January 14, 2025

CÁC NHÀ VÔ ĐỊCH ẨN DANH CỦA THẾ KỈ XXI (9)

 CÁC NHÀ VÔ ĐCH N DANH CA TH K XXI

CHIN LƯỢC DN TI THÀNH CÔNG CA NHNG CÔNG TI
 
N DANH HÀNG ĐU TH GII

HERMANN SIMON
 

CÁC NHÀ VÔ ĐỊCH ẨN DANH CỦA THẾ KỈ XXI

CHIẾN LƯỢC DẪN TỚI THÀNH CÔNG CỦA NHỮNG CÔNG TI
 ẨN DANH HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI
 


Chương 9

Cạnh tranh

Các nhà vô địch ẩn danh cạnh tranh như thế nào? Họ áp dụng những chiến thuật cạnh tranh nào? Họ có những lợi thế cạnh tranh nào? Trong chương này, chúng ta sẽ thảo luận những câu hỏi này và những câu hỏi tương tự. Các nhà vô địch ẩn danh chủ yếu hoạt động trong những thị trường chỉ có một ít công ti và thậm chí ngay cả trên thị trường toàn cầu cũng chỉ có một vài đối thủ. Nhưng cạnh tranh vẫn rất khốc liệt. Chiến lược của họ nhắm đến chất lượng tốt chứ không phải giá thấp. Lợi thế cạnh tranh lâu dài về chất lượng sản phẩm tiếp tục là cột trụ của vị trí dẫn đầu trên thương trường của họ. Họ còn có dịch vụ hậu mãi không chê vào đâu được. Thời gian gần đây họ còn giành được địa vị thuận lợi trong những tham số mềm như tư vấn và tích hợp hệ thống. Vì những tham số này là năng lực trong nội bộ công ti cho nên khó bắt chước và vì vậy mà ổn định. Hiện nay rào cản, ngăn không cho các đối thủ mới thâm nhập thị trường dường như cao hơn cách đây mười năm. Mặc dù có những lợi thế như thế, nhưng các nhà vô địch ẩn danh vẫn phải kiểm soát giá cả chặt chẽ nhằm giữ cân bằng giữa chất lượng và giá cả. Khi tiến vào thị trường mới với những phân khúc thị trường chưa được biết trước đó (nghĩa là sản phẩm có giá cực kì thấp) phải áp dụng chiến lược độc đáo với sản phẩm cực kì đơn giản và giá cả cực kì thấp. Mặc cho quá trình toàn cầu hóa, các đối thủ trong những khu vực gần gũi vẫn là những đấu sĩ chính giữ cho công ti sẵn sàng lao vào cạnh tranh.

Tổ chức và hành vi có tính cạnh tranh

Nhà vô địch ẩn danh điển hình thường có ít đối thủ. Trung bình,[1] trên thị trường thế giới, các nhà vô địch ẩn danh thường có sáu đối thủ đáng gờm. Gần 60% (chính xác là 59,8%) có ít hơn 10 đối thủ trên thị trường thế giới, chỉ có 12,8% có đến hơn 20 đối thủ. Nhưng cũng có những nhà vô địch ẩn danh có hàng ngàn đối thủ (ví dụ, công ti A.T.U. chuyên về phụ tùng ô tô hay Würth chuyên về sản phẩm lắp ráp).

Hầu hết các nhà vô địch ẩn danh hoạt động trên thị trường có ít đối thủ cho nên chúng ta có thể nghĩ rằng hành động của các đối thủ có sự phụ thuộc lẫn nhau. Chỉ có ít nhà vô địch ẩn danh hoạt động trên thị trường có nhiều đối thủ, ở đây các công ti riêng lẻ có ít ảnh hưởng đối với hành vi của các đối thủ. Thị trường ít đối thủ không phải là hiện tượng bất thường. Ngay cả trên những thị trường lớn như ô tô, máy bay, nhà máy điện, thiết bị viễn thông, cũng hiếm khi có hơn 10 đến 20 đối thủ đáng gờm trên phạm vi toàn cầu.

Rõ ràng số lượng đối thủ có ảnh hưởng tới thị phần. Chúng tôi đã đánh giá mối tương quan này đối với những công ti dẫn đầu thương trường. Giả thuyết phi tuyến tính cho kết quả tốt nhất:[2]

Thị phần = 55,3 x số lượng đối thủ-0.34

Số mũ -0,34 được gọi là tính đàn hồi, thể hiện thị phẩn của công ti đứng hàng đầu thị trường giảm 0,34% nếu số đối thủ tăng 1%. Nếu số đối thủ tăng 10% thì thị phần sẽ giảm tương ứng là 3,4%. Hình 9.1 cho thấy tương quan giữa thị phần của công ti hàng đầu và số lượng đối thủ.

Hình 9.1: Tương quan giữa thị phần của công ti hàng đầu và số lượng đối thủ



Ưu thế cạnh tranh nổi bật của các nhà vô địch ẩn danh thể hiện trong những câu trả lời sau đây:

-  84,1% nói rằng thị phần của họ gia tăng trong mười năm gần đây, chỉ có 11,9% nói là thị phần suy giảm.

-  Chỉ có 7,6% nói rằng thị phần không ổn định, trong khi 30,3% nói rằng thị phần ổn định.

-  61,7% các nhà vô địch ẩn danh vẫn thường xuyên chạm trán với cùng những đối thủ cũ.

-  Gần một nửa (chính xác là 46,2%) hiện có mặt trên thương trường đã có mặt trên thương trường lâu hơn hẳn đa số những đối thủ quan trọng nhất của họ.

-  Chỉ có 7,5% các nhà vô địch ẩn danh thường xuyên gặp những đối thủ mới tham gia vào thị trường của họ.

-  28,1% cho rằng trong tương lai gần có khả năng hoặc rất có khả năng là đối thủ mới sẽ tham gia vào thị trường của họ.

-  Cứ 13 nhà vô địch ẩn danh thì có một nhà (chính xác là 7,5%) cho rằng sự tham gia như thế là mối đe dọa đối với chính họ, trong khi 37,6% không thấy sự tham gia như thế ẩn chứa bất kì mối đe dọa nào.

Các nhà vô địch ẩn danh nhìn thấy những đối thủ quan trọng nhất của mình ở những nước nào? Hình 9.2 cho thấy những con số trong hiện tại và trong 10 năm trước.

Hình 9.2: Các đối thủ quan trọng nhất của các nhà vô địch ẩn danh, theo khu vực


So với 10 năm trước đây, ta thấy có sự dịch chuyển vị trí trên thương trường của những đối thủ quan trọng nhất. Có thể coi sự suy giảm của châu Âu là hậu quả hợp logic của toàn cầu hóa. Sự gia tăng rõ ràng số lượng các nhà vô địch ẩn danh ở Mỹ làm người ta phải ngạc nhiên. Tôi cho rằng có hai nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi như thế: quá trình quốc tế hóa các công ti quy mô vừa của Mỹ tăng lên và các nhà vô địch ẩn danh châu Âu tích cực hoạt động hơn tại những thị trường kĩ thuật cao, nơi các công ti Mỹ có vai trò mạnh mẽ. Mỹ là địa bàn huấn luyện không thể thay thế được. Các đối thủ mới đầy sức mạnh xuất hiện ở đây. Các đối thủ đầy sức mạnh ở Nhật Bản đã giảm. Hiện nay các công ti Nhật Bản không còn là những đối thủ như mười năm trước đây nữa. Điều này càng củng cố sự kiện là ở Nhật Bản có tương đối ít các công quy mô vừa dẫn đầu thị trường thế giới. Các công ti Nhật Bản tích cực hoạt động trên thị trường quốc tế và thành công đa phần đều là các tập đoàn lớn. Phát hiện mới là 4,7% các nhà vô địch ẩn danh coi Trung Quốc là đối thủ quan trọng nhất của họ, và đây là lần đầu tiên Ấn Độ lọt vào danh sách các đối thủ đáng gờm. Tổng phần trăm trên hình 9.2 lớn hơn 100 (122,2%) vì một số người trả lời nói rằng họ có những đối thủ quan trọng ở một vài nước. Sự cạnh tranh trên thị trường của các nhà vô địch ẩn danh đúng là mang tính toàn cầu. Tổng cộng có 69,0% nói rằng đối thủ đáng gờm nhất của họ (hay một trong số những đối thủ đáng gờm nhất của họ) là công ti nước ngoài.

Các nhà vô địch ẩn danh giống đối thủ của họ đến mức nào? Người ta có thể cho rằng sự tương đồng là khá cao - nhưng đây là giả định không đúng, ta có thể thấy điều đó từ những câu trả lời sau đây:

Sự tương đồng được coi là...                                         Rất giống       Rất không giống

- Cơ cấu quyền sở hữu                                           30,3%                   40,1%

- Hiểu biết về công nghệ                                        18,3%                   25,1%

- Sản phẩm và dịch vụ chào bán                         14,5%                   27,5%

- Quy mô công ti                                                       5,3%                     45,8%

Những kết quả như thế đúng là rất đáng ngạc nhiên. Chúng khẳng định một lần nữa rằng các nhà vô địch ẩn danh là những công ti rất khác nhau và hoạt động trong những môi trường cạnh tranh khác nhau.

Ít đối thủ và sự khác biệt của những đối thủ như thế có dẫn tới giả định rằng mức độ cạnh tranh trên thị trường của các nhà vô địch ẩn danh là tương đối thấp. Ngược lại mới đúng. Mặc dù có ít đối thủ và mối đe dọa từ những đối thủ mới là tương đối thấp, nhưng cạnh tranh trên thị trường của các nhà vô địch ẩn danh là rất quyết liệt. Gần hai phần ba (chính xác là 63,2%) nói rằng cạnh tranh rất mãnh liệt. Chỉ có tỉ lệ rất nhỏ (4,5%) nói mức độ cạnh tranh là rất thấp. Trong những cuộc phỏng vấn của tôi, giám đốc điều hành các nhà vô địch ẩn danh nhắc đi nhắc lại rằng các đối thủ mạnh của họ, thường là những công ti tuyệt vời nữa, và rằng sẽ là cực kì nguy hiểm nếu coi vị trí dẫn đầu thương trường của mình là an toàn trong tương lai. Công ti Windmöller & Hölscher, nắm tới 70% thị phần máy sản xuất túi giấy, nói: “Có rất ít đối thủ, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc chiến đấu giành thị phần là ít khó khăn hơn.” Tôi ít gặp những người có thái độ kiêu căng khi họ nói về sức mạnh của công ti trên thương trường. Nhưng những tập đoàn lớn thì hơi khác. Các tập đoàn lớn thường cảm thấy tự tin về vị trí của họ trên thương trường, trong khi nhận thức rằng mỗi ngày đều phải đấu tranh để giành và bảo vệ vị trí dẫn đầu thương trường là nhận thức được nhiều nhà vô địch ẩn danh chia sẻ.

Lợi thế cạnh tranh

Tần suất của những lợi thế cạnh tranh

Các nhà vô địch ẩn danh có những lợi thế cạnh tranh nào? Hình 9.3 cho thấy tỉ lệ các công ti nói rằng họ có lợi thế cạnh tranh rõ ràng trong những thuộc tính tương ứng. Các thuộc tính này được xác định trong câu hỏi (câu hỏi đóng).

Hình 9.3: Lợi thế cạnh tranh của các nhà vô địch ẩn danh


Chất lượng của sản phẩm được tuyệt đại đa số nói là lợi thế cạnh tranh. Lợi thế cạnh tranh tiếp ngay sau đó là những tác nhân mềm như gần gũi với khách hàng, tư vấn, gửi hàng đúng hạn và dịch vụ hậu mãi, nghĩa là những tác nhân xung quanh sản phẩm. Những công cụ tiếp thị như quảng cáo và giá cả được ít người coi là lợi thế cạnh tranh.

Những câu trả lời cho câu hỏi mở về lợi thế cạnh tranh (không nhắc tới các thuộc tính) và sự thay đổi trong mười năm gần đây cũng là những câu trả lời thể hiện được nhiều vấn đề. Chất lượng của sản phẩm cũng đứng vị trí thứ nhất trong câu hỏi mở. Tổng cộng có 39% người trả lời coi chất lượng là lợi thế cạnh tranh. Con số này gần bằng tỉ lệ 38% cách đây mười năm. Dịch vụ/tư vấn đứng thứ hai, cũng phù hợp với câu hỏi đóng. Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy sự dịch chuyển trong một số thuộc tính. Bốn thông số với sự gia tăng mạnh nhất được thể hiện trên hình 9.4.

Hình 9.4: Sự thay đổi về tần suất của lợi thế cạnh tranh (câu hỏi mở)


Tư vấn gia tăng nhiều nhất, tới 10%. Tích hợp hệ thống và dễ sử dụng/đơn giản hóa tiếp liền sau với sự gia tăng là 8%. Điều thú vị là cách đây mười năm, dễ sử dụng thậm chí không xuất hiện trong câu hỏi mở, trong khi đó hiện nay 8% người trả lời coi nó là lợi thế cạnh tranh. Trong những năm 1980, Levitt đề xuất khái niệm “sản phẩm mở rộng.”[3] Theo nghĩa rộng, ý tưởng này bao hàm một phổ dịch vụ rộng mở. Trong đó có dịch vụ liên quan đến sản phầm, phần mềm và thông tin. Phổ dịch vụ mở rộng trở thành tác nhân cực kì quan trọng đối với vị thế cạnh tranh của các nhà vô địch ẩn danh.

Ma trận các lợi thế cạnh tranh

Cho đến đây chúng ta mới xem xét những lợi thế cạnh tranh từ quan điểm tần suất. Tầm quan trọng đối với khách hàng là tiêu chí đầu tiên để đánh giá lợi thế cạnh tranh. Tầm quan trọng xét từ quan điểm của khách hàng được thể hiện trên hình 9.2. Trên hình 9.5, chúng tôi liên kết hai khía cạnh, tầm quan trọng từ quan điểm của khách hàng và hiệu quả cạnh tranh tương đối, vào cái gọi là ma trận của lợi thế cạnh tranh. Tầm quan trọng từ quan điểm của khách hàng được thể hiện trên trục tung, còn thành tích cạnh tranh được thể hiện trên trục hoành. Vị trí bên trái trung tâm nghĩa là công ti yếu hơn những đối thủ mạnh nhất về những thuộc tính này, còn vị trí bên phải trung tâm là công ti mạnh hơn những đối thủ mạnh nhất về những thuộc tính này. Vị trí bên phải đường trung tâm chứng tỏ ưu thế cạnh tranh. Nhưng chỉ có những thông số nằm ở phần hình vuông cao nhất bên phải, nghĩa là những thông số được khách hàng coi là đặc biệt quan trọng, mới tạo ra lợi thế cạnh tranh “chiến lược”.

Hình 9.5: Ma trận lợi thế cạnh tranh của các nhà vô địch ẩn danh


Ma trận lợi thế cạnh tranh chứa đựng thông tin cực kì súc tích và ngay lập tức cho cho ta thấy quan điểm toàn diện về cạnh tranh của các nhà vô địch ẩn danh. Quan điểm này phải được coi là đáng chú ý. Rõ ràng là các nhà vô địch ẩn danh không chỉ có một mà là một số lợi thế cạnh tranh chiến lược. Ít nhất là năm lợi thế trong số đó, mà cụ thể là chất lượng sản phẩm, sự gần gũi với khách hàng, gửi hàng đúng hạn, tư vấn và tiết kiệm, được thể hiện bởi sự kết hợp giữa tầm quan trọng trên trung bình và thành tích cạnh tranh trên trung bình. Các nhà vô địch ẩn danh dẫn đầu về cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ hậu mãi và tích hợp hệ thống.

Nhưng vị trí của giá cả lại hoàn toàn khác. Giá cả có tầm quan trong hơn mức trung bình nhưng thành tích cạnh tranh ở đây là cực kì yếu. Giá cả là điểm bất lợi mang tính chiến lược về mặt cạnh tranh của các nhà vô địch ẩn danh. Điều này cũng phù hợp với tuyên bố của chúng tôi trong Chương 7, nói rằng các nhà vô địch ẩn danh theo đuổi chiến lược giá cao chứ không cạnh tranh bằng giá. Nhưng sức cạnh tranh thấp về giá cả, về nguyên tắc - nếu không phải là cần thiết - là chấp nhận được vì nó được bù đắp bởi hàng loạt những ưu thế cạnh tranh khác. Sự kiện là tiết kiệm, nghĩa là giá trị của đồng tiền, được đánh giá cao cũng thể hiện quan hệ đã được cân bằng này.

Các thuộc tính còn lại không quan trọng bằng và có giá trị cạnh tranh yếu hơn. Vị trí của công ti về bằng sáng chế đương nhiên là không áp dụng cho từng công ti riêng biệt. Ở đây chúng ta chỉ xem xét mức trung bình mà thôi. Trong những ngành có nhiều bằng sáng chế, địa vị là rất khác nhau. Bằng sáng chế không có vai trò trong một số lĩnh vực. Điều đó được phản ảnh ở mức độ quan trọng và thành tích cạnh tranh trung bình. Có thể nói tương tự về quảng cáo, đối với nhiều nhà vô địch ẩn danh, quảng cáo không quan trọng vì họ tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Ngược lại, quảng cáo cực kì quan trọng đối với các hàng hóa tiêu dùng mau hỏng. Giá trị trung bình chỉ nói được một phần sự thật mà thôi.

Hiệu quả cạnh tranh cũng cần được xếp ngang tầm quan trọng của một thuộc tính. Các thông số quan trọng phải được thực hiện với hiệu quả cao nhất, còn những thông số không quan trọng lắm đối với khách hàng thì hiệu quả thấp cũng chấp nhận được. Đường chéo tô đậm trên hình 9.5 thể hiện nguyên tắc nhất quán này. Việc các nhà vô địch ẩn danh tuân thủ nguyên tắc nhất quán này làm người ta phải chú ý. Tầm quan trọng và thành tích cạnh tranh nói chung thường phù hợp với nhau. Chỉ có giá cả là có sự tách biệt mà thôi. Nhưng như đã nói ở trên, nếu nhìn vào hiệu quả cao trong nhiều thuộc tính khác thì đây không phải là vấn đề cơ bản. Tuy nhiên, mức độ tách biệt giữa tầm quan trọng và thành tích cạnh tranh về giá là hiện tượng nổi bật. Đây có thể được coi là tín hiệu có tính cảnh báo. Các nhà vô địch ẩn danh phải xem xét những bất lợi trong cạnh tranh về giá cả một cách thận trọng.

Một lần nữa, so sánh với mười năm trước là vấn đề đáng quan tâm. Cái gì đã thay đổi? Lợi thế cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, gần gũi với khách hàng, dịch vụ hậu mãi và tiết kiệm cơ bản vẫn giữ nguyên. Thành tích cạnh tranh về gửi hàng đúng lúc đã được cải thiện đáng kể, từ vị trí lừng chừng thành ưu thế cạnh tranh chiến lược một cách rõ rệt. Đây là kết quả của những cố gắng to lớn trong lĩnh vực cung ứng (logistics) và quản lí chuỗi cung cấp mà các nhà vô địch ẩn danh đã thực hiện trong mấy năm gần đây. Trái ngược với việc gửi hàng đúng hạn, không có tiến bộ trong sự uyển chuyển của việc gửi hàng. Vị trí lừng chừng của thông số này vẫn giữ nguyên. Thay đổi lớn nhất được thể hiện trong lĩnh vực tư vấn và tích hợp hệ thống, như đã được chỉ ra trong những câu trả lời cho câu hỏi mở (hình 9.4). Tầm quan trọng của hai thông số này đã gia tăng đáng kể và các nhà vô địch ẩn danh tìm cách đạt được thành tích cạnh tranh vượt trội trong hai thông số này.

Tính bền vững của các lợi thế cạnh tranh

Ngoài tầm quan trọng từ quan điểm của khách hàng và cảm nhận về thành tích vượt trội, tính bền vững là tiêu chuẩn thứ ba để đánh giá ưu thế cạnh tranh chiến lược. Về khía cạnh này, các nhà vô địch ẩn danh có vị trí cạnh tranh như thế nào?

Lợi thế cạnh tranh (chỉ) nằm trong sản phẩm thì rất dễ bị bắt chước. Các đối thủ chỉ cần vài tuần hay vài tháng là đã “chôm” được công nghệ để làm giả sản phẩm. Nhưng sản phẩm được bảo vệ bởi bằng sáng chế thì lại khác, và việc bảo vệ như thế có thể có hiệu lực trên thực tế, nhưng nó cũng phụ thuộc vào bộ máy tư pháp có liên quan. Bắt chước quy trình sản xuất và tổ chức là việc khó hơn nhiều. Ví dụ, đối thủ của công ti Caterpillar sẽ phải mất nhiều thì giờ và tiền bạc thì mới đạt được hiệu quả của hệ thống cung ứng phụ tùng toàn cầu của công ti này, còn mẫu máy ủi đất mới nhất của Caterpillar thì dễ bắt chước hơn. Lợi thế cạnh tranh là thứ khó bắt chước nhất, và vì thế những lợi thế cạnh tranh bền vững nhất là những thứ nằm trong năng lực và hệ thống giá trị của các nhân viên. Những kĩ năng và giá trị nội tại như thế là những thứ khó làm giả được. Phạm trù này bao gồm cả những ưu thế cạnh tranh mới của các nhà vô địch ẩn danh như tư vấn hay khả năng tích hợp hệ thống, là những thứ phụ thuộc vào năng lực vượt trội của các nhân viên.

Xem xét sự thay đổi trong ma trận ưu thế cạnh tranh dưới ánh sáng của tính bền vững dẫn ta tới những hiểu biết sâu sắc thú vị. Vị trí của chất lượng sản phẩm vẫn giữ nguyên. Trái ngược với những cuộc thảo luận đang diễn ra, chúng tôi không thấy sự đe dọa đối với tính ổn định của chất lượng sản phẩm, như là ưu thế cạnh tranh. Nhưng các công ti khác nhau có quan điểm khác nhau. Trả lời câu hỏi giành được vị trị dẫn đầu trong tương lai sẽ khó hơn hay dễ hơn, 25,4% nói rằng sẽ khó hơn và chỉ có 3,8% nói rằng sẽ dễ hơn, đa số tuyệt đối (70,8%) chọn điểm giữa bằng cách nói rằng “chẳng dễ hơn lắm mà cũng chẳng khó hơn nhiều.” Những phát hiện về làn sóng đổi mới được trình bày ở trên chứng tỏ rằng nhiều nhà vô địch ẩn danh nhìn thấy sự ổn định vững chắc của những lợi thế cạnh tranh của họ. Nhiều nhà vô địch ẩn danh đã củng cố được vị trí khởi đầu thuận lợi trong cuộc cạnh tranh của họ. Nhưng nhiều công ti cũng nói rằng các đối thủ Trung Quốc đang bám sát gót. Muốn bảo đảm chất lượng vượt trội trong những năm sắp tới, chắc chắn là các nhà vô địch ẩn danh phương Tây phải để mắt tới sự cạnh tranh từ Trung Quốc.

Những phát hiện về ưu thế cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ mở rộng là rõ ràng. Cụ thể, chúng tôi thấy tầm quan trọng và thành tích cạnh tranh của tư vấn và tích hợp hệ thống đã gia tăng. Những lợi thế cạnh tranh này có nguồn gốc từ năng lực và tay nghề của nhân viên và hệ thống giá trị của công ti, vì vậy mà có mức độ ổn định đặc biệt cao. Việc cải thiện thành tích cạnh tranh trong việc gửi hàng đúng thời hạn và sự gần gũi với khách hàng làm cho chúng tôi nghĩ rằng những lợi thế cạnh tranh này cũng có mức độ ổn định cao. Thành tích cao hơn trong những tác nhân vô hình này có nghĩa là các nhà vô địch ẩn danh đã nâng cao thêm rào cản, nhằm ngăn chặn không cho những đối thủ mới thâm nhập thị trường. Hiện nay việc tham gia vào thị trường của các nhà vô địch ẩn danh có thể khó hơn so với mười năm trước đây.

Chúng tôi không thể ủng hộ ý kiến của nhiều người cho rằng so với trước đây, địa vị cạnh tranh của các nhà vô địch ẩn danh ở vào thế nguy hiểm hơn nhiều. Ngược lại, chúng tôi rút ra kết luận rằng trên thực thế, ưu thế cạnh tranh của các nhà vô địch ẩn danh bền vững hơn trước đây. Tính ưu việt của họ dựa trên những tác nhân khó bắt chước hơn trước đây.

Thể hiện những ưu thế cạnh tranh

Các công ti dẫn đầu thị trường, nhất là thị trường thế giới, chịu áp lực là phải đáp ứng những kì vọng cao. Nhà “vô địch thế giới” được cho là phải thể hiện tính ưu việt trong cạnh tranh, thành tích vượt trội, thành tựu mang tính khai phá, “kỉ lục thế giới” mới và giải pháp cho những vấn đề chưa giải quyết được. Nhà vô địch dường như sẽ có cơ hội tham gia vào những dự án có nhiều người để ý tới và chứng minh khả năng vượt trội của mình. Nếu nhà vô địch khống chế một cách thành công những thách thức này, kết quả sẽ là sự thể hiện cực kì hiệu quả sự vượt trội trong cạnh tranh. Lí tưởng nhất là công ti được coi là người duy nhất thực hiện những dự án có nhiều người để ý tới - đây sẽ là thông điệp độc nhất vô nhị. Nhưng chúng ta cũng phải nhận thức được rằng dự án được nhiều người quan tâm cũng có một số rủi ro vì nó là tâm điểm của sự chú ý của ngành cũng như của khách hàng. Nếu dự án thất bại thì đây sẽ là thiệt hại nghiêm trọng đối với hình ảnh và uy tín của công ti - mặt trái của sự nổi tiếng.

Các nhà vô địch ẩn danh thể hiện sự vượt trội trong cạnh tranh của họ bằng nhiều dự án được mọi người chú ý. Hình 9.6 cho thấy một số trường hợp được lựa chọn nhằm thể hiện sự vượt trội, thậm chí độc nhất vô nhị trong công cuộc cạnh tranh của họ.

Công ti

Sản phẩm chính

Dự án được nhiều người để ý

Klais

Làm đàn Organ

Đàn organ bằng tre duy nhất trên thế giới / Philippines; Phòng hòa nhạc tại tòa nhà Petronas, Kuala Lumpur; Nhà thờ ở Cologne; Nhà hát quốc gia Bắc Kinh; Phòng hòa nhạc Tokyo; Phòng hòa nhạc ở Cologne và Münich.

Josef Gartner

Mặt tiền các tòa nhà cao tầng

Đài Bắc 101, tòa nhà cao nhất thế giới năm 2009; Burj Chalifa, tòa nhà cao nhất hiện nay.

Putzmeister

Bơm bê tông

Kỉ lục ống dẫn dẫn dài 600 m ở đường hầm Gotthard Tunnel; kỉ lục khoảng cách vận chuyển 1.661 m ở đường hầm dẫn nước uống ở Barcelona; kỉ lục thế giới về độ cao bơm bê tông (610 m) ở Burj Chalifa, Dubai; bơm bê tông lớn nhất thế giới với cột cao 62 m trong thảm họa hạt nhân Fukushima.

Arnold & Richter

Máy quay phim chuyên nghiệp

12 giải Oscar kĩ thuật.

Belfor

Loại bỏ những thiệt hại do nước và lửa gây ra

Khôi phục 100.000 cuốn sách sau vụ hỏa hoạn lớn ở Trường đại học tổng hợp của Vienna; loại bỏ những thiệt hại do hai cơn bão Catrina và Rita gây ra ở Mississippi và Louisiana.

Herrenknecht

Máy khoan đường hầm

Đường hầm Gotthard Tunnel kích thước 2x57 km, từ năm 2015 trên đường hầm dài nhất thế giới; máy khoan hầm lớn nhất thế giới, đường kính 15,43 m cho đường hầm xuyên sông Dương Tư, gần Thượng Hải.

Sennheiser

Micro sân khấu

Beyoncé, Nena, Superbowl, triển lãm thế giới ở Lisbon, Olympic mùa đông ở Turin, giải Oscar về kĩ thuật, Giải Emmy Award, Giải kĩ thuật Grammy.

Glasbau Hahn

Tủ kính

Tất cả các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới.

Sport-Berg

Thiết bị thể thao: đĩa, búa

Nhà cung cấp cho thế vận hội Olympic và giải vô địch thế giới.

Von Ehren

Chăm sóc những cây to còn sống

Quảng trường Trafalgar và National Gallery ở London; Euro-Disneyland; sân bay Munich; Kurfürstendamm ở Berlin.

Gerriets

Phông màn sân khấu

Metropolitan Opera ở New York; Opéra Bastille ở Paris; Operas ở Đài Bắc và Istanbul; Trung tâm Wang ở Boston.

Otto Bock

Chân tay giả

Paralympics ở Bắc Kinh; dịch vụ cho tất cả các nhãn mác.

Kärcher

Máy làm sạch áp suất cao

Những vụ làm sạch ngoạn mục: Tượng Chúa ở Rio de Janeiro; Tượng thần Tự do ở New York; Đầu các vị cựu tổng thống Mỹ ở núi Rushmore; bờ biển Alaska sau thảm họa Exxon Valdez.

 

 

 

 

 

 

 

Dorma, Häfele

Hệ thống khóa cửa

Burj Chalifa, cao hơn 800 m.

Sick

Cảm biến

Cảm biến bảo vệ Mona Lisa, Bảo tàng Louvre.

Robbe & Berking

Bộ thìa dĩa bằng bạc

Sultan của Brunei, Các nhà hàng và khách sạn loại một.

Carbon Sports

Xe đạp chất lượng cao

Thành công tại nhiều giải Tour de France và giải vô địch thế giới.

Ziemann

Nhà máy bia, chìa khóa trao tay

Nhà máy bia lớn nhất thế giới ở Piedras Niegras, Mexico.

Utsch

Tấm biển an ninh

9 triệu tấm cho Ai-Cập, năm 2008, đơn hàng lớn nhất từ trước đến nay; tấm biển đắt nhất được vua Abu Dhabi mua năm 2007.

Hình 9.6: Thể hiện tính ưu việt trong cạnh tranh bằng những dự án thu hút nhiều chú ý

Là tốt nhất, là số 1, là thông điệp tuyệt vời nhất cho cả thị trường lẫn nhân viên. Lời tuyên bố “Chúng tôi là số 1” là thông điệp rõ ràng và dễ hiểu đối với mỗi người. Những dự án ngoạn mục chứng minh cho những nhóm người mà công ti nhắm tới rằng công ti đơn giản là tốt nhất, tạo ra niềm tự hào cho các nhân viên. Cơ hội như thế chỉ mở ra cho (những) nhà cung cấp tốt nhất, chỉ có họ mới có thể gửi đi thông điệp rằng họ là số 1. Chứng minh hiệu suất cao và hiệu quả truyền thông tạo thành một vòng tròn khép kín. Muốn tiếp cận được với những dự án uy tín thì phải có thành tích trong quá khứ. Đến lượt nó, dự án có uy tín làm cho thông điệp càng hiệu quả hơn và tăng cường được nhận thức về ưu thế cạnh tranh và tạo điều kiện tiếp xúc với những cơ hội mới. Khi nhà vô địch ẩn danh còn bảo vệ được sự vượt trội trong công cuộc cạnh tranh thì họ còn giữ được vòng tròn thành tích-thông điệp-cơ hội.

Truyền thống cũng có thể có tác dụng tương tự trong việc nhận thức về ưu thế cạnh tranh - và không thể bắt chước. Công ti Faber-Castell, đứng hàng đầu thế giới về bút chì, được thành lập năm 1761, đã đưa ra một danh sách dài các khách hàng nổi tiếng. Bismarck viết bằng bút chì của Faber-Castell, Vincent van Gogh ca ngợi bút chì “đen nổi tiếng” của công ti, còn Max Liebermann thì gọi đơn giản là “tốt nhất”, bao nhiêu tiền tiếp thị và quảng cáo cũng không mua nổi những lời xác nhận độc đáo như thế. Cuộc tranh luận giữa Faber-Castell và Staedtler-Mars, đối thủ mạnh nhất của họ cho ta thấy giá trị của truyền thống. Công ti Staedtler-Mars được thành lập năm 1835, mặc dù chiếc bút chì đầu tiên được Friedrich Staedtler làm ra từ trước đó rất lâu - năm 1661. Năm 1994, Staedtler tổ chức một cuộc cạnh tranh giữa những người bán lẻ nhằm kỉ niệm 333 năm ngày Friedrich Staedtler làm ra chiếc bút chì đầu tiên. Faber-Castell trả đũa bằng cách bảo vệ danh tiếng công ti lâu đời nhất trong lĩnh vực này. Nhà máy sản xuất bút chì Lyra, thành lập năm 1806, cũng tuyên bố rằng được thành lập trước Staedtler-Mars. Tình hình còn phức tạp hơn, vì năm 1978, Staedtler-Mars mua công ti Eberhard Faber (Mỹ), mà công ti này lại được thành lập vào năm 1904 bởi một người con bị dòng họ Faber từ bỏ. Rõ ràng là trên thương trường, truyền thống có giá trị rất lớn. Điều thú vị là Faber-Castell, Staedtler-Mars và Lyra là những công ti ở gần nhau trong vùng Nuremberg.

Chỉ dấu đáng chú ý về sự vượt trội trong cạnh tranh và được nhiều người công nhận là khi tên sản phẩm hay tên công ti trở thành một phần của ngôn ngữ thường ngày. Ví dụ, ở Đức là động từ “roentgen”, nói về X-quang; hệt như động từ “to hoover” đã trở thành đồng nghĩa với hút bụi trong tiếng Anh. Gần đây động từ “to google” cũng đã được nhiều người sử dụng. Kärcher, đứng hàng đầu thế giới về máy hút bụi áp suất cao, đã trở thành từ thông dụng trong tiếng Pháp. Thậm chí những người bảo vệ nghiêm khắc sự trong sáng của tiếng Pháp trong Viện hàn lâm Pháp cũng đã phải công nhận động từ “kärcheriser.” Tổng thống Pháp, ông Nicolas Sarkozy, trong giai đoạn diễn ra những vụ lộn xộn đã nói rằng đường phố ngoại ô Paris phải được “kärcherised” - một lời khen đáng ngờ đối với Kärcher, nhưng đây là bằng chứng về sự công nhận và sức cạnh tranh của thương hiệu này. Tuy nhiên, trong những trường hợp như thế công ti phải cẩn thận để nhãn hiệu không trở thành tên chung, được sử dụng cho cả các nhãn hiệu khác.

Ưu thế cạnh tranh và chi phí

Trong hệ thống cạnh tranh của Porter, chiến lược cạnh tranh của các nhà vô địch ẩn danh thường nằm trong phạm trù “chú tâm có phân biệt,” nghĩa là họ liên kết giữa thị trường hẹp và thành tích vượt trội trong một hoặc một số thông số.[4] Trong phần thảo luận về vị trí của giá cả (xem Chương 7) và lợi thế cạnh tranh (Xem hình 9.5), chúng ta đã thấy rằng giá rõ ràng là cao hơn so với các đối thủ. Dẫn đầu về giá cả nói chung theo định nghĩa của Porter, tức là đưa ra cho thị trường mức giá hay chi phí thấp nhất, đối với các nhà vô địch ẩn danh là hiện tượng hiếm hoi.

Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chiến lược cạnh tranh của các nhà vô địch ẩn danh có thể lờ đi vấn đề giá cả. Thứ nhất, mức độ cạnh tranh buộc các nhà vô địch ẩn danh ngày càng phải tập trung vào chi phí và liên tục cải tiến. Thứ hai, công ti tự tách mình ra theo quy mô sản xuất và mức giá tuyệt đối có thể gặp phải những nguy cơ tiềm ẩn. Thành tích, giá cả và chi phí phải được xem xét trong mối quan hệ tương hỗ. Nhận xét của một khách hàng Hà Lan gửi giám đốc điều hành một công ti kĩ thuật của Đức có thể rọi ánh sáng lên vấn đề: “Giá của các vị là 1,6 triệu USD. Giá công ti Italy chào là 1 triệu USD. Tôi biết rằng sản phẩm của các vị tốt hơn, nhưng không phải 60%. Cho nên tôi không trả thêm 60%.” Ông khách hàng Hà Lan đã mua sản phẩm của Italy.

Việc các nhà vô địch ẩn danh tuyệt vời nhất vẫn đang tiếp tục và nghiêm túc làm việc nhằm giảm giá thành tạo cho chúng tôi nhiều ấn tượng. Ông Bernd Hoffmann, giám đốc điều hành công ti Cargobull, hăng hái thúc đẩy năng suất lao động suốt nhiều năm liền. Trong mười năm vừa qua, thời gian sản xuất xe kéo một cầu giảm từ ba tuần xuống còn 24 giờ. Hoffmann nói: “Với mức lương của chúng tôi, chúng tôi buộc phải liên tục tăng năng suất lao động. Nếu giá thành một đơn vị giảm xuống thì chúng tôi có thể chào giá thấp hơn. Bằng cách đó, chúng tôi sẽ cạnh tranh hơn và gia tăng được doanh số và thị phần. Điều đó được thể hiện trong lợi nhuận và lãi suất.” Mặc dù giá thị trường giảm tới 30%, trong giai đoạn này doanh thu từ bán hàng của Cargobull đã tăng từ 2% lên 7%.

Nhưng Hoffmann nhấn mạnh rằng Cargobull không theo đuổi “chiến lược giá thấp.” Không những thế, ông nói về “chiến lược tích hợp” liên kết giữa một bên là “đổi mới, sản phẩm chất lượng cao và hướng đến khách hàng một cách mạnh mẽ” và bên kia là “chi phí thấp nhất, giảm giá thành bằng cách sản xuất nhiều hơn, kiểm soát một cách gắt gao và hiệu quả chi phí.” Công ti Trumpf, dẫn đầu thị trường máy cắt bằng tia laser, nhắm tới mục tiêu đầy tham vọng là kết hợp giữa sự khác biệt về hiệu suất và giá thành hạ. Giám đốc điều hành, ông Nicola Leibinger-Kammüller, nhận xét: “Chúng tôi phải trở thành những người nhanh hơn, tốt hơn và rẻ hơn trong tất cả các lĩnh vực. Thời gian sản xuất một máy đã giảm từ 12 tuần xuống còn 5 tuần. Chúng tôi là một trong một vài công ti cơ khí đã thay đổi toàn bộ hệ thống lắp ráp sau cùng thành quy trình lắp ráp theo dây chuyền.” Ông Hans-Joachim Boekstegers, giám đốc điều hành của Multivac, số 1 thế giới về máy đóng gói ép nóng, phụ họa thêm: “Chúng tôi chuyển sang những giải pháp tiêu chuẩn hóa hơn và vì vậy mà giá thành hạ hơn, làm cho chúng tôi có thể tiếp xúc với những nhóm khách hàng mới và ứng dụng mới.”

Một số nhà vô địch ẩn danh áp dụng chiến lược thương hiệu loại hai nhằm cạnh tranh về giả cả trong những phân khúc thị trường có yêu cầu thấp hơn. Công ti Winklhofer đưa ra thị trường xích lái với nhãn hiệu Iwis và sản phẩm loại hai mang tên Eurochain, có giá thành sản xuất và giá bán thấp hơn nhiều. Tập đoàn JK, đứng hàng đầu thế giới về giường nằm phơi nắng chuyên nghiệp, cung cấp loại giường giá cao nhãn hiệu Ergoline, và nhãn hiệu Soltron, có giá thấp hơn, dành cho nhóm khách hàng trẻ tuổi. Công ti Binder, đứng hàng đầu thế giới về tủ nhiệt dành cho các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực y học và sinh học, tự bảo vệ mình trong cuộc chiến đấu chống lại những đối thủ có giá bán thấp hơn bằng cách thành lập chi nhánh gọi là Advantage Lab, chuyên cung cấp các tủ nhiệt với giá thành và giá bán thấp hơn. “Không ai có thể sản xuất thiết bị đó rẻ hơn chúng tôi,” ông Peter Michael Binder, giám đốc điều hành công ti này nói như thế.

Công ti tiếp tục sản xuất ở những nước có mức lương cao - dù đấy là lựa chọn của họ hay do nhu cầu vì cần những người có tay nghề mà ở đấy mới có - thì phải đặc biệt chú ý tới việc quản lí chi phí sản xuất, ngay cả đấy có là nhà vô địch ẩn danh thì cũng thế. Mặc dù có những áp lực như thế, nhưng lợi thế cạnh tranh của các nhà vô địch ẩn danh không nghiêng về phía giá thành và giá bán. Không những thế, nhiệm vụ của cải tiến trước hết là nhằm ngăn chặn, không bị đẩy khỏi thương trường vì giá cao, mặc dù có những thành tích vượt trội trong những lĩnh vực khác.

Công ti Karl Mayer, nhà sản xuất máy dệt kim sợi dọc chiếm tới 75% thị phần thế giới, theo đuổi chiến lược kép rất đáng quan tâm. Mục tiêu của họ là củng cố vị trí cả trên phân khúc giá cao lẫn phân khúc tiêu chuẩn. Để làm được như thế, giám đốc điều hành Fritz Mayer theo đuổi những mục tiêu phát triển sau đây:

1.  Cùng chất lượng trong phân khúc tiêu chuẩn với chi phí giảm 25%.

2.  Chất lượng trong phân khúc giá cao tăng lên 25% với cùng giá bán.

Theo Fritz Mayer, họ đã đạt được những mục tiêu này và công ti bây giờ lại có khả năng cạnh tranh, thậm chí ở Trung Quốc họ cũng giành được vị trí dẫn đầu thương trường.

Mặc dù có vị trí vượt trội về mặt chất lượng, các nhà vô địch ẩn danh không thể coi thường chi phí. Trong môi trường cạnh tranh đã thay đổi của thế kỉ XXI, những chiến lược cạnh tranh độc đáo của Cargobull hay Karl Mayer phải được áp dụng nhằm xây dựng hay bảo vệ vị trí hàng đầu trên thị trường thế giới.

Đối tác giúp giữ phong độ cạnh tranh

Michael Porter nói rằng có sự phụ thuộc lẫn nhau “giữa cạnh tranh quyết liệt ở trong nước và sự hình thành và giữ vững lợi thế cạnh tranh trong ngành sản xuất.”[5] Đối thủ chiến đấu trong cùng lĩnh vực kinh doanh chí ít là đã bị lôi kéo vào trò chơi có tổng bằng không; nhưng dù vô tình hay cố ý họ cũng là đối tác giúp cho mình giữ được phong độ trong cuộc cạnh tranh. Điều đó không có nghĩa là họ có quan hệ tốt đẹp với nhau, nhưng những công ti cạnh tranh với nhau nhất định sẽ tốt lên nếu họ muốn sống sót và có lời. Mối quan hệ cũng tương tự như các lực sĩ ngoại hạng đấu với nhau vậy. Ngay cả khi họ không luyện tập cùng nhau thì họ cũng động viên nhau tiến lên những tầm cao mới, đấy là khi họ có tham vọng. Chúng tôi nhận thấy trong thể thao cũng có sự tương đồng với các nhà vô địch ẩn danh. Các vận động viên giỏi nhất trong một bộ môn thường có nguồn gốc từ một vùng hay thậm chí là một câu lạc bộ. Trong những năm 1990, tôi đã đến dự cuộc thi đấu điền kinh ở Cologne/Đức, nơi có hai kỉ lục thế giới về chạy vượt rào, 800 m và 3.000 m được thiết lập. Trong cuộc chạy vượt rào 3.000 m, bốn lực sĩ đã phá kỉ lục thế giới cũ. Tất cả đều đến từ Kenya. Mức độ cạnh tranh cao như thế dẫn tới thành tích vượt trội.

Hình 9.7 cho thấy một số nhà vô địch ẩn danh cạnh tranh sít soát  nhau và nằm trong những khu vực gần nhau. Có thể đưa ra hàng trăm ví dụ như thế.

Hình 9.7: Một số nhà vô địch ẩn danh cạnh tranh sít soát nhau và nằm trong những khu vực gần nhau


Các công ti nằm gần nhau thường cạnh tranh với nhau rất quyết liệt. Quan hệ của các nhà vô địch ẩn danh cạnh tranh sít soát nhau có thể là từ thân mật cho tới thù địch. Đôi khi đối thủ lại là nhân viên cũ của người đi tiên phong, ví dụ như trường hợp Albert Berner. Ông này từng làm cho Würth, công ti hàng đầu thế giới về sản phẩm lắp ráp, trước khi tự mở công ti riêng. Hiện nay Berner là công ti số 2 thế giới và nói rằng doanh thu là 1 tỉ USD.

Những nhận xét như thế dẫn tới kết luận tưởng như là vô lí rằng, trong dài hạn tốt nhất là nên có đối thủ mạnh chứ không phải đối thủ yếu ở ngay bên cạnh. Lực sĩ hàng đầu nhưng cô độc dường như không thể giành được huy chương vàng; còn lực sĩ trẻ nhưng tràn đầy hi vọng và thường xuyên phải thắng những giải cao thường trở thành người vượt trội. Các lực sĩ đỉnh cao thường luyện tập tại một địa điểm vì họ biết quy luật này. Tại sao quy luật này lại không áp dụng được cho ngành kinh doanh? Tác nhân chủ yếu là cạnh tranh nhắm tới chất lượng và đổi mới. Một mặt, chỉ cạnh tranh về giá có thể kết thúc bằng vụ sụp đổ hay sáp nhập của một và thậm chí là cả hai đối thủ. Điều này rất hay xảy ra giữa các nhà vô địch ẩn danh cạnh tranh sít soát nhau. Công ti RUD (Rieger and Dietz), đứng hàng đầu thế giới về xích công nghiệp, sáp nhập đối thủ trong cùng khu vực là công ti Erlau sau một trăm năm cạnh tranh gay gắt. Erlau tiếp tục tồn tại như một công ti và một nhãn hiệu, và là công ti hàng đầu thế giới về xích bảo vệ lốp xe. Tương tự, công ti GKD Kufferath, hàng đầu thế giới về vải kim loại, đã nuốt chửng đối thủ ở cùng địa phương là công ti Dürener Metalltuch. Trong lĩnh vực nước hoa, hai công ti Dragoco và Haarmann & Reimer, cùng nằm trong một thị trấn, đã sáp nhập và tạo thành nhà vô địch ẩn danh mới, tên là Symrise.

Tránh cạnh tranh quá mức

Không nên đưa cuộc cạnh tranh sít sao giữa các công ti ở gần nhau thành nỗi ám ảnh cạnh tranh quá mức. Ông Hermut Kormann, giám đốc điều hành công ti Voith, một trong những công ti hàng đầu thế giới, khẳng định dứt khoát chống lại xu hướng cạnh tranh quá mức trong tác phẩm Long-Term Customer Relationships - Defying the Myth That Only Competition-Oriented Strategies Work (Quan hệ lâu dài với khách hàng - Thách thức huyền thoại cho rằng chỉ có chiến lược hướng tới cạnh tranh mới hiệu quả) và có xu hướng nghiêng về phía khách hàng.[6] Nhiều nhà vô địch ẩn danh thành công không bị đối thủ ám ảnh, thay vào đó, họ chú tâm vào khách hàng và đi theo con đường riêng của mình. Một số nhà vô địch ẩn danh tuyên bố rằng họ không thu thập một cách có hệ thống thông tin của đối thủ vì họ không so sánh mình với đối thủ. Một giám đốc điều hành nói: “Chúng tôi không so sánh với đối thủ; đối thủ không rời mắt khỏi chúng tôi.” Một người khác cũng thể hiện thái độ tương tự như sau: “Cạnh tranh không phải là tiêu chuẩn của chúng tôi. Chúng tôi đặt ra tiêu chuẩn của chính mình.” Ông Kent Murdock, giám đốc điều hành công ti O.C. Tanner, đứng hàng đầu thế giới về chương trình đánh giá nhân viên, nói: “Chúng tôi không cạnh tranh. Chúng tôi phục vụ khách hàng và đi theo những con đường riêng của mình.” Những công ti đó xác định được tiêu chuẩn của chính mình. Công ti Wanzl, đứng hàng đầu thế giới về xe đẩy trong siêu thị và sân bay, nói: “Chúng tôi tự sản xuất tất cả các bộ phận, trên cơ sở tiêu chuẩn chất lượng do chúng tôi tự quyết định.” Không thể chiếm được vị trí dẫn đầu thị trường bằng cách giả vờ cạnh tranh. Một chuyên gia về quản lí từng cảnh báo: “Khi bạn rơi vào cái bẫy là trông đợi đối thủ giải quyết vấn đề chứ không trông vào chính công ti của bạn thì là lúc bạn bắt đầu giả vờ là có giải pháp và luôn luôn đứng ở vị trí thứ hai.”[7] Đi theo bước chân của người khác cũng có nghĩa là không bao giờ bạn vượt được họ. Dĩ nhiên là quan sát và hướng vào cạnh tranh không phải là giả vờ. Nhưng hướng quá mức vào cạnh tranh không dẫn tới vị trí đỉnh cao. Tốt hơn hết là tập trung toàn bộ chú ý vào năng lực và tay nghề của chính mình và vào khách hàng. Đấy là cách mà các nhà vô địch ẩn danh giành được vị trí dẫn đầu thương trường và có cơ hội bảo vệ tốt nhất vị trí hàng đầu của họ trong tương lai.

Tóm tắt

Chiến lược cạnh tranh của các nhà vô địch ẩn danh không đi theo những công thức có tính tiêu chuẩn trong sách báo viết về kinh doanh, mà có những đặc điểm sau đây:

-   Thị trường của các nhà vô địch ẩn danh thường chỉ có một vài công ti kinh doanh. Ngay cả trên bình diện toàn cầu nói chung họ cũng chỉ có sáu đối thủ. Ít nhà vô địch ẩn danh phải đối đầu với nhiều hơn 20 đối thủ.

-   Thị phần của công ti đứng đầu thị trường phụ thuộc nhiều vào số đối thủ và ít thay đổi khi số đối thủ thay đổi. Nghĩa là số lượng tuyệt đối đối thủ không có ảnh hưởng nhiều tới thị phần của công ti hàng đầu.

-   Mức độ cạnh tranh giữa các nhà cung cấp có uy tín là cao và liên quan trước hết tới chất lượng và đổi mới, ít liên quan tới giá cả.

-   Mặc cho quá trình toàn cầu hóa, việc các đối thủ mới xâm nhập thị trường thường không hay xảy ra. Nhưng địa điểm của các đối thủ quan trọng nhất lại có sự dịch chuyển. Các nhà vô địch ẩn danh phải tính đến điều đó và tìm cách cạnh tranh với những công ti mạnh nhất thế giới, dù họ ở đâu thì cũng thế.

-   Các nhà vô địch ẩn danh có hồ sơ cạnh tranh phức tạp. Họ thường có một số lợi thế cạnh tranh mang tính chiến lược.

-   Chất lượng sản phẩm vẫn có ưu thế cạnh tranh nổi bật. Từng công ti đều nên đưa chất lượng sản phẩm vào chiến lược cạnh tranh của mình.

-   Vị thế cạnh tranh của các nhà vô địch ẩn danh được cải thiện đáng kể trong những thông số của sản phẩm mở rộng. Các lợi thế cạnh tranh mới được hình thành trong lĩnh vực tư vấn và tích hợp hệ thống.

-   Đấy là những lợi thế cạnh tranh khó sao chép và rất ổn định. Chúng tạo ra rào cản, ngăn chặn không cho đối thủ thâm nhập thị trường. Những sự dịch chuyển như thế cũng như làn sóng đổi mới làm cho sự ổn định của những lợi thế cạnh tranh đó gia tăng chứ không giảm. Hiện nay, có khả năng là thâm nhập thị trường của các nhà vô địch ẩn danh khó hơn mười năm trước đây.

-   Các nhà vô địch ẩn danh thể hiện ưu thế cạnh tranh của họ thông qua những dự án được dư luận chú ý trên khắp thế giới. Những công ti có cơ hội như thế phải nắm ngay lập tức và phải gửi đi thông điệp độc đáo này cho cả bên ngoài lẫn bên trong công ti.

-   Giá cả là bất lợi nghiêm trọng nhất trong cạnh tranh của các nhà vô địch ẩn danh. Về nguyên tắc, điều này có thể chấp nhận được vì chất lượng của họ cao hơn. Tuy nhiên, tương quan giữa việc cung cấp giá trị và khai thác giá trị là vấn đề tế nhị.

-   Vì lí do đó, thậm chí ngay cả các nhà vô địch ẩn danh cũng phải thường xuyên suy nghĩ về giá cả và thay đổi cho phù hợp. Việc các công ti hàng đầu tỏ ra rất tích cực và hiệu quả trong lĩnh vực này tạo cho chúng tôi nhiều ấn tượng. Mục tiêu không phải là làm cho chi phí và giá bán trở thành lợi thế cạnh tranh chiến lược mà là ngăn không để công ti bị đẩy khỏi thương trường vì giá quá cao.

-   Mặc cho quá trình toàn cầu hóa, đối thủ cạnh tranh mạnh trong khu vực lân cận có thể tiếp tục là lợi thế vì họ là đối tác giúp giữ vững khả năng cạnh tranh.

-   Cạnh tranh quá mức là xu hướng nguy hiểm. Phải tập trung chú ý vào khách hàng và năng lực cũng như tay nghề chứ không phải vào đối thủ. Công ti muốn đạt đỉnh cao nhất phải tự thiết lập lấy tiêu chuẩn chứ không phải bắt chước tiêu chuẩn của đối thủ.

Cạnh tranh là cuộc đấu tranh liên tục để sống còn. Các nhà vô địch ẩn danh cũng gặp những mối nguy hiểm và chiến đấu với cùng những vũ khí như các công ti khác. Họ không có vũ khí bí mật hay phép lạ nào. Nhưng dường như họ thực hiện một số quy luật chung tốt hơn những công ti khác. Họ cung cấp cho khách hàng sản phẩm và chất lượng dịch vụ vượt trội. Những năm gần đây họ giành được vị trí cực cao trong những lĩnh vực như tư vấn và tích hợp hệ thống, trong thế kỉ XXI các thuộc tính này ngày càng có vai trò quan trọng hơn và rất khó bắt chước. Khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn một cách hợp lí cho chất lượng cao hơn. Nhưng việc sẵn sàng trả giá cao hơn cũng có giới hạn, cho nên phải luôn kiểm soát chi phí sản xuất. Ưu thế cạnh tranh của các nhà vô địch ẩn danh không dựa vào một trụ cột duy nhất; nhiều thứ được họ cải thiện từng chút một. Nếu công ti bám vào những nguyên tắc đơn giản này và thường xuyên áp dụng chúng thì không phải sợ cạnh tranh.


[1] Ở đây chúng tôi sử dụng chỉ số trung bình (median) nhằm tránh những trường hợp ngoại lệ.

2 Các tiêu chí thống kê cho đánh giá này là: R bình phương (R Square) = 0,175, thống kê-t (t-statistic) = 6,59, xác suất lỗi nhỏ hơn 0,1%. Các dữ liệu cho thị trường Đức, châu Âu và thế giới được thu thập cho đánh giá này. Dựa trên giả thuyết cho rằng mối quan hệ giữa số lượng đối thủ cạnh tranh và thị phần của công thi đứng đầu thị trường là như nhau trên tất cả các thị trường. Tính đàn hồi ước tính cho những thị trường riêng biệt và những tính toán lí thuyết ủng hộ giả thuyết này. Các thị trường riêng biệt cho thấy độ đàn hồi như sau: thị trường thế giới -0,30, thị trường châu Âu -0.25, thị trường Đức -0.32. Hệ số xác định R Square là cao nhất cho ước tính gộp.

[3] XemTheodore Levitt, Khả năng sáng tạo của tiếp thị (The Marketing Imagination), New York: Free Press 1983.

[4] Xem Michael Porter, Lợi thế cạnh tranh, tạo và giữ thành tích vượt trội (Competitive Advantage, Creating and Sustaining Superior Performance), New York: The Free Press 1985.

[5] Xem Michael Porter, Lợi thế cạnh tranh của các dân tộc (The Competitive Advantage of Nations), London: Macmillan 1990.

[6] Hermut Kormann, Quan hệ lâu dài với khách hàng - bác bỏ huyền thoại là chỉ những chiến lươc hướng tới khách hàng mới dẫn tới thành công (Long-Term Customer Relationships - Defying the Myth that Only Competition-Oriented Strategies Work), Frankfurt: VDMA 2005.

[7] Hans-Jürgen Warnecke, Die fraktale Fabrik, Heidelberg-New York: Springer 1992.


No comments:

Post a Comment