Những Người Nghiện Rượu Ẩn Danh
Lần xuất bản gốc 1939
Bill W.
Dick B. chấp bút phần Dẫn nhập
Phạm Nguyên Trường dịch
Chương IX
Tại sao lại như thế? Chẳng phải vì mỗi người đều muốn đóng vai chính hay sao? Chẳng phải mỗi người đang tìm cách sắp xếp công việc gia đình theo ý mình hay sao? Chẳng phải anh ta đang cố gắng, một cách vô thức, xem mình có thể lấy được gì từ gia đình, chứ không phải đóng góp được gì hay sao?
Cai rượu chỉ là bước đầu tiên nhằm thoát khỏi tình trạng căng thẳng, bất thường mà thôi. Một bác sĩ từng nói với chúng tôi: “Nhiều năm chung sống với một người nghiện rượu gần như chắc chắn sẽ làm cho bất kỳ người vợ hoặc người con nào đều trở thành loạn thần kinh. Cả gia đình, ở một mức độ nào đó, đều bị bệnh”. Xin nói với các gia đình người nghiện, ngay khi họ bắt đầu hành trình của mình, rằng mọi thứ sẽ không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Lần lượt, từng người có thể cảm thấy mệt mỏi và và có thể tụt lại phía sau. Sẽ có những lối tắt hấp dẫn và những con đường vòng mà họ có thể đi vào và bị lạc.
Giả sử chúng tôi kể cho bạn nghe về một số trở ngại mà gia đình sẽ gặp; giả sử chúng tôi gợi ý cách tránh chúng — thậm chí biến chúng thành hữu ích đối với những người khác. Gia đình của người nghiện rượu khao khát, muốn được hạnh phúc và an toàn như xưa. Họ nhớ khi người cha còn mơ mộng, chu đáo và thành đạt. Cuộc sống hiện nay được đem ra so sánh với những ngày xưa cũ, và khi không như mong đợi, gia đình có thể cảm thấy rất buồn.
Niềm tin của gia đình vào ông bố tăng lên nhanh chóng. Họ nghĩ rằng những ngày tươi đẹp xưa kia sẽ nhanh chóng quay trở lại. Đôi khi họ đòi bố phải làm được ngay lập tức! Họ tin rằng Chúa gần như phải bồi thường vì chậm thanh toán. Nhưng người chủ gia đình đã phá bỏ các cơ cấu kinh doanh, tình yêu, tình bạn, sức khỏe trong suốt nhiều năm liền—tất cả đều đã bị phá hủy hoặc hư hại. Cần thời gian để dọn dẹp đống đổ nát. Mặc dù những ngôi nhà cũ cuối cùng sẽ được thay thế bằng những ngôi nhà đẹp hơn, nhưng phải mất nhiều năm mới dựng xong những cơ cấu mới.
Ông bố biết mình là người chịu trách nhiệm; có thể mất một thời gian làm việc chăm chỉ nhằm khôi phục lại tình trạng tài chính, nhưng không nên chỉ trích ông ta. Có lẽ ông ta sẽ không bao giờ có nhiều tiền như trước nữa. Nhưng một gia đình khôn ngoan sẽ có thái độ ngưỡng mộ ông vì con người mà ông đang cố gắng trở thành, chứ không phải vì những thứ ông ta đang cố gắng giành được.
Thỉnh thoảng, gia đình sẽ bị ám ảnh bởi những bóng ma từ quá khứ, vì trong quá trình uống rượu của hầu hết những người nghiện rượu đều có những cuộc phiêu lưu, buồn cười, nhục nhã, đáng xấu hổ hoặc bi thảm. Ước muốn mạnh mẽ đầu tiên là chôn những thứ xúi quẩy này trong một chiếc tủ và khóa chặt cửa lại. Gia đình có thể bị ám ảnh bởi ý tưởng cho rằng hạnh phúc trong tương lai chỉ có thể được xây bằng cách quên đi quá khứ. Chúng tôi nghĩ rằng quan điểm như vậy là khá ích kỷ và xung đột trực tiếp với cách sống mới.
Henry Ford đã từng nhận xét đầy trí huệ rằng trong cuộc đời, trải nghiệm là thứ có giá trị cao nhất. Nhưng nói như thế chỉ đúng nếu người ta sẵn sàng biến quá khứ thành tốt đẹp mà thôi. Chúng ta trưởng thành bằng cách sẵn sàng đối mặt và sửa chữa sai lầm và biến nó thành tài sản. Do đó, quá khứ của người nghiện rượu trở thành tài sản chính của gia đình, và thường thì đó gần như là tài sản duy nhất!
Quá khứ đầy đau đớn này có thể có giá trị vô cùng to lớn đối với những gia đình vẫn đang tìm cách giải quyết vấn đề của họ. Chúng tôi nghĩ rằng mỗi gia đình đã thoát khỏi nạn nghiện ngập đều nên có trách nhiệm với những gia đình chưa thoát được, và khi hoàn cảnh đòi hỏi, thì mỗi thành viên trong gia đình nên sẵn sàng đưa những sai lầm trước đây ra ánh sáng, dù chúng có nghiêm trọng đến mức nào. Chỉ cho những người đang đau khổ thấy rằng chúng ta đã được người khác giúp đỡ như thế nào, đấy chính là cái làm cho đời sống dường như đáng giá đối với chúng ta trong lúc này. Giữ chặt ý nghĩ nói rằng, trong tay Chúa, quá khứ đen tối là tài sản lớn nhất mà bạn có—đây là chìa khóa cho cuộc đời và hạnh phúc của người khác. Bạn có thể dùng nó để ngăn chặn cái chết và đau khổ cho những người đó.
Đào bới lại những việc làm sai trái trong quá khứ có thể làm cho chúng trở thành tai họa. Ví dụ, chúng ta biết người nghiện rượu hoặc vợ anh ta đã ngoại tình. Trong lần trải nghiệm tâm linh đầu tiên họ đã tha thứ cho nhau và xích lại gần nhau hơn trước. Phép màu hòa giải đã nằm trong tầm tay. Sau đó, do bị khiêu khích, người bị tổn thương sẽ đào bới lại chuyện cũ và trút giận lên mọi thứ và mọi việc. Một số người trong chúng ta đã trải qua những giai đoạn trưởng thành đầy đau đớn như thế. Đôi khi, vợ chồng buộc phải tách ra trong một khoảng thời gian nào đó, cho đến khi có một góc nhìn mới, chiến thắng được lòng tự trọng bị tổn thương. Trong hầu hết các trường hợp, người nghiện rượu vượt qua được thử thách này mà không tái nghiện, nhưng không phải lúc nào cũng như thế. Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng nếu không vì một mục đích tốt đẹp và hữu ích nào, thì không nên thảo luận về những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.
Các gia đình A.A. chúng tôi, không giữ bí mật về bất cứ chuyện gì. Mọi người đều biết về những rắc rối liên quan đến rượu của người khác. Đây là tình trạng mà trong cuộc sống bình thường sẽ gây ra những đau đớn không thể nào kể xiết; có thể có những lời bàn tán, tiếng cười nhạo gây đau đớn cho người khác và lợi dụng thông tin có tính chất riêng tư. Nhưng chúng tôi ít khi làm như thế. Chúng tôi nói rất nhiều về nhau, nhưng hầu như luôn luôn dùng tình yêu thương và khoan dung để kiềm chế chính mình.
Một nguyên tắc khác mà chúng ta cần tuân thủ một cách cẩn thận là không kể lại những trải nghiệm thân tình của người khác trừ khi chúng ta chắc chắn rằng người đó sẽ đồng ý. Chúng ta thấy rằng, mỗi khi có thể, thì nên bám sát vào những câu chuyện của chính mình. Một người có thể chỉ trích hoặc cười nhạo chính mình và làm như thế sẽ tạo được ảnh hưởng tích cực lên những người khác, nhưng người khác chỉ trích hay chế giễu anh ta thường tạo ra hiệu ứng ngược lại. Các thành viên trong gia đình nên cẩn thận trước những vấn đề như thế, vì chỉ một nhận xét bất cẩn, thiếu cân nhắc là đã có thể làm cho quỷ dữ nổi giận rồi. Những người nghiện rượu chúng ta là những người nhạy cảm. Một số phải mất một thời gian khá dài thì mới vượt qua được khiếm khuyết nghiêm trọng đó.
Nhiều người nghiện rượu là những người quá hăng hái. Họ dễ trở thành cực đoan. Khi bắt đầu hồi phục, người từng nghiện rượu thường đi theo một trong hai hướng. Anh ta có thể lao đầu vào kinh doanh để có chỗ đứng vững vàng trên thương trường, hoặc anh ta có thể bị phong cách sống mới lôi cuốn đến mức gần như không nói hoặc nghĩ về bất cứ thứ gì khác. Cả hai trường hợp đều tạo ra một số vấn đề gia đình. Chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm về việc này.
Chúng tôi cho rằng sẽ nguy hiểm nếu anh ta vội vã tìm cách giải quyết các vấn đề kinh tế của mình. Gia đình cũng sẽ bị ảnh hưởng, lúc đầu là dễ chịu, vì họ cảm thấy cần phải giải quyết những rắc rối về tiền bạc, sau đó thì không dễ chịu như thế nữa, đấy là khi họ thấy mình không được bố quan tâm. Ban ngày bố bận rộn, còn đêm đến thì quá mệt mỏi rồi. Anh ta có thể không quan tâm đến con cái và có thể tỏ ra khó chịu khi bị cằn nhằn vì những việc làm thiếu trách nhiệm của mình. Nếu không cáu kỉnh, thì anh ta cũng có vẻ buồn tẻ và nhàm chán, không vui vẻ và yêu thương như gia đình mong muốn. Bà mẹ có thể phàn nàn về việc anh ta không quan tâm tới gia đình. Tất cả mọi người đều thất vọng, và thường thể hiện cho anh ta thấy. Những lời phàn nàn như thế tạo ra hàng rào ngăn cách mọi người với nhau. Anh ra đang nghĩ nát óc nhằm bù đắp cho khoảng thời gian đã mất. Anh ta đang tìm cách khôi phục lại vận may và danh tiếng và cảm thấy mình đang hành động đúng.
Đôi khi vợ và con anh ta không nghĩ như thế. Đã từng bị bỏ rơi và bị lạm dụng, họ nghĩ rằng ông bố phải có trách nhiệm với họ nhiều hơn là những thứ mà họ đang nhận. Họ muốn anh ta quan tâm đến mình nhiều hơn. Họ kỳ vọng rằng anh ta sẽ dành cho họ những khoảng thời gian vui vẻ mà gia đình đã từng được hưởng trước khi anh ta trở thành người nghiện, và thể hiện sự ăn năn của mình trước những khổ đau mà họ đã phải chịu đựng. Nhưng ông bố không tự nguyện chia sẻ. Oán hận tăng lên. Anh ấy trở thành người ít nói hơn. Đôi khi anh ta nổi nóng vì một chuyện vặt vãnh. Gia đình cảm thấy bối rối. Họ bắt đầu chỉ trích, nói rằng anh ta đang lơ là với chương trình tâm linh của mình.
Có thể tránh được những việc như thế. Trong trường hợp này cả gia đình đều sai lầm, mặc dù mỗi bên có thể có một số lý do chính đáng. Tranh cãi sẽ chẳng mang lại lợi ích gì, chỉ làm cho tình hình tồi tệ thêm mà thôi. Gia đình phải nhận ra rằng ông bố, mặc dù đã cải thiện đáng kể, vẫn đang trong quá trình hồi phục. Họ nên biết ơn vì anh ta đã tỉnh táo và một lần nữa có thể trở lại với thế giới này. Họ nên ca ngợi quá trình vươn lên của anh ta. Họ nên nhớ rằng việc anh ta uống rượu đã gây ra rất nhiều tổn thất, phải mất nhiều thời gian mới có thể sửa chữa được. Nếu họ cảm nhận được những việc này, họ sẽ không quá bức xúc mỗi khi anh ta cáu kỉnh, chán nản hoặc thờ ơ, những thứ này sẽ biến mất khi có khoan dung, tình yêu và hiểu biết về mặt tâm linh.
Người chủ gia đình nên nhớ rằng anh ta phải chịu trách nhiệm về những việc đã xảy ra với gia đình mình. Cả đời anh ta cũng khó có thể bù đắp được. Nhưng anh ấy phải thấy rằng tập trung quá mức vào thành công về mặt tài chính là nguy hiểm. Mặc dù nhiều người trong chúng ta đang trên đường khôi phục lại về mặt tài chính, nhưng chúng tôi thấy rằng không coi tiền lên là trên hết. Đối với chúng ta, thịnh vượng về vật chất luôn phải đi sau tiến bộ về mặt tâm linh; không bao giờ được đi trước.
Vì gia đình là nơi bị đau khổ nhiều nhất, nên anh ta phải cố gắng ngay trong gia đình. Anh ta không thể tiến xa được, nếu không thể hiện tình yêu và vị tha ngay trong gia đình mình. Chúng ta biết rằng có những người vợ và gia đình khó tính, nhưng người đang cai nghiện phải nhớ rằng mình đã làm rất nhiều chuyện cho nên họ mới trở thành những người như thế.
Khi mỗi thành viên trong một gia đình đầy oán hận bắt đầu nhận ra những thiếu sót của mình và thừa nhận với những người khác, là người đó đã tạo ra nền tảng cho cuộc thảo luận bổ ích. Những cuộc nói chuyện trong gia đình như thế sẽ có tính xây dựng nếu không có tranh luận gay gắt, không có những lời than thân trách phận, tự bào chữa hoặc chỉ trích đầy oán hận. Dần dần, vợ và các con sẽ thấy rằng họ đòi hỏi quá nhiều, và ông bố cũng sẽ thấy rằng anh ta cho đi quá ít. Cho đi, thay vì nhận lại, sẽ trở thành nguyên tắc chỉ đạo.
Mặt khác, giả sử rằng ngay từ đầu, ông bố đã có trải nghiệm tâm linh sâu sắc. Chỉ sau một đêm, anh ta đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Anh ta trở thành một người đam mê tôn giáo. Anh ta không thể tập trung vào bất cứ việc gì khác. Ngay khi việc anh ta trở thành người tỉnh táo bắt đầu được coi là chuyện thường tình, thì gia đình có thể nhìn người chủ gia đình mới lạ của họ với thái độ lo lắng, rồi chuyển thành bực bội. Sáng, trưa, chiều tối, lúc nào cũng chỉ có chuyện tâm linh. Anh ta có thể yêu cầu gia đình phải tìm kiếm Thiên Chúa ngay lập tức, hoặc không quan tâm gì tới họ nữa và nói rằng anh ta vượt lên trên những tính toán trần tục. Anh ta có thể nói với vợ, người đã theo đạo suốt đời, rằng bà không biết gì hết, và bà nên đi theo tín ngưỡng của anh ta trong khi còn kịp.
Khi ông bố áp dụng chiến thuật này, gia đình có thể phản ứng theo lối tiêu cực. Các con có thể ghen tị với một vị Chúa vì Ngài đã lấy mất tình cảm của bố mình. Mặc dù họ cảm ơn vì bố không uống rượu nữa, nhưng lại có thể không thích ý tưởng cho rằng Chúa đã làm được phép lạ mà họ không làm được. Họ thường quên rằng người thường không thể giúp được bố mình. Họ có thể không hiểu được vì sao tình yêu và sự tận tụy của họ không làm cho bố mình trở thành người tốt hơn. Họ nói rằng bố không phải là người tâm linh đến mức đó. Nếu bố mình muốn sửa chữa những sai lầm trong quá khứ thì vì sao ông ta lại quan tâm đến mọi người trên thế gian này mà không quan tâm tới gia đình mình? Còn việc ông ấy nói rằng Chúa sẽ chăm sóc họ thì sao? Họ ngờ rằng cha mình hơi bị khùng!
Ông ấy không mất trí như họ nghĩ. Nhiều người trong chúng tôi đã từng có những giai đoạn phấn khích. Chúng tôi đã đắm chìm trong những con say mê tâm linh. Chúng tôi đã đắm mình trong cơn say tâm linh. Giống như một người tìm vàng gầy guộc, thắt lưng siết chặt lấy phần thức ăn cuối cùng, lưỡi cuốc của chúng tôi đã chạm vào vàng. Niềm vui khi được giải thoát khỏi thất vọng kéo dài suốt cả cuộc đời là không thể nói lên lời. Ông bố cảm thấy tìm được thứ còn quý hơn vàng. Trong thời gian đầu, anh ta có thể cố ôm chặt kho báu mới tìm được vào lòng. Anh ta có thể chưa nhận ra ngay rằng mình chỉ mới chạm vào mỏ vàng với trữ lương khổng lồ, nó sẽ mang lại lợi nhuận nếu khai thác suốt đời và khăng khăng nói rằng sẽ cho những người khác toàn bộ sản phẩm của nó.
Nếu gia đình hợp tác, ông bố sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mình đang đau khổ là do bóp méo các giá trị. Ông ta sẽ nhận ra rằng sự phát triển về mặt tâm linh của mình là không cân bằng, đối với một người đàn ông trung bình như ông ta, nói cho cùng, đời sống tâm linh mà không làm tròn có nghĩa vụ với gia đình có thể là không hoàn hảo. Nếu gia đình cho rằng hành vi hiện nay của bố mình chỉ là một trong những giai đoạn phát triển của ông ta, thì mọi sự sẽ ổn. Trong gia đình có sự thấu hiểu và thông cảm, những thất thường trong giai đoạn còn non nớt về mặt tâm linh của ông bố sẽ nhanh chóng qua đi.
Nếu gia đình lên án và chỉ trích thì kết quả có thể hoàn toàn ngược lại. Ông bố có thể cảm thấy rằng trong suốt nhiều năm qua, uống rượu đã làm cho ông ta là người có lỗi trong mọi cuộc tranh cãi, nhưng giờ đây ông ta đã trở thành người ưu tú hơn, Chúa đứng về phía ông ta. Nếu gia đình vẫn tiếp tục chỉ trích, thì ông bố càng sai thêm. Thay vì đối xử với gia đình như đáng lẽ ông phải làm, thì ông ta có thể thu mình hơn nữa và cảm thấy mình có lý do chính đáng về mặt tâm linh để làm như thế.
Mặc dù gia đình không hoàn toàn đồng ý với các hoạt động tâm linh của ông bố, nhưng họ nên để ông ta tự quyết định. Ngay cả khi ông bỏ bê và có thái độ vô trách nhiệm đối với gia đình, thì tốt nhất là hãy để ông ta tiếp tục giúp đỡ những người nghiện rượu khác. Trong những ngày mới hồi phục, nó sẽ giúp ông ta tỉnh táo hơn là bất kỳ công việc nào khác. Mặc dù một số biểu hiện của ông ta là đáng báo động và khó chịu, chúng tôi nghĩ ông bố sẽ có nền tảng vững chắc hơn những người đặt thành công trong công việc hoặc nghề nghiệp lên trên quá trình thăng tiến về mặt tâm linh. Ông ta sẽ ít có khả năng uống rượu trở lại, và dù ông ta có làm gì thì cũng tốt hơn là uống rượu.
Những người dành nhiều thời gian trong thế giới tưởng tượng về mặt tâm linh cuối cùng đã thấy được trò trẻ con của nó. Thế giới trong mơ này đã được thay thế bằng ý thức lớn về mục đích, song hành với ý thức ngày càng gia tăng về quyền năng của Chúa trong đời sống của chúng ta. Chúng ta đã tin rằng Ngài muốn chúng ta giữ tâm trí mình trên mây cùng với Ngài, nhưng đôi chân của chúng ta phải đứng vững trên mặt đất. Đó là nơi những người bạn đồng hành của chúng ta đang sống, và đó là nơi chúng ta phải hoàn thành công việc của mình. Đây là thực tại của chúng ta. Chúng tôi không phát hiện được điều gì không tương thích giữa trải nghiệm tâm linh mạnh mẽ và đời sống lành mạnh và hữu ích.
Một gợi ý nữa: Cho dù gia đình có niềm tin tâm linh hay không, họ vẫn nên xem xét những nguyên tắc mà thành viên của A.A. đang cố gắng sống theo. Họ khó có thể không chấp thuận những nguyên tắc đơn giản này, mặc dù ông chủ gia đình vẫn không thực hành một cách trọn vẹn. Không gì có thể giúp người chồng lạc hướng về mặt tâm linh bằng việc người vợ áp dụng một chương trình tâm linh lành mạnh, và áp dụng nó trong đời sống.
Trong gia đình sẽ có những thay đổi sâu sắc khác nữa. Nghiện rượu đã làm ông bố trở thành bất lực trong suốt nhiều năm liền và bà mẹ trở thành người chủ gia đình. Bà đã hoàn thành những trách nhiệm này một cách dũng cảm. Do hoàn cảnh bắt buộc, bà thường buộc phải đối xử với chồng như một đứa trẻ ốm yếu hay hư hỏng. Ngay cả khi muốn khẳng định mình, ông ta cũng không thể, vì rượu đã làm cho ông ta luôn luôn mắc lỗi. Bà mẹ đã lập ra tất các các kế hoạch và chỉ đạo. Khi tỉnh táo, người cha thường làm theo. Vì vậy, người mẹ, dù không phải lỗi của mình, đã quen với việc đảm nhận vai trò trụ cột trong gia đình. Ông bố, đôi khi bất ngờ lấy lại được tinh thần, thường bắt đầu thể hiện quyền uy của mình. Nó có thể tạo ra rắc rối, trừ khi các thành viên trong gia đình để ý tới những dấu hiệu này và cùng nhau tìm được đồng thuận trong hòa bình.
Việc uống rượu đã làm cho hầu hết những gia đình này tách khỏi thế giới bên ngoài. Ông bố có thể đã gạt sang một bên tất cả các hoạt động bình thường trong suốt nhiều năm liền—câu lạc bộ, nghĩa vụ công dân, thể thao. Khi ông ta lấy lại hứng thú với những việc này, cảm giác ghen tị có thể xuất hiện. Gia đình có thể cảm thấy họ đang phụ thuộc vào người bố, đến mức không để cho ông ta dành thời gian và tình cảm cho người bên ngoài. Cho nên đáng lẽ mẹ và các con phải tìm ra những lĩnh vực hoạt động của chính mình thì họ lại có thể yêu cầu ông bố ở nhà và bù đắp tình cảm thiếu hụt trong những ngày đã qua.
Ngay từ đầu, hai người nên thẳng thắn đối mặt với thực tế: mỗi người sẽ phải nhường nhịn người kia, tuỳ lúc, đấy là nếu gia đình muốn có vai trò trong cuộc đời mới. Ông bố nhất thiết sẽ dành nhiều thời gian cho những người nghiện rượu khác, nhưng phải cân bằng với những hoạt động khác. Có thể kết bạn với những người không biết gì về nghiện rượu và quan tâm tới nhu cầu của họ. Có thể chú ý tới các vấn đề của cộng đồng. Dù gia đình không có mối liên hệ tôn giáo nào, nhưng họ có thể muốn tiếp xúc với hoặc tham gia tổ chức tôn giáo.
Những người nghiện rượu đã từng chế giễu những người theo đạo, nhờ những liên hệ như vậy mà có thể được giúp đỡ. Khi có trải nghiệm tâm linh, người nghiện rượu sẽ thấy mình có nhiều điểm chung với những người theo đạo, mặc dù anh ta có thể khác họ về nhiều vấn đề. Nếu anh ta không tranh luận về tôn giáo, anh ta sẽ có những người bạn mới, và chắc chắn sẽ phát hiện được những con đường mới, có ích và thú vị. Anh ta và gia đình có thể là điểm sáng trong những cộng đoàn như thế. Anh ta có thể mang tới hy vọng và can đảm cho nhiều linh mục, mục sư hay giáo sĩ Do Thái, những người đã cống hiến hết sức mình để phục vụ thế giới đầy rắc rối của chúng ta. Chúng tôi chỉ coi những vấn đề vừa nêu là gợi ý hữu ích mà thôi. Đối với chúng tôi, không có gì bắt buộc hết. Là những người không theo giáo phái nào, chúng tôi không thể quyết định thay người khác. Mỗi người nên hỏi lương tâm của chính mình.
Chúng tôi đã nói với bạn về những việc nghiêm trọng, đôi khi là bi thảm. Chúng tôi đã giải quyết vấn đề rượu ở khía cạnh tồi tệ nhất của nó. Nhưng chúng tôi không phải là những người buồn bã, chán nản. Nếu những thành viên không nhìn thấy niềm vui hay sự vui vẻ trong cuộc sống của chúng tôi, họ sẽ không muốn tham gia. Chúng tôi hoàn toàn nhấn mạnh vào khía cạnh tận hưởng đời sống. Chúng tôi cố gắng không đắm chìm trong thái độ hoài nghi về tình trạng của các nước, chúng tôi cũng không mang những rắc rối của thế gian trên đôi vai của mình. Khi chứng kiến một người đàn ông đang chìm trong vũng lầy của chứng nghiện rượu, chúng tôi cứu cho anh ta và đặt những gì chúng tôi có vào tay anh ta. Vì anh ta, chúng tôi kể lại và gần như sống lại những nỗi kinh hoàng trong quá khứ của chính mình. Nhưng những người tìm cách gánh vác toàn bộ gánh nặng và rắc rối của người khác thì chẳng bao lâu sau sẽ phát hiện được rằng mình đã bị họ làm cho kiệt sức.
Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng vui vẻ và tiếng cười là có ích. Người ngoài cuộc thỉnh thoảng cảm thấy ngạc nhiên khi chúng tôi bật cười về một trải nghiệm dường như là bi thảm trong quá khứ. Nhưng tại sao chúng tôi không cười? Chúng tôi đã hồi phục và được trao quyền giúp đỡ những người khác.
Mọi người đều biết rằng người yếu và không hay chơi đùa, thì cũng ít khi cười. Vì vậy, từng gia đình hãy chơi đùa cùng với nhau hoặc mỗi người tự đi chơi - tùy theo hoàn cảnh của mình. Chúng ta tin chắc chắn rằng Chúa muốn chúng ta hạnh phúc, vui vẻ và tự do. Chúng ta không thể đồng ý với quan niệm cho rằng cuộc sống là một thung lũng đầy nước mắt, mặc dù trước đây nhiều người chúng ta đã lạc vào chính thung lũng đó. Nhưng rõ ràng là chúng ta tự tạo ra đau khổ cho mình. Chúa không làm việc đó. Vậy thì hãy đừng cố tình tạo ra đau khổ, nhưng nếu gặp rắc rối, hãy vui vẻ tận dụng nó như một cơ hội để chứng minh quyền năng vô biên vô tế của Ngài.
Xin nói một chút về sức khỏe: Cơ thể bị rượu làm cho suy kiệt hoàn toàn thường không thể hồi phục chỉ sau một đêm, suy nghĩ lệch lạc và trầm cảm không biến mất ngay trong chớp mắt. Chúng tôi tin rằng lối sống tâm linh là phương pháp hồi phục sức khỏe mạnh mẽ nhất. Chúng tôi, những người đã hồi phục sau khi bị nghiện rượu nghiêm trọng, là những minh chứng về phép màu của sức khỏe tâm linh. Chúng tôi đã nhìn thấy những chuyển hoá to lớn trong cơ thể của mình. Hầu như không người nào trong chúng tôi hiện có bất kỳ dấu hiệu suy sụp nào.
Nhưng không có nghĩa là chúng tôi coi thường các biện pháp chăm sóc sức khỏe. Chúa đã cung cấp cho thế giới này rất nhiều bác sĩ, nhiều nhà tâm lý học và những người chữa bệnh thuộc những trường phái khác nhau, họ rất giỏi. Đừng ngại chia sẻ những vấn đề sức khỏe của bạn với những người đó. Hầu hết họ đều tự nguyện giúp những người khác để họ có thể có tinh thần và cơ thể khỏe mạnh. Xin nhớ rằng mặc dù Chúa đã tạo ra những phép màu cho chúng ta, nhưng không bao giờ được coi thường bác sĩ hay bác sĩ tâm thần giỏi. Cần phải sử dụng dịch vụ y tế trong quá trình điều trị cho những thành viên mới và sau đó theo dõi quá trình hồi phục của họ.
Một trong những bác sĩ có cơ hội đọc cuốn sách này khi còn ở dạng bản thảo đã nói với chúng tôi rằng ăn uống đồ ngọt thường có lợi. Ông bác sĩ này nghĩ rằng tất cả những người nghiện rượu nên luôn luôn mang theo sô cô la để có ngay năng lượng khi mệt mỏi. Ông còn nói thêm rằng thỉnh thoảng vào ban đêm, một cơn thèm rượu mơ hồ xuất hiện, ăn kẹo thì sẽ hết. Nhiều người trong chúng ta nhận thấy mình thích ăn đồ ngọt và thói quen này là có lợi.
Xin nói một chút về quan hệ tình dục. Một số người bị rượu kích thích rất mạnh đến mức họ quá sa đà vào chuyện này. Đôi khi, các cặp vợ chồng cảm thấy thất vọng khi phát hiện ra rằng đàn ông thường bất lực khi ngừng uống rượu. Nếu không hiểu được lý do, có thể sẽ có xáo trộn về mặt cảm xúc. Trong vài tháng đầu, một số người sẽ có trải nghiệm như thế, nhưng sau đó sự gần gũi sẽ trở thành tinh tế hơn bao giờ hết. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ hay nhà tâm lý học, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục. Chúng tôi chưa thấy trường hợp nào gặp tình trạng như thế trong thời gian dài.
Người nghiện rượu có thể thấy khó thiết lập lại quan hệ thân thiện với các con của mình. Đầu óc còn non nớt của chúng dễ bị ảnh hưởng khi ông bố uống rượu. Không nói ra, nhưng thực lòng chúng có thể ghét ông ta vì những việc ông ta đã làm với chúng và mẹ của chúng. Đôi khi, trẻ em bị thái độ cứng rắn và hoài nghi chi phối khá mạnh. Dường như chúng không thể tha thứ và quên được những chuyện cũ. Có thể kéo dài trong nhiều tháng, rất lâu sau khi mẹ của chúng đã chấp nhận cách sống và suy nghĩ mới của ông bố.
Cùng với thời gian, chúng sẽ coi ông ta là một người mới và sẽ cho ông ta biết theo cách của mình. Khi chuyện đó xảy ra, có thể mời các con tham gia khoá thiền tập vào buổi sáng, sau đó bọn trẻ có thể tham gia các cuộc thảo luận hàng ngày mà không còn lòng oán hận hay thiên vị. Từ đó trở đi, tiến trình sẽ diễn ra nhanh chóng hơn. Những cuộc đoàn tụ như thế thường đưa tới những kết quả phi thường.
Dù gia đình có tiếp tục sống trên cơ sở tâm linh hay không, nhưng muốn hồi phục, người đã từng nghiện rượu phải làm như thế. Những người khác phải tin tưởng, không có chút nghi ngờ nào đối với tình trạng mới này của anh ta. Đối với hầu hết các gia đình đã sống với người từng nghiện rượu, thấy tức là tin.
Đây là trường hợp điển hình: Một người bạn của chúng tôi là người nghiện nặng thuốc lá và cà phê. Không nghi ngờ gì rằng, anh ta quá sa đà. Nhìn thấy, và muốn giúp đỡ, vợ anh ta bắt đầu cảnh cáo anh về chuyện này. Anh ta thừa nhận mình đã quá lạm dụng thuốc lá và cà phê, nhưng thành thật mà nói rằng anh ta chưa sẵn sàng dừng lại. Vợ anh ta là người thực sự cảm thấy những thứ này cũng chẳng hay ho gì, vì vậy cô ta cằn nhằn, và thái độ thiếu khoan dung của cô vợ cuối cùng làm cho anh chồng nổi cơn thịnh nộ. Anh ta đã uống tới say.
Tất nhiên, bạn của chúng tôi đã sai—hoàn toàn sai. Anh ta phải đau đớn thừa nhận điều đó và tiến hành sửa chữa hàng rào tâm linh của mình. Mặc dù hiện nay anh ta là thành viên hiệu quả nhất của A.A., anh ta vẫn hút thuốc và uống cà phê, nhưng cả bà vợ và những người khác đều không phán xét nữa. Cô vợ thấy mình sai khi làm cho vấn đề như thế trở thành gay gắt trong khi anh ta đang trong giai đoạn chữa những căn bệnh còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Chúng tôi có ba phương
châm dễ áp dụng: “Việc gì trước làm trước”, “Sống hòa thuận với mọi người” và
“Đừng vội vàng”
No comments:
Post a Comment