Phạm Nguyên Trường dịch
Các chính trị gia và kinh tế gia hứa hẹn kinh tế phát triển, phồn vinh và mức sống ngày một cao hơn. Nhưng những khái niệm này có nghĩa là gì? Liệu có tồn tại một hệ thống tiêu chí cho phép dân chúng của một nước hay của toàn thế giới đánh giá xem là những sáng kiến trong lĩnh vực khoa học kĩ thuật hay chính trị (và tài chính) có thực sự đem lại lợi ích và làm gia tăng của cải hay không? Làm thế nào xác định được rằng việc áp dụng một sáng kiến trong lĩnh vực tài chính, việc thay đổi chiến lược của công ty hay thay đổi chính sách của chính phủ sẽ làm cho xã hội tốt lên hay xấu đi?
Câu trả lời là: giá thị trường của các công ty tư nhân (giá cổ phiếu và nợ nần) cộng với giá thị trường trái phiếu của chính phủ là tiêu chí đánh giá tốt nhất - với điều kiện là thị trường tài chính đã phát triển và minh bạch. Tổng giá trị gia tăng cũng có nghĩa là xã hội có khả năng tạo ra lợi nhuận và trả được nợ nần – nhà nước hay tư nhân thì cũng thế. Ngược lại: tổng giá trị (tính theo một đơn vị tương đối ổn định chứ không phải tính theo đơn vị tiến tệ của nước đó) giảm thì nhân dân sẽ cho biết ngay rằng chính phủ hay ban quản trị các công ty đã thực hiện hoặc theo đuổi những quyết định sai lầm. Nguyên nhân rất đơn giản: Các thị trường tài chính đã phát triển và tương đối tự do ngăn chặn, không cho phép kéo dài chính sách sai lầm. Như vậy là, thị trường nhanh chóng chuyển hướng đồng vốn và bảo đảm rằng đồng vốn và những khoản tiết kiệm của người dân sẽ được sử dụng một cách hữu hiệu.
Tài sản đi về đâu khi tổng giá trị thị trường nói đến bên trên giảm? Không có câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi này. Đồng vốn và người dân càng ít năng động thì giá trị bị giảm đi càng có thể được coi là mất mát ròng. Những tác nhân vốn được coi là có giá trị vĩnh viễn như sự cần cù và tinh thần sáng tạo của người dân trở thành vô nghĩa. Càng có nhiều sai lầm thì hậu quả lại càng kéo dài. Sự sụt giảm tổng giá trị thị trường thể hiện sự giảm sút niềm tin vào lợi tức trong tương lai (vì sai lầm nào cũng phải trả giá). Kinh tế phát triển và khả năng trả nợ cũng có nghĩa là sẽ có lợi tức trong tương lai. Nhưng khi đồng vốn và người dân năng động thì tài sản mất đi ở nước này sẽ xuất hiện ở các nước khác.
Một trong những thí dụ tốt nhất minh hoạ cho luận điểm này là tài sản do những người nhập cư[1] tạo ra trong suốt chiều dài của lịch sử loài người. Đấy là những người Armenian, người Hoa, người Huguenot[2], người Do Thái cũng như những người di cư nghèo khổ châu Âu (chẳng có mấy người giàu có rời bỏ châu Âu) khi xâm chiếm các châu lục khác. Người di cư buộc phải rời bỏ quê hương bản quán vì điều kiện chính trị hoặc luật pháp quá ngặt nghèo. Chúng ta hãy cùng xem xét một cách sơ lược vấn đề làm sao mà việc di cư những người tài năng nhất và có nghị lực nhất lại tạo ra ở một số nước các kì tích kinh tế.
Tác nhân của các kì tích kinh tế
Các nước nghèo đột nhiên trở thành giàu có, vượt lên trên các nước khác, tạo sự thán phục, ghen tị và những cuộc thảo luận không bao giờ dứt về việc vì sao những nước đi trước bị vấp váp mà những nước kia lại vượt lên được. Các nước có nhiều dầu mỏ ở Trung Đông không tạo ra những cuộc tranh luận như thế vì họ cũng giống như những người tìm được kho báu. Nhưng làm sao các xã hội không những không có tài nguyên thiên nhiên mà thậm chí còn trải qua hiểm hoạ lại có thể làm được những điều thần kì như thế? Các nước khác có thể học tập kinh nghiệm và đạt được tốc độ phát triển cao như thế hay không?
Trong thế kỉ XVII kì tích kinh tế không xảy ra ở Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha – hai nước này đều thuộc loại “vớ được kho báu” – mà xảy ra ở Amsterdam, Hà Lan, một nước nằm dưới mặt nước biển và giàu lên, bất chấp các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Sau này, Tây Đức cũng phát triển với một tốc độ thần kì ngay trên đống tro tàn của Chiến tranh thế giới II. Một số nước châu Á như Hồng Công và Singapore cũng tạo ra những kì tích đáng chú ý. Còn một thí dụ nữa, đấy là Scotland, một kì tích suýt bị lãnh quên nhưng có thể cho ta nhiều bài học đặc biệt giá trị.
Các kì tích kinh tế này có điểm nào chung? Hà Lan là nước cộng hoà đầu tiên ở châu Âu có thái độ khoan dung với các tôn giáo (trong khi các nước khác vẫn còn thái độ kì thị với một số tôn giáo) và những bảo đảm về quyền sở hữu tài sản, tạo điều kiện cho thương mại và sáng kiến trong lĩnh vực tài chính phát triển một cách tương đối tự do.
Nhưng sẽ là sai khi nói rằng người Hà Lan làm được chuyện đó. Nhờ sự cởi mở mà nước cộng hoà mới được thành lập đã thu hút được các thương nhân và những người “buôn tiền” (các chủ nhà băng ở miền Bắc nước Ý) có học và có quan hệ rộng tới Amsterdam – trong số đó bao giờ cũng có người Do Thái và người Huguenot, tức là những người bị cả châu Âu kì thị. Họ đã giúp đưa Amsterdam trở thành trung tâm thương mại và tài chính của thế giới. Thị trường cổ phiếu đầu tiên được thành lập ở đây, người Pháp, người từ Venise, từ Florence và từ Genoa, cũng như người Đức, Ba Lan, Hungaria, Tây Ban Nha, Nga, Thổ Nhĩ Kì, Armenia, Ấn độ, không chỉ mua bán trên thị trường cổ phiếu mà còn mua bán trên thị trường “phái sinh” phức tạp (sophisticated deriviatives) nữa.
Phần lớn số vốn trao đổi trên thị trường Amsterdam là thuộc sở hữu của người ngoại quốc hoặc người Amsterdam nhưng sinh ra ở nước ngoài. Đây chính là “quá trình toàn cầu hoá” trong thế kỉ XVII, dù không có ai sử dụng khái niệm này. Khác nhau chủ yếu giữa thời đó và ngày hôm nay dĩ nhiên là ở tốc độ của thông tin. Max Weber không thèm quan tâm đến hiện tượng di dân khi ông kết luận rằng tôn giáo - đạo đức Tin Lành – đã giúp cho Amsterdam phát triển một cách thần kì như thế[3]. Mặc dù ý tưởng của Weber được người ta trích dẫn nhiều đến nỗi đã trở thành sự kiện đương nhiên, nhưng đấy là ý tưởng sai lầm không chỉ đối với Amsterdam mà còn đối với bất cứ thành phố hay quốc gia buôn bán phát đạt nào khác. Chính những nhà buôn nhập cư có học và có nhiều tham vọng, có liên hệ với các bạn hàng trên khắp thế giới đã tạo ra trong thế kỉ XVII ở Amsterdam điều kì diệu đó. Đấy cũng là những tác nhân đằng sau những kì tích kinh tế trong các quốc gia khác.
Lịch sử phát triển của Hamburg, Hồng Công, Singapore, Đài Loan và Tây Đức có nhiều điểm chung với Amsterdam, nhưng đấy là những thành phố hay những nước theo các tôn giáo khác nhau. Nhưng trong tất cả các trường hợp nêu trên, chính phủ đều bảo đảm pháp luật và trật tự, thuế suất tương đối thấp, động viên dân chúng tham gia làm ăn - đấy chính là biện pháp thu hút người nhập cư và doanh nhân từ khắp thế giới.
Đầu thế kì XIX, Sir Stamford Raffle (1781 – 1826) lập ra thành phố cảng Singapore và củng cố nó bằng một hệ thống hành chính, pháp luật phù hợp, cũng như hệ thống giáo dục mở rộng cửa cho mọi sắc tộc ở đây. Sự phát triển của thương mại trong điều kiện an ninh được bảo đảm đã mang lại phồn vinh cho những người nhập cư nghèo khổ từ Indonesia và đặc biệt là từ Trung Quốc. Đài Loan (sau thế kỉ XVII), Singapore và Hồng Công đã dành cho người nhập cư cơ hội mà họ không được hưởng ở Trung Quốc vì nước này lúc đầu thì bị các sứ quân, sau đó đến các quan chức quan liêu rồi bộ máy của đảng cộng sản cai trị. Sự phát đạt của Hồng Công là do có mấy làn sóng di dân liên tiếp từ Trung Quốc, đặc biệt là các nhà buôn và các nhà tư bản tài chính xuất thân từ Thượng Hai sau khi Mao Trạch Đông “giải phóng” Trung Quốc vào năm 1949 - giống như sự phát triển của Amsterdam khi các nhà buôn và các nhà tư bản tài chính chạy khỏi bán đảo Iberia, khi những người Huguenot chạy khỏi nước Pháp và khi người Do Thái rời bỏ nhiều nước châu Âu để đến Hà Lan vậy.
Công nghiệp dệt và vận tải đường biển phát triển là nhờ những người nhập cư từ Thượng Hải. Ngoài ra, họ còn thiết lập được mạng lưới liên kết các nhà buôn, các nhà tư bản tài chính và các nhà sản xuất lại với nhau - giống như người Do Thái, người Ý, người Armenia, người Parsee[4] và những nhóm di dân khác đã làm ở những khu vực khác trên thế giới trong suốt chiều dài của lịch sử.
Kế hoạch Marshall
Kì tich kinh tế của Tây Đức sau Chiến tranh Thế giới II cũng phù hợp với xu hướng này, mặc dù người ta thường gán thành tích của Đức với kế hoạch Marshall. Ảnh hưởng của số tiền viện trợ đã bị thổi phồng một cách quá đáng. Các nhà sử học và các nhà kinh tế học (sống bằng tiền của nhà nước) rất có tài trong việc tạo ra và cấy vào đầu óc người ta đủ loại huyền thoại. Một thời họ tạo ra huyền thoại mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa, giải thích một cách sai lầm rằng kì tích kinh tế là do tài năng của dân chúng sống trong các đường biên giới quốc gia đó. Lúc khác họ lại đưa lên mây xanh vai trò của viện trợ nước ngoài. Cả hai loại huyền thoại này đều nhằm biện hộ cho việc gia tăng quyền lực của chính phủ.
Theo tính toán của các nhà kinh tế học, trong giai đoạn từ năm 1948 đến năm 1950 viện trợ của kế hoạch Marshall chiếm từ 5-10% tổng sản phẩm quốc gia (GNP) của các nước Âu châu, tuy nhiên con số này cũng chưa hẳn là chính xác. Trong thống kê của các nước Âu châu thời đó thu nhập quốc dân thường bị đánh giá thấp vì không tính được nền “kinh tế ngầm” rât phát đạt mà nguyên nhân là do chính sách điều tiết giá cả và thuế khoá như ăn cướp. Cũng nên biết rằng sau Thế chiến I đã không có bất kì kì tích kinh tế nào mặc dù các khoản vay và viện trợ cũng chiếm khoảng 5% GNP của châu Âu. Mặc khác, sau Thế chiến II cả thế giới đều giảm hàng rào thuế quan trong khi sau Thế chiến I thì không. Như vậy nghĩa là kì tích kinh tế chủ yếu là do giảm thuế chứ không phải là viện trợ từ nước ngoài.
Vậy đâu là chất xúc tác cho kì tích kinh tế của Tây Đức? Từ năm 1945 đến năm 1961 Tây Đức tiếp đón 12 triệu người di cư mà đa số là những người có tay nghề cao. Trong số này có 9 triệu người Đức từ Ba Lan và Tiệp Khắc, số còn lại là những người chạy khỏi “thiên đường cộng sản” Đông Đức. Mặc dù thống kê thời đó không tính đến sự di chuyển của “nguồn vốn con người” nhưng có thể thấy ý nghĩa quan trọng của nó nếu biết rằng tỷ lệ người làm việc so với toàn bộ dân chúng ở Tây Đức trong những năm 1950-1960 cao hơn so với các nước khác: ở Tây Đức là 50%, trong khi ở Pháp là 45%, ở Anh là 40%, ở Mĩ là 42%, còn ở Canada chỉ có 36%. Khi dòng người từ Đông Âu chấm dứt thì lại có làn sóng người có tay nghề cao từ các nước vùng Địa Trung Hải tràn vào. Nói cách khác, kì tích kinh tế của Tây Đức không phải là do viện trợ nước ngoài mà là do các tác nhân đã từng và sẽ còn tạo ra những kì tích tương tự ở những nơi khác: những người nhập cư có tay nghề cao và mức thuế thấp.
Kì tích Scotland
Bài học Scotland, tuy ít khi được sách vở nhắc tới, cũng cho thấy những tác nhân đằng sau kì tích kinh tế của nước này. Năm 1750 Scotland còn là một nước nghéo. Đất đai cằn cỗi, dân chúng mù chữ, chỉ sống bằng nghề nông cho qua ngày đoạn tháng, không có dòng sông nào có thể dùng làm phương tiện vận tải thủy, núi trọc và những dãy đồi đá cản trở mọi phương tiện đi lại khác. Hàng xuất khẩu chủ yếu là thuốc lá đã qua chế biến. Thế mà chưa đến một trăm năm sau Scotland cùng với Anh đã đứng vào hàng ngũ những nước có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới, mức sống của người dân cũng tương tự như ở Anh, trong khi vào năm 1750 đời sống của họ khó khăn hơn nhiều. Người Scotland đã làm như thế nào?
Sau khi liên kết vào năm 1707, Scotland trở thành một phần lãnh thổ của vương quốc Anh. Hệ thống luật pháp, thuế khoá và tiền tệ Anh cũng được áp dụng tại đây, người Scotland cũng được tiếp xúc với thị trường Anh từ đó. Liên minh cũng bãi bỏ nghị viện Scotland, cho mãi đến năm 1885 Scotland vẫn không có một cơ quan quản lí hành chính riêng. Nhưng hoá ra đấy lại là một cái phúc lớn (giống như Hồng Công sau này, nhờ sự cai trị từ xa của Anh mà cũng đạt được thành tựu không kém) vì hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính không phải là phương tiện để chính phủ thi hành chính sách tài chính. Kết quả là thị trường tài chính đã phát triển phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế cá thể.
Đến năm 1810 Scotland đã có 40 ngân hàng độc lập. Quan niệm chung của thời đó là ngân hàng chỉ cho vay khi có bảo đảm bằng hàng hoá trên đường vận chuyển hoặc đang trong quá trình gia công, mà thời hạn cũng không quá 90 ngày. Ngược lại, ngân hàng Scotland cho vay vô thời hạn và không cần thế chấp. Các khoản cho vay của ngân hàng Scotland chính là tiền thân của trái phiếu lãi suất cao với nhiều rủi ro hiện nay (junk bond)
Hối phiếu, tài sản chủ yếu của các ngân hàng ở các nước khác thời đó, lại có rất ít ý nghĩa đối với ngân hàng Scotland. Những khoản vay lớn nhất được giành cho các nhà sản xuất công nghiệp và thương nhân, những người này cùng với hai ba người bảo lãnh chỉ cần kí nhận là đủ. Các nhà băng đã rất phát đạt trong khi vốn dự trữ cực nhỏ và rất ít khi phải làm báo cáo tài chính.
Ông A. W. Kerr, nhà sử học người Scotland, chuyên về lĩnh vực tài chính, đã mô tả tính chất đặc thù của thị trường tài chính của nước này như sau: “Ít bị các nhà làm luật can thiệp, đấy chính là đặc điểm của hệ thống ngân hàng Scotland cho đến năm 1844 và đấy cũng là phúc lớn của đất nước. Nó đã giữ cho hệ thống ngân hàng Scotland thoát khỏi sự điều tiết và hạn chế không cần thiết, tức là thoát khỏi chính những biện pháp đã cản trở và làm méo mó sự phát triển của hệ thống ngân hàng Anh quốc. Ở Scotland, người ta đã tạo điều kiện cho ngân hàng đồng hành với sự thăng tiến của đất nước về tài sản và tri thức. Hơn thế nữa, hệ thống ngân hàng còn có khả năng đưa đất nước vào con đường thịnh vượng và chuyển từ kinh nghiệm thực tế thành hệ thống ngân hàng tự nhiên và lành mạnh. Đấy là điều bất khả thi nếu nó cũng nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước như ở các nước khác trong cùng thời gian đó. Kinh nghiệm Scoltland cho thấy rằng đất nước, bắt đầu từ con số không muốn trở thành thịnh vượng thông qua con đường buôn bán và kinh doanh tài chính, phải không để cho hệ thống thuế khoá gây cản trở và được hệ thống chính trị và pháp lí ổn định che chở. (Xin nhớ rằng Adam Smith cũng là người Scotland).
Trái ngược với Scotland trong giai đoạn này là nước Pháp, cho đến năm 1857 phần lớn các đơn xin thành lập ngân hàng đều bị chính phủ bác bỏ. Chính vụ suy thoái nghiêm trọng trong năm đó đã đưa tới việc tự do hoá các thủ tục thanh lập ngân hàng. Nhưng mãi đến năm 1870 dịch vụ ngân hàng ở Pháp vẫn chưa bằng dịch vụ tương tự ở Scotland hồi đầu thế kỉ XIX, nhà nước vẫn không cho các xí nghiệp công nghiệp nhỏ được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.
Scotland nổi tiếng không chỉ nhờ hệ thống ngân hàng có một không hai, mà còn nhờ ở sự đầu tư vào hệ thống giáo dục nữa. R. H. Robertson, trong bài báo Năng suất lao động của các nhà khoa học Scotland đã đưa ra số liệu như sau. “Các nhà khoa học nổi tiếng” có năng suất lao động cao nhất vào giai đoạn 1800-1850, và giảm rất nhanh từ sau năm 1870. Lí do? Những người tài giỏi nhất bắt đầu di cư và kì tích kinh tế của Scotland cũng chấm dứt từ đấy.
Sự tụt hậu một cách tương đối của Scotland trong thế kỉ XX là do người ta đã chuyển hệ thống giáo dục và ngân hàng theo khuôn mẫu của nước Anh (việc “đồng hoá” hệ thống ngân hàng diễn ra từ năm 1845, nhưng tiến triển chậm). Nếu phần đông những người có tài và có chí đã ra đi, những người ở lại thì khó tiếp cận với ngân hàng hơn, vậy thì còn chờ gì nữa? Không tụt hậu mới là chuyện lạ!
Từ trường hợp Scotland có thể rút ra được cả những bài học khác nữa. Tiết kiệm không phải là điều kiện tiên quyết cho sự thịnh vượng của người Scotland. Họ chẳng có gì mà tiết kiệm. Họ cũng chẳng nhận được một đồng viện trợ nào từ bên ngoài. Nhưng khi có cơ hội và thị trường tài chính phát triển một cách thuận lợi thì họ không chỉ tiết kiệm mà còn biết sử dụng đồng tiến tiết kiệm một cách có lợi nhất. Ờ Scotland, tiến tiết kiệm được đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân, trong khi ở Anh và các nước khác lại được giao vào tay chính phủ (tức là người dân giữ tiền mặt - ND). Người Scotland không cần chính phủ động viên, “máu” kinh doanh của họ đã có sẵn trong huyết quản rồi. Khác với các kì tích kinh tế bên trên, không có nhiều người có tài từ khắp thế giới di cư đến Scotland. Nhưng kì tích Scotland chấm dứt ngay khi những người có tài ra đi, còn thị trường tài chính thì bị kiểm soát chặt chẽ và thuế khoá gia tăng.
Có thể rút ra được những bài học nào?
Người tài thời nào cũng có và ở đâu cũng có. Nhưng ý tưởng mới không làm cho đất nước thịnh vượng được, phải biến ý tưởng thành hàng hoá thì đất nước mới thịnh vượng. Việc biến ý tưởng thành hàng hoá lại phụ thuộc vào thuế khoá và khả năng tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.
Ưu điểm lớn nhất của thị trường tài chính tư nhân là chúng phi tập trung hoá quá trình ra quyết định và kịp thời sửa chữa các sai lầm. Kết quả là xí nghiệp nhỏ nào đáp ứng được thách thức tài chính thì sẽ phát triển. Nếu không, thiệt hại đối với xã hội sẽ rất nhỏ nếu so với sự đổ vỡ của các dự án khổng lồ do nhà nước tài trợ - mà các dự án này lại thường được bơm thêm tiền để không bao giờ bị phá sản.
Việc tiếp tục chi tiền cho các dự án như thế lại được một đội ngũ đông đảo các nhà kinh tế học ăn lương nhà nước - họ chính là những thày trợ tế thời nay - sẵn sàng đưa ra ngay được những lí thuyết “sống sít” nói rằng các nhà quản lí và các quan chức khôn khéo, bất vụ lợi của chính phủ có thể chữa được mọi khuyết tật của thị trường. Kết quả là “tiền thì mất mà tật vẫn mang”.
Có thể là trong tương lai các nhà kinh tế học sẽ tính được một cách chính xác đóng góp vào thành tích ngoạn mục của Mĩ từ những người nhập cư đầy tài năng, đầy tham vọng và có liên hệ rộng sau Chiến tranh Thế giới II đổ vào nước Mĩ từ khắp thế giới, cái thế giới mà trước đó mười năm vẫn có thái độ thù nghịch với sáng kiến và tìm cách giết chết mọi hi vọng. Lúc đó chúng ta sẽ biết việc chuyển dịch cái vốn con người vô giá đó đã giúp khắc phục nhiều sai lầm đắt giá trong chính sách của chính phủ Mĩ như thế nào. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng khi và nếu các nước khác giữ được người tài của họ thì nước Mĩ sẽ không kéo được họ tới để khắc phục các sai lầm của mình nữa.
Các chính phủ có một loạt lựa chọn khi họ muốn tăng tốc phát triển. Một trong số đó là đưa ra gói thuế khoá và lợi nhuận có thể thu hút được người tài và đồng vốn từ nước ngoài. Nhưng vì chính sách này sẽ làm giảm đà tăng trưởng ở những nơi khác nên các nước khác sẽ có biện pháp đáp trả. Cho nên biện pháp hữu hiệu hơn phải là khuyến khích tính năng động của các doanh nhân trong nước. Đấy là giảm thuế thu nhập và giảm thuế lợi tức, điều đó sẽ làm gia tăng nhanh chóng số tiền mà dân chúng sẵn sàng đầu tư vào doanh nghiệp và đẩy nhanh việc tái định hướng đầu tư vào các dự án của doanh nghiệp. Và như thế hiệu quả đầu tư sẽ tăng – sai lầm (và giá phải trả) làm giảm tốc độ phát triển sẽ bị loại bỏ.
Đâu là tiêu chí tốt nhất để nói rằng thịnh vượng đã gia tăng? Dĩ nhiên là không phải con số thống kê của nhà nước, vì đây là cách tính dựa trên phương pháp sai và lỗi thời. Đáng tin cậy nhất chính là sự thay đổi mạnh mẽ giá trị thị trường của chứng khoán hoá (securitization) - được tính bằng đơn vị tương đối ổn định như vàng chứ không phải bằng đơn vị dễ thay đổi như tiến giấy. Đấy là do ý kiến của chính những người đem tiền của mình ra đầu tư là phương tiện dự báo chính xác hơn ý kiến của những người không phải mở hầu bao.
Dĩ nhiên là giá trị nói tới bên trên chưa phải là chỉ số dự báo hoàn hảo. Không có gì là hoàn hảo cả. Nhưng đấy là chỉ số tốt nhất và đáng tin cậy nhất. Nhưng cũng phải nói rằng chỉ số này chỉ có giá trị khi thị trường tài chính đã đi vào “chiều sâu”. Nghĩa là thị trường chứng khoán phải phản ánh được những kì vọng liên quan đến chính sách của chính phủ và của ngân hàng trung ương: luật lệ, chính sách của họ ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty tư nhân. Nếu xã hội có ít nguồn thông tin hoặc thông tin bị kiểm soát hay những người tham gia trên thị trường bị “trói chân, trói tay” thì thị trường chứng khoán không thực hiện được vai trò của mình. Thị trường thiếu “chiếu sâu” là thị trường không có giá trị.
Những nước, vì lí do chính trị, mà thông tin bị cản trở - thí dụ như Tân Hoa xã ở Trung Quốc ngăn chặn thông tin của Dow Jones - nhất định sẽ phải chứng kiến những dao động thất thường của thị trường chứng khoán, giống như thị trường New York cách đây một trăm năm, tức là trước khi Dow Jones phát hành newsletter và báo cáo hàng năm. Trong những trường hợp như thế, cả thị trường chứng khoán lẫn thống kê của chính phủ đều không thể cho ta biết xu hướng phát triển của nền kinh tế cũng như có thịnh vượng hay không. Xin nhớ rằng các nước cộng sản đều phát triển cực kì nhanh, đấy là “trên giấy”, còn những ai đã từng lớn lên dưới chế độ cộng sản đều biết rằng tất cả những con số thống kê đều là dối trá hết.
Giả khoa học về kinh tế vĩ mô
Mặc dù giả khoa học về kinh tế vĩ mô là huyền thoại chứ không phải dối trá, nhưng nó đã để lại những thảm hoạ, nó làm người ta phải choáng váng và gây ra biết bao lầm lẫn. Tại sao nó lại trở thành huyền thoại? Việc nó tập trung chú ý vào các chỉ số gộp (aggregate) của quốc gia đã che dấu một sự thật là có nước thì các con số này phản ánh những thứ mà nhân dân thích, còn ở nước khác thì đấy là những thứ mà nhà cầm quyền và giới quyền uy thích. Ngưới ta đã quên mất rằng khởi kì thuỷ các chỉ số gộp được tính trên cơ sở giả định rằng quan hệ giữa người cầm quyền và công dân là quan hệ trao đổi “dịch vụ’, tương tự như các giao dịch trên thị trường tư nhân vậy. Các mô hình kinh tế vĩ mô, đưa hoạt động của nền kinh tế vào mấy phương trình đơn giản, với “sản lượng” và “đầu ra”, không thể dự đoán được là kinh tế sẽ phát triển hay sẽ dẫn đến thảm hoạ.
Vì trong các phương trình đó người ta đã đem cộng thêm số người làm việc cho chính phủ và “đầu ra” của chính phủ vào các chỉ số tương ứng trong khu vực tư nhân - họ làm thế là có lí do, vì đôi khi chính phủ có lí do chính đáng (tuy không liên quan gì đến kinh tế học vĩ mô) để can thiệp – và sẽ không có gì ngạc nhiên khi chi tiêu của chính phủ tạo ra công ăn việc làm và sản phẩm. Các nhà kinh tế học đã sử dụng những con số này một cách thiếu thận trọng và nhờ sự trợ giúp của các cơ quan thống kê và các viện nghiên cứu, được nhà nước tài trợ một cách hào phóng, họ đã biến cái ý tưởng ích kỉ về mặt chính trị đó thành những cuộc thảo luận “khoa học” và “khách quan” vế các con số và phương pháp thống kê, mà bỏ qua vai trò của các định chế chính trị. Kết quả là kinh tế học vĩ mô đã trở thành một lí thuyết vô hại cho nhà cầm quyền và được giảng dạy ở nhiều trường đại học trên khắp thế giới.
Các sinh viên rồi sẽ trở thành thày giáo và còn tiếp tục tìm hiểu huyền thoại kinh tế học vĩ mô và những ngộ nhận trong các chỉ số gộp. Sau một thời gian, một số người trong bọn họ có thể nhận ra răng nhà vua cởi truồng, họ có thể sẽ phải đứng trước nan đề, giống như nhà thiên văn học Kepler đã từng gặp. Câu chuyện như sau: Kepler không tin môn chiêm tinh học, nhưng ông vẫn phải viết luận văn về chiêm tinh học vì các quân vương trả tiền cho những bài luận văn đó.
Các nhà kinh tế học đó sẽ phải, hoặc là phải bắt chước Kepler và che dấu niềm tin thực sự của mình hoặc là rút khỏi hoạt động “khoa học”. Những nhà khoa học tầm thường sẽ chọn phương án thứ nhất và tiếp tục phát triển môn kinh tế học vĩ mô: chính họ là những người đưa ra phần lớn “sản phẩm khoa học”, chính họ là những người kiểm tra và xuất bản các “sản phẩm” này và đòi hỏi rằng tất cả các kết quả nghiên cứu đều phải đi qua các kênh do họ kiểm soát. Đấy chính là lí do vì sao các tư tưởng sai lầm bao giờ cũng trở thành “khoa học”.
Kết luận: rất nhiều bằng chứng lịch sử đã cho thấy rằng con đường dẫn đến thịnh vượng sẽ dễ dàng hơn nếu chính phủ chỉ làm mỗi một việc là tạo ra những định chế mà chức năng của chúng là bảo đảm cho các doanh nghiệp và thị trường tài chính hoạt động một cách năng động nhất. Có thể khẳng định: tư tưởng cho rằng nhà nước cần phải thường xuyên can thiệp vào thị trường chỉ là kết quả của việc tạo dựng huyền thoại do chính nhà nước tài trợ mà thôi.
Nguồn: www.cato.org/pubs/policy_report/v20n3/econgrowth.pdf
Reuven Brenner — là giáo sư kinh tế thuộc trường McGill University (Montreal Canada), đã xuất bản 7 tác phẩm về những vấn đề kinh tế khác nhau
[1] Nguyên văn: Diaspora - Khối những người Do Thái giữa những cộng đồng không phải người Do Thái, sau khi họ bị lưu vong sau năm 538 trước công nguyên – ND.
[2] Người Pháp theo đạo Tin lành – ND.
[3] Xem: Max Weber, Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, do Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang dịch, Nhà xuất ban Tri thức ấn hành năm 2008 – ND.
[4] Người Bái Hoả Giáo (Zoroastrianism), tôn giáo do một người Iran tên là Zarathushtra sáng lập vào thế kỉ thứ VI trước công nguyên tại Đại Hạ (nay là biên giới với Afghanistan). Tôn giáo này từng là quốc giáo của Iran dưới triều Sasanian). Sau này, do bị người Hồi giáo đánh đánh đuổi, một số người thuộc giáo phái này đã chạy sang Bombay (Ấn Độ) và được gọi là người Parsee (từ chữ Persi – phiên âm sang tiếng Việt là Ba Tư mà ra) - ND.
No comments:
Post a Comment