April 2, 2012

Václav Havel - Sức mạnh của thảo dân (Kì 1)


Phạm Nguyên Trường dịch

Bản dịch được thực hiện nhân giỗ bách nhật Václav Havel


I.

Một bóng ma đang săn đuổi Đông Âu, bóng ma của cái mà phương Tây gọi là "bất đồng chính kiến". Bóng ma ấy không xuất hiện từ hư vô. Nó là kết quả tự nhiên và tất yếu của giai đoạn lịch sử hiện tại của cái hệ thống mà nó đang săn đuổi. Nó được sinh ra vào thời điểm mà hệ thống ấy, vì hàng ngàn lý do, đã không thể dựa vào quyền lực độc đoán, tàn bạo và trắng trợn, nhằm tiêu diệt mọi biểu hiện bất phục tùng được nữa. Hơn thế nữa, hệ thống đó đã xơ cứng về mặt chính trị đến mức hầu như không cho phép sự bất phục tùng như thế hiện diện trong những cơ cấu hợp pháp của nó.

Những người được gọi là "bất đồng chính kiến" ấy là ai? Quan điểm của họ xuất phát từ đâu, và có tầm quan trọng tới mức nào? Ý nghĩa của những "sáng kiến độc lập" liên kết những "người bất đồng chính kiến" là gì và cơ hội thành công thực sự của những sáng kiến ấy là như thế nào? Coi những "người bất đồng chính kiến" là phong trào đối lập có phù hợp không? Nếu có, thì trong cái khuôn khổ của hệ thống này, phong trào đối lập ấy chính xác nghĩa là gì? Nó làm gì? Nó có vai trò gì trong xã hội? Nó hi vọng vào cái gì và dựa vào cái gì để hi vọng? Liệu những người bất đồng chính kiến - với tư cách là một nhóm công dân hạng hai nằm ngoài cơ cấu quyền lực - có bất kì ảnh hưởng nào đối với xã hội và hệ thống xã hội hay không? Liệu họ có thực sự thay đổi được gì không?


Tôi nghĩ rằng việc khảo sát những câu hỏi này - một cuộc khảo sát về tiềm lực của "thảo  dân[1]" - chỉ có thể được bắt đầu bằng việc khảo sát bản chất của quyền lực trong những hoàn cảnh mà những “thảo  dân” này đang hoạt động.


II.

Hệ thống của chúng ta thường hay được mô tả như là chế độ chuyên chính, hay chính xác hơn, là chế độ chuyên chính của bộ máy quan liêu chính trị đối với xã hội đã trải qua quá trình cào bằng về kinh tế và xã hội. Tôi sợ rằng khái niệm "chuyên chính", dù có dễ hiểu đến mức nào trong những ngữ cảnh khác, có xu hướng làm lu mờ chứ không làm sáng tỏ bản chất thực sự của quyền lực trong hệ thống này. Chúng ta thường liên kết thuật ngữ này với khái niệm về một nhóm nhỏ những kẻ cướp chính quyền của một nước bằng bạo lực; quyền lực của họ được sử dụng một cách công khai, bằng cách dùng những công cụ trực tiếp của quyền lực mà họ nắm trong tay; và về mặt xã hội, có thể phân biệt dễ dàng họ với đa số mà họ đang thống trị. Một trong những khía cạnh cơ bản của khái niệm mang tính truyền thống hay cổ điển về chuyên chính là giả định rằng nó là nhất thời, tạm bợ và không có gốc gác lịch sử. Sự tồn tại của nó dường như gắn liền với cuộc đời của những kẻ tạo dựng nên nó. Quy mô và tầm quan trọng của nó thường chỉ có giới hạn trong một địa phương nào đó, và cho dù nó có sử dụng ý thức hệ để bảo đảm cho mình tính chính danh thì nói cho cùng, quyền lực của nó vẫn chỉ là quân số và số vũ khí trang bị cho binh lính và cảnh sát mà thôi. Nó cho rằng mối đe dọa chủ yếu đối với sự tồn tại của mình là có khả năng một người nào đó được trang bị tốt hơn sẽ xuất hiện và lật đổ nó.

Tôi nghĩ rằng chỉ cần nhìn qua cũng thấy là hệ thống mà chúng ta đang sống có rất ít điểm chung với chế độ chuyên chính cổ điển. Trước hết, hệ thống của chúng ta không hạn chế theo nghĩa địa phương, địa lí; không những thế, nó nắm quyền sinh sát trong một khối quyền lực khổng lồ do một trong hai siêu cường kiểm soát. Và mặc dù, đương nhiên là nó có một số thay đổi nhất định cho phù hợp với khu vực và lịch sử, nhưng những thay đổi này về cơ bản được giới hạn trong một khuôn khổ thống nhất và duy nhất trong toàn khối. Không những chế độ chuyên chế này ở đâu cũng dựa trên cùng một nguyên lí và được xây dựng theo cùng một cách (nghĩa là theo cách mà siêu cường thống trị đã tạo ra), mà từng nước đều đã và đang bị một mạng lưới những công cụ thao túng, điều khiển từ trung tâm siêu cường thâm nhập, và hoàn toàn phụ thuộc vào lợi ích của siêu cường ấy. Trong cái thế giới bị sự cân bằng hạt nhân dồn vào thế bí này, dĩ nhiên, bề ngoài, tình trạng này tạo cho hệ thống một độ an toàn chưa từng có, đấy là nói so với những chế độ chuyên chế cổ điển. Nhiều cuộc khủng hoảng có tính khu vực - nếu xảy ra trong một quốc gia cô lập có thể dẫn tới thay đổi cả hệ thống - có thể được giải quyết nhờ sự can thiệp trực tiếp bằng quân sự của những nước còn lại trong khối.

Thứ hai, nếu như đặc điểm của các chế độ chuyên chính cổ điển là sự thiếu gốc gác lịch sử (thường thì chúng chỉ là những quái thai của lịch sử, một kết quả tình cờ từ những quá trình xã hội ngẫu nhiên hay kết quả của những khuynh hướng của đám đông mà thôi), thì không thể kết luận một cách vội vã như thế với hệ thống của chúng ta. Vì, mặc dù chế độ chuyên chính của chúng ta đã hoàn toàn quay lưng lại với các phong trào xã hội tiền thân của nó từ lâu rồi, nhưng sự chân thực của các phong trào này (tôi đang nghĩ đến các phong trào công nhân và xã hội chủ nghĩa thế kỉ XIX) đã tạo cho nó một nền tảng lịch sử không thể chối cãi. Đây là nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng cho đến khi nó trở thành một thực tế chính trị và xã hội hoàn toàn mới như ngày hôm nay, thực thể đó đã là một phần không thể tách rời của thế giới hiện đại. Một trong những đặc điểm của những gốc gác lịch sử này là nhận thức “đúng đắn” về các xung đột xã hội trong giai đoạn mà những phong trào vốn là cội nguồn của nó xuất hiện. Nhưng, sự kiện là trong cốt lõi của nhận thức “đúng đắn” đó đã có sẵn một khuynh hướng tất yếu sẽ dẫn tới sự quay lưng lại một cách quái dị như vừa nói bên trên, một sự quay lưng đặc trưng cho sự phát triển tiếp theo của nó, nhưng đấy không phải là điều quan trọng đáng nói ở đây. Dù sao mặc lòng, thành tố này đã phát triển một cách hữu cơ từ môi trường của thời đại và do vậy cũng có thể được xem là có gốc gác ở đấy.

Một di sản của “nhận thức đúng đắn” nguyên thuỷ ấy là đặc trưng thứ ba, tức lá cái đã khiến cho hệ thống của chúng ta khác với các chế độ chuyên chính hiện đại khác: nó điều hành một ý thức hệ nghiêm ngặt không gì bằng, đây là ý thức hệ được xây dựng một cách duy lí, nói chung là dễ hiểu và chủ yếu là cực kì mềm dẻo, sự tỉ mỉ và trọn vẹn của nó làm cho ý thức hệ này trở thành gần như một tôn giáo nhập thế vậy. Nó cung cấp cho người ta đáp án sẵn có cho mọi câu hỏi; nó đòi hỏi chấp nhận toàn bộ chứ không thể từng phần, mà chấp nhận thì sẽ có những hệ quả vô cùng sâu sắc với đời sống của con người. Trong một kỉ nguyên mà sự chắc chắn hiện sinh và mang tính siêu hình đang lâm vào tình trạng khủng hoảng, khi con người đã bị mất gốc và tha hóa, và đang đánh mất dần nhận thức về ý nghĩa của thế giới này thì hệ tư tưởng đó chắc chắn là có sức mê hoặc nhất định. Nó hứa với những người đang lang thang bất định một mái nhà sẵn sàng ngay lập tức: chỉ cần chấp nhận nó là xong và đột nhiên mọi thứ một lần nữa lại trở nên rõ ràng, cuộc đời bỗng có một ý nghĩa mới, và mọi điều huyền bí, mọi câu hỏi còn bỏ ngỏ, mọi sự phân vân và cô đơn đều biến mất. Nhưng dĩ nhiên là người ta phải trả giá đắt cho căn nhà thuê giá rẻ này: giá phải trả là từ bỏ tư duy duy lý, từ bỏ lương tâm và trách nhiệm, vì đặc điểm quan trọng nhất của ý thức hệ này là giao phó toàn bộ suy nghĩ và lương tâm cho cấp trên. Nguyên tắc ở đây là trung tâm của quyền lực đồng nghĩa với trung tâm của chân lý. (Trong trường hợp của chúng ta, mối quan hệ với chính trị thần quyền Byzantine là trực tiếp: quyền lực thế tục tối cao trùng hợp với quyền lực tinh thần tối cao). Nhưng hiển nhiên là, nếu để tất cả những điều này sang một bên, ý thức hệ đã không còn có ảnh hưởng lớn đối với dân chúng, ít nhất là trong khối chúng ta (có thể với một ngoại lệ là nước Nga - nơi mà đầu óc nô lệ, với sự sùng bái mù quáng, mang tính định mệnh đối với những kẻ cai trị và sự chấp nhận một cách tự động mọi lời tuyên bố của họ - ý thức hệ vẫn còn giữ thế thượng phong và được kết hợp với chủ nghĩa yêu nước bá quyền, tức là cái chủ nghiã yêu nước vốn có truyền thống đặt quyền lợi của đế chế cao hơn quyền lợi của con người). Nhưng điều này cũng không quan trọng, bởi vì trong hệ thống của chúng ta ý thức hệ - do đặc điểm của nó - đã làm rất tốt vai trò của mình (tôi sẽ trở lại vấn đề này sau).

Thứ tư, việc thực thi quyền lực trong các nền chuyên chính cổ điển bao gồm một yếu tố cần thiết là sự ứng biến. Các cơ chế thực thi quyền lực phần lớn đều không được xác lập một cách chặt chẽ, và bao giờ cũng có phạm vi đáng kể để cho người ta có thể sử dụng quyền lực một cách ngẫu nhiên, độc đoán và chẳng theo luật lệ nào. Vẫn còn tồn tại những điều kiện nhất định về mặt vật chất, tâm lí và xã hội để có thể thể hiện sự phản kháng. Nói ngắn, vẫn còn nhiều vết tích trên bề mặt có thể làm cho nó vỡ ra thành từng mảnh trước khi cơ cấu quyền lực thiết lập được sự ổn định.  Hệ thống của chúng ta đã trải qua con đường phát triển kéo dài sáu mươi năm ở Liên Xô và gần ba mươi năm ở Đông Âu, hơn nữa, một số đặc điểm cơ cấu lâu đời nhất của nó lại có xuất xứ từ chế độ chuyên chế thời Sa hoàng nữa. Trên khía cạnh vật chất của quyền lực, điều này đã dẫn tới việc là các cơ chế được xây dựng hoàn bị và tinh tế để phục vụ cho nhiệm vụ thao túng toàn bộ công chúng một cách trực tiếp và gián tiếp, mà với tư cách là nền tảng quyền lực vật chất, nó đại diện cho một cái gì đó rất mới. Cùng lúc đó, xin chớ quên rằng hệ thống này càng đặc biệt hiệu quả hơn nhờ quyền sở hữu nhà nước và quản lí từ trung ương mọi tư liệu sản xuất. Điều này tạo cho cơ cấu quyền lực một khả năng chưa từng có và không thể kiểm soát nổi trong việc đầu tư cho chính nó (thí dụ như bộ máy hành chính quan liêu và cảnh sát) và tạo thuận lợi cho cơ cấu này - trong vai người sự dụng lao động duy nhất – trong việc điều khiển cuộc sống hàng ngày của mọi công dân.

Cuối cùng, nếu như một bầu không khí ngập tràn nhiệt tình cách mạng, chủ nghĩa anh hùng và bạo lực thẳng tay trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống đã từng là biểu tượng của chế độ độc tài cổ điển, thì những vết tích cuối cùng của một bầu không khí như thế đã biến mất khỏi khối Xô viết. Vì hiện nay khối này không còn là một ốc đảo, bị cô lập khỏi thế giới phát triển và được miễn nhiễm khỏi những tiến trình diễn ra trong đó. Ngược lại, khối Xô viết đã là một phần không thể tách rời của một thế giới rộng lớn hơn, nó chia sẻ và định hình số phận của thế giới. Nói một cách cụ thể, điều này có nghĩa là trật tự của các giá trị trong các nước phát triển phương Tây, thực chất là đã xuất hiện trong xã hội chúng ta (thời gian dài cùng tồn tại với phương Tây chỉ thúc đẩy nhanh tiến trình này mà thôi). Nói cách khác, cái mà chúng ta đang có ở đây chỉ là một dạng khác của xã hội tiêu thụ và xã hội công nghiệp, với tất cả những hậu quả tâm lý, tri thức và xã hội kèm theo. Không tính đến điều này thì sẽ không thể hiểu nổi bản chất của quyền lực trong hệ thống của chúng ta. 

Sự khác biệt cơ bản giữa hệ thống của chúng ta – trên phương diện bản chất của quyền lực – với cái chúng ta vẫn thường hiểu là chế độ chuyên chính, sự khác biệt mà tôi hi vọng là đã rất rõ ràng dù chỉ so sánh một cách rất phiến diện như thế, buộc tôi phải tìm thuật ngữ thích hợp cho hệ thống của chúng ta, hoàn toàn chỉ để phục vụ cho tiểu luận này. Nếu sau đây tôi gọi nó là hệ thống hậu-toàn trị, thì tôi hoàn toàn hiểu rằng đây có thể không phải là thuật ngữ chuẩn xác nhất, nhưng tôi không thể tìm ra một từ nào khả dĩ hơn. Tôi không định dùng tiền tố hậu (post-) để ám chỉ rằng hệ thống không còn là toàn trị nữa; ngược lại, tôi muốn nói rằng nó là toàn trị theo cách hoàn toàn khác với chế độ chuyên chính cổ điển, khác với chủ nghĩa toàn trị mà chúng ta vẫn thường hiểu.

Tuy nhiên, những bối cảnh mà tôi vừa đề cập chỉ tạo ra một tập hợp những yếu tố mang tính điều kiện, và một khuôn khổ mang tính hiện tượng cho cơ cấu quyền lực thực tế trong hệ thống hậu toàn trị, mà bây giờ tôi sẽ cố gắng làm rõ ở một số mặt.

III.

Người quản lý một cửa hàng rau quả đặt trong cửa sổ, bên cạnh những túm hành và cà-rốt, khẩu hiệu: "Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!". Tại sao anh ta lại làm như thế? Anh ta định nói gì với thế giới? Có đúng là anh ta thực lòng hào hứng với ý tưởng đoàn kết giữa những người vô sản trên thế giới? Lòng nhiệt thành của anh ta lớn đến mức anh ta cảm thấy phải giới thiệu ngay với công chúng lý tưởng này? Liệu anh ta đã thực sự dành một giây phút nào để nghĩ về cách thức thực hiện sự đoàn kết ấy hay ý nghĩa của nó là gì hay không?

Tôi nghĩ, ta có thể yên tâm mà giả định rằng tuyệt đại bộ phận những người quản lí cửa hàng không bao giờ nghĩ về khẩu hiệu họ đặt trong cửa sổ, cũng như họ chẳng bao giờ dùng nó để thể hiện quan điểm thực sự của mình. Cái khẩu hiệu đó, cũng như hành và cà-rốt, đều được cấp từ trụ sở doanh nghiệp. Anh ta xếp tất cả lên cửa sổ vì đã làm như vậy trong nhiều năm, vì mọi người đều làm như thế, và vì đó là việc phải làm. Nếu từ chối, anh ta có thể gặp rắc rối. Anh ta có thể bị phê bình vì không có vật trang trí thích hợp trong cửa sổ, thậm chí có người còn tố cáo anh là không trung thành nữa. Anh ta làm vậy bởi vì cần phải làm thế, nếu muốn yên thân. Đó là một trong hàng ngàn tiểu tiết đảm bảo cho anh ta một cuộc sống tương đối yên ổn trong sự "hòa hợp với xã hội", như họ vẫn thường nói.

Rõ ràng là, người bán hàng chẳng thèm để ý tới nội dung chữ nghĩa của khẩu hiệu được trưng ra, anh ta đặt khẩu hiệu ở cửa sổ không phải vì cá nhân anh ta muốn công chúng làm quen với lý tưởng mà nó kêu gọi. Nhưng dĩ nhiên là điều này không có nghĩa là hành động của của anh ta không hề có động cơ, hoặc chẳng có ý nghĩa gì, hoặc khẩu hiệu đó không truyền đạt tới ai thông tin nào hết. Khẩu hiệu đó chính là một tín hiệu, và vì thế, nó mang theo một thông điệp tinh vi, nhưng rất dứt khoát. Nói nôm na, nó là thế này: "Tôi, người bán rau quả XY, sống ở đây và tôi biết tôi phải làm gì. Tôi làm theo cách mà người ta muốn tôi làm. Tôi đáng tin và tôi tránh xa mọi rắc rối. Tôi phục tùng và vì thế, tôi có quyền được yên thân". Thông điệp này, tất nhiên có người nhận: nó được gửi lên trên, tới những người cao hơn anh bán rau, và đồng thời nó là lá chắn bảo vệ anh khỏi những tên chỉ điểm. Vì thế, ý nghĩa thực của khẩu hiệu bám rễ sâu vào đời sống của anh hàng rau. Nó phản ánh lợi ích sống còn của anh ta. Vậy lợi ích sống còn ấy là gì?
Xin hãy để ý: nếu người bán rau được hướng dẫn bày khẩu hiệu: “Tôi sợ và vì thế tôi phục tùng vô điều kiện”, anh ta sẽ phải để ý tới nội dung của nó, mặc dù tuyên bố ấy là đúng sự thật. Người bán rau sẽ cảm thấy bối rối và xấu hổ vì lời tuyên bố thẳng thừng về sự mất phẩm cách của anh ta trong cửa sổ cửa hàng, và cũng tự nhiên thôi, bởi anh là con người và vì thế mà có cảm nhận về phẩm giá của mình. Để vượt qua sự rắc rối này, lòng trung thành của anh phải được thể hiện dưới dạng một dấu hiệu - ít nhất là trên bề mặt từ ngữ - thể hiện một niềm tin bất vụ lợi. Nó phải cho phép người bán rau biện bạch: “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại thì có gì sai?” Vì thế mà dấu hiệu này giúp cho người bán rau che giấu cái nguyên nhân “hèn kém” của sự phục tùng của mình, và cùng lúc, che giấu nền tảng “hèn kém” của quyền lực. Nó giấu chúng sau bề mặt của một cái gì đó cao xa. Và cái gì đó ấy chính là ý thức hệ. 

Ý thức hệ là một hình thức giả tạo của những mối liên hệ với thế giới. Nó cung cấp cho người ta ảo tưởng về bản sắc, về phẩm giá, và đạo đức trong khi đó lại tạo điều kiện cho người ta dễ dàng từ bỏ chúng. Ý thức hệ - như là một kho chứa của một cái gì đó “siêu cá nhân” và khách quan - cho phép người ta đánh lừa nhận thức của mình, che giấu vị trí thực của mình và che dấu modus vivendi [lối sống] nhục nhã của mình, với cả với thế giới và với chính mình. Rất thực dụng, nhưng đồng thời, bề ngoài thì lại có vẻ như đề cao cách thức hợp pháp hóa cái gì trên, cái gì dưới và ở hai bên bên. Nó hướng tới con người và hướng tới Chúa Trời. Nó là bức màn, đằng sau nó người có thể che giấu cuộc sống bệ rạc, dung tục và tìm cách thích ứng với nguyên trạng của họ. Nó là lời biện bạch mà ai cũng có thể dùng, từ người bán rau quả, anh ta phải che giấu nỗi sợ hãi mất việc làm đằng sau mối quan tâm được trưng ra về tình đoàn kết của vô sản toàn thế giới, cho đến những quan chức cao nhất, việc họ muốn bám víu vào quyền lực lại được che đậy bằng những câu chữ nói về phục vụ giai cấp cần lao. Vì vậy mà chức năng biện bạch quan trọng của ý thức hệ là cung cấp cho người ta - cả nạn nhân lẫn những trụ cột của hệ thống hậu toàn trị - một ảo tưởng rằng hệ thống đang hòa hợp với trật tự của người và trật tự của Trời.

Chế độ chuyên chính càng nhỏ và xã hội bên dưới nó càng ít bị quá trình hiện đại hóa phân tầng thì ý chí của nhà độc tài càng được thực thi một cách trực tiếp. Nói cách khác, nhà độc tài có thể sử dụng biện pháp trừng trị với những mức độ trắng trợn khác nhau để tránh những hiện tượng phức tạp trong quan hệ với thế giới và để tự biện minh mà ý thức hệ đòi hỏi. Nhưng các cơ chế quyền lực ngày càng phức tạp hơn, và xã hội mà họ cai trị càng lớn và càng phân hóa hơn, các cơ chế này hoạt động càng lâu hơn, thì các cá nhân cũng phải liên hệ với bên ngoài, và vai trò biện minh của ý thức hệ cũng càng ngày càng quan trọng hơn. Nó đóng vai trò là cầu nối giữa chế độ và nhân dân, qua đó chế độ tiếp cận với nhân dân và nhân dân tiếp cận với chế độ. Điều này giải thích vì sao ý thức hệ lại có vai trò quan trọng đến thế trong hệ thống hậu toàn trị: thật không thể tưởng tượng nổi nếu cơ cấu phức tạp của các đơn vị, trật tự đẳng cấp, cơ cấu truyền dẫn quyền lực, và các công cụ gián tiếp đủ loại để thao túng – nhằm đảm bảo cho sự thống nhất của hệ thống bằng vô số cách khác nhau, không có chỗ cho ngẫu nhiên - lại có thể thiếu một ý thức hệ biện minh chung cho toàn bộ hệ thống và biện minh cho từng bộ phận.

IV.

Vực thẳm giữa những mục tiêu của hệ thống hậu toàn trị và những mục tiêu của đời sống đang ngày càng rộng ra: trong khi, về bản chất, đời sống luôn hướng tới đa nguyên, đa dạng, tự tổ chức và tự thiết chế; nói ngắn, hướng tới quyền tự do của nó, thì hệ thống hậu toàn trị đòi hỏi phục tùng, thống nhất và kỉ luật. Trong khi đời sống luôn luôn cố gắng tạo ra những cơ cấu mới và “khó đoán trước”, hệ thống hậu toàn trị tìm cách trói buộc cuộc sống vào những trạng thái định trước. Các mục tiêu của hệ thống cho thấy đặc điểm cơ bản nhất của nó là tính hướng nội, vận động dần tới chính nó một cách toàn bộ và không thể đảo ngược được, tức là bán kính ảnh hưởng của nó cũng phải không ngừng mở rộng mãi ra. Hệ thống này chỉ phục vụ người dân trong chừng mực vừa đủ nhẳm bảo đảm rằng người dân phục vụ lại nó. Bất kì điều gì hơn thế, tức là bất kì điều gì làm cho người dân có thể bước qua vai trò đã được định trước cho họ, đều bị hệ thống coi là tấn công vào nó. Và trên phương diện này, nó đã đúng: bất kì trường hợp vi phạm nào như thế cũng  đều là sự phủ định hệ thống một cách triệt để. Vì thế, có thể nói, mục tiêu nội tại của hệ thống hậu toàn trị không chỉ là bảo tồn quyền lực trong tay bè lũ thống trị, như người ta có thể tưởng như thế khi nhìn mới nhìn vào. Thực ra là, hiện tượng tự bảo tồn là để phục vụ một cái gì đó cao hơn, phục vụ bộ máy tự động mù quáng đang điều khiển hệ thống. Các cá nhân không được hệ thống coi là có giá trị tự thân nào hết, dù họ có giữ vị trí nào trong trật tự đẳng cấp thì cũng thế, họ chỉ được coi như những đồ vật có nhiệm vụ bơm nhiên liêu vào cho cỗ máy tự động này mà thôi. Vì lý do đó, khát vọng quyền lực của một cá nhân chỉ được chấp nhận khi hướng của nó trùng hợp với hướng của cỗ máy tự động của hệ thống. 

Ý thức hệ - trong khi tạo ra cây cầu bào chữa nối giữa hệ thống và cá nhân – làm nhiệm vụ nối hai bờ của cái vực thẳm giữa mục tiêu của hệ thống và mục tiêu của đời sống. Nó tạo ra cảm tưởng rằng yêu cầu của hệ thống bắt nguồn từ yêu cầu của cuộc sống. Nó là thế giới của những ảo tưởng, được trưng ra như là hiện thực của cuộc đời
Hệ thống hậu toàn trị đụng chạm đến con người trong từng bước đi, nhưng nó làm thế với cái găng tay ý thức hệ. Chính vì vậy mà cuộc sống trong hệ thống mới có nhiều hiện tượng đạo đức giả và dối trá đến như thế: chính phủ của bộ máy quan liêu thì được gọi là chính quyền nhân dân, người lao động bị nô dịch thì mang tên giai cấp lao động, sự thoái hóa đến tận cùng của cá nhân thì được coi là giải phóng tối hậu, bưng bít thông tin được gọi là cung cấp thông tin cho quần chúng, sử dụng quyền lực để thao túng thì được gọi là kiểm soát công cộng về quyền lực, lạm dụng quyền lực một cách tùy tiện thì được gọi là tôn trọng luật pháp, đè nén văn hóa thì được gọi là phát triển văn hóa, mở rộng ảnh hưởng của đế chế thì được trình bày như là giúp đỡ những người bị áp bức, mất tự do ngôn luận trở thành hình thức cao nhất của tự do, những kì bầu cử lố bịch thì trở thành hình thức dân chủ cao nhất, cấm suy nghĩ độc lập trở thành thế giới quan khoa học nhất, chiếm đóng quân sự trở thành giúp đỡ anh em. Vì bị nhốt chặt trong những lời dối trá của nó, chế độ đó phải xuyên tạc tất cả. Nó xuyên tạc quá khứ. Nó bóp méo hiện tại và nó bịa ra tương lai. Nó xuyên tạc các số liệu thống kê. Nó giả đò như không nắm giữ các cơ quan an ninh có quyền lực vô hạn và bất lương. Nó giả vờ như đang tôn trọng các quyền con người. Nó giả đò như không kết án ai. Nó làm như không sợ bất kì điều gì. Nó giả vờ như không giả vờ gì cả.

Cá nhân không cần phải tin vào tất cả những sự rắc rối này, nhưng họ phải làm như là họ tin, hoặc ít nhất họ phải im lặng chịu đựng chúng hoặc phải tử tế với những người làm việc cho chúng. Nhưng, cũng vì thế mà họ phải sống trong dối trá. Họ không cần chấp nhận dối trá. Chỉ cần họ chấp nhận sống cùng với nó và sống trong nó là được. Cũng chính vì thế mà các cá nhân thừa nhận hệ thống, bồi bổ cho hệ thống, tạo ra hệ thống, và là hệ thống.
 
V.

Chúng ta đã thấy rằng ý nghĩa thực của khẩu hiệu của anh hàng rau chẳng liên quan gì đến cái mà những từ ngữ trong khẩu hiệu nói tới. Ngay cả như thế thì ý nghĩa thực sự cũng rất rõ ràng và nói chung là dễ hiểu, bởi vì mật mã rất giống nhau: anh hàng rau tuyên bố sự trung thành của mình (và anh cũng chẳng có cách nào khác, nếu muốn tuyên bố của mình được chấp nhận) theo cách duy nhất mà chế độ có khả năng nghe được; tức là, bằng cách chấp thuận những nghi thức đã được qui định, bằng cách chấp nhận rằng ảo tưởng chính là hiện thực, bằng cách chấp nhận những luật chơi cho trước. Nhưng, trong khi làm việc đó, chính anh đã trở thành người tham gia cuộc chơi, và vì thế mà tạo điều kiện cho cuộc chơi tiếp tục, và trước hết là tạo điều kiện cho nó tồn tại.

Nếu, khởi kì thủy ý thức hệ chỉ là chiếc cầu nối giữa hệ thống và cá nhân với tư cách là cá nhân, thì vào khoảnh khắc mà anh ta bước lên cầu, nó đã trở thành cây cầu nối giữa hệ thống và cá nhân ấy - với tư cách là bộ phận của hệ thống. Nghĩa là, nếu ban đầu ý thức hệ chỉ có thể tạo điều kiện (bằng hoạt động ở bên ngoài) cho sự hình thành quyền lực với tư cách là một sự biện hộ về mặt tâm lý, thì từ thời điểm mà sự biện hộ ấy được chấp nhận, ý thức hệ lại tạo ra sức mạnh ở bên trong, nó trở thành một bộ phận năng động của hệ thống quyền lực ấy. Nó bắt đầu hoạt động như là công cụ chính nhằm truyền đạt nghi thức bên trong hệ thống quyền lực.

Toàn bộ cơ cấu quyền lực (chúng ta đã thảo luận về biểu hiện vật chất của nó) không thể tồn tại nếu không có một trật tự "siêu hình học" ràng buộc các bộ phận lại với nhau, kết nối chúng và buộc chúng phải phục tùng một phương pháp giải trình thống nhất về mặt hình thức, cung cấp cho hoạt động phối hợp của tất các bộ phận luật chơi, nghĩa là cung cấp cho chúng những qui định, những giới hạn và tính chính danh nhất định. Trật tự siêu hình học này là nguyên tắc cơ bản cho và là chuẩn mực xuyên suốt toàn bộ cơ cấu quyền lực, nó liên kết thông tin và làm cho việc trao đổi và lưu chuyển các thông tin và chỉ đạo trở thành khả thi. Tương tự như một tập hợp các đèn hiệu giao thông và biển chỉ đường, nó tạo ra hình thù và cơ cấu cho tiến trình. Trật tự siêu hình học này đảm bảo sự cố kết nội tại của cơ cấu quyền lực toàn trị. Nó là chất keo gắn kết tất cả lại với nhau, là nguyên tắc bản lề, là phương tiện thi hành kỉ luật. Thiếu chất keo này, toàn bộ hệ thống với tư cách là cơ cấu toàn trị sẽ sụp đổ, nó sẽ tan vỡ thành những cá nhân rời rạc, va chạm hỗn loạn với nhau vì quyền lợi và thiên hướng không được kiểm soát của họ. Thiếu bộ phận gắn kết, toàn bộ kim tự tháp của quyền lực toàn trị sẽ sụp đổ vào trong chính nó, như thể là một vụ nổ hướng vào trong vậy.

Ý thức hệ - được cơ cấu quyền lực dùng để giải thích hiện thực – luôn luôn phục tùng quyền lợi của cơ cấu ấy. Vì vậy mà nó có xu hướng tự nhiên là thoát li hiện thực, nhằm tạo ra một thế giới giả tạo và trở thành một thứ nghi thức. Trong các xã hội có sự cạnh tranh quyền lực một cách công khai và vì thế mà quyền lực bị xã hội kiểm soát, cũng tồn tại một cách hoàn toàn tự nhiên cơ chế kiểm soát công khai, quyền lực dùng cách đó để khoác lên mình tính chính danh về mặt ý thức hệ. Kết quả là, trong những điều kiện như thế bao giờ cũng có những biện pháp điều chỉnh nhất định, những biện pháp này có thể  ngăn chặn một cách hiệu quả, không để cho ý thức hệ hoàn toàn thoát ly khỏi hiện thực. Nhưng trong chế độ toàn trị, những biện pháp điều chỉnh như thế đã không còn, và không có gì có thể ngăn cản được ý thức hệ càng ngày càng tách rời khỏi thực tiễn, càng ngày càng tự biến mình thành hiện tượng đang hiện diện trong hệ thống hậu toàn trị hiện nay: một thế giới giả tạo, chỉ còn là nghi thức, là một ngôn ngữ mang tính kinh viện, không còn liên hệ với hiện thực và đã biến đổi thành một hệ thống biểu tượng mang tính lễ nghi, thay thế hiện thực bằng giả-hiện thực.

Nhưng, đồng thời, như chúng ta đã thấy, ý thức hệ lại biến thành thành tố ngày càng quan trọng của quyền lực, thành trụ cột cung cấp cho nó cả tính chính danh lẫn sự cố kết nội tại nữa. Khi phương diện này trở nên càng ngày càng quan trọng, khi càng ngày nó càng đánh mất dần tiếp xúc với thực thế thì nó lại thu được một sức mạnh đặc biệt, nhưng rất thực. Nó hóa thân thành hiện thực, dù đấy chỉ là hiện thực bị nhốt hoàn toàn trong chính nó, và ở mức độ nào đó (chủ yếu là trong cơ cấu quyền lực) cái hiện thực này thậm chí còn quan trọng hơn là chính hiện thực nữa. Càng ngày độ tinh xảo của nghi thức càng trở nên quan trọng hơn hiện thực ẩn chứa đằng sau nó. Tầm quan trọng của hiện tượng không còn xuất phát từ bản thân hiện tượng nữa, mà xuất phát từ vị trí của nó với tư cách là các khái niệm trong ngữ cảnh mang tính ý thức hệ. Hiện thực không định hình lý thuyết, mà ngược lại. Do đó, quyền lực xích lại với ý thức hệ hơn là với hiện thực, nó tìm được sức mạnh của mình từ lý thuyết và trở thành hoàn toàn lệ thuộc vào lý thuyết. Điều này chắc chắn sẽ dẫn tới một kết quả trái khoáy sau đây: đáng lẽ lý thuyết hay ý thức hệ phải phục vụ quyền lực thì quyền lực bắt đầu phục vụ ý thức hệ. Như thể là ý thức hệ đã tiếm đoạt sức mạnh của quyền lực, như thể tự nó đã trở thành nhà độc tài rồi vậy. Dường như chính lý thuyết, chính nghi thức, chính ý thức hệ ra các quyết định tác động vào con người, chứ không phải ngược lại.

Nếu như ý thức hệ là người đảm bảo chính cho sự nhất quán nội tại của quyền lực, thì cùng lúc ấy, nó trở thành người đảm bảo càng ngày càng quan trọng cho sự liên tục của quyền lực. Trong khi sự kế vị trong các chế độ chuyên chính cổ điển thường bao giờ cũng là biến cố khá phức tạp (những kẻ tranh đoạt ngôi vị không có gì để khoác cho đòi hỏi của chúng một sự chính danh nhất định, và vì thế, chúng buộc phải dùng sức mạnh trần trụi) thì trong hệ thống hậu toàn trị, quyền lực được truyền từ người này sang người khác, từ nhóm này sang nhóm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác theo những cách về cơ bản là ổn định hơn. Trong quá trình chọn lựa những người kế nhiệm, một cơ chế phong vương mới được khởi động: đấy là sự hợp pháp hóa mang tính nghi thức, khả năng dựa vào nghi thức, bồi bổ nó và sử dụng nó, sẽ quyết định kẻ nào sẽ được nó đặt vào ngôi cao. Đương nhiên là tranh giành quyền lực cũng xảy ra cả trong hệ thống hậu toàn trị nữa, và đa phần đều tàn bạo hơn là so với những xã hội cởi mở, vì đấy là cuộc tranh giành không công khai, không bị các quy tắc dân chủ kiềm chế, không bị xã hội kiểm soát, mà đều diễn ra sau hậu trường. (Thật khó nói được một thí dụ về việc thay thế Bí thư thứ nhất của một Đảng Cộng sản đang cầm quyền mà không có sự triển khai hàng loạt các đơn vị an ninh và vũ trang, ít nhất là đặt dưới tình trạng báo động). Tuy nhiên, sự giành giật này không bao giờ có khả năng đe dọa nền tảng của hệ thống và tính liên tục của nó (như có thể xảy ra trong các chế độ chuyên chính cổ điển). Cùng lắm, nó cũng chỉ khuấy đảo cơ cấu quyền lực trong chốc lát – cơ cấu sẽ phục hồi rất nhanh, bởi vì cái chất kết dính là ý thức hệ vẫn còn nguyên. Ai thay thế ai không phải là vấn đề, sự kế vị chỉ khả thi khi nó diễn theo kịch bản và trong khuôn khổ nghi thức chung. Nó không bao giờ diễn ra bằng cách phủ nhận nghi thức ấy.

Nhưng chính do chế độ chuyên chính của nghi thức như thế mà quyền lực trở thành vô danh. Các cá nhân hầu như đã tan hoàn toàn vào nghi thức. Họ để mặc cho nó cuốn đi, và thường thì dường như nghi thức tự đưa con người từ bóng tối ra ánh sáng của quyền lực. Trên mọi cấp bậc của quyền lực, cá nhân ngày càng bị những con người lạnh lùng, những con rối, những tên đầy tớ khoác đồng phục chuyên thực hiện nghi thức và công việc hàng ngày của quyền lực đẩy ra rìa, đấy chẳng phải đặc trưng của hệ thống hậu toàn trị hay sao?

Sự vận hành máy móc của cơ cấu quyền lực, cái cơ cấu đã bị làm cho mất nhân tính và biến thành vô danh, là một đặc điểm của bộ máy tự động của hệ thống này. Dường như chính các mệnh lệnh của cỗ máy tự động, tức là cỗ máy đã chọn ra những người không có cá tính cho cơ cấu quyền lực, nghĩa là chính mệnh lệnh của những ngôn từ trống rỗng đã đặt những cá nhân biết sử dụng những ngôn từ trống rỗng lên vị trí quyền lực nhằm bảo đảm rằng cỗ máy của hệ thống hậu toàn trị sẽ tiếp tục hoạt động.

Các nhà Xô Viết học phương Tây thường phóng đại vai trò của các cá nhân trong hệ thống hậu toàn trị và bỏ qua sự thật là các nhân vật lãnh đạo của hệ thống hậu toàn trị - dù quyền lực họ nhận được từ cơ cấu quyền lực tập trung có to lớn đến đâu - thường cũng chỉ là người thực thi mù quáng những qui luật bên trong của hệ thống, những qui luật mà chính họ không bao giờ có khả năng hiểu, mà cũng không bao giờ suy nghĩ đến. Dù sao mặc lòng, kinh nghiệm đã nhiều lần dạy chúng ta rằng bộ máy tự động này mạnh hơn ý chí của bất kì cá nhân nào, và bất kì người có suy nghĩ độc lập nào cũng phải che giấu nó sau cái mặt nạ vô danh mang tính nghi thức thì mới mong có cơ hội bước được lên những nấc thang của quyền lực. Còn khi cá nhân đã giành được một vị trí trong đó mà lại còn cố gắng thực hiện hoài bão của mình, thì cái cỗ máy tự vận hành ấy - với sức ỳ vĩ đại của nó -  trước sau gì cũng sẽ thắng, và hoặc là cá nhân sẽ bị cơ cấu quyền lực đào thải như đào thải một sinh vật lạ, hoặc là anh ta sẽ bị buộc phải dần dần từ bỏ cá tính của mình, để một lần nữa lẫn vào với cỗ máy và trở thành nô lệ cho nó, hầu như không phân biệt nổi với những người đi trước và những người tiếp sau anh ta (Xin nhắc lại, ví dụ, quá trình thăng tiến của Husák[2] hay Gomulka[3]. Nhu cầu ẩn mình đằng sau và liên hệ với nghi thức luôn luôn hiện diện có nghĩa là thậm chí ngay cả những thành viên đã được khai sáng của cơ cấu quyền lực cũng thường bị ý thức hệ ám ảnh. Họ không bao giờ có khả năng xâm nhập thẳng vào những tầng sâu nhất của hiện thực trần trụi, và trong những kết luận cuối cùng, họ luôn nhầm lẫn nó với các giả-hiện thực mang màu sắc ý thức hệ. (Theo quan điểm của tôi, một trong những lý do làm cho ban lãnh đạo của Dubček không kiểm soát được tình hình năm 1968 chính là vì - trong những tình huống gay cấn và trong những vấn đề quyết định – các thành viên của nó chưa bao giờ đủ sức thoát ra khỏi thế giới của ảo tưởng).

Vì vậy, có thể nói rằng trong hệ thống hậu toàn trị, ý thức hệ - với vai trò là công cụ thông tin nội bộ, nó bảo đảm sự cố kết bên trong của cơ cấu quyền lực - là cái gì đó vượt lên trên những khía cạnh vật chất của quyền lực, một cái gì đó chi phối quyền lực với mức độ đáng kể, và do đó có xu hướng đảm bảo sự liên tục của quyền lực. Nó là một trong những trụ cột của sự ổn định bên ngoài của hệ thống. Nhưng trụ cột này lại được xây dựng trên một nền tảng rất yếu. Nó được xây dựng trên những lời dối trá. Nó chỉ đứng vững khi người ta còn muốn sống trong dối trá mà thôi.

Nguồn: Power of Powerless.
Có tham khảo bản dịch của Khải Minh tại địa chỉ  talawas.org
và bản dịch tiếng Nga tại địa chỉ: http://www.inliberty.ru/library/classic/3492/





[1] dịch từ Powerless, nghĩa là những người không có tí quyền lực nào - PNT.
[2] Gustav Husák (1913-1991): gia nhập đảng Cộng sản năm 1933, tham gia lãnh đạo chống sự chiếm đóng của Đức trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, nắm giữ các chức vụ trong đảng và nhà nước. Năm 1951, trong chiến dịch thanh lọc của đảng, bị bắt và bỏ tù. Được thả năm 1960, được tái gia nhập đảng năm 1963, kêu gọi tự do hóa chính trị và tự trị cho Slovakia. Sau khi Antonín Novotný từ chức năm 1968, Husák trở thành Phó Thủ tướng, và là một kiến trúc sư của cải cách năm 1968. Sau khi Liên Xô đưa quân vào Tiệp, Husák trở nên ngày càng thân Sô-viết. Tháng Tư 1969, trở thành Bí thư đảng.Trong thời gian cai trị của Husák, Tiệp Khắc đã trở thành một nhà nước cảnh sát. Năm 1975 Husák hợp nhất chức vụ Bí thư đảng với Chủ tịch nước, và rồi từ chức Tổng Bí thư năm 1987 nhưng giữ vị trí Chủ tịch đến năm 1989, khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Czechoslovakia. Thay vào vị trí của Husák chính là Václav Havel, ở cương vị Tổng thống, vào ngày 29.12.1989. (Các chú thích không ghi PNT đều lấy từ bản dịch của Khải Minh tại địa chỉ  talawas.org)


[3] Vladyslaw Gomulka (1905-1982): gia nhập đảng Cộng sản Ba Lan năm 1926, sống sót qua cuộc đại thanh lọc năm 1938 dưới bàn tay của Stalin. Từ năm 1943, góp phần phục hồi lại đảng này với danh xưng Đảng Công nhân Ba Lan, và trong những năm đầu sau chiến tranh đã trở thành nhân vật quan trọng hàng đầu của đảng (chính ông tự gọi mình là “người bá quyền lãnh đạo của Ba Lan”). Nhưng trong những năm 1951-1954, do đấu đá phe phái trong đảng, bị lên án là “cánh hữu”, “phản động”, và bị bỏ tù. Năm 1956, khi bắt đầu tiến trình “giải Stalin”, ông được phục hồi và được bầu lãnh đạo Đảng Công Nhân Thống nhất Ba Lan, dần dần chống lại sức ép của Liên Xô một cách mềm mỏng. Tuy nhiên, với tư cách thành viên của khối Hiệp ước Warsaw, ông đã đưa quân vào Tiệp Khắc năm 1968. Gomulka cũng chịu trách nhiệm cho việc ngược đãi sinh viên và giới trí thức, cùng một chế độ kiểm duyệt ngặt nghèo đối với truyền thông. Tháng 12 năm 1970, sau vụ xung đột đẫm máu với công nhân đóng tàu, Gomulka bị buộc phải từ chức, Edward Gierek nắm quyền lãnh đạo đảng. Dù sao, sau khi chết, một số đóng góp có tính xây dựng của Gomulka cũng đã được nhìn nhận.

No comments:

Post a Comment