February 16, 2025

Những Người Nghiện Rượu Ẩn Danh (7)

 Những Người Nghiện Rượu Ẩn Danh

 Lần  xuất bản gốc 1939

Bill W.

Dick B. chấp bút phần Dẫn nhập

Phạm Nguyên Trường dịch


Chương VI 

HÀNH ĐỘNG 

Đã có bản kiểm kê, chúng ta sẽ làm gì với nó? Chúng ta đã cố gắng để có thái độ mới, quan hệ mới với Đấng Sáng Tạo và khám phá những trở ngại trên đường đi của mình. Chúng ta đã công nhận một số khiếm khuyết; chúng ta đã xác định một cách sơ bộ vấn đề của mình; chúng ta đã chỉ ra những điểm yếu trong bản kiểm kê của mình. Chúng sắp bị loại bỏ rồi. Cần phải hành động, khi hoàn thành, có nghĩa là chúng ta đã thừa nhận với Thiên Chúa, với chính mình và với một người khác, bản chất chân thực của những khiếm khuyết của chúng ta. Nó đưa chúng ta đến bước thứ năm trong Chương trình Hồi phục được nói tới trong chương trước. 

Có lẽ sẽ khó khăn—nhất là khi thảo luận về những khiếm khuyết của mình với người khác. Chúng ta nghĩ rằng mình đã làm khá tốt khi thừa nhận những khiếm khuyết này với chính mình. Nhưng vẫn có nghi ngờ. Trong thực tế, chúng ta thường thấy tự đánh giá mình là chưa đủ. Nhiều người nghĩ rằng cần phải tiến xa hơn nữa. Chúng ta sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi thảo luận về mình với một người khác khi chúng ta nhìn thấy lý do chính đáng vì sao nên làm như vậy. Lý do tốt nhất trước hết là: nếu chúng ta bỏ qua bước quan trọng này, chúng ta có thể không bỏ được rượu. Hết lần này đến lần khác, những thành viên mới tìm cách che dấu một số sự thật về đời sống của họ. Tìm cách né tránh trải nghiệm có tính hạ nhục này, bằng cách chuyển sang những phương pháp dễ dàng hơn. Gần như chắc chắn họ là họ sẽ uống say. Sau khi kiên trì theo đuổi phần còn lại của chương trình, họ tự hỏi tại sao mình lại vấp ngã. Chúng tôi nghĩ lý do là họ chưa bao giờ hoàn thành việc dọn dẹp nhà cửa. Họ đã kiểm kê tốt, nhưng vẫn giữ lại một số món hàng tồi tệ nhất. Họ chỉ nghĩ rằng mình đã không còn bản ngã và sợ hãi; họ nghĩ rằng đã hạ thấp giá trị của mình. Nhưng họ chưa hoàn toàn học được thái độ khiêm nhường, không sợ hãi và trung thực, mà chúng tôi nghĩ là cần, cho đến khi họ kể cho người khác nghe tất cả câu chuyện cuộc đời mình. 

Người nghiện rượu sống cuộc đời hai mặt hơn hầu hết tất cả những người khác. Họ rất giống diễn viên. Anh ta cho thế giới bên ngoài thấy vai diễn của mình trên sân khấu. Đây là nhân vật mà anh ta muốn đồng nghiệp của mình nhìn thấy. Anh ta muốn có danh tiếng nhất định, nhưng trong thâm tâm anh ta biết mình không xứng đáng. Sự không nhất quán càng trở nên tồi tệ hơn vì những việc anh ta làm trong khi say. 

Khi tỉnh lại, anh ta cảm thấy ghê tởm trước một số hành động mà anh ta mơ hồ nhớ được. Ký ức là ác mộng. Anh ta run rẩy khi nghĩ rằng có người có thể đã nhìn thấy mình. Anh ta nhanh chóng đẩy những ký ức này vào sâu bên trong. Anh ta hy vọng chúng sẽ không bao giờ xuất hiện trở lại. Anh ta luôn luôn ở trong tình trạng sợ hãi và căng thẳng—nhưng nó lại làm cho anh ta uống nhiều hơn nữa. 

Các nhà tâm lý học có xu hướng đồng tình với chúng tôi. Chúng tôi đã chi hàng nghìn đôla cho các cuộc kiểm tra. Tuy nhiên, chỉ có rất ít trường hợp chúng ta thực sự công bằng với các bác sĩ này. Ít khi chúng ta nói với họ toàn bộ sự thật, cũng như ít khi làm theo lời khuyên của họ. Khi không sẵn sàng trung thực với những người ủng hộ này, chúng ta cũng không trung thực với bất kỳ người nào khác. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người trong giới y khoa có quan điểm tiêu cực về những người nghiện rượu và khả năng hồi phục của họ! 

Chúng ta phải hoàn toàn trung thực với một người nào đó, đấy là nói nếu chúng ta mong muốn sống lâu hoặc sống hạnh phúc trên thế gian này. Đúng là và tự nhiên là, chúng ta phải suy nghĩ kỹ trước khi chọn người hoặc những người để có thể thực hiện bước đi thân mật và riêng tư này. Những người theo tôn giáo yêu cầu xưng tội, phải, và tất nhiên, sẽ muốn đến gặp người có trách nhiệm. Mặc dù chúng ta không có liên hệ với bất cứ tôn giáo nào, chúng ta vẫn có thể nói chuyện với chức sắc của tôn giáo chính thức. Chúng ta thường phát hiện được rằng người đó nhanh chóng nhìn nhận và hiểu vấn đề của chúng ta. Tất nhiên, đôi khi chúng ta cũng gặp những người không hiểu người nghiện rượu. 

Nếu không thể, hoặc không muốn làm như thế, thì chúng ta sẽ tìm trong số những người quen của mình một người bạn có hiểu biết, kín tiếng. Có thể đó là một vị bác sĩ hay nhà tâm lý học. Đó cũng có thể là một người trong gia đình của chúng ta, nhưng chúng ta không thể tiết lộ bất cứ chuyện gì với vợ hoặc cha mẹ, nếu nó làm cho họ bị tổn thương hoặc mất vui. Chúng ta không có quyền cứu mình bằng cách hy sinh người khác. Chúng ta sẽ kể những đoạn đó cho một người nào đó; người đó sẽ hiểu, nhưng không bị ảnh hưởng. Quy tắc là chúng ta luôn luôn là nghiêm khắc với chính mình, nhưng quan tâm đến người khác. 

Mặc dù rất cần phải thảo luận với một người nào đó, nhưng có thể không tìm được người phù hợp. Nếu đúng như thế, thì có thể làm bước này sau, tuy nhiên, chúng ta phải hoàn toàn sẵn sàng thực hiện ngay khi có cơ hội. Chúng tôi nói như thế vì chúng tôi rất mong muốn rằng mình sẽ nói chuyện với đúng người mà chúng ta muốn nói. Quan trọng là người đó có thể giữ được bí mật; người đó hoàn toàn hiểu và chấp thuận mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới; người đó sẽ không tìm cách thay đổi kế hoạch của chúng ta. Nhưng chúng ta không được lấy đây làm cái cớ để trì hoãn. 

Khi quyết định sẽ kể cho người nào đó nghe câu chuyện của mình, chúng ta không được lãng phí thời gian. Chúng ta có bản kiểm kê và chúng ta đã sẵn sàng cho cuộc nói chuyện kéo dài. Chúng ta giải thích với đối tác của mình về những việc chúng ta sắp làm và lý do tại sao chúng ta phải làm như thế. Người đó phải nhận ra rằng chúng ta đang làm công việc có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của chúng ta. Hầu hết mọi người được tiếp cận theo cách này sẽ vui lòng giúp đỡ; sự tin tưởng của chúng ta làm cho họ rất phấn chấn. 

Không còn hãnh diện nữa, chúng ta sẽ thực hiện bước đi này, soi sáng mọi góc khuất của tính cách, mọi ngóc ngách đen tối của quá khứ. Một khi thực hiện bước này, chúng ta không giấu diếm bất cứ chuyện gì, chúng ta sẽ cảm thấy vui mừng. Chúng ta có thể nhìn thế giới bằng đôi mắt này. Chúng ta có thể cảm thấy bình yên và hoàn toàn thoải mái. Sợ hãi biến mất. Chúng ta bắt đầu cảm thấy sự gần gũi của Đấng Tạo Hóa. Chúng ta có thể đã có một số niềm tin tâm linh nhất định, nhưng giờ đây chúng ta bắt đầu có trải nghiệm tâm linh. Cảm giác rằng vấn đề về rượu đã biến mất thường xuất hiện một cách khá mạnh mẽ. Chúng ta cảm thấy mình đang đi trên con Đường cao tốc, cùng với Linh hồn của Vũ trụ. 

Trở về nhà, chúng ta tìm một nơi để có thể ngồi yên trong một tiếng đồng hồ, cẩn thận xem xét lại những việc mình đã làm. Từ tận đáy lòng, chúng ta cảm ơn Chúa vì chúng ta hiểu Ngài hơn trước. Rút cuốn sách này từ trên giá sách, chúng ta lật đến trang viết về mười hai bước. Đọc kỹ năm đề xuất đầu tiên, chúng ta tự hỏi rằng mình có bỏ sót điều nào không, vì chúng ta đang xây dựng một cánh cổng mà cuối cùng mình sẽ bước đi như một người tự do. Công việc của chúng ta đã vững chắc chưa? Những viên đá có được đặt đúng vị trí hay không? Chúng ta có tiết kiệm số xi măng đổ vào nền móng hay không? Chúng ta đã thử làm vữa mà không cần cát hay không? 

Nếu chúng ta có thể trả lời một cách thỏa đáng, thì chúng ta sẽ xem xét bước thứ sáu. Chúng ta đã nhấn mạnh rằng phải có thái độ sẵn sàng. Bây giờ chúng ta đã sẵn sàng để Chúa loại bỏ tất cả những thứ mà chúng ta công nhận là đáng chê trách hay chưa? Bây giờ Ngài có thể lấy đi tất cả hay không—tất cả mọi thứ? Nếu chúng ta vẫn bám víu vào thứ gì đó mà chúng ta sẽ không buông bỏ, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta trở thành người sẵn sàng. 

Khi đã sẵn sàng, chúng ta hãy nói kiểu như thế này: “Lạy Chúa của tôi, đây con sẵn sàng để Ngài nắm toàn bộ con người con, cả tốt lẫn xấu. Con cầu xin Ngài hãy loại bỏ mọi khiếm khuyết trong tính cách của con, loại bỏ những thứ cản trở, không cho con trở thành người đối với Ngài và những người xung quanh con. Xin ban cho con sức mạnh để con có thể rời khỏi nơi đây để làm theo ý muốn của Ngài. Amen”. Như vậy là, chúng ta đã hoàn thành bước thứ bảy. 

Bây giờ chúng ta cần hành động nhiều hơn, nếu không, chúng ta sẽ phát hiện được rằng “Đức tin không có hành động là đức tin chết”. Xin xem xét các bước tám và chín. Chúng ta có danh sách tất cả những người đã bị chúng ta làm hại và những người mà chúng ta sẵn sàng đền bù. Chúng ta đã có danh sách khi kiểm kê. Chúng ta đã tự đánh giá mình một cách nghiêm ngặt. Bây giờ chúng ta đến với những người đó và sửa chữa những thiệt hại mà mình đã gây ra trong quá khứ. Chúng ta cố gắng quét sạch những mảnh vỡ đã tích tụ từ nỗ lực sống theo ý mình và thể hiện chính mình. Nếu chúng ta không có ý chí để làm việc  này, chúng ta sẽ cầu xin cho đến khi nó đến. Xin nhớ rằng chúng ta đã đồng ý ngay từ đầu rằng chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để chiến thắng rượu. 

Có lẽ vẫn còn một số nghi ngại. Khi chúng ta xem xét danh sách những người quen biết trong công việc và bạn bè mà chúng ta đã làm tổn thương, chúng ta có thể cảm thấy không đủ tự tin về việc tìm đến với một số người trên cơ sở tâm linh. Xin hãy yên tâm. Đối với một số người, có lẽ không cần, và không nên nhấn mạnh đặc điểm tâm linh trong lần tiếp cận đầu tiên. Chúng ta có thể làm cho họ có định kiến. Hiện tại, chúng ta đang cố gắng sắp xếp lại cuộc đời mình. Nhưng đây không phải là mục đích tự thân. Mục đích thực sự của chúng ta là biến mình thành người phụng sự hết mình cho Thiên Chúa và những người xung quanh chúng ta. Hiển nhiên là, sẽ không khôn ngoan khi tiếp cận với người vẫn còn cay cú vì sự bất công mà chúng ta đã gây ra cho họ, rồi tuyên bố rằng chúng ta đã trở thành người sùng đạo. Trong quyền anh, nó được gọi là giơ mặt ra. Tại sao lại để cho mình bị gắn mác cuồng tín hay người sùng đạo nhàm chán? Chúng ta có thể giết chết cơ hội nhằm truyền đi một thông điệp có lợi trong tương lai. Nhưng người kia chắc chắn sẽ ngạc nhiên trước mong muốn chân thành nhằm sửa chữa sai lầm. Người ta sẽ quan tâm hơn đến việc thể hiện thiện chí chứ không quan tâm tới những lời nói của chúng ta về khám phá tâm linh. 

Chúng ta không lấy đó làm cái cớ để tránh xa chủ đề về Chúa. Chúng ta sẵn sàng tuyên bố niềm tin của mình một cách khéo léo và hợp lý, nếu nó phục vụ cho mục đích tốt đẹp nào đó. Vấn đề tiếp cận người mà chúng ta ghét sẽ xuất hiện. Có thể người đó đã làm hại chúng ta nhiều hơn là chúng ta làm hại anh ta và, mặc dù chúng ta có thể có thái độ tốt hơn đối với anh ta, chúng ta vẫn không thực sự muốn thừa nhận lỗi lầm của mình. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải chịu đựng người mà chúng ta không thích. Gặp kẻ thù thì khó hơn là gặp bạn, nhưng chúng ta thấy nó có lợi cho mình. Chúng ta đến gặp anh ta với tinh thần giúp đỡ và tha thứ, thú nhận cảm giác khó chịu trước đây của mình và bày tỏ thái độ hối tiếc. 

Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng ta cũng không chỉ trích hoặc tranh cãi với người như thế. Chúng ta chỉ đơn giản là nói với anh ta rằng chúng ta sẽ không bao giờ cai rượu được, nếu chúng ta không làm hết sức mình để giải quyết ổn thỏa quá khứ của mình. Chúng ta có mặt ở đó để dọn dẹp con đường mình đi, trong khi nhận ra rằng trước khi chúng ta làm xong việc này thì sẽ chẳng làm được gì đáng giá hết, không bao giờ tìm cách nói cho anh ta biết anh ta nên làm gì. Không bàn luận lỗi lầm của anh ta. Chúng ta chỉ tập trung vào chính mình. Nếu bình tĩnh, thẳng thắn và cởi mở, kết quả sẽ làm cho chúng ta hài lòng. 

Chín trong mười trường hợp đã xảy ra những chuyện bất ngờ. Đôi khi người mà chúng ta mời tới thừa nhận lỗi lầm của chính mình; vì vậy, những bất hòa trong nhiều năm biến mất chỉ trong một giờ. Ít khi không có những tiến triển làm cho chúng ta hài lòng. Những cựu thù đôi khi khen ngợi những việc chúng ta đang làm và chúc chúng ta thành công. Thỉnh thoảng, họ cũng đề nghị giúp đỡ. Tuy nhiên, nếu một người nào đó đuổi chúng ta ra khỏi văn phòng của mình, thì cũng không quan trọng. Chúng ta đã thể hiện, đã làm tròn vai trò của mình. Chuyện đó đã qua rồi. 

Hầu hết những người nghiện rượu đều mắc nợ. Chúng ta không trốn tránh các chủ nợ. Khi nói với họ những việc chúng ta đang cố gắng làm, chúng ta không hề che giấu việc uống rượu của mình; họ cũng biết chuyện đó, dù chúng ta có nghĩ như thế hay không. Chúng ta cũng không sợ tiết lộ việc mình nghiện rượu, vì lý thuyết rằng nó có thể gây ra thiệt hại về tài chính. Khi tiếp cận theo cách này, đôi khi những chủ nợ tàn nhẫn nhất sẽ làm cho chúng ta ngạc nhiên. Khi sắp xếp thỏa thuận tốt nhất có thể, chúng ta cho những người này biết rằng chúng ta lấy làm tiếc. Uống rượu làm cho chúng ta chậm trả tiền. Chúng ta phải từ bỏ việc sợ chủ nợ dù mình phải đi xa đến đâu, vì chúng ta có thể uống rượu nếu chúng ta sợ gặp họ. 

Có lẽ chúng ta đã phạm tội hình sự, có thể làm chúng ta phải đi tù, nếu chính quyền biết. Chúng ta có thể không đủ tiền và không thể kiếm được tiền. Chúng ta đã thừa nhận điều này một cách bí mật với một người khác, nhưng chúng ta chắc chắn rằng sẽ bị bỏ tù hoặc mất việc nếu mọi người biết chuyện này. Có thể đó chỉ là một vi phạm nhỏ, chẳng hạn như khai khống chi phí. Hầu hết chúng ta đều từng làm những việc như thế. Có thể chúng ta đã ly hôn, rồi tái hôn, nhưng lại không trả tiền cấp dưỡng cho người vợ/chồng cũ. Họ bức xúc và đã ra lệnh bắt giữ chúng ta. Đây cũng là kiểu rắc rối thường gặp. 

Mặc dù có nhiều hình thức bồi thường khác nhau, nhưng có một số nguyên tắc chung mang tính hướng dẫn. Thường xuyên nhắc nhở mình rằng chúng ta đã quyết định làm mọi cách để tìm cho bằng được trải nghiệm tâm linh, chúng ta cầu xin Chúa ban cho sức mạnh và chỉ dẫn để làm những việc đúng đắn, không phụ thuộc vào hậu quả mà chúng ta có thể gặp. Chúng ta có thể mất địa vị hoặc danh tiếng, hoặc bị bỏ tù, nhưng chúng ta vẫn sẵn sàng. Chúng ta phải là những ngưởi như thế. Chúng ta không được chùn bước trước bất cứ chuyện gì. 

Tuy nhiên, thường thì những người khác cũng dính líu vào. Do đó, chúng ta không được là những người tử đạo vội vàng và ngu ngốc, hy sinh người khác một cách vô ích nhằm đưa mình ra thoát ra khỏi bẫy rượu. Một người đàn ông mà chúng tôi biết đã tái hôn. Vì tức giận và uống rượu, anh ta đã không trả tiền cấp dưỡng cho người vợ trước của mình. Cô ấy rất tức giận. Cô ta đưa sự việc ra tòa và xin lệnh bắt giữ anh ta. Anh ta đã bắt đầu sống theo cách của chúng ta, đã có một vị trí nhất định và đang cố gắng kiếm tiền. Nếu anh ta bước đến trước mặt Thẩm phán và nói: “Tôi đây” thì anh ta đúng là anh hùng. 

Chúng tôi nghĩ anh ta nên sẵn sàng làm việc đó, khi cần, nhưng nếu anh ta đi tù, thì sẽ không thể cung cấp bất cứ thứ gì cho cả hai gia đình. Chúng tôi đề nghị anh ta viết thư cho người vợ trước để thừa nhận lỗi lầm và xin tha thứ. Anh ta đã làm như thế, và cũng gửi cho cô ta một ít tiền. Anh ta nói cho vợ cũ nghe những việc mình sẽ cố gắng làm trong tương lai. Anh ta nói rằng sẵn sàng vào tù nếu cô ta cứ nhất quyết như thế. Tất nhiên là cô ta không làm như thế, và toàn bộ tình hình đã được điều chỉnh. 

Trước khi thực hiện hành động quyết liệt có thể liên lụy đến những người khác, chúng ta phải được họ đồng ý. Nếu chúng ta đã xin phép, đã tham khảo ý kiến của những người khác, đã cầu xin Chúa giúp đỡ và đã quyết định thực hiện bước đi táo bạo, thì chúng ta không được lùi bước. 

Nó nhắc tới câu chuyện về một trong những người bạn của chúng tôi. Trong lúc uống rượu, anh ta đã nhận một khoản tiền từ một đối thủ kinh doanh mà anh ta rất ghét, nhưng không đưa cho người kia biên lai. Sau đó, anh ta phủ nhận, nói rằng mình không nhận số tiền đó và sử dụng nó làm cơ sở để hạ thấp uy tín của người kia. Anh ta đã dùng chính việc làm sai trái của mình nhằm hủy hoại thanh danh của người khác. Trên thực tế, đối thủ của anh ta đã bị phá sản. 

Anh ta cảm thấy đã làm một việc sai trái mà không thể nào sửa chữa được. Nếu anh mở lại chuyện cũ đó, anh ta sợ rằng nó sẽ hủy hoại danh tiếng của đối tác, làm mất mặt gia đình và tước đi phương tiện kiếm sống của anh ta. Anh có quyền gì để làm liên luỵ tới những người đang phụ thuộc vào mình? Làm sao anh ta có thể công khai tuyên bố minh oan cho đối thủ của mình? 

Sau khi tham khảo ý kiến của vợ và đối tác, anh ta rút ra kết luận rằng nên chấp nhận những rủi ro như thế, còn hơn là chịu tội vì tội vu khống trước Đấng Tạo Hóa của mình. Anh ta thấy rằng mình phải phó thác kết quả cho Chúa nếu không thì chẳng bao lâu sau sẽ bắt đầu uống rượu trở lại, và dù sao thì mọi thứ cũng sẽ mất hết. Lần đầu tiên, sau nhiều năm, anh ta đã tới nhà thờ. Sau bài giảng, anh lặng lẽ đứng dậy và bắt đầu giải thích. Mọi người đều chấp thuận hành động của anh ta và hiện nay anh ta là một trong những công dân đáng tin cậy nhất của thị trấn. Tất cả những việc này đã xảy ra cách đây ba năm.

 Có nhiều khả năng là chúng ta gặp rắc rối ngay trong gia đình. Có lẽ chúng ta đã từng gặp gỡ những người phụ nữ mà chúng ta không muốn công khai. Chúng tôi nghi ngờ liệu, về khía cạnh này, những người nghiện rượu về cơ bản có xấu hơn hẳn so với những người khác hay không. Nhưng việc uống rượu làm phức tạp hóa quan hệ vợ chồng. Sau một vài năm chung sống với một người chồng nghiện rượu, người vợ trở nên mệt mỏi, bực bội và không muốn nói chuyện. Làm sao bà ta có thể khác được? Người chồng bắt đầu cảm thấy cô đơn, thương thân trách phận. Anh ta bắt đầu tìm kiếm thứ gì đó, ngoài rượu, trong các hộp đêm, hoặc những nơi tương tự khác. Có lẽ anh ta đang có một mối quan hệ bí mật và thú vị với “một cô gái hiểu biết”. Công bằng mà nói, chúng ta phải nói rằng bà vợ có thể hiểu, nhưng chúng ta sẽ làm gì về với những chuyện như thế? Người đàn ông dính líu sâu vào chuyện đó, một lúc nào đó, thường cảm thấy rất hối hận, đặc biệt là nếu anh ta kết hôn với một cô gái trung thành và can đảm, người đã thực sự vì anh ta đã trải qua  những giai đoạn cực kỳ khó khăn.  

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng thường phải làm việc gì đó. Nếu chúng ta chắc chắn rằng vợ mình không biết, chúng ta có nên nói cho cô ấy biết hay không? Chúng tôi nghĩ rằng không phải lúc nào cũng vậy. Nếu cô ấy biết chung chung rằng chúng ta có những hành động phóng túng, có nên nói cho cô ấy biết chi tiết hay không? Chắc chắn là chúng ta nên thừa nhận sai lầm của mình. Cô ấy có thể khăng khăng đòi biết tất cả các chi tiết. Cô ấy muốn biết người phụ nữ này là ai và hiện đang ở đâu. Chúng ta cảm thấy nên nói với cô ấy rằng mình không có quyền kéo người khác vào. Chúng ta xin lỗi vì những việc mình đã làm, và nếu Chúa muốn, sẽ không lặp lại nữa. Chúng ta không thể làm được gì hơn; chúng ta không có quyền đi xa hơn. Mặc dù có thể có những trường hợp ngoại lệ có thể biện hộ được, và mặc dù chúng ta không muốn đặt ra bất kỳ quy tắc nào, nhưng đây có lẽ là cách tốt nhất. 

Cuộc sống của chúng ta không phải là con đường một chiều. Nó tốt cho cả vợ lẫn chồng. Nếu chúng ta có thể quên, thì cô ấy cũng có thể. Tuy nhiên, tốt hơn hết là không nên vô cớ nêu tên một người mà cô ấy có thể nổi cơn tam bành. 

Có lẽ có một số trường hợp cần phải thẳng thắn ở mức tối đa. Không có người ngoài cuộc nào có thể đánh giá được tình huống thân tình như thế. Có thể cả hai người sẽ quyết định rằng bỏ qua những chuyện trong quá khứ là sáng suốt và nhân ái nhất. Mỗi người có thể cầu nguyện về chuyện đó, luôn luôn nghĩ đến hạnh phúc của người kia. Luôn luôn ghi nhớ rằng chúng ta phải giải quyết cảm xúc khủng khiếp nhất của con người: ghen tuông. Một vị tướng giỏi có thể quyết định rằng vấn đề sẽ được giải quyết bằng cách tấn công vào sườn đối phương, chứ không mạo hiểm đối đầu trực diện. 

Nếu không có những phức tạp như thế, chúng ta cũng có rất nhiều việc phải làm ở nhà. Đôi khi chúng ta nghe thấy một người nghiện rượu nói rằng điều duy nhất anh ta cần làm là giữ được tỉnh táo. Chắc chắn anh ta phải giữ được tỉnh táo, vì nếu anh ta không làm được như thế thì anh ta không còn nhà nữa. Nhưng còn lâu anh ta mới có thể cư xử tốt với vợ hoặc cha mẹ, những người mà trong suốt nhiều năm qua anh ta đã đối xử quá tệ bạc. Khó có thể hiểu được sự kiên nhẫn của những người mẹ và người vợ đối với những người nghiện rượu. Nếu không có sự kiên nhẫn như thế, nhiều người trong chúng ta sẽ không có nhà mà ở trong ngày hôm nay, thậm chí có thể nhiều người đã chết rồi. 

Người nghiện rượu giống như một cơn bão đang gào thét trong cuộc đời của những người khác. Nhiều trái tim tan vỡ. Nhiều quan hệ ngọt ngào đã chết. Tình cảm bị nhổ tận gốc. Những thói quen ích kỷ và thiếu suy nghĩ làm cho ngôi nhà rơi vào tình trạng hỗn loạn. Chúng ta cảm thấy người đàn ông không suy nghĩ khi anh ta nói rằng chỉ cần tỉnh táo là đủ. Anh ta giống như người nông dân bước ra khỏi tầng hầm tránh bão và thấy ngôi nhà của mình đã bị phá hủy. Anh ta nói với vợ mình, “Không thấy có vấn đề gì ở đây cả. Thật tuyệt khi gió ngừng thổi phải không?” 

Đúng vậy, thời gian xây dựng lại còn rất dài. Chúng ta phải đi đầu. Chỉ nói rằng mình hối hận, và xin lỗi là chưa đủ. Chúng ta nên ngồi lại với gia đình và thẳng thắn phân tích quá khứ từ quan điểm của hiện tại và phải thận trọng để không chỉ trích những người khác. Khiếm khuyết của họ có thể là rất rõ ràng, nhưng rất có thể hành động của chính chúng ta cũng chịu một phần trách nhiệm. Vì vậy, chúng ta dọn dẹp nhà cửa với gia đình, cầu xin mỗi sáng trong thiền định, xin Đấng Tạo Hóa chỉ cho chúng ta con đường kiên nhẫn, khoan dung, tử tế và yêu thương. 

Đời sống tâm linh không phải là lý thuyết suông. Chúng ta phải sống theo nó. Nếu gia đình của một người nào đó không thể hiện mong muốn sống theo các nguyên tắc tâm linh, chúng tôi nghĩ rằng không nên thúc đẩy họ. Không nên nói liên tục với người khác về các vấn đề tâm linh. Họ sẽ thay đổi theo thời gian. Hành vi của chúng ta sẽ thuyết phục họ nhiều hơn lời nói của chúng ta. Chúng ta phải nhớ rằng mười hoặc hai mươi năm say xỉn sẽ làm cho bất kỳ người nào cũng trở thành người hoài nghi. 

Có thể có một số việc làm sai trái mà chúng ta không bao giờ có thể sửa chữa hoàn toàn. Chúng ta không lo lắng về những việc này, nếu chúng ta có thể thành thật nói với chính mình rằng sẽ sửa chữa khi có điều kiện. Chúng ta có thể không gặp một số người—có thể gửi cho họ một bức thư trung thực. Cũng có thể có lý do chính đáng để trì hoãn một số trường hợp. Nhưng chúng ta không trì hoãn nếu không cần. Phải sáng suốt, khéo léo, chu đáo và khiêm nhường mà không trở thành hèn hạ hoặc thô lỗ. Là con dân của Chúa, chúng ta đứng trên đôi chân của mình; chúng ta không phải sụp lạy trước bất kỳ người nào. 

Nếu làm thật tỉ mỉ trong giai đoạn này, chúng ta sẽ kinh ngạc trước khi mới đi được nửa chặng đường! Chúng ta sẽ nếm trải tự do và hạnh phúc mới. Chúng ta sẽ không hối tiếc về quá khứ cũng không muốn đóng sập cánh cửa phía sau lưng. Chúng ta sẽ hiểu được thanh thản và biết bình yên là như thế nào. Dù đã đi được xa bao nhiêu, chúng ta sẽ thấy kinh nghiệm của mình có thể mang lại lợi ích cho những người khác. Cảm giác mình là người vô dụng và thương thân trách phận sẽ không còn. Chúng ta sẽ không còn quan tâm đến những điều ích kỷ và giành giật lợi ích với đồng bào của mình. Thói ích kỷ sẽ biến mất. Thái độ và quan điểm sống của chúng ta sẽ thay đổi. Sợ người khác và bất ổn về kinh tế cũng sẽ không còn. Chúng ta sẽ biết bằng trực giác cách xử lý những tình huống đã từng làm cho chúng ta lúng túng. Chúng ta sẽ đột nhiên nhận ra rằng Chúa đang làm cho chúng ta những việc chúng ta không thể tự làm. 

Đây có phải là những lời hứa quá mức hay không? Chúng tôi nghĩ là không. Một số người trong chúng ta đang làm—đôi khi nhanh, đôi khi chậm. Chúng sẽ trở thành hiện thực, nếu chúng ta nỗ lực. 

Ý nghĩ đó đưa chúng ta đến bước mười: tiếp tục kiểm kê và tiếp tục sửa chữa bất kỳ sai lầm mới nào trong cuộc đời mình. Chúng ta đã bắt đầu một đời sống mạnh mẽ khi chúng ta dọn dẹp quá khứ. Chúng ta đã bước vào thế giới của Linh hồn. Trách nhiệm tiếp theo là phát triển nhận thức và hiệu quả. Đây không phải là vấn đề có thể làm trong một sớm một chiều. Phải tiếp tục trong suốt cuộc đời của chúng ta. Tiếp tục đề phòng thói ích kỷ, gian dối, oán hận và sợ hãi. Khi chúng xuất hiện, chúng ta cầu xin Chúa loại bỏ ngay lập tức. Chúng ta thảo luận với một người nào đó ngay lập tức và nhanh chóng sửa chữa nếu đã làm hại bất cứ người nào đó. Sau đó, chúng ta kiên quyết hướng suy nghĩ của mình đến người mà chúng ta có thể giúp đỡ. Yêu thương và khoan dung người khác là quy tắc của chúng ta. 

Và chúng ta thôi đấu tranh với bất cứ điều gì hay bất cứ người nào—kể cả rượu. Bởi vì lúc này, sự tỉnh táo sẽ trở lại. Ít khi chúng ta còn quan tâm đến rượu. Nếu bị cám dỗ, chúng ta sẽ lùi lại như thể tránh xa ngọn lửa. Chúng ta phản ứng một cách tỉnh táo và bình thường, và sẽ thấy rằng nó tự động xảy ra. Chúng ta thấy rằng mình có thái độ mới đối với rượu, mà không cần bất kỳ suy nghĩ hay nỗ lực nào. Nó tự xuất hiện! Đó là phép màu. Chúng ta không chống lại nó, chúng ta cũng không lảng tránh cám dỗ. Chúng ta cảm thấy như thể mình đã được đặt vào vị trí trung lập—an toàn và được bảo vệ. Chúng ta thậm chí không từ bỏ. Thay vào đó, vấn đề đã được loại bỏ. Đối với chúng ta, nó không còn tồn tại nữa. Chúng ta không tự phụ, cũng không sợ hãi. Đó là kinh nghiệm của chúng ta. Đó là cách chúng ta phản ứng với điều kiện là chúng ta giữ được điều kiện tâm linh tốt. 

Có thể dễ dàng từ bỏ chương trình hành động tâm linh và ngủ quên trên chiến thắng. Chúng ta sẽ gặp rắc rối nếu làm như thế, vì rượu là kẻ thù rất tinh vi. Chúng ta không thể chữa được chứng nghiện rượu. Thực ra, chúng ta chỉ hoãn lại, tất cả phụ thuộc vào việc duy trì điều kiện tâm linh của chính mình. Mỗi ngày chúng ta đều phải đưa tầm nhìn của ý Chúa vào mọi hoạt động của mình. “Làm sao con có thể phụng sự Ngài một cách tốt nhất—ý Chúa (không phải ý con) được nên”. Những ý nghĩ này phải luôn đi cùng chúng ta. Chúng ta có thể rèn luyện ý chí của mình theo hướng này, nếu muốn. Đó là cách sử dụng ý chí đúng đắn nhất. 

Chúng ta đã nói nhiều về việc nhận được sức mạnh, cảm hứng và sự chỉ dẫn từ Chúa, Ngài có mọi kiến thức và quyền năng. Nếu chúng ta cẩn thận làm theo chỉ dẫn, chúng ta đã bắt đầu cảm nhận được dòng chảy của Linh Hồn của Ngài vào chúng ta. Ở một mức độ nào đó, chúng ta đã trở thành ý thức Chúa. Chúng ta đã bắt đầu phát triển giác quan thứ sáu quan trọng này. Nhưng chúng ta phải tiến xa hơn và nó có nghĩa là phải hành động nhiều hơn. 

Bước mười một gợi ý cầu nguyện và thiền định. Chúng ta không nên ngại ngùng về vấn đề cầu nguyện này. Những người tốt hơn chúng ta đang thường xuyên sử dụng nó. Nó mang lại hiệu quả, nếu chúng ta có thái độ đúng đắn và nỗ lực thực hiện. Dễ dàng có thái độ mơ hồ về vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng có thể đưa ra một số gợi ý chắc chắn và có giá trị. 

Khi chúng ta nghỉ ngơi vào ban đêm, chúng ta sẽ xem xét lại công việc trong ngày của mình theo lối xây dựng. Chúng ta có bực tức, ích kỷ, không trung thực hay sợ hãi hay không? Chúng ta có nợ một lời xin lỗi hay không? Chúng ta có giữ điều gì đó trong lòng mà đáng lẽ ra là phải thảo luận với người khác ngay lập tức hay không? Chúng ta có tử tế và yêu thương tất cả mọi người hay không? Việc gì chúng ta có thể làm tốt hơn? Chúng ta có nghĩ đến chính mình trong phần lớn thời gian trong ngày hay không? Hay chúng ta đang nghĩ đến những việc mà chúng ta có thể làm cho người khác, những việc mà chúng ta có thể đưa vào dòng chảy của cuộc đời? Nhưng chúng ta phải cẩn thận không để bị cuốn vào lo lắng, hối hận hoặc suy nghĩ bệnh hoạn, vì nó sẽ làm giảm lợi ích mà chúng ta có thể mang tới cho người khác. Sau khi xem xét, chúng ta cầu xin Chúa tha thứ và tìm hiểu xem nên thực hiện những biện pháp khắc phục nào. 

Khi thức dậy, xin nghĩ về 24 giờ sắp tới. Chúng ta xem xét kế hoạch trong ngày. Trước khi bắt đầu, chúng ta cầu xin Chúa hướng dẫn suy nghĩ của mình, đặc biệt là cầu xin rằng suy nghĩ đó không phải là thương thân trách phận, không trung thực hoặc tự tư tự lợi. Trong những điều kiện như thế, chúng ta có thể sử dụng khả năng tâm trí của mình một cách tự tin, vì nói cho cùng, Chúa đã ban cho chúng ta bộ não để chúng ta sử dụng. Những suy nghĩ của chúng ta sẽ được nâng lên tầm cao mới, khi suy nghĩ của chúng ta không còn những động cơ sai lầm. 

Khi suy nghĩ về những việc làm trong ngày của mình, chúng ta có thể do dự. Chúng ta có thể không thể xác định được nên đi theo hướng nào. Ở đây, chúng ta cầu xin Chúa ban cho cảm hứng, suy nghĩ mang tính trực giác hay quyết định. Thư giãn và thoải mái. Không đấu tranh. Chúng ta thường ngạc nhiên khi thấy những câu trả lời đúng đắn xuất hiện sau khi đã thử làm như thế một thời gian. Những điều từng là linh cảm hay cảm hứng thỉnh thoảng mới diễn ra dần dần trở thành một phần hoạt động của tâm trí. Vì vẫn còn chưa có kinh nghiệm và mới chỉ tiếp xúc một cách có ý thức với Chúa, cho nên không phải lúc nào chúng ta sẽ được truyền cho cảm hứng. Chúng ta có thể trả giá cho thái độ tự phụ như thế bằng những hành động và ý tưởng ngớ ngẩn. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng cùng với thời gian suy nghĩ của mình ngày càng diễn ra trên bình diện của cảm hứng. Chúng ta sẽ ngày càng dựa vào nó. 

Chúng ta thường kết thúc giai đoạn ngồi thiền bằng lời cầu nguyện, nói rằng Chúa sẽ chỉ cho chúng ta những bước tiếp theo trong ngày của chúng ta, Chúa sẽ ban cho chúng ta bất cứ thứ gì chúng ta cần nhằm giải quyết những vấn đề như thế. Chúng ta đặc biệt cầu xin thoát khỏi ý chí cá nhân, và không chỉ cầu xin cho riêng mình. Tuy nhiên, chúng ta có thể cầu xin cho chính mình, nếu đấy là để giúp người khác. Chúng ta phải cẩn thận, không bao giờ cầu nguyện cho mục đích ích kỷ của mình. Nhiều người trong chúng ta đã lãng phí rất nhiều thời gian để làm việc này, và không hiệu quả. Bạn có thể dễ dàng thấy lý do vì sao. 

Nếu hoàn cảnh cho phép, chúng ta có thể yêu cầu vợ hoặc bạn bè cùng tham gia thiền vào buổi sáng. Nếu chúng ta là thành viên của tôn giáo nào đó yêu cầu phải đọc kinh vào buổi sáng, chúng ta cũng sẽ làm như thế. Nếu không phải là thành viên của các tổ chức tôn giáo, đôi khi chúng ta chọn và ghi nhớ một vài lời cầu nguyện nhấn mạnh những nguyên tắc mà chúng ta đã thảo luận. Cũng có nhiều cuốn sách hữu ích. Có thể hỏi các linh mục, mục sư hoặc giáo sĩ Do Thái. Nhanh chóng xem xem những người theo đạo đúng ở chỗ nào. Hãy tận dụng những thứ họ cung cấp cho chúng ta.

 

Trong ngày, nếu cảm thấy bồn chồn hoặc nghi ngờ, hãy dừng lại, và cầu xin để có những suy nghĩ hoặc hành động đúng đắn. Liên tục nhắc nhở mình rằng chúng ta không còn là người điều khiển nữa, khiêm tốn nói với chính mình nhiều lần mỗi ngày: “Ý Cha được nên”. Lúc đó, chúng ta ít có nguy cơ bị kích động, sợ hãi, tức giận, lo lắng, thương thân trách phận hoặc đưa ra những quyết định ngu ngốc. Chúng ta trở thành hiệu quả hơn hẳn. Chúng ta không dễ mệt mỏi, vì chúng ta không làm mất năng lượng một cách ngu ngốc như khi tìm cách sắp xếp đời sống cho phù hợp với mình. 

Nó hiệu quả—thực sự hiệu quả. 

Chúng ta, những người nghiện rượu, vô kỷ luật. Vì vậy, chúng ta để cho Chúa khép chúng ta vào kỷ luật, bằng cách làm đơn giản mà chúng ta vừa nêu ra. Nhưng không chỉ có thế. Hành động và hành động nhiều hơn nữa. “Đức tin không có hành động là đức tin chết”. Chương tiếp theo nói về bước mười hai.

No comments:

Post a Comment