Lần cuối cùng tôi nhìn thấy Hiers là trên một cách đồng lúa ở Việt Nam. Lúc đó anh mới có 19 tuổi và là một chuyên viên điện đài rất khéo léo nhưng ngang bướng đến phát tức lên được. Suốt mấy tháng ròng, chúng tôi ít khi xa nhau đến nửa bước. Thế rồi một hôm anh đi về nhà và phải mười lăm năm sau, tại buổi gặp mặt các cựu chiến binh được tổ chức hồi mùa đông vừa rồi ở Washington, chúng tôi mới vô tình gặp lại nhau. Vài tháng sau tôi có đến thăm gia đình anh ở Vermont. Anh và vợ, cô Susan, có một nhà nghỉ qua đêm ở đấy. Buổi sáng đầu tiên chúng tôi dậy từ lúc rạng đông vì phải đỡ đẻ cho một con thỏ mẹ, nó sinh được năm chú thỏ con. Hiers làm một cái ổ bằng lông thỏ và rơm và treo bên trên một bóng đèn để chống rét cho chúng.
“Người ta không hiểu”, Hiers vừa nhặt mấy chú thỏ con và đặt vào ổ vừa nói, “rằng chiến tranh ở Việt Nam có bao nhiêu là chuyện lí thú. Tôi thích. Tôi thích chiến tranh, nhưng tôi không thể nói chuyện đó với ai”.
Hiers thích chiến tranh. Còn trên đường trở về từ Vermon, lái xe giữa cơn bão tuyết, trong khi các con tôi đang ngủ trên ghế sau, tôi tự nhủ rằng trong những năm đó tôi cũng thích chiến tranh, thích hơn là tôi vẫn tưởng. Tôi căm thù chiến tranh nữa. Dù bạn hỏi tôi hay hỏi bất kì người nào từng ra trận về trải nghiệm của anh ta thì có nhiều khả năng là chúng tôi cũng sẽ nói rằng chúng tôi không muốn nói đến nó – hàm ý rằng chúng tôi rất căm thù nó, chiến tranh thật là kinh khủng, chúng tôi chỉ muốn chôn chặt trong lòng. Đàn ông căm thù chiến tranh, chuyện đó không có gì lạ. Chiến tranh là xấu xa, kinh khủng, độc ác và đấy là lí do để người ta căm thù chiến tranh. Nhưng tôi tin rằng đa số những người đã từng ra trận sẽ công nhận, đấy là nói những người trung thực, rằng ở đâu đó trong tâm hồn, họ cũng thích chiến tranh, thích như thích bất cứ thứ gì đã từng xảy ra với họ trước và cả sau đó nữa. Làm sao bạn có thể giải thích chuyện đó cho vợ bạn, con bạn, cha mẹ hay bạn bè của bạn?
Đấy là lí do vì sao những cụ già sáu bảy mươi tuổi đang ngồi trong các phòng trà hay phòng tập thể dục trên khắp nước Mĩ vẫn đang nói rằng trong đời họ không gì có thể so sánh được với những ngày họ nhảy dù xuống St. Lo hay tấn công các hầm ngầm ở Okinawa. Đấy là lí do vì sao những buổi gặp mặt của các hội cựu chiến binh bao giờ đầy vẻ lúng túng, buồn và tràn đầy nước mắt: họ đã đoàn tụ, đây là những người đã từng là anh em với nhau, nhưng bây giờ đã không còn là những người cũ nữa, không bao giờ như thế nữa. Đấy là lí do vì sao sau khi trở về từ Việt Nam chúng tôi trở thành những những người chán nản, bơ phờ, chẳng còn quan tâm đến vấn đề gì hay đến ai nữa. Một cái gì đó đã vĩnh viễn ra khỏi cuộc đời chúng tôi và không thể nào giải thích được cách hành xử của chúng tôi, đấy là cách cư xử của những người đã để mất, có thể là, một mối tình vĩ đại nhất trong cuộc đời họ, nhưng họ lại không thể nói với ai chuyện này.
Một phần là vì chúng tôi không thể mô tả được cảm xúc của mình: những tính từ, danh từ, động từ và trạng từ của ngôn ngữ đời thường dường như được tạo ra cho một thế giới khác vậy. Không có phép ẩn dụ nào có thể liên kết chiến tranh với cuộc sống đời thường. Nhưng tôi ngờ rằng chúng tôi trở thành những kẻ câm nín còn vì xấu hổ nữa. Mọi thứ trong nền giáo dục của chúng ta đều không thừa nhận khả năng yêu thích chiến tranh. Đấy chỉ có thể được coi là cái ác không thể tránh được, một nhiệm vụ đối với tổ quốc mà ta phải thực hiện, rồi quên đi. Thích chiến tranh nghĩa là chế giễu ngay những giá trị mà chúng ta chiến đấu. Thật là nhẫn tâm, phản động và tàn bạo.
Nhưng ỉm những lí do làm cho người ta thích chiến tranh, thay vì chấp nhận chúng, có thể là tai hoạ đối với cả các cá nhân lẫn các dân tộc. Trong bộ phim Apocalypse Now Robert Duvall, đóng vai đóng vai lữ đoàn trưởng, trong khi đang quan sát một trận đánh đặc biệt kinh khủng đã buồn bã nói: “Anh biết đấy, một ngày nào đó cuộc chiến này rồi sẽ chấm dứt”. Anh ta rõ ràng là một kẻ tâm thần, một kẻ mang quân bài rải lên xác quân thù và chơi nhạc Wagner trước khi ra trận. Chúng ta đã chế nhạo, Này! Làm gì có ai thích chiến tranh! Thế mà năm ngoái, những chàng thanh niên Mĩ lao vào trận đánh mà vẫn chơi nhạc của Wagner, thế hệ mới bắt chước phim về chiến tranh Việt Nam hệt như chúng tôi bắt chước phim về Chiến tranh thế giới thứ hai vậy, chẳng học được gì. chẳng nhớ chuyện gì.
Alfred Kazin viết rằng chiến tranh là điều kiện mà con người phải chịu đựng trong thế kỉ XX. Nhưng ông chỉ đúng một phần. Chiến tranh là điều kiện, là một giai đoạn, mà con người phải chịu đựng con người. Người ta đánh nhau vì bất cứ chuyện gì, từ cô Helen thành Troy cho đến cái tai của Jenkins (ý nói cuộc chiến tranh giữa Anh và Tây Ban Nha từ năm 1739 đến năm 1748 – ND). Hai triệu người Pháp và Anh đã chết trong những chiến hào bẩn thỉu trong Chiến tranh thế giới thứ nhất chỉ vì phát súng của một cậu sinh viên bắn vào một vị hoàng tử. Sự thật là, lí do chẳng có ý nghĩa gì. Bao giờ cũng có lí do để người ta đánh nhau và người ta có thể đánh nhau vì bất kì lí do gì.
Hàng thế kỉ người ta đã hi vọng rằng sẽ có tiến bộ, và khi đã tiến bộ thì sẽ có hoà bình. Nhưng tiến bộ chỉ cung cấp cho người ta những phương tiện đánh nhau còn khủng khiếp hơn, không có cuộc chiến tranh nào trong thời quá khứ dã man có thể so sánh được về mức độ tàn bạo với những cuộc chiến tranh trong thế kỉ này, so sánh được với những cuộc chiến tranh diễn ra trên đất châu Âu văn minh và ngăn nắp, nơi ai cũng biết đọc biết viết và nhạc cổ điển được chơi trong mọi quán café trong những vùng vùng thôn dã. Chiến tranh hoàn toàn không phải là sự lầm lẫn, nó là một phần của chủng tộc, là một người loạn trí trong gia đình mà chúng ta muốn nhốt dưới tầng hầm, nhưng không được.
Xin lấy tôi làm thí dụ. Tôi không phải là người hung bạo. Ngay từ những năm cấp I tôi cũng không đánh nhau. Không những là một người vô tư lự, tôi không thích cảnh máu chảy, không giết hại các con vật, cá, thậm chí cả côn trùng. Tôi hài lòng với cuộc sống, với công việc hàng ngày của mình. Tôi đang là cha của mấy đứa con, một người đang giúp tạo dựng cuộc sống và dĩ nhiên là kẻ thù tự nhiên của chiến tranh. Tôi đã nhìn thấy những tai hoạ mà chiến tranh gây ra với con trẻ, chiến tranh biến chúng thành những kẻ giết người hay là những người bị giết, cướp đoạt cha mẹ, nhà cửa và cuộc sống ngây thơ của chúng, để lại những vết thương cả trên thân thể lẫn trong tâm hồn chúng.
Trong phần lớn thời gian tham chiến ở Việt Nam tôi đã đi qua những khu rừng rậm và đồng lúa mà không hề hấn gì, nhưng tôi đã nhìn thấy quá nhiều cảnh tượng của chiến tranh cho nên tôi chẳng bao giờ muốn đánh nhau nữa và sẽ làm hết sức mình để các con tôi không phải ra trận. Thế thì tại sao trong những giờ phút rỗi rãi nhất – khi tôi đang ngồi giữa một buổi hội họp, khi tôi đang đi mua vài thứ lặt vặt hay giữ một chiều hè, khi chiều đã tà và các con đang chơi quanh tôi – tâm tưởng của tôi lại quay về với cuộc chiến tranh diễn ra cách đây 15 năm, một cuộc chiến tranh mà tôi không tin và cũng chẳng muốn chiến đấu? Tại sao tôi lại cảm thấy nhớ?
Tôi nhớ vì tôi yêu, yêu một cách lạ lẫm và bất an. Khi tôi nói về tình yêu chiến tranh, tôi không có ý nhắc đến quan niệm lãng mạn về chiến tranh mà các thế hệ bị thôi miên trước kia đã dạy cho Walter Scott. Chẳng còn lại gì nhiều trên bùn đất ở Verdun và Passchendaele: danh dự và vinh quang không thể chống lại được súng đại bác. Cũng không phải là sự an lạc của tinh thần tử đạo đã đưa các chàng trai Iran chỉ được trang bị gậy gộc lên đường chống lại xe tăng của Iraq. Tôi cũng không có ý nói đến sự cuồng loạn có thể bóp nghẹt cả một đất nước, như kiểu báo chí Anh đã kích động sự thèm khát ẩn chứa dưới vẻ ngoài lạnh lùng của người Anh trong cuộc chiến tranh ở Falklands. Đấy là cuộc chiến tranh của người khác, là thú vui được tham gia mà không có bất kì mạo hiểm nào, là sự khát máu của đám đông. Sự thèm khát đó có thể dễ dàng được kích động, ngay cả cuộc xâm lăng hòn đảo Grenada bé tí cũng có thể làm được như thế. Giống như mọi sự thèm khát khác; khi còn hiện hữu, nó có thể chế ngự mọi thứ khác; mọi vấn đề khác của đất nước đều bị bỏ qua, đấy là hiện tượng mà từ khi có nền văn minh các vua chúa, những nhà độc tài, những vị tổng thống thường lợi dụng.
Tôi không nói về chiến tranh như một sự nghiện ngập, một sự cuống quít mà những kẻ nghiện chiến tranh thường mắc; không nói về những tên lính điên rồ, những kẻ gửi về quê cho bạn gái những cái tai kẻ thù mà chúng vừa cắt được; không nói về những phi công liệt dương, không thể cương được nếu ngày hôm đó chưa cắt được bình xăng phụ trên chiếc F-4 của chúng. Và cuối cùng, tôi không nói về tình cảm của những người đàn ông thế hệ chúng tôi, nhưng chưa từng ra trận và bây giờ đang cảm thấy tiếc nuối một cái gì đó đã bị họ bỏ qua, tiếc nuối trải nghiệm mang tính kinh điển của đàn ông, tôi không nói về tình cảm của những người đàn bà không con giờ đây đang lo lắng về việc đã bỏ qua một cái gì đó thuộc về bản chất của đàn bà, một cái gì đó mà họ đã không đánh giá đúng khi còn có thể cứu vãn được.
Tôi nói về việc tại sao những người đàn ông đầy lí tính, biết yêu thương lại có thể thích chiến tranh ngay cả khi họ hiểu và căm thù nó.Tương tự như bất cứ mối tình nào, tình yêu chiến tranh được hình thành trên những lí do phức tạp và nhiều khi mâu thuẫn với nhau. Một số có thể được đem ra thảo luận một cách vô tư; số khác ẩn sâu trong lòng, có thể làm ta rối trí. Trước hết, xin trình bày một số lí do căn bản.
Người ta thích chiến tranh một phần vì đấy là một trải nghiệm cực kì mãnh liệt; nó hấp dẫn là vì con người có ham muốn được chứng kiến, được nhìn thấy các sự kiện, đấy là cái mà Kinh Thánh gọi là tham đắm của con mắt, còn lính thủy đánh bộ ở Việt Nam thì gọi là làm tình bằng mắt. Chiến tranh làm cho thời gian ngừng lại, chiến tranh đẩy cảm xúc tới điểm thăng hoa đầy kinh hoàng. Đấy là mặt tối của giây phút say mê được nói tới trong Tụng ca bình hài cốt Hi Lạp: “An nghỉ đời đời trong ấm êm và lặng lẽ/Mãi mãi nhiệt tình, mãi mãi trẻ trung”/ Chiến tranh mang đến cho người ta biết bao trải nghiệm kì lạ, không thể tin được là nó lại xảy ra trong đời.
Nhiều người sợ tự do, chiến tranh giải toả được nỗi sợ đó. Giống như một người cha nghiêm khắc, chiến tranh đưa ra mệnh lệnh và kỉ luật, vừa an toàn vừa thúc đẩy người ta đứng lên chống lại chúng. Cú đi trưng dụng đồ lúc nửa đem là một thí dụ. Tôi còn nhớ một cuộc đột kích được lên kế hoạch tỉ mỉ và thực hiện một cách rất cẩn trọng nhằm chống lại kẻ thù chính của chúng tôi – đây là quân đội Mĩ chứ không phải quân Bắc Việt – để lấy những chiếc chăn mỏng, mỡ bò lau súng, tủ lạnh và máy điều hoà nhiệt độ cho văn phòng. Để tránh cảnh sát Việt Nam, chúng tôi buộc khăn trải giường vào nhau và leo xuống từ tầng thượng của một nhà thổ, và một anh bạn, anh này hiện là một quan chức cao cấp trong Bộ ngoại giao, phải quấn một tấm thảm quanh người và cứ thế trần truồng đi về doanh trại cách đó sáu dặm, trong khi chúng tôi được xe tải chở về từ trước rồi. Như vậy là chiến tranh vừa cướp đi tuổi trẻ của chúng tôi vừa tạo điều kiện cho chúng tôi chơi những trò chơi của thanh niên.
Chiến tranh làm mất đi những cảnh nhàm chán của đời thường và cung cấp cho ta sự rõ ràng minh bạch đến kì lạ. Trong chiến tranh bạn biết rõ ai là thù, ai là bạn và được trang bị để ứng xử với cả hai (Nhân tiện xin nói thêm rằng đấy là một trong những vấn đề lớn nhất của cuộc chiến Việt Nam: thật khó phân biệt bạn thù – nó rất giống với Đời Thường).
Chiến tranh là sự trốn chạy khỏi cuộc sống đời thường, để bước vào một thế giới đặc biệt, nơi những mối ràng buộc chúng ta với những trách nhiệm đời thường – ràng buộc với gia đình, cộng đồng, công việc, biến mất hoàn toàn. Trong chiến tranh, mọi thứ đều có thể. Đấy là biên giới nằm ngoài mọi sự giàn xếp, đấy là Las Vegas. Người thành công trong thời bình chưa chắc đã thành công trong thời chiến, còn kẻ không may trong thời bình có thể làm nên trên chiến địa. Ông U. S. Grant, từng bán củi trên đường phố St. Louis, sau đó bốn năm trở thành người chỉ huy quân đội Mĩ là thí dụ điển hình nhất, mặc dù tôi biết khá nhiều lính thuỷ đánh bộ Mĩ từng là những chiến binh vĩ đại nhưng lại không có khả năng thích ứng với cuộc sống đời thường.
Tôi còn nhớ Kirby, một anh chàng gày trơ xương, có hàng chữ JUST YOU AND ME LORD xăm trên vai. Kirby xin tăng thời hạn phục vụ ở Việt Nam lên gấp đôi. Từ lâu anh ta đã không còn gắn bó với bất kì tổ chức nào và sống một mình trong những khu vực đặc biệt nguy hiểm, trên người chỉ có chiếc quần dã chiến nhàu nát, với khẩu súng lục giắt ngang hông, đôi vai và những cánh tay gày nhẳng của anh ta đen chẳng khác gì cột nhà cháy.
Một lần đơn vị tuần tra của chúng tôi tìm thấy anh ta nằm trên nền một căn lều hoang, cánh tay bị thương và đang được một cô gái mặc quần áo bà ba đen chăm sóc.
Anh ta hỏi xin tôi thuốc lá và nhìn tôi xem có đáng để anh ta kể chuyện về mình hay không. “Tớ dừng lại để tìm mấy quả xoài, trời vẫn sáng, thế mà ở đó lại có ba thằng sĩ quan Bắc Việt, quân phục đàng hoàng. Họ trải tấm bản đồ lên mặt bàn đầy dầu mỡ, rồi vừa nhìn vào bản đồ vừa bước vào nhà. Họ nhìn vào tôi. Tôi nhìn vào họ. Họ rút súng 9 li ra, còn tôi thì rút khẩu colt 45.
“Thế à?”, tôi đáp. “Rồi sau thế nào?”
“Tôi để xổng bọn đó”, vừa nói anh ta vừa bặt quẹt châm thuốc lá. Ngay ngày hôm sau trên đường đi kiếm xoài anh ta đã giết chết ba người.
“Quay lại cuộc sống đời thường thế nào đây”, tôi hỏi anh ta. (Anh ta không quay lại được. Mấy tháng sau một cô bé Việt Cộng mới mười tuổi đầu đã làm anh ta nổ tung bằng một cái bẫy mìn).
Chiến tranh là một trò chơi dã man, chết chóc, nhưng là trò chơi tuyệt vời nhất. Mà con người thì thích trò chơi. Bạn có thể trở về từ cuộc chiến, bị thương tật cả về tinh thần lẫn thể xác, hoặc không quay về. Nhưng nếu bạn trở về thì toàn bộ hành trang bạn mang theo sẽ là hiểu biết về phần tâm hồn của chính bạn mà ở đa phần những người đàn ông khác, đấy vẫn là khu vực chưa được khám phá. Tôi chưa nghiên cứu một cái gì phức tạp và đầy sáng tạo như là chiến thuật tác chiến của các đơn vị nhỏ ở Việt Nam. Không có môn thể thao nào tôi từng chơi có thể gợi cho tôi nhận thức về những giới hạn cả về sức lực lẫn tinh thần của chính mình sâu sắc đến như thế.
Một đêm, sau khi tôi tới Việt Nam chưa lâu, một lần đứng gác tôi nghe thấy địch quân đang di chuyển. Tôi lập tức thấy khô hết cả cổ họng. Tôi không thể nói được, không thể thốt nên lời. Thần kinh tôi như bị xoá sạch, như thế cái nút chặn nó đã bị rút ra rồi vậy – tôi chỉ nghe thấy tiếng ù ù buồn tẻ truyền khắp cơ thể, một rung động nhẹ truyền khắp cơ thể như dòng điện đi trên dây vậy. Sau khoảng một phút tôi mới thốt nên lời, trong khi Hiers ra lệnh cho chỉ huy đơn vị, gọi pháo binh và không quân trợ giúp. Tôi sợ, tôi xấu hổ và tôi không thể đợi cho nó xảy ra một lần nữa.
Nguồn: “Why Men Love War”, Esquire, November 1984.
No comments:
Post a Comment