January 7, 2025

CÁC NHÀ VÔ ĐỊCH ẨN DANH CỦA THẾ KỈ XXI (2)

 CÁC NHÀ VÔ ĐCH N DANH CA TH K XXI

CHIN LƯỢC DN TI THÀNH CÔNG CA NHNG CÔNG TI
 
N DANH HÀNG ĐU TH GII

HERMANN SIMON
 

CÁC NHÀ VÔ ĐỊCH ẨN DANH CỦA THẾ KỈ XXI

CHIẾN LƯỢC DẪN TỚI THÀNH CÔNG CỦA NHỮNG CÔNG TI
 ẨN DANH HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI
 


NHÀ XUẤT BẢN TRI THỨC

Chương 2

Vai trò của Đức trong nhà nước toàn cầu

Đức có vai trò cực kì đặc biệt trong nhà nước toàn cầu. Trong một số khía cạnh của toàn cầu hóa, Đức bỏ xa một số nước lớn. Năm 1986, giáo sư Theodore Levitt, một đạo sư trong lĩnh vực marketing, đang dạy tại trường Harvard Business School, hỏi tôi vì sao Đức luôn luôn là nước dẫn đầu bảng tổng sắp về xuất khẩu trên thế giới. Trước đó ba năm, ông đã phổ biến thuật ngữ “toàn cầu hóa” trong một bài báo có tính đột phá trên tờ Harvard Business Review.[1] Ông muốn tìm hiểu vì sao một nước tương đối nhỏ trên thế giới lại có thể thành công đến như thế trong việc xuất khẩu sản phẩm của họ. Nói cho cùng, Đức chỉ chiếm 1,2% dân số thế giới và chỉ tạo được khoảng 5% tổng sản phẩm của toàn thế giới (GDP) mà thôi. Tôi gặp Giáo sư Levitt vào năm 1986, cũng là năm Đức vượt Mỹ và trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới. Đến nay tình hình cũng chưa có thay đổi nhiều. Trong 25 năm qua, thì 10 năm Đức chiếm vị trí số 1 về xuất khẩu. Mỹ, với nền kinh tế lớn gấp bốn lần Đức, giữ vị trí cao nhất 13 lần, gần đây nhất là năm 2002. Trung Quốc leo lên vị trí số 1 năm 2009 và có vẻ như sẽ giữ được vị trí này trong tương lai gần. Nhật Bản, nước vốn giữ vị trí thứ ba trong nhiều năm, và là nước xuất khẩu được nhiều người ngưỡng mộ, từ năm 2004 đã không còn nằm trong nhóm ba nước hàng đầu. “Một trong những cỗ máy xuất khẩu vĩ đại nhất đã hết hơi”, tờ Wall Street Journal bình luận như thế năm 2011, kể từ năm 1980 đây là lần đầu tiên cán cân thương mại của Nhật Bản trượt qua vạch đỏ.[2]

Đức vẫn vững vàng

Bức tranh còn ấn tượng hơn khi so sánh xuất khẩu trên đầu người. Nhưng so sánh những nước lớn bé khác nhau sẽ không có nhiều ý nghĩa. Lí do thật là đơn giản. Hãy tưởng tượng một nước chỉ có một người, và người đó xuất khẩu tất cả những gì sản xuất được. Xuất khẩu trên đầu người đúng bằng GDP của nước đó. Nói cách khác, chỉ tiêu xuất khẩu và nhập khẩu của nước đó đều bằng 100%. Mặt khác, nếu cả trái đất là một nước thì xuất khẩu trên đầu người của nó sẽ bằng không. Nghĩa là nước lớn đương nhiên có xuất khẩu trên đầu người nhỏ hơn.[3] Vì vậy mà hình 2.1 (xuất khẩu trên đầu người năm 2010) chỉ bao gồm những nước với hơn 40 triệu dân và có lượng hàng hóa xuất khẩu đáng kể. Ví dụ, Ấn Độ không được đưa vào vì xuất khẩu trên đầu người của nước này chỉ có 183 USD, thua xa những nước được xem xét. Phần trên của đồ thị cho thấy giá trị xuất khẩu tuyệt đối trên đầu người; phần dưới là hệ số khác biệt về quy mô dân số, được hiệu chỉnh bằng phương pháp hồi quy tuyến tính.[4] Đường hồi quy tạo ra “tiêu chuẩn thực nghiệm”. Sai lệch so với tiêu chuẩn được chỉ rõ ở phần dưới của hình 2.1. Nó là chỉ dấu có ý nghĩa của khả năng xuất khẩu của đất nước.

Hình 2.1: Xuất khẩu trên đầu người của một số nước vào năm 2010. Phần trên: Giá trị tuyệt đối. Phần dưới: sai lệch đã được hiệu chỉnh theo quy mô dân số



Vị trí nhô ra của Đức là cực kì ấn tượng. Mặc dù Hàn Quốc, Pháp và Italy là những nước nằm bên trên tiêu chuẩn thực nghiệm, nhưng những nước này tụt hậu rất xa so với Đức. Anh và Tây Ban Nha không đạt chuẩn. Trung Quốc làm người ta phải ngạc nhiên; nước này vượt qua tiêu chuẩn thực nghiệm mặc dù dân số quá lớn và được coi là nước nằm ở ngưỡng (threshold country). Tương tự như đa số các nước mới nổi khác, lượng xuất khẩu tính trên đầu người của Nga và Mexico còn tương đối nhỏ. Chúng ta thấy rằng xuất khẩu tính trên đầu người của Mỹ và Nhật Bản cũng còn yếu.

Tại sao Đức phải xuất khẩu

Người nghe ở bên ngoài nước Đức tỏ ra ngạc nhiên khi tôi trình bày các số liệu trên hình 2.1. Thành tích xuất khẩu nổi bật của Đức chưa được nhiều người nước ngoài biết đến. Và nó đã tạo ra phản ứng mạnh. Sau vụ khủng hoảng tài chính, đã xuất hiện những lời yêu cầu, đòi Đức phải kiềm chế xuất khẩu cho ngang bằng với các lân bang ở châu Âu và Mỹ. Nước này bị lên án là xuất khẩu quá nhiều và gây ra sự mất cân đối kinh tế. Chẳng khác gì dọa nạt đồng nghiệp vì anh ta làm việc tích cực hơn và thành công hơn những người khác trong nhóm. Theo Adam Posen, cộng tác viên của Viện Kinh tế quốc tế ở Washington, thì “lựa chọn tốt nhất” của Đức là tăng lương. Jean-Paul Fitoussi, một nhà kinh tế học người Pháp tại Viện Nghiên cứu chính trị ở Paris, kêu gọi Đức hạn chế xuất khẩu, nhiều chính trị gia trên khắp thế giới cũng đã thể hiện quan điểm tương tự.

Đây là lời khuyên mà trong bất kì hoàn cảnh nào Đức và các công ti của nước này cũng không được theo. Trước hết, các chuyên gia này dường như không biết rằng nhà xuất khẩu chính của Đức không phải là nhà nước (khác với một số nước với lượng vũ khí xuất khẩu rất lớn và các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước) mà là các công ti tư nhân, đặc biệt là những công ti vừa và nhỏ và các nhà vô địch ẩn danh. Tất cả công việc những công ti này làm là tìm khách hàng trên khắp thế giới, tức là tìm những người muốn mua sản phẩm của họ và sẵn sàng trả tiền - ngay cả nếu giá cả của Đức bị coi là cao. Sau khi đã hiểu được điều đó, liệu còn có ai nghiêm túc đề nghị chính phủ ở Berlin thực hiện các biện pháp chống lại các nhà xuất khẩu Đức nữa hay không?

Nếu người Đức muốn giữ được mức sống cao thì họ phải tiếp tục xuất khẩu, không còn lựa chọn nào khác.[1] Đương nhiên, sẽ là tuyệt vời nếu tiêu thụ và dịch vụ trong nước đóng góp mạnh hơn vào sự tăng trưởng của Đức, nhưng đây dường như chỉ mãi là ước muốn mà thôi. Dân số đang già đi và đang giảm đi nhanh chóng của Đức chắc chắn ít tiêu thụ hơn những xã hội trẻ và đang phát triển. Các sáng kiến của chính phủ chẳng thay đổi được gì nhiều trong chuyện này, và với khoản nợ công của Đức hiện nay, tôi cho rằng sẽ là phi lí khi đòi hỏi nước này chi tiêu nhiều hơn.

Luận cứ thẳng thắn thứ hai nhằm ủng hộ cho sự cần thiết phải tiếp tục tập trung vào xuất khẩu của Đức là cơ cấu công nghiệp không được mềm dẻo. Phần lớn các công ti của Đức đều chuyên vào một số sản phẩm và thị trường nhất định. Điều này càng đặc biệt đúng đối với các nhà vô địch ẩn danh - và đấy là một trong những lí do làm cho sản phẩm của Đức đạt được đẳng cấp quốc tế. Chỉ có tập trung vào một số sản phẩm và chuyên môn hóa mới dẫn tới đẳng cấp quốc tế. Nhưng chuyên môn hóa hẹp lại khó tiêu thụ tại thị trường nội địa. Nhiều công ti Đức, trong đó phần lớn là các nhà vô địch ẩn danh, chỉ phục vụ các thị trường riêng của mình. Cách duy nhất làm cho thị trường đủ rộng là bán sản phẩm của họ trên khắp thế giới. Chú tâm và toàn cầu hóa là hai trụ cột không thể tách rời trong chiến lược toàn cầu của các công ti Đức. Hàng xuất khẩu thường đóng góp hơn 80% doanh thu phản ánh điều đó. Muốn giữ cho lực lượng lao động có việc làm và mức sống cao, Đức không có lựa chọn nào khác ngoài việc bám vào phương châm đã được kiểm nghiệm: “Xuất khẩu, còn gì nữa?” Điều thú vị là một số nước hay những công ti tập trung chủ yếu vào xuất khẩu khác cũng có tình hình tương tự như thế. Ông Jeffrey Immelt, giám đốc điều hành viết trong báo cáo năm 2011 của General Electric như sau: “Năm 2012, chúng tôi sẽ bán 140 turbine khí hạng nặng, không đến 5 chiếc sẽ được bán ở Mỹ. Vì vậy chúng tôi phải bán ở 120 nước, chúng tôi phải xây dựng năng lực toàn cầu, chúng tôi phải xuất khẩu. Trong thập kỉ vừa qua, xuất khẩu của chúng tôi đã tăng gấp hơn hai lần, tạo ra hàng ngàn chỗ làm việc lương cao ở Mỹ. Chúng tôi luôn nằm trong số những nhà xuất khẩu hàng đầu của Mỹ.”[2]

Thay vì nói với Đức là cần phải giảm lượng hàng xuất khẩu, các nước khác cần phải cải thiện khả năng cạnh tranh và thành tích xuất khẩu của họ. Đặc biệt là những nước lân bang phía Nam của Đức đã thất bại trong lĩnh vực này. Từ khi đưa đồng Euro vào sử dụng, sự mất giá liên tục của đồng tiền đã trở thành quá khứ. Kết quả là năng lực cạnh tranh của nhiều công ti châu Âu, nhất là các nước ở miền nam lục địa, đã yếu đi đáng kể. Giảm lương và giảm giá là liều thuốc đơn giản nhất, nhưng không dễ chịu chút nào - và khó được thông qua về mặt chính trị. Nhưng đối với nhiều nhà xuất khẩu còn yếu thì biện pháp tốt nhất là trở nên cạnh tranh hơn. Ở Mỹ, Tổng thống Obama dường như đã nhận thức rõ hơn thách thức, ông kêu gọi các công ti Mỹ gia tăng gấp đôi xuất khẩu trong vòng 5 năm tới. Mục tiêu có thể là quá tham vọng, nhưng nó chứng tỏ rằng đất nước này đang tư duy theo lối đi trước, đón đầu.

Vì vậy, trong tương lai các công ti Đức sẽ phải tiếp tục tập trung vào xuất khẩu. Cơ cấu của nền kinh tế Đức được xây dựng để phục vụ thị trường nước ngoài. Muốn phát đạt, các nhà vô địch ẩn danh của nước này phải đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới. Cơ cấu hiện tại ở Đức có cội nguồn từ quá khứ, một số trường hợp từ thế kỉ XIX. Họ không thể thay đổi một cách nhanh chóng, ngay cả khi nhà nước và lĩnh vực kinh doanh muốn như thế.

Vì sao Đức lại thành công đến thế trong lĩnh vực xuất khẩu?

Chắc chắn là mọi người đã hỏi tôi câu này hàng ngàn lần rồi. Không có câu trả lời đơn giản vì không có một nguyên nhân duy nhất.[3] Nhưng rõ ràng là thành tích xuất khẩu của Đức trước hết không phải do những công ti khổng lồ của nó. Năm 2010 Mỹ có 133 công ti lọt vào danh sách Fortune Global 500, Nhật Bản có 68 công ti, gấp đôi con số 34 của Đức. Ngay Pháp cũng có 35 công ti lọt vào danh sách này. Pháp có nhiều công ti nằm trong danh sách Fortune Global 500, đồng thời là những công ti hàng đầu trên thị trường thế giới - với doanh thu trung bình hơn 2,6 tỉ USD.[4] Ở Đức có tương đối ít các công ti quốc tế lớn. Một công trình nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ có bốn công ti của Đức được xếp vào hàng 100 công ti có giá trị nhất thế giới. Đấy là: Siemens (xếp thứ 55), SAP (xếp thứ 79), Volkswagen (xếp thứ 85), và BASF (xếp thứ 92).[5] Như vậy là, so với toàn thế giới, Đức chỉ có vai trò tương đối nhỏ. Hình 2.2 minh họa quan hệ giữa số công ti lớn và khối lượng hàng xuất khẩu của một số nước. Hệ số xác định giữa số công ti trong danh sách Fortune Global 500 và xuất khẩu là 48,38%. Nói cách khác, số công ti chỉ giải thích chưa được một nửa sự dao động trong xuất khẩu mà thôi.

Hình 2.2: Số công ti trong danh sách Fortune Global 500 và xuất khẩu theo từng nước


Các nước đã phát triển cao đều có những công ti hoạt động trên phạm vi toàn cầu với lượng hàng hóa xuất khẩu rất lớn - nhiều công ti hơn là Đức. Thế thì tại sao các nước này lại yếu về xuất khẩu?

Những buổi nói chuyện của tôi với giáo sư Levitt từ năm 1986 và nhiều năm nghiên cứu sau đó khẳng định đi khẳng định lại rằng thành tựu của Đức trong lĩnh vực xuất khẩu là do các công ti vừa và nhỏ. Không phải công ti vừa và nhỏ nào cũng là nhà xuất khẩu thành công, nhưng bất cứ người nào tương đối thành thạo trong lĩnh vực kinh tế học cũng sẽ nói cho bạn biết rằng có rất nhiều công ti của Đức trong lĩnh vực kinh doanh là những công ti hàng đầu trên thị trường châu Âu và thị trường thế giới. Không nghi ngờ gì rằng những công ti hàng đầu thế giới này đã có những đóng góp to lớn vào việc ổn định và củng cố thành tích xuất khẩu của Đức và rằng những công ti này đang dẫn dắt nền kinh tế Đức. Trong suốt 25 năm qua chưa có thay đổi gì nhiều. Các công ti nhỏ và vừa hiện đang có vai trò to lớn chưa từng có trong quá trình toàn cầu hóa hơn bất kì giai đoạn nào khác.

Trong quá trình nghiên cứu, tôi đã thấy rằng không chỉ Đức mới có nhiều nhà vô địch ẩn danh, Áo và Thụy Sĩ cũng có khá nhiều, thậm chí có thể tìm được những nhà vô địch ẩn danh trong một đất nước nhỏ bé như Luxembourg. Khi nói về Đức, những lời tuyên bố của tôi cũng có thể được áp dụng cho những nước nói tiếng Đức khác. Về các nhà vô địch ẩn danh, họ thường có cấu trúc tương tự nhau. Phần còn lại của thế giới thì khác hẳn. Không ở đâu có nhiều nhà vô địch ẩn danh như trong các nước nói tiếng Đức. Tôi bắt đầu thu thập danh tính của các nhà vô địch ẩn danh suốt 25 năm qua. 

Hình 2.3 cho thấy số lượng các nhà vô địch ẩn danh trong một số nước được lựa chọn, cả con số tuyệt đối lẫn trên một triệu dân. Đồ thị chỉ vẽ những nước có từ 5 nhà vô địch ẩn danh trở lên.



Chúng tôi tìm được tất cả 1.506 nhà vô địch ẩn danh trong các nước nói tiếng Đức (trừ Nam Tyrolia và Tổng phía Đông của Bỉ). Đấy là 55,1% các nhà vô địch ẩn danh trên khắp thế giới mà chúng tôi tìm được cho đến nay. Mặc dù các nước nói tiếng Đức có chưa đến 100 triệu dân, chỉ chiếm 1,5% dân số thế giới, nhưng họ lại có nhiều công ti quy mô vừa đứng đầu thị trường thế giới hơn tất cả các nước khác cộng lại. Một khám phá gây ngạc nhiên khác là Đức, Thụy Sĩ, Áo và Luxembourg có số lượng các nhà vô địch ẩn danh trên 1 triệu dân tương tự nhau (khoảng từ 14 đến 16). Các nước vùng Scandinavia đứng thứ hai, nhưng cách khá xa, chỉ bốn đến năm nhà vô địch ẩn danh trên 1 triệu dân mà thôi. Thú vị là Slovenia - nước phát triển nhất trong khối Đông Âu cũ - đứng sát các nước vùng Scandinavia.

Những nước lớn như Italy, Pháp, Anh và Tây Ban Nha có rất ít các nhà vô địch ẩn danh. Như ta thấy trên hình 2.1, xuất khẩu trên đầu người của những nước này cũng rất thấp. Mỹ và Nhật Bản cũng thế. Giai đoạn phát triển ban đầu của Trung Quốc cũng có nghĩa là số nhà vô địch ẩn danh còn ít, nhưng tôi tin chắc rằng sẽ có những thay đổi nhanh chóng trong những năm sắp tới.

Cần phải thận trọng với những số liệu thống kê trên hình 2.3. Bộ sưu tập các nhà vô địch ẩn danh ở Đức chắc chắn là đầy đủ hơn so với những nơi khác. Nhưng cần phải ghi nhận rằng, nhiều nhà nghiên cứu ở những nước khác cũng đã nghiên cứu các nhà vô địch ẩn danh với những mức độ khác nhau.[1] Số liệu về Mỹ cần phải được xử lí một cách thận trọng nhất, nhưng xu hướng chung là đúng và những công trình nghiên cứu trong tương lai sẽ không tạo ra thay đổi cơ bản. Số liệu thu thập được xác nhận giả thuyết cho rằng thành tích xuất khẩu nổi bật và ổn định của các nước nói tiếng Đức là do các nhà vô địch ẩn danh.

Tại sao Đức lại có nhiều nhà vô địch ẩn danh đến thế?

Câu hỏi này dẫn chúng ta đến một câu hỏi khác: Vì sao Đức lại có nhiều nhà vô địch ẩn danh đến thế? Một lần nữa, không có câu trả lời đơn giản, nhưng chúng tôi xin đưa ra một số giả thuyết có thể giúp giải thích vấn đề.

Một tập hợp của những quốc gia nhỏ bé (Địa phương chủ nghĩa rải rác khắp nơi)

Khác với Pháp hay Nhật Bản, đến tận cuối thế kỉ XIX, Đức chưa phải là một quốc gia mà chỉ là một tập hợp những quốc gia nhỏ bé. Các công ti muốn phát triển phải quốc tế hóa một cách nhanh chóng, không có lựa chọn nào khác. Nhà sản xuất ở Bavaria, bán sản phẩm của mình cho người tiêu dùng ở Saxony hay Hamburg là đã kinh doanh trên bình diện quốc tế rồi. Khác với các nước lớn hơn, các quốc gia nhỏ bé nằm trong thành phần nước Đức thống nhất hiện nay đã khuyến khích quá trình quốc tế hóa, và việc đó còn tiếp tục phát triển khi người tiêu dùng ở Pháp, Nga, Mỹ và Trung Quốc bắt đầu đặt hàng của họ. Tương tự, nhà chính trị học Erich Weede cũng tin rằng việc chia nhỏ lãnh thổ châu Âu là tác nhân quan trọng trong việc vùng lên của lục địa nhỏ bé này thời hậu Trung cổ. “Tình trạng chia rẽ của châu Âu chính là cơ may của chúng ta và là tác nhân quan trọng nhất dẫn tới thái độ tôn trọng của nhà nước đối với tài sản và quyền sở hữu của cả người bán lẫn người mua.”[2] Tôi xin nói thêm rằng đấy cũng là tác nhân quan trọng nhất đối với quá trình quốc tế hóa. Trong tác phẩm The New Industrial Revolution xuất bản năm 2012, Pater Marsh, một cây viết của tờ Financial Times, đưa ra giả định rằng các quốc gia nhỏ bé thúc đẩy tinh thần doanh nhân và quốc tế hóa hữu hiệu hơn là những hệ thống lớn, được cai trị theo lối trung ương tập quyền.[3]

Tôi thường gặp các nhà quản lí ở những nước lớn có thái độ lưỡng lự trước việc quốc tế hóa hay sự cần thiết của quốc tế hóa. Đây là thái độ thường gặp trong các công ti quy mô vừa ở Mỹ. Nhiều công ti trong số đó chỉ kinh doanh trên thị trường nội địa, mặc dù họ có sản phẩm cạnh tranh và bí quyết công nghệ tuyệt vời. Khi được hỏi tại sao không vươn ra thị trường thế giới, câu trả lời thường thấy là: Thị trường Mỹ đã đủ lớn rồi, tại sao phải đi ra ngoài cho xa? Trên bình diện quốc tế, mọi thứ đều phức tạp hơn rất nhiều và không thành thạo ngoại ngữ làm cho nhiều công ti cứ bám mãi vào thị trường nội địa. Tôi cũng gặp những luận cứ như thế ở Pháp, Nhật Bản và cả Trung Quốc nữa. Ít thấy thái độ thu mình lại như thế ở Đức, Áo hay Thụy Sĩ; đấy là những nước mà ai cũng phải tìm cách giữ cho bằng được một miếng bánh ở ngoại quốc. Các nhà vô địch ẩn danh và hàng xuất khẩu của họ phát đạt trên mảnh đất màu mỡ này.

Nghề truyền thống

Nhiều khu vực ở Đức có những nghề truyền thống mà các doanh nghiệp hiện nay vẫn dựa vào. Đồng hồ được sản xuất ở khu vực Black Forest suốt hàng trăm năm nay, nó đòi hỏi những bàn tay cực kì khéo léo. Ông Lewis Mumford, một nhà sử học người Anh, gọi công nghiệp đồng hồ là “cỗ máy chính của thời đại công nghiệp hiện đại”[4], còn David Landes, nhà sử học chuyên về lĩnh vực kinh tế, thì coi việc sản xuất đồng hồ trong thời Trung cổ là “trường luyện tập kĩ năng”.[5] Hiện nay ngành sản xuất đồng hồ ở Black Forest đã gần như biến mất hoàn toàn (trừ một vài ngoại lệ như nhà sản xuất Junghans ở Schramberg), nhưng những ngành công nghiệp mới đã xuất hiện từ những bàn tay khéo léo của người dân địa phương. Tuttlingen, khu vực giáp ranh của Black Forest, là địa chỉ của hơn 400 công ti chuyên về công nghệ y khoa, đặc biệt là sản xuất thiết bị phẫu thuật - những lĩnh vực đòi hỏi phải cực kì khéo léo. Một số nhà sản xuất, ví dụ như Karl Leibinger Medizintechnik, là con đẻ của các công ti sản xuất đồng hồ. Điều thú vị là nền công nghiệp sản xuất đồng hồ của Thụy Sĩ cũng tạo ra những nhà sản xuất trong lĩnh vực công nghệ y học, nhất là cấy ghép.

Ở miền Bắc Đức, sự quy tụ đáng chú ý của 39 công ti xung quanh Göttingen có nguồn gốc từ một nghề truyền thống khác, mà cụ thể là khoa học đo lường. Mật độ dày đặc của các chuyên gia trong lĩnh vực này có nguồn gốc từ Đại học tổng hợp Göttingen, trường phái toán học của đại học này đã từng dẫn đầu thế giới suốt hàng trăm năm. Có thể coi một số công ti là hậu duệ của nhà toán học nổi tiếng Carl Friedrich Gauss (1777-1855).[6] Đức có một số khu vực với những nghề truyền thống còn ảnh hưởng đến tận ngày nay. Theo ông Edward Krubasik, cựu giám đốc hãng Siemens, thì: “Đức sử dụng công nghệ có cơ sở từ thời Trung cổ để trở thành người thành công trong thế kỉ XXI.” Còn ông Peter Renner, trưởng phòng giám sát của hãng Dolphin Technology, một chuyên gia khác trong công nghệ đo lường, tuyên bố: “Đức vẫn là một phòng kĩ thuật lớn.” Một số thứ thực ra vẫn chưa thay đổi.

Cạnh tranh quyết liệt

Theo mô hình cạnh tranh kim cương thừa của Michael Porter nhằm giành lợi thế cạnh tranh của các dân tộc thì tinh thần cạnh tranh mạnh mẽ ở trong nước là nhân tố quan trọng trong khả năng cạnh tranh quốc tế của đất nước. Mô hình này bao gồm nhân tố sản xuất, khả năng cạnh tranh, nhu cầu và công nghiệp phụ trợ trong một nước cụ thể.[7] Giả định quan trọng nhất của Porter là mỗi thành tố này đều có đóng góp vào thành tích của một ngành hay một công ti, nhưng khả năng cạnh tranh đóng vai trò chính. Ông tuyên bố như sau: “Khám phá có tính thực nghiệm quan trọng nhất từ công trình nghiên cứu của chúng tôi là sự kết hợp giữa sự ganh đua quyết liệt ở trong nước và quá trình tạo ra và giữ vững lợi thế cạnh tranh trong một ngành công nghiệp. Những quốc gia hàng đầu thế giới thường có nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ ở trong nước.”[8] Cạnh tranh trong phần lớn các lĩnh vực ở Đức là rất khốc liệt. Đây có lẽ là một trong những lí do vì sao các công ti Đức thường có lợi nhuận thấp - so với thế giới - trong một thời gian dài.[9] Và các nhà vô địch ẩn danh minh họa cho điều kiện của Porter rằng, muốn tạo được một công ti hàng đầu thế giới thì mỗi ngành cần phải có mấy công ti có sức cạnh tranh mạnh mẽ. Một phần ba các nhà vô địch ẩn danh nói rằng các đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ nhất của họ nằm ở Đức. Sự cạnh tranh khắc nghiệp ở trong nước là nhân tố chính thúc đẩy sức cạnh tranh của các công ti Đức.

Cụm công nghiệp

Chúng tôi tìm thấy hàng chục cụm công nghiệp ở các nước nói tiếng Đức. Một số có truyền thống lâu đời, như “thành phố dao cạo” ở Solingen, trung tâm vòng bi ở Schweinfurt, “công nghệ khóa” ở Velber và cụm các nhà sản xuất bút chì ở Nuremberg. Các cụm khác, như cụm quạt máy ở Hohenlohe, cụm phích nước ở Wertheim, cụm giao diện ở Eastern Westphalia, cụm vi điện tử ở Southwest và cụm năng lượng gió ở vùng Bắc Đức, là những cụm mới xuất hiện sau này. Sự phân bố trong toàn quốc các cụm công nghiệp ở Đức là khá phong phú và đa dạng, đấy là so với phần lớn những nước khác. Hình 2.4 cho thấy vị trí của một số cụm. Đa số các công ti trong những cụm này là những nhà vô địch ẩn danh.

Hình 2.4: Một số cụm công nghiệp trong các nước nói tiếng Đức


Chúng tôi tìm được nhiều cụm công nghiệp ở các nước nói tiếng Đức. Dường như những cụm này đã khuyến khích sự xuất hiện và thành công của các nhà vô địch ẩn danh và sẽ tiếp tục làm như thế trong tương lai.

Cụm doanh nghiệp

Ngoài các cụm công nghiệp, chúng tôi còn tìm được cái mà tôi gọi là cụm doanh nghiệp. Đấy là nơi tập trung của một số nhà vô địch ẩn danh thuộc những ngành công nghiệp khác nhau. Windhagen, một ngôi làng ở Rhineland với dân số 4.260 người, nhưng lại có tới ba công ti hàng đầu thị trường thế giới: Wirtgen chuyên sản xuất máy sửa đường ô tô, JK Group chuyên sản xuất giường tắm nắng, và Geutebrück chuyên sản xuất hệ thống kiểm tra. Ba công ti này không có gì chung về thị trường hay công nghệ cho nên không tạo ra được một cụm công nghiệp. Neutraubling, một thị trấn nhỏ ở miền Nam Đức với dân số 12.808 người, lại có công ti Krones, chuyên sản xuất hệ thống đóng chai hàng đầu thế giới; và Zippel, nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết bị nấu bia loại nhỏ và máy làm sạch loại lớn dùng trong công nghiệp, và Micron, hàng đầu thế giới về các thiết bị kiểm soát điện tử cho bộ phận kích hoạt các túi khí. Chúng tôi còn thấy mức độ tập trung cao của các nhà vô địch ẩn danh trong và xung quanh thị trấn Künzelsau. Hai công ti bán buôn thiết bị lắp ráp lớn nhất thế giới là Würth và Berner đều có trụ sở ở đây cùng với những công ti đứng đầu thị trường thế giới và thị trường châu Âu khác. Trong đó có Ziehl-Abegg chuyên về quạt, R. Stahl chuyên về thiết bị chống nổ và Veigel, một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vưc thiết bị dạy lái xe và thiết bị cho những người lái xe khuyết tật. Künzelsau chỉ có 14.822 dân, nhưng tinh thần của nó thì rõ ràng là có lợi cho việc hình thành các nhà vô địch ẩn danh. Một cụm các nhà vô địch ẩn danh nữa nằm ở Haiger, Hesse. Tập đoàn Friedhelm Loh Group, với 11.500 nhân viên và doanh thu gần 1,8 tỉ , có trụ sở ở đây. Haiger còn là địa chỉ của Rittal, hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất vỏ thiết bị điện tử; Cloos, một trong những công ti hàng đầu thế giời về công nghệ hàn và Klingspor, hàng đầu thế giới về thiết bị chà nhám. Tập đoàn Joachim Loh, cũng có trụ sở ở Haiger; tập đoàn này bao gồm công ti Hailo, hàng đầu thế giới về thang dân dụng và thiết bị ủi (là) và Expresso, đứng thứ hai thế giới về xe chuyên chở hành lí trong sân bay. Chúng ta có thể tìm thấy mấy công ti hàng đầu thế giới trong những ngành công nghiệp khác nhau ở Oberkochen (7.799 dân, Carl Zeiss trong lĩnh vực quang điện, Leitz trong lĩnh vực thiết bị xử lí gỗ), và ở Laupheim (19.796 dân, Kässbohrer chuyên sản xuất các loại xe chuyên dụng cho những địa hình khác nhau gọi là PistenBully, và Uhlmann chuyên về các hệ thống bao bì trong ngành y).

Chúng tôi tìm thấy một cụm đáng chú ý của các nhà vô địch ẩn danh ở Verden an der Aller, gần Bremen. Masterrind chuyên về thụ tinh gia súc với hơn 600.000 “khách hàng” mỗi năm. Focke chuyên cung cấp máy đóng gói thuốc lá, được tất cả các công ti thuốc lá hàng đầu trên thế giới sử dụng. Petcare quản lí một nhà máy chuyên sản xuất thức ăn cho thú cưng lớn nhất lục địa châu Âu. Badenhop là công ti hàng đầu châu Âu chuyên sản xuất những thành phần quan trọng nhất trong thức ăn gia súc. Block là nhà sản xuất biến thế điện tử hàng đầu thế giới. Và Frerichs Glas chuyên gia hàng đầu về kính, sử dụng trong lĩnh vực quảng cáo.[1]

Có thể tìm được các cụm doanh nghiệp trong những hoàn cảnh khác nhau. Thế giới tuổi thơ của tôi được hình thành từ một ngôi làng rất nhỏ với bảy gia đình nông dân, những người đã tạo ra năm doanh nhân thành đạt chỉ trong một thế hệ. Hằng ngày trẻ em từ ngôi làng này phải đi bộ đến trường học ở thị trấn cách nhà năm cây số. Điều đó có thể đã giúp nuôi dưỡng hai đặc điểm quyết định của doanh nhân: tính kiên trì và tình yêu tự do. Người nhiều tuổi nhất trong năm doanh nhân đó đã lập ra một nhà máy sản xuất trục các-đăng mang lại lợi nhuận lớn. Điều đó đã động viên những người hàng xóm, tuy rằng họ làm trong những lĩnh vực khác như công nghệ lạnh, máy văn phòng và xe đạp. Rõ ràng là cụm doanh nghiệp có thể xuất hiện ngay cả trong những làng nhỏ nhất. Khác với cụm công nghiệp, nhân tố thống nhất không phải là lĩnh vực hoạt động mà là mạng lưới xã hội khuyến khích người ta noi theo tấm gương của một người thành đạt nào đó và tự mình trở thành một nhà vô địch ẩn danh. Tôi đã nghe nhiều người nói về tấm gương và hiệu quả của nó. Sự gần gũi về không gian và xã hội củng cố thêm hiệu quả có sức động viên này, cùng với câu nói: “Hàng xóm làm được thì tôi cũng làm được.” Như vậy là, nhiều nhà vô địch ẩn danh ở các nước nói tiếng Đức có thể trở thành “lồng ấp” cho những công ti hàng đầu thế giới trong tương lai. Lĩnh vực hoạt động có thể có vai trò, nhưng ảnh hưởng thì có thể vượt qua biên giới của nghề nghiệp. Hiệu ứng này có tác dụng mạnh nhất trong những khu vực có nhiều nhà vô địch ẩn danh, ngay cả khi họ hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau. Vô địch ẩn danh có tính lan truyền.

Phân bố theo khu vực

Tại nhiều nước, chúng tôi đã tìm được một trung tâm đô thị duy nhất với mức độ tập trung cao giới chuyên môn, kinh doanh và hành chính. Ví dụ như Paris ở Pháp, Tokyo ở Nhật Bản, London ở Anh và Seoul ở Hàn Quốc. Ít nước có mức độ phi tập trung hóa cao như Đức. Bản đồ trên hình 2.5 cho thấy phân bố của các nhà vô địch ẩn danh ở Đức, Thụy Sĩ và Áo.

Hình 2.5: Phân bố của các nhà vô địch ẩn danh ở Đức, Thụy Sĩ và Áo




Các nhà vô địch ẩn danh ở Đức không phân bố một cách hoàn toàn đồng đều, nhưng họ phân bố rộng hơn so với những nước khác. Một số khu vực có những cụm lớn của riêng mình. Hình 2.6 là danh sách các nhà vô địch ẩn danh có căn cứ ở các bang của Đức, Thụy Sĩ, Áo và Luxembourg.


Hình 2.6: Mật độ các nhà vô địch ẩn danh theo khu vực


Bất kì bang nào ở Đức, nhất là những bang lớn, chúng tôi cũng đều tìm thấy các nhà vô địch ẩn danh. Đông Đức, khu vực của Cộng hòa dân chủ Đức trước đây, vẫn còn tương đối ít, nhưng đây là điều không đáng ngạc nhiên nếu biết rằng nước Đức mới thống nhất cách đây 20 năm - khoảng thời gian còn ngắn cho việc vươn lên vị trí dẫn đầu châu Âu hay thế giới. 45 nhà vô địch ẩn danh của Đông Đức chắc chắn là một sự khởi đầu tuyệt vời. So với các nước khác, dường như Đức giỏi hơn trong việc huy động người tài trên một khu vực rộng lớn và giữ họ ở đó chứ không dồn tất cả các chuyên gia vào thủ đô. Việc phân bố một cách rải rác, phi tập trung những bàn tay khéo léo và những người có kiến thức như thế là sức mạnh to lớn và nguyên nhân cực kì quan trọng làm cho Đức có nhiều nhà vô địch ẩn danh và thành tích xuất khẩu xuất sắc. Ở Thụy Sĩ và Áo các nhà vô địch ẩn danh cũng rải đều trên khắp cả nước.

Cơ sở sản xuất vững chắc

Trước khi khủng hoảng tài chính xảy ra, Đức thường bị phê phán và thậm chí chế nhạo là quá phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất và chậm trễ trong việc trở thành nền kinh tế dịch vụ. Đúng là từ xa xưa doanh thu từ lĩnh vực sản xuất của Đức vẫn cao hơn so với các nước phát triển cao khác - nhưng cuộc khủng hoảng đã bịt miệng mọi lời phê phán. Những nước như Anh, Pháp và Mỹ hiện đang lấy làm tiếc là đã quá chú ý vào lĩnh vực dịch vụ và coi thường các ngành công nghiệp chế tạo. Cựu Tổng thống Pháp, ông Nicolas Sarkozy, liên tục biện hộ cho mô hình Đức. Củng cố cơ sở sản xuất cũng là đề mục thường xuyên trong chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron. Sự giảm sút của Nhật Bản - như một quốc gia xuất khẩu - chủ yếu cũng là do cơ sở chế tạo của họ yếu. Tờ Wall Street Journal gọi sự kiện này là “tình trạng trì trệ của lĩnh vực xuất khẩu ở trong nước của Nhật Bản.”[1]

Lĩnh vực chế tạo là trụ cột quan trọng của thành tích xuất khẩu. Hình 2.7 cho thấy sự phụ thuộc của cán cân thương mại và đóng góp của khu vực chế tạo vào GDP.[2] Cán cân thương mại cho ta biết đất nước xuất nhiều hơn nhập bao nhiêu.

Hình 2.7: Đóng góp của lĩnh vực chế tạo vào GDP và cán cân thương mại của một số nước


Tỉ số tương quan giữa (hệ số a trong phương trình Y= aX, Y là cán cân thương mại, X là đóng góp của lĩnh vực chế tạo vào GDP, tính theo phần trăm - ND) đóng góp của lĩnh vực chế tạo vào GDP (tính theo phần trăm) và cán ân thương mại là 0,79. Đây là điều rất có ý nghĩa. Về mặt này, Đức có thể là cổ hủ, nhưng họ đã thành công. Đầu tư của họ lớn hơn hẳn các nước khác, đặc biệt là đầu tư của các công ti nhỏ. Ví dụ, năm 2002, một công trình nghiên cứu trên bình diện quốc tế về các công ti quy mô vừa do GE Capital thực hiện đã phát hiện ra rằng các công ti quy mô vừa (Mittelstand) của Đức đầu tư gần gấp đôi các công ti vừa và nhỏ ở Anh và Pháp.[1] Vì vậy, bảo vệ cơ sở chế tạo của Đức vẫn là vấn đề cốt tử - nhưng sẽ không dễ dàng chút nào. Toàn cầu hóa nghĩa là thuê sản xuất ở bên ngoài phần lớn quá trình sản xuất và chuỗi giá trị cho những thị trường đang phát triển nhanh chóng mà ta nhắm tới. Dường như trong lĩnh vực này, các nhà vô địch ẩn danh khéo léo hơn những công ti lớn. Trong mười năm gần đây, các công ti vừa và nhỏ của Đức đã gia tăng được lực lượng lao động của họ ở cả trong lẫn ngoài nước, cùng với sự gia tăng lớn nhất thị trường của họ ở bên ngoài. Đa phần những công ti lớn hơn cũng gia tăng đáng kể số nhân viên ở nước ngoài, nhưng ở Đức, lực lượng lao động của họ lại co lại. Tạo ra sự cân đối giữa hai xu hướng này là thách thức lớn mà Đức tiếp tục phải đối mặt.

Chế tạo có ảnh hưởng đối với thành tích xuất khẩu và việc làm khác hẳn với lĩnh vực dịch vụ. Điều này góp phần giải thích sự khác nhau về xuất khẩu giữa Pháp, Mỹ và Đức. Nhiều công ti của Pháp và Mỹ là những nhà cung cấp dịch vụ, tức là những công ti tạo ra phần lớn giá trị - và việc làm - không phải tại thị trường trong nước mà ở bất kì nơi nào trên thế giới, miễn là ở đấy có khách hàng. Các tập đoàn của Pháp, như các hãng bán lẻ Carrefour và Auchan, tập đoàn khách sạn Accor, nhà cung cấp năng lượng Veolia, các công ti xây dựng Bouygues và Vinci và người khổng lồ trong lĩnh vực truyền thông Vivendi là những công ti thuộc loại này. Những công ti lớn nhất của Pháp, tức là những công ti có nhiều chi nhánh hàng đầu thế giới hơn Đức, còn bao gồm rất nhiều ngân hàng và công ti bảo hiểm (Axa, BNP Paribas, Crédit Agricole, Société Générale, Groupe BPCE, CNP Assurances and Groupama, tất cả đều có tên trong danh sách Fortune Global 500), phần lớn lực lượng lao động của họ là ở nước ngoài. Ở Mỹ tình hình cũng tương tự như thế, nhiều công ti của nước này cũng tạo được phần lớn giá trị ở thị trường bên ngoài. Chuỗi thức ăn nhanh như McDonald’s, Burger King và Starbucks, chuỗi khách sạn như Hilton, Sheraton và Marriott, cũng như khá nhiều nhà cung cấp dịch vụ tài chính đều nằm trong nhóm này. Điều làm họ khác biệt với những công ti chế tạo là nơi họ thuê mướn lực lượng lao động. Các nhà sản xuất bảo đảm công ăn việc làm bằng cách sản xuất ở trong nước và xuất khẩu ra khắp thế giới. Vì vậy mà Đức phải làm tất cả mọi việc có thể để giữ vững cơ sở sản xuất mạnh mẽ của họ.

Khả năng sáng tạo nổi bật

Những nước nói tiếng Đức thường không được coi là đối thủ nặng kí trong lĩnh vực sáng tạo - và trên thực tế họ đúng là những người như thế. Đúng là có ít công ti Đức là những nhà vô địch về cải tiến trong những lĩnh vực như công nghệ thông tin, internet hay công nghệ gien. Những công ti hàng đầu trong lĩnh vực này thường có nguồn gốc từ Mỹ, đôi khi từ Nhật Bản và có lúc từ Trung Quốc. Ví dụ, trong mấy năm vừa qua công ti Huawei của Trung Quốc xin cấp nhiều bằng phát minh hơn bất cứ công ti nào khác. Nhưng bây giờ chúng tôi sẽ dùng số bằng sáng chế do Văn phòng sáng chế châu Âu (EPO) cấp trong năm 2010 để minh họa và thảo luận sức sáng tạo của Đức. Tất nhiên là chỉ số này không bao trùm tất cả các khía cạnh, nhưng kết quả thật là ấn tượng. Hình 2.8 cho thấy số bằng sáng chế được EPO cấp cho các ứng viên ở một số nước châu Âu. Cũng trong năm 2010, EPO cấp 12.506 bằng sáng chế cho người Mỹ và 10.580 bằng sáng chế cho người Nhật.

Hình 2.8: Số bằng sáng chế do EPO cấp năm 2010

Đức là nước đứng đầu không thể chối cãi về số lượng tuyệt đối bằng sáng chế, nhưng Thụy Sĩ là nước đứng đầu về số bằng sáng chế tính trên một triệu người. Sự khác biệt giữa các nước châu Âu thật là to lớn. Số bằng sáng chế của Đức (tính trên một triệu dân) gấp hơn hai lần Pháp, gấp bốn lần Italy và gấp năm lần Anh. Trong các nước nói tiếng Đức, Thụy Sĩ là nhà cải tiến mạnh mẽ hơn Áo. Thụy Điển cũng là một đối thủ mạnh. Chúng tôi cũng thấy rằng các nước Nam Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hi Lạp là những nước cực kì kém trong lĩnh vực cải tiến. Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, những nước này hầu như không có cơ hội. Còn trong nội bộ châu Âu, số liệu thống kê này ám chỉ sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế về phía các nước vùng Scandinavia và các nước nói tiếng Đức. Đương nhiên là chủ đề cải tiến bao trùm nhiều vấn đề hơn là số bằng sáng chế. Phác thảo ngắn gọn trong chương này chứng minh rằng Đức và Thụy Sĩ là những nhà cách tân cực kì mạnh mẽ.

Gia tăng chi phí cho một đơn vị lao động

Chi phí cho một đơn vị lao động thể hiện tương quan giữa tiền công lao động và năng suất. Người ta thường khẳng định rằng sự gia tăng theo hướng thuận lợi của chi phí cho một đơn vị lao động đã làm cho xuất khẩu của Đức tăng vọt trong thập niên vừa qua. Khó phủ nhận được luận cứ này. Hình 2.9 cho thấy chi phí cho một đơn vị lao động ở Đức chỉ gia tăng ở mức vừa phải trong thời gian từ năm 2002 đến năm 2010 - ngoại trừ giai đoạn khủng hoảng 2009 - và năm năm trong giai đoạn chín năm vừa nói thực ra là đã giảm.

Hình 2.9: Gia tăng chi phí cho một đơn vị lao động ở Đức từ năm 2002 đến năm 2010



Sự gia tăng như thế trái ngược hẳn với mức tăng nhanh chóng chi phí cho một đơn vị lao động, nhất là ở châu Âu. Từ khi sử dụng đồng Euro, trong khu vực sử dụng đồng Euro chi phí cho một đơn vị lao động đã tăng 21,7%, ở Pháp tăng tới 26,0% - nhưng ở Đức chỉ tăng 6,3%.[1] Kết quả là khả năng cạnh tranh của các công ti Đức, sau khi bị sụt giảm trong mấy năm trước đó, đã được cải thiện một cách đáng kể. Đức không còn bị coi là “con bệnh của châu Âu” nữa. Nhưng mức độ gia tăng chi phí cho một đơn vị lao động của họ đã bị nhiều người ở cả trong nước lẫn nước ngoài phê phán. Các tổ chức công đoàn khẳng định rằng gia tăng như thế là nguyên nhân làm cho sức mua ở trong nước yếu và chuyện này nhất định phải thay đổi. Thách thức đối với Đức là phải giữ được khả năng cạnh tranh trên bình diện quốc tế, đồng thời không làm hại đến sức mua ở trong nước. Số người có việc làm ở Đức đã gia tăng nhờ chi phí cho một đơn vị lao động phát triển một cách thuận lợi và bảo đảm được sự bùng nổ của xuất khẩu.

Sản xuất ở Đức

Nhãn hiệu “Sản xuất ở Đức” (Made in Germany) là do Anh buộc Đức phải làm vào năm 1887 để chứng tỏ là sản phẩm nước ngoài, tức là sản phẩm lúc đó bị coi là kém chất lượng hơn sản phẩm ở trong nước. Những người khởi xướng việc này không ngờ rằng sau đó Đức sẽ trở thành nước sản xuất ra những món hàng chất lượng cao nhất. Theo Michael Hüther, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Đức, thì: “Sức mạnh xuất khẩu của nền công nghiệp Đức trước hết là do chất lượng sản phẩm của họ.”[2] Với danh tiếng xuất sắc của nhãn hiệu “Sản xuất ở Đức” như thế, những cố gắng của EU nhằm xóa bỏ nhãn hiệu xuất xứ của quốc gia và thay bằng “Sản xuất ở châu Âu” (Made in Europe) sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Không nghi ngờ gì rằng chất lượng cao và nhãn hàng hóa do Đức sản xuất là nhân tố chủ yếu tạo nên thành tích xuất khẩu lâu dài của nước này.

Hệ thống dạy nghề

Công trình nghiên cứu, do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố vào tháng 9 năm 2010, khảo sát hệ thống dạy nghề tại 17 nước. Kết luận được đưa ra là về phương diện này Đức là nước mạnh. Bà Annette Schavan, Bộ trưởng Bộ giáo dục và nghiên cứu liên bang nhận xét: “Đào tạo nghề là ngọn cờ đầu trong nền giáo dục Đức.” Hệ thống dạy nghề là một trong những hòn đá tảng quan trọng nhất của chất lượng sản phẩm và năng suất lao động của các công ti Đức. Không nước nào có nhiều công nhân khéo tay hay chất lượng cao đến như thế. Trình độ chuyên môn vững chắc trong những ngành đòi hỏi tay nghề và trong giới học thuật đều quan trọng như nhau. Sản phẩm càng quan trọng thì đòi hỏi về trình độ lại càng cấp bách. Trong nhà nước toàn cầu, vấn đề quan trọng nhất không chỉ là đào tạo người ở Đức mà còn phải đạt được cùng trình độ như thế ở các thị trường mà họ nhắm tới nữa. Điều này dường như không phải là bất khả thi. Hệ thống dạy nghề của Đức đã nổi tiếng ở cả trong cũng như ngoài nước. Barbara Fabian, người chịu trách nhiệm về chính sách giáo dục và đào tạo của Liên hiệp các phòng công nghiệp và thương mại Đức tại văn phòng EU ở Brussels, tuyên bố: “Khắp thế giới người ta đều cần dạy nghề từ nước Đức.” Từ những chuyến du ngoạn vòng quanh thế giới của mình, tôi biết rằng nói thế là đúng. Mỗi lần ghé thăm các công ti hay phòng thương mại Đức ở nước ngoài tôi đều thấy rằng dạy nghề là vấn đề quan trọng nhất đối với họ. Động lực đằng sau số lượng đầy ấn tượng và quy mô của những sáng kiến trong lĩnh vực ​​dạy nghề dựa trên mô hình của Đức là các công ti Đức cần công nhân lành nghề đã được đào tạo theo tiêu chuẩn Đức. Không thể tìm được công nhân như thế ở những nước khác - còn giải pháp nào tốt hơn là công ti tự đào tạo cho mình? Để làm được như thế, phần lớn các công ti đều liên kết với các công ti Đức khác (nhiều khi là các nhà vô địch ẩn danh) hay với các phòng thương mại Đức, tức là những cơ sở tích cực hỗ trợ cho việc đào tạo như thế.

Hệ thống dạy nghề của Đức có tiềm năng tự trở thành một món hàng xuất khẩu. Tại sao các công ti Đức không biến sản phẩm này thành thương hiệu toàn cầu? Tiềm năng phát triển của những nhà cung cấp dịch vụ đầy tham vọng như TÜV, Dekra, Bertelsmann, Cơ quan hợp tác kĩ thuật Đức (GTZ), các nhà xuất bản, các tổ chức tư vấn, và những công ti tương tự là rất lớn. Năm 2012, Bertelsmann đã thiết lập một đơn vị kinh doanh mới chuyên về dạy nghề.[3] Lí tưởng nhất là các công ti khác cũng làm như thế. Khi chương trình đào tạo đã được thương mại hóa trên toàn thế giới, tại sao hệ thống đào tạo nghề vừa học vừa làm (dual system of vocational training) không theo gương Bertelsmann? Hợp tác công-tư là một lựa chọn, các công ti tư nhân là lựa chọn khác. Phần lớn chi phí sẽ do người sử dụng lao động chứ không phải người lao động chi trả. Internet có thể trở thành trợ thủ đắc lực và hiệu quả cho những sáng kiến mang tầm quốc tế kiểu như vậy. Nhưng công ti có kiếm được tiền bằng cách đào tạo hay không? Tôi không có câu trả lời khẳng định cho câu hỏi này, nhưng điều đó cũng không cản trở họ thử làm. Với chương trình đào tạo của mình, các công ti Đức có thể thành công không chỉ trong lĩnh vực xuất khẩu mà còn trong những lĩnh vực hoạt động khác trên toàn thế giới. Thậm chí chúng ta có thể còn được chứng kiến sự xuất hiện của một số nhà vô địch ẩn danh mới trong lĩnh vực này.

Vị trí địa chiến lược trung tâm

Một nguyên nhân nữa làm cho Đức giữ được địa vị dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu là vị trí địa chiến lược của họ. Ở giữa trung tâm châu Âu có lợi thế hơn hẳn Mỹ hay châu Á, tuy không lớn hơn hẳn so với các nước Tây Âu. Các nước nói tiếng Đức là những nước duy nhất nằm ở trung tâm về mặt địa chiến lược không chỉ của châu Âu mà của toàn thế giới nữa. Trong ngôn ngữ toàn cầu, không phải Trung Quốc mà Đức và các lân bang của nó mới là “vương quốc trung tâm”.

Thông tin liên lạc trong nhà nước toàn cầu sẽ còn phát triển hơn nữa. Càng ngày người ta sẽ càng làm việc cùng nhau, chia sẻ kiến thức và ý tưởng với những đối tác ở xa nhiều hơn. Hiện nay các công ti đã đưa các dự án phát triển ngao du cùng với ánh mặt trời trên khắp thế giới nhằm đẩy nhanh tiến trình đổi mới. Các trung tâm liên lạc được thiết lập ở những nước xa xôi. Mặt trời luôn luôn hiện diện ở một nơi nào đó, và người ta lợi dụng triệt để việc này.

Cơ sở hạ tầng của hệ thống thông tin toàn cầu tạo điều kiện cho tất cả những điều vừa nói trở thành khả thi đã được hoàn thiện đến mức mà cách đây vài năm không ai có thể tưởng tượng nổi. Viễn thông, Internet và du lịch bằng máy bay tạo điều kiện cho chúng ta tiếp cận với những khu vực xa xôi nhất thế giới. Fax, e-mail và thư thoại (voicemail) làm cho thông tin liên lạc không đồng bộ (ý nói gửi và nhận ở những thời điểm khác nhau - ND) trở thành khả thi, các văn phòng không cần phải làm việc cùng một lúc như trước nữa. Chi phí cho liên lạc viễn thông là không đáng kể. Điều đó có nghĩa là lợi thế của phân công lao động có thể được khai thác ở quy mô chưa từng có trước đây. Khoảng cách, thời gian, sự khác biệt, các đường biên giới đã mất ý nghĩa truyền thống của chúng. Nhiều người tin rằng khoảng cách và khác biệt về thời gian sẽ không còn là trở ngại nữa.

Tuy nhiên, thái độ phấn chấn đó không phải là quá sớm, mà là hoàn toàn sai. Càng ngày những rào cản về mặt vật chất và trên thực tế đối với toàn cầu hóa càng trở nên rõ ràng hơn. Một số là do những hoàn cảnh không thể nào thay đổi được. Thế giới không phải là mặt phẳng, nó vẫn là một quả địa cầu. Ngày, đêm, múi giờ chưa biến mất và cũng sẽ không biến mất. Khả năng thích nghi của con người với khoảng cách và sự khác biệt về thời gian cũng có giới hạn. Trong phần lớn các doanh nghiệp, vẫn cần có một số trao đổi thông tin trực tiếp giữa các cá nhân với nhau. Trao đổi điện thoại thường xuyên có thể trở thành gánh nặng nếu khác biệt về thời gian giữa hai địa điểm là 11 hay 12 giờ. Từ năm 1960, tức là năm máy bay phản lực chở khách được đưa vào sử dụng, tốc độ di chuyển trên đường dài vẫn chưa gia tăng đáng kể. Thời đại của những chiếc máy bay siêu thanh - dù chỉ bay trên một vài tuyến đường - đã qua từ lâu rồi. Du lịch bằng máy bay siêu thanh với giá chấp nhận được vẫn chỉ là ảo tưởng. Tàu hỏa siêu tốc không được sử dụng cho những chuyến đi xuyên lục địa và trong tương lai cũng vẫn sẽ như thế. Những sân bay đông đúc, thời gian chờ đợi trên không và trên mặt đất, những cuộc kiểm tra an ninh nghiêm ngặt và những cuộc đình công không báo trước làm cho những chuyến đi thậm chí còn mệt mỏi và năng nề hơn. Trong tương lai xu hướng này có lẽ sẽ còn tiếp tục.

Tình hình như thế tạo ra áp lực lớn đối với những người tham gia vào trò chơi toàn cầu. Phó giám đốc điều hành một nhà sản xuất ô tô lớn của Đức có lần đã nói với tôi về những chuyến đi xuyên lục địa và ảnh hưởng tiêu cực của chúng đối với sức khỏe của ông. Giám đốc điều hành công ti chuyên cung cấp hàng điện tử thì phàn nàn về những chuyến đi bất tận của ông tới những khách hàng ở Nhật Bản và thung lũng Silicon (Silicon Valley). Ông mới trên 40 mà trông như một người đã gần 60. Người ta thường không công nhận những vấn đề như thế, nhưng đấy là những vấn đề thường trực của các nhà quản lí phải thường xuyên chu du vòng quanh trái đất. Nói cho cùng, theo định nghĩa, toàn cầu hóa có nghĩa là thị trường trải rộng khắp thế giới. Các nhà vô địch thế giới cố gắng đến gần khách hàng của mình hơn. Ngay cả các nhà quản lí cao cấp nhất cũng thường xuyên ghé thăm khách hàng của mình ở nước ngoài. Những điều kiện như thế làm cho du hành và thông tin toàn cầu trở thành tuyệt đối cần thiết. Vì vậy mà vị trí thuận lợi về địa chính trị có một ý nghĩa mới. Hình 2.10 cho thấy các nước nói tiếng Đức có ưu thế độc nhất vô nhị.

Hình 2.10: Khác biệt về thời gian và thời gian bay giữa các trung tâm của thế giới (tình bằng giờ)



Do “tính chất tam giác” của trái đất mà các nước nói tiếng Đức và lân bang của họ là khu vực duy nhất ở bắc bán cầu có thể gọi điện tới toàn bộ khu vực Á-Âu (kể cả Nhật Bản) và Mỹ (kể cả vùng bờ Tây) ngoài giờ làm việc một chút (9 tiếng đồng hồ). Lục địa Á-Âu, khu vực Transatlantica (từ Tây Âu đến vùng bờ Tây của Mỹ) và Thái Bình Dương là ba cạnh của tam giác đó. Tây Âu nằm đúng ở giữa hai “cạnh đất liền” của tam giác. Ngược lại, liên lạc giữa New York với Hồng Công, Bắc Kinh, Seoul hay Tokyo gặp nhiều khó khăn hơn vì khác biệt về thời gian là từ 10 đến 12 giờ. Có thể nói tương tự về những hướng khác.

Vùng bờ Tây của Mỹ cũng có vị trí tương tự. Trong khi Tokyo và Hồng Công cách Los Angeles tám múi giờ thì New Delhi, Moscow và Dubai cách từ 10 đến 12 múi giờ. Mặc dù thông tin liên lạc không đồng bộ đã nói ở trên (thư từ, fax, e-mail, thư thoại) làm nhẹ đi sự khác biệt về thời gian, nhưng không hoàn toàn thay thế được thông tin liên lạc hai chiều, trực tiếp và đồng bộ (điện thoại, hội nghị video, và thuyết trình từ xa với phần hỏi đáp).

Châu Âu còn có ưu thế về mặt địa chiến lược trong cả lĩnh vực du lịch. Có thể bay từ Frankfurt, Zurich hay Vienna đến TokyoSan Francisco trong khoảng 11 tiếng đồng hồ. Khác hẳn với những chuyến bay giữa Mỹ và châu Á. Đường bay trực tiếp dài nhất là từ New York (sân bay Newark) tới Singapore mất 18 giờ 40 phút. Từ Tây Âu, có thể đến các trung tâm kinh tế ở bắc bán cầu mà không cần bay qua Thái Bình Dương hay Bắc cực. Về nguyên tắc, cũng có thể nói như thế về nam bán cầu, nơi có sức mạnh kinh tế yếu hơn rất nhiều. Châu Phi có múi giờ tương tự như châu Âu. Từ Frankfurt đến Johannesburg chỉ mất chưa đến 10 giờ bay.

Vị trí địa chiến lược của các nước nói tiếng Đức là lí do chính giải thích vì sao nhiều công ti hàng đầu thế giới có nguồn gốc từ khu vực này. Tiếp cận với thị trường thế giới dễ hơn hẳn so với những khu vực khác trên quả địa cầu. Với sự kiện không thể nào thay đồi được như thế, sẽ có lí khi nghĩ rằng ngày càng có nhiều công ti trên thế giới đặt cơ sở sản xuất ở Tây Âu. Tôi đã nhìn thấy một số người làm như thế. Ông Verns Harnish, một nhà tư vấn và hùng biện, khá thân với tôi, đã chuyển từ Bờ Đông của Mỹ sang châu Âu vì cho rằng kinh doanh từ đây dễ hơn nhiều. Nhưng chính sách kinh tế bóp nghẹt chứ không khuyến khích có thể trở thành rào cản đối với ưu thế của Tây Âu.

Đức nằm ở trung tâm châu Âu. Từ Frankfurt, Vienna hay Zurich có thể đến tất cả các thành phố lớn ở châu Âu trong vòng 2 giờ bay. Trái lại, bay từ Moscow đến Lisbon hay từ Athens đến London phải mất hơn 4 giờ.

Rõ ràng là nhiều công ti Đức đang lợi dụng vị trí địa chiến lược để nâng cao vị thế của mình. Toàn cầu hóa còn tiếp tục thì lợi ích của vị trí trung tâm càng rõ ràng hơn. Thiên nhiên đã ban tặng cho Đức vị trí thuận lợi về mặt địa chiến lược. Nhiệm vụ của người Đức bây giờ là tận dụng được càng nhiều càng tốt.

Tinh thần quốc tế

Kinh doanh quốc tế luôn luôn mở rộng những chân trời văn hóa. Đó vừa là tiền đề vừa là hậu quả của quá trình quốc tế hóa công việc kinh doanh. Đây là những kinh nghiệm có nguồn gốc từ thời của những người Phoenician (thế kỉ XIII trước công nguyên - ND) và Marco Polo (1254-1324) và đã từng lặp đi lặp lại nhiều lần trong lịch sử. Anton Fugger, đế chế thương mại của ông trài dài khắp thế giới mà con người từng biết trong thế kỉ XVI, đã nói: “Ngôn ngữ tuyệt với nhất là ngôn ngữ của khách hàng.” Những doanh nhân thành công trên thương trường quốc tế bao giờ cũng là những người tinh tế, những người nói được tiếng nước ngoài và hiểu được nền văn hóa của những dân tộc khác.

Hiện nay những khía cạnh này còn quan trọng hơn bất kì giai đoạn nào khác trong quá khứ và đặt ra vấn đề: Giới kinh doanh ở Đức và các nước nói tiếng Đức làm việc này như thế nào? Với bốn ngôn ngữ, Thụy Sĩ có ưu thế tự nhiên về tinh thần quốc tế trong văn hóa và não trạng. Luxembourg cũng tương tự. Sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa từng là truyền thống lâu dài của Áo, mặc dù trong thế kỉ XX đã bị mất mát nhiều. So với các nước lớn khác, Đức cũng không có gì phải xấu hổ về chuyện này.

Người ở các nước châu Âu có trình độ ngoại ngữ rất khác nhau. Hình 2.11 cho thấy tỉ lệ những người nói được tiếng Anh, Đức và Pháp ở một số nước.

Hình 2.11: Trình độ ngoại ngữ ở một số nước châu Âu[1]


Các nước vùng Scandinavia và Hà Lan rõ ràng là những nước đứng đầu danh sách về tiếng Anh, được sử dụng như ngôn ngữ thứ hai. Đức và Áo ở giữa bảng, nhưng đứng trên Pháp, Italy và Ba Lan. Dân chúng các nước này có trình độ tiếng Pháp và tiếng Đức rất khác nhau.

Du lịch ra nước ngoài thúc đẩy một hình thức khác của toàn cầu hóa về mặt não trạng. Không được đánh giá thấp tầm quan trọng của nó. Người Đức hay du lịch ra nước ngoài hơn cả. Mỗi năm có 2,7 triệu khách du lịch Pháp ở qua đêm tại Đức, trong khi đó có đến 21 triệu khách du lịch Đức qua đêm tại Pháp - gấp gần 8 lần. Các nước khác cũng có tình trạng tương tự.[1] Người đã đi du lịch nước ngoài thường sẵn sàng làm việc ở ngoại quốc hơn là người lao động chưa ra nước ngoài bao giờ. Bất kì người nào đã từng chứng kiến người lao động chưa ra nước ngoài bao giờ lúng túng như thế nào khi được bổ nhiệm chức vụ ở nước ngoài đều có thể khẳng định điều này.

Số người lao động Đức sẵn sàng làm việc ở nước ngoài tương đối đông. Cách đây mấy năm ông Reinhard Wirtgen, người sáng lập và cựu giám đốc điều hành công ti Wirtgen, hàng đầu trong lĩnh vực máy sửa chữa đường ô tô, đã nói với tôi: “Tôi thường cần một đội có thể đưa đến bất kì nơi nào trên thế giới ngay lập tức. Hiện nay chúng tôi có nhiều người sẵn sàng ra nước ngoài làm việc. Nghĩa là chúng tôi có thể thành lập đội trong một thời gian ngắn, dù là làm ở Alaska hay sa mạc Sahara thì cũng thế. Từ quan điểm quốc tế thì đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn.” Krones, công ti hàng đầu thế giới về máy đóng chai lúc nào cũng có hàng trăm kĩ thuật viên đang làm việc trên khắp thế giới. Ngay cả những công ti rất nhỏ, ví dụ như công ti sản xuất đàn organ Klais, với chỉ 65 nhân viên, cũng có khả năng triển khai các dự án trên khắp thế giới. Lúc nào cũng có một phần năm đến một phần tư nhân viên của Klais - phụ thuộc vào số đơn hàng - đang làm ở đâu đó trên khắp thế giới trong vòng mấy tháng. Trong quá trình toàn cầu hóa, lúc nào người ta cũng cần những người lao động sẵn sàng đi bất cứ đâu. Phải mất nhiều năm mới đào tạo được những người có năng lực như thế và không bao giờ là quá sớm.

Khi còn là sinh viên, kinh nghiệm quốc tế còn tạo ra một nền tảng có giá trị nữa đối với quá trình toàn cầu hóa. Năm 2009 có khoảng 115.500 sinh viên Đức học ở nước ngoài trong một thời gian nhất định. Số lượng này chiếm 6,2% số sinh viên Đức - không phải là tỉ lệ lớn, nhưng gấp 7 lần năm 1980. Năm 2010 có 252.000 sinh viên nước ngoài - chiếm 11,4% số lượng sinh viên - học trong các trường đại học Đức.[2] Đa số sinh viên đến từ châu Âu và châu Á, thỉnh thoảng mới có sinh viên đến từ các nước nói tiếng Anh. Áo và Thụy Sĩ có tỉ lệ sinh viên nước ngoài cao hơn: Áo -21.5% và Thụy Sĩ -17.9% (trong tổng số: 75.411 và 37.000 sinh viên của từng nước tương ứng). Người nước ngoài du học ở những nước nói tiếng Đức và biết tiếng Đức là những ứng viên hấp dẫn đối với những nhà vô địch ẩn danh. Tuy nhiên, giấy phép làm việc có thể là một trở ngại. Thường thì trước khi trở về nước, người lao động phải được huấn luyện ở trụ sở chính vài năm.

Các công ti, trong đó có những nhà vô địch ẩn danh, có những phương pháp phát triển nguồn nhân lực ở nước ngoài khác nhau. Vẫn chưa có nhiều công ti đòi hỏi một cách dứt khoát kinh nghiệm quản lí quốc tế. Trong thời đại của nhà nước toàn cầu, tôi khuyến khích tất cả những công ti có tham vọng quốc tế coi đây là điều kiện đề bạt lên những chức vụ cao hơn - và để giữ chức vụ hiện tại. Tôi chưa bao giờ thấy công ti nào phàn nàn là có quá nhiều người tài năng trên thị trường thế giới, nhưng tôi biết nhiều công ti do thiếu người tài mà dẫn đến những sai lầm chết người và gặp trở ngại nghiêm trọng trong quá trình toàn cầu hóa.

“Chiến lược toàn cầu” nghe vừa hiện đại vừa hứng thú. Nhưng việc thực hiện lại phụ thuộc vào người lao động, tức là người có tư duy, tình cảm và hành động trên trường quốc tế. Toàn cầu hóa về văn hóa và não trạng là điều kiện tuyệt đối cần thiết cho việc thực thi chiến lược toàn cầu và phải đi trước một bước, thường là trước mấy năm. Vị trí vững chắc của các công ti Đức trong việc quốc tế hóa về mặt tinh thần - so với các nước khác - là một trong những chìa khóa dẫn tới thành công trong nhà nước toàn cầu - ngày mai thậm chí còn quan trọng hơn hôm qua và hôm nay.

Tương lai của Đức trong nhà nước toàn cầu

Trong chương này, chúng ta đã phân tích vai trò của Đức trong quá trình toàn cầu hóa trước hết từ viễn cảnh của quá khứ và hiện tại. Nhưng câu hỏi thú vị hơn lại là: làm sao Đức có thể và phải định hình vai trò của mình trong nhà nước toàn cầu trong tương lai? Muốn tìm câu trả lời chúng ta phải xác định cách thức họ phản ứng với những sức mạnh được mô tả trong chương này với sự phát triển toàn cầu được trình bày trong Chương 1. Thay đổi là cần thiết, nhưng đấy là những thay đổi mang tính tiến hóa chứ không phải là cách mạng. Như chúng ta đã thấy, Đức và các công ti Đức có vị trí vững chắc trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Năm 2011, Đức đã vượt Anh và trở thành nước toàn cầu hóa nhất trong bảng xếp hạng toàn cầu hóa của G7.[3] Lĩnh vực kinh doanh của nước này không được sao nhãng quá trình quốc tế hóa. Cuộc khủng hoảng tài chính sau năm 2007 tấn công Đức không dữ dội như đã từng tấn công các nước công nghiệp khác. Và Đức không còn bị coi là “con bệnh của châu Âu” nữa mà được coi là “động cơ của châu Âu”. Trên khắp thế giới, mọi người đều rất quan tâm tới nền kinh tế Đức - và đặc biệt là các công ti quy mô vừa của nước này. Cơ sở chế tạo của họ được coi là mạnh chứ không phải lạc hậu. Nhà báo Peter Marsh của tờ Financial Times, một nhà quan sát có hạng về cạnh tranh quốc tế, tiên đoán: “Khi cuộc cách mạng công nghiệp mới diễn ra, các công ti có thị trường riêng sẽ là những công ti thành công.”[4]

Vị trí của các công ti Đức đa số là tốt hay thậm chí là tuyệt vời. Họ có quan điểm quốc tế, họ hoạt động trên nhiều thị trường và trong số đó, có nhiều công ti dẫn đầu thị trường. Không nghi ngờ gì rằng cạnh tranh sẽ gia tăng, nhất là từ những nước ở ngưỡng như Trung Quốc. Vì vậy mà Đức phải tiếp tục củng cố sự hiện diện của họ trên bình diện quốc tế, tăng cường khả năng đổi mới và năng lực sản xuất của họ. Muốn làm như thế, các công ti phải đẩy mạnh hiệu suất của họ ở trong nước và chuyển kinh nghiệm của họ tới những thị trường mới mà họ nhắm tới. Do tình hình phát triển dân số mang tính tiêu cực của Đức, cho nên lôi kéo và kết hợp những người có tài hàng đầu từ khắp thế giới cũng là vấn đề cực kì quan trọng. Đây là vấn đề của các nhà vô địch ẩn danh cũng như của nhiều công ti lớn khác.

Tóm tắt

Từ khi nhảy lên nhóm những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới vào năm 1986, Đức đã và đang là “tay chơi” chính trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Ngoại trừ Trung Quốc, không nước nào thu được nhiều lợi ích từ quá trình toàn cầu hóa bằng Đức. Có thể tóm tắt những điều phát hiện được trong chương này như sau:

·   Đức là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu tính trên đầu người. Đức chẳng những làm tốt hơn hẳn Mỹ và Nhật, mà còn tốt hơn các lân bang ở Tây Âu, tức là những nước có cùng vị trí địa chiến lược ở Trung Âu.

·   Đức phải tiếp tục tập trung vào xuất khẩu và không được để cho khả năng xuất khẩu của mình yếu đi. Đa số các công ti Đức chỉ phục vụ cho những thị trường riêng của mình, doanh số không lớn, trừ phi họ vươn ra thị trường toàn cầu.

·   Thành tích xuất khẩu của Đức chủ yếu là do các công ti vừa và nhỏ, chứ không phải các công ti lớn. Các nhà vô địch ẩn danh là những công ti thành công nhất. Đức có nhiều nhà vô địch ẩn danh hơn bất kì nước nào khác. Tính theo đầu người; Thụy Sĩ, Áo và Luxembourg có số nhà vô địch ẩn danh tương đương với Đức.

·   Nhiều nhân tố kết hợp lại mới giải thích được vì sao Đức có nhiều nhà vô địch ẩn danh đến như thế. Trong đó có sự phân mảnh lãnh thổ vào thế kỉ XIX, tay nghề truyền thống và cơ cấu phi tập trung, dẫn tới sự phân bố một cách tương đối đồng đều các nhà vô địch ẩn danh trên khắp cả nước.

·   Những nguyên nhân khác bao gồm danh tiếng và chất lượng sản phẩm của Đức, sự phát triển theo hướng thuận lợi của chi phí trên một đơn vị lao động, cơ sở sản xuất đầy sức mạnh và hệ thống dạy nghề vừa học vừa làm (dual system of vocational training).

·   Vị trí địa chiến lược trung tâm của Đức tạo điều kiện cho họ tiến hành công việc kinh doanh trên toàn cầu (điều này đúng cho cả các nước Tây Âu khác) và là lợi thế cạnh tranh so với Mỹ và châu Á.

·   Tinh thần quốc tế, hòn đá tảng của kinh doanh quốc tế, càng làm cho Đức có lợi hơn các nước lớn khác (nhưng không phát triển như các nước nhỏ).

·   Sức mạnh và trình độ của các doanh nghiệp Đức sẽ tiếp tục hay thậm chí còn quan trọng hơn trong nhà nước toàn cầu. Thách thức đối với Đức là điều chỉnh những sức mạnh đó cho phù hợp với sự phát triển trên thế giới, như được trình bày trong Chương 1. Nghĩa là không chỉ dựa vào chúng để xây dựng ở trong nước mà còn phải chuyển chúng đến những thị trường được nhắm tới trong tương lai.

Kết luận quan trọng nhất được rút ra từ chương này là Đức có thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng độc đáo trong nhà nước toàn cầu tương lai - đấy là khi họ không mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Đặc biệt là, thành tích của họ sẽ phụ thuộc vào các nhà vô địch ẩn danh.



[1] Năm 2010, Federal Statistical Office of Germany.

[2] Năm 2010, Federal Statistical Office of Germany.

[3] Xem Manager-Magazin online, January 27, 2012.

[4] Xem Peter Marsh, Cuộc cách mạng công nghiệp mới - người tiêu dùng, toàn cầu hóa và chấm dứt sản xuất hàng loạt (The New Industrial Revolution - Consumers, Globalization and the End of Mass Production), New Haven - London: Yale University Press 2012, p. 118.


[1] Ủy hội châu Âu, người châu Âu và ngôn ngữ của họ, Brussels: Phong vũ biểu đặc biệt của châu Âu 2006, p. 13.


[1] Xem Matthias Kullas, “Frankreichs Wirtschaftspolitik unter Druck”, Frankfurter Allgemeine Zeitung, April 10, 2012, p. 12.

[2] Xem “Exportplus nicht durch niedrige Löhne erkauft”, General-Anzeiger Bonn, January 17, 2012, p. 6.

[3] Xem “Bertelsmann steigt in den Bildungsmarkt ein”, Frankfurter Allgemeine Zeitung, January 17, 2012, p. 13.


[1] Xem “Deutsche Unternehmen investieren mehr als andere”, Frankfurter Allgemeine Zeitung, March 12, 2012, p. 14.



[1] Kết thúc kỉ nguyên xuất khẩu của Nhật Bản (End of Era for Japan’s Exports) Wall Street Journal Europe, January 25, 2012, p. 14

[2] IW-Dienst Köln, Institut der Deutschen Wirtschaft, January 12, 2012.



[1] Xem “Eine integrierte Glasfassade als Werbefront”, Frankfurter Allgemeine Zeitung, February 7, 2012, p. 15.



[1] Trong mấy năm gần đây người ta đã tiến hành nhiều dự án với mục đích nhận diện các nhà vô địch ẩn danh. Stefan Lippert đang nghiên cứu đề tài này ở Nhật Bản. Năm 2011 Danica Purg hướng dẫn một dự án quốc tế, nhận diện các nhà vô địch ẩn danh tại 19 nước Trung và Đông Âu. Marek Dietl và Melita Rant trình bày những phát hiện của họ ở Vienna vào tháng 11 năm 2011 và báo cáo về 165 nhà vô địch ẩn danh ở khu vực này. Các nhà vô địch ẩn danh ở Hà Lan đã được Onno Oldeman, ở Italy được Danilo Zatta, ở Pháp được Stephan Guinchard và ở Thụy Diển được Fateh ud Din, nhận diện.

[2] Xem Erich Weede, Ein Vereinigtes Europa der Narren?, Frankfurter Allgemeine Zeitung, February 3, 2012, p. 12.

[3] Xem Peter Marsh, Cuộc cách mạng công nghiệp mới - người tiêu dùng, toàn cầu hóa và chấm dứt sản xuất hàng loạt (The New Industrial Revolution - Consumers, Globalization and the End of Mass Production), New Haven - London: Yale University Press, 2012.

[4]Xem Lewis Mumford, Kĩ thuật và nền văn minh (Technics and Civilisation), London: Routledge & Kegan, 1934.

[5]Xem David Landes, Prometheus đã được cởi trói: Sự thay đổi kĩ thuật và phát triển công nghiệp ở Tây Âu từ năm 1750 đến nay (The Unbound Prometheus: Technical Change and Industrial Development in Western Europe from 1750 to the Present), Cambridge: Cambridge University Press, 1969.

[6] Xem cuốn bestseller của Daniel Kehlmann, Die Vermessung der Welt, Reinbek: Rowohlt-Verlag, 2005.

[7] Xem Michael Porter, Ưu thế cạnh tranh của các quốc gia (The Competitive Advantage of Nations), London: Macmillan, 1990.

[8] Xem Michael Porter, Ưu thế cạnh tranh của các quốc gia (The Competitive Advantage of Nations), London: Macmillan, 1990.

[9] Xem Hermann Simon, Gewinn, Bài giảng ở trường đại học Siegen, November 17, 2011, and Institut der Deutschen Wirtschaft, Cologne, 2012. 



[1] David Marsh, cựu phóng viên người Đức của tờ Financial Times cũng có quan điểm như thế. Xem David Marsh, “It’s the exports, stupid”, Newsletter “The Bigger Picture”, July 12, 2010.

[2] Xem “General Electric”, Báo cáo hàng năm 2011 (Annual Report 2011), Fairfield, CT, 2012, p. 9.

[3] Câu hỏi này thường được đặt ra trong báo chí nước ngoài. Ví dụ điển hình là bài báo “What Germany Offers the World” in The Economist, April 16, 2012, p. 27-30. Nhiều bài báo kiểu này đưa ra những giải thích chắp vá và nửa sự thật.

[4] Xem Fortune, July 25, 2011.

[5] Xem Claus-Peter Tiemann, Deutsche Konzerne verlieren an Gewicht, General-Anzeiger Bonn, January 16, 2012, p. 6. 



[1] Xem Theodore Levitt, Toàn cầu hòa thị trường (The Globalization of Markets), Harvard Business Review, May-June 1983, p. 92-102. Thuật ngữ “toàn cầu hóa” xuất hiện lần đầu vào năm 1944, năm 1981 bắt đầu được sử dụng rộng rãi. Nhưng phải sau bài báo của Levitt thì mới được sử dụng nhiều trong kinh tế học dòng chính.

[2] Xem Kết thúc kỉ nguyên xuất khẩu của Nhật Bản (End of Era for Japan’s Exports), Wall Street Journal Europe, January 25, 2012, p. 14.

[3] Xuất khẩu của một số nước nhỏ lớn hơn cả tổng sản phẩm quốc nội vì họ xuất khẩu một số lượng lớn sản phẩm mà trước đó họ đã nhập. Hồng Công và Singapore là ví dụ.

[4] Phép hồi quy được thực hiện theo phương trình sau đây: xuất khẩu tính theo đầu người (USD) = 7,379 - 5.1 × số dân (triệu người). Phương trình cho thấy khoảng 24% khác biệt trong xuất khẩu tính theo đầu người là do quy mô dân số. Hệ số liên hệ giữa dân số và xuất khẩu trên đầu người là 0,49.


No comments:

Post a Comment