August 25, 2011

Đổ lỗi cho sự suy thoái đạo đức về các cuộc bạo loạn làm nên những đề báo hấp dẫn nhưng là chính sách tồi.



Hiếu Tân dịch

Nói về một tình trạng bất ổn chung là sai lầm. Những vấn đề của đất nước bắt rễ sâu xa từ quá nhiều gia đình trục trặc

Cả David Cameron[1] và Ed Miliband[2] đã có những bài diễn văn xuất sắc trong tuần qua và trong những điều họ nói có nhiều điểm có thể nhất trí. Tuy nhiên, trong bình luận chung về những cuộc nổi loạn, tôi nghĩ chúng ta đang gặp nguy cơ phân tích sai lầm dẫn đến chẩn đoán sai, dẫn đến kê đơn bốc thuốc sai.

Có những nguyên nhân gần những gì xảy ra, chúng tương đối dễ dàng xử lý. Cảnh sát đang chịu sức ép khổng lồ. Nếu họ vào cuộc mạnh, họ sợ thẩm vấn, những hành động kỷ luật và lạm dụng. Mọi việc sẽ tốt đẹp nếu nói rằng họ nên theo đúng nguyên tắc. Cảnh sát cần biết rằng họ có sự ủng hộ mạnh mẽ từ các chính khách và công chúng. Khi những cuộc bạo loạn đầu tiên xảy ra, có lẽ họ đã lo lắng một cách tự nhiên về nó có thể nặng nề đến mức nào. Một khi họ thấy đất nước sau lưng [hậu thuẫn] họ, họ tập hợp lại.


Nhưng theo kinh nghiệm của tôi với cảnh sát, thì họ cần 100% ủng hộ. Nếu không, bạn đang đòi hỏi quá nhiều ở người sĩ quan bình thường trong một tình hình gay cấn.

Vậy thì, một số việc rối loạn do những kẻ náo loạn cướp phá gây ra, những kẻ mà nhìn cách khác chỉ là những chàng trai trẻ bình thường mắc vào sai lầm làm thay đổi cuộc sống mà từ đó họ sẽ phải làm lại.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính là nhóm người trẻ này, là những thanh niên tâm thần, bất mãn, đứng bên lề xã hội và sống trong một văn hóa lệch khỏi mọi chuẩn mực về hành vi đúng đắn. Và ở điểm này tôi không nhất trí với nhiều nhà bình luận. Theo ý kến tôi, họ làm thành một vấn đề hết sức đặc biệt đòi hỏi những giải pháp sâu sắc đặc biệt.

Phái tả nói họ là những nạn nhân của sự tước đoạt về phương diện xã hội; phái hữu nói họ cần nhận trách nhiệm cá nhân về những hành động của họ; cả hai đều nói không trúng. Chương trình xã hội theo quy ước không giúp được họ, những hình phạt nặng nề hơn cũng không có tác dụng.

Vấn đề then chốt là hiểu rằng họ không phải là triệu chứng của xã hội nói chung. Không nắm được điều này dẫn đến phân tích hoàn toàn ngớ ngẩn.

Toàn thể nước Anh không bị kẹt trong một cuộc "suy thoái đạo đức" nói chung. Tôi thấy những sinh viên trẻ tuổi mới tốt nghiệp vật lộn để kiếm việc làm và kiên trì chống lại mọi sự bất bình đẳng. Tôi đã thấy những người trẻ dấn thân tình nguyện làm những công việc tôi làm ở châu Phi, và trong những dự án có sự kết hợp của nhiều tôn giáo. Tôi gặp những người trẻ tuổi có hoàn cảnh xuất thân cực kỳ bất lợi, tại nơi hoạt động của Quỹ Thể thao của tôi ở vùng đông bắc và tôi có thể nói rằng tuổi trẻ hiện nay a) đáng tôn trọng hơn b) có trách nhiệm hơn và c) làm việc tích cực hơn thế hệ của tôi. Bộ mặt thật sự của nước Anh không phải là một thiểu số nhỏ cướp bóc, mà là một đa số lớn sau đó đã đến để giúp dọn dẹp.

Tôi vẫn nghĩ rằng có những vấn đề lớn nằm bên dưới những nỗi lo lắng phản ánh trong những vụ lộn xộn và những cuộc chống đối trong nhiều nước. Một vấn đề là sự chênh lệch về thu nhập không chỉ giữa người nghèo và người giàu, mà còn giữa những người ở trên đỉnh chóp với giai tầng thứ ba đang khao khát ngoi lên. Vấn đề khác là sự chuyển dịch mô hình về uy thế kinh tế và chính trị ra khỏi phương Tây.

Mỗi vấn đề cần sự thay đổi triệt để trong cách nghĩ và cách hành động của chúng ta

Tuy nhiên tôi sẽ phải thận trọng trong việc kéo lại gần nhau cuộc tranh cãi giữa các nghị viên về chi tiêu của chính phủ, các nhà băng và những hacker điện thoại trong tất cả chuyện này. Những người làm chính trị chúng tôi thích cái đầu mối chung có tính triết học lớn và tôi đồng ý với Ed Miliband về chủ đề trách nhiệm.

Tôi trở thành một nghị viên năm 1983. Thời đó các nghị viên hiếm khi làm việc toàn thời gian, nhiều người không tổ chức gặp cử tri của mình và không có quy tắc về bất kỳ khoản chi tiêu nào của chính phủ hoặc gây quỹ chính trị. Như vậy cái ý tưởng cho rằng các nghị sĩ ngày nay là một nhóm người lừa đảo lười biếng, trong khi trước đây họ là những là những công bộc cao cả của xã hội, chỉ là vớ vẩn: nó không đúng, không công bằng vả không có ích lợi gì.

Cũng như với phòng họp của ban giám đốc. Tôi hoàn toàn đồng ý với việc phê bình sự quá đáng trong trả lương và tiền thưởng. Nhưng phải chăng đây thật sự là lần đầu tiên chúng ta có những người dính dáng đến những nhập nhèm về tài chính, hay có những hành vi tham lam, xấu xa? Nếu có thể khẳng định một điều gì, thì những công ty lớn ngày nay gắn với trách nhiệm xã hội của công ty hơn trước, trong những lĩnh vực như môi trường còn tốt hơn nhiều, có ý thức hơn nhiều trong việc cân bằng giới tính – và sắc tộc – trong tuyển dụng nhân viên.

Nước Anh hào phóng viện trợ cho những người thiếu thốn ở nước ngoài, nhiều hơn và nhanh hơn so với bất kỳ nước nào khác. Vào thời gian cắt giảm, ngân sách viện trợ của chúng ta – cứu được nhiều nghìn mạng sống – đã được bảo vệ. Có những phê phán nhưng điều nổi bật không phải là vì quá nhiều mà là quá ít. Cái tinh thần đã thắng trong việc đăng cai Olimpic 2005 – cởi mở, bao dung và lạc quan – là đại diện cho London hiện đại chứ không phải tình trạng tội phạm biểu hiện bởi những kẻ đập phá những tủ hàng bách hóa.

Và đây là những gì tôi đã học được trong 10 năm cố gắng giải quyết vấn đề này. Khi tôi đến thăm cái gọi là "những khu vực xấu", dù ở Liverpool, Briston Birmingham, London hay nơi nào khác, điều tôi nhìn thấy không phải là một cộng đồng ra khỏi vòng kiểm soát. Điều tôi nhìn thấy là những cá nhân ra ngoài tầm kiểm soát trong một cộng đồng mà đa số, ngay cả những người nghèo nhất trong bộ phận dân nghèo, là lương thiện tử tế, tôn trọng luật pháp, và thật sự hăng hái hành động để sửa chữa tình hình.

Trong việc chứng kiến cách sống mà những cá nhân này có, tôi thấy hai điều cùng đến. Một là, có hệ thống pháp luật bị tràn ngập bởi bản chất của tội ác mà những người trẻ tuổi phạm, được chống đỡ như của những băng đảng hay tội ác có tổ chức.

Hai là, những cá nhân này không đơn giản có vấn đề cá nhân. Họ có vấn đề gia đình. Đây là điều khó nói và tất nhiên tôi hiểu rằng cả điều này nữa, cũng là một sự khái quát hóa. Nhưng nhiều người trong số những người này xuất thân từ những gia đình có bất hòa sâu sắc, hoạt động trên những khái niệm hoàn toàn khác với phần còn lại của xã hội, giai cấp trung lưu hay những người nghèo.

Phần lớn họ đã hình thành tính cách đó vào thời gian họ học tiểu học hay thậm chí mẫu giáo. Sau đó họ lớn lên trong những hoàn cảnh mà những người mẫu của họ là bọn buôn ma túy, ma cô, những kẻ chơi dao găm súng lục, những kẻ sẽ bóc lột và lạm dụng họ nhưng họ cảm thấy họ thuộc về chúng. Từ đó văn hóa băng đảng có tính phá hoại đến thế.

Đây là hiện tượng cuối thế kỷ 20. Bạn thấy nó gần như có trong mọi nước phát triển. Phân tích nó không phải là về chính sách hay các chương trình truyền thống của đầu tư hay xử lý. Chính phủ cuối cùng nên lấy làm hãnh diện thật sự trong việc giảm thiểu bất bình đẳng, về việc cải thiện trong nhiều trường học khu phố cổ, và sự giảm tội phạm nói chung một cách đáng kể. Nhưng không có chính phủ nào với tới nhóm đặc biệt này.

Vào cuối thời gian tôi làm thủ tướng, tôi kết luận rằng giải pháp đó là đặc biệt và hoàn toàn khác chính sách thông thường. Chúng ta phải sẵn sàng can thiệp vào từng gia đình và vào một giai đoạn sớm, thậm chí trước khi một bất kỳ tội phạm nào xảy ra. Và chúng ta phải cải cách luật xung quanh luật hình sự, bao gồm cả những hành vi phản xã hội, tội ác có tổ chức, và xử lý những kẻ vi phạm liên tục. Chúng ta phải xử lý các băng đảng một cách hoàn toàn khác để có bất kỳ một hy vọng nào thành công. Chương trình hành động rút ra từ đó được hình thành trong những năm cuối cùng tôi tại chức, nhưng nó phải được thử trên cái nền bất biến của đối lập, tả và hữu, trên những cơ sở tự do công dân và trên cơ sở chúng ta đang "bêu xấu" giới trẻ. Sau khi tôi từ chức, chương trình hành động này mất động lực của nó, Nhưng các văn kiện tài liệu và công việc tất cả vẫn còn đó.

Năm 1993, theo sau vụ giết James Bulger[3], tôi đã xử lý một trường hợp trong những điều kiện hoàn toàn tương tự với trường hợp được nghe nói hôm nay về sự đổ vỡ đạo đức ở Anh. Bây giờ tôi tin rằng diễn văn là hành động [vận động] chính trị tốt nhưng là chính sách tồi. Hãy tập trung vào vấn đề đặc biệt này và chúng ta có thể khởi đầu trên một giải pháp đúng. Đẩy nó lên thành những tiếng kêu gào khoa trương về một nước Anh đã lạc đường đạo đức thì chúng ta sẽ tự làm cho mình chán nản một cách không cần thiết, bôi nhọ thanh danh của chúng ta ở nước ngoài, và tệ nhất là, mất cơ hội để xử lý vấn đề theo cách duy nhất có hiệu quả./.


Tony Blair, Guardian, 20/8/2011
http://www.guardian.co.uk/commentisfree/2011/aug/20/tony-blair-riots-crime-family

Đã đăng trên vanchuongviet.org

[1] Thủ tướng Anh hiện thời, lãnh đạo Đảng Bảo thủ
[2] Lãnh đạo Đảng Lao động.
[3] James Bulger: Em bé chưa đầy 3 tuổi bị hai kẻ12 tuổi bắt cóc và giết chết năm 1993, hai kẻ sau đó bị kết án là tội phạm giết người trẻ nhất trong lịch sử nước Anh hiện đại.

No comments:

Post a Comment