February 17, 2025

Những Người Nghiện Rượu Ẩn Danh (8)

 Những Người Nghiện Rượu Ẩn Danh

 Lần  xuất bản gốc 1939

Bill W.

Dick B. chấp bút phần Dẫn nhập

Phạm Nguyên Trường dịch


Chương VII 

LÀM VIỆC VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÁC

Kinh nghiệm thực tế cho thấy không có gì đảm bảo khả năng miễn dịch với rượu bia hơn là làm việc chăm chỉ với những người nghiện rượu khác. Nó mang lại hiệu quả khi những hoạt động khác không hiệu quả. Đây là đề xuất mười hai của chúng tôi: Truyền tải thông điệp này đến những người nghiện rượu khác! Bạn có thể giúp đỡ khi không một người nào khác có thể giúp được. Bạn có thể giúp họ tự tin trong khi những người khác không làm được. Xin nhớ rằng họ là người bị bệnh. 

Cuộc sống sẽ có ý nghĩa mới. Muốn nhìn thấy mọi người hồi phục, muốn thấy họ giúp đỡ người khác, muốn thấy không còn cô đơn, muốn chứng kiến tình bạn lớn xung quanh bạn, muốn có thêm nhiều bạn bè, thì đây là trải nghiệm mà bạn không được bỏ qua. Chúng tôi biết rằng bạn sẽ không muốn bỏ qua. Thường xuyên tiếp xúc với những thành viên mới và tiếp xúc với nhau là điểm sáng trong cuộc đời của chúng ta. 

Có lẽ bạn không quen người nghiện rượu nào muốn hồi phục. Có thể dễ dàng tìm thấy một số người bằng cách hỏi bác sĩ, mục sư, linh mục và bệnh viện. Họ sẽ rất vui lòng giúp bạn. Xin đừng bắt đầu như một nhà truyền giáo hay nhà cải cách. Thật không may là, người ta có rất nhiều định kiến. Bạn sẽ bị người ta đánh cho nếu cố tình khơi dậy những định kiến như thế. Các mục sư và bác sĩ là những người có nhiều năng lực và bạn có thể học được nhiều điều, nếu muốn, nhưng đôi khi vì kinh nghiệm uống rượu của mình, bạn có thể giúp những người nghiện rượu khác. Vì vậy, chỉ hợp tác; không bao giờ chỉ trích. Giúp đỡ là mục tiêu duy nhất của chúng ta. 

Khi bạn phát hiện ra một người có triển vọng cho Hội những người nghiện rượu ẩn danh, hãy tìm hiểu tất cả những gì bạn có thể tìm hiểu về anh ta. Nếu anh ta không muốn thôi uống rượu, xin đừng lãng phí thời gian tìm cách thuyết phục anh ta. Bạn có thể làm hỏng một cơ hội trong tương lai. Lời khuyên này cũng được dành cho gia đình anh ta. Họ nên kiên nhẫn, khi nhận ra rằng mình đang đối phó với một người bệnh. 

Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy anh ta muốn thôi uống, hãy nói chuyện kỹ với người quan tâm nhất đến anh ta—thường là vợ anh ta. Tìm hiểu về hành vi, về những vấn đề và hoàn cảnh của anh ta, mức độ nghiêm trọng và khuynh hướng tôn giáo của anh ta. Bạn cần những thông tin này để đặt mình vào vị trí của anh ta, để xem bạn muốn anh ta tiếp cận mình theo cách nào nếu tình thế thay đổi hoàn toàn. 

Thông thường, nên đợi cho đến khi anh ta say xỉn. Gia đình có thể phản đối cách làm này, nhưng trừ khi anh ta đang ở trong tình trạng nguy hiểm về sức khỏe, nên mạo hiểm thì tốt hơn. Đừng làm việc với anh ta khi anh ta say khướt, trừ khi anh ta có thái độ đe doạ và gia đình cần bạn giúp đỡ. Đợi cho đến khi hết say, hoặc ít nhất là có một khoảng thời gian tỉnh táo. Sau đó, hãy để gia đình hoặc bạn bè của anh ta hỏi xem anh ta có muốn cai hẳn hay không và anh ta có sẵn sàng làm bất cứ điều gì để cai rượu hay không. Nếu anh ta nói có, thì bảo anh ta chú ý đến bạn như một người đã hồi phục. Những người kia nên nói với anh ta rằng bạn là người đồng hành, như một phần của quá trình hồi phục của chính anh ta, một người tìm cách giúp đỡ người khác và sẽ rất vui khi được nói chuyện với anh ta nếu anh ta muốn gặp bạn. 

Nếu anh ta không muốn gặp, cũng đừng bao giờ ép buộc. Gia đình cũng không nên cầu xin anh ta làm bất cứ điều gì, cũng không nên nói nhiều với anh ta về bạn. Họ nên đợi đến khi cơn say tiếp theo của anh ta kết thúc. Bạn có thể đặt cuốn sách này ở nơi anh ta có thể nhìn thấy. Ở đây chúng tôi không đưa ra quy tắc cụ thể nào. Gia đình phải quyết định những việc này. Nhưng bảo họ không nên quá lo lắng, vì có thể làm hỏng mọi việc. 

Thông thường, gia đình không nên tìm cách kể lại câu chuyện của bạn. Nếu có thể, thì hãy tránh nhờ gia đình anh ta làm cầu nối giữa hai người. Tiếp cận thông qua bác sĩ hoặc một tổ chức nào đó là lựa chọn khả dĩ hơn. Nếu anh ta cần nhập viện, thì để anh ta nhập viện, nhưng không được ép buộc, trừ khi anh ta có hành động bạo lực. Nếu bác sĩ muốn thì hãy đề ông ta nói với anh ta nói rằng bác sĩ có giải pháp. 

Khi người đó đã khỏe hơn, bác sĩ có thể đề nghị bạn tới thăm. Mặc dù bạn đã nói chuyện với gia đình anh ta, nhưng đừng cho họ tham gia cuộc thảo luận đầu tiên. Làm như thế, người đó sẽ thấy rằng anh ta không bị áp lực. Anh ta sẽ cảm thấy mình có thể nói chuyện với bạn mà không bị gia đình cằn nhằn. Gọi cho anh ta khi anh ta vẫn còn lo lắng. Anh ta có thể dễ tiếp thu hơn khi bị trầm cảm. 

Nếu có thể, hãy gặp riêng anh ta. Trước hết, hãy nói chuyện chung chung. Sau một thời gian, hãy chuyển hướng câu chuyện sang một giai đoạn nào đó trong quá trình uống rượu. Hãy kể cho anh ấy nghe về thói quen, triệu chứng và kinh nghiệm uống rượu của bạn để khuyến khích anh ấy nói về mình. Nếu anh ấy muốn, hãy để anh ấy nói. Như vậy, bạn sẽ hiểu rõ hơn biện pháp mà bạn nên theo. Nếu anh ấy không muốn nói, hãy kể cho anh ta nghe về quá trình uống rượu của bạn cho đến khi bạn thôi uống. Nhưng trong lúc này, đừng nói về cách thức mà bạn đã làm. Nếu anh ta tỏ ra nghiêm túc, hãy tập trung vào những rắc rối mà rượu đã gây ra cho bạn, cẩn thận để không lên án hay thuyết giáo. Nếu anh ta cảm thấy thoải mái, hãy kể cho anh ta nghe những câu chuyện hài hước về cuộc phiêu lưu của bạn. Hãy để anh ấy kể một số câu chuyện của chính mình. 

Khi anh ta thấy rằng bạn biết tất cả về các mánh khoé uống rượu, thì hãy bắt đầu nói về mình như một người nghiện rượu. Kể cho anh ấy nghe bạn đã gặp khó khăn như thế nào, cuối cùng, làm sao bạn biết rằng mình bị bệnh. Hãy kể cho anh ấy nghe về những khó khăn mà bạn đã trải qua trong quá trình cai rượu. Nói cho anh ta biết những thay đổi về mặt tâm trí dẫn đến lần uống rượu đầu tiên. Chúng tôi khuyên bạn nên làm như chúng tôi đã làm trong chương về nghiện rượu. Nếu anh ta nghiện rượu, anh ta sẽ hiểu bạn ngay lập tức. Anh ta sẽ so sánh những bất nhất trong tâm trí của bạn với một số bất nhất trong tâm trí của chính anh ta. 

Nếu bạn tin rằng anh ta là người nghiện rượu thực sự, hãy bắt đầu suy ngẫm về đặc điểm không thể chữa được của căn bệnh này. Cho anh ta thấy, từ kinh nghiệm của chính mình, trạng thái tâm trí kỳ lạ xung quanh lần uống rượu đầu tiên, không để cho sức mạnh ý chí hoạt động bình thường được nữa. Trong giai đoạn này, đừng tham khảo cuốn sách này, trừ khi anh ta đã xem và muốn thảo luận về cuốn sách. Và hãy cẩn thận, đừng dán cho anh ta cái nhãn: “Người nghiện rượu”. Hãy để anh ta tự rút ra kết luận. Nếu anh ta vẫn khăng khăng rằng mình vẫn có thể kiểm soát được việc uống rượu của mình, hãy nói với anh ta rằng có thể, anh ta có thể—nếu anh ta không nghiện quá nặng. Nhưng nhấn mạnh rằng nếu anh ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể có rất ít khả năng là anh ta có thể tự hồi phục. 

Tiếp tục nói về nghiện rượu như một căn bệnh, có thể làm chết người. Nói về tình trạng của cơ thể và tâm trí đi kèm với nó. Làm cho anh ta tập trung chủ yếu vào trải nghiệm cá nhân của chính bạn. Giải thích rằng nhiều người sẽ gặp số phận bi đát, nếu họ không bao giờ nhận ra tình thế khó khăn của mình. Các bác sĩ hiếm khi kể cho bệnh nhân nghiện rượu toàn bộ câu chuyện, trừ khi họ dùng câu chuyện cho mục đích tốt nào đó. Nhưng bạn có thể nói với anh ta rằng nghiện rượu là vô vọng, vì bạn sẽ đưa ra giải pháp. Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng người bạn của mình thừa nhận rằng anh ta có nhiều, nếu không muốn nói là tất cả, những đặc điểm của người nghiện rượu. Nếu bác sĩ của anh ta sẵn sàng nói với anh ta rằng anh ta nghiện rượu, thì càng tốt. Mặc dù người được bạn bảo trợ có thể không hoàn toàn thừa nhận hoàn cảnh của mình, nhưng anh ta rất tò mò muốn biết bạn đã hồi phục như thế nào. Cứ để anh ta hỏi bạn câu hỏi đó, nếu anh ta muốn. Nếu anh ta không hỏi, hãy tiếp tục phần còn lại của câu chuyện. Hãy kể cho anh ta chính xác những sự kiện đã xảy ra với bạn. Lúc này có thể thoải mái nhấn mạnh đặc điểm tâm linh. Nếu người đó theo thuyết bất khả tri hay vô thần, thì nhấn mạnh rằng anh ta không nhất thiết phải đồng ý với quan niệm của bạn về Chúa. Anh ta có thể chọn bất kỳ quan niệm nào mà mình thích, miễn là nó có ý nghĩa với anh ta. Quan trọng nhất là anh ta phải sẵn sàng tin vào một Quyền năng cao hơn bản thân mình và anh ta sẽ sống theo các nguyên tắc tâm linh. 

Khi làm việc với một người như thế, tốt hơn hết là bạn nên sử dụng ngôn ngữ hàng ngày để mô tả các nguyên tắc tâm linh. Khơi dậy những định kiến mà anh ta có thể có đối với một số thuật ngữ và quan niệm thần học có thể làm cho anh ta lúng túng, là việc làm vô ích. Không nêu ra những vấn đề như thế, dù niềm tin của riêng bạn có là gì thì cũng thế. 

Người bạn của bạn có thể là tìn hữu của tôn giáo nào đó. Kiến thức tôn giáo của anh ta có thể cao hơn hẳn so với bạn. Trong trường hợp đó, anh ta sẽ tự hỏi làm sao bạn có thể thêm một điều gì vào những kiến thức mà anh ta đã biết. Nhưng anh ta sẽ tò mò muốn biết tại sao niềm tin của anh ta lại không hiệu quả, còn niềm tin của bạn dường như lại hiệu quả đến mức như thế. Anh ta có thể là ví dụ về sự thật là chỉ có đức tin không thôi là chưa đủ. Muốn có sức sống, đức tin phải đi kèm với đức hy sinh và hành động vị tha, có tính xây dựng. Hãy để cho anh ta thấy rằng bạn không tới đây để hướng dẫn anh ta về tôn giáo. Thừa nhận rằng anh ta có thể có hiểu biết về tôn giáo nhiều hơn bạn, nhưng xin lưu ý đến sự kiện là, dù đức tin và kiến thức của anh ta có sâu sắc mức nào, anh ta cũng không thể áp dụng, nếu áp dụng thì anh ta đã không uống rượu. Có lẽ câu chuyện của bạn sẽ giúp anh ta thấy được rằng anh ta đã không thực hành những giới luật mà anh ta biết rất rõ. Chúng ta không đại diện cho bất kỳ đức tin hay tôn giáo cụ thể nào. Chúng ta chỉ nói đến những nguyên tắc chung chung của hầu hết các tôn giáo. 

Phác thảo chương trình hành động, giải thích cách bạn tự đánh giá, cách bạn sửa chữa quá khứ và lý do tại sao hiện nay bạn đang tìm cách giúp đỡ anh ta. Quan trọng là anh ta phải nhận ra rằng nỗ lực của bạn có vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục của chính bạn. Trên thực tế, anh ta có thể giúp bạn nhiều hơn là bạn giúp anh ta. Nói một cách rõ rằng anh ta không có nghĩa vụ gì đối với bạn, bạn chỉ hy vọng anh ta sẽ tìm cách giúp đỡ những người nghiện rượu khác khi anh ta đã giải quyết xong những khó khăn của chính mình. Gợi ý rằng đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của mình có vai trò quan trọng đến mức nào. Giải thích rõ ràng rằng anh ta không bị áp lực nào hết, nếu không muốn anh ta không cần gặp lại bạn. Không nên cảm thấy bị xúc phạm nếu anh ta không muốn gặp lại, vì anh ta đã giúp bạn nhiều hơn là bạn giúp anh ta. Nếu buổi nói chuyện diễn ra đúng mực, điềm tĩnh và hiểu biết lẫn nhau, có lẽ các bạn đã trở thành bạn bè. Có thể bạn đã làm phiền anh ta về vấn đề nghiện rượu. Tất cả đều rất tốt. Anh ta càng cảm thấy tuyệt vọng thì càng tốt. Sẽ có nhiều khả năng là anh ta sẽ làm theo các đề xuất của bạn. 

Anh ta có thể đưa ra lý do vì sao anh ta không cần phải làm theo toàn bộ chương trình. Anh ta có thể phản đối khi nghĩ đến việc dọn dẹp nhà cửa triệt để, đòi hỏi phải nói chuyện với những người khác. Đừng phản đối những quan điểm như thế. Nói với anh ta rằng bạn cũng đã từng cảm thấy như anh ta, nhưng bạn nghi ngờ rằng liệu mình có thể tiến bộ nếu không hành động hay không. Trong lần gặp đầu tiên, hãy nói với anh ấy về tình bạn trong A.A. Nếu anh ta quan tâm thì cho anh ta mượn cuốn sách này.

 Trừ khi bạn của bạn muốn nói thêm về mình, xin đừng ngồi lại quá lâu. Cho anh ta thời gian suy nghĩ. Nếu bạn ở lại, hãy để anh ta chuyển cuộc trò chuyện theo bất kỳ hướng nào mà anh ta thích. Đôi khi, người mới háo hức muốn tiến hành ngay lập tức, và bạn có thể muốn anh ta làm như vậy. Nhưng đôi khi đấy lại là sai lầm. Nếu sau này anh ta gặp rắc rối, anh ta có thể nói rằng bạn đã thúc đẩy. Bạn sẽ thu được thành công cao nhất ở những người nghiện rượu nếu bạn không thể hiện bất kỳ niềm đam mê nào đối với cuộc thập tự chinh hoặc cải cách. Đừng bao giờ hạ thấp một người nghiện rượu từ bất kỳ đỉnh cao đạo đức hay tâm linh nào, chỉ cần đưa ra bộ công cụ tâm linh để anh ta kiểm tra. Cho anh ta thấy bộ tâm linh này đã có tác dụng với bạn tới mức nào. Hãy đề nghị anh ta kết bạn và trở thành bạn bè với nhau. Nói với anh ta rằng nếu anh ta muốn hồi phục, thì bạn sẽ làm bất cứ điều gì để có thể giúp đỡ. 

Nếu anh ta không quan tâm đến giải pháp của bạn, nếu anh ta coi bạn chỉ như là nhân viên ngân hàng giúp giải quyết những khó khăn về tài chính hay nữ nhân viên trong tiệm rượu, thì bạn có thể phải từ bỏ cho đến khi anh ta thay đổi ý định. Anh ta có thể làm như thế sau khi bị tổn thương thêm nữa. 

Nếu anh ta thực sự quan tâm và muốn gặp lại bạn, hãy yêu cầu anh ấy đọc cuốn sách này trong giai đoạn hai người chưa có điều kiện gặp lại. Sau khi đọc xong cuốn sách, anh ta phải tự quyết định xem mình có muốn tiếp tục hay không. Bạn, vợ hoặc bạn bè không cần thúc đẩy hay thúc giục. Nếu anh ấy muốn tìm Chúa, mong muốn đó phải xuất phát từ bên trong. 

Nếu anh ta nghĩ rằng mình có thể làm công việc này theo cách khác hoặc thích cách tiếp cận tâm linh khác, hãy khuyến khích anh ta đi theo lương tâm của mình. Chúng ta không độc quyền về Chúa; chúng ta chỉ có cách tiếp cận phù hợp với chúng ta. Nhưng hãy chỉ ra rằng chúng ta, những người nghiện rượu, có nhiều điểm chung và bạn muốn, trong mọi trường hợp, trở thành người thân thiện. Xin dừng lại ở đó. 

Đừng nản lòng nếu người đó không phản hồi ngay lập tức. Hãy tìm kiếm một người nghiện rượu khác và thử làm lại. Chắc chắn là bạn sẽ tìm được một người đã tuyệt vọng đến mức chấp nhận một cách háo hức cách làm mà bạn đề xuất. Chúng tôi thấy rằng tiếp tục theo đuổi người không thể hoặc không muốn làm việc với bạn là lãng phí thời gian. Nếu để một người tự giải quyết, có thể anh ta sẽ nhanh chóng tin rằng mình không thể tự hồi phục. Dành quá nhiều thời gian cho một hoàn cảnh nào đó là đánh mất cơ hội dành cho người nghiện rượu khác, không tạo điều hiện để họ có được cuộc đời hạnh phúc. Một trong những người bạn của chúng tôi đã hoàn toàn thất bại với gần một chục người đầu tiên. Anh ta thường nói rằng nếu tiếp tục làm việc với họ, thì có thể làm cho nhiều người khác, những người đã hồi phục, không còn cơ hội nữa. 

Giả sử lúc này bạn tới thăm người đó một lần nữa. Anh ta đã đọc cuốn sách này và nói rằng mình đã chuẩn bị thực hiện mười hai bước của Chương trình Hồi phục. Vì đã có kinh nghiệm, bạn có thể cho anh ta nhiều lời khuyên thực tế. Nói với anh ta là sẵn sàng, nếu anh ta muốn quyết định và kể câu chuyện của mình, nhưng nếu anh ta muốn tham khảo ý kiến của người khác thì cũng đừng khăng khăng buộc anh ta phải kể. 

Anh ta có thể đã phá sản và là người vô gia cư. Nếu anh ta là người như thế, bạn có thể tìm cách giúp anh ta tìm việc làm hoặc hỗ trợ một chút về tài chính. Nhưng bạn không nên phung phí số tiền mà gia đình hoặc các chủ nợ của bạn đáng được hưởng. Có lẽ bạn sẽ muốn đưa người đó về nhà mình tá túc trong đôi ba ngày. Nhưng bạn phải thận trọng. Hãy chắc chắn rằng anh ta sẽ được gia đình bạn chào đón và anh ta không tìm cách lợi dụng bạn để kiếm tiền, quan hệ hoặc nơi tá túc. Nếu làm thế là bạn đang làm hại anh ta. Bạn sẽ làm cho anh ta trở thành người dối trá. Bạn có thể đang giúp anh ta làm hại chính mình, chứ không giúp anh ta hồi phục. 

Đừng bao giờ trốn tránh những trách nhiệm này, nhưng hãy chắc chắn rằng nếu đảm nhận thì bạn sẽ làm những việc đúng đắn. Giúp đỡ người khác là cơ sở cho quá trình hồi phục của bạn. Thỉnh thoảng mới có một hành động tử tế là chưa đủ. Bạn phải hành động như người Samaritan nhân lành mỗi ngày (Dụ ngôn được Chúa Jesus kể lại như sau: Một người Do Thái bị cướp, bị đánh đập thừa sống thiếu chết nằm bên đường, mọi người đi qua đều lờ đi. Nhưng, một người Samaritan (người Samaritan và người Do Thái vốn có mối thù địch sâu sắc) đã dừng lại, băng bó vết thương, đưa người bị thương đến quán trọ và chăm sóc cho đến khi người này hồi phục - ND), nếu cần. Làm như thế có thể có nghĩa là sẽ có nhiều đêm mất ngủ, mất một số cuộc vui, công việc kinh doanh bị gián đoạn. Làm thế có thể có nghĩa là chia sẻ tiền bạc và nhà của bạn, tư vấn cho những người vợ và người thân đang hoảng loạn, đi đến đồn cảnh sát, viện điều dưỡng, bệnh viện, nhà tù và trại tâm thần. Điện thoại của bạn có thể reo bất cứ lúc nào, cả ngày lẫn đêm. Vợ bạn đôi khi có thể nói rằng bạn không quan tâm tới gia đình. Người say rượu có thể làm vỡ đồ đạc trong nhà, hay đốt cháy một tấm nệm. Bạn có thể phải đánh nhau với anh ta nếu anh ta quá hung hăng. Đôi khi phải gọi bác sĩ và cho uống thuốc an thần theo chỉ dẫn của bác sĩ. Có lúc, bạn có thể phải gọi cảnh sát hoặc xe cứu thương. Thỉnh thoảng, bạn sẽ phải làm những việc như thế. 

Ít khi chúng ta cho phép một người nghiện rượu sống trong nhà mình trong thời gian dài. Không tốt cho anh ta, và đôi khi gây ra những phức tạp nghiêm trọng ngay trong gia đình mình. 

Dù người nghiện rượu không phản ứng trước những đề xuất của bạn, thì cũng không có lý do gì để bỏ mặc gia đình anh ta. Bạn nên tiếp tục giữ quan hệ thân mật với họ. Nên chỉ cho gia đình họ lối sống của bạn. Nếu họ chấp nhận và thực hành các nguyên tắc tâm linh, thì khả năng hồi phục của người trong gia đình đó sẽ cao hơn hẳn. Còn ngay cả khi anh ta tiếp tục uống rượu, thì gia đình cũng sẽ thấy cuộc sống dễ chịu hơn. 

Đối với những người nghiện rượu có khả năng và sẵn sàng cai nghiện, thì không cần phải giúp đỡ nhiều về mặt vật chất. Những người đòi hỏi tiền bạc và chỗ ở trước khi cai được rượu là đang đi sai đường. Tuy nhiên, chúng ta vẫn sẵn sàng làm mọi việc nhằm cung cấp cho nhau điều kiện để cai nghiện khi thấy cần phải những việc làm như thế. Dường như là mâu thuẫn, nhưng chúng tôi cho rằng không phải như thế. 

Vấn đề không phải là cho, mà là cho vào lúc nào và cho như thế nào. Thất bại hay thành công chính là ở đây. Ngay khi chúng ta làm công việc phục vụ, người nghiện rượu bắt đầu dựa vào sự ủng hộ của chúng ta chứ không dựa vào Chúa nữa. Anh ta đòi hỏi cái này, đòi hỏi cái kia, nói rằng không thể cai rượu trước khi nhu cầu về vật chất của anh ta được đáp ứng. Thậm vô lý. Một số người đã trải qua những cú sốc rất lớn thì mới hiểu được sự thật này: có công việc hay không có công việc — có vợ hay không có vợ — chúng ta đơn giản không thể thôi uống rượu nếu còn dựa vào người khác, chứ không dựa vào Chúa. 

Khắc sâu vào tâm khảm mọi người rằng người đó có thể khỏe mạnh. Điều kiện duy nhất là tin vào Chúa và dọn dẹp nhà cửa. 

Xin nói đến gia đình: Có thể là ly hôn, ly thân hay chỉ là quan hệ căng thẳng. Khi người bạn của bạn đã đền bù thỏa đáng cho gia đình mình và đã giải thích kỹ lưỡng cho họ những nguyên tắc mới mà anh ta đang sống theo, anh ta nên thực hiện những nguyên tắc đó ngay tại gia đình mình. Đấy là nói, nếu anh ta đủ may mắn để có một ngôi nhà. Mặc dù gia đình cũng có lỗi về nhiều mặt, nhưng anh ta không nên lo lắng về những việc đó. Anh ta nên tập trung vào việc thể hiện khía cạnh tâm linh của chính mình. Cần tránh tranh cãi và chỉ trích, chẳng khác gì tránh bệnh phong. Trong nhiều gia đình, đây là việc khó, nhưng phải làm, nếu muốn có kết quả. Nếu kéo dài mấy tháng, thì chắc chắn là ảnh hưởng tới gia đình sẽ rất lớn. Những người không hợp nhau nhất cũng phát hiện được rằng họ có cơ sở để có thể làm vừa lòng nhau. Dần dần, những người trong gia đình có thể nhìn thấy và thừa nhận khuyết điểm của chính mình. Sau đó, họ có thể thảo luận trong bầu không khí hữu ích và thân thiện. 

Sau khi thấy kết quả, gia đình có thể sẽ muốn tiếp tục. Nó sẽ diễn ra một cách tự nhiên và đúng lúc, với điều kiện là người nghiện rượu vẫn tiếp tục thể hiện rằng anh ta có thể tỉnh táo, chu đáo và hữu ích, dù những người khác có nói hay làm gì thì cũng thế. Tất nhiên là, hết lần này đến lần khác, tất cả chúng ta không đạt được tiêu chuẩn này. Nhưng chúng ta phải cố gắng sửa chữa thiệt hại ngay lập tức, nếu không sẽ phải trả giá đắt. 

Nếu đã ly hôn hoặc ly thân, không nên vội vã để hai người gặp nhau. Người chồng nên chắc chắn rằng mình sẽ hồi phục. Còn người vợ thì nên hiểu rõ lối sống mới của anh ta. Nếu họ nối lại quan hệ cũ, thì nó phải được xây dựng trên cơ sở tốt hơn, vì quan hệ trước đây đã không hiệu quả. Có nghĩa là tất cả mọi người đều phải có thái độ và tinh thần hoàn toàn mới. Đôi khi, vì quyền lợi của tất cả những người liên quan, hai người vẫn nên sống xa nhau. Rõ ràng là không thể đặt ra bất kỳ quy tắc cụ thể nào. Cứ để người nghiện rượu tiếp tục chương trình của mình mỗi ngày. Hai người sẽ thấy rõ khi nào họ có thể chung sống cùng nhau. 

Đừng nghe người nghiện rượu nói rằng anh ta không thể phục hồi nếu gia đình không đoàn tụ. Không đúng. Trong một số trường hợp, vì lý do nào đó, người vợ sẽ không bao giờ quay lại. Nhắc người có khả năng hồi phục rằng khả năng hồi phục không phụ thuộc vào con người. Nó phụ thuộc vào quan hệ của anh ta với Chúa. Chúng tôi đã thấy những người đàn ông chữa lành khi gia đình chưa đoàn tụ. Chúng tôi cũng đã thấy những người khác trượt ngã khi gia đình đoàn tụ quá sớm. 

Nhưng mỗi ngày, cả bạn và người mà bạn giúp đỡ đều phải bước đi trên con đường dẫn tới tiến bộ về mặt tâm linh. Nếu bạn kiên trì, những điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Khi nhìn lại, chúng ta nhận ra rằng khi phó thác vào tay Chúa thì kết quả mà chúng ta nhận được tốt hơn hẳn so với những việc chúng ta có thể lập kế hoạch. Hãy tuân theo sự chỉ dẫn của một Đấng Quyền Năng Cao Hơn và bạn sẽ sống trong một thế giới mới và tuyệt vời, không phụ thuộc vào hoàn cảnh hiện nay của bạn! 

Khi làm việc với người nghiện rượu và gia đình của anh ta, phải thận trọng để không tham gia vào những cuộc cãi vã của họ. Nếu tham gia vào, bạn có thể phá hỏng cơ hội giúp đỡ của mình. Nói với gia đình rằng anh ta đã từng là một người rất ốm yếu và nên đối xử một cách phù hợp. Bạn nên cảnh báo họ rằng không nên khơi dậy oán hận hay hiềm khích xưa cũ. Nên nói rằng những khiếm khuyết trong tính cách của anh ta sẽ không biến đi chỉ sau một đêm. Hãy chỉ cho họ thấy rằng anh ta đã bước vào giai đoạn phát triển. Khi họ mất kiên nhẫn hãy bảo họ nhớ lại rằng lúc này anh ta đã là người tỉnh táo. 

Nếu bạn đã giải quyết thành công các vấn đề gia đình của mình, thì hãy nói cho gia đình thành viên mới cách làm. Bằng cách đó, bạn có thể dẫn họ đi đúng hướng mà không chỉ trích họ. Câu chuyện về cách bạn và vợ giải quyết những khó khăn của mình không đáng bị chỉ trích. 

Giả sử chúng ta là những người khỏe mạnh về mặt tâm linh, chúng ta có thể làm đủ mọi thứ mà người nghiện rượu không được phép làm. Mọi người nói rằng chúng ta không được đến nơi có bán rượu; chúng ta không chứa rượu ở trong nhà; chúng ta phải tránh xa những người bạn uống rượu; chúng ta phải tránh xa những bộ phim có cảnh uống rượu; chúng ta không được vào quán bar; nếu chúng ta tới nhà bạn bè, họ phải giấu rượu đi; chúng ta không được nghĩ hoặc bị nhắc nhở về rượu. Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy rằng không nhất thiết phải như thế. 

Ngày nào chúng ta cũng gặp những hoàn cảnh như thế. Nhưng người nghiện rượu không thể đáp ứng được những điều kiện này, họ vẫn có tâm trí cùa người nghiện rượu: trạng thái tâm linh của anh ta không ổn định. Cơ hội duy nhất để anh ta tỉnh táo là một nơi nào đó tương tự như Greenland Ice Cap, và thậm chí ở đó, một người Eskimo có thể xuất hiện với một chai scotch và làm hỏng mọi thứ! Xin hỏi bất kỳ người phụ nữ nào đã từng gửi chồng mình đến những nơi xa xôi với lý thuyết nói rằng anh ta sẽ cai được rượu. 

Theo chúng tôi, bất kỳ kế hoạch nào nhằm chống lại chứng nghiện rượu nói rằng cần bảo vệ người đàn ông bị bệnh khỏi cám dỗ đều thất bại. Nếu người nghiện rượu tìm cách bảo vệ mình, anh ta có thể thành công trong một thời gian, nhưng thường kết thúc bằng một vụ bùng nổ lớn hơn bao giờ hết. Chúng tôi đã thử những phương pháp này. Những nỗ lực nhằm làm công việc không thể làm được như thế bao giờ cũng thất bại. 

Vì vậy, quy tắc của chúng tôi là không né tránh những nơi có rượu bia, nếu chúng ta có lý do chính đáng để đến đó. Trong đó có các quán bar, hộp đêm, vũ hội, tiệc chiêu đãi, đám cưới, thậm chí là những bữa tiệc rượu bình thường. Đối với người đã từng có kinh nghiệm với người nghiện rượu, điều này có thể giống như đang thách thức số phận, nhưng thực ra không phải vậy. 

Bạn sẽ nhận thấy rằng chúng tôi đã đưa ra một điều kiện quan trọng. Do đó, hãy tự hỏi:  “Tôi có lý do về mặt xã hội, công việc hoặc lý do cá nhân chính đáng nào để đến nơi này hay không? Hay tôi đang được hưởng chút niềm vui gián tiếp do bầu không khí của những nơi này mang lại?” Nếu bạn trả lời những câu hỏi này một cách thỏa đáng, bạn không cần phải lo lắng. Hãy đến hoặc tránh xa, hãy làm công việc một cách tốt nhất. Nhưng hãy chắc chắn rằng bạn có nền tảng tâm linh vững chắc trước khi bắt đầu và động cơ của bạn là hoàn toàn tốt. Đừng nghĩ đến những gì bạn sẽ nhận được từ sự kiện này. Hãy nghĩ đến những gì bạn có thể mang lại. Nhưng nếu bạn cảm thấy run, tốt hơn hết là bạn nên làm việc với một người nghiện rượu khác!

 Tại sao phải ngồi với khuôn mặt dài thượt ở những chỗ người ta uống rượu, và nuối tiếc những ngày tốt đẹp xưa kia. Nếu đó là một dịp vui vẻ, hãy tìm cách làm tăng thêm niềm vui cho những người ở đó; nếu đó là kinh doanh, hãy đến và nhiệt tình tham gia vào công việc của bạn. Nếu bạn đi cùng một người muốn ăn trong quán bar, hãy đi cùng ngươi đó. Hãy để cho bạn bè của bạn biết rằng họ không được thay đổi thói quen của mình chỉ vì có bạn. Vào thời điểm và ở chỗ thích hợp, hãy giải thích với tất cả bạn bè của bạn lý do vì sao rượu không tốt đối với bạn. Nếu bạn nói rõ, sẽ ít người còn đề nghị bạn uống. Khi còn uống rượu, bạn đã dần dần rút lui khỏi cuộc đời. Lúc này bạn đang quay trở lại với cuộc sống xã hội của thế giới này. Đừng bắt đầu rút lui một lần nữa chỉ vì bạn bè của bạn uống rượu. 

Nhiệm vụ của bạn lúc này là ở nơi mà bạn có thể có ích một cách tối đa đối với người khác, vì vậy nếu bạn có thể giúp, thì đừng bao giờ ngần ngại đến bất cứ chỗ nào. Với mục đích như thế, bạn không nên ngần ngại đi tới những nơi tồi tệ nhất trên trái đất này. Tiếp tục chiến đấu với những động cơ như thế, và Chúa sẽ quan phòng để bạn luôn luôn bình an vô sự. 

Nhiều người có rượu ở trong nhà. Chúng ta cần phải giúp những tân binh vượt qua cơn say xỉn nghiêm trọng. Một số người trong chúng ta vẫn mời bạn bè uống rượu, với điều kiện là họ không nghiện. Nhưng một số người nghĩ rằng chúng ta không nên mời rượu bất cứ người nào. Chúng ta không tranh luận về vấn đề này. Chúng tôi cảm thấy rằng mỗi gia đình, trong hoàn cảnh của riêng mình, nên tự quyết định. 

Chúng ta cần thận trọng để không bao giờ thể hiện thái độ bất dung hoặc ghét việc uống rượu, coi nó như là điều bắt buộc. Kinh nghiệm cho thấy rằng thái độ như thế chẳng đem lại lợi ích gì. Những người nghiện rượu mới tham gia đều tìm kiếm thái độ như thế và cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi nhận ra rằng chúng ta không phải là những người quá nghiêm khắc. Thái độ bất dung có thể làm cho những người nghiện rượu xa lánh, mà lẽ ra họ có thể được cứu nếu chúng ta không ngu ngốc đến như thế. Thậm chí chúng ta không làm được việc gì nhằm khuyến khích uống rượu một cách điều độ, vì không có người nào trong một nghìn người uống rượu muốn nghe bất cứ điều gì về rượu từ một người căm ghét rượu. 

Một ngày nào đó chúng tôi hy vọng rằng A.A. sẽ giúp công chúng nhận thức rõ hơn về mức độ nghiêm trọng của vấn đề nghiện rượu, nhưng chúng ta sẽ chẳng làm được gì nếu vẫn giữ thái độ cay đắng hay thù địch với rượu. Người nghiện rượu sẽ không chấp nhận chuyện này.

Suy cho cùng, vấn đề của chúng ta là do chính mình tạo ra. Chai rượu chỉ là biểu tượng. Bên cạnh đó, chúng ta đã thôi đấu tranh với bất cứ người nào hoặc bất cứ chuyện gì. Chúng ta phải làm như thế!

No comments:

Post a Comment