August 24, 2011

Vera Tolz - “Đầu lĩnh văn hóa” - Vừa là chủ vừa là khách hàng hay hoạt động của các hội văn học nghệ thuật Xô Viết sau chiến tranh (Tiếp theo và hết)



Phạm Nguyên Trường dịch
 
Trong giai đoạn hậu chiến, có rất ít thư từ do các lãnh đạo các thiết chế văn hoá thay mặt các văn nghệ sĩ gửi đến các lãnh đạo cấp cao của Đảng/nhà nước kiến nghị “trợ giúp về mặt vật chất”. Trong khi đó, chúng tôi tìm thấy rất nhiều yêu cầu của các cá nhân, đủ mọi cấp bậc, có cái dài có cái ngắn nhưng thống thiết, gửi trực tiếp đến Stalin, Chủ tịch hoặc các phó Chủ tịch Hội đồng dân uỷ. Những thí dụ được trình bày dưới đây có thể giúp chúng ta hình dung được hoàn cảnh lúc đó.

Có rất nhiều văn nghệ sĩ yêu cầu lãnh đạo Hội đồng dân uỷ/Hội đồng bộ trưởng cung cấp cho họ xe con vì ngay sau chiến tranh, phương tiện vận tải công cộng hoạt động không được tốt, hoặc vì xe họ nhận hồi những năm 1930 đã được xung công cho mục đích quốc phòng hồi năm 1941. Thí dụ trong thư đề ngày 21 tháng 6 năm 1945 gửi Molotov, phó Chủ tịch Hội đồng dân uỷ, viện sĩ Konstantin Skrobanskii phàn nàn như sau: “Sử dụng phương tiện giao thông công cộng gây cho tôi nhiều phiền toái. Hơn nữa nếu có xe riêng thì tôi sẽ thường xuyên đến được nhà nghỉ (dacha) của tôi ở ngoại ô hơn. Kính đề nghị đồng chí giúp đỡ”. Trong cặp hồ sơ này có yêu cầu tương tự của diễn viên ở Leningrad tên là Iurii Iurev [1] . Tháng 11 năm 1945, nhà văn nổi tiếng Kornei Chukovskii cũng viết một thư gửi Hội đồng dân uỷ để xin xe. Nhằm nhấn mạnh trường hợp của mình, Chkovskii viết: “Những người láng giềng của tôi (Konstantin Smirnov, N. Pogodin, P. Pavlenko, Valentin Kataev và những người khác) đều có xe ở nhà nghỉ”. Tháng 2 năm 1949, một nghệ sĩ ở Kiev tên là Kh. Pumipenko đề nghị Molotov giúp ông ta mua máy nổ và các thiết bị thay thế khác cho chiếc thuyền của ông ta [2] .

Người ta còn yêu cầu giúp đỡ khôi phục lại tài sản bị tàn phá trong thời kì chiến tranh. Ngày 21 tháng 5 năm 1945 Sergei Mikhalkov gửi thư cho Molotov, đề nghị giúp xây dựng lại nhà nghỉ của mình, lấy lí do là chỉ có cấp cao nhất của chính phủ mới giúp ông ta có được số vật tư cần thiết [3] . Một nghệ sĩ nổi tiếng là Vasilii Kachalov và nữ ca sĩ Valeriia Barsova còn gửi kèm cả danh sách các vật tư cần thiết để xây dựng lại nhà nghỉ, gồm cả đinh và bóng đèn [4] . Cuối năm 1945, một nhóm diễn viên khác đã yêu cầu Aleksei Kosygin, phó Chủ tịch Hội đồng dân uỷ, cung cấp cho họ bồn tắm có tráng men và bồn cầu [5] . Một nhóm các diễn viên ballet nổi tiếng, trong đó có Galina Ulanova và Maia Plisetskaia, đã đề nghị chính Stalin giúp đỡ xây dựng khu nhà ở cho họ ở trung tâm Moskva [6] .

Thời hậu chiến, số văn nghệ sĩ gửi thư trực tiếp cho các quan chức Đảng/nhà nước đề nghị giúp đỡ về mặt vật chất nhiều hơn hẳn so với những năm 1930. Có nhiều đề nghị như thế là do giai đoạn này quá nghèo túng. Nhưng điều đó còn cho thấy rằng tầng lớp văn nghệ sĩ ưu tú cảm thấy được quyền có một mức sống nhất định, mức sống đó đã bị chiến tranh tàn phá, và nay họ muốn khôi phục càng nhanh càng tốt. Thường thì tác giả các bức thư ghi rõ chức danh, các giải thưởng đã nhận và những thành tựu khác mà họ đã đạt được để tăng cường hiệu lực cho lời thỉnh cầu của họ.

Thái độ của các quan chức của Đảng/nhà nước tất nhiên là khác nhau với mỗi trường hợp. Ngay trong những năm 1930 đã không có đủ hàng hoá để đáp ứng nhu cầu mà giới trí thức Xô viết được quyền hưởng. Thời kì hậu chiến, sự thiếu hụt còn gay gắt hơn, trong khi đòi hỏi của các văn nghệ sĩ lại tăng lên. Sự ganh đua trong việc đòi đặc quyền đặc lợi càng quyết liệt hơn. Hai tiêu chí xác định xem yêu cầu có được đáp ứng hay không: sự nổi tiếng và hộ khẩu nằm ở trung tâm (Moskva hay Leningrad). Trong nhiều trường hợp, cả hai tiêu chí kết hợp. Yêu cầu của những người nổi tiếng được giải quyết nhanh đến không ngờ. Thí dụ ngày 5 tháng 5 năm 1952, nhà văn Fedor Gladkov viết thư cho Hội đồng bộ trưởng xin cho con ông ta căn hộ hai phòng ở Moskva. Ngày 9 tháng 5 Hội đồng bộ trưởng đồng ý và Xô viết thành phố Moskva phân căn hộ đặc biệt vào ngày 28 tháng 6 [7] . Nhưng không phải ai cũng gặp may như thế. Trong khi những người nổi tiếng ở Moskva và Leningrad đều nhận được ô tô, đèn và bồn tắm như họ đề nghị, thì người diễn viên ở Ukraine đã nói đến trên kia lại không được phân phối bộ phận thay thế cho con thuyền của ông ta.

Trên thực tế, trong giai đoạn hậu chiến, các văn nghệ sĩ ở các tỉnh thường phàn nàn với lãnh đạo Đảng/chính phủ rằng các nguồn lực chủ yếu đều tập trung ở Moskva và Leningrad, còn họ thì bị coi là hạ đẳng [8] . Vì thế năm 1951, Giám đốc nghệ thuật nhà hát giao hưởng khu Drogobushskii ở Ukraine đã trực tiếp viết cho Stalin: “Phải công nhận một cách công khai rằng Uỷ ban các Nghệ sĩ ưu tú toàn Liên bang chỉ chú ý đến công tác quản lí nghệ thuật ở Moskva và Leningrad và chẳng hiểu gì về các sự kiện đang diễn ra ở Simpheropol và Astrakhan cả”. Tác giả của bức thư còn cho rằng Uỷ ban chỉ quan tâm đến vấn đề tài chính và vật chất mà không quan tâm đến lĩnh vực tư tưởng. Ông ta nói rằng “đặc biệt ở miến tây Ukraine và Bạch Nga đã tồn tại các vấn đề tư tưởng nghiêm trọng trên mặt trận văn hoá văn nghệ”, nhưng Uỷ ban hoàn toàn phớt lờ khu vực này [9] .

Bên cạnh sự kiện là trong giai đoạn hậu chiến các văn nghệ sĩ mất nhiều thời gian vận động (lobby) các nhà lãnh đạo chính trị giúp họ khôi phục hoặc cải thiện điều kiện sống mà họ đã có trước đây nhưng đã bị chiến tranh tàn phá thì một diễn biến khác chứng minh rằng đây là giai đoạn quan trọng trong quan hệ giữa Đảng và văn nghệ sĩ và giữa các văn nghệ sĩ với nhau. Đấy là giai đoạn hoàn tất sự kiểm soát của những người lãnh đạo các Hội đối với hoạt động nghề nghiệp và khả năng tự đảm bảo và nắm giữ các đặc quyền đặc lợi của họ mà không cần thường xuyên yêu cầu các quan chức tối cao của Đảng/nhà nước giúp đỡ nữa.

Từ cuối những năm 1940 trở đi, uỷ viên ban thư kí các Hội bắt đầu vận động chính phủ trả cho họ mức thù lao vật chất dưới hình thức tiền lương cực kì cao. Quyền lợi mới này được gắn với một chức vụ nhất định, người giữ chức vụ đó có thể thay đổi theo thời gian, chứ không phải được xác định bởi thành tích cá nhân và/hoặc bởi mức độ thân thiện của cá nhân đó với các viên chức của Đảng/nhà nước. Một đòi hỏi nữa là đưa ra sự chênh lệch đáng kể về tiền công trả cho những sản phẩm văn hoá khác nhau. Đồng thời, thành viên các ban thư kí và ban chấp hành cố gắng đảm bảo rằng họ được độc quyền trong việc tạo ra các sản phẩm nằm trong tiêu chuẩn trả thù lao cao nhất.

Vì thế năm 1948, các nhà lãnh đạo Hội Nhà văn và Hội Nhạc sĩ Liên Xô đã vận động chính phủ thông qua mức lương đặc biệt đối với họ. Mức lương này cao hơn mức lương trước đây rất nhiều. Tháng 4 năm 1948, Hội đồng Bộ trưởng đồng ý cho 15 người thuộc Hội Nhạc sĩ Liên Xô được nhận mức lương đó và đến tháng 11 thì tăng lên thành 25 người [10] . Tháng 5 năm 1948, rất nhiều người trong ban lãnh đạo Hội Nhà văn cũng được ưu đãi như thế. Các yêu cầu này được thông qua một cách dễ dàng.

Một đòi hỏi khác lại gây nhiều tranh cãi. Năm 1947, lãnh đạo Hội Nhạc sĩ gửi thỉnh nguyện thư cho Hội đồng Bộ trưởng, phàn nàn rằng hệ thống được xác định vào năm 1934, theo đó Uỷ ban nghệ sĩ ưu tú thuộc Hội đồng dân uỷ/Hội đồng bộ trưởng đặt ra mức thù lao đồng hạng “không tính đến giá trị nghệ thuật và tư tưởng của tác phẩm” là sai và cần phải được thay đổi. Hệ thống mới sẽ kích thích sự sáng tạo các vở opera, các vở ballet và kịch nói hoành tráng. Theo quan điểm của các tác giả thỉnh nguyện thư thì các thể loại này nghiễm nhiên được coi là có giá trị nghệ thuật và tư tưởng cao nhất. Các thể loại khác sẽ được đánh giá về mặt nghệ thuật và tư tưởng và được phân theo ba hạng là xuất sắc, tốt và chấp nhận được. Tác giả sẽ được nhận thù lao tương ứng với vị trí xếp hạng của tác phẩm. Quyền đánh giá tác phẩm là của lãnh đạo Hội [11] . Tài liệu chứng tỏ rằng ban đầu Bộ Tài chính Liên Xô phản đối sự phân biệt về thù lao như thế và đặc biệt chống lại việc tăng đột ngột tiền thù lao cho các nhạc phẩm hoành tráng. Bộ còn viện dẫn nghị quyết ngày 16 tháng 9 năm 1946 của Hội đồng Bộ trưởng về việc cấm tăng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp tiền lương và tiền công. Mặc dù vậy, cuối cùng lãnh đạo Hội đã giành được sự ủng hộ của Hội đồng bộ trưởng. Tháng 5 năm 1950, Hội đồng Bộ trưởng đã kí nghị định áp dụng các mức thù lao khác nhau.

Năm 1949, Ban tổ chức (orgkomitet) của Hội Nghệ sĩ tạo hình Liên Xô cũng trình lên lãnh đạo một yêu cầu tương tự. Họ đề nghị các “tác phẩm tạo hình xuất sắc”, đặc biệt là chân dung và tượng của các nhà lãnh đạo Đảng phải được “trả thù lao ở mức cao hơn”. Một lần nữa, sau một thời gian do dự và tranh luận xem hệ thống trả thù lao từ năm 1934 có phải là hệ thống hợp lí hơn hay không, ngày 22 tháng 4 năm 1949, Hội đồng Bộ trưởng kí nghị định ủng hộ bản đề nghị và chia tác phẩm tạo hình thành ba hạng như đã nói ở trên [12] . Việc áp dụng các mức thù lao khác nhau cho tác phẩm văn chương được thảo luận trong cuộc gặp giữa Stalin, Molotov và Andrei Zhdanov và một nhóm các nhà lãnh đạo Hội Nhà văn vào tháng 5 năm 1947. Điều đặc biệt là Stalin ủng hộ hệ thống trả thù lao mới mặc dù Bộ Tài chính phản đối [13] .

Chân dung và tượng các nhà lãnh đạo Đảng được thực hiện theo đơn đặt hàng của chính phủ. Các thành viên Ban tổ chức của Hội Nghệ sĩ Tạo hình làm mọi cách để đảm bảo được trả công cao nhất bằng cách giữ độc quyền thực hiện các đơn đặt hàng của nhà nước. Tháng 11 năm 1950, hai nhà điêu khắc nổi tiếng là Evghenii Vychetich và S. S. Valerius đã trình Hội đồng Bộ trưởng dự thảo về việc “thiết lập một xưởng điêu khắc quốc gia dưới sự bảo trợ của Uỷ ban các nghệ sĩ ưu tú” để thực hiện các đơn đặt hàng quan trọng của nhà nước trong việc tạc tượng các nhà lãnh đạo Đảng. Không cần phải nói rằng hai nhà điêu khắc này cho rằng mình sẽ trở thành những người quản lí xưởng điêu khắc đó. Hội đồng Bộ trưởng cho rằng ý tưởng là tốt, nhưng lại nói rằng nếu họ đồng ý thì sẽ phải thành lập nhiều xưởng chứ không phải một. Theo Hội đồng, đề nghị đó chứng tỏ “Vichetich muốn nắm độc quyền, không có cạnh tranh” [14] . Đúng là như thế. Nhưng việc thành lập một số xưởng cũng không tạo ra nhiều cạnh tranh. Tất cả đều do các thành viên Uỷ ban tổ chức của Hội kiểm soát và theo các nghệ sĩ bình thường thì các xưởng này chỉ làm cho các nhà lãnh đạo Hội có thêm quyền lực để bóc lột họ mà thôi [15] . Trong lĩnh vực văn học, tình hình cũng diễn ra tương tự như thế. Cuối những năm 1940, thành viên ban thư kí Hội Nhà văn Liên Xô đã kiểm soát toàn bộ các ban biên tập của các tạp chí và hội đồng biên tập các nhà xuất bản văn học [16] .

Tóm lại, đối với những văn nghệ sĩ đã trở thành những nhà quản lí cao cấp trong các Hội thì giai đoạn từ năm 1946 đến đầu những năm 1950 không phải là “giai đoạn đen tối nhất của sự can thiệp của nhà nước” trong hoạt động của họ. Thay vào đó, đấy là giai đoạn mà họ đã giành được quyền kiểm soát toàn diện các sản phẩm văn hoá, cũng như quyền phân phối lợi ích vật chất và đặc quyền đặc lợi so với những người đồng nghiệp. Những văn nghệ sĩ này đã củng cố được địa vị của mình như là tầng lớp ưu tú nhất của xã hội. Không có gì đáng ngạc nhiên khi một số văn nghệ sĩ kém may mắn hơn, như ông giám đốc nghệ thuật nhà hát giao hưởng khu Drogobuzhskii đã nói ở trên, cho rằng đối với lãnh đạo Đảng/nhà nước thì việc đáp ứng đặc quyền đặc lợi của các văn nghệ sĩ giữ địa vị lãnh đạo quan trọng hơn là công tác tư tưởng.


Phản ứng của các hội viên

Từ cuối những năm 1940, các tổ chức văn học nghệ thuật đã định hình, theo đó sự thành công hay thất bại trong nghề nghiệp cũng như thu nhập của đa số hội viên không phụ thuộc quá nhiều vào sự độc đoán của Đảng nữa mà phụ thuộc chủ yếu vào sự độc đoán của ban thư kí của các Hội. Để có thể thăng tiến trong nghề nghiệp và đôi khi chỉ đơn giản là để sống còn, hội viên bình thường phải tìm kiếm sự bảo trợ của các nhà lãnh đạo Hội. Tình hình đó làm cho nhiều hội viên rất bất mãn và họ đã tìm cách kêu gọi Đảng/nhà nước can thiệp (thường là thất bại) để giảm bớt quyền lực của các nhà lãnh đạo Hội.

Sự chỉ trích quyền lực của các nhà lãnh đạo Hội xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1938. Năm đó Bộ Chính trị đã ra nghị quyết nội bộ về tệ đặc quyền đặc lợi, chỉ rõ rằng Đảng lo lắng về sự thoái hoá của tầng lớp trí thức Liên Xô [17] . Trong suốt lịch sử của mình, công dân Liên Xô thường sử dụng các chiến dịch chính thức để phá hoại ngầm quyền lực của những người mà họ ghen ghét hay cạnh tranh bằng cách báo động cho các nhà lãnh đạo chính trị rằng đối thủ của họ đã phạm những tội lỗi mà Đảng đang tìm cách chống lại. Văn nghệ sĩ không phải là ngoại lệ. Năm 1938 báo chí Liên Xô đã phản ánh sự chống đối của một số nhà văn về việc các thành viên chủ tịch đoàn Hội Nhà văn Liên Xô tập trung quá nhiều quyền lực trong tay và lợi dụng quyền lực đó để thu vén thêm nhiều đặc lợi [18] . Tuy vậy, những lời kêu ca đầu tiên đó thường chỉ nhằm chống lại những văn nghệ sĩ cụ thể chứ không phải nhằm chống lại toàn bộ hệ thống hoạt động của các Hội. Tương tự như thế, chiến dịch chống lại những người theo chủ nghĩa quốc tế đã được một số thành viên các Hội sử dụng để tấn công các cấp lãnh đạo Hội bằng cách kết án họ là có nguồn gốc Do Thái và có ý định phá hoại ngầm đời sống văn hoá Xô Viết bằng cách phân chia tiền bạc và các thù lao vật chất khác một cách không công bằng [19] .

Sự bất bình về địa vị của những người lãnh đạo các Hội còn nổi lên mạnh mẽ sau Hội nghị XIX vào tháng 10 năm 1952 và sau khi Stalin qua đời. Tại Hội nghị, Malenkov, Uỷ viên Bộ Chính trị, bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Stalin chỉ định đọc báo cáo chính, nói rằng trong lĩnh vực kinh tế, thói che giấu khuyết điểm cần phải được chấm dứt, tinh thần phê và tự phê cần phải được tăng cường nhắm đấu tranh chống lại những khuyết tật trong quản lí [20] . Bài phát biểu của Malenkov đánh dấu sự khởi đầu của một chiến dịch mới nhằm chống lại việc quản lí thiếu hiệu năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả lĩnh vực văn học nghệ thuật. Hội nghị của các ban thư kí/ban tổ chức của các Hội được tổ chức sau Hội nghị Đảng đã chứng kiến lãnh đạo các Hội bị phê bình về tệ lạm dụng chức quyền. Trong những tháng đầu năm 1953, báo chí đã phát động chiến dịch chống lại “những kẻ quan liêu” trong các Hội văn học nghệ thuật. Họ bị lên án là đã lợi dụng vị trí của mình để bảo vệ lợi ích riêng và thiết lập quyền kiểm soát sự phân phối và trả thù lao cho các sản phẩm văn hoá [21] . Các bản tường thuật trên báo chí tạo ra cảm tưởng rằng chiến dịch đã được điều khiển và kiểm soát từ bên trên, chỉ với mục đích là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của các Hội. Nhưng các tài liệu lưu trữ lại cung cấp cho ta một bức tranh hơi khác. Có vẻ như các bài tường thuật trên báo chí đã phản ánh đúng tâm trạng thất vọng của các Hội viên bình thường, những người đã lợi dụng cơ hội do bài phát biểu của Malenkov đem lại để thảo luận những vấn đề mà lúc đó họ cho là rất đáng lo. Trên thực tế, như sẽ được chứng minh sau đây, lãnh đạo Đảng và chính phủ đã không có bất cứ biện pháp đáng kể nào nhằm đối phó với những chỉ trích “từ dưới lên” được kích hoạt bởi chiến dịch phê phán việc quản lí thiếu hiệu năng do Đảng khởi xướng.

Mặc dù vẫn sử dụng những qui kết chính trị như người ta thường làm lúc đó, những lời phê phán của các hội viên giai đoạn đó cung cấp cho ta một cái nhìn toàn diện hơn về vị trí siêu đặc quyền đặc lợi của các nhà lãnh đạo các Hội, chứ không phải là việc kết án từng cá nhân như những kẻ phá hoại đời sống văn hoá Liên Xô như đã từng diễn ra trong quá khứ. Họ đã cố gắng đưa ra đánh giá có phê phán hệ thống phân chia quyền lực và đặc quyền đặc lợi trong giới văn nghệ sĩ. Tháng 6 năm 1953, một họa sĩ ở Moskva, ông Vladimir Gaposhkin, đã viết thư cho các nhà lãnh đạo Đảng là Malenkov và Klement Voroshilov cũng như Bộ trưởng Bộ Văn hoá là P. K. Ponomarenko, phàn nàn về quyền lực quá lớn của Vychetich, Dmitri Nalbandian, Aleksandr Gerashimov, M. G. Minizer, Nikolai Tomskii, Georgii Motovilov và một số nghệ sĩ khác. Gaposhkin nhấn mạnh rằng tất cả những người đó đều là ủy viên ban tổ chức Hội Nghệ sĩ Tạo hình Liên Xô. Họ là những người hưởng lợi chính sau khi hệ thống trả thù lao với những mức chênh lệch quá lớn được đem ra áp dụng, vì chính họ là những người tích cực nhất trong việc đúc tượng và vẽ chân dung các nhà lãnh đạo Đảng. Họ cũng là những người hưởng lợi chính trong việc tạo dựng các xưởng điêu khắc của Uỷ ban các nghệ sĩ ưu tú đã nói đến ở trên. Gaposhkin phàn nàn rằng các nghệ sĩ này đã “giành tất cả các đơn hàng chủ yếu của chính phủ”, bóc lột các nghệ sĩ trẻ, ép các nữ nghệ sĩ vào những quan hệ tình dục mà họ không muốn, và trên thực tế “đã biến các xưởng điêu khắc của họ thành các xí nghiệp tư nhân lớn”. Họ đã thiết lập được “các bộ máy quản lí riêng khá lớn, bao gồm các nhà quản lí, luật sư, một số hoạ sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, cán bộ kĩ thuật, v.v…” Một số nhà lãnh đạo Hội hoàn toàn không làm bất cứ thứ gì, họ chỉ việc gắn tên vào tác phẩm do những người khác thực hiện với mức lương tối thiểu do họ tự quyết định [22] . Gaposhkin khẳng định rằng tình hình của Hội giống chủ nghĩa tư bản hơn là chủ nghĩa xã hội vì các nhà lãnh đạo Hội thường được gọi là “đầu lĩnh”, trong khi các nghệ sĩ làm thuê thì được gọi là “mọi”. Để có thể tồn tại trong những điều kiện như thế, nhiều nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ trẻ “buộc phải phát triển không phải tài năng nghệ thuật” mà là tài năng để được những người có ảnh hưởng đỡ đầu, đầu óc con buôn và thói ranh ma [23] .

Cũng khoảng thời gian đó, thi sĩ Ilia Selvinskii cũng gửi một bức thư tương tự cho Malenkov, phàn nàn về tình hình của Hội Nhà văn Liên Xô. Trong những năm 1930, Selvinskii đã nổi tiếng là một thi sĩ sáng tác rất nhanh, ông trở thành thành viên của một nhóm ưu tú, đặc quyền đặc lợi vừa mới nổi, cùng với một số văn nghệ sĩ khác được nhận căn hộ sang trọng trên phố Lavrushinskii. Nhưng cùng với sự phân hoá mạnh mẽ trong việc phân chia đặc quyền đặc lợi trong những năm 1940, lại không nằm trong thành phần ban thư kí hoặc trong bất kì cơ quan lãnh đạo nào khác của Hội Nhà văn, Selvinskii cảm thấy bị thua thiệt và rất phẫn nộ. Selvinskii mô tả hoạt động của Hội Nhà văn như sau: “Bầu không khí thật khác xa với không khí thi đua sáng tạo của những nghệ sĩ lớn của nền văn hoá Xô Viết; trên thực tế, đây là không khí cạnh tranh tư sản công khai burzhuaznziz konkurentsiia)”. Ông phàn nàn tiếp rằng các uỷ viên ban thư kí Hội Nhà văn, những người mà ông gọi là “đầu lĩnh văn chương” “kiểm soát và quản lí tất cả mọi việc (zpravlaiut)” trong Hội Nhà văn. Họ ngồi trong các ban biên tập các tạp chí và nhà xuất bản, và cả trong các hội đồng giải thưởng mang tên Stalin nữa. “Trừ một vài ngoại lệ, các nhân vật nòng cốt của ban thư kí Hội Nhà văn Liên Xô hành động như một công ty muốn bóp nghẹt mọi đối thủ cạnh tranh không nằm trong tổ chức của họ”. Công bố các bài phê bình những tác phẩm của họ là việc bất khả thi. Thay vào đó, các tác phẩm của họ và chỉ có của họ là thường xuyên được quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng Liên Xô. Theo Selvinskii, vì có nhiều nhà thơ viết về đề tài nông thôn có mặt trong ban thư kí nên chỉ có các nhà thơ hội viên khai thác cùng đề tài là có điều kiện phát triển mà thôi. “Tất cả các xu hướng khác trong lĩnh vực thi ca đều bị bóp nghẹt”. Hội Nhà văn Liên Xô, dưới hình thức như hiện nay, đã trở thành chướng ngại vật cho quá trình phát triển của nền văn học Xô viết, Selvinskii kết luận như thế. Ông không sợ nêu đích danh thủ phạm của tình trạng đó: Đấy là Phòng cổ động và tuyên truyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô; từ những năm 1940 trở đi, Phòng này bắt đầu “lựa chọn khoảng một tá các nhà văn cánh hẩu và biến họ thành những đầu lĩnh văn hoá bằng cách giao cho họ quản lí tất cả các mặt của đời sống văn chương” [24] . Sử dụng các ngôn từ chính trị thông dụng hồi đó, Selvinskii kêu gọi lãnh đạo Đảng/nhà nước phát động cuộc đấu tranh chống lại “tệ sùng bái cá nhân” mà các nhà lãnh đạo Hội nhà văn đã tạo ra xung quanh mình.

Mặc dù những lời phê phán đó là một phần của chiến dịch do lãnh đạo Đảng giật dây, việc hạn chế quyền lực của các “đầu lĩnh văn hoá” đã chẳng làm được bao nhiêu. Các cuộc điều tra thường được tiến hành và đưa ra các báo cáo trình bày tình hình của các Hội. Các báo cáo cho rằng một số lời kết án là có giá trị và thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng về việc một số nhà hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật có khả năng tạo ra các nhóm đầy quyền lực, bè cánh và phe phái, nói tóm lại, họ đã kiểm soát chặt chẽ hoạt động của văn nghệ sĩ mà không cần dựa vào sự lãnh đạo của Đảng nữa [25] . Nhưng người ta đã chẳng làm được bao nhiêu, nếu quả thật họ có làm, nhằm thay đổi tình hình. Ngoài một vài vụ bắt bớ hoặc sa thải một số cá nhân, trong đa số trường hợp, lãnh đạo Đảng không muốn thực hiện các biện pháp nhằm chống lại những nhà hoạt động văn hoá có vai vế, họ cũng không đưa ra cơ chế nào nhằm giải quyết những vấn đề của Hội do cấp dưới đưa ra. Ngay cả khi những lời phàn nàn được công nhận là có giá trị thì việc nghiên cứu và thực hiện các biện pháp cần thiết lại thường được giao cho lãnh đạo các Hội tự thực hiện, nghĩa là giao cho chính đối tượng bị phê bình. Thí dụ bản báo cáo do Bộ thanh tra nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Liên bang Nga trình lên Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô liên quan đến đơn của Gaposhkin đã nhắc lại từ ngữ trong đơn và kết án “các đầu lĩnh” trong lĩnh vực văn hoá rằng họ đã “sử dụng lao động làm thuê”. Bảo báo cáo cũng nói rằng “do có nhiều quyền lực trong các Hội, họ (“các đầu lĩnh văn hoá”) đã phá hoại nguyên tắc xã hội chủ nghĩa trong việc tổ chức việc làm cho rất nhiều hoạ sĩ và các nhà điêu khắc, nhằm làm giàu quá đáng cho các cá nhân [26] . Sau khi Hội đồng Bộ trưởng công nhận rằng đơn của Gasposhkin đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng thì Bộ thanh tra liền gửi công văn cho chính Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Tạo hình Liên Xô [27] . Ông ta thật khó có thể là người không thiên vị trong việc thực hiện cuộc điều tra này.

Đặc quyền đặc lợi của các thành viên các cơ quan lãnh đạo các Hội, như Gaposhkin và Selvinskii mô tả, tiếp tục tạo ra sự chỉ trích của các hội viên [28] và trở thành đề tài thảo luận quan trọng nhất của giới văn nghệ sĩ giai đoạn perestroika. Năm 1986, tờ Moskovskii Literator, cơ quan ngôn luận của Hội nhà văm Moskva, chi nhánh của Hội nhà văn Liên Xô, đăng bài “Nhà văn có hài lòng không? (Dovolnny li pisateli)” [29] . Mặc dù công nhận phần lớn hội viên của Hội có những đặc quyền đặc lợi mà người dân bình thường không thể nào có được, bài báo cũng khẳng định rằng nhiều hội viên rất bất mãn. Điều đó trước hết là do một số nhà văn, mà cụ thể là những người nắm giữ các vị trí quản lí chủ chốt có quyền lợi cao hơn hẳn các hội viên thường, và trên thực tế đã nắm độc quyền kiểm soát các nhà xuất bản văn học Liên Xô. Cái làm cho hầu hết các nhà văn bất mãn nhất không phải là việc những người lãnh đạo Hội thay mặt Đảng cấm xuất bản các tác phẩm của những nhà văn chống đối, mà là việc tác phẩm của chính họ đã thống lĩnh nền công nghiệp xuất bản và các tạp chí văn học định kì bất chấp giá trị nghệ thuật của các tác phẩm đó, và việc họ kiểm soát việc phân phối thù lao bằng tiền và bằng các quyền lợi vật chất khác cho giới trí thức Liên Xô. Những hội viên có tư tưởng tự do ủng hộ công cuộc cải cách của Gorbachev không muốn giải thể các Hội được bao cấp một cách rất hào phóng mà chỉ muốn giành lấy quyền lãnh đạo vào tay mình và làm cho các cơ quan lãnh đạo của Hội có trách nhiệm hơn đối với các hội viên mà thôi. Đấy chính là trường hợp của Uỷ ban “những nhà văn ủng hộ perestroika” (thường được gọi là Uỷ ban tháng Tư) được một nhóm nhà văn thành lập ở Moskva vào năm 1989. Uỷ ban này đã giành được sự ủng hộ rộng rãi của các hội viên (chỉ trong bốn ngày đầu đã có 322 người tham gia) là vì Chủ tịch của nó, ông Anatolii Pristavkin, một người thành danh vì tác phẩm chống chủ nghĩa Stalin có tên A Small Golden Cloud Spent the Night, tuyên bố rằng ông ta không có ý định giải tán Hội Nhà văn. Ngược lại, tổ chức của ông ta chỉ muốn huỷ bỏ độc quyền của “các đầu lĩnh văn hoá” và làm cho Hội Nhà văn trở thành tổ chức đáp ứng các nhu cầu của các hội viên bình thường mà thôi [30] .


Kết luận

Tại sao giới lãnh đạo chính trị Liên Xô lại giành cho một nhóm nhỏ các nhà hoạt động văn hoá văn nghệ đặc quyền đặc lợi rộng rãi như vậy? Như bức thư của Selvinskii đã chỉ rõ, một số hội viên trong giới văn nghệ sĩ tin rằng điều đó phản ánh bước đi có tính toán của một số nhà lãnh đạo Đảng. Có thể Selvinskii nói đúng. Ngay trước khi chiến tranh kết thúc, Stalin đã nói trong cuộc gặp với ông V. Komarov, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, rằng “những người trí thức Liên Xô, thông qua công tác đầy sáng kiến của họ, đã góp phần vào chiến thắng chống quân thù” [31] . Vì vậy người ta có quyền hi vọng vào sự tưởng thưởng cho những đóng góp mà vị lãnh tụ đã công nhận. Thực vậy, có bằng chứng chứng tỏ rằng năm 1947 Stalin đã chống lại Bộ Tài chính và đứng về phía giới thượng lưu văn hoá văn nghệ khi những người này đòi hỏi đặc quyền đặc lợi [32] . Những người đại diện có chọn lọc của tất cả các nhóm thuộc giới trí thức Liên Xô đều được lợi. Thời hậu chiến chứng kiến sự tăng cường đáng kể quyền lực và đặc quyền đặc lợi của các thành viên chủ tịch đoàn Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũng như giám đốc các Viện trực thuộc Viện Hàn lâm. Đặc quyền đặc lợi mới này cũng y hệt như của những người lãnh đạo các Hội văn học nghệ thuật [33] . Theo Nikolai Klementsov, đến năm 1948, quyền lực của giám đốc các Viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học đã lớn đến mức họ có thể sử dụng các buổi hội nghị bàn về tư tưởng được tổ chức trong tất cả các tổ chức của Viện Hàn lâm sau kì họp của VASKHNIL vào tháng 8 năm 1948 để tái khẳng định quyền kiểm soát đối với các học viện và hoàn thành “việc bành trướng về tổ chức và kỉ luật” [34] . Chính vì vậy mà trong giai đoạn perestroika, nhiều uỷ viên đoàn chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học đã hành động tương tự như uỷ viên Ban thư kí các Hội văn học nghệ thuật. Trong tháng 8 năm 1991, “Lãnh đạo Viện hàn lâm… cùng với những người bảo thủ đứng đầu Hội Nhà văn nằm trong một số ít các nhà trí thức của đất nước Xô Viết đang hấp hối ủng hộ cái trật tự đã lỗi thời” [35] .

Có vẻ như những gì diễn ra trong hàng ngũ lãnh đạo của giới trí thức khoa học và văn nghệ sĩ trong giai đoạn hậu chiến là một phần của cái mà Vera Dunham gọi là “Một canh bạc vĩ đại” giữa lãnh đạo Đảng/nhà nước và một vài thành phần của xã hội Xô Viết [36] . Bà nhận thấy rằng trong giai đoạn hậu chiến, việc đàn áp khốc liệt về chính trị và tư tưởng không phải là chính sách duy nhất do nhà nước thực hiện. Việc đàn áp luôn đi kèm với những cố gắng nhằm ve vãn những nhóm xã hội mà chế độ coi là những đối tác quan trọng trong quá trình tái thiết quốc gia. Dunham nhận dạng một nhóm đặc biệt mà bà gọi là “giai cấp trung lưu” có tay nghề, đặc biệt là các kĩ sư, bác sĩ, các viên chức bậc trung. Bà mô tả những người này là “nằm bên dưới các quan chức cấp cao và tầng lớp thượng lưu trí thức, nhưng lại ở trên những viên chức bình thường và các công nhân nhà máy, các công nhân nông trường và những mậu dịch viên bình thường khác” [37] . Mặc dù vậy, có vẻ như trên thực tế giới thượng lưu trí thức, những người nắm giữ các chức vụ lãnh đạo trong các tổ chức có liên quan cũng tham gia vào vụ làm ăn nói trên. Vụ làm ăn chứng tỏ đã thành công: Lãnh đạo cao nhất của các văn nghệ sĩ đã trở thành những người ủng hộ tích cực nhất của chế độ và chính sách của Stalin ngay cả khi những chính sách này đã bị ban lãnh đạo mới của Đảng cộng sản tấn công. Trên thực tế, trong tâm trí của các uỷ viên ban lãnh đạo các Hội, thời hậu chiến không chỉ là giai đoạn đàn áp khốc liệt về tư tưởng mà còn là thời kì vàng son, đấy là thời kì họ có nhiều đặc quyền đặc lợi và được độc lập một cách tương đối đối với Đảng. Nhưng từ quan điểm ổn định của chế độ thì chính sách cho phép một số thành phần được lựa chọn trong giới văn nghệ sĩ gia nhập vào hàng ngũ thượng lưu của chế độ lại là một thất bại nghiêm trọng. Đặc quyền đặc lợi của “các đầu lĩnh văn hoá” tạo ra mâu thuẫn đối kháng với các trí thức bình thường và kích hoạt, bên cạnh những nguyên nhân khác, sự chống đối của họ đối với hệ thống Xô Viết.

Lời cuối: Tôi xin cám ơn Oleg Khlevniuk, người đã giúp tôi chuẩn bị tài liệu, và Yoram Gorlizki, Stephen Lovell, Susan E. Reid và những người đã tham gia cuộc Hội thảo về lịch sử kinh tế và xã hội được tổ chức tại Trung tâm nghiên cứu Nga và Đông Âu, thuộc trường đại học Birmingham, về những đề nghị và nhận xét của họ.



[1]GARF, fund 5446, op. 47, delo 2735 II. 1-2.
[2]GARF, fund 5446, op. 51, delo 2982 I. 98.
[3]GARF, fund 5446, op. 47, delo 2168 II. 55-7.
[4]GARF, fund 5446, op. 47, delo 2166 I. 29.
[5]Ibid, I. 32.
[6]GARF, fund 5446, op. 86, delo 2440 I. 32.
[7]GARF, fund 5446, op. 86, delo 2439, I. 95-99. Ngược lại, trong những năm 1930, yêu cầu của các thiết chế văn hoá được giải quyết chậm hơn nhiều. Thí dụ, yêu cầu của Nhà hát Lớn về việc phân nhà ở cho các diễn viên hàng đầu được đưa ra vào tháng 12 năm 1937, nhưng mãi đến tháng 4 năm 1938 mớI được giải quyết (GARF, fund 5446, op.22, delo 1425 II. 3-12).
[8]Hồ sơ lưu trữ cho thấy rằng trong những năm 1930, các văn nghệ sĩ ở Moskva và Leningrad có nhiều ưu tiên ưu đãi hơn, hoàn cảnh của các đồng nghiệp của họ ở các tỉnh thật vô cùng tồi tệ. Xem thí dụ, tài liệu năm 1938 về hoàn cảnh sống của các diễn viên ở Karaganda (GARF, fund 5446, op.22, delo 1413 II. 1-3) và ở Izhevsk (GARF, fund 5446, op.22, delo 1407 II. 41-3). Trong cả hai trường hợp, Hội đồng dân uỷ đều đưa ra những lời hứa mơ hồ là sẽ xem xét trong năm tài khoá tiếp theo.
[9]GARF, fund 5446, op.81, delo 2634 II. 186-96.
[10]GARF, fund 5446, op.50, delo 4266 II. 73-80,116, 121.
[11]GARF, fund 5446, op.81, delo 2639 I. 145-6 và op. 50, delo 4266, II, 31-54.
[12]GARF, fund 5446, op.80, delo 2621 II. 27-32, 62.
[13]K. Simonov. Nhìn bằng đôi mắt của thế hệ tôi. Nghĩ về I. V. Stalin (tiếng Nga). (Moskva: Kniga, 1990), 108.
[14]GARF, fund 5446, op.81, delo 2634 II. 71-81.
[15]GARF, fund 5446, op.87, delo 1548, 27.
[16]GARF, fund 5456, op.87, delo 1306, I. 83.
[17]Fitzpatrick, Everyday Stalinism, 106.
[18]Jack F. Matlock Jr.,‘The “Governing Organs” of the Union of Soviet Writer’, American Slavonic and East European Review, 15 (oct. 1956), 393.
[19]Xem bài của Kiril Tomoff trong số báo này.
[20]Các nhà nghiên cứu cho rằng Hội nghị XIX cho thấy có áp lực cải cách ngay trong những cấp cao nhất của đảng. Trên thực tế, quá trình giải Stalin hoá đã bắt đầu trước khi Stalin chết. Xem Yoram Gorlizki, “Party Revivalism and the Death of Stalin”, Slavic Review, 54, I (Spring 1995), 1-22.
[21]Chi tiết cuộc thảo luận của chiến dịch chống lại các nhà lãnh đạo của Ban tổ chức Hội nghệ sĩ tạo hình Liên Xô xin xem Susan Emily Reid, “Destalinisation and the Remodernisation of Soviet Art: The Search for a Contemporary Realism”, P. D. Dissertation, University of Pennsylvania, 1996, 114-22.
[22]GARF, fund 5456, op.87, delo 1306, I. 21.
[23]Ibid.
[24]Ibid.
[25]GARF, fund 5456, op.87, delo 1306, II 20-6.
[26]Ibid., I. 21.
[27]Ibid., II. 24-6
[28]Muốn tìm hiểu cuộc tấn công vào đặc quyền đặc lợi từ diễn đàn Hội nghị lần thứ hai của các nhà văn Liên Xô, xem Matlock, “Governing Organ”, 394.
[29]Moskovskii literator, 28 tháng 11 năm 1986.
[30]Garrard, Inside the Soviet Writers’ Union, 230-2.
[31]Trích lại từ Stalinist Science của Nikolai Krementsov (Princeton: Prinseton University Press, 1997), 99.
[32]Xem Simonov, Glazami cheloveka moego pokoleniia, 108-109.
[33]Ibid., 99-100.
[34]Ibid., 225-6, 280-5.
[35]Loren G. Graham. “How Willing Are Scientists to Reform Their Own Institution?” in Michael David-Fox and Gyorgy Peteri, eds., Academia in Upheaval. Origins, Transfers, and Transformations of the Communist Academic Regime in Russia and East Central Europe (Westport: Bergin and Garvey, 2001), 255-274, 267.
[36]Vera S. Dunham, In Stalin's Time. Middle-class Values in Soviet Fiction (Cambridge: Cambridge University Press, 1979), 3-23.
[37]Ibid., 5.
Nguồn: Vera Tolz, “‘Cultural Bosses’ as Patrons and Clients: The Functioning of the Soviet Creative Unions in the Postwar Period”, in Contemporary Europian History, II, 1 (2002), pp 87-105 © 2002 Cambridge University Press. Bản tiếng Việt đăng trên talawas với sự cho phép của tác giả.


No comments:

Post a Comment