April 17, 2011

Alelsey Pushkov (Russ.ru) – Từ lòng trung thành đến chế độ pháp quyền: hành động quan trọng hơn mọi cương lĩnh


Phạm Nguyên Trường dịch

Tạp chí Russ.ru: Theo ông lòng trung thành với trật tự chính trị hiện không còn được mọi người hâm mộ nữa?

Aleksey Pushkov: Nói về lòng trung thành, cần phải chia ra thành lòng trung thành của xã hội với chính quyền, nghĩa là sự ủng hộ của xã hội dành cho chính quyền và lòng trung thành bên trong hệ thống, nghĩa là bên trong những nhóm người đang lãnh đạo đất nước. Lòng trung thành bên trong hệ thống được bảo đảm bởi chính quyền lực. Nếu không thì nó không thể nào hoạt động được. Những kẻ không trung thành bị tống ra khỏi hệ thống. Lòng trung thành của xã hội đối với chính quyền phụ thuộc trước hết vào xã hội. Đấy là thông số luôn luôn thay đổi, không thể coi nó là hằng số trong quá trình phát triển về mặt chính trị.


Nền tảng của trật tự chính trị không phải là lòng trung thành mà là hoạt động của các định chế của chính quyền và luật pháp. Khi pháp luật được tôn trọng thì lòng trung thành giữ vị trí mà nó đáng phải giữ, nó điều tiết mối quan hệ giữa những người làm việc trong khuôn khổ của một hệ thống quyền lực. Nhưng nếu pháp luật chỉ có vai trò thứ yếu, nếu pháp luật được tuyên xưng một cách chính thức nhưng trên thực tế lại không được áp dụng thì lòng trung thành sẽ chiếm vị trí thứ nhất, thay cho pháp luật. Trên thực tế, nó chính là luật pháp. Xã hội phải trả giá bằng tệ tham nhũng và sự thối rữa của các định chế chính trị.

Xin giải thích lại một lần nữa: lòng trung thành điều tiết các mối qua hệ giữa những người ở trong, làm trong và hoạt động trong một hệ thống quyền lực (công ty). Không có lòng trung thành thì không đơn vị nào, không chính phủ nào và không cơ quan hành pháp nào có thể hoạt động được. Nhưng, nếu lòng trung thành bắt đầu thay thế cho luật pháp, nếu một nhóm người được hưởng những điều kiện đặc biệt, khi luật pháp không được đụng tới họ thì ta thấy có sự phân rã – cả chính quyền lẫn xã hội. Trong trường hợp này, thay thế cho lòng trung thành, một tác nhân cần thiết cho sự hoạt động của bộ máy nhà nước, thì ta lại thấy chứng phì đại của các mối quan hệ cá nhân trong hệ thống quyền lực, lại thấy tình hình là các mối quan hệ đó quyết định tất cả các thông số của hệ thống.

Các chế độ đang sụp đổ trong thế giới Arab thể hiện rất rõ điều này. Ở những đất nước đó, pháp luật chẳng có vai trò gì, tất cả đều được xây dựng trên lòng trung thành của băng đảng cầm quyền (gia đình). Kết quả là đến một lúc nào đó xã hội không còn coi những quan hệ đó là bình thường và có thể đáp ứng được xã hội nữa. Xã hội bắt đầu đứng lên chống lại chúng, vì thực chất đây chính là quan hệ tham nhũng. Và xã hội lật đổ những nhà cầm quyền xây dựng chế độ chỉ dựa vào lòng trung thành trong hệ thống quyền lực mà quên mất xã hội. Các sự kiện này cũng chứng tỏ sự kiện là xã hội thể hiện lòng trung thành với chính quyền trong một giai đoạn phát triển nhất định và sẽ không chấp nhận chính quyền đó khi phát hiện ra rằng nó đã xa rời xã hội và đòi lòng trung thành khi xã hội không thể trung thành được nữa.

Tạp chí Russ.ru: Theo ông, nước Nga đang ở vị trí nào trên con đường lịch sử là chuyển từ lòng trung thành sang luật pháp?

Aleksey Pushkov: Ở Nga từ năm 1917 trở đi pháp luật đã chẳng còn giá trị gì. Nó chỉ là chức năng của ý chí mà thôi. Luật pháp bao giờ cũng nằm ở sân sau của hệ thống các tiêu chuẩn điều tiết các mối quan hệ chính trị và quan hệ của chính quyền với xã hội. Mặc dù thời gian gần đây chúng ta đã nghe nói rằng cần phải thượng tôn pháp luật, nhưng trong đời sống chúng ta lại không được chứng kiến chuyện đó. Có rất nhiều trường hợp ngoại lệ. Người ta còn thông qua cả những đạo luật vi hiến nữa. Thí dụ: nhân viên các cơ quan bảo vệ pháp luật, các điều tra viên và thẩm phán cũng như nhân viên bộ nội vụ có thể lái xe trong tình trạng say rượu. Các cơ quan của Thanh tra an toàn giao thông của Bộ nội vụ không được quyền bắt những người này. Đây là sự vi phạm trắng trợ nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, thậm chí các mối quan hệ không được xây dựng theo nguyên tắc lòng trung thành mà theo nguyên tắc bảo vệ băng đảng. Theo tôi, nước Nga đang tiếp tục đi theo truyền thống được xây dựng dưới thời Bolshevik. Lúc đó người ta gọi đấy là vì mục đích của cách mạng, nhưng trên thực tế đấy là nhằm bảo vệ quyền lợi của băng đảng Bolshevik. Tình hình đã tốt hơn, nhưng không hoàn toàn. Ngay trong nước Nga ngày nay luật pháp cũng thường chỉ có ý nghĩa tuyên truyền.

Tạp chí Russ.ru: Ông có thể nói gì về tình hình khó khăn của giai cấp cầm quyền khi người dân đã không còn trung thành với nhóm tinh hoa nữa?

Aleksey Pushkov: Theo tôi, thứ nhất, không thể nói nhân dân đã hoàn toàn không còn trung thành với chính quyền nữa. Không phải thế. Thứ hai, tình hình phục thuộc trước hết vào chính quyền. Họ không được mở rộng quá mức những mối quan hệ quyền lực và làm thiệt hại cho xã hội. Không được có những bộ trưởng không bị thay thế, không ai có thể đụng đến được, lòng trung thành trong hệ thống quyền lực không được trở thành quan trọng hơn các mối quan hệ với xã hội.

Tạp chí Russ.ru: Khi tiến hành cải cách chính trị thì đa số mà chính quyền có thể dựa vào được hình thành như thế nào?

Aleksey Pushkov: Để tạo được đồng thuận trong xã hội thì chính quyền phải chứng minh được rằng họ nghiêm túc, rằng họ sẵn sàng động viên các nguồn lực và định hướng những cố gắng thực sự nhằm đạt được mục tiêu đề ra, thí dụ như ngăn chặn tham nhũng chẳng hạn. Nếu không làm như thế thì xã hội sẽ bắt đầu lảng tránh chính quyền, không còn tin chính quyền nữa và vào mạng Internet để phản đối. Chính quyền thực hiện những dự án có ý nghĩa xã hội đến mức nào thì xã hội cũng sẽ tin tưởng chính quyền đến mức ấy. Nhưng kết quả phải là thực chứ không phải ảo. Ở ta người ta rất hay lấy ngân sách đầu tư cho những dự án làm lợi cho những người thuộc giới tinh hoa cầm quyền hay các doanh nghiệp lớn, còn xã hội thì không nhìn thấy mối liên hệ giữa các dự án đó và quyền lợi của mình. Chính quyền phải chứng minh rằng các dự án mà họ khởi sự không phục vụ quyền lợi của nhóm người hay băng đảng nào mà phục vụ quyền lợi của toàn xã hội. Đấy là thứ nhất.

Thứ hai: chính quyền phải nhận thức được rằng sự gia tăng quá nhanh số triệu phú và tỉ phú ở Nga không phải là niềm tự hào và không phải là bằng chứng chứng tỏ sức khỏe của nền kinh tế mà ngược lại, là bằng chứng về sự mất cân đối của toàn bộ hệ thống kinh tế và xã hội, cũng có nghĩa là hệ thống quyền lực nữa. Liệu một đất nước mà theo đánh giá của Liên hiệp quốc là đứng thứ 70-72 về mức sống lại có thể giữ vị trí thứ ba, sau Mĩ và Trung Quốc, về số lượng tỉ phú được không? Mà đấy là khi GDP của Nga chỉ bằng một phần mười GDP của Mĩ và hơn một phần ba GDP của Trung Quốc một chút. Không thể xây dựng được xã hội lành mạnh với những mất cân đối đến như thế. Cần phải xây dựng lại hệ thống phân phối tài sản xã hội cho phù hợp, trong đó có hệ thống thuế khóa.

Thứ ba. Muốn thành lập được một đa số ổn định thì chính quyền phải coi cuộc đấu tranh chống tham nhũng là một trong những ưu tiên chủ yếu của chính sách của mình. Nếu bộ máy quản lí cảm thấy rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng được tiến hành một cách nghiêm túc thì nó sẽ có thái độ khác. Muốn hình thành một đa số ủng hộ chính quyền thì không cần phải dộng vỡ cái cửa đã mở rồi – cánh cửa đâu có đóng. Hãy thành lập xã hội pháp quyền, nơi mọi công dân đều thấy mình là người được bảo vệ, chứ không phải là đối tượng của những hành động độc đoán, nơi mỗi công dân đều thấy rằng đại diện của chính quyền và nhân viên bảo vệ pháp luật mà phạm pháp thì cũng bị đưa ra tòa chứ không đơn giản là cho thôi việc và xử lí nội bộ, lúc đó sẽ có một đa số như thế.

Tạp chí Russ.ru: Theo ông thì những vấn đề như thế có nằm trong cương lĩnh tranh cử tổng thống hay không, khi mà chỉ còn một năm nữa là đến kì bầu cử?

Aleksey Pushkov: Theo tôi, các cương lĩnh tranh cử hiện đã không còn ý nghĩa gì nữa và không phải là tác nhân thu hút sự ủng hộ của dân chúng nữa rồi. Tác nhân thu hút chủ yếu là hành động thực tế. Cho đến nay chúng ta cũng chưa biết người ta đã làm gì với tay nhân viên điều tra đã thả năm kẻ bị tình nghi trong vụ giết ông Egor Svidirov, mặc dù chính quyền đã hứa là sẽ báo cáo với xã hội và sẽ trình bày các biện pháp mà họ đã thực hiện. Đấy là thái độ bàng quang đáng bị đưa ra tòa, hay như tổng tống Medvedev ngụ ý là tham nhũng?  Đã ba tháng rồi, và chúng ta nghe thấy gì? Chẳng có gì hết. Cương lĩnh chẳng có ý nghĩa gì, nếu xã hội không nhìn thấy đằng sau nó những mong muốn cải cách cụ thể, không nhìn thấy những hành động của thể. Chỉ có thể đoàn kết xã hội trên cơ sở hành động chứ không phải trên cơ sở cương lĩnh. Theo tôi, từ tổng thống cho đến người thợ mỏ ở Vorkuta đều biết cần phải làm gì. Xã hội chờ đợi các hành động chứ không phải cương lĩnh.

Bài phỏng vấn do Ksenia Kolkunova thực hiện


No comments:

Post a Comment