý vào từng cá nhân cụ thể. Nói cho cùng, cơ cấu song hành không xuất phát a priori (theo cách suy diễn) từ một tầm nhìn lí thuyết về thay đổi hệ thống (không có những giáo phái chính trị nào ở đây), mà xuất phát từ những mục đích của cuộc đời và từ nhu cầu chân chính của những con người thật sự. Trên thực tế, mọi thay đổi cuối cùng là thay đổi trong hệ thống, những thay đổi mà ta có thể quan sát thấy ở đây là những hình thức thô sơ, đã de facto (trên thực tế) có xuất xứ từ “bên dưới”, bởi vì cuộc đời buộc chúng phải thế, chứ không phải vì chúng đi trước cuộc sống và điều khiển nó hay ép nó phải thực hiện một số thay đổi nào đó ngay trong bản thân mình.


Kinh nghiệm lịch sử dạy ta rằng bất kì điểm xuất phát thực sự có ý nghĩa nào trong đời một con người cũng thường có yếu tố chung cho tất cả mọi người. Nói cách khác, đó không phải là một cái gì đó có tính cục bộ, chỉ có dành cho một cộng đồng giới hạn nào đó, và không thể chuyển giao cho những người khác. Ngược lại, nó phải có khả năng đến với tất cả mọi người; nó phải báo hiệu một giải pháp chung, và do vậy, nó không chỉ là sự thể hiện trách nhiệm rụt rè và thu gọn trong một cá nhân, tức là trách nhiệm mà cá nhân buộc phải làm và chỉ làm cho riêng mình, mà còn là trách nhiệm với thế giới nữa. Do đó, thật sai lầm nếu hiểu cấu trúc song hành và thành bang song hành như là sự rút lui vào các ghetto (ghetto là khu vực dành riêng cho người Do Thái, có nghĩa là cách li khỏi xã hội – ND) và tự cô lập, chỉ đại diện cho phúc lợi của những người đã chọn cách hành động như thế, và là những người bàng quan với số phận những người còn lại. Nói ngắn, sẽ sai lầm nếu coi đó về cơ bản chỉ là một giải pháp của một nhóm người, hoàn toàn không liên quan gì tới hoàn cảnh chung. Quan niệm như thế, ngay từ đầu, đã làm cho ý tưởng về sống trong sự thật xa rời điểm xuất phát đúng đắn của nó là quan tâm đến những người khác và cuối cùng, biến nó thành một phiên bản rắc rối hơn của “sống trong dối trá”. Dĩ nhiên là nếu làm như thế thì nó không còn là điểm xuất phát chân chính cho các cá nhân và các nhóm nữa, và sẽ làm người ta nhớ đến quan niệm sai lầm về những “người bất đồng chính kiến”: một nhóm người tách biệt, với những quyền lợi của riêng họ, nhóm người này đang thực hiện những cuộc đối thoại riêng với chính quyền. Dù sao mặc lòng, ngay cả những hình thức phát triển nhất của đời sống trong cấu trúc song hành, thậm chí những hình thức chín muồi nhất của thành bang song hành cũng chỉ có thể tồn tại – ít nhất là trong hoàn cảnh hậu toàn trị – khi mà cá nhân đồng thời sống trong cơ cấu “thứ nhất”, tức là cơ cấu chính thức, với hàng ngàn mối quan hệ khác nhau, thậm chí đấy có thể chỉ đơn giản là người ta mua những thứ cần thiết trong những cửa hàng của nó, dùng tiền của nó và phục tùng luật lệ của nó. Đương nhiên là người ta có thể tưởng tượng cuộc sống với những mặt “cơ bản hơn” bừng nở trong thành bang song hành; nhưng một cuộc sống như thế, tức là cố ý sống theo cách ấy, sống theo một chương trình có sẵn, cũng chỉ là một phiên bản khác của sống “trong dối trá” theo lối tâm thần phân liệt mà mọi người khác đều phải sống, bằng cách này hay cách khác mà thôi.  Nó là một bằng chứng nữa cho thấy rằng nếu điểm xuất phát không phải là một giải pháp mang tính mẫu mực, có thể áp dụng cho những người khác, thì cũng chẳng có ý nghĩa với cá nhân đó. Patočka thường nói rằng điều thú vị nhất là chúng ta mang theo trách nhiệm đến khắp mọi nơi. Có nghĩa là trách nhiệm là của chúng ta, chúng ta phải chấp nhận nó và giật lấy nó ở đây, bây giờ, ở ngay tại đây, trong thời gian và không gian mà Thượng đế đã đặt chúng ta vào, và chúng ta không thể tìm cách quanh co trốn tránh bằng cách chuyển tới chỗ khác, dù đấy có là thánh địa ở Ấn Độ hay hay thành bang song hành thì cũng thế mà thôi. Nếu các thanh niên phương Tây thường phát hiện ra rằng sống trong nhà tu Ấn Giáo không phải là một giải pháp cho cá nhân hay cho một nhóm người, rõ ràng là như thế vì và chỉ vì là nó không thể là giải pháp chung cho tất cả mọi người, vì không phải ai cũng có thể vào sống trong thánh đường Ấn Giáo. Thiên chúa giáo là một ví dụ về một lối thoát ngược lại: nó là điểm xuất phát cho tôi tại đây và lúc này – vì đấy là con đường phù hợp cho mọi người, ở mọi nơi và mọi lúc.

Nói cách khác, thành bang song hành chỉ cho ta viễn cảnh và chỉ có ý nghĩa nếu đấy là hành động nhằm tăng cường thêm trách nhiệm của mình với tất cả và vì tất cả, như là phương pháp tìm kiếm những điều kiện thực hiện trách nhiệm ấy, chứ không phải trốn tránh trách nhiệm.
Nguồn: Václav Havel et al., The Power of the Powerless: Citizens against the State in Central Eastern Europe, trans. Paul Wilson, M.E. Sharpe, Inc. Armonk, New York, pp 23-96.

Nguồn: Power of Powerless.
Có tham khảo bản dịch của Khải Minh tại địa chỉ  talawas.org
và bản dịch tiếng Nga tại địa chỉ: http://www.inliberty.ru/library/classic/3492/



[1] Polis nguyên nghĩa là thành bang Hy Lạp thời cổ đại - PNT.

No comments:

Post a Comment