April 1, 2012

M. A. Bastenier (El Pais, Tây Ban Nha) - Cuba: Chế độ đến hồi cáo chung?

Phạm Nguyên Trường dịch

Chuyến thăm Cuba của Giáo hoàng Benedict XVI cung cấp cho người ta cơ sở để đưa ra nhiều dự đoán, nhưng tất cả các dự đoán đó đều có chung một điểm: Vatican ủng hộ công cuộc cải cách do Raul Castro khởi xướng, một cuộc cải cách hạn chế về mặt chính trị, nhưng về mặt kinh tế thì đã làm thay đổi đáng kể đời sống trên hòn đảo kể từ khi John Paul II đến thăm nơi này vào năm 1998. Tính từ năm 2010, ở Cuba đã có 300 ngàn doanh nhân đăng kí hành nghề. Kế hoạch, được trình bày vào tháng 11 năm 2010, đề xuất giữ nguyên chế độ hiện nay, nhưng không còn anh em Castro nữa, trong đó nền kinh tế sẽ đi theo mô hình hỗn hợp, theo kiểu Trung Quốc. Đảng cộng sản cũng không còn quản lí mọi công việc quốc gia bằng bàn tay sắt nữa. Người đứng đầu nhà nước không được giữ chức quá hai nhiệm kì. Những vấn đề nóng bỏng nhất sẽ được đem ra thảo luận. Các nhà hoạt động xã hội sẽ được độc lập, đấy sẽ là thành tố có tính quan trọng sống còn. Nói ngắn, cải tổ theo kiểu Cuba. Nhưng những người có tư tưởng tự do của chế độ công nhận rằng không ai biết con đường phát triển như thế cuối cùng sẽ dẫn đến đâu. Để không làm đội cận vệ già lo lắng, ở Cuba người ta dùng từ “đổi mới” thay cho “cải tổ”. Người ta cũng cho rằng những người kế nhiệm anh em Castro khó mà có được tính chính danh và quyền lực cần thiết, đủ sức kiểm soát tiến trình này. Một số người trên hòn đảo này đã dùng thuật ngữ “nền dân chủ hội ý” – tức là phi tập trung hóa triệt để - để nói về những sự việc đang diễn ra ở đây.


Vatican – quan tâm trước hết đến hoạt động truyền giáo – đang tìm cách lôi kéo Cuba và cả Mĩ Latin về phía mình vì Đạo Tin lành hoạt động rất mạnh trong khu vực này. Trong khi đó, người theo Thiên chúa giáo chiếm tới 35% dân số (trong 1,2 tỉ người, theo điều tra của chính Nhà thờ). Lần đầu tiên trong vòng năm mươi năm qua chủng viện mang tên Thánh Carlos và Thánh Ambrosia được xây dựng gần Havana là một trong những nỗ lực như thế. Người ta còn nói đến việc Giáo hoàng sẽ phong thánh cho Félix Varela, một trong những con chim đầu đàn của nền tự do của hòn đảo, một người bảo hoàng, từng ủng hộ vua Fernando VII và đã chết như một người ủng hộ không khoan nhượng cho nền độc lập của Cuba ngay tại ngưỡng cửa của một nhà thờ ở Mĩ (ông phải lưu vong sang đó) hồi giữa thế kỉ XIX. Giáo hoàng Benedict II sẽ không gặp những người bất đồng chính kiến, Ngài cũng sẽ không trả lời bức thư, kêu gọi Ngài không nên dùng chuyến thăm của mình để ủng hộ chế độ độc tài, do 750 người đấu tranh cho nhân quyền kí. Ban lãnh đạo Nhà thờ Cuba không lên án cái chết của Orlando Zapata, xảy ra vào năm 2010, sau một cuộc tuyệt thực kéo dài, còn vào tháng 2 năm nay thì chính Tổng giám mục Havana, Jaime Ortega, nói rằng cải tổ “đang có bước đi thành công”. Đáp lại, mà cũng có thể là không, Nhà thờ - cùng với những người xã hội Tây Ban Nha đã buộc chính phủ phải thả 115 chính trị phạm.


Không phải vô tình mà Giáo hoàng La Mã đến thăm đảo quốc này sau khi kế hoạch cải tổ được thông qua cũng như sau khi Raul Castro kế nhiệm Fidel và trở thành chủ tịch tại đại hội VI Đảng cộng sản Cuba (tháng 4 năm 2011). Một nước nữa muốn dùng những chuyến viếng thăm chính thức và những lời tuyên bố có cân nhắc về sự độc lập với Washington nhằm đưa Cuba hậu-Castro phát triển theo hướng vừa nói, đấy là Brazil.



Chính Fidel, bằng cách xuất bản trong vòng sáu năm qua bốn tác phẩm: Tiểu sử bằng hai giọng nói, viết chung với nhà báo Ignacio Ramonet, người Tây Ban Nha (2006), Tiến công chiến lượcThắng lợi chiến lược (2010)  và Người du kích của thời đại (sẽ xuất bản trong năm nay), đã tạo ra bầu không khi cho giai đoạn cáo chung của chế độ. Bản di chúc này chính là lịch sử của đất nước được trình bày dưới dạng tiểu sử của người thành lập nó. Nhưng việc thực hiện kế hoạch tương đối cởi mở này cũng có không ít khó khăn.



Sức khỏe của Hugo Chavez, tổng thống Venezuela, người cung cấp cho Cuba dầu hỏa với giá rẻ và khả năng ông ta thất bại trong cuộc bầu cử vào tháng 10 tới có thể có ảnh hưởng rất tiêu cực đối với quá trình dân chủ hóa, bởi vì dân chủ hóa phải đi kèm với thắng lợi về kinh tế thì mới được mọi người ủng hộ. Và cuối cùng, không được quên hai nhóm có tư tưởng cấp tiến muốn cho quá trình này thất bại. Đấy là những người Cuba lưu vong sống ở Miami, những người không muốn nghe nói đến bất kì công cuộc cải tổ nào, họ muốn chế độ sẽ cáo chung khi người em cuối cùng của dòng họ Castro chết. Nhóm thứ hai là những người đang giữ những vị trí nhất định ở Cuba, họ sợ rằng khi chế độ có những người cầm quyền xứng đáng thì họ sẽ mất đặc quyền đặc lợi vì đã ủng hộ chế độ hiện hành.


Nguồn: dịch qua bản tiếng Nga tại địa chỉ:

1 comment:

  1. Theo tác giả M. A. Bastenier :

    "Một nước nữa muốn dùng những chuyến viếng thăm chính thức và những lời tuyên bố có cân nhắc về sự độc lập với Washington nhằm đưa Cuba hậu-Castro phát triển theo hướng vừa nói, đấy là Brazil."

    Như vậy có thể hiểu tại sao Brazil từ chối không tiếp đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau khi đồng chí tổng bí thư dõng dạc tiên đóan về sự qua đời tất yếu của CNTB tại Cu ba.

    Đúng là "Thần khẩu hại xác phàm!"

    ReplyDelete