December 9, 2024

CỐT LÕI TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ (8)

 CỐT LÕI TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ 


Karen A. Mingst và

Ivan M. Arrenguin-Toft

 Phạm Nguyên Trường dịch

Lưu ý: Tôi không thể đưa các bản đồ và hình minh hoạ lên Blog, bạn nào muốn nghiên cứu sâu có thể dowload link này để xem xét thêm và đối chiếu: https://oceanofpdf.com/?s=Karen+A.+Mingst+

Chương 8

Chiến tranh và xung đột

 Chú thích ảnh: Thân nhân của thường dân thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Yemen đau xót trước cảnh mất người thân của mình. Mỹ thường xuyên phủ nhận việc máy bay không người lái cố tình coi thường dân là mục tiêu, nhưng đã phải thừa nhận một số sai lầm. Ở đây có thể một hoặc nhiều mục tiêu có giá trị cao đã bị tiêu diệt, nhưng chúng ta có thể nói giá trị của những mục tiêu bị tiêu diệt này cao hơn tác hại gây ra do hẫn nộ trước những chết chóc và thương tật mà người ngoài cuộc phải gánh chịu hay không? 

Tháng 10 năm 2011, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã tìm được và tiêu diệt một người lãnh đạo Al Qaeda, sinh ra ở Mỹ, tên là Anwar al-Awlaki. Hai tuần sau, con trai của al-Awlaki, Abdulrahman al-Awlaki, 16 tuổi, cũng bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Yemen. Việc sát hại con trai của al-Awlaki, công dân Mỹ, theo lệnh của nhánh hành pháp và không theo thủ tục tố tụng phù hợp, đánh dấu bước ngoặt trong việc sử dụng máy bay không người lái vũ trang trong cuộc chiến chống khủng bố. Đây có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm, đặc biệt là khi các quốc gia khác và những kẻ khủng bố nắm được công nghệ máy bay không người lái. Ví dụ, Iran gần như có thể triển khai máy bay không người lái tầm xa do nước này sản xuất, và họ đã tuyên bố rằng nhiều cựu công dân của nước mình cũng như một số người nước ngoài đã phạm tội tử hình. Nước Anh có thể sẽ phản ứng như thế nào nếu Iran sử dụng máy bay không người lái có vũ trang nhằm xử tử công dân Iran đang sống ở Oxford, Anh, đặc biệt, nếu vụ tấn công làm cho những người khác bị thiệt hại?

Trong số nhiều vấn đề lôi kéo các tác nhân tham gia vào quan hệ quốc tế, chiến tranh được nhiều người coi là một trong những vấn đề lâu đời nhất, phổ biến nhất và về lâu dài, là quan trọng nhất. Các cuộc chiến tranh – đặc biệt là các cuộc chiến tranh lớn giữa các quốc gia - đã và vẫn là tâm điểm chú ý của các nhà sử học trong suốt nhiều thế kỉ qua. Các tác phẩm lớn về chiến tranh, trong đó có Lịch sử Chiến tranh Peloponnesia (History of the Peloponnesian War - 431 trước CN) của Thucydides và Bàn về chiến tranh (On War - 1832) của Carl von Clausewitz. Thế chiến I và hậu quả của nó (thành lập Hội Quốc Liên) đã làm cho các nhà sử học chuyên về lĩnh vực ngoại giao và các nhà luật học ở Mỹ lập ra môn học mới, gọi là quan hệ quốc tế. Kể từ lúc đó, các học giả nổi tiếng trong lĩnh vực này đã giải quyết nhiều vấn đề quan trọng và gây tranh cãi xung quanh chiến tranh - nguyên nhân, cách tiến hành, hậu quả, những biện pháp phòng ngừa và cả khả năng loại bỏ chiến tranh. Chú ý tới chiến tranh và an ninh rõ ràng là có thể biện hộ được. Trong tất cả những điều con người coi là quan trọng thì an toàn về thể xác – không bị bạo hành, không bị chết đói và không bị thảm họa do thiên tai gây ra – là những ưu tiên hàng đầu. Tất cả các những cái khác cũng rất quan trọng đối với chất lượng cuộc sống của chúng ta - chính phủ tốt, phát triển kinh tế, môi trường sạch sẽ, là mức độ an ninh vật lý tối thiểu. Xin xem xét những khó khăn mà Mỹ và các đồng minh NATO của nước này đã gặp ở Afghanistan, trong khi tìm cách khôi phục nền kinh tế, thiết lập chính quyền hợp pháp và đảm bảo quyền con người, đặc biệt là cho phụ nữ, trong khi an ninh tối thiểu về thân thể cũng chưa có (trong trường hợp này là không bị ảnh hưởng bởi bạo lực), những mục tiêu quan trọng này hóa ra là khó đạt được.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy rằng không phải lúc nào cũng có an ninh tối thiểu. Các nhà sử học đã ghi nhận được khoảng 14.500 cuộc chiến tranh, với khoảng 3,5 tỉ người chết, trực tiếp hoặc gián tiếp vì chiến tranh. Tính từ năm 1816 đến nay, đã có từ 224 đến 559 cuộc chiến tranh, giữa các quốc gia và nội chiến – phụ thuộc vào định nghĩa chiến tranh là gì. Khi ngày càng có nhiều quốc gia trở thành các quốc gia công nghiệp hóa, chiến tranh giữa các quốc gia trở nên nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn, liên quan đến những bộ phận ngày càng lớn hơn trong xã hội của các nước tham chiến. Đỉnh điểm của thực tế mới này của chiến tranh giữa các quốc gia là Thế chiến I (1914 - 1918 và Thế chiến II (1939 - 1945).

Tuy nhiên, sau các cuộc chiến tranh thế giới và Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), và có lẽ do sức tàn phá của chiến tranh và khả năng leo thang thành chiến tranh hạt nhân, cả tần suất lẫn cường độ các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia bắt đầu suy giảm một cách từ từ. Tính trung bình, số cuộc chiến trong một năm giữa các quốc gia đã giảm dần: Hơn sáu cuộc chiến tranh trong những năm 1950 và chưa đến một trong những năm 2000. Đây là điều quan trọng, vì, tính trung bình, chiến tranh giữa các quốc gia thường tàn sát nhiều người hơn là nội chiến. Từ những năm 1950 đến cuối Chiến tranh Lạnh, tổng số cuộc xung đột vũ trang đủ các hình thức đã tăng gấp ba lần, nhưng hầu hết đều là các cuộc chiến tranh có cường độ thấp, số người chết không lớn. Từ đầu những năm 1990 đến năm 2015, con số các vụ xung đột đã giảm khoảng 40%, trong khi các cuộc xung đột giết chết ít nhất 1.000 người mỗi năm đã giảm hơn một nửa[1]. Tuy nhiên, vì sự hiểu biết hiện nay của của chúng ta về chiến tranh vẫn chưa đầy đủ, nhiều học giả về quan hệ quốc tế lo lắng rằng xu hướng này có thể bị đảo ngược. Do đó, chiến tranh có lẽ vẫn là đề tài hấp dẫn nhất trong nền chính trị thế giới và các lý thuyết gia tiếp tục phân tích nguyên nhân vì sao trong từng quốc gia và giữa các quốc gia với nhau lại xảy xung đột.

 

Đối tượng nghiên cứu

 

- Định nghĩa chiến tranh và nhận dạng các hình thức chiến tranh khác nhau.

- Giải thích cách thức các cấp phân tích giúp chúng ta lý giải nguyên nhân của các cuộc chiến tranh.

- Mô tả những đặc điểm chính của chiến tranh qui ước và phi qui ước.

- Làm nổi bật những tình huống để cuộc chiến có thể được coi là “chính nghĩa”.

- Giải thích những người theo phái hiện thực và phái tự do khác nhau như thế nào trong tiếp cận với quản lí tình trạng mất an toàn.

 

 Chiến tranh là gì?

Các học giả về quan hệ quốc tế thường xuyên tranh luận về định nghĩa chiến tranh, về cái gì được gọi và cái gì không được gọi là chiến tranh. Tuy nhiên, theo thời gian, ba đặc điểm sau đây được coi là tiêu chuẩn được mọi người đồng ý. Trước hết, chiến tranh đòi hỏi bạo lực có tổ chức, cố ý, do chính quyền có thể nhận dạng được tiến hành. Các cuộc bạo loạn thường làm chết người, nhưng không được coi là chiến tranh, vì theo định nghĩa, bạo loạn là không cố ý và cũng không có tổ chức. Thứ hai, chiến tranh thường làm chết nhiều người hơn là những  hình thức bạo lực có tổ chức khác. Những vụ tán sát người Do Thái (Pogrom), đánh bom và thảm sát nhiều người là những hành động cố ý và có tổ chức, nhưng, nói chung, không làm cho nhiều người chết đến mức được coi là chiến tranh. Hiện nay, hầu hết các học giả về quan hệ quốc tế chấp nhận rằng sự kiện làm cho ít nhất 1.000 người chết trong một năm thì mới được gọi là chiến tranh. Thứ ba, và cuối cùng, để một sự kiện được coi là chiến tranh thì cả hai bên đều phải có khả năng thực sự trong việc làm hại lẫn nhau, mặc dù khả năng của hai bên có thể không tương đương nhau. Chúng ta không coi những vụ diệt chủng, tàn sát nhiều người, tấn công khủng bố và tàn sát người Do Thái là chiến tranh vì, ví dụ, trong vụ diệt chủng chỉ có một bên có khả năng giết người, trong khi bên kia không có khả năng tự vệ một cách hiệu quả.

Tóm lại, chiến tranh là hành động chính trị có tổ chức và cố ý, do chính quyền đã được chính thức hóa tiến hành, làm cho ít nhất 1.000 người chết trong 12 tháng và cần ít nhất hai tác nhân có khả năng làm hại được nhau.

Vấn đề định nghĩa không chỉ đơn giản là mang tính hàn lâm. Chúng tạo ra những hậu quả trong thế giới thực. Ví dụ quan trọng là vụ diệt chủng ở Rwandan, năm 1994, trong đó hơn 750.000 người, bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã bị sát hại chỉ trong vòng 4 tháng. Nếu lúc đó cộng đồng quốc tế gọi vụ bạo lực này chính các là cuộc diệt chủng, thì áp lực can thiệp quân sự nhằm ngăn chặn có thể sẽ lớn hơn, vì trong cuộc diệt chủng, phe bị giết hại không thể có cơ hội giành chiến thắng. Tuy nhiên, người ta lại coi vụ bạo lực này là sự tiếp tục của cuộc nội chiến, và vì vậy mà xuất hiện câu hỏi chính đáng: Quốc tế có nên can  thiệp vào công việc nội bộ của Rwanda? Vì vậy, sự kiện khởi đầu như một cuộc diệt chủng - vụ tàn sát hàng loạt thường dân cùng chia sẻ đặc điểm nào đó, nhưng không có tấc sắt trong tay – bởi những kẻ cực đoan được chính phủ hỗ trợ đã nhanh chóng leo thang thành nội chiến, trong đó, đơn vị chiến đấu cũ, Mặt trận Yêu nước Rwandan, đã được tái động viên, tái trang bị và tấn công chính phủ, tiêu diệt một cách có hệ thống lực lượng cực đoan và ngăn chặn nạn diệt chủng bằng cách buộc chính phủ và những kẻ diệt chủng thoát chết phải chạy trốn.

Phân loại chiến tranh

Các học giả về quan hệ quốc tế đã đưa ra nhiều phương án phân loại chiến tranh. Ở cấp độ rộng nhất, chúng ta phân biệt cuộc chiến giữa các quốc gia có chủ quyền (chiến tranh giữa các nước) và các cuộc chiến tranh trong nội bộ các quốc gia (nội chiến). Ngoài khác biệt này, chúng ta thường chia chiến tranh thành toàn diện và cục bộ (trên cơ sở mục tiêu của cuộc chiến và qui mô những nguồn lực được sử dụng cho những mục tiêu này), và cuối cùng, đặc điểm của cuộc chiến, gọi là qui ước hoặc phi qui ước.

Chiến tranh giữa các nước và nội chiến

Từ khi hệ thống nhà nước xuất hiện - trong những năm sau cuộc Chiến tranh Ba mươi năm (1618 - 1648); nhà nước, như một hình thức liên kết chính trị đã chứng tỏ là lý tưởng trong việc tổ chức và định hướng các nguồn lực cần cho nhu cầu của chiến tranh. Charles Tilly từng nói một câu nổi tiếng: “Chiến tranh tạo ra nhà nước và nhà nước tiến hành chiến tranh”[2].

Kết quả là, các lí thuyết gia về quan hệ quốc tế và các học giả chuyên viết về chiến tranh tập trung chú ý nhiều nhất tới các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia. Các lí thuyết gia quan tâm tới chiến tranh vì hai lí do. Thứ nhất, theo định nghĩa, các quốc gia có các nhà lãnh đạo và vị trí có thể nhận diện được. Khi nói “nước Pháp”, chúng ta hiểu rằng đang nói về một chính phủ kiểm soát một vùng lãnh thổ cụ thể mà những người khác công nhận là nước Pháp. Vì thế, các quốc gia là những chủ đề thích hợp cho phân tích và so sánh. Thứ hai, các quốc gia có quân đội -  một số quốc gia có quân đội không lớn, chỉ bằng hoặc ít hơn lực lượng cảnh sát; trong khi những quốc gia khác có lực lượng đông hơn và có khả năng khai triển quyền lực khắp thế giới, và thậm chí cả trong vũ trụ. Các lực lượng vũ trang và khả năng của nhà nước trong việc động viên các nguồn lực để giúp đỡ quân đội làm cho các quốc gia trở thành những kẻ thù rất khó bị khuất phục. Như vậy, chiến tranh giữa các quốc gia thường có đặc điểm là người bị chết và tài sản bị phá hoại tương đối nhanh chóng. Cuối Thế chiến II, các nước trên thế giới đứng trước khả năng là cuộc chiến giữa các quốc gia trong tương lai có thể không chỉ phá hủy các quốc gia, mà cuộc chiến tranh hạt nhân có thể tiêu diệt toàn bộ loài người.

Tuy nhiên, theo thời gian, số cuộc chiến tranh giữa các quốc gia đã giảm. Sau Thế chiến II, đã giảm đáng kể. Những cuộc chiến lớn sau năm 1980 là Chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988), Chiến tranh Ethiopia-Eritrea (1999-2000) và Chiến tranh Nga-Georgia (2008). Chiến tranh giữa các quốc gia được thay thế bằng nội chiến – bạo lực xuất phát từ trong lòng quốc gia, đôi khi được hỗ trợ bởi các nước láng giềng hoặc các nước ở xa - đã trở hình thức chiến tranh phổ biến nhất. Cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954), nội chiến ở Hi Lạp (1944-1949), Tình trạng Khẩn cấp ở Malaysia (1948-1960) và Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đều là những ví dụ về hình thức chiến tranh mới.

Theo thời gian, các cuộc nội chiến – chiến tranh huynh đệ tương tàn - cũng giảm, nhưng không giảm nhanh bằng các cuộc chiến giữa các quốc gia. Các cuộc nội chiến, trong đó có những cuộc chiến giữa một phe phái và chính phủ chiến đấu nhằm giành quyền kiểm soát lãnh thổ (Boko Haram ở Nigeria); thiết lập chính phủ nhằm kiểm soát quốc gia đã tan rã hoặc sắp tan rã (Somalia hay Liberia); các phong trào dân tộc chủ nghĩa tìm kiếm quyền tự chủ hơn hoặc li khai (người Chechens ở Nga, người Kachins ở Myanmar); hoặc chiến tranh giữa các nhóm sắc tộc, giữa các phe cánh hoặc tôn giáo nhằm kiểm soát nhà nước (Rwanda, Nam Sudan, Burundi, Yemen). Các cuộc nội chiến ở Mỹ và Nga là những ví dụ điển hình.

Gần đây hơn là những cuộc nội chiến ở Ukraine (2014) và những cuộc nội chiến diễn ra sau Mùa xuân Ả Rập năm 2011, đặc biệt là những cuộc nội chiến ở Libya (từ tháng 2 đến tháng 10 năm 2011) và Syria (từ tháng 6 năm 2012 đến nay). Đây đều được coi là chiến tranh vì có hơn 1.000 người chết trong các vụ xung đột giữa chính phủ đang cầm quyền và những người nổi dậy, và, vì mỗi bên đều có sức mạnh quân sự - mặc dù lực lượng của chính phủ mạnh hơn hẳn – có thể làm cho phía bên kia bị thiệt hại. Những cuộc chiến tranh này diễn ra theo cùng một con đường: Các lực lượng của chính phủ đàn áp thẳng tay những cuộc biểu tình ôn hòa, mà đa phần là thanh niên tham gia; kết quả là biểu tình gia tăng và quốc tế lên án. Chính phủ đàn áp mạnh hơn, biểu tình ngày càng lan rộng hơn và mang tính bạo lực hơn. Sau khi có bằng chứng về việc quân chính phủ giết người, cưỡng hiếp, tra tấn và tàn sát hàng loạt, người ta lên tiếng kêu gọi quốc tế can thiệp. Trong vụ Libya, cả chính phủ đương quyền lẫn những nước ủng hộ chính phủ này đều bị bất ngờ, và vụ can thiệp quân sự có giới hạn của NATO nhân danh phiến quân Libya đã làm cho chính phủ đang cầm quyền nhanh chóng bị sụp đổ. Ở Syria, chính phủ đương quyền đã được chuẩn bị tốt hơn, và quan trọng hơn, các đồng minh của chính phủ này (đặc biệt là Liên bang Nga) sẵn sàng ủng hộ cả về quân sự lẫn ngoại giao. Cuối cùng, năm 2013, Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt đầu chiếm được lãnh thổ ở miền đông Syria, làm cho cuộc nội chiến giữa các nhóm phiến quân và chính phủ Syria càng phức tạp thêm. Năm 2015, Mỹ và các nước đồng minh tìm cách ngăn chặn bước tiến của IS sang lãnh thổ Syria bằng các cuộc không kích có mục tiêu rõ ràng, nhưng dường như đã thất bại. Ngoài ra, như chúng ta đã thấy trong Chương 4, Liên bang Nga cũng bắt đầu các cuộc không kích có mục tiêu rõ ràng. Nhưng, những cuộc không kích này không nhằm vào lực lượng IS mà lại nhắm vào các nhóm phiến quân đối lập ở miền tây Syria. Nga còn tuyên bố rằng không thể ngăn chặn các lực lượng “tình nguyện”. Vì vậy, cuộc nội chiến ở Syria –gây ra làn sóng người tị nạn tuyệt vọng, tìm nơi trú ẩn an toàn ở châu Âu và các nước láng giềng – được coi là một trong số những cuộc nội chiến phức tạp và có nhiều người chết nhất thế giới.

Mặc dù một số cuộc nội chiến vẫn nằm trong biên giới quốc gia, các cuộc nội chiến đang ngày càng mang tính quốc tế - như chúng ta có thể thấy ở Libya, Syria và Cộng hòa Dân chủ Congo. Những hậu quả của nội chiến lan qua biên giới quốc gia, khi những người tị nạn tràn vào các quốc gia láng giềng và tiền được đưa khỏi đất nước có chiến tranh. Các quốc gia, các nhóm người và cá nhân bên ngoài quốc gia có chiến tranh bị dính líu vào cuộc chiến vì các nhóm cung cấp tiền bạc, những người bán vũ khí cho các phe phái khác nhau và ủng hộ về ngoại giao cho nhóm này chứ không ủng hộ nhóm khác lôi kéo. Như vậy, mặc dù các vấn đề làm cho các bên đánh nhau thường có tính địa phương, nhưng, một khi đã bắt đầu, hầu hết các cuộc nội chiến đều nhanh chóng bị quốc tế hóa.

Chiến tranh toàn diện và chiến tranh cục bộ

Chiến tranh toàn diện (còn gọi là chiến tranh tổng lực - ND) là xung đột vũ trang làm nhiều người chết và hủy diệt trên diện rộng, thường có nhiều nước tham chiến, trong đó có nhiều cường quốc. Đây là những cuộc chiến tranh mà được và mất là rất lớn: Một hoặc nhiều bên tham chiến tìm cách chinh phục và chiếm lãnh thổ của kẻ thù hoặc chiếm chính quyền của đối thủ và/hoặc kiểm soát các nguồn lực kinh tế của đối thủ. Các cuộc chiến tranh toàn diện thường là do xung đột về tư tưởng (chủ nghĩa cộng sản chống chủ nghĩa tư bản; dân chủ chống độc tài) hoặc tôn giáo (Công giáo chống Tin lành; phái Shiite chống phái Sunni của Hồi giáo; Ấn Độ giáo chống Hồi giáo). Trong chiến tranh toàn diện, những người ban hành quyết định động viên tất cả các nguồn lực sẵn có của quốc gia – lao động cưỡng bức, sử dụng mọi loại vũ khí; sử dụng tài nguyên kinh tế, ngoại giao và tài nguyên thiên nhiên - nhằm buộc kẻ thù phải đầu hàng vô điều kiện. Quan trọng là, trong cuộc chiến tranh toàn diện, ngay cả khi các lực lượng quân sự của đối phương là mục tiêu chính, thì người ta vẫn coi việc thường dân bị chết hoặc bị thương là chấp nhận được, thậm chí còn cố tình giết dân, miễn là giành chiến thắng. Trong cuộc chiến tranh Ba Mươi Năm (1618 - 1648), cuộc chiến toàn diện dài nhất trong lịch sử, nhiều cường quốc (Anh, Pháp, Áo triều đại Habsburg, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển) tham chiến và làm hơn 2 triệu người chết trên chiến trường. Cuộc Chiến tranh giành quyền kế vị ngai vàng Tây Ban Nha (1701 - 1714), phần lớn các cường quốc vừa kể lại đánh nhau một lần nữa và làm hơn 1 triệu người thiệt mạng. Đầu thế kỷ XIX, các cuốc Chiến tranh Napoléon (1799 - 1815) làm hơn 2,5 triệu người chết trên chiến trường. Trong mỗi cuộc chiến tranh vừa kể, số dân thường thiệt mạng thường là bằng hoặc nhiều hơn số người chết trên chiến trường. Trong phần lớn thế kỉ XVII và XVIII, chiến tranh giữa các cường quốc là hiện tượng phổ biến.

Thế chiến I và II là những bước ngoặt quan trọng trong lịch sử chiến tranh toàn diện. Các cường quốc trên thế giới tham gia cả hai cuộc chiến tranh này: Anh, Pháp, Áo-Hungary, Đức, Nhật Bản, Nga/Liên Xô và Mỹ. Nhưng nếu công nghiệp hóa tạo được cuộc cách mạng trong nông nghiệp và giao thông vận tải, thì nó cũng tạo ra cuộc cách mạng trong khả năng giết người của các quốc gia. Công nghiệp hóa cần người lao động, tức là cần người dân chuyển từ khu vực nông thôn đến các thành phố. Phạm vi của chiến trường, trước đây chỉ là những khu vực mà binh sĩ đánh nhau, sau Thế chiến I, đã nhanh chóng phình ra, bao gồm cả những người công nhân sản xuất vũ khí và đạn dược, và cuối cùng, thậm chí, bao gồm cả công nhân nông nghiệp. Mặc dù người ta luôn luôn cho rằng chiến tranh toàn diện là huy động cả xã hội tham gia chiến tranh, công nghiệp hóa, đặc biệt là sau Thế chiến I, đã biến lý tưởng này thành hiện thực. Con số người thương vong thật là khủng khiếp: Trong Thế chiến I, hầu hết các nước tham chiến đều mất từ 4% đến 5% dân số và trong Thế chiến II thiệt hại về nhân mạng đã tăng gấp đôi. Sau Thế chiến II, chiến tranh toàn diện đã trở nên quá tốn kém và ít hiệu quả, để cố ý tham chiến.

Tàn phá và chi phí gia tăng có thể phần nào giải thích lí do vì sao kể từ Thế chiến II, chiến tranh giữa các quốc gia, đặc biệt là các cuộc chiến qui mô lớn giữa các cường quốc, đã ít xảy ra hơn; số lượng các nước tham gia vào những cuộc chiến qui mô lớn đã giảm và thời gian đánh nhau đã không còn dài như trước đây. Những yếu tố làm cho một số nhà chính trị học bàn luận về việc liệu các cuộc chiến tranh toàn diện, cực kỳ tốn kém như Thế chiến I và II có phải là sự kiện của quá khứ.

Ví dụ, John Mueller khẳng định rằng những cuộc chiến đó đã trở thành lỗi thời. Một trong những lí do được ông đưa ra là kí ức về sự tàn phá của Thế chiến II làm cho các siêu cường thỏa mãn với hiện trạng, và nhận thức được rằng bất kì cuộc chiến tranh nào giữa các siêu cường – dù là chiến tranh hạt nhân hay phi hạt nhân – cũng có thể leo thang đến mức trở thành quá tốn kém[3]. Gần đây, các học gia còn nói tới những nguyên nhân khác của hòa bình. Ví dụ, Joshua Goldstein khẳng định rằng chiến tranh giữa các quốc gia (trong đó có chiến tranh toàn diện) ít xảy ra hơn vì Liên Hợp Quốc đã có những hoạt động giữ gìn hòa bình hiệu quả. Robert Jervis thì giải thích rằng đấy là do cộng đồng an ninh, liên kết tư duy xuất phát từ hiểu biết sâu sắc nhất của chủ nghĩa hiện thực (ví dụ, tổ chức NATO) và chủ nghĩa tự do (ví dụ, Liên Hợp Quốc, IMF và GATT). Jervis khẳng định, trong cộng đồng an ninh, bao gồm Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, chiến tranh là điều không thể tưởng tượng nổi[4].  

Chú thích ảnh: Theo quan điểm của Lực lượng Trợ giúp An ninh Quốc tế (Security Assistance Force), cuộc chiến ở Afghanistan là chiến tranh cục bộ. Tuy nhiên, theo quan điểm của Afghanistan, bạo lực là toàn diện và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự hồi sinh, an ninh và phát triển của đất nước trong nhiều thập kỉ tới.

Những người theo phái hiện thực cho rằng cộng đồng an ninh xuất phát từ bá quyền của Mỹ trong lĩnh vực kinh tế và đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. Sau Thế chiến II, Mỹ là nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, và một phần là do tình hình đó, tính trung bình, chi tiêu cho lĩnh vực quân sự của Mỹ lớn hơn chi tiêu cho lĩnh vực này của bảy nước đứng ngay sau Mỹ cộng lại. Về mặt quân sự, Mỹ không có đối thủ. Thế thượng phong của quân đội Mỹ còn được nhân lên gấp nhiều lần nhờ tác dụng của vũ khí hạt nhân và bởi nhận thức thường xuyên rằng cuộc chiến tranh tổng lực, toàn diện sẽ không có người thắng kẻ thua và do đó, phi lí, như Mueller đã nói. Tóm lại, không có Thế chiến III vì Mỹ, cùng với các nước đồng minh, tất cả đều sẵn sàng và có thể sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự nhằm ngăn chặn nó.

Giải thích của những người theo phái tự do gồm hai phần. Thứ nhất, họ cho rằng nếu không có những chính sách kinh tế sai lầm trong những năm 1920, suy thoái kinh tế lan rộng trên toàn cầu trong những năm 1930 - và mảnh đất màu mỡ được tạo ra cho những tư tưởng cực đoan và những nhà lãnh đạo như Benito Mussolini – thì chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra. Nếu không có những hiện tượng đó thì chiến tranh hoặc đã được ngăn chặn hoàn toàn, hoặc ít nhất cũng không xảy ra trên diện rộng. Quan niệm này lí giải vì sao những người theo phái tự do thời hậu chiến nhấn mạnh về sự cởi mở và minh bạch về thương mại, như IMF và GATT (nay là WTO). Thứ hai, họ khẳng định rằng số nước dân chủ liên tục gia tăng, mở rộng khu vực hòa bình của châu Âu ra toàn cầu. Các chế độ dân chủ không chỉ không muốn đánh nhau, mà ảnh hưởng của việc đó còn được tăng cường nếu các nước này phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và nếu họ cùng là thành viên trong các tổ chức quốc tế, như Chương 5 đã giải thích.

Để giải thích hiện tượng chiến tranh giữa các nước và chiến tranh toàn diện sau Thế chiến II đã giảm đi, những người theo thuyết kiến tạo cũng đưa ra một tập hợp các đề xuất có sức thuyết phục không kém. Họ cho rằng sự thay đổi trong các điều kiện vật chất (quyền bá chủ của Mỹ hay sự tương thuộc về kinh tế của Mỹ) không phải là quan trọng, mà sự thay đổi thái độ của từng cá nhân, những người ngày càng “có chung thái độ, niềm tin và đánh giá có lợi cho hòa bình”[5]. Robert Jervis - một người tự coi là theo phái hiện thực đã sử dụng ngày càng nhiều luận cứ của phái kiến tạo trong lý thuyết của mình - giải thích rằng, “khả năng tàn phá của chiến tranh, lợi ích của hòa bình và những thay đổi trong đánh giá tương tác với nhau và củng cố lẫn nhau”[6]. Lời giải thích này cũng là luận cứ của nhà tâm lí học Steven Pinker, được trình bày trong tác phẩm The Better Angels of Our Nature (xem Chương 1). Ông khẳng định rằng các xu hướng củng cố lẫn nhau (quyền lực của quốc gia, nền hòa bình dân chủ, việc trao quyền cho phụ nữ) đã dẫn đến tình hình là không chỉ chiến tranh mà tất cả những vụ bạo hành giữa người với người đã giảm. Như vậy, Janner và Pinker cùng chia sẻ quan điểm của phái kiến tạo, nói rằng các chuẩn mực - như tính chất của nền an ninh và những phương tiện được phép sử dụng để theo đuổi an ninh - thay đổi theo thời gian, tạo ra những nguy hiểm mới và vận hội mới[7].

Khác với chiến tranh toàn diện, các cuộc chiến tranh cục bộ thường bùng phát hoặc diễn ra vì những vấn đề không quan trọng lắm (chí ít là đối với một bên tham chiến), và do đó, thường không lôi kéo tất cả các nguồn lực của quốc gia. Ví dụ, đối với liên minh Áo-Hung, Thế chiến I bắt đầu như chiến tranh cục bộ, mà họ dùng để trừng phạt Serbia vì bị nghi là đã giúp hạ sát Đại công tước Franz Ferdinand. Nhưng, đến cuối tháng 8 năm 1914, cuộc chiến khởi đầu như chiến tranh cục bộ đã leo thang thành chiến tranh toàn diện, kéo theo những mục tiêu đầy tham vọng như chinh phục hoàn toàn các nước thù nghịch (đầu hàng vô điều kiện) và sử dụng tất cả các phương tiện mà quốc gia đang có.

Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) là một ví dụ tuyệt vời về chiến tranh cục bộ. Trong Chiến tranh Triều Tiên, các lực lượng Mỹ và sau đó là lực lượng của Liên Hợp Quốc đã được huy động nhằm ngăn chặn miền Bắc Triều Tiên (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên) công khai xâm lược Nam Hàn. Mục tiêu như thế, theo quan điểm của Liên Hợp Quốc, làm cho cuộc chiến trở thành chiến tranh cục bộ. Tuy nhiên, vì cả hai bên đều có xu hướng coi kết quả hữu hình là biểu hiện của giá trị của hệ tư tưởng của phía mình, cuộc chiến giữa miền Bắc cộng sản và Liên Hợp Quốc không cộng sản có những động lực thúc đẩy mạnh mẽ, có thể leo thang.

Ví dụ, sau thắng lợi vang dội của cuộc đổ bộ của Tướng Douglas MacArthur vào Inchon, quân đội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã sụp đổ, và tàn quân buộc phải rút lui về phía biên giới với nước Cộng hòa Nhân dân Trong Hoa vừa mới được thành lập. MacArthur và nhiều người ở Mỹ cũng như chính phủ Mỹ coi chiến thắng này là cơ hội thống nhất Triều Tiên dưới quyền chính phủ phi cộng sản - mục tiêu với tham vọng lớn hơn hẳn. Vì vậy, khởi đầu, về phía Liên Hợp Quốc, cuộc chiến chỉ nhắm tới những mục tiêu hạn chế đã nhanh chóng leo thang thành cuộc chiến nhằm chinh phục hoàn toàn miền Bắc. Mùa đông năm 1950, Trung Quốc đưa quân can thiệp. Lúc này, cuộc chiến tranh chỉ có thể được coi là “cục bộ” khi so sánh với khả năng thực sự là nó có thể leo thang và lôi kéo cả Liên Xô tham chiến. Tổng thống Mỹ, Harry S. Truman và các cố vấn của ông đã quyết định tìm giải pháp để trở về nguyên trạng như năm 1950. Lãnh đạo Trung Quốc miễn cưỡng đồng ý, làm cho bán đảo Triều Tiên bị phân thành hai miền. Mặc dù Mỹ có vũ khí hạt nhân, có thể đã huy động và triển khai thêm nhiều lực lượng chiến đấu nữa, nhưng sợ leo thang thành cuộc chiến tranh thế giới mới – có thể là chiến tranh hạt nhân - dẫn đến đình chiến, chứ không giành chiến thắng hoàn toàn.

Trong các cuộc chiến tranh cục bộ, vì mục tiêu của chiến tranh tương đối khiêm tốn, các bên tham chiến không sử dụng tất cả các loại vũ khí mà họ có. Trong hai cuộc chiến tranh vừa nói, người ta chỉ sử dụng vũ khí qui ước - xe tăng, bộ binh, máy bay và tên lửa. Vũ khí hạt nhân không bao giờ được triển khai, mặc dù một số nước đã có loại vũ khí này.

Các tranh chấp giữa Ả Rập và Israel từ năm 1973 trở đi là minh họa tốt nhất về chiến tranh cục bộ. Israel tiến hành sáu cuộc chiến nhằm chống lại các lân bang - Ai Cập, Syria, Jordan và Lebanon - và chiến đấu chống lại các cuộc nổi dậy của người Palestine ở Bờ Tây và dải Gaza. Sau Chiến tranh Yom Kippur năm 1973 (theo Ai Cập là cuộc chiến cục bộ, còn theo quan điểm của Israel thì đây là cuộc chiến tranh toàn diện), không nước nào tìm cách tiêu diệt hoàn toàn kẻ thù của mình, và cuộc xung đột trở nên khi nóng, khi lạnh. Cả hai bên đều sử dụng một số kỹ thuật, sẽ được mô tả trong phần sau. Với sức tàn phá ngày càng tăng của vũ khí hiện đại, chiến tranh cục bộ trở thành lựa chọn chung của các quốc gia muốn sử dụng bạo lực nhằm chống lại các quốc gia khác.

Trong khi số cuộc chiến giữa các quốc gia đã và đang giảm nhanh, thì các cuộc chiến tranh cục bộ và đặc biệt là các cuộc nội chiến có tính chất của chiến tranh toàn diện, thì lại không giảm. Từ năm 1846 đến 1918, có khoảng 50 cuộc nội chiến. Ngược lại, trong mười năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc (1990 - 2000), đã có khoảng 195 cuộc nội chiến. Mặc dù từ năm 2000 đến 2015, số lượng các cuộc nội chiến đã giảm một chút, nhưng chúng vẫn chiếm hai phần ba các cuộc xung đột sau Thế chiến II.

Các cuộc nội chiến có một số đặc điểm chung. Nội chiến thường kéo dài rất lâu, thậm chí hàng chục năm, với những giai đoạn đánh nhau, xen kẽ những giai đoạn tương đối bình lặng. Trong khi mục tiêu dường như tương đối có giới hạn – tính theo các tiêu chuẩn của chiến tranh giữa các nước lớn – li khai, quyền tự trị của một nhóm người – thiệt hại về nhân mạng thường rất cao vì đấy là tranh giành giữa chính phủ đương quyền và những người nổi dậy, được coi là “được làm vua, thua làm giặc”. Cả binh sĩ lẫn và thường dân đều có thể bị giết và bị thương; cung cấp lương thực, thực phẩm bị gián đoạn; bệnh tật lây lan vì hệ thống y tế bị thiệt hại; tiền không được đầu tư cho phát triển kinh tế mang tính xây dựng mà được sử dụng để mua vũ khí; và nhiều thế hệ lớn lên chỉ biết có chiến tranh.

Hầu hết các cuộc nội chiến toàn diện hiện đang diễn ra ở châu Phi. Cuộc chiến tranh giữa hai khu vực (Ogaden và Eritrea) của Ethiopia, cũng như các cuộc nội chiến giữa miền Bắc và miền Nam ở cả Sudan lẫn Chad đều kéo dài hàng chục năm. Tương tự, Liberia và Sierra Leone cũng xảy ra nội chiến, ở đây các phe phái, các nhóm du kích, các nhóm bán quân s và lính đánh thuê đã đánh nhau để giành quyền kiểm soát. Cộng hòa Dân chủ Congo là ví dụ khác về một cuộc nội chiến, nhưng đã bị quốc tế hóa. Năm 1996, dân chúng trong nước nổi lên chống lại nhà độc tài Mobutu Sese Seko, đã cầm quyền trong thời gian dài. Ngay lập tức, cả Uganda lẫn Rwanda đều ủng hộ cuộc nổi dậy, nhưng Rwanda còn quan tâm đến việc tiêu diệt các dân quân người Hutu trốn chạy khỏi Rwanda trong cuộc diệt chủng năm 1994. Sau khi Mobutu bị lật đổ và được một nhà lãnh đạo mới, Laurent Kabila, thay thế; thì hai năm sau lại nổ ra cuộc chiến tranh rộng lớn hơn. Các nhà lãnh đạo đầy quyền lực và các nhóm sắc tộc Congo, được Rwanda và Uganda ủng hộ, đứng lên chống lại chính phủ mới. Angola và Zimbabwe cũng như Chad và Eritrea ủng hộ chính phủ Kabila. Từ năm 1998 đến 2012 - bất chấp những nỗ lực của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - hơn 5 triệu người đã bị giết.

Trong hầu hết những trường hợp này, các cuộc nội chiến trở thành khốc liệt vì người ta có trong tay những loại vũ khí nhỏ, binh lính trẻ em được tuyển mộ và được những kẻ buôn lậu ma túy, kim cương và dầu mỏ tài trợ. Trong tất cả các trường hợp này, các vụ vi phạm nhân quyền và khủng hoảng nhân đạo đã lôi cuốn được sự chú ý của truyền thông, nhưng hầu như không thu hút được cam kết chính trị hay nguồn lực tài chính của cộng đồng quốc tế.

Nguyên nhân gây ra chiến tranh

Trong những tác phẩm phân tích về bất kỳ cuộc chiến nào - Việt Nam, Angola, Campuchia, Thế chiến II, hay Chiến tranh Pháp-Phổ, đấy chỉ là vài ví dụ - chúng ta đều sẽ thấy nhiều nguyên nhân làm cho bạo lực bùng phát. Nhiều giải thích đến mức có thể làm người ta choáng ngợp. Làm sao nghiên cứu được nguyên nhân của chiến tranh một cách có hệ thống, trong khi mỗi cuộc chiến tranh lại có những nguyên nhân khác nhau? Nhằm xác định các khuôn mẫu và biến số có thể giải thích không chỉ một cuộc chiến mà là giải thích chiến tranh nói chung, các học giả về quan hệ quốc tế cho rằng cần xem xét nguyên nhân chiến tranh ở ba cấp phân tích mà Kenneth Waltz đưa ra trong tác phẩm Con người, nhà nước và chiến tranh (Man, the State and War[8]) – cá nhân, nhà nước, và hệ thống quốc tế.

Cá nhân: Giải thích của phái hiện thực và phái tự do

Người ta cho rằng đặc điểm của các lãnh đạo cá nhân và đặc tính chung của mọi người (đã thảo luận trong Chương 6) đều là nguyên nhân gây ra chiến tranh. Một số nhà lãnh đạo là những người hung hăng và hiếu chiến; họ sử dụng địa vị lãnh đạo của mình nhằm thúc đẩy sự nghiệp mà họ ủng hộ. Những người khác có thể, về bản chất, là những người không thích đối đầu, có lẽ tìm cách lảng tránh những cam kết có thể ngăn chặn thói hung hăng, làm gia tăng khả năng xảy ra chiến tranh. Như vậy, một số người theo trường phái hiện thực và tự do cho rằng, chiến tranh xảy ra là do đặc điểm cá nhân của các nhà lãnh đạo chính. Tuy nhiên, không thể chứng minh được tính đúng đắn phổ quát của quan điểm này. Những cuộc chiến trong quá khứ có xảy ra, nếu có những nhà lãnh đạo khác - những người yêu chuộng hòa bình hơn – cầm quyền? Còn những cuộc chiến tranh suýt nữa đã xảy ra, nhưng không xảy ra, vì một nhà lãnh đạo được dân chúng yêu mến can thiệp? Như chúng ta có thể thấy, khó có thể khái quát hóa ảnh hưởng của của các nhà lãnh đạo đối với chiến tranh. Chúng ta có thể tìm được một số cuộc chiến tranh, trong đó các cá nhân đóng vai trò cc kì quan trọng, nhưng nếu chúng ta tìm lời giải thích mang tính phổ quát – lời giải thích làm kim chỉ nam cho chúng ta vượt qua những giai đoạn khác nhau hay những nền văn hóa khác nhau – thì những lời giải thích dựa trên đặc điểm cá nhân hoặc bản chất con người sẽ là không đủ.

Nếu những khiếm khuyết bẩm sinh trong tính cách của các cá nhân không phải là nguyên nhân gây ra chiến tranh, thì có khả năng là những người lãnh đạo, tương tự như tất cả những người khác, có những quan niệm sai lầm có thể dẫn đến chiến tranh? Những người theo phái tự do cho rằng, những sai lầm mà các nhà lãnh đạo mắc phải - thấy thái độ hung hăng nhưng thực ra là những người kia không ý như vậy, việc quy kết hành động của một người cho một nhóm người - có thể làm cho chiến tranh bùng nổ. Khác với các đặc điểm cá nhân như khả năng thu hút quần chúng hoặc có quan điểm cực đoan, chúng ta có thể khái quát hóa rằng người ta rất dễ hiểu lầm. Một số kiểu hiểu lầm có thể dẫn tới chiến tranh. Một trong những hiểu lầm phổ biến nhất là phóng đại lòng hận thù của đối thủ, tin rằng đối th có thái độ thù địch hơn là thực tế hoặc đối thủ có sức mạnh quân sự hoặc kinh tế lớn hơn thực tế. Xu hướng này có thể dẫn đến kết quả là nhà nước tăng cường lực lượng vũ trang của mình hoặc tìm kiếm các đồng minh mới, đến lượt nó, kẻ thù thực sự hoặc tiềm tàng của nước này có thể coi đấy là hành động thù địch. Do đó, những hiểu lầm như thế tiếp tục gia tăng, dẫn đến các cuộc chạy đua vũ trang tốn kém, dẫn đến những liên minh mới và có khả năng gây ra chiến tranh. Những sự kiện dẫn đến Thế chiến I thường được người ta coi là một vòng xoáy xung đột.

Ngoài đặc điểm của các nhà lãnh đạo cá nhân, có lẽ một số yếu tố liên quan tới quần chúng có thể làm cho chiến tranh bùng nổ. Một số nhà tư tưởng theo phái hiện thực, ví dụ, Thánh Augustine và Reinhold Niebuhr, là những người theo quan điểm này. Augustine viết rằng, về phần cá nhân, tất cả mọi hành động đều là hành động tự bảo vệ. Đối với Niebuhr, liên kết còn đi xa hơn nữa; nguồn gốc của chiến tranh nằm trong tâm hồn (psyche) của con người[9]. Cách tiếp cận này tương thích với cách tiếp cận của các nhà xã hội học chuyên nghiên cứu hành vi của động vật. Hầu như tất cả các loài đều có khả năng sử dụng bạo lực để đảm bảo rằng mình sẽ sống sót; nó là bẩm sinh, về mặt sinh học. Tuy nhiên, con người là loài phức tạp hơn hẳn những loài động vật khác. Nếu đúng, những giả định này dẫn đến hai đánh giá có thể thay thế cho nhau. Đối với những người bi quan, nếu chiến tranh là sản phẩm của đặc tính bẩm sinh của con người hoặc là bản chất con người, thì chiến tranh là không thể tránh được. Còn những người lạc quan cho rằng ngay cả nếu chiến tranh hay thái độ gây hấn là bẩm sinh thì hi vọng duy nhất trong việc loại bỏ chiến tranh là chuyển hóa các thiết chế xã hội, làm cho con người hòa nhập vào xã hoặc giáo dục nhằm đưa các cá nhân thoát khỏi xu hướng phá hoại.

Tất nhiên, chiến tranh không diễn ra liên tục; chiến tranh là sự kiện bất thường. Do đó, đặc điểm vốn có trong tất cả mọi người không thể là nguyên nhân duy nhất gây ra chiến tranh. Thực ra, cũng không thể giải thích rằng bản chất con người đã thay đổi một cách căn bản, vì chiến tranh vẫn xảy ra. Hầu hết các thí nghiệm nhằm thay đổi hành vi của con người đều thất bại thảm hại, và không có bằng chứng rõ ràng nào chứng tỏ những thái độ cơ bản của con người ảnh hưởng đến tình trạng mất an ninh, lòng tham, hung hăng và bản sắc đã thay đổi đến mức đủ để ngăn chặn chiến tranh.

Do đó, rõ ràng là có thể áp dụng cấp độ phân tích cá nhân cho một số cuộc chiến tranh, nhưng không thể coi là nguyên nhân chính gây ra chiến tranh nói chung. Nói cho cùng, cá nhân không thể gây ra chiến tranh. Chỉ có các nhóm tác nhân trên chính trường (phe cánh, bộ lạc, quốc gia, tổ chức, nhà nước và liên minh) mới gây ra chiến tranh.

Nhà nước và xã hội: Giải thích của phái phái tự do và phái cấp tiến

Cấp phân tích thứ hai cho rằng chiến tranh xảy ra là do tính chất nội tại của các quốc gia. Các quốc gia khác nhau về quy mô, địa lí, tính đồng nhất về sắc tộc, hình thức kinh tế và chính phủ. Vấn đề là làm sao tính chất của các quốc gia khác nhau lại có ảnh hưởng đến khả năng xảy ra chiến tranh? Có phải một số tính chất của nhà nước có nhiều khả năng dẫn tới chiến tranh hơn là những tính chất khác?

Nhà nước và xã hội là nguyên nhân gây ra chiến tranh là một trong những giải thích lâu đời nhất. Ví dụ, Plato khẳng định rằng chiến tranh ít có khả năng xảy ra trong những nước mà người dân gắn bó với nhau và được hưởng mức độ thịnh vượng vừa phải. Vì nhân dân có khả năng ngăn chặn cuộc tấn công, nên kẻ thù phải kiềm chế, không dám tấn công. Nhiều nhà tư tưởng thời Khai sáng, trong đó có Immanuel Kant, tin rằng chiến tranh có nhiều khả năng xảy ra ở các quốc gia do giới quý tộc cai trị.

Dựa trên quan điểm của Kant, những người theo phái tự do cho rằng các chế độ cộng hòa (các chế độ có chính phủ đại diện và phân chia quyền lực) ít có khả năng đánh nhau hơn; đó là quan điểm căn bản của lý thuyết về hòa bình dân chủ, được bàn trong Chương 5. Các nhà lãnh đạo dân chủ nghe thấy nhiều tiếng nói khác nhau, trong đó có tiếng nói của công chúng, có xu hướng kiềm chế những người ban hành quyết định, làm giảm khả năng hiểu lầm và do đó, làm giảm xác suất xảy ra chiến tranh. Những nhà lãnh đạo dân chủ còn tạo điều kiện cho những công dân bất mãn cơ hội giải quyết những bất mãn này bằng các biện pháp phi bạo lực. Cơ hội giải quyết phi bạo lực lại góp phần củng cố ổn định và thịnh vượng. Những công dân bình thường có thể do dự trong việc ủng hộ chiến tranh vì chính họ sẽ phải gánh chịu thiệt hại do chiến tranh gây ra – chết (nếu là binh sĩ), bạn bè và người thân chết và phải đóng thêm thuế. Do đó, xác suất để các quốc gia dân chủ gây chiến với nhau là đặc biệt thấp, vì công dân quốc gia này có thể tin rằng công dân quốc gia kia, tương tự như mình, cũng không thích chiến tranh. Những người theo phái tự do cho rằng, thái độ như thế làm dịu bớt mối đe dọa từ phía đối thủ là chế độ dân chủ, thậm chí ngay cả khi đấy là đối thủ mạnh hơn. Nhưng theo logic này, hệ quả tất yếu sau đây cũng đúng: Công dân trong các quốc gia dân chủ có xu hướng thổi phồng đe dọa từ các quốc gia phi dân chủ, tức là những quốc gia mà chính phủ ít bị ý chí của công chúng ràng buộc, ngay cả khi các quốc gia đó dường như có khả năng chiến đấu và chiến thắng thấp hơn. Nói một cách tổng quát hơn, các chế độ dân chủ chỉ thỉnh thoảng mới tham chiến và chỉ khi công chúng và các nhà lãnh đạo dân cử của họ thấy cần phải bảo đảm an ninh.

Những nguyên lí khác của chủ nghĩa tự do nói rằng một số hệ thống kinh tế dễ bị lôi kéo vào chiến tranh hơn các hệ thống khác. Các quốc gia tự do có khả năng là các quốc gia mà công dân tương đối giàu có. Những xã hội như thế không cảm thấy cần phải hướng sự chú ý của quần chúng đang bất mãn vào cuộc xung đột ở bên ngoài; quần chúng giàu có thường hài lòng với hiện trạng. Và ngay cả khi họ đang bất mãn, các nền kinh tế tự do có đặc điểm là có khả năng thúc đẩy sự vận động về kinh tế (và xã hội): Trong quốc gia tự do, ngay cả người nghèo nhất, một ngày nào đó, cũng có thể trở thành một trong những người giàu nhất. Những người theo phái tự do khẳng định rằng những xung đột như thế có thể được hạn chế bằng cách thay đổi các điều kiện thương mại, hoặc bằng những nhượng bộ khác mà không cần chiến tranh. Hơn nữa, chiến tranh làm cho giao thương bị gián đoạn, chặn đứng các nguồn lợi và gây ra lạm phát. Do đó, các nước tư bản tự do có nhiều khả năng tránh được chiến tranh và thúc đẩy hòa bình.

Nhưng không phải tất cả các lí thuyết gia đều coi nhà nước tự do là nhân từ và yêu chưng hòa bình. Thật vậy, các lí thuyết gia cấp tiến là những người phê phán triệt để nhất chủ nghĩa tự do và nền kinh tế tư bản chủ nghĩa của nó. Họ cho rằng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chắc chắn sẽ dẫn đến cạnh tranh giành độc quyền kinh tế và quyền lãnh đạo chính trị giữa hai giai cấp xã hội lớn trong nước - giai cấp tư sản (các tầng lớp trung lưu) và vô sản (công nhân). Cuộc đấu tranh này sẽ dẫn tới xung đột, cả bên trong lẫn bên ngoài, vì nhà nước, trong đó giai cấp tư sản thâm căn cố đế giữ thế thượng phong, chỉ có động cơ là thúc đẩy chủ nghĩa tư bản và bảo vệ giai cấp tư sản về mặt kinh tế, trong khi giai cấp vô sản phải trả giá.

Quan điểm này gán xung đột và chiến tranh cho động lực nội tại của các hệ thống kinh tế tư bản: Đình đốn và sụp đổ một cách từ từ nếu không có những kích thích từ bên ngoài. Có ba cách giải thích vì sao các hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa phải hướng ra bên ngoài. Thứ nhất, nhà kinh tế học người Anh, John A. Hobson, tuyên bố rằng nhu cầu về hàng hóa trong các nước tư bản giảm dần, dẫn đến áp lực bành trướng nhằm tìm kiếm thị trường bên ngoài để duy trì tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, theo Lenin và các nhà Marxist khác, vấn đề không phải là cầu thấp mà là tỉ suất lợi nhuận trên vốn giảm. Nhà nước tư bản bành trướng ra bên ngoài để tìm kiếm thị trường mới; các thị trường đang mở rộng gia tăng tỉ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư. Thứ ba, Lenin và nhiều người theo phái cấp tiến trong thế kỉ XX nhấn mạnh nhu cầu về nguyên liệu thô để duy trì tăng trưởng; các quốc gia cần các nhà cung cấp ở bên ngoài thì mới có những nguồn lực đó. Vì vậy, theo quan điểm của phái cấp tiến, nhà nước tư bản chắc chắn phải bành trướng, nhưng họ không đồng ý với nhau chính xác là vì sao bành trướng lại diễn ra.

Mặc dù những diễn giải của phái cấp tiến có thể giúp giải thích chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, liên hệ với chiến tranh tỏ ra không thuyết phục. Mắt xích có thể là các nhà nước tư bản không chỉ chi cho hàng tiêu dùng mà còn cho lực lượng vũ trang, dẫn đến chạy đua vũ trang và cuối cùng là chiến tranh. Một mắt xích khác nhấn mạnh sự kiện là các nhà lãnh đạo dùng xung đột bên ngoài để chuyển hướng sự chú ý của quần chúng ra khỏi các cuộc khủng hoảng kinh tế, tham nhũng hoặc những vụ bê bối khác ở trong nước. Cuộc xung đột như thế được gọi là chiến tranh nhằm đánh lạc hướng (diversionary war) và có khả năng tạo ra sự gắn bó ở trong nước, chí ít là trong ngắn hạn. Ví dụ, bằng chứng tương đối rõ ràng ủng hộ cho quan điểm này là quân đội Argentina đã dùng cuộc xung đột trên Quần đảo Falkland/Malvinas, năm 1982, nhằm tập hợp dân chúng xung quanh giới lãnh đạo và làm cho dân chúng không chú ý tới vụ suy thoái kinh tế ở trong nước. Vẫn còn một mắt xích khác, cho rằng quần chúng có thể đẩy tầng lớp cầm quyền tiến tới chiến tranh. Quan điểm này rõ ràng là mâu thuẫn với niềm tin của phái tự do: Quần chúng về cơ bản là yêu hòa bình. Những người theo quan điểm này chỉ vào cuộc Chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha năm 1898 như là ví dụ, trong đó công chúng Mỹ, được hỗ trợ hoặc bị kích động bởi các báo cáo giả tạo trên các phương tiện truyền thông đại chúng mới xuất hiện trong giai đoạn đó, đã buộc chính quyền McKinley còn đang lưỡng lự thực hiện những hành động có tính gây hấn. Và nhiều người ở Mỹ đã thấy mối liên hệ ba chiều rõ ràng giữa các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, đấy là ủng các cuộc tấn công của chính quyền Taliban ở Afghanistan, của chính quyền Saddam Hussein ở Iraq. Kết quả là, hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq – cuộc chiến tranh thứ nhất, khởi đầu vào tháng 10 năm 2001, gọi là Chiến dịch Tự do Bền vững; và cuộc chiến tranh thứ hai, khởi đầu vào tháng 3 năm 2003, gọi là Chiến dịch Tự do cho Iraq (Iraqi Freedom) – được dân chúng khắp nơi ủng hộ ngay từ đầu.

Những người cho rằng các cuộc tranh luận về bản chất của một chính phủ quốc gia là nguyên nhân chính của chiến tranh đưa ra cách giải thích khác về sự bùng nổ của một số cuộc chiến tranh. Nhiều cuộc nội chiến là cuộc chiến đấu để những nhóm người nào, ý thức hệ nào và các nhà lãnh đạo nào nên nắm quyền kiểm soát chính phủ quốc gia. Cuộc nội chiến ở Mỹ (1861 - 1865) giữa miền Bắc và miền Nam; cuộc nội chiến ở Nga (1917-1919) giữa các lực lượng tự do và xã hội chủ nghĩa; cuộc nội chiến ở Trung Quốc (1927-1949) giữa các lực lượng quốc gia và cộng sản; và các cuộc nội chiến ở Việt Nam, Triều Tiên, Sudan và Chad - đều là miền Bắc chống lại miền Nam - là những minh họa nổi bật. Trong nhiều trường hợp vừa kể, cuộc đấu tranh giữa các hệ thống kinh tế cạnh tranh với nhau và giữa các nhóm người tranh giành nguồn lực khan hiếm trong một nước minh họa thêm cho ý kiến cho rằng cơ chế vận động bên trong quốc gia là nguyên nhân làm cho chiến tranh bùng phát. Cuộc Nội chiến ở Mỹ xảy ra không chỉ vì chế độ nô lệ và vấn đề khu vực nào có quyền kiểm soát chính sách, mà còn vì người miền Nam cho rằng chính phủ thiên vị và không công bằng trong phân bổ tài nguyên kinh tế. Cuộc nội chiến ở Trung Quốc là cuộc đọ sức giữa tầng lớp địa chủ giàu có ủng hộ sự nghiệp của phong trào dân tộc chủ nghĩa chống lại tầng lớp nông dân bị bóc lột đang đấu tranh, thường là không thành công, để tồn tại. Cuộc nội chiến khi bùng lên, lúc dịu xuống ở Sudan là cuộc đọ sức của miền Nam bị đè nén về kinh tế chống lại chính phủ miền Bắc thường xuyên rót các nguồn lực kinh tế vào khu vực thủ đô.

Tuy nhiên, trong hầu như tất cả các trường hợp vừa nói, cả đặc điểm của nhà nước lẫn cơ cấu của nhà nước đều không giải thích thấu đáo nguyên nhân của chiến tranh và hòa bình. Đó là lý do vì sao các những người theo phái tân hiện thực như Kenneth N. Waltz lại khẳng định rằng chúng ta cần tìm kiếm lời giải thích ở cấp hệ thống quốc tế.

Hệ thống quốc tế: Giải thích của phái hiện thực và phái cấp tiến

Nếu có một vấn đề hay luận cứ quan trọng nhất làm cho những người theo phái hiện thực khác biệt hẳn với những người theo phái tự do và cấp tiến phê phán họ, thì đấy là những người theo phái hiện thực cho rằng chiến tranh là hiện tượng tự nhiên, và do đó là đặc điểm không thể tránh khỏi của nền chính trị thế giới. Chiến tranh cũng bi thảm và không thể ngăn chặn được, như bão lụt và động đất. Để thúc đẩy lập luận này, những người theo phái hiện thực đương đại có xu hướng tập trung vào cách mô tả duy nhất, nói rằng hệ thống quốc tế là vô chính phủ. Hệ thống vô chính phủ như thế thường được ví với “trạng thái tự nhiên”, theo cách trình bày của nhà triết học Thomas Hobbes, trong đó, con người sống trong trạng thái không có chính quyền được mọi người công nhận và do đó, phải tự lo cho sự an toàn của chính mình. Trong tác phẩm Leviathan nổi tiếng nhất của mình, Hobbes khẳng định rằng khi người ta sống mà không có sức mạnh của cộng đồng đủ sức làm mọi người khiếp sợ, thì người ta luôn luôn sống trong tình trạng chiến tranh: “Tất cả mọi người đều chống lại nhau”. Tình trạng này làm cho người ta luôn luôn cảm thấy bất an và sợ hãi. Mở rộng ra, vì các quốc gia trong hệ thống quốc tế không công nhận bất kì cơ quan quyền lực nào đứng trên họ, cho nên hệ thống quốc tế này tương tự như tình trạng chiến tranh và mô tả của Hobbes về tình trạng đó thể hiện tốt nhất quan điểm của phái hiện thực. Chiến tranh, Hobbes viết tiếp, không phải là một trận đánh hay tình trạng liên tục đánh nhau. Mà đó là bất kỳ khoảng thời gian nào cũng có thể xảy ra chiến tranh. Hobbes so sánh tình huống này với quan hệ giữa khí hậu và thời tiết: Có thể không phải ngày nào cũng mưa, nhưng ở một số khu vực khí hậu, mưa nhiều hơn hẳn so với những nơi khác. Về cơ bản, Hobbes kết luận, chừng nào không có một người đàn ông mạnh mẽ duy nhất (hoặc nhà nước), mạnh hơn tất cả những người khác cộng lại, thì dân chúng sẽ bị buộc phải sống trong tình trạng chiến tranh[10].

Như vậy, những người theo phái hiện thực cho rằng, trong hệ thống quốc tế, chiến tranh bùng phát vì không có gì đủ sức ngăn chặn nó. Còn tình trạng vô chính phủ thì còn chiến tranh. Trong hệ thống như thế, chiến tranh thậm chí có thể là đường lối hành động tốt nhất mà một quốc gia nhất định có thể làm. Nói cho cùng, các quốc gia phải tự bảo vệ mình. Chỉ có sức mạnh kinh tế và quân sự đang được tích lũy mới bảo đảm được nền an ninh quốc gia. Nhưng quá trình tích lũy của nước này lại làm cho các nước khác không còn an toàn như cũ, đấy là logic của nan đề an ninh.

Hệ thống vô chính phủ có thể có một vài quy tắc giải quyết những đòi hỏi trái ngược nhau giữa các quốc gia. Một trong những đòi hỏi trái ngược nhau là yêu sách về lãnh thổ. Trong gần như toàn bộ thế kỉ XX, tranh chấp Ả Rập-Israel là những yêu sách về lãnh thổ trái ngược nhau đối với vùng lãnh thổ Palestine; ở vùng Sừng châu Phi, nguyện vọng về lãnh thổ của người Somalia vẫn còn nằm trong vòng tranh chấp; ở khu vực Andes, Ecuador và Peru có những yêu sách lãnh thổ trái ngược nhau; còn ở Biển Đông, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và Việt Nam đang vật lộn với những yêu sách trái ngược nhau về chủ quyền trên các hòn đảo ở ngoài khơi, ví dụ quần đảo Trường Sa. Giải thích ở cấp quốc tế cho rằng, những tranh chấp này có xu hướng leo thang thành bạo lực vì không có trọng tài chính danh và đủ sức giải quyết những yêu sách đó. John Mearsheimer gọi đó là “vấn đề của 911 – không có chính quyền trung ương, để quốc gia bị đe dọa có thể quay sang nhờ giúp đỡ”[11].

Cũng không có trọng tài đủ sức giải quyết các yêu sách mâu thuẫn nhau về quyền tự quyết. Ai quyết định yêu sách của Tây Tạng, Chechnya, Catalonnia hay Québec về quyền tự quyết là những yêu sách hợp pháp hay là không? Ai quyết định những tuyên bố của người Kurd chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq là đáng được xem xét hay không cần xem xét? Không có trọng tài chính danh trên bình diện quốc tế, uy quyền được đưa trở lại cho các quốc gia, và những quốc gia quyền lực nhất thường trở thành các trọng tài vụ lợi, có tiếng nói quyết định.

Ngoài ra, một vài luận cứ khác của phái hiện thực qui chiến tranh cho những khía cạnh khác của tính chất vô chính phủ của hệ thống quốc tế. Một lí giải về chiến tranh ở cấp hệ thống, được trình bày trong công trình của Kenneth Organski, gọi là lí thuyết dịch chuyển quyền lực. Đối với Organski và những học trò của ông này, không chỉ sức mạnh vật chất chênh lệch nhau, mà kì vọng vào sự thay đổi trong cán cân quyền lực giữa các quốc gia cũng là động cơ thúc đẩy các nước gây chiến với nhau. Chiến tranh xảy ra vì nhiều quyền lực hơn cũng có nghĩa là nhiều hi vọng hơn về ảnh hưởng, của cải và an ninh. Do đó, dịch chuyển quyền lực có thể gây ra chiến tranh theo một trong hai mô thức. Trong mô thức một, bên thách thức có thể phát động chiến tranh nhằm củng cố vị thế của mình: theo một số lí thuyết gia dịch chuyển quyền lực, Chiến tranh Pháp-Phổ (1870 - 1871), Chiến tranh Nga-Nhật (1904 - 1905) và hai cuộc chiến tranh thế giới ( 1914 - 1918 và 1939-1945), đều theo mô hình này[12]. Trong mô thức thứ hai, nước bá quyền có thể tung ra cuộc chiến phòng ngừa nhằm buộc quốc gia thách thức đang trỗi dậy phải khuất phục. Một số người khẳng định rằng áp lực quốc tế hiện nay đối với Iran nhằm ngăn chặn, không cho nước này phát triển hạt nhân là theo mô thức này. Về mặt lí thuyết, dù theo mô thức nào thì dịch chuyển quyền lực làm gia tăng khả năng xảy ra chiến tranh.

Một biến thể xuất phát từ lí thuyết dịch chuyển quyền lực: Tốc độ phát triển kinh tế không đồng đều là nguyên nhân gây ra chiến tranh. George Modelki và William R. Thompson phát hiện được rằng, từ năm 1494 thường xuyên diễn ra các chu kì dịch chuyển quyền lực. Họ thấy các chu kì giữa các cuộc chiến tranh bá quyền – làm thay đổi một cách căn bản cơ cấu của hệ thống quốc tế - là 100 năm. Chiến tranh bá quyền tạo ra cường quốc bá quyền mới; quyn lực của nó thịnh rồi suy, thế là lại có đấu tranh, và quốc gia bá quyền mới giành được thế thượng phong. Chu kỳ lặp lại một lần nữa[13].

Những người theo phái cấp tiến cũng tin rằng cơ cấu của hệ thống quốc tế gây rachiến tranh. Các nước tư bản chủ nghĩa giữ thế thượng phong trong hệ thống quốc tế cần phải bành trướng về kinh tế, họ gây chiến với những khu vực đang phát triển nhằm kiểm soát tài nguyên thiên nhiên và thị trường lao động, hoặc gây chiến với các nước tư bản khác nhằm giành quyền kiểm soát các khu vực đang phát triển. Theo những người cấp tiến, động lực của quá trình bành trướng, gắn chặt với hệ thống tư bản quốc tế là nguyên nhân chính gây ra các cuộc chiến tranh.

Tuy nhiên, việc những người theo phái hiện thực và phái cấp tiến tin vào một cấp giải thích có thể là quá đơn giản. Vì khuôn khổ của hệ thống quốc tế lúc nào cũng có, muốn giải thích vì sao xảy ra chiến tranh xảy ra tại thời điểm này chứ không xảy ra tại thời điểm khác, chúng ta cũng cần xem xét những cấp phân tích khác[14]. Trên thực tế, phần lớn các cuộc chiến tranh là do tương tác của nhiều tác nhân, trên những cấp phân tích khác nhau (Bảng 8.1.)

Bảng 8.1                                                                   Nguyên nhân gây ra chiến tranh

Cấp phân tích

Nguyên nhân

Cá nhân (Hình ảnh thứ nhất)

Lãnh đạo hung hăng, lãnh đạo hiểu sai, bản chất của con người

Nhà nước (Hình ảnh thứ hai)

Nhà nước tư bản – theo phái cấp tiến; Nhà nước phi tự do/độc đoán – theo phái tự do; Nền chính trị trong nước, dê tế thần; Cuộc đấu tranh giữa các nhóm người nhằm giành quyền kiểm soát nguồn lực kinh tế, thách thức của các nhóm sắc tộc

Hệ thống quốc tế

(Hình ảnh thứ ba)

Vô chính phủ (tự lực cánh sinh); Dịch chuyển quyền lực (quốc gia thách thức vươn lên hay siêu cường đang suy tàn); Thái độ hung hăng của giai cấp tư sản thế giới (Chủ nghĩa đế quốc)

 Chiến tranh được tiến hành như thế nào

Cùng với các mục tiêu của chiến tranh, chất lượng và số lượng các nguồn lực mà các quốc gia và các chủ thể khác sử dụng nhằm giành chiến thắng, các lí thuyết gia về quan hệ quốc tế còn khẳng định rằng có những khác biệt quan trọng trong cách thức tiến hành chiến tranh. Một trong những khác biệt quan trọng là chiến tranh qui ước hay phi qui ước. Như chính các thuật ngữ đã cho thấy, chiến tranh là qui ước hay phi qui ước phụ thuộc rất nhiều vào các tiêu chuẩn: Năm 200 trước Công nguyên điều được coi là bình thường thì hiện nay có thể bị coi là bất thường. Trong chương này, chúng tôi giới thiệu những cách hiểu đương đại – được nhiều người chia sẻ - về chiến tranh qui ước và phi qui ước.

Chiến tranh qui ước

Trong phần lớn lịch sử loài người, chiến tranh là do những người - gần như hoàn toàn là đàn ông - được lựa chọn, huấn luyện và được trao quyền đặc biệt trong việc tấn công hoặc phòng thủ nhằm chống lại những người cũng làm nhiệm vụ như thế trong các cộng đồng chính trị khác. Hầu như tất cả các xã hội cũng đều cho rằng không được tấn công, ít nhất là giết một số nhóm người. Vũ khí tiến hành chiến tranh thể hiện những hạn chế này. Vũ khí được người ta chọn bao gồm kiếm và khiên, cung tên, súng và đại bác; rồi bộ binh và xe bọc thép; hải quân đi trên những con tàu chuyên dụng; và không quân với máy bay có cánh cố định. Đây là những vũ khí được sử dụng nhằm đánh bại kẻ thù trên chiến trường. Tính chất quan trọng của vũ khí qui ước là sức tàn phá của chúng có thể bị giới hạn trong không gian và thời gian đối với những người được coi là mục tiêu chính đáng của chiến tranh. Các cuộc chiến tranh qui ước là thắng hoặc thua khi các chiến binh của một nhóm, hoặc những người lãnh đạo của họ, thừa nhận thất bại sau khi đụng độ vũ trang đã xảy ra.

Hai cuộc chiến tranh thế giới đã thách thức sự thịnh hành của chiến tranh qui ước theo ba cách khác nhau. Trong Thế chiến I, lần đầu tiên người ta đã sử dụng vũ khí hóa học với qui mô lớn trên chiến trường. Gần thị trấn Flemish (Bỉ), năm 1915, quân Đức đã tung ra 168 tấn khí chlorine để tấn công các vị trí của quân Pháp. Chỉ trong vài phút đã có hơn 6.000 binh sĩ Pháp thiệt mạng vì gió mang khí độc lan ra khắp trận địa và vào các chiến hào. Nhưng quân Đức không thể vượt qua được khoảng cách bốn dặm vừa được mở ra sau cuộc tấn công bằng khí độc trên chiến tuyến của quân Pháp. Nhiều binh sĩ Đức bị thương hoặc chết trong quá trình phun khí độc hoặc di chuyển qua khu vực vẫn còn khí độc và họ không thể lợi dụng được những lợi thế tạm thời vừa giành được. Ngoài ra, rõ ràng là khó có thể giới hạn ảnh hưởng của những vũ khí này trong khuôn khổ của trận đánh. Hóa chất ngấm vào đất và nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp suốt nhiều tháng sau đó. Sau chiến tranh, cả bên thắng lẫn bên bại trận đều đã kí Nghị định thư Geneva (Geneva Protocol), trong đó, việc sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh đã bị đưa ra ngoài vòng pháp luật.

Thế chiến II đưa thêm hai thách thức đối với việc sử dụng vũ khí qui ước. Thứ nhất, xuất hiện máy bay ném bom chiến lược, dẫn đến cả khả năng làm cho nhiều người không làm nhiệm vụ chiến đấu bị thiệt hại và xem xét lại, trên thực tế, ai hay cái gì là “tác nhân chiến đấu”. Trước chiến tranh, có một qui tắc đơn giản là không được làm cho thường dân bị tổn hại một cách có chủ ý. Nhưng các bên tham chiến có những hạm đội lớn, có xe bọc thép và máy bay, tất cả đều cần những nguồn cung cấp thường xuyên. Dân thường, những người chế tạo và cung cấp những phương tiện chiến tranh to lớn này cũng phải được bảo vệ? Còn nông dân nuôi binh sĩ, phi công và thủy thủ thì sao? Khi chiến tranh trở thành khốc liệt, ranh giới giữa những người được bảo vệ, các bên tham chiến không được làm tổn hại một cách có chủ ý và những người có thể trở thành mục tiêu đã không còn. Đến cuối cuộc chiến, cả hai bên đều tiến hành những vụ không kích ồ ạt, cố tình nhắm vào thường dân. Tháng 3 năm 1945, ngay trước khi các vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, tháng 8, các máy bay ném bom của Lực lượng Không quân thứ Tám của Mỹ ném xuống thủ đô Nhật Bản, Tokyo, những quả bom gây cháy. Hỏa hoạn trong một cuộc không kích đã giết chết hơn 100.000 người Nhật, mà hầu hết đều là thường dân. Thế chiến II đẩy nhanh quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân.

Vũ khí giết người hàng loạt

Việc thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, năm 1945, không có ảnh hưởng mạnh mẽ và ngay lập tức tới khả năng chiến đấu. Ở một mức độ nào đó, các phương tiện chiến tranh qui ước có khả năng tàn phá ngang với bom nguyên tử và có khả năng giết hàng trăm ngàn người, không cần biết đấy là binh sĩ hay thường dân. Ví dụ, nhiều người trong quân đội Mỹ coi vũ khí nguyên tử đơn giản chỉ là gia tăng phạm vi của bom đạn qui ước, nhưng tiết kiệm hơn mà thôi. Nhưng những bước đầu tiên trong thời đại hạt nhân – lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng vũ khí hạt nhân được sử dụng một cách có chủ ý nhằm chống lại các quốc gia tham chiến - đã gián tiếp nói tới vấn đề quan trọng liên quan đến việc sử dụng chúng: Ảnh hưởng lâu dài của bức xạ. Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, cả Mỹ và Liên Xô đều chế tạo các loại vũ khí lớn hơn và có thể giết nhiều người nhiều hơn và phát triển được các hệ thống đưa những loại vũ khí này đến đúng mục tiêu hơn, đã sản xuất được tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, mỗi nước đều có khả năng giết gấp mấy lần dân số trên trái đất. Vũ khí nhiệt hạch dẫn đến khả năng là các bên tham chiến không thể hạn chế việc phá hủy do sử dụng và đáp trả bằng vũ khí hạt nhân đối với mục tiêu mà họ nhắm tới – vũ khí hạt nhân hiện nay mạnh gấp hàng trăm lần quả bom được ném xuống Hiroshima. Cuộc xung đột hạt nhân có thể nhanh chóng leo thang thành sử dụng và đáp trả bằng vũ khí hạt nhân có thể xóa sổ sự sống trên trái đất - do bức xạ từ khói bụi rơi xuống hoặc thay đổi khí hậu thành “mùa đông hạt nhân”. Việc hai bên đều chắc chắn bị hủy diệt (MAD) làm cho các bên thù địch chính gác lại kế hoạch chiến đấu có sử dụng vũ khí hạt nhân. Thay vào đó, họ đánh nhau thông qua các nước được ủy nhiệm, và chỉ sử dụng vũ khí qui ước (xem Chương 2).

Sự kiện là sau khi được sử dụng nhằm chống lại Nhật Bản, vũ khí hạt nhân chưa bao giờ được sử dụng lại trong chiến tranh làm dấy lên hai cuộc tranh luận quan trọng về hậu quả chính trị của vũ khí hạt nhân. Thứ nhất, liệu răn đe hạt nhân có ngăn chặn được Thế chiến III và do đó, biện minh cho sự mạo hiểm và chi phí mà Liên Xô, Mỹ, Anh, Trung Quốc và Pháp đã trả trong quá trình phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân trong thời kì Chiến tranh Lạnh? Thứ hai, nếu răn đe hạt nhân giữ được hòa bình – nếu sự tàn phá của vũ khí hạt nhân làm cho những người ban hành quyết định không sử dụng – thì việc chuyển giao vũ khí hạt nhân cho các quốc gia khác, gọi là phổ biến vũ khí hạt nhân, có giữ được hòa bình hay không? Trong những năm 1980, Scott Sagan và Kenneth Waltz đã tranh luận với nhau về những vấn đề này. Đầu thế k XXI, sau khi Ấn Độ và Pakistan – hai kẻ thù truyền kiếp của nhau – đều có vũ khí hạt nhân, hai ông này lại tái khởi động cuộc tranh luận vừa nói. Waltz khẳng định rằng “nhiều hơn có thể tốt hơn”, vì trong một số hoàn cảnh nhất định (mà cụ thể là chính phủ duy lí và khả năng trả đũa là chắc chắn), việc phổ biến của vũ khí hạt nhân có nghĩa là mở rộng khu vc răn đe và giảm nguy cơ chiến tranh giữa các quốc gia. Sagan bác bỏ hoàn toàn, ông này cho rằng việc phổ biến của vũ khí hạt nhân có nhiều khả năng dẫn đến thất bại trong răn đe hoặc chiến tranh xảy ra một cách bất ngờ[15]. Sagan khẳng định rằng những điều kiện mà Waltz đưa ra cho nền hòa bình do vũ khí hạt nhân tạo ra hiếm khi xảy ra, và chắc chắn là không có ở Nam Á.

Cuộc tranh luận về những đe dọa mà việc sở hữu vũ khí hạt nhân gây ra lại bùng lên khi công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân đã được người ta phổ biến cho nhau. Mạng lưới rắc rối của một quan chức Pakistan, A. Q. Khan, người đưa các thành phần của công nghệ hạt nhân từ châu Âu về Pakistan và sau đó, chuyển giao cho Triều Tiên, đã làm cho nhiều người tiến hành tái kiểm tra ảnh hưởng mang tính ổn định của việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Quan trọng hơn, các lí thuyết gia hạt nhân hỏi rằng liệu Iran có vũ khí hạt nhân sẽ làm cho xác suất xảy ra chiến tranh trong khu vực giảm đi hay tăng lên. Nếu Waltz đúng, và, nếu Iran có một chính phủ duy lí và số vũ khí hạt nhân đảm bảo tránh được cuộc tấn công phủ đầu, thì nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh qui ước, qui mô lớn ở Trung Đông sẽ giảm đáng kể. Nếu Sagan đúng, thì ngay cả khi Iran đáp ứng những điều kiện tối thiểu này (Sagan tỏ ra nghi ngờ), nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân ở Trung Đông sẽ gia tăng – việc phóng  hoặc vụ nổ tình cờ, hoặc việc phóng không được chính quyền cho phép. Vụ thỏa thuận hạt nhân của Iran được thảo luận bên dưới là nỗ lực nhằm đảm bảo rằng cả Sagan lẫn Waltz đều sai.

Vũ khí hóa học và vũ khí sinh học, cùng với vũ khí hạt nhân, thuộc loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (weapons of mass destruction - WMD). Bản chất của WMD, khả năng hủy diệt của chúng không thể bị giới hạn trong không gian và thời gian là những yếu tố quan trọng nhất làm cho WMD khác biệt hẳn với vũ khí qui ước. Đó là lí do vì sao chúng thường được gọi là vũ khí sát thương “bừa bãi”, đặc điểm của chúng cũng tương tự như mìn gài trên mặt đất, đạn chứa uranium nghèo và bom chùm. Vũ khí hóa học và sinh học đã có từ nhiều năm trước khi vũ khí hạt nhân xuất hiện. Mặc dù đã có những vụ thử nghiệm lén lút và những loại vũ khí này vẫn thường xuyên được sử dụng, nhưng nhiều khó khăn về mặt kĩ thuật trong khi sử dụng vẫn chưa được giải quyết. Như đã lưu ý bên trên, trong Thế chiến I, vũ khí hóa học đã được sử dụng trên quy mô lớn, nhưng hóa ra là vô dụng về mặt chiến lược, mà chỉ làm tăng thêm đau khổ và chết chóc. Cuộc xâm lăng Ethiopia qua vùng Eritrea năm 1935 do Benito Mussolini thực hiện phải được coi là ví dụ gần đây và duy nhất về việc sử dụng một cách hiệu quả vũ khí hóa học trong chiến tranh; việc phun khí mù tạt (mustard) từ trên không xuống quân đội mà phần lớn không có giầy người Ethiopia đã làm cho họ nhanh chóng chịu thất bại. Ở đây, quân đội Italy đứng trước kẻ thù không có khả năng trả đũa một cách tương xứng. Ngoài ra, chất nhờn nổi trên mặt nước và làm cho thảm thực vật chết và mặt đất trơ trụi suốt nhiều tuần lễ liền. Kết quả là, khí mù tạt do phát xít Italy sử dụng đã giết và làm bị thương hàng ngàn thường dân Ethiopia. Về phần mình, chính phủ Mussolini, đã tìm mọi cách nhằm che giấu hành động vi phạm Thỏa thuận Geneva (Geneva Accords) năm 1923 về việc cấm sử dụng vũ khí hóa học, trong nhiều trường hợp, trên thực tế họ còn vi phạm luật các đạo luật khác về chiến tranh; trong đó có bắn phá các bệnh viện dã chiến có treo cờ hoặc những dấu hiệu khác của Hội Chữ thập Đỏ nhằm xóa bỏ bằng chứng cho thấy Italy đã sử dụng khí mù tạt. Có thể là do phải trả giá như thế và khả năng là sẽ nhanh chóng phải đối mặt với kẻ thù được trang bị những phương tiện tương tự, trong Thế chiến II, Italy cũng như tất cả các bên tham chiến khác đều không sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, có bằng chứng chứng tỏ một hoặc cả hai bên tham chiến trong cuộc Chiến tranh Iran-Iraq, trong những năm 1980 và chính phủ Assad trong cuộc nội chiến ở Syria hiện nay đều đã sử dụng vũ khí hóa học.

Cụ thể là vũ khí sinh học - các chủng đột biến của các bệnh thường xảy ra trước đây như dịch hạch và đậu mùa – bao giờ cũng có khả năng gây ra thương vong cho không chỉ quân dân đối phương mà cả quân dân nước sử dụng. Ngoài ra, dùng chúng làm vũ khí thường phải trả giá là có thể vi phạm qui định về không được làm hại dân thường, một việc mà ít quốc gia muốn làm. Ngày nay, hầu hết các nhà quan sát đều quan tâm nhiều hơn đến khả năng các quốc gia bất hảo hoặc những kẻ khủng bố có thể nắm được và sử dụng vũ khí sinh học hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác; họ ít lo lắng về việc các quốc gia với các nhà lãnh đạo duy lí sẽ sử dụng các loại vũ khí đó.

Năm 2003, chính quyền George W. Bush, thất vọng trước việc Saddam Hussein nhiều lần không tuân thủ các điều khoản ngừng bắn trong thỏa thuận chấm dứt Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất vào năm 1991, đã quyết định chuẩn bị cho cuộc xâm lăng quân sự Iraq. Nhiều người trong chính phủ Mỹ lo ngại về khả năng Saddam Hussein đang phát triển vũ khí giết người hàng loạt. Lo lắng này là biện minh chính của chính quyền cho việc phát động chiến tranh. Sợ rằng nước Iraq của Saddam sẽ sử dụng vũ khí giết người hàng lọat nhằm chống lại Mỹ hoặc các đồng minh của nước này hoặc chuyển giao vũ khí đó cho bọn khủng bố đã giúp chính quyền giành được sự ủng hộ của dân chúng Mỹ.

Gần đây hơn, nhận thức được rằng Iran đang phát triển khả năng làm giàu uranium và không chịu từ bỏ lựa chọn hạt nhân đã dẫn đến một số xung đột chính trị căng thẳng nhất trong thiên niên kỉ mới. Tháng 10 năm 2015, Iran đã kí thỏa thuận gọi là Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân (Joint Comprehensive Plan of Action), hạn chế quá trình phát triển các thành tố của vũ khí hạt nhân trong 15 năm để đổi lấy việc chấm dứt các biện pháp trừng phạt về kinh tế. Mặc dù thỏa thuận này có thể là bước đi quan trọng trong việc ngăn chặn làn sóng phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng câu hỏi liệu Iran có thể không tuân thủ thỏa thuận này và chuyện gì sẽ xảy ra sau khi kết thúc 15 năm tạm hoãn vẫn còn để ngỏ. Tương tự như vậy, các cuộc thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên từ năm 2006 và gần đây, các vụ phóng tên lửa đã làm cho cộng đồng quốc tế hết sức lo lắng.

Chiến tranh phi qui ước

Chiến tranh phi qui ước cũng lâu đời như chiến tranh qui ước và khác với chiến tranh qui ước ở chỗ một hoặc nhiều bên tham chiến sẵn sàng bỏ qua các giới hạn về các mục tiêu của bạo lực hợp pháp hoặc không chịu chấp nhận kết quả truyền thống của trận chiến - ví dụ, tình trạng quân đội chính quy bị tan rã, mất thủ đô, hoặc lãnh đạo quốc gia bị bắt giữ - như chỉ dấu của chiến thắng hay thất bại.

Hai thay đổi lớn đã chuyển dần chiến tranh phi qui ước từ vai trò phụ trợ thành đặc điểm nổi bật của chiến tranh. Thứ nhất, Cách mạng Pháp đã giải phóng sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc nhằm hỗ trợ các hoạt động quân sự qui mô lớn, tạo điều kiện cho quân đội của Napoleon Bonaparte sử dụng các chiến thuật mà các quân đội chuyên nghiệp cũ của châu Âu, mới đầu, không thể đương cự được. Chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy những người dân bình thường đứng lên chống lại cuộc xâm lăng và chiếm đóng của “ngoại bang”, ngay cả khi được mua chuộc hoặc bị trừng phạt bằng tra tấn và tử hình. Từ đó, chủ nghĩa dân tộc đã trở thành con dao hai lưỡi. Mặc dù lúc đầu các lực lượng của Napoléon đã gạt bỏ trật tự cũ, cuộc kháng chiến xuất phát từ tinh thần dân tộc ở Nga và Tây Ban Nha (cuộc kháng chiến của Tây Ban Nha được gọi là “chiến tranh nhỏ”, trong tiếng Tây Ban Nha là chiến tranh du kích) đã làm cho ông ta thất bại thảm hại. Nhưng bản thân cuộc kháng chiến xuất phát từ tinh thần dân tộc không đủ sức làm cho chiến tranh phi qui ước đủ sức chống lại quyền lực của các quốc gia hoặc chính phủ đang cầm quyền. Kết hợp học thuyết xa xưa về chiến tranh du kích với việc sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc tạo ra đổi mới mang tính chiến lược.

Chú thích ảnh: Abu Sabaya (đứng bên trái), thủ lĩnh của Abu Sayyaf - một nhóm cực đoan Hồi giáo – chụp với nhóm phiến quân trên đảo Jolo, Indonesia, tháng 7 năm 2000 trong cuộc khủng hoảng con tin ở Sipadan. Mục tiêu của nhóm này là thiết lập phiên bản bảo thủ của Luật Sharia trên khắp nước Indonesia.

Ban đầu, chiến lược này được Mao Trạch Đông - cách tân - gọi là “chiến tranh du kích cách mạng”. Nó được tổ chức theo lối đặc biệt nhằm chống lại quân thù tiến bộ hơn về công nghệ và được trang bị tốt bằng cách đảo ngược quan hệ thông thường giữa binh lính và thường dân. Trong chiến tranh qui ước, binh sĩ sẵn sàng hi sinh tính mạng để bảo vệ dân thường. Trong chiến tranh du kích, dân thường sẵn sàng hi sinh tính mạng để bảo vệ du kích, du kích ẩn náu trong dân và không dễ dàng phân biệt họ với thường dân khi không có đánh nhau[16].

Sử dụng chiến tranh du kích trong cuộc Nội chiến ở Trung Quốc (1927-1937, 1945-1949) và trong cuộc Kháng chiến chống Nhật chiếm đóng, giai đoạn Thế chiến II (1937-1945), Quân Giải phóng Nhân dân của Mao đủ sức vượt qua được nhiều thất bại. Cuối cùng, Quân Giải phóng đã đánh bại quân Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch, được trang bị tốt và được Mỹ ủng hộ, buộc ông này phải bỏ chạy sang đảo Formosa, nay là Đài Loan. Kết quả không ai ngờ được này làm cho Mao giành được rất nhiều vũ khí chiến lợi phẩm và quan trọng hơn, làm cho chiến tranh du kích cách mạng, như một khuôn mẫu cho lực lượng nổi dậy - lan tràn khắp nơi, đặc biệt là ở châu Á.

Nửa sau thế kỉ XX đã chứng kiến một loạt thất bại bất ngờ của các cường quốc công nghiệp tiên tiến, các nước này đã thua trong các cuộc chiến tranh chống lại kẻ thù “yếu ớt” hay “lạc hậu”. Anh buộc phải trao độc lập cho Ấn Độ. Pháp thua ở Đông Dương và Algeria; Bồ Đào Nha thua ở Mozambique và Angola; Mỹ thua ở Việt Nam; Liên Xô thua ở Afghanistan; và Israel thua ở Lebanon. Trong những trường hợp vừa kể, đội quân của các nước đã công nghiệp hóa, được trang bị tốt tìm cách đè bẹp kẻ thù nhỏ hơn, ở các nước chưa công nghiệp hóa và bị thua. Đáng ngại là, kinh nghiệm của Pháp ở Algeria và của Liên Xô ở Afghanistan đã đưa thêm cho chúng ta một yếu tố: Tôn giáo trở thành phương tiện truyền cảm hứng và đoàn kết để kháng chiến.

Ngày nay, việc các quốc gia công nghiệp tiên tiến đối đầu với các tác nhân phi nhà nước hay đối đầu với các quốc gia tương đối yếu đã trở thành hiện tượng phổ biến. Các lí thuyết gia về quan hệ quốc tế gọi là xung đột bất đối xứng.

Xung đột bất đối xứng xỏa bỏ nhận định quan trọng về cả chiến tranh qui ước và chiến tranh hạt nhân: Vũ khí qui ước và đối đầu hạt nhân có nhiều khả năng xảy ra giữa các quốc gia có sức mạnh quân sự gần như tương đương nhau và sử dụng các chiến lược và chiến thuật tương tự như nhau. Nếu một bên yếu hơn hẳn, người ta sẽ cho rằng, vì sợ thất bại, bên yếu hơn khó có thể phát động chiến tranh. Ngược lại, xung đột bất đối xứng xảy ra giữa các bên có sức mạnh khác hẳn nhau. Bên yếu hơn tìm cách tránh né những điểm mạnh của đối phương, trong đó có ưu thế về công nghệ, và tìm cách khai thác những điểm yếu của đối phương[17].

Tương tự như bất kỳ chiến lược nào khác, chiến tranh du kích cách mạng cũng có những điểm yếu. Trong hai cuộc xung đột bất đối xứng sau Thế chiến II, bên mạnh hơn - Vương quốc Anh trong tình trạng khẩn cấp ở Malaysia (1948-1960) và Mỹ ở Philippines (1952-1953) - đã tung ra chiến lược chống nổi dậy đủ sức đánh bại các cuộc chiến tranh du kích cách mạng. Chiến lược này không nhắm vào các lực lượng vũ trang của quân nổi dậy (khủng bố và du kích), hoặc thậm chí không nhắm vào các nhà lãnh đạo của họ, mà tập trung vào sức mạnh thực sự của chiến tranh du kích: nhân dân. Như Mao thừa nhận trong các tác phẩm đầu tiên của mình, các chính phủ đang cầm quyền có thể đánh bại cuộc kháng chiến du kích được lãnh đạo tốt và được tổ chức tốt bằng một trong hai cách sau đây: Thay đổi suy nghĩ của người dân (chiến lược hòa giải hoặc “trái tim và khối óc) hay giết sạch (chiến lược mà một lí thuyết gia gọi là “dã man”)[18]. Trong cả hai trường hợp, sự ủng hộ của xã hội cho phong trào kháng chiến sẽ không còn và cuộc kháng chiến sẽ tan rã. Mao tin rằng kẻ thù “phương Tây” và kẻ thù dân chủ của ông quá kiêu căng về quyền lực của mình, sẽ không tìm cách thay đổi suy nghĩ của người dân và quá câu nệ về đạo đức, sẽ không thực hiện chiến lược chống nổi dậy theo lối diệt chủng. Tuy nhiên, các chính phủ ở Malaysia và Philippines, được Anh và Mỹ giúp đỡ, đã tìm cách khắc phục những oán hận từng làm cho nhiều người nghèo hoặc người bất mãn ở trong nước ủng hộ tích cực quân du kích hoặc thờ ơ với chính trị. Từ sau Thế chiến II, chiến lược “trái tim và khối óc” đã chứng tỏ là biện pháp chống nổi dậy hiệu quả nhất, nhưng rất tốn kém về mặt chính trị, vì công việc đòi hỏi nhiều thời gian và, trong hầu hết các trường hợp, cần lực lượng quân sự đông đảo[19].

Tuy nhiên, chiến tranh du kích chỉ là một trong những chiến lược mà một bên tham chiếncó thể sử dụng nhằm đánh bại chính phủ đang cầm quyền và các đồng minh của chính phủ mạnh hơn về mặt vật chất. Một chiến lược khác là phản kháng bất bạo động: Phản kháng chính quyền bằng các biện pháp khác, mà không sử dụng bạo lực. Tương tự như chiến tranh du kích cách mạng, phản kháng bất bạo động - trong khi theo đuổi các mục tiêu chính trị - cố tình đặt người dân bình thường trước nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, khác với chiến tranh du kích hay khủng bố, phản kháng bất bạo động tránh dùng bạo lực như một trong những biện pháp phản kháng. Cuộc phản kháng chính quyền thực dân Anh trong những năm 1940 của Mohandas Gandhi và phong trào đòi quyền công dân của của Mục sư, Tiến sĩ Martin Luther King Jr. là những ví dụ nổi bật về phản kháng bất bạo động. Một chiến lược khác nhằm đánh thắng đối thủ mạnh hơn đối thủ mạnh hơn về mặt vật chất là khủng bố.

 Khủng bố

Khủng bố, một loại xung đột bất đối xứng, ngày càng được coi là mối đe dọa an ninh quốc tế nghiêm trọng, vì những nguyên nhân thúc đẩy những kẻ khủng bố giết hại thường dân đã trở thành xuyên quốc gia chứ không còn là địa phương nữa, và vì những tiến bộ trong công nghệ WMD đã khiến nó, về mặt lý thuyết, có thể làm cho các tác nhân bên dưới nhà nước gây ra những thiệt hại ở tầm quốc gia (giả sử, với một quả bom hạt nhân được một kẻ khủng bố nhập lậu vào một khu vực đô thị lớn). Mặc dù không liên quan đến WMD, các cuộc tấn công của Al Qaeda nhắm các đại sứ quán Hoa Kỳ ở Châu Phi năm 1998, nhắm vào các thành phố trên đất Mỹ năm 2001, và trong Tàu điện ngầm Luân Đôn và xe buýt năm 2005 được nhóm người này – họ không công nhận cả nhà nước lẫn hệ thống quốc tế – coi là mệnh lệnh mang tính tôn giáo.

Vì đặc điểm cốt lõi của khủng bố là cố ý gây thiệt hại cho những người không tham gia chiến đấu, cho nên “bọn khủng bố” nhất định phải bị đặt ra ngoài vòng pháp luật: Theo định nghĩa, ngoài vòng pháp luật là không tuân thủ luật pháp cũng như không được luật pháp bảo vệ. Các học giả chuyên nghiên cứu khủng bố - trước năm 2001 vốn là lĩnh vực nghiên cứu quan hệ quốc tế chẳng được mấy người quan tâm - hiện nay không tìm được định nghĩa phổ quát về khủng bố, nhưng hầu hết các định nghĩa do họ đưa ra đều có chung ba yếu tố chính:

1. Bản chất hay mục đích của nó là chính trị.

2. Thủ phạm là các tác nhân phi nhà nước.

3. Mục tiêu là những người không tham gia chiến đấu, ví dụ, dân thường (đặc biệt là trẻ con hoặc người già), các chính trị gia hay các quan chức.

Một chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố đương đại, Audrey Kurth Cronin, cộng thêm yếu tố thứ tư: Các cuộc tấn công khủng bố là phi qui ước và không thể đoán trước được[20]. Khủng bố thường được gọi là chiến lược của kẻ yếu, nhưng lập luận này đặt ra câu hỏi: Quyền lực thực sự là gì? Có phải quyền lực chỉ là sức mạnh vật chất nhằm mục đích giết người, hay nó có thể còn nằm trong sức mạnh của tư tưởng? Ví dụ, Gandhi đã không thắng được người Anh và giành được độc lập cho Ấn Độ bằng cách mạng bạo lực. Sức mạnh của tư tưởng tỏ ra là có ý nghĩa quyết định. Những kẻ khủng bố cũng hi vọng có thể khai thác được sức mạnh của tư tưởng: Họ luôn biện minh cho bạo lực bằng cách viện dẫn những hình ảnh bất tử. Những hình ảnh này có xu hướng thể hiện trong một trong ba hình thức cổ điển: Chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa Marx hoặc tôn giáo. Trong mỗi trường hợp, những kẻ khủng bố đều thực hiện hành động bạo lực nhằm bảo vệ quốc gia, bảo vệ giai cấp vô sản hoặc các tín hữu của mình, và đảm bảo cho sự bất tử của nó. Trong cuộc đấu tranh lâu dài của Quân đội Cộng hòa Ireland chống lại chính quyền Anh ở Ireland, cả ba hình ảnh bất tử đều có vai trò của mình, vì bên cạnh những đòi hỏi khác, những kẻ khủng bố, chủ yếu là những người có tinh thần xã hội chủ nghĩa, dân tộc chủ nghĩa và theo Công giáo, tìm cách buộc nước Anh phải bỏ thiểu số Tin Lành sống ở Ireland.

Tương tự như chiến tranh du kích, khủng bố cũng có lịch sử khá dài. Trong thời Hy Lạp và La Mã, các cá nhân đơn lẻ thường có những hành động khủng bố chống lại những người cai trị mình. Điều thú vị là, ý nghĩa hiện nay của từ “khủng bố” lại có xuất xứ từ Cách mạng Pháp, trong đó chính phủ đang đứng trên bờ vực tan rã của Robespierre đã sử dụng bạo lực cực đoan, và đôi khi bừa bãi, nhằm chống lại nhân dân Pháp. Nhưng không được đánh đồng cả hành động tội lỗi của chính phủ lẫn tài trợ khủng bố với chủ nghĩa khủng bố như nó vốn là, vì, như đã nhận xét bên trên, thành tố cốt lõi của khủng bố là những hành động do các tác nhân nằm ngoài nhà nước thực hiện. Do đó, thật khó xếp những vụ giết người hàng loạt do nhà nước thực hiện, như Mỹ giết người dân bản địa, hay Đế chế Thứ Ba của Hitler giết người Do Thái, Liên Xô thời Stalin giết người Ukraine và nước Campuchia thời Pol Pot giết những người không cộng sản là thuộc loại nào. Tất cả các vụ khủng bố đều có thể là man rợ, nhưng không tất cả những vụ giết người man rợ đều là khủng bố.

Mặc dù khủng bố có thể phá hoại tài sản, có thể làm người ta bị chết hay bị thương, nhưng yếu tố cơ bản của khủng bố là làm tổn thương về tâm lý, chứ không phải là thiệt hại vật chất. Dù mục đích của những kẻ khủng bố đơn lẻ có là gì, thì giết người cũng chỉ là sản phẩm phụ của khủng bố, sản phẩm phụ của một chiến lược mà thôi. Mục đích thực sự của khủng bố là lôi kéo người ta chú ý đến một sự nghiệp, đồng thời đặt ra câu hỏi về tính chính danh của chính phủ mà khủng bố nhắm tới bằng cách vạch ra sự bất lực của chính phủ trong việc bảo vệ công dân của mình. Ví dụ, trong Thế vận hội Olympic mùa hè năm 1972 ở Munich, Đức, một nhóm khủng bố người Ả Rập gốc Palestine tự gọi mình là Tháng Chín Đen đã bắt 11 vận động viên Israel làm con tin ngay tại Làng Olympic. Hai con tin đã bị sát hại ngay lập tức. Trong nỗ lực giải cứu vụng về và không được chuẩn bị do phía Đức tiến hành, bọn bắt cóc đã giết cả chín con tin còn lại. Tháng Chín Đen nằm trong Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), được Yasser Arafat thành lập năm 1964 nhằm thúc đẩy sự nghiệp của nhà nước Palestine bằng bạo lực. Nhưng trước khi xảy ra sự kiện Munich, rất ít người bên ngoài Trung Đông đã một lần nghe nói về PLO. Sau Thế vận hội, PLO (và nói rộng ra là “những kẻ khủng bố”) trở thành một chủ đề thường gặp trong các cuộc trò chuyện và hành động nhà nước. Một biện pháp gây chú ý khác là cướp máy bay thương mại. Tháng 12 năm 1973, trong cuộc tấn công máy bay, những kẻ khủng bố người Ả Rập đã giết chết 32 người ngay tại sân bay Rome. Bọn không tặc bắt con tin nhằm tạo thêm sức mạnh cho đòi hỏi của chúng về việc thả những người Ả Rập gốc Palestine đang bị cầm tù. Năm 1976, một tổ chức ở Trung Đông đã cướp một chiếc máy bay của Pháp với hầu hết hành khách là người Israel và bay đến Uganda; và bọn không tặc đe dọa sẽ giết con tin nếu các tù nhân người Ả Rập ở Israel không được phóng thích. Sau một số vụ ồn ào như vậy, cộng đồng quốc tế đã phản ứng bằng cách kí kết một loạt thỏa thuận quốc tế nhằm thắt chặt an ninh ở sân bay, trừng phạt các quốc gia cho những kẻ không tặc nơi ẩn nấp và lên án chủ nghĩa khủng bố được nhà nước ủng hộ. Công ước quốc tế chống bắt giữ con tin năm 1979 (International Convention against the Taking of Hostages) là ví dụ nổi bật của những thỏa thuận này.

Chú thích ảnh: Tháng 1 năm 2015, một phi công quân sự trẻ, người Jordan, tên là Muath Safi Yousef al-Kasasbeh sau khi bị bắt ở Syria, đã bị Nhà nước Hồi giáo thiêu sống. Vụ hành quyết được IS ghi lại và đưa lên Twitter. Vụ hành quyết Al-Kasasbeh đã gây ra làn sóng phẫn nộ ở Jordan và trên toàn thế giới.

Nhiều hoạt động khủng bố trong thời gian gần đây có nguồn gốc từ Trung Đông - do cuộc tìm kiếm quyền tự quyết của người Ả Rập Palestine và xung đột nội bộ của họ về chiến lược, do lòng hận thù của các nhóm Hồi giáo khác nhau đối với sức mạnh và tư tưởng của phương Tây (mà cụ thể là, căm thù phương Tây vì cho rằng phương Tây ủng hộ Israel đàn áp người Ả Rập Palestine và ủng hộ việc học hành và tinh thần độc lập của phụ nữ), và sự hồi sinh của trào lưu chính thống Hồi giáo cực đoan. Hamas, Hezbollah và phong trào Thánh chiến (Jihad) Hồi giáo ở Palestine là ba trong số các nhóm khủng bố có nguồn gốc từ Trung Đông. Sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, Al Qaeda là nhóm được nói tới nhiều nhất. Al Quaeda là mạng lưới bí mật của những tín đồ Hồi giáo chính thống cực đoan từ nhiều quốc gia, trong đó có cả một số quốc gia bên ngoài Trung Đông, do Osama bin Laden, đã chết, cầm đầu, với động cơ là thiết lập các chế độ Hồi giáo nghiêm khắc ở Trung Đông, ủng hộ các cuộc nổi dậy của phong trào Hồi giáo cực đoan ở Đông Nam Á, và trừng phạt Mỹ vì đã ủng hộ Israel. Khi Mỹ và các đồng minh của nước này bắt đầu gây cho Al Qaeda những tổn thất nghiêm trọng - từ năm 2009 đến 2012 – những người lãnh đạo tổ chức này đã thích nghi bằng cách phân tán và thành lập các chi nhánh mới, ví dụ, Al Qaeda ở Iraq và Al Qaeda ở Yemen. Nhưng số người ủng hộ Al Qaeda đã giảm.

Thay vào đó, như đã giải thích trong Chương 5, Nhà nước Hồi giáo (IS) xuất hiện, cội nguồn của nó là cuộc Cách mạng năm 1979 của người Hồi giáo Shiite ở Iran và cuộc xâm lăng Iraq năm 2003. Cuộc xâm lăng do Mỹ tiến hành đã trao quyền cho người Hồi giáo Shiite, đẩy người Hồi giáo A-rập theo phái Sunni vốn chiếm thiểu số vào thế bất lợi và IS liền nắm lấy cơ hội nhằm thúc đẩy sự nghiệp của phái Sunnicực đoan. IS đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng những hành động khủng bố của mình: Chặt đầu người phương Tây và những người Hồi giáo chống lại họ, giết người hàng loạt; hiếp dâm những người phụ nữ không theo đạo Hồi, ví dụ, sắc dân thiểu số Yazidi; bắt những người Hồi giáo không theo phái Sunni làm nô lệ tình dục; bắt giữ con tin để đòi tiền chuộc; và phá hủy các di sản văn hóa. Nhưng IS còn khác với hầu hết các tổ chức khủng bố ở một số khía cạnh quan trọng. IS tìm kiếm lãnh thổ và đã chiếm được một số khu vực ở Syria và Iraq. Tổ chức này tự tài trợ cho hoạt động của mình vì đã kiểm soát được một số mỏ dầu. IS tuyên bố thành lập vương quốc Hồi giáo (caliphate), do Abu Bakr al-Baghdadi đứng đầu. Nhiều người trong số khoảng 15.000 chiến binh mà IS tuyển mộ được từ 80 quốc đã kéo đến đây vì hấp lực của các mục tiêu không tưởng của họ. Một học giả giải thích, “IS tìm cách tạo ra một nhà nước Hồi giáo Sunni “thuần khiết”, luật Sharia được giải thích một cách tàn bạo nhằm xóa bỏ ngay lập tức biên giới chính trị của vùng Trung Đông do các cường quốc phương Tây vẽ ra trong thế kỷ XX; và tự đưa mình thành quyền lực chính trị, tôn giáo và quân sự duy nhất đối với tất cả người Hồi giáo trên thế giới”[21]. Tuy nhiên, chính việc dùng khủng bố và chiến thuật của nó, cũng như chủ nghĩa chính thống đã làm cho IS bị tất cả các lân bang, hầu hết tín đồ Hồi giáo, và cộng đồng quốc tế xa lánh.

Mặc dù các ví dụ trên được lấy từ Trung Đông, chủ nghĩa khủng bố cũng có một lịch sử lâu dài ở các khu vực khác trên thế giới, nó phản ánh những động lực khác nhau và thường là đa dạng. Một số nhóm khủng bố gắn bó với các quan điểm tôn giáo cực đoan, ví dụ, Quân đội Cộng hòa Ireland, tức là lực lượng bảo vệ người Công giáo Bắc Ireland trong cuộc đấu tranh chống lại chính quyền của người Tin lành Anh quốc. Cuộc cạnh tranh giữa người theo Ấn giáo và Hồi giáo ở Ấn Độ dẫn đến nhiều vụ khủng bố. Các nhóm khác đã và đang tìm cách chia tách lãnh thổ hoặc quyền tự trị khỏi một nhà nước nào đó. Những người li khai xứ Basque (ETA) ở Tây Ban Nha, Hổ Tamil ở Sri Lanka, Nhóm Abu Sayyaf ở Philippines và các nhóm người Chechen ở Nga đều là những ví dụ tuyệt vời về phong trào đòi độc lập hay tự trị.

Từ những năm 1990, chủ nghĩa khủng bố đã có bước ngoặt mới[22]. Hành động khủng bố làm cho nhiều người chết hơn, ngay cả khi các nhóm tiến hành khủng bố đã phân tán hơn. Nếu trong những năm 1970, khoảng 17% các vụ tấn công khủng bố làm chết người, thì trong những năm 1990, gần 25% các vụ tấn công khủng bố dẫn tới kết quả là có người chết. Cho đến năm 2000, tổn thất lớn nhất về sinh mạng là vụ đánh bom, năm 1985, máy bay của Air India, làm 329 người thiệt mạng. Con số thống kê đã thay đổi đột ngột vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, khi hơn 3.000 thường dân thiệt mạng và thiệt hại kinh tế là 80 tỉ USD. Càng ngày những kẻ khủng bố càng sử dụng nhiều loại vũ khí hơn. Súng AK-47, khí sarin, tên lửa vác vai, vi khuẩn bệnh than, bom hạt nhân loại nhỏ và máy bay đều đã được sử dụng. Nhà nước Hồi giáo (IS) còn dựng lên cảnh hành hình bằng cách chặt đầu, một hình thức hành hình đặc biệt ghê rợn, rồi ghi lại và sau đó đưa lên mạng xã hội. Cơ sở hạ tầng giúp cho khủng bố cũng trở nên phức tạp hơn. Khủng bố được tài trợ bằng các chương trình rửa tiền và hoạt động tội phạm bất hợp pháp. Các trại huấn luyện thu hút được không chỉ những tên khủng bố trẻ tuổi, độc thân và vô học mà còn lôi kéo được cả những người lớn tuổi, được học hành tốt hơn, sẵn sàng tự sát để thực hiện mục tiêu. Các nhóm khủng bố sử dụng Internet và các phương tiện truyền thông xã hội làm công cụ tuyển mộ ngày càng hiệu quả hơn.

Các nhóm khủng bố ngày càng đa dạng hơn, từ những người dân tộc chủ nghĩa và tân-phát xít đến các chiến binh tôn giáo, chiến binh cánh tả và cánh hữu. (Xem Bảng 8.2). Khủng bố được nhà nước tài trợ, các quốc gia ủng hộ các nhóm khủng bố, là hiện tượng thường thấy. Mỹ và các đồng minh của nước này (ví dụ, Anh, Đức và Pháp) đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc Bắc Triều Tiên, Iran, Iraq, Syria, Libya, Sudan và Cuba ủng hộ các nhóm khủng bố. Tuy nhiên, trong khi có bằng chứng mạnh mẽ về sự đồng lõa của nhà nước trong mỗi trường hợp vừa nêu, thì các quốc gia lên tiếng cáo buộc lại có thể lờ đi sự kiện là chính họ cũng tài tr cho các nhóm mà những người khác có thể gọi là “khủng bố”. Ví dụ, trong thập niên 1980, Mỹ đã ủng hộ tổ chức Contras, tức là nhóm chống lại chế độ Cộng sản ở Nicaragua – có thể dễ dàng bị coi là khủng bố được nhà nước tài trợ vì Contras không giới hạn mục tiêu của họ là cảnh sát hay binh lính của Nicaragua, mà còn tấn công cả thường dân. Khủng bố đang ngày tung ra nhiều cuộc tấn công hơn ở các nước đang phát triển. Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco, Indonesia, Ấn Độ, Kenya và Pakistan là những ví dụ nhãn tiền.

Ngăn chặn hoạt động khủng bố ngày càng trở nên khó khăn hơn vì hầu hết các thủ phạm đều có mạng lưới những người ủng hộ trong cộng đồng dân cư. Trong điều kiện súng đạn và bom được bán đầy trên thị trường thế giới như hiện nay thì bảo vệ người dân khỏi những vụ bạo lực bừa bãi là nhiệm vụ gần như bất khả thi. Chính phủ bị áp lực rất mạnh, vì người dân lo lắng quá mức, mặc dù khủng bố giết tương đối ít người, và vì, nhiều người tin rằng lực lượng an ninh quốc gia phản ứng mạnh là biện pháp giúp bảo vệ họ. Mặc dù có những tiến bộ trong công nghệ phát hiện, ví dụ, phần mềm nhận dạng khuôn mặt, vẫn khó ngăn chặn hay làm nản lòng những tên hoặc nhóm khủng bố chấp nhận hi sinh. Thật vậy, những người như thế có thể được cộng đồng của họ coi là anh hùng.

Bản 8.2                                                                                  Một số tổ chức khủng bố

Nhóm

Địa điểm

Đặc điểm và các cuộc tấn công

Al Queda

Trước đây ở Afghanistan; hiện phân tán khắp Afghanistan, Pakistan, Iran, Indonesia, và Yemen

Do Osama bin Laden, cuối những năm 1980 là người Arab chiến đấu chống lại Liên Xô ở Afghanistan, thành lập; chịu trách nhiệm về những vụ đánh bom ở châu Phi (1998), Yemen (2000), Mỹ (2001), Tây Ban Nha (2004), Vương quốc Anh (2005), Ấn Độ (2006), Pakistan (2008, 2009), Algeria (2010

Hamas (Phong trào kháng chiến Hồi giáo)

Israel, Bờ Tây, Dải Gaza

Lãnh đạo tổ chức này đã kí fatwa (sắc lệnh tôn giáo của bin Laden, năm 1998, kêu gọi tấn công các quyền lợi của Mỹ, năm 2006 được bầu làm cơ quan lãnh đạo Dải Gaza.

Hezbollah (Đảng của Chúa)

Lebanon

Còn gọi là Jihad (Thánh chiến) Hồi giáo; thường do Iran chỉ đạo và bị nghi đánh bom đại sứ quán Mỹ và doanh trại thủy quân lục chiến Mỹ ở Beirut, năm 1983; chiếm thế thượng phong trong nền chính trị Lebanon, chiến đấu chống lại Israel.

Boko Haram (hay còn gọi là “Cấm sống theo lối phương Tây”)

Các bang nghèo khổ phía bắc Nigeria, một số từ các lân bang.

Những Salafi jihadists (thánh chiến cực đoan) tìm cách thiết lập luật Sharia bằng bạo lực trên toàn Nigeria. Đã bắt cóc 276 nữ sinh ở Chibok, Nigeria, tháng 4 năm 2014. Đầu năm 2016 chưa cứu được nữ sinh nào.

Mạng lưới Haqqani

Khu vực Pashtunistan (Đông Afghanistan và Tây Pakistan)

Nhóm Hồi giáo nổi dậy; được CIA (Mỹ) hỗ trợ trong thời gian Liên Xô chiếm đóng Afghanistan; hiện đang liên minh với Taliban và được Pakistan ủng hộ ngầm; chiến đấu chống lại Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) ở Afghanistan.

Nhà nước IS

Trung tâm là Syria và bắc Iraq nhưng tích cực chuyển hoạt động sang Yemen, Afghanistan, Libya  và có thể cả Chechnya.

Xuất thân từ Al Qaeda ở Iraq, hiện do Abu Bakr al Baghdadi, một cựu sĩ quan cao cấp của Quân đội Iraq thời Saddam Hussein lãnh đạo và tự xưng là Caliph. Đây là nhóm khủng bố giàu có nhất thế giới; với mục đích thiết lập một caliphate Hồi giáo (không biên giới lãnh thổ) và chịu trách nhiệm cho hàng ngàn vụ giết người, trong đó có chặt đầu, các vụ hãm hiếp và bắt làm nô lệ tình dục bất cứ người nào phản đối cách giải thích luật Sharia của tổ chức này.

 

Cộng đồng quốc tế đã hành động chống lại những kẻ khủng bố, trước hết, bằng cách tạo ra một khuôn khổ luật lệ quốc tế đối phó với khủng bố. Khuôn khổ này bao gồm 12 công ước giải quyết các vấn đề như trừng phạt những tên không tặc và những người bảo vệ chúng; bảo vệ sân bay, bảo vệ các nhà ngoại giao và vật liệu hạt nhân trên đường vận chuyển; và ngăn chặn, không để các nguồn tài chính chảy vào các mạng lưới khủng bố toàn cầu. Các quốc gia riêng lẻ cũng đã thực hiện một số bước đi nhằm củng cố an ninh quốc gia (ví dụ, Patriot Act gây ra nhiều tranh cãi ở Mỹ); hỗ trợ các hoạt động phản gián; và thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật quốc gia trong việc theo dõi và bắt giữ những kẻ khủng bố. Một số quốc gia đã áp đặt những biện pháp trừng phạt một số quốc gia khác mà họ cho là ủng hộ khủng bố hoặc không thực hiện các biện pháp thực thi pháp luật hiệu quả. Libya, Sudan, Afghanistan, Syria, Iran và Iraq là những ví dụ nổi bật. Nhưng, quan trọng là phải nhớ rằng ngay cả các quốc gia phát triển như Mỹ, Bỉ và Pháp cũng gặp khó khăn trong “việc thực hiện các biện pháp thực thi pháp luật hiệu quả” nhằm chống lại những kẻ khủng bố, mặc dù những nước này đã đóng cửa nhiều mạng lưới tài chính của bọn khủng bố và tăng cường an ninh tại các sân bay và bến cảng. Nói cho cùng, những kẻ khủng bố tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York và Lầu năm góc, ngày 11 tháng 9 năm 2001, từng học lái máy bay thương mại ở Florida. Và một số kẻ khủng bố chịu trách nhiệm về vụ đánh bom ở Paris năm 2015 là công dân Pháp hoặc đang sống ở Bỉ.

 Chú thích ảnh: Tháng 4 năm 2014 những kẻ khủng bố liên kết với Boko Haram (hay còn gọi là “Cấm sống theo lối Tây phương”) đã bắt cóc 276 nữ sinh tại một trường cấp hai ở Chibok, Nigeria. Đến nay, chính phủ Nigeria vẫn chưa tìm được các nữ sinh này. Nhiều người tin rằng các bé gái đã bị buộc phải chuyển sang đạo Hồi và một số bị buộc phải kết hôn với các chiến binh Boko Haram. Trên ảnh, một học sinh trốn thoát nhận dạng các bạn cùng lớp.

 Chiến tranh chính nghĩa

Khi nào, nếu quả thật có một lúc như thế, quốc gia có chính nghĩa khi tiến hành chiến tranh? Có phải chiến tranh luôn luôn là hành động bất hợp pháp và vô đạo đức, hay có thể chấp nhận được trong những điều kiện nhất định? Lời biện minh thích hợp – là jus ad bellum – để tham gia chiến tranh là gì? Cơ sở đạo đức và luân thường đạo lí - Jus in bello - khi một nhà nước quyết định tham chiến là gì? Những lí thuyết gia chính trị chuẩn mực hướng sự chú ý của chúng ta tới truyền thống chiến tranh chính nghĩa cổ điển. Mặc dù học thuyết phương Tây và Kitô giáo có từ thời trung cổ, lí thuyết về chiến tranh chính nghĩa dựa trên triết học Hi Lạp cổ đại và giáo huấn trong Kinh Koran. Lí thuyết về chiến tranh chính nghĩa do Thánh Augustine, Thánh Thomas Aquinas, Hugo Grotius và gần đây hơn, triết gia chính trị Michael Walzer xây dựng, khẳng định rằng một số tiêu chí có thể làm cho quyết định tham gia chiến là chính đáng[23]. Phải có lí do chính đáng (tự vệ hoặc bảo vệ người khác, hoặc chống lại vi phạm nhân quyền trên diện rộng) và tuyên bố về mục đích của một cơ quan có thẩm quyền (từ khi thành lập Liên Hợp Quốc, cơ quan có thẩm quyền được hiểu là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc). Các nhà lãnh đạo cần phải có mục đích đúng đắn, trong khi mong muốn chấm dứt những vụ lạm dụng và thiết lập nền hòa bình công bằng. Họ cũng cần phải sử dụng hết tất cả các khả năng khác nhằm chấm dứt các vụ lạm dụng, chỉ sử dụng chiến tranh như là biện pháp cuối cùng. Sau khi đảm bảo được các mục tiêu nhân đạo, các bên phải nhanh chóng rút lực lượng về. Nhưng, vì các quốc gia quyết định khởi chiến vì nhiều lí do khác nhau, đánh giá tính chính nghĩa của một nguyên nhân cụ thể hoặc ý định cụ thể là công việc không dễ dàng.

Truyền thống chiến tranh chính nghĩa nói tới những hành vi hợp pháp trong chiến tranh. Phải phân biệt giữa các chiến binh và những người không chiến đấu, người không chiến đấu phải được bảo vệ hết mức có thể. Bạo lực phải tương xứng với mục tiêu cần phải đạt. Các chiến binh phải tránh gây ra những đau khổ quá đáng cho con người và không được sử dụng vũ khí đặc biệt tàn bạo. Vì khí mù tạt (mustard), trong Thế chiến I, đã làm cho người chết cực kì đau đớn, nên sau đó đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, tạo cơ sở cho các công ước về chiến tranh hóa học và sinh học trong tương lai. Nhiều quy tắc của truyền thống chiến tranh chính nghĩa được mở rộng ra và được quy định trong bốn Công ước Genève 1949 và hai nghị định thư bổ sung được kí vào năm 1977. Những công ước và nghị định thư này được thiết kế nhằm bảo vệ thường dân, tù binh và thương binh, cũng như cấm một số biện pháp cụ thể của chiến tranh và một số vũ khí gây ra những đau khổ không đáng có.

Chiến tranh chính nghĩathông lệ vẫn  đang phát triển. Các cuộc tranh luận trong giai đoạn hiện nay chủ yếu xoay quanh câu hỏi những công nghệ giết người mới hơn - vũ khí hạt nhân, mìn, bom chùm, vũ khí nhiệt áp (fuel air explosives) và đặc biệt là máy bay không người lái tấn công - ảnh hưởng như thế nào tới đánh giá của chúng ta về hành vi đạo đức và luân lí trong chiến tranh. Quan tâm chính của các lí thuyết gia về chiến tranh chính nghĩa là sự kiện một số tiến bộ công nghệ làm cho khái niệm miễn trừ của người không tham gia chiến đấu, tức là bảo vệ tất cả thường dân, những người không cầm vũ khí và tù binh chiến tranh, và những đối tượng khác, trở thành rất khó khăn. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân được xem là vấn đề đáng quan tâm khi nói tới chiến tranh chính nghĩa vì hai lý do. Thứ nhất, như đã nhận xét bên trên, khác với hầu hết các loại vũ khí thông thường, không thể hạn chế tác động phá hủy của vũ khí hạt nhân trong thời gian và không gian. Mặc dù 110.000 người Nhật đã bị giết chỉ trong vài giờ sau vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, chính phủ Nhật Bản ước tính tổng số người thiệt mạng trực tiếp do vụ đánh bom, tính đến hôm nay, là hơn 250.000. Thứ hai, tiềm năng hủy diệt của vũ khí nhiệt hạch hiện nay đơn giản là vô tiền khoáng hậu. Không ai có thể nói chắc chắn việc tấn công và đáp trả bằng loại vũ khí này, dù đã được kiềm chế, sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với hệ sinh thái toàn cầu. Một cuộc tấn công và đáp trả tổng lực, trong đó hàng trăm vũ khí như thế được kích nổ một cách có chủ ý, có thể tiêu diệt hoàn toàn đời sống trên trái đất (có thể côn trùng sẽ còn sót lại), có thể phá hủy bầu khí quyển, hoặc đẩy trái đất vào “mùa đông hạt nhân” kéo dài. Như vậy, sự tương xứng giữa phương tiện và mục đích, trụ cột thứ hai của lí thuyết về chiến tranh chính nghĩa, bị vi phạm.

Các loại vũ khí khác cùng “bản chất sát thương không phân biệt” cũng bị lí thuyết về chiến tranh không chính nghĩa phê phán quyết liệt. Hai loại được chú ý đặc biệt, là mìn sát thương và bom chùm. Mặc dù ban đầu mìn bị coi là vũ khí hợp pháp, Chiến dịch quốc tế chống mìn sát thương (International Campaign to Ban Landmines - ICBL) đã thành công trong việc làm thay đổi nhận thức về những loại vũ khí này bằng cách nhấn mạnh – như với các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác - về khả năng gây thương vong, không hề phân biệt đối tượng. Liên minh chống bom chùm (Cluster Munitions Coalition) - liên minh của các tổ chức phi chính phủ hiện diện ở hơn 100 quốc gia - cũng áp dụng cách tiếp cận và phương pháp hoạt động vừa nói. Năm 2008, Công ước về Bom chùm (Convention on Cluster Munitions) đã được kí kết. Công ước này cấm sử dụng các loại vũ khí có khả năng cao trong việc giết và làm bị thương những người không chiến đấu và cung cấp những biện pháp hỗ trợ cho việc giúp đỡ nạn nhân và xử lý vũ khí còn sót lại.

Các chiến dịch chống sử dụng mìn sát thương và bom chùm phản ánh áp lực ngày càng tăng nhằm hạn chế hoặc loại bỏ việc sử dụng các loại vũ khí và biện pháp tiến hành chiến tranh khác nhau cho phù hợp với các quy tắc của chiến tranh chính nghĩa. Những người theo phái kiến tạo có thể nói một cách chính đáng về quyền lực của các chuẩn mực và quá trình xã hội hóa các chuẩn mực đối với việc thay đổi hành vi (và bản sắc) của cả nhà nước và những tác nhân phi nhà nước trong vấn đề này. Ví dụ, từ năm 2001, chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã tìm kiếm hướng dẫn về việc liệu một số kĩ thuật thẩm vấn – cụ thể là trấn nước (Waterboarding), trong đó nghi phạm gần như bị nghạt thở liên tục trong khi bị thẩm vấn – có phải là “tra tấn” hay không. Nếu trấn nước là tra tấn thì nó sẽ là bất hợp pháp, ngay cả trong cuộc chiến chống khủng bố. Sau khi được đảm bảo rằng trấn nước không phải là tra tấn, chính quyền của Tổng thống Bush đã đồng ý cho sử dụng trong quá trình thẩm vấn. Cuộc tranh cãi diễn ra ngay sau đó. Hầu hết các chuyên gia về thẩm vấn và pháp lí đều coi trấn nước là kĩ thuật thẩm vấn kém hiệu quả và là hình thức tra tấn. Đề tài này cũng đã được các ứng viên trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ các năm 2011 và 2016 đem ra tranh luận, khi một số ứng cử viên Cộng hòa ủng hộ biện pháp trấn nước và các kỹ thuật mạnhkhác. Những người khác đáp lại rằng trấn nước là tra tấn, và do đó, không thể là biện pháp của người Mỹ.

Một cuộc tranh luận khác, diễn ra trong thời gian gần đây, xung quanh đạo đức và luân lí trong chiến tranh diễn ra xung quanh các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Ban đầu, loại máy bay này được sử dụng để theo dõi hình ảnh và tiếng động trên chiến trường mà không gây rủi ro cho phi công và không sợ bị mất các máy bay đắt tiền. Nhưng từ năm 2001, việc sử dụng máy bay không người lái đã gia tăng nhanh chóng. Nhiều máy bay không người lái trong kho của Mỹ được gắn tên lửa mà những người điều khiển cách xa hàng ngàn dặm vẫn có thể phóng và điều khiển cho bay tới mục tiêu. Từ năm 2004 đến 2015, chỉ riêng ở Pakistan đã có khoảng từ 2.476 đến 3.989 người bị giết và từ 1.158 tới 1.738 người bị thương trong các cuộc không kích bằng máy bay không người lái do CIA tiến hành. Trong số đó, khoảng từ 423 đến 965 người không phải là chiến binh, trong đó có từ 172 đến 207 trẻ em. Ở Yemen và Somalia số người chết do các vụ tấn công bằng máy bay loại này cũng gia tăng.

Có hai câu hỏi chính liên quan đến việc sử dụng máy bay không người lái trong một cuộc chiến tranh chính nghĩa. Thứ nhất, có những biện pháp nào để đảm bảo chắc chắn rằng những kẻ bị coi là mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay loại này thực sự phạm tội khủng bố hoặc gây thiệt hại cho nhân viên đồng minh? Hầu hết những người bị coi là mục tiêu đều không mặc quân phục, họ cũng không phải nhân viên chính thức của nhà nước nào. Qui trình nhận dạng mục tiêu của các cơ quan tình báo Mỹ cũng cần được công bố. Thứ hai, và có liên quan, có thể biện hộ được cho những tác hsố ại do các cuộc tấn công bằng tên lửa không người lái gây ra hay không? Ví dụ, trong các con thống kê về Pakistan bên trên, từ 17% đến 24% người bị giết trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái là những người không phải chiến binh.

 Tranh luận về can thiệp nhân đạo

Không có vấn đề nào xuất phát từ truyền thống chiến tranh chính nghĩa lại bị phê phán hoặc gây tranh cãi nhiều hơn là can thiệp nhân đạo. Truyền thống chiến tranh chính nghĩa khẳng định rằng sự can thiệp quân sự do các quốc gia hoặc cộng đồng quốc tế có thể được biện hộ hoặc thậm chí là phải làm nhằm giảm bớt những vi phạm nhân quyền trên diện rộng. Tuy nhiên, quan đim đó mâu thuẫn trực tiếp với tính chất quan trọng nhất của truyền thống Westphalia - tôn trọng chủ quyền quốc gia. Trong lịch sử, các quốc gia áp dụng can thiệp quân sự nhân danh các lí do nhân đạo một cách có chọn lọc. Thế kỷ XIX, người châu Âu đã sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ các Kitô hữu ở Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông, mặc dù họ không bảo vệ các nhóm tôn giáo khác. Và, các nước châu Âu cũng không can thiệp quân sự nhằm chấm dứt chế độ nô lệ, mặc dù họ cấm công dân của mình tham gia buôn bán nô lệ[24].

Sau Thế chiến II, xuất hiện khái niệm cho rằng tất cả mọi người đều xứng đáng được bảo vệ - chứ không chỉ các nhóm người cụ thể - và các quốc gia có nghĩa vụ phải can thiệp. Ý tưởng này được gọi là trách nhiệm bảo vệ (responsibility to protect - R2P). Ý tưởng là trong những trường hợp vi phạm nhân quyền trên diện rộng, khi các biện pháp khắc phục ở trong nước đã không còn và những hành động của các quốc gia khác có thể chấm dứt ở mức độ nào đó những vụ vi phạm thì các quốc gia này có trách nhiệm can thiệp vào các vấn đề nội bộ của quốc gia đang xảy ra những vụ vi phạm. Như hai quan chức Liên Hợp Quốc đã nói, cách làm như thế “đánh dấu sự xuất hiện của thời đại bắt buộc phải có hành động trước các hành vi vi phạm nhân quyền, cao hơn thành lũy của chủ quyền quốc gia”[25]. Mặc dù ý kiến này xuất hiện giữa thế kỷ XX, nó đã giành được vị trí nổi bật trong những năm 1990, tức là sau các cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Somalia và Rwanda, và sau đó là những vụ giết người, hiếp dâm và tàn phá trên diện rộng ở Darfur, Sudan (2003-2005). Thời gian gần đây, năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã viện dẫn một phiên bản của R2P nhằm biện minh cho việc sáp nhập Crimea. Putin khẳng định rằng can thiệp quân sự là một phần trách nhiệm của Nga, nhằm bảo vệ cuộc sống và tài sản của người sắc tộc Nga ở Crimea và những khu vực khác ở Đông Ukraine.

Phía sau những tiêu đề báo chí

 Những thỏa hiệp đầy khó khăn về máy bay không người lái

 Sau cuộc tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11 tháng 9 năm 2001, Al Qaeda đã trở thành mục tiêu của những nỗ lực có phối hợp của Mỹ và các đồng minh của nước này nhằm tiêu diệt hoặc làm tan rã hàng ngũ của nó, chủ yếu bằng cách tìm và diệt các thủ lĩnh của Al Qaeda. Năm 2011, Osama Bin Laden, người lãnh đạo nổi tiếng nhất đồng thời cũng là kiến trúc sư trưởng của Al Qaeda, đã bị giết trong một cuộc đột kích do lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiến hành ở Abbottabad, Pakistan. Nhưng, tương tự như bất kỳ tổ chức bị dồn vào đường cùng nào khác, Al Qaeda và các nhóm liên kết với nó đã phản ứng bằng cách cải tiến quá trình lập kế hoạch và hoạt động và áp dụng những biện pháp nhằm tránh bị phát hiện và tấn công. Chiến thuật chính là phân cấp lãnh đạo và phân tán lực lượng, hoặc là tới các quốc gia quá yếu, không đủ sức bắt giữ các thành viên của Al Qaeda, hoặc các quốc gia thù địch với Mỹ và các đồng minh của nước này. Khi những vụ can thiệp quân sự của lực lượng mặt đất của Mỹ ở các quốc gia này dường như quá tốn kém hoặc phản tác dụng, những nước như Mỹ phải tính đến những phương tiện tự vệ nào?

 

Một trong những câu trả lời được thể hiện rõ trên đầu đề bài báo “4 nhà lãnh đạo Al Qaeda ở Yemen bị giết trong vụ tấn công mà người ta ngờ rằng do máy bay không người lái của Mỹ thực hiện”a. Máy bay không người lái là phương tiện ít tốn kém hơn và hiệu quả hơn, giúp các nhà lãnh đạo Mỹ đánh phá hoặc làm tan rã các nhóm khủng bố mà không cần đưa quân Mỹ đến những khu vực nguy hiểm. Chi phí cho việc đưa máy bay loại này bay trên khu vực mục tiêu ít tốn kém hơn hẳn so với triển khai một ít quân thuộc lực lượng đặc nhiệm Mỹ, ví dụ SEAL của Hải quân hoặc Delta. Các mục tiêu bị hạ sát ở những nơi như Yemen, Somalia, Libya, Syria, Afghanistan và Pakistan được cho là đi kèm với những thiệt hại gây ra cho thường dân là chấp nhận được. Can thiệp vũ trang vào những nước này sẽ tốn kém hoặc không thực hiện được. Những người ban hành quyết định của Mỹ luôn luôn ghi nhớ kinh nghiệm của họ trong các năm 2001-2013 rằng, các lực lượng vũ trang đồng minh đã chiến đấu ở Afghanistan nhằm đánh bại một loạt kẻ thù được coi là “cực đoan”, với chi phí quá lớn và mà hiệu quả chung cuộc lại rất ít.

 

Chú thích ảnh: Bức tranh tường ở Sana'a, Yemen, mô tả sự phẫn nộ trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ và kêu gọi mọi người chú ý đến cách giải thích của xã hội về “mục tiêu” và “bọn khủng bố”. Một bé trai hay gái phản đối sự can thiệp của Mỹ, lên kế hoạch hay có hành động bạo lực nhằm chống lại sự can thiệp của Mỹ thường trở thành mục tiêu của Mỹ, trong khi gia đình các trẻ em này có thể coi họ là nạn nhân cuộc xâm lăng thực dân hay thậm chí là xâm lăng tôn giáo.

 

 dù máy bay không người lái có thể là hiệu quả và tương đối rẻ, nhưng sử dụng chúng để tiêu diệt các nhà lãnh đạo cực đoan hoặc các mục tiêu có giá trị cao khác mắc phải một số vấn đề. Vũ khí mà hầu hết các máy bay này sử dụng trong các cuộc tấn công không diệt được mục tiêu mà không ảnh hưởng đến người khác. Đó là, các nhà lãnh đạo mà nó nhắm tới thường được phát hiện khi họ trong nhà của mình, hoặc đang đứng giữa những đứa trẻ, người già hoặc những công dân bình thường, những người này cũng có thể bị giết. Những người sống sót sẽ khó có thể quên hoặc tha thứ cho những kẻ đã giết con họ, ngay cả khi đấy không phải là những vụ giết người có chủ ý. Các tài liệu được giải mật của Không quân Mỹ và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), hai tổ chức thường dùng máy bay không người lái vũ trang nhằm tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao, cho thấy “không phải lúc nào họ cũng biết mình đang giết ai, mà chỉ đưa ra dự đoán tốt nhất, mặc dù không hoàn hảo”b. Lời thừa nhận, cùng những thiệt hại của thường dân, đã dẫn đến những lời phê phán gay gắt và dai dẳng đối với việc sử dụng máy bay không người lái vũ trang, nhất là trong thế giới Hồi giáo. Và đấy có thể là lí do vì sao ở khắp mọi nơi, trừ Yemen, người ta bắt đầu ít sử dụng chúng nhằm tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao.

 

Nhiều quốc gia - trong đó có cả những quốc gia không thân thiện với Mỹ và các đồng minh của Mỹ - đang theo đuổi các chương trình phát triển máy bay không người lái. Chẳng bao lâu nữa, các quốc gia này có thể coi các nghệ sĩ, những người bất đồng chính kiến, hoặc thậm chí là kiều dân sống ở các nước phương Tây mà họ coi là cực đoan là mục tiêu của loại máy bay này. Thiệt hai của thường dân chắc là sẽ có. Lúc đó, những quốc gia mà lãnh thổ bị người ta xâm phạm và đồng minh của họ trên trường quốc tế sẽ phải xây dựng luật và kí kết các hiệp ước mới nhằm đối phó với khả năng công nghệ mới trong việc quan sát, đưa vào tầm ngắm và cuối cùng giết chết những người và nhóm người bằng máy bay không người lái vũ trang cách đó hàng ngàn dặm.

 

 Câu hỏi dành cho phân tích phê phán

Mỹ dữ dội không chỉ ở các quốc gia Hồi giáo, mà cả ở Châu Âu. Việc sử dụng chúng “có tương xứng” với giá phải trả hay là không?

2. Tại sao Mỹ lại hay sử dụng máy bay không người lái? Bạn ủng hộ hay phản đối việc tiếp tục tấn công bằng loại máy bay này?

3. Máy bay không người lái vũ trang giống các vũ khí khác ở chỗ nào? Khác ở chỗ nào?

a. “4 Yemen Al Qaeda leaders killed in suspected US drone strike,” Associated Press, May 12, 2015.

b. Scott Shane, “Drone Strikes Reveal Uncomfortable Truth: U.S. Is Often Unsure About Who Will Die,” New York Times, April 23, 2015.

 

Vẫn còn những câu hỏi về trách nhiệm bảo vệ (R2P). Vi phạm nhân quyền đến mức nào thì đủsức biện minh cho can thiệp? Hiệp ước Geneva xác định “diệt chủng” không phải là bao nhiêu người bị giết, mà là ý định giết cả một nhóm người. Ai là người quyết định khi nào thì đáp trả những vụ vi phạm? Một số quốc gia có thể lợi dụng can thiệp nhân đạo như cái cớ nhằm giành được những mục tiêu khác, không nhân đạo bằng? Các quốc gia phải có nghĩa vụ can thiệp quân sự khi xảy ra những trường hợp khẩn cấp về nhân đạo? Tại sao một vụ can thiệp được biện minh (ví dụ, Kosovo và Libya), trong khi những vụ khác, trong đó vi phạm tàn bạo không kém (ví dụ, Rwanda và Syria), lại bị lờ đi? Các quan chức Liên Hợp Quốc vừa nhắc tới bên trên còn cảnh báo, can thiệp quân sự thường có thể “không được phê chuẩn về mặt pháp lí, được triển khai có chọn lọc và chỉ đạt được những mục tiêu mơ hồ”[26].

Với kinh nghiệm từ thời thực dân, nhiều quốc gia châu Á và châu Phi nghi ngờ những lời biện hộ đầy những từ ngữ nhân đạo cho sự can thiệp của các nước phương Tây. Các quốc gia khác, như Nga và Trung Quốc, khẳng định rằng để cho lời tuyên bố can thiệp nhân đạo là hợp pháp, thì phải được ủy quyền bởi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - Nga và Trung Quốc nằm trong số cường quốc có quyền phủ quyết. Trên thực tế, các vụ can thiệp nhân đạo thường là đa phương, mặc dù không phải lúc nào cũng được Liên Hợp Quốc ủy quyền. Ví dụ, khi các quốc gia phương Tây tìm cách can thiệp quân sự vào Kosovo - đã thảo luận trong Chương 2 - Nga đã phản đối, vì vậy các cường quốc phương Tây quay sang Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Họ cũng quay sang NATO khi can thiệp vào Libya vì làm thế là có lợi cho chiến dịch.

Các quốc gia đã ủng hộ những vụ can thiệp nhân đạo trong quá khứ không phải lúc nào cũng ủng hộ những vụ can thiệp trong tương lai. Chính sách thay đổi có thể vì nhiều lý do, trong đó có nhận thức về thành công hay thất bại của các sứ mệnh trước đó, cũng như tính chất của các lợi ích khác bị đem ra đặt cược trong cuộc xung đột. Ví dụ, do thất bại nhục nhã ở Somalia, năm 1993, năm 1994, Mỹ (và Liên Hợp Quốc) đã phản đối sử dụng quân đội nhằm bảo vệ thường dân ở Rwanda, mặc dù có bằng chứng rõ ràng về nạn diệt chủng. Tương tự, ban đầu chỉ có lực lượng quân sự tương đối nhỏ của Liên minh châu Phi (AU) được đưa đến khu vực Darfur, mặc dù đã có 300.000 người bị giết và bằng chứng chính phủ Sudan phạm tội là rõ ràng. Trong vụ Darfur, các lợi ích quốc gia khác được coi là quan trọng hơn ủng hộ can thiệp nhân đạo: Trung Quốc muốn tiếp cận với dầu mỏ của Sudan; Nga quan tâm đến thị trường vũ khí xuất khẩu; Mỹ dính líu với Iraq và cuộc chiến chống khủng bố. Tháng 5 năm 2012, một vụ thảm sát phụ nữ, trẻ em và thậm chí cả trẻ sơ sinh do lực lượng an ninh của Bash Bashar al Assad, Syria, tiến hành ở làng Taldou đã làm cả thế giới phẫn nộ, nhưng Trung Quốc và Nga phản đối Liên Hợp Quốc ủy quyền can thiệp bằng quân sự. Hai nước này tuyên bố khẳng định rằng bất kì sự can thiệp nào của nước ngoài sẽ chỉ làm cho tình hình ở Syria và khu vực trở nên xấu đi. Quan điểm của Nga và Trung Quốc về can thiệp cuối cùng đã không ngăn chặn được vụ can thiệp của lực lượng quân sự quốc tế vào cuộc nội chiến ở Syria (từ năm 2012 cho đến nay). Kết quả này có thể là lí do vì sao sau đó Nga quyết định rằng can thiệp quân sự của chính họ vào Syria là điều kiện cần và chính đáng nhằm chấm dứt tình trạng hỗn loạn do vụ can thiệp của Mỹ và đồng minh gây ra.

Vì vậy, mặc dù ủng R2P là quy tắc rõ ràng, nó vẫn là chủ đề đang được người ta tranh cãi. Vì các quốc gia không can thiệp vào tất cả các trường hợp khẩn cấp về mặt nhân đạo, chủ quyền quốc gia vẫn không sứt mẻ. Nhưng khi nhiều vụ vi phạm quyền con người đã trở thành hiển nhiên và khi can thiệp quân sự không mâu thuẫn với các quyền lợi quốc gia khác, các quốc gia ngày càng coi can thiệp nhân đạo là biện pháp sử dụng vũ lực chính đáng.

 Những quan điểm đối chọi nhau về quản lí tình trạng mất an ninh

Tình trạng chênh lệch quyền lực giữa các quốc gia, việc không thể nào biết được ý định của các quốc gia cũng như ý định của các cá nhân và việc không có cơ quan quốc tế bao trùm có nghĩa là các quốc gia - ngay cả những quốc gia đầy quyền lực – cũng thường xuyên đối mặt với nhu cầu quản lí tình trạng mất an ninh của mình.

Trong nền chính trị thế giới, có bốn cách tiếp cận đối với quản lí tình trạng mất an ninh đã được đem ra thử thách. Hai cách tiếp cận phản ánh tư duy của phái hiện thực, đòi hỏi từng quốc gia phải giữ được quyền lực phù hợp. Hai các cách tiếp cận khác phản ánh quan điểm lí thuyết của phái tự do và do đó, tập trung chủ yếu vào phản ứng đa phương của các nhóm quốc gia, khi các nước này hành động nhằm phối hợp chính sách của mình. Những người theo phái hiện thực và phái tự do ủng hộ các phản ứng chính sách khác nhau trước việc phổ biến vũ khí,  trước thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh  do nó gây ra và quản lí tình trạng mất an ninh nói chung, được thể hiện trên Bảng 8.3, trang 300.

 Cách tiếp cận của phái hiện thực: Cân bằng quyền lực và răn đe

Các biện pháp quản lí tình trạng mất an ninh của những người theo phái hiện thực xuất phát từ thực tế là, đối với họ, chiến tranh là điều kiện cần trong quan hệ chính trị giữa các quốc gia: Có thể quản lí nhưng không bao giờ xóa bỏ được. Những người theo phái hiện thực, từ Thucydides tới Machiavelli, Hobbes, Hans Morgenthau, đều khẳng định rằng bản chất con người làm cho việc thoát khỏi chiến tranh là không thể xảy ra được. Những người theo phái tân hiện thực không còn nhấn mạnh vào bản chất của con người mà nhấn mạnh vào cơ cấu, khi khẳng định rằng, còn tình trạng vô chính phủ thì chiến tranh vẫn sẽ là đặc điểm thường trực trong nền chính trị giữa các quốc gia. Phát biểu này ít nhất cũng gián tiếp nói tới khả năng là các quốc gia có thể thoát khỏi chiến tranh nếu một quốc gia duy nhất có thể tích lũy được quyền lực đủ sức đánh bại tất cả các quốc gia khác. Vì khả năng này là quá xa vời, những người theo phái tân hiện thực cũng có thái độ bi quan tương tự như những người theo phái hiện thực cổ điển: Chiến tranh là đặc điểm nổi bật trong nền chính trị giữa các quốc gia - không bao giờ có thể vượt qua được.

Quan điểm toàn cầu

 

Xung đột ở Ukraine, năm 2014: Nhìn từ nước Nga

 Sau khi Vladimir Putin lên làm Tổng thống Liên bang Nga, năm 2000, một lần nữa, nước Nga lại hành động phù hợp với kì vọng của phái hiện thực, khẳng định quyền lợi dân tộc của mình bằng cách bảo vệ người dân Nga trong các lân bang, tái khẳng định quyền lực và uy tín của Liên bang Nga sau khi Liên Xô tan rã. 

Sau nhiều tuần lễ phản đối ban lãnh đạo tham nhũng và thiếu hiệu quả của tổng thống Ukraine, Viktor Yanukovich, và về việc ông ta ra lệnh đình chỉ Thỏa thuận Hiệp hội Liên minh Ukraine-Châu Âu (Ukraine-European Union Association Agreement), các cuộc đối đầu đầy bạo lực đã nổ ra giữa lực lượng an ninh của chính phủ và người biểu tình Ukraine. Sau năm ngày, đỉnh điểm của những cuộc đụng độ dữ dội là Yanukovich bị lật đổ và phải bay sang Nga. Trong những tuần sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin không chịu công nhận chính phủ lâm thời Ukraine. Rồi hàng ngàn binh sĩ rõ ràng là đã được huấn luyện, mặc quân phục nhưng không có phù hiệu quốc gia bắt đầu tràn vào miền Đông Ukraine và Crimea. Ngày 23 tháng 2, các cuộc biểu tình thân Nga “tự phát” nổ ra ở thành phố Sevastopol và ngày 27 tháng 2, binh sĩ tràn vào chiếm lĩnh các vị quan trọng trên khắp bán đảo Crimea. Ngay sau đó là cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, dân chúng bỏ phiếu đòi độc lập với tỉ lệ khá cao. Trong thỉnh nguyện thư tiếp theo, bán đảo Crimea vừa giành được độc lập đã gia nhập Liên bang Nga. 

Crimea đã liên kết với Nga trong thời gian khá dài; bắt đầu từ năm 1802, bán đảo này đã do một toàn quyền người Nga cai trị. Sau cuộc cách mạng năm 1917, Crimea nằm dưới quyền tài phán của Moskva. Nhưng vì có những quan hệ kinh tế và văn hóa chặt chẽ với nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Ukraine - cũng nằm trong thành phần của Liên Xô – năm 1954, Crimea được chuyển giao cho Ukraine. Năm 1991, khi Ukraine giành được độc lập, Crimea trở thành khu tự trị thuộc Ukraine – cho đến khi bị chuyển ngược lại, sang Cộng hòa Liên bang Nga vào năm 2014. Đối với 84% người nói tiếng Nga ở Crimea, đây là sự trở về quê cha đất tổ của mình. Bảo vệ kiều dân sống trong lãnh thổ nước khác là trách nhiệm của tất cả các quốc gia. Do đó, hành động của Nga ở Crimea và Đông Ukraine nhằm bảo vệ 17% người dân tộc thiểu số Nga ở Ukraine, chủ yếu nằm ở khu vực phía đông, là phù hợp. 

Lo lắng của Nga về việc bảo vệ các đường biên giới của mình là sự tiếp tục hợp logic của lịch sử nước này. Nga đã bị những đội quân từ Tây Âu xâm chiếm nhiều lần - mỗi lần đều bị mất rất nhiều người và tài sản. Sau Thế chiến II, Liên Xô kí kết thành lập Hiệp ước Warsaw với các quốc gia ở Trung Âu nhằm tạo ra vùng đệm giữa Tây Âu và Liên Xô, làm cho việc xâm chiếm Liên Xô trở thành khó khăn hơn. Liên Xô cũng duy trì lực lượng quân sự mạnh mẽ ở Đông Đức và các quốc gia Đông Âu khác. Các nhà lãnh đạo Nga tiếp tục tin tưởng tuyệt đối rằng các quốc gia phương Tây chưa bao giờ từ bỏ ý định xâm lược Nga và dựng lên ở đây “chính phủ tự do theo kiểu phương Tây”. Vì vậy, ngay cả trong thời kì đầu tiên theo sau Chiến tranh Lạnh, Nga vẫn giữ hàng trăm ngàn quân ở các quốc gia tham gia Hiệp ước Warsaw chủ yếu là do lo lắng về khả năng bị xâm lược. 

Trong những năm 1990, nước Ukraine độc lập và trung lập đã thiết lập quan hệ đối tác với Nga và các nước thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG hay theo tiếng Anh là CIS – các quốc gia thuộc Liên Xô cũ – ND). Nước này cũng thiết lập quan hệ với NATO và Liên minh châu Âu. Đối với Nga, cả hai tổ chức này đều tạo ra đe dọa. Trong mắt Nga, sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, NATO đã trở thành liên minh quân sự không cần thiết. Tại sao NATO không tự giải thể như Hiệp ước Warsaw đã làm? Có lẽ, Nga lập luận, NATO có ý định mở rộng liên minh quân sự đến sát biên giới cũa mình. EU cũng thế. Có phải mục đích của EU ngày càng mở rộng là chia rẽ về kinh tế giữa Nga và các lân bang? Nếu các lân bang như Ukraine xích lại gần hơn với phương Tây và có sức mạnh kinh tế và quân sự và các chính phủ được lòng dân thì chính Nga sẽ bị đe dọa. Quân đội Nga ở miền Đông Ukraine, cùng với những người gốc Nga chống chính phủ Ukraine, là thông điệp rõ ràng rằng gần gũi hơn với phương Tây là không thể chấp nhận được. 

Tại sao phương Tây vẫn không hiểu giới hạn của những việc làm mà nước Nga có thể dung thứ trên vùng biên giới của họ? Năm 2008, các lực lượng vũ trang Nga đã chiếm Nam Ossetia và đụng độ với các lực lượng vũ trang Georgia, một đối tác mới của NATO. Quân đội Georgia đã bị đánh tan. Người Nga có tất cả lí do để nghĩ rằng hành động này là đủ để phương Tây ghi nhận rằng nước này sẽ không chấp nhận cho NATO bành trướng. Nhưng việc mở rộng NATO vẫn được tiếp tục không ngừng nghỉ: Từ năm 1999 đến năm 2009, NATO đã chấp nhận thêm 12 quốc gia thành viên mới và hiện có tổng cộng 28 thành viên. 

Sau khi Liên Xô tan rã, người dân Nga đã trải qua giai đoạn điều chỉnh kinh tế đầy đau đớn. Dân chúng vật lộn, nhà nước vật lộn. Vladimir Putin có sức hấp dẫn một phần là do - với tư cách là nhà lãnh đạo - ông ta tin rằng có thể khôi phục được quyền lực và ảnh hưởng của nước Nga. Được giá xăng dầu cao trong giai đoạn chuyển giao thế kỉ hậu thuẫn, Putin thu hút được sự ủng hộ của dân chúng bằng cách xây dựng lại nền kinh tế và tái khẳng định vai trò của Nga trên trường quốc tế. Hầu hết người Nga hiện nay đều cảm thấy rằng, trong các vấn đề quốc tế, Nga không được người ta tôn trọng như nước này xứng đáng được hưởng. Sử dụng vũ lực có thể là điều kiện cần để được tôn trọng như một siêu cường. Việc Tổng thống Putin đưa các lực lượng vũ trang tới Ukraine và sau đó, năm 2015, tới Syria nhắm tới các mục đích kép: Tăng cường an ninh về mặt địa chính trị của nước Nga và khẳng định lại uy tín của Nga trên toàn thế giới. 

Chú thích ảnh: Xe tăng do Nga sản xuất, nhưng không có phù hiệu Nga, trên đường tới Crimea. Sau vụ trưng cầu dân ý ở Crimea, Nga đã sáp nhập khu vực này. Liên Hợp Quốc lên án vụ bỏ phiếu này, cho rằng nó không có giá trị.

 

Câu hỏi cho phân tích phê phán

1. Tại sao phương Tây không phản ứng bằng lực lượng quân sự khi Crimea gia nhập Liên bang Nga?

2. Tình hình ở Crimea khác với Đông Ukraine như thế nào?

3. Cả Ukraine lẫn Nga đều bị thúc đẩy bởi các yếu tố trên bình diện quốc nội trong khi hành động trên trường quốc tế. Hãy giải thích.

 

 

 

 

 

Bảng 8                                                            Những cách tiếp cận với quản lí an ninh

 

Phái hiện thực

Phái tự do

Cách tiếp cận

Dựa vào vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để quản lí quyền lực

Các thiết chế quốc tế phối hợp hành động để quản lí quyền lực

Chính sách

Cân bằng quyền lực, răn đe

An ninh tập thể, tự do hóa thương mại, kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị.

 

Một trong những khái niệm quan trọng có tính nền tảng của chủ nghĩa hiện thực là tình trạng tiến thoái lưỡng nan của tù nhân (xem Chương 3), xung đột lợi ích được xử lí bằng cách các tác nhân duy lí quyết định làm hại nhau, coi đấy là chiến lược tốt nhất nhằm tránh kết cục tồi tệ hơn. Một khái niệm quan trọng khác là thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh, trong đó, ngay cả các tác nhân không có lòng hận thù hay cố ý gây hấn cũng có thể bị tình trạng bất an của chính mình lôi kéo vào cuộc chạy đua vũ trang đầy rủi ro và tốn kém. Như nhà chính trị học John Herz viết: “Trong khi tìm cách bảo đảm an ninh, để không bị tấn công, [các quốc gia] ngày càng muốn có nhiều quyển lực hơn nhằm thoát khỏi quyền lực của quốc gia khác. Điều này, đến lượt nó, lại làm cho những quốc gia khác cảm thấy bất an hơn và buộc họ phải chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất. Vì, không quốc gia nào có thể cảm thấy hoàn toàn an toàn trong thế giới của các quốc gia cạnh tranh với nhau như thế, từ đó sinh ra cạnh tranh về quyền lực và vòng luẩn quẩn của an ninh và tích lũy quyền lực cứ liên tục diễn ra”[27]. Như vậy, thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh dẫn đến tình trạng căng thẳng và xung đột quyền lực thường xuyên giữa các quốc gia, ngay cả khi không có nước nào thực sự tìm cách chinh phục và gây chiến.

Mặc dù chính chủ nghĩa hiện thực coi chiến tranh trong phạm vi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau là đặc điểm lâu dài của nền chính trị quốc tế, nhưng những người theo phái này còn nhấn mạnh luận cứ quan trọng về biện pháp giảm tần suất và cường độ, nếu xảy ra chiến tranh. Quan trọng nhất là cân bằng quyền lực. Logic cốt lõi của cân bằng quyền lực rất đơn giản: Khi quyền lực không cân bằng với nhau, các tác nhân có nhiều sức mạnh hơn sẽ muốn sử dụng lợi thế của mình nhằm giành được nhiều quyền lực hơn nữa. Mất cân bằng càng lớn, thì cám dỗ sẽ càng lớn. Đấy là do, đối với bên có nhiều quyền lực hơn, chi phí và rủi ro mà chiến tranh mang lại dường như thấp hơn so với lợi ích tiềm tàng, và do đó, làm cho chiến tranh trở thành chiến lược hợp lí. Nhưng khi các quốc gia hung hăng, không an toàn hay tham lam đứng trước những quốc gia có quyền lực ngang với mình thì họ sẽ lưỡng lự trong việc gây chiến vì chi phí cho chiến tranh có nhiều khả năng là sẽ lớn hơn lợi ích mà họ kì vọng. Do đó, logic của chủ nghĩa hiện thực giải thích phần lớn những sự kiện mà chúng ta quan sát được trong nền chính trị quốc tế. Nó có thể cho ta bản hướng dẫn hiệu quả cho việc lập chính sách nhằm duy trì hiện trạng, không có chiến tranh. Tuy nhiên, các chiến lược quản lý an ninh của phái hiện thực dựa trên ý tưởng là các bên kình địch  cùng chung định nghĩa chi phí và lợi ích của chiến tranh và rằng họ gán các giá trị gần bằng nhau cho cả chi phí và lợi ích. Khi họ không làm như thế, chiến lược quản lí an ninh của phái hiện thực có thể dễ dàng trở thành sai lệch đi, làm cho chiến tranh dễ xảy ra hơn và tàn phá mạnh hơn, chứ không phải ngược lại.

Cân bằng quyền lực

Trong Chương 4, chúng ta đã thấy cân bằng quyền lực là dạng đặc biệt của hệ thống quốc tế đa cực. Nhưng các lí thuyết gia cũng sử dụng các thuật ngữ này theo những cách khác nữa. Vì vậy, cân bằng quyền lực có thể đề cập đến cân bằng giữa hai bên bất kì và giữ cho quyền lực cân bằng có thể coi là cách tiếp cận trong việc quản lí quyền lực và tình trng không an toàn. Chúng ta sẽ bàn tới cách sử dụng thuật ngữ theo cách thứ hai.

Các lí thuyết gia về cân bằng quyền lực cho rằng muốn quản lí tình trạng không an toàn, các quốc gia phải có những đánh giá duy lí và có tính toán về chi phí và lợi ích của các chính sách quyết định vai trò của quốc gia trong cán cân quyền lực. Tất cả các quốc gia trong hệ thống đều liên tục đưa ra các lựa chọn nhằm giữ vững vị trí của mình trước kẻ thù, và do đó, giữ vững được cân bằng quyền lực. Khi cân bằng quyền lực bị đe dọa, như đã từng xảy ra khi quyền lực của Đức tăng lên trong những năm đầu 1900, tình trạng mất an ninh làm cho các quốc gia phải tìm kiếm đồng minh hay chính sách đủ sức đương đầu với quyền lực đang lên[28]. Gần đây hơn, tháng 10 năm 2015, Mỹ đưa tàu chiến đi vào khu vực cách một hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc trong quần đảo Trường Sa nhằm thể hiện cam kết đang có hiệu lực của nước này với các nguyên tắc của Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS), và, đồng thời, trấn an các đồng minh của Mỹ như Philippines và Nhật Bản rằng Mỹ sẽ không cho phép những đòi hỏi đơn phương về lãnh thổ hoặc tước quyền đi lại tự do qua vùng biển đang bị tranh chấp này, hoặc các đòi hỏi đơn phương đối với khoáng sản được cho là nằm dưới đáy biển gần đó. Trong bối cảnh này, Mỹ đang tìm cách thiết lập cân bằng trước quyền lực đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương bằng cách ủng hộ giữ nguyên hiện trạng và nguyên tắc nói rằng tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán đa phương.

Liên minh là công cụ mang tính thiết chế quan trọng nhất nhằm củng cố an ninh của mỗi quốc gia và cân bằng quyền lực tiềm tàng mà người ta cho là đối thủ của mình đang có. Nếu quốc gia đang bành trướng dường như đã sẵn sàng giành vị trí thống trị, thì các quốc gia bị đe dọa có thể liên minh với các nước khác nhằm chống quốc gia đang bành trướng kia. Hành động này được gọi là cân bằng bên ngoài. Các liên minh quân sự chính thức và được thiết chế hóa có vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng quyền lực, như các liên minh NATO và Warsaw đã làm sau Thế chiến II. Các quốc gia cũng có thể thực hiện cân bằng bên trong, tức là tăng cường khả năng quân sự và kinh tế của chính mình để có thể chống lại kẻ thù tiềm tàng.

Cân bằng quyền lực có thể được áp dụng ở cả cấp quốc tế lẫn cấp khu vực. Ở cấp quốc tế, trong thời kì Chiến tranh Lạnh, ví dụ, Mỹ và Liên Xô giữ cân bằng tương đối về quyền lực. Nếu một trong hai siêu cường này gia tăng quyền lực của mình bằng cách mở rộng các liên minh hoặc mua các vũ khí có khả năng giết nhiều người hơn, hiệu quả hơn, thì siêu cường kia phản ứng bằng những biện pháp tương tự. Lợi thế tuyệt đối không quan trọng bằng lợi thế tương đối; dù quyền lực toàn bộ mà một quốc gia tích lũy được là bao nhiêu, thì cũng không có quốc gia nào chịu chấp nhận lẽo đẽo theo sau quốc gia kia. Lôi kéo được đồng minh trong số các quốc gia không liên kết trong các nước đang phát triển thông qua các khoản viện trợ hoặc can thiệp bằng quân sự và ngoại giao là một cách để đảm bảo rằng họ giữ được cân bằng quyền lực. Không duy trì cân bằng quyền lực là chiến lược quá rủi ro vì cả hai bên đều có xu hướng tin rằng sự sống còn của quốc gia đang bị đe dọa.

Cân bằng quyền lực giữa các quốc gia trong các khu vực địa lí cụ thể cũng là một cách quản lí tình trạng mất an ninh. Ví dụ, ở Nam Á, cân bằng quyền lực duy trì được nền hòa bình đầy căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan – tư duy của những người theo phái tự do cho rằng chính nhờ có của vũ khí hạt nhân mà nền hòa bình giữa hai nước này đã trở nên bền vững hơn. Ở Đông Á, liên minh Nhật Bản với Mỹ tạo ra cân bằng quyền lực với Trung Quốc. Ở Trung Đông, cân bằng quyền lực giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập vẫn tiếp tục. Ở một số khu vực khác, một loạt liên kết cân bằng phức tạp khác đã được xây dựng: Giữa các quốc gia sản xuất dầu mỏ giàu có về kinh tế như Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư và các quốc gia nghèo về kinh tế ở giữa vùng Trung Đông; và giữa các chiến binh Hồi giáo (Iran), các quốc gia ôn hòa (Ai Cập, Tunisia) và bảo thủ (Saudi Arabia). Cùng với việc Liên Xô tan rã, các quốc gia vừa được độc lập ở Trung Á đang vật lộn để giành vị trí trong cán cân quyền lực khu vực mới xuất hiện, trong đó có Nga và Trung Quốc.

Các lí thuyết gia theo phái hiện thực khẳng định rằng làm cho quyền lực cân bằng là kỹ thuật quan trọng nhất trong việc quản lí tình trạng mất an ninh. Nó phù hợp với bản chất của con người và bản chất của nhà nước, nó cũng có nghĩa là hành động nhằm bảo vệ lợi ích của chính mình bằng cách giữ vị trí quyền lực của mình trong tương quan với quyền lực của người khác. Nếu quốc gia nào đó tìm kiếm thế thượng phong bằng cách mua thêm thiết bị quân sự hay tuyển thêm quân hoặc có hành động tấn công, thì theo hệ thống cân-bằng-quyền-lực, chiến tranh chống lại nhà nước đó được coi là chấp nhận được. Nếu tất cả các quốc gia hành động tương tự như thế, cân bằng có thể được duy trì mà không cần chiến tranh.

Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn của cách tiếp cận cân-bằng-quyền-lực là đòi hỏi nói rằng các quốc gia cho rằng có thể hi sinh tình hữu nghị đã được thiết lập với các đồng minh. Theo lí thuyết, khi sức mạnh dịch chuyển thì, để duy trì cân bằng, các liên minh cũng phải dịch chuyển – không cần quan tâm tới tình hữu nghị. Nhưng, như những người theo phái tự do và phái kiến tạo nhận xét, các quốc gia sống trong một hình thức xã hội và chống lại việc bỏ rơi “bạn hữu”, ngay cả khi quyền lực dịch chuyển. Ý tưởng này có thể giải thích vì sao, năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, các đồng minh lâu đời của Mỹ như nước Anh không từ bỏ liên minh với Mỹ, mặc dù tình trạng cân bằng quyền lực lưỡng cực đã sụp đổ.

Hạn chế thứ hai xuất phát từ việc không thể quản lí được tình trạng mất an toàn trong giai đoạn diễn ra những thay đổi nhanh chóng. Tiếp cận theo lối cân-bằng-quyền-lực ủng hộ giữ nguyên hiện trạng. Khi có thay đổi hoặc nếu hiện trạng được coi là không công bằng, các quốc gia khác nên phản ứng như thế nào? Cuối thời Chiến tranh Lạnh, đã có những thay đổi nhanh chóng, ví dụ, Liên Xô tan rã và Hiệp ước Warsaw giải thể. Chiến lược cân-bằng-quyền-lực cho rằng các đồng minh của Mỹ phải sắp xếp lại để lấp đầy chân không quyền lực do sự sụp đổ của Liên Xô tạo ra. Nhưng Mỹ không những không làm như thế mà còn cố gắng - lúc thành công, khi thất bại – dẫn dắt các nước đồng minh vào một loạt cuộc đối đầu leo thang với những quốc gia mà họ coi là “độc tài” và “ủng hộ khủng bố”. Từ năm 2005 trở đi các nước liên minh với Mỹ ở châu Âu bắt đầu chống lại chủ nghĩa bá quyền và chủ nghĩa đơn phương của Mỹ; tuy nhiên, nỗ lực của họ đã bị cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và việc đắc cử của một vị tổng thống thận trọng, Barack Obama, người thích các phương pháp tiếp cận đa phương làm gián đoạn.

Răn đe

Mặc dù đã có phần bàn về đề tài răn đe, nhưng chúng ta có thể hiểu nó rõ nhất trong quan hệ với cân bằng quyền lực, như là cơ chế tạo điều kiện cho cân bằng quyền lực thiết lập hòa bình. Ở cấp độ nền tảng nhất, răn đe là sử dụng sự sợ hãi nhằm ngăn chặn hành động không mong muốn. Nếu tôi to con hơn hẳn bạn, tôi có thể nghĩ rằng sợ bị đau hoặc bị giết sẽ làm cho bạn không dám tấn công tôi. Cân bằng quyền lực cũng thế: Khi quyền lực ngang nhau thì người ta cho rằng sợ bị đánh bại trong chiến tranh sẽ làm cho các quốc gia hung hăng không dám tấn công. Ngược lại, khi một quốc gia đang trỗi dậy một cách nhanh chóng đe dọa cán cân quyền lực, niềm tin vào chiến thắng của nó làm cho nó thích gây chiến. Do đó, răn đe là cách mà những nước có quyền lực ngang nhau góp phần làm giảm khả năng xảy ra chiến tranh.

Lý thuyết răn đe cho rằng đe dọa sử dụng vũ lực khả tín có thể ngăn chặn được bạo lực, như chiến tranh. Ví dụ, trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2002, Mỹ thể hiện đe dọa một cách rất rõ ràng đối với những kẻ có thể theo đuổi chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Mỹ viết rằng họ sẽ bảo vệ: “Nước Mỹ, nhân dân Mỹ, bảo vệ lợi ích của chúng ta ở trong và ngoài nước bằng cách tìm và tiêu diệt những mối đe dọa trước khi nó tới biên giới của chúng ta… Khi cần, chúng ta sẽ không do dự hành động một mình nhằm thực hiện quyền tự vệ của mình, bằng những hành động mang tính ngăn chặn nhằm chống lại những kẻ khủng bố, không cho chúng làm hại nhân dân và đất nước chúng ta”[29].

Khởi thủy, lí thuyết răn đe dựa trên một số giả định chính[30]. Trước hết, lí thuyết này cho rằng những người duy lí ban hành quyết định muốn tránh sử dụng chiến tranh trong những tình huống mà chi phí cho cuộc xâm lăng được dự đoán là sẽ cao hơn lợi ích có thể thu được. Thứ hai, lí thuyết này cho rằng vũ khí hạt nhân – loại vũ khí phá hoại đặc biệt mạnh mẽ - tạo ra nguy cơ hủy diệt lẫn nhau, và do đó, những người ra quyết định sẽ không khởi động cuộc xâm lược vũ trang chống lại nhà nước có vũ khí hạt nhân. Thứ ba, lí thuyết này cho rằng, dù vấn đề tranh chấp có là gì thì những người ra quyết định cũng có những lựa chọn thay thế cho chiến tranh.

Muốn rang đe có hiệu quả, các quốc gia phải thành lập các liên minh hoặc xây dựng kho vũ khí để thể hiện rằng đe dọa là khả tín. Thông tin liên quan đến khả năng đe dọa phải được chuyển tới đối thủ. Biết rằng hành động xâm lược sẽ gặp phản ứng mang lại nhiều tổn thất, đối thủ sẽ quyết định không sử dụng vũ lực vì sử dụng vũ lực đồng nghĩa với tàn phá chính xã hội của họ.

Tiêu điểm

Những giả định của thuyết răn đe

- Những người ra quyết định là những người duy lí.

- Khả năng leo thang thành chiến tranh hủy diệt lẫn nhau là cao.

- Có những lựa chọn thay thế cho chiến tranh.

- Nỗ lực răn đe các quốc gia mất an ninh có thể phản tác dụng.

 Xét về mặt logic, dù biện pháp răn đe dường như hơp lý, và có vẻ có hiệu quả như trong thời kì Chiến tranh Lạnh – rút cục, giữa các siêu cường đã không xảy ra bất cứ cuộc chiến tranh hạt nhân nào – chính những giả định làm cơ sở cho chiến lược răn đe lại thường bị người ta nghi ngờ. Có phải tất cả những người ban hành quyết định hàng đầu đều là những người duy lí? Có thể xảy ra việc là người nào hay nhóm người nào có nguy cơ bị hủy diệt khi quyết định tung ra đòn tấn công phủ đầu? Có thể một số quốc gia sẵn sàng hi sinh nhiều người, như Adolf Hitler của nước Đức, Ayatollah Khomeini của Iran và Saddam Hussein của Iraq đã từng sẵn sàng làm trong quá khứ? Làm sao các quốc gia truyền đạt được thông tin về khả năng thực sự của mình tới đối thủ tiềm tàng? Họ có nên truyền đạt hay không? Hay lừa gạt hoặc nói dối thì có lợi hơn? Với các quốc gia không có vũ khí hạt nhân hoặc các quốc gia có vũ khí hạt nhân tung ra cuộc tấn công chống lại quốc gia không có vũ khí hạt nhân, rủi ro của chiến tranh dường như chấp nhận được: Khi xã hội của các quốc gia này không bị đe dọa hủy diệt (như trong hầu hết các cuộc xung đột bất đối xứng), chiến lược răn đe có xác suất cao là sẽ thất bại.

Môi trường an ninh làm cho chiến lược răn đe trong thiên niên kỉ mới thậm chí còn rắc rối hơn. Thứ nhất, chủ nghĩa khủng bố do các tác nhân nằm ngoài nhà nước tiến hành dường như làm giảm khả năng sử dụng chiến lược răn đe. Bởi vì các tác nhân nằm ngoài nhà nước không có lãnh thổ, đe dọa phá hủy lãnh thổ đó trong cuộc tấn công trả đũa có thể không có tác dụng răn đe. Các mạng lưới linh hoạt – như Al Qaeda - trải rộng trên các khu vực địa lí khác nhau, chứ không phải là hệ thống tôn ti trật tự có tổ chức nằm trong một quốc gia cụ thể, khó có th loại bỏ được những mạng lưới này. Một số nhóm ngày càng sẵn sàng sử dụng khủng bố tự sát nhằm đạt cho bằng được mục tiêu của mình làm cho logic của chiến lược răn đe dường như không đứng vững được. Chiến lược răn đe dựa trên tính toán cho rằng các tác nhân duy lí sẽ không bao giờ cố tình hành động nhằm khuyến khích những cuộc trả đũa hao người tốn của, nhưng những kẻ khủng bố tự sát lại sẵn sàng hy sinh mạng sống của chính họ. Vì chết vẫn được coi là giá phải trả cao nhất, khủng bố tự sát dường như đã làm cho chiến lược răn đe trở thành vô nghĩa[31].

Thứ hai, trong môi trường an ninh đã thay đổi, Mỹ có thể tiến tới vị trí dẫn đầu về vũ khí hạt nhân[32]. Lần đầu tiên trong lịch sử hạt nhân, do năng lực hạt nhân của Mỹ (trong đó có khả năng theo dõi tàu ngầm và tên lửa cơ động), khả năng quân sự của Nga suy giảm và tốc độ hiện đại hóa của Trung Quốc còn chậm, Mỹ có thể có khả năng phá hủy kho vũ khí hạt nhân tầm xa của cả Nga lẫn Trung Quốc bằng cú ra đòn đầu tiên. Trên thực tế, Trung Quốc không có máy bay ném bom tầm xa và không có hệ thống cảnh báo sớn. Nếu đúng như thế, khả năng vượt trội vể vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ làm cho các quốc gia khác sợ hãi, không dám tấn công Mỹ, nhưng có thể khuyến khích Mỹ ra đòn tấn công hạt nhân phủ đầu kẻ thù của mình.

Các cách tiếp cận của phái hiện thực trong việc quản lí tình trạng mất an ninh chủ yếu dựa vào sợ hãi, nhưng, như chúng ta đã thấy, họ còn hình dung quyền lực trong các thuật ngữ gần như hoàn toàn vật chất nữa. Trong chừng mực, khi mà các chuẩn mực đang thay đổi, hoặc quyền lực của các tư tưởng gia tăng, làm thay đổi nền chính trị thế giới, liệu cách tiếp cận trong việc quản lí tình trạng mất an ninh của phái này có thể còn tiếp tục có hiệu quả? Nếu tất cả những người theo phái hiện thực đều có vũ khí, thật khó hiểu, làm sao cách tiếp cận của phái này trong việc quản lí tình trạng mất an ninh có thể thành công mà không cần ai giúp đỡ. Biện pháp thay thế của những người theo phái tự do là gì?

Cách tiếp cận của phái tự do: An ninh tập thể và kiểm soát/giải trừ vũ khí

Khác với những người theo phái hiện thực, những người theo phái tự do có lí thuyết mường tượng về thế giới không có chiến tranh. Logic cốt lõi của quan điểm của phái này thừa nhận sự ràng buộc mang tính cơ cấu của tình trạng vô chính phủ và chấp nhận rằng tình trạng mất an ninh quốc gia là ưu tiên cao nhất, coi đó là yếu tố thúc đẩy quan hệ giữa các quốc gia, nhưng khẳng định rằng các quốc gia tìm kiếm quyền lực, trong đó có quyền lực kinh tế, sẽ được tính tư lợi dẫn tới quan hệ hợp tác sâu sắc hơn và rộng rãi hơn với các quốc gia khác, ngay cả khi quan hệ hợp tác bị chiến tranh làm cho gián đoạn. Theo thời gian, quan hệ hợp tác có thể được thiết chế hóa, làm giảm chi phí giao dịch và làm tăng giá phải trả và rủi ro đối với hành vi gian lận. Những người theo phái tự do còn chú ý tới bản chất của hệ thống chính trị của quốc gia, họ khẳng định rằng, trái ngược với quan điểm của phái hiện thực, có những quốc gia tốt thật sự (các quốc gia tự do và cởi mở) và có những quốc gia xấu thật sự (độc đoán và bế quan tỏa cảng). Theo thời gian, phần thưởng mà các quốc gia tốt giành được sẽ tạo ra áp lực và khuyến khích ngày càng nhiều quốc gia xấu trở thành đối tác có trách nhiệm trong hệ thống liên quốc gia. Cuối cùng, các lí thuyết gia thuộc phái tự do khẳng định rằng hòa bình dân chủ cung cấp bằng chứng thực tế đầy sức mạnh cho các luận cứ của họ, bởi vì hầu như không thể đưa ra được ví dụ nào về hai quốc gia dân chủ gây chiến với nhau. Với những nền tảng lí thuyết như thế, các cách tiếp cận của phái tự do đối với quản lí tình trạng mất an ninh kêu gọi cộng đồng quốc tế hoặc các tổ chức quốc tế phối hợp hành động nhằm làm giảm khả năng xảy ra chiến tranh và sự tàn phá của chiến tranh.

Lí tưởng an ninh tập thể

An ninh tập thể được thể hiện rõ trong câu ngạn ngữ xưa cũ: “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Dựa trên giả định rằng hành động dùng vũ lực một cách hung hăng và bất hợp pháp của bất kì quốc gia nào chống lại bất kì quốc gia nào khác cũng đều phải bị ngăn chặn, an ninh tập thể khẳng định rằng hành động xâm lược bất hợp pháp đó phải bị giáng trả bằng hành động chung: Tất cả (hoặc nhiều) quốc gia sẽ đoàn kết chống lại kẻ xâm lược. Những kẻ xâm lược tiềm tàng sẽ biết trước sự kiện này, và do đó, sẽ quyết định không hành động.

 

Tiêu điểm                                                        Giả định của thuyết an ninh tập thể

- Chiến tranh là do các quốc gia hung hăng gây ra.

- Kẻ xâm lược phải bị ngăn chặn.

- Dễ dàng xác định được kẻ xâm lược.

- Xâm lược bao giờ cũng sai.

- Đứng trước đe dọa rằng chắc chắn sẽ gặp phản ứng tập thể, kẻ xâm lược sẽ sợ, không dám thực hiện hành động xâm lược.

 

An ninh tập thể đưa có một số giả định cơ bản[33]. Một là lợi ích chung mà hòa bình đem lại lớn hơn hẳn lợi ích do chiến tranh mang lại cho một nước cụ thể, thậm chí ngay cả khi nước này giành chiến thắng. Giả định khác là những kẻ xâm lược - dù họ là ai, bạn bè hay kẻ thù - đều phải bị ngăn chặn. Giả định này cho rằng các thành viên khác trong cộng đồng quốc tế có thể dễ dàng xác định được kẻ xâm lược. An ninh tập thể còn có giả định rõ ràng về mặt đạo đức: Kẻ xâm lược sai về mặt đạo đức vì mọi kẻ xâm lược đều sai về mặt đạo đức, và tất cả những người đúng phải cùng nhau đáp trả vụ xâm lăng. Cuối cùng, an ninh tập thể giả định rằng kẻ xâm lược biết rằng cộng đồng quốc tế sẽ hành động nhằm trừng phạt chúng.

Tất nhiên, ý tưởng này chẳng khác gì răn đe, nhưng có một chút lắt léo. Nếu tất cả các nước đều biết rằng cộng đồng quốc tế sẽ trừng phạt hành động xâm lăng, thì những kẻ có ý định xăm lăng sẽ nhụt chí, không dám gây hấn nữa. Lắt léo là trong lí thuyết của phái tự do, có nhiều khả năng là các quốc gia sẽ tính toán lợi ích của họ theo lối tập thể, coi đấy là lợi ích chung chứ không phải là lợi ích của từng nước, như trong quan điểm của phái hiện thực. Cả hai lí thuyết này đều coi các liên minh là khía cạnh cơ bản của nền chính trị liên quốc gia, nhưng phái tự do tin vào liên minh hơn phái hiện thực. Do đó, các quốc gia sẽ tin tưởng hơn rằng những kẻ có ý định xâm lăng sẽ nản chí trước khả năng cộng đồng quốc tế sẽ hành động một cách thống nhất. Nhưng muốn an ninh tập thể có hiệu quả thì đe dọa hành động phải khả tín và những người thực thi tiềm tàng phải gắn kết với nhau.

An ninh tập thể không phải lúc nào cũng có hiệu quả. Trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Nhật Bản đã xâm chiếm Mãn Châu và Italy tràn vào Ethiopia. Trong cả hai trường hợp, các quốc gia khác đã không phản ứng như thể đấy là lợi ích tập thể của họ. Mãn Châu và Ethiopia có thực sự xứng đáng để gây ra chiến tranh thế giới? Trong những trường hợp này, an ninh tập thể không hiệu quả, vì, như những người theo phái hiện thực khẳng định, các quốc gia có khả năng hành động nhằm ngăn chặn bạo lực (đặc biệt là Anh và Pháp) không thấy lợi ích quốc gia đủ lớn để làm như vậy, đặc biệt là khi nguy cơ một cuộc chiến khác với Đức dường như ngày càng có nhiều khả năng xảy ra. Trong giai đoạn hậu-Thế chiến II, hai hệ thống liên minh lớn - NATO và Hiệp ước Warsaw - đã chia các quốc gia thành hai phe riêng biệt. Các quốc gia, vì sợ gây ra một cuộc chiến tranh thế giới nữa, đã không dám hành động chống lại đồng minh hay kẻ thù, ngay cả khi quốc gia đó là kẻ xâm lược.

An ninh tập thể cũng có thể thất bại vì bản chất mơ hồ của giả định quan trọng, nói rằng dễ dàng xác định được kẻ xâm lược. Việc xác định không phải lúc nào cũng dễ dàng. Năm 1967, Israel tung ra cuộc tấn công vũ trang nhắm vào Ai Cập: Rõ ràng là hành động xâm lăng. Tuy nhiên, một tuần lễ trước đó, Ai Cập đã chặn đường, không cho Israel tiếp cận với Biển Đỏ, đuổi lực lượng Liên Hợp Quốc ra khỏi bán đảo Sinai và cùng với Syria và Jordan, đưa hàng trăm xe tăng và máy bay đến gần Israel. Rõ ràng đây cũng là hành động xâm lược. Hai mươi năm trước, nhà nước Israel đã được dựng lên trên lãnh thổ cắt ra khỏi Ả Rập. Đấy cũng là hành động xâm lược. Xâm lược “bắt đầu” từ đâu? Năm 2003, chính quyền của Tổng thống George W. Bush khẳng rằng cuộc xâm lăng Iraq do họ tiến hành là chiến tranh phủ đầu vì Saddam Hussein đang chuẩn bị đưa vào và có thể sử dụng vũ khí hạt nhân (hoặc chuyển vũ khí hạt nhân cho một nhóm khủng bố). Vậy, ai là kẻ xâm lược? Hơn nữa, ngay cả khi có thể xác định được kẻ xâm lược, có phải phe xâm lược lúc nào cũng sai về mặt đạo đức? Do bám vào giá phải trả cho chiến tranh của cá nhân và tập thể theo cách mà chúng ta có thể hiểu được, các lí thuyết gia an ninh tập thể khẳng định rằng, theo định nghĩa thì kẻ xâm lược bao giờ cũng là sai về mặt đạo đức. Tuy nhiên, tìm cách sửa cái sai trước đó, ví dụ, bằng hành động xâm lược đối thủ, không nhất thiết là sai; tìm cách đòi lại công bằng (bằng cách xâm lược kẻ đã xâm lăng nước mình) không phải lúc nào cũng là hành động bất công. Tương tự như cân bằng quyền lực, trong điều kiện tốt nhất, an ninh tập thể trên thực tế ủng hộ nguyên trạng tại một thời điểm cụ thể nào đó. Nếu nguyên trạng là bất công, thì an ninh tập thể ủng hộ nguyên trạng không phải là bất công hay sao?

Kiểm soát và giải trừ vũ khí

Kiểm soát vũ khí và các kế hoạch giải trừ vũ khí hoàn toàn là hi vọng của nhiều người theo phái tự do trong những năm sau khi Công ước Hague đầu tiên được kí vào năm 1899. Trong lịch sử đầy các sự kiện về kiểm soát và giải trừ vũ khí từ thế kỉ XIX – trong đó có hàng trăm hiệp ước hạn chế quân sự hóa các vùng cực và vũ trụ, các loại vũ khí có thể được sử dụng một cách hợp pháp (như mìn sát thương, các biện pháp chống tên lửa đạn đạo và bom chùm), hoặc thậm chí hạn chế thử nghiệm và phát triển một số vũ khí (vũ khí hạt nhân) - có hai đặc điểm nổi bật: (1) hầu hết các bên kí kết các hiệp ước này thực sự tuân thủ nghĩa vụ được nêu ra trong hiệp ước; ít khi xảy ra gian lận; và (2) nhiều nước kí kết công khai theo xu hướng “hiện thực”. Đây là sự kiện bất bình thường, vì, như đã nói trong Chương 3, những người theo phái hiện thực có xu hướng kết hợp “an ninh” với “khả năng gây ra thiệt hại về mặt vật chất”. Tuy nhiên, ngay cả tại Hội nghị Hague đầu tiên, năm 1899, các quốc gia theo phái hiện thực như Đức, Pháp, Anh và Nga đều đồng ý giới hạn số lượng và chất lượng vũ khí mà họ sẽ sản xuất và sử dụng trong chiến tranh. Dù lí do giảm có là gì đối với từng nước, logic của cách tiếp cận như thế với vấn đề an ninh vừa mạnh mẽ lại vừa đơn giản: Ít vũ khí hơn nghĩa là an ninh hơn. Quản lí việc phổ biến vũ khí (kiểm soát vũ khí) và giảm số lượng vũ khí và chủng loại vũ khí được sử dụng (giải giáp) sẽ làm giảm một cách hợp lí giá phải trả của tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh.

Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, nhiều thỏa thuận về kiểm soát vũ khí đã được đàm phán nhằm giảm thiểu nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Ví dụ, trong Hiệp ước về giới hạn các hệ thống chống tên lửa đạn đạo (Treaty on the Limitation of Anti- ballistic Missile Systems - ABM), năm 1972, cả Mỹ lẫn Liên Xô đều thỏa thuận không sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo làm lá chắn nhằm chống lại cuộc tấn công đầu tiên của phía bên kia. Các cuộc thảo luận về giới hạn vũ khí chiến lược, năm 1972 và 1979 (Strategic Arms Limitations Talks - SALT I và SALT II) đã đặt giới hạn trần cho việc phát triển vũ khí chiến lược của cả Liên Xô lẫn Mỹ. Tuy nhiên, do năm 1979, Liên Xô xâm lược Afghanistan, Thượng viện Mỹ đã không phê chuẩn hiệp ước SALT II. Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (Nuclear Nonproliferation Treaty - NPT) được đàm phán vào năm 1968 tại Liên Hợp Quốc nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba.

Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) cho thấy tác động cả tích cực lẫn tiêu cực của những hiệp ước đó. NPT có hiệu lực từ năm 1970, nêu ra các quy tắc cho việc phổ biến hạt nhân. Các quốc gia không có vũ khí hạt nhân kí kết hiệp ước này thỏa thuận rằng sẽ không mua hoặc phát triển vũ khí hạt nhân; các quốc gia có vũ khí hạt nhân hứa sẽ không chuyển giao công nghệ cho các quốc gia phi hạt nhân và cuối cùng, sẽ tự hủy bỏ vũ khí của chính mình. Trong những năm 1990, ba quốc gia từng có các chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân - Nam Phi, Brazil và Argentina - đã hủy bỏ chương trình và trở thành các nước tham gia hiệp ước, cùng với ba quốc gia khác - Belarus, Kazakhstan và Ukraine – đã từ bỏ số vũ khí còn lại trên lãnh thổ của mình sau khi Liên Xô tan rã. Tuy nhiên, cũng như nhiều hiệp ước kiểm soát vũ khí khác, một số quốc gia có vũ khí hạt nhân chính yếu và một số quốc gia chưa có vũ khí hạt nhân, nhưng có thể sản xuất được vẫn không tham gia hiệp ước, trong đó có Cuba, Ấn Độ, Israel và Pakistan.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (International Atomic Energy Agency - IAEA), có trụ sở ở Liên Hợp Quốc, được thành lập năm 1957, nhằm truyền bá kiến thức về năng lượng hạt nhân và thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, là cơ quan được ủy quyền theo dõi việc tuân thủ hiệp ước này. IAEA đã lập ra hệ thống các biện pháp bảo vệ, trong đó có các đoàn kiểm tra thường xuyên đến thăm các cơ sở hạt nhân và báo cáo về mọi di chuyển vật liệu hạt nhân; nhằm giữ, không cho chuyển vật liệu hạt nhân sang các mục đích phi hòa bình và để đảm bảo rằng các quốc gia đã kí NPT đang tuân thủ hiệp ước này. Sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, các thanh sát viên của IAEA đã đến thăm các địa điểm ở Iraq và giữa những năm 1990, họ đã tới thăm các địa điểm ở Bắc Triều Tiên. Mục đích của chuyến thăm Iraq là xác nhận các vật liệu bất hợp pháp ở Iraq đã bị phá hủy và mục đích của chuyến thăm Bắc Triều Tiên là xác nhận rằng vật liệu hạt nhân ở Bắc Triều Tiên chỉ được sử dụng cho mục đích phi quân sự. Nhưng công việc của IAEA thường xuyên gặp trở ngại. Năm 2009, Iran, với tư cách là nước kí NPT, có nghĩa vụ phải báo cáo về những cơ sở tích cực tham gia làm giàu vật liệu hạt nhân, đã bị phát hiện là đã không báo cáo về một cơ sở, tức là không thực hiện trách nhiệm được ghi trong hiệp ước. Vụ Iran gian lận, năm 2009, đặt ra câu hỏi liệu họ có tuân thủ các ràng buộc của Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran (Joint Comprehensive Plan of Action), kí năm 2015 hay không. Thỏa thuận này kêu gọi Iran ngừng làm giàu nhiên liệu ở cấp độ có thể sản xuất vũ khí hạt nhân để được gỡ bỏ những biện pháp trừng phạt kinh tế mà quốc tế đã áp đặt lên nước này. Ngoài ra, người ta hi vọng rằng các nước có vũ khí hạt nhân đã kí NPT sẽ giảm kho vũ khí của mình, nhưng họ đã tỏ ra lưỡng lự, không muốn làm việc này theo cách quá nhanh.

Chiến tranh Lạnh kết thúc và Liên Xô sụp đổ dẫn tới các thỏa thuận mới về kiểm soát vũ khí. Nhiều thỏa thuận về kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ có thể được kí kết vì Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ bị nhu cầu kinh tế thúc ép, buộc phải giảm chi tiêu quân sự. Tuy nhiên, logic của các thỏa thuận về kiểm soát vũ khí là không hoàn hảo. Kiểm soát vũ khí không loại bỏ được tình thế tiến thoái lưỡng nan trong lĩnh vực an ninh. Bạn vẫn có thể cảm thấy không an toàn nếu kẻ thù của bạn có hòn đá lớn hơn hoặc tốt hơn hòn đá của bạn. Và, như những người theo phái hiện thực khẳng định, không có gì bảo đảm rằng nhà nước sẽ tuân theo các thỏa thuận như thế. Việc xác minh tại chỗ hiếm khi xảy ra và khó thực hiện. Ví dụ, năm 1994, Mỹ và Bắc Triều Tiên đã ký Thảo thuận Khung (Agreed Framework): Bắc Triều Tiên đồng ý ngừng chương trình vũ khí hạt nhân, đổi lại Mỹ đồng ý cung cấp năng lượng, mấy lò phản ứng nước nhẹ và bảo đảm an ninh. Thỏa thuận sụp đổ vào năm 2002, khi Bắc Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân nhằm phản ứng trước các quyết định của Mỹ trong việc ngăn chặn việc vận chuyển dầu cung cấp cho mạng lưới điện của nước này. Đáp lại việc Bắc Triều Tiên tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Yongbyon - được dùng để xử lý vật liệu hạt nhân có thể sử dụng để sản xuất vũ khí - Mỹ và Nhật Bản đã tạm ngưng các chuyến hàng viện trợ.

Năm 2003, Triều Tiên công khai thừa nhận rằng họ đã tham gia vào chương trình vũ khí hạt nhân; sau đó nước này đã bắn thử cả tên lửa tầm xa lẫn tầm ngắn, làm cho cả khu vực cũng như Mỹ hết sức lo lắng. Có phải nước này đang thúc đẩy chương trình vũ khí hạt nhân nhằm tăng cường an ninh cho chính mình? Hay  chỉ đơn giản là đang mặc cả, đòi nhiều viện trợ nhằm đổi lấy lời hứa sẽ tạm dừng chương trình vũ khí hạt nhân? Thỏa thuận đạt được vào năm 2007, kết quả đàm phán giữa sáu bên – Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Nga - nói rằng Bắc Triều Tiên sẽ đóng cửa lò phản ứng hạt nhân chính để đổi lấy những khoản viện trợ nhiên liệu, thực phẩm, và những mặt hàng khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thỏa thuận rất dễ đổ vỡ. Năm 2008, nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong-Il đã quá cố, đe dọa sẽ tiếp tục phát triển vũ khí vì gói viện trợ được hứa hẹn là quá nhỏ và quá chậm. Cuối năm đó, không có tiến bộ thêm nào vì người ta đồn rằng Kim sắp chết. Kim xuất hiện trở lại vào năm 2009, sau đó, Triều Tiên cho nổ một thiết bị hạt nhân dưới lòng đất, làm cho nhiều người thất vọng và lên án. Từ đó đến nay, chưa có tiến bộ lớn nào. Bắc Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm hạt nhân vào năm 2013 và năm 2016, và năm 2014, họ đã bắn thử một tên lửa tầm xa mới, mà theo tuyên bố thì có khả năng tấn công những mục tiêu ở Nhật Bản.

Với những rủi ro của một kế hoạch (giải trừ vũ khí) như thế, có thể rút ra kết luận giải trừ vũ khí hoàn toàn theo cách nghĩ của những nhà tư tưởng theo phái tự do là không thể xảy ra được. Việc giải giáp đơn phương sẽ đưa các quốc gia đã giải giáp vào vị thế mất an ninh ở mức đáng báo động, và những kẻ gian lận có thể được lợi. Nhưng giải giáp vũ khí từng bước một - như được nêu ra trong Công ước về vũ khí hóa học (Chemical Weapons Convention - CWC), cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ vũ khí hóa học - là có thể xảy ra. Tuy nhiên, vũ khí hóa học và sinh học ngày càng tinh vi và gọn nhẹ, khó phát hiện, vì vậy rất khó đảm bảo được rằng các nước sẽ tuân thủ. Những người theo phái tự do tin vào sự kết hợp giữa tư lợi của các quốc gia (các chương trình sản xuất vũ khí rất tốn kém) và các tổ chức quốc tế như IAEA trong việc giám sát việc tuân thủ những chương trình giải giáp có giới hạn này.

Khối NATO: Quản lí tình trạng mất an ninh trong môi trường đang thay đổi

Quản lý tình trạng mất an ninh là thách thức đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi trong hệ thống quốc tế. Những vụ chuyển đổi như vậy có thể xảy ra khi các cường quốc chính có thay đổi về khả năng thực tế hoặc khả năng mà họ tưởng tượng về việc phóng chiếu quyền lực, bảo vệ đồng minh hoặc đe dọa kẻ thù. Chiến tranh Lạnh kết thúc là giai đoạn chuyển tiếp như thế, đấy là khi Liên Xô tan rã và các chế độ cộng sản được thay thế bằng các chế độ có xu hướng dân chủ. Liên Xô sụp đổ làm cho Hiệp ước Warsaw cáo chung ngay lập tức, nhiều quốc gia ở Đông Âu không còn đồng minh đầy sức mạnh nữa. Chiến tranh Lạnh kết thúc cũng có ảnh hưởng tới khối NATO, tức là liên minh phương Tây với mục đích là đối trọng với Hiệp ước Warsaw đã không còn tồn tại nữa. Với sự thay đổi như thế, một số học giả dự đoán rằng liên minh NATO cũng sẽ cáo chung ngay sau đó. Tuy nhiên, đã xảy ra sự kiện là khối NATO không sụp đổ mà chỉ tiến hành tái cơ cấu, cả về mặt nhiệm vụ lẫn đưa thêm các thành viên mới vào tổ chức này.

Với cuộc nội chiến đẫm máu ở Nam Tư và các cuộc khủng hoảng người tị nạn tiếp theo sau đó ở châu Âu, NATO ngày càng đảm nhận nhiều thêm vai trò gìn giữ hòa bình và ổn định ở Bosnia. Năm 1999, NATO tiến hành chiến dịch quân sự lớn nhất kể từ ngày thành lập, năm 1949: Chiến dịch Lực lượng Đồng minh (Operation Allied Force) - chiến tranh trên không ở Serbia. Không được Liên Hợp Quốc cho phép, nhưng các lực lượng của NATO đã tiến hành cuộc chiến tranh bằng không quân kéo dài 78 ngày, chống lại Cộng hòa Liên bang Nam Tư, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn người Albani ở tỉnh Kosovo của Serbia. Cuộc chiến tranh này dẫn đến kết quả là dân chúng đã nổi dậy và sau đó lật đổ ban lãnh đạo người Serbia, và đưa nhà lãnh đạo cứng rắn người Serbia, Slobodan Milošević ra Tòa án Tội ác Chiến tranh Hague và kiến nghị của Serbia, xin được tham gia chương trình Đối tác vì Hòa bình của NATO (NATO’s Partnership for Peace program).

Từ ngày diễn ra cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, bắt đầu vào tháng 9 năm 2001, NATO đã tìm cách duy trì vai trò của mình trong môi trường an ninh mới[34]. NATO đã tăng cường khả năng hoạt động để bắt kịp công nghệ, rồi thành lập lực lượng phản ứng nhanh nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng và tổ chức hợp lí cơ cấu của bộ chỉ huy quân sự của mình. Tổ chức này đã triển khai lực lượng ở Afghanistan và Libya, tức là “bên ngoài” khu vực truyền thống của nó. Các thành viên của tổ chức đã giúp huấn luyện quân đội Iraq, mặc dù tổ chức này không tham gia liên minh do Hoa Kỳ đứng đầu ở Iraq.

Số nước thành viên NATO cũng đã gia tăng, nhiệm vụ của khối cũng đa dạng hơn. Năm 1999, diễn ra làn sóng các thành viên mới đầu tiên sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các nước Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech, đã được kết nạp. Các thành viên mới sẽ là những nước góp phần vào việc củng cố an ninh trong khu vực, chứ không chỉ là những nước đứng dưới cái ô an ninh. Tuy nhiên, hóa ra thuyết phục các quốc gia này tiến hành các cuộc cải cách trong lĩnh vực quốc phòng, tăng chi tiêu quốc phòng, và hiện đại hóa trang thiết bị và đào tạo khó hơn người ta nghĩ lúc ban đầu. Tuy nhiên, mặc dù có những vấn đề như thế, làn sóng kết nạp thành viên thứ hai đã được thực hiện vào năm 2004. Lần này là các nước Estonia, Latvia, Litva, Slovakia, Slovenia, Romania và Bugaria. Năm 2009, Albania và Croatia chính thức gia nhập tổ chức này, nâng tổng số thành viên NATO lên thành 28, cùng với 22 quốc gia đối tác vì hòa bình và 7 quốc gia đối thoại trong vùng Địa Trung Hải. Vòng tuyển sinh này là phản ứng đối với cuộc chiến chống khủng bố: Mỹ và những nước khác tìm kiếm các đồng minh đáng tin cậy, những nước có thể duy trì các căn cứ ở gần Trung Đông hơn với chi phí thấp hơn. Các thành viên NATO mới được kết nạp này có thể cầu cạnh Mỹ và không cần tiến hành cải cách để được kết nạp.

Trong hầu hết những năm 1990, Nga phản đối việc mở rộng NATO, và cảm thấy lo lắng trước việc những đồng minh cũ của mình chui vào dưới chiếc ô bảo trợ của NATO. Lo lắng của Nga là có lí. Nếu trước đây lí do để NATO tồn tại là vì Liên Xô có thể đe dọa xâm lược và chinh phục Tây Âu, nhưng nay Liên Xô không còn nữa, thì tại sao, người Nga hỏi, phải có NATO, chưa nói tới việc tổ chức này còn bành trướng thêm? Câu hỏi này có thể giải thích vì sao, đối với nhiều người Nga, việc mở rộng liên minh NATO được coi là đe dọa quân sự tiềm tàng. Sau ngày 9/11, việc phản đối của Nga đã giảm, nhất là khi người ta nhận ra rằng các thành viên mới nhất của NATO đang biến tổ chức này thành “con sư tử không có răng”. Nhưng, sau khi Vladimir Putin được bầu làm tổng thống Liên bang Nga, năm 2000, việc phản đối NATO bành trướng đã gia tăng đến mức Nga can thiệp quân sự vào Georgia (2008) và Ukraine (2014) nhằm thông báo cho tổ chức này biết rằng Nga sẽ không tiếp tục chấp nhận cho NATO bành trướng về phía đông nữa. Biết rằng dưới sự lãnh đạo của Putin, quân đội Nga đã dần dần trở nên hiệu quả hơn so với các lân bang và với tư cách là một siêu cường hạt nhân, dường như NATO chẳng làm được gì nhiều để có thể chống lại hành động phản đối của Nga.

Đối với hầu hết các quốc gia thành viên, đặc biệt là Mỹ, quá trình bành trướng của NATO được coi là kết quả tự nhiên vì họ đã giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh, việc thiết lập trật tự an ninh mới thời hậu-Chiến tranh Lạnh, và gần đây hơn, tìm cách đối phó với các mối đe dọa an ninh mới do chủ nghĩa khủng bố gây ra. Một số người theo phái hiện thực cho rằng mở rộng NATO là phương tiện nhằm giành được lợi thế tương đối so với Nga và tăng cường hơn nữa an ninh của phương Tây, trong khi những người khác cho rằng, sau năm 1991, nên giải thể NATO vì không còn lí do tồn tại nữa. Nhiều người theo phái tự do cho rằng bành trướng là biện pháp nhằm tăng cường dân chủ ở các quốc gia cựu cộng sản và mang lại sự ổn định về thể chế cho các khu vực bị khủng hoảng đe dọa, và cũng là cách sử dụng thiết chế an ninh nhằm tạo điều kiện cho việc kết nạp thành viên vào một loạt các thiết kinh tế và ngoại giao quan trọng hơn hẳn, cụ thể là Liên minh châu Âu. Nhưng, mặc dù các nước thành viên NATO đã tìm cách thuyết phục nước Nga rằng mở rộng NATO không phải là đe dọa mang tính tấn công, nhưng Nga không coi việc mở rộng như thế là vô hại.

Đối với những người theo phái kiến tạo, vấn đề mở rộng NATO có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các vấn đề về bản sắc dân tộc. Đối với các quốc gia trước đây nằm dưới quyền thống trị của Liên Xô, gia nhập NATO phản ánh sự phẫn nộ của họ đối với quyền thống trị đó. Nga phản đối việc mở rộng NATO không chỉ vì những lo ngại về an ninh, mà còn do bị xúc phạm. Đối với những người theo phái kiến tạo, chính sách mở rộng NATO thể hiện rõ những nền tảng phi vật chất của quan hệ liên quốc gia giữa các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và các quốc gia thành viên Hiệp ước Warsaw trước đây.

Tóm tắt: quan điểm đang thay đổi về an ninh quốc tế

Theo truyền thống, an ninh quốc tế có nghĩa là an ninh quốc gia và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài hoặc những cuộc tấn công của các quốc gia khác. Đấy là do chỉ có các quốc gia mới có thể nắm được công nghệ giết người hàng loạt; kết quả là, chiến tranh giữa các quốc gia là đe dọa khủng khiếp nhất (số người chết tính trên mỗi đơn vị thời gian) đối với tính mạng và tài sản. Theo thời gian, diễn giải này được mở rộng, bao gồm cả xung đột bên trong lãnh thổ quốc gia. Trong cả hai tình huống, xung đột không chỉ xuất hiện khi cần kiểm soát lãnh thổ mà còn nhằm kiểm soát chính quyền và tư tưởng. Mặc dù các cuộc chiến lớn giữa các quốc gia, như hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỉ trước, gây ra tàn phá quy mô lớn trong một thời gian, bạo lực do nội chiến tàn phá cũng nhiều như thế hoặc thậm chí còn nhiều hơn. Ngày càng ít có khả năng giới hạn sự phá hoại do các cuộc nội chiến gây ra trong quốc gia bùng phát nội chiến. Không những thế, chưa bao giờ trong lịch sử thế giới nội chiến lại có thể lôi kéo các tác nhân trong khu vực và quốc tế như hiện nay. Đây là ý tưởng chính của chương này.

Nhưng đang có một xu hướng mới: Thuê người bên ngoài bảo đảm an ninh, từ thuê các quân nhân nước ngoài đến thuê công ty tư nhân và robot[35]. Các công ty với những cái tên bị cố tình làm cho thành mơ hồ như Blackwater (hiện được gọi là Academi, là thành viên của Constellis Holdings), Sandline International, BDM, COFRAS và Southern Cross là những tác nhân mới trong lĩnh vực an ninh. G4S có trụ sở ở London là một trong những công ty lớn nhất, hoạt động ở 120 quốc gia và có hơn 620.000 nhân viên. Các công ty tư nhân này ký hợp đồng thực hiện những nhiệm vụ khác nhau: sửa chữa máy bay và tàu quân sự, cung cấp thực phẩm cho quân đội, gỡ mìn, bảo vệ các quan chức cấp cao và gia đình họ, canh gác và thẩm vấn tù nhân chiến tranh, huấn luyện quân đội, và đôi khi, thay mặt khách hành tiến hành những chiến dịch quân sự cường độ thấp. Nhân viên của các công ty này - lính đánh thuê thế kỉ XXI đến từ khắp nơi trên thế giới – Ukraine, Fiji, Australia, Chile và Nam Phi. Nhiều người từng là cựu quân nhân của chính phủ. Họ phục vụ tại các địa điểm từ Sierra Leone đến Sri Lanka, từ Bosnia đến Cộng hòa Dân chủ Congo, từ Iraq đến Afghanistan, Nam Sudan và Kenya.

Việc sử dụng robot thông minh gần như người hoặc robot có bộ phận dẫn đường trong chiến tranh, ví dụ, máy bay không người lái (đã thảo luận bên trên), là một hình thức khác của “thuê làm ngoài”, lợi ích cũng tương tự như thuê công ty an ninh tư nhân: Công dân đại diện cho quốc gia không bị tổn thương.

Hiện nay, các vấn đề về hậu cần, pháp lý và đạo đức xuất phát từ mỗi hình thức thuê ngoài vẫn chưa được làm rõ. Có phải các nhà thầu tư nhân chỉ đơn thuần là lính đánh thuê hành động vì tư lợi? Hay họ đang giải quyết theo lối thực dụng những vấn đề mà quân đội quốc gia không thể giải quyết được? Họ có hoạt động hiệu quả không? Lòng trung thành của họ nằm ở chỗ nào? Họ thuộc về nhà nước hay hệ tư tưởng nào? Quan hệ của họ với quân đội có tổ chức là gì? Có thể buộc họ chịu trách nhiệm giải trình về những hành động mà họ làm trong chiến tranh không? Nói cách khác, tiêu chuẩn luân lý và đạo đức trong chiến tranh có được áp dụng cho những lực lượng này? Cộng đồng quốc tế có nên sử dụng những lực lượng này cho s mệnh gìn giữ hòa bình do Liên Hợp Quốc ủy quyền hay không? Liên quan tới các robot, ví dụ, máy bay không người lái, có những rào cản nào đủ sức ngăn chặn không cho người ta sử dụng một cách tùy tiện hay vô trách nhiệm? Trong khi ngày càng có nhiều quốc gia mua lại công nghệ này, làm sao kiểm soát được? Trong một số trường hợp cự thể, Mỹ đã tạo ra tiền lệ nguy hiểm, ví dụ, có quyền coi bọn khủng bố là mục tiêu và tiêu diệt - ngay cả công dân Mỹ - trên vùng đất thuộc chủ quyền của các quốc gia khác. Mỹ phải phản ứng thế nào nếu, ví dụ, Trung Quốc sử dụng máy bay không người lái để nhắm vào và giết một người ở Nebraska mà họ coi là một tên khủng bố nguy hiểm?

Chú thích ảnh: Các nhà thầu an ninh tư nhân, ví dụ như những nhân viên của Blackwater, được chính phủ Mỹ thuê sau khi cuộc chiến Iraq nổ ra, năm 2003, để thực hiện các nhiệm vụ như bảo vệ các quan chức cao cấp, vận chuyển quân nhân và vật tư, thỉnh thoảng tham gia vào các hoạt động chiến đấu. Vai trò của các nhà thầu tư nhân trong lĩnh vực an ninh quốc tế đặt ra những câu hỏi khó chịu về trách nhiệm giải trình, phân cấp chỉ huy và chế độ pháp quyền.

 Trong những năm cuối cùng của thế kỉ XX, các lí thuyết gia đã thay đổi quan điểm liên quan đến việc cần bảo vệ ai hay bảo vệ cái gì. Tình trạng đang thay đổi của các ý niệm về an ninh và các đối tượng nên bảo vệ là chủ đề chính trong diễn ngôn của phái kiến tạo. Chỉ cần bảo vệ nhà nước? Hay các cá nhân cũng cần phải được bảo vệ, không chỉ khỏi sự kình địch giữa các quốc gia mà bảo vệ cuộc sống, tài sản và ý tưởng của họ trước sự bất lực của chính phủ nước họ? Ý tưởng cho rằng các quốc gia và cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ, thực ra là có trách nhiệm, bảo vệ con người, ngay cả khi điều đó có nghĩa là can thiệp vào công việc của quốc gia khác, là quy tắc của can thiệp nhân đạo.

Nhưng phải bảo vệ cá nhân trước cái gì? Các biện pháp bảo vệ có vượt ra ngoài những biện pháp nhằm chống lại bạo lực về thể xác, thường liên quan đến xung đột giữa các quốc gia, nội chiến, nạn diệt chủng, vũ khí hạt nhân và khủng bố, như được thảo luận trong chương này? Có nên mở rộng khái niệm về an ninh? Năm 2004, Hội đồng Cấp cao của Liên Hợp Quốc về Đe dọa, Thách thức và Thay đổi (UN High-Level Panel on Threats, Challenges, and Change) đã xác định các mối đe dọa bổ sung đối với cái vẫn được coi là an ninh con người, một thuật ngữ mà từ đầu những năm 1990 ngày càng được nhiều người sử dụng. Cá nhân có cần được bảo vệ trước các bệnh truyền nhiễm và suy thoái môi trường? Có cần được bảo vệ khỏi những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa kinh tế hay tình trạng nghèo đói? Chúng ta sẽ bàn về những vấn đề kinh tế trong chương tiếp theo.

Câu hỏi thảo luận

1. Trong các cuộc xung đột quốc tế, làm sao biết được bên nào là xâm lược? Biết kẻ xâm lược có phải là quan trọng không? Tại sao lại quan trọng hay tại sao không quan trọng?

2. Trước Thế chiến II, các cường quốc thực dân châu Âu không gặp mấy khó khăn trong việc kiểm soát các đế chế lớn ở nước ngoài chỉ với một ít quân. Sau Thế chiến II, tình hình này thay đổi đáng kể. Vì sao có thay đổi như thế?

3. Một người ban hành quyết định của Mỹ chịu trách nhiệm về chính sách giữa Mỹ và Liên bang Nga yêu cầu những người theo chủ nghĩa hiện thực (hiện thực tấn công và hiện thực phòng thủ), người theo phái tự do, người theo phái cấp tiến và người theo phái kiến tạo đưa ra lời khuyên. Đề xuất của họ khác nhau như thế nào?

4. Triều Tiên đã thách thức quy định về không phổ biến vũ khí hạt nhân, ghi trong Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT). Chương trình hạt nhân của Iran cũng là thách thức đối với NPT? Hay chương trình này nằm trong giới hạn cho phép của hiệp ước? Đâu là các vấn đề pháp lý? Đâu là các vấn đề chính trị?

Các thuật ngữ chính 

Kiểm soát vũ khí arms control (p. 307) Xung đột bất đối xứng asymmetric conflict (p. 283) Giải trừ vũ khí disarmament (p. 307) Chiến tranh nhằm đánh lạc hướng diversionary war (p. 274) 

Chiến tranh du kích guerrilla warfare (p. 281) Can thiệp nhân đạo humanitarian intervention (p. 293) Chiến tranh giữa các nước interstate war (p. 264)

Nội chiến intrastate war (p. 264)

chiến tranh chính nghĩa just war tradition (p. 291) Chiến tranh hạn chế limited wars (p. 268) người không chiến đấu phải được bảo vệ noncombatant immunity (p. 292) Phản kháng bất bạo động nonviolent resistance (p. 283) phổ biến vũ khí hạt nhân nuclear proliferation (p. 279)

Có trách nhiệm bảo vệ responsibility to protect (R2P)(p. 293)

 tiến thoái lưỡng nan về an ninh security dilemma (p. 300)

Chủ nghĩa khủng bố terrorism (p. 284)

Chiến tranh toàn diện total wars (p. 266) Chiến tranh phi quy ước unconventional warfare (p. 281) Chiến tranh war (p. 263)

Vũ khí hủy diệt hàng loạt weapons of mass destruction (WMD) (p. 280)

 



[1] Data on war frequency and number of deaths can be found in several, sometimes divergent, sources. These include Quincy Wright, A Study of War, rev. ed., 2 vols. (Chicago: University of Chicago Press, 1942, 1965); J. David Singer and Melvin Small, The Wages of War, 1816–1965: Statistical Handbook (New York: Wiley, 1972); Jack S. Levy, War in the Modern Great Power System, 1495–1975 (Lexington: University Press of Kentucky, 1983); Ruth Leger Sivard, World Military and Social Expenditures, 1996 (Washington, DC: World Priorities, 1996); Human Security  Group, “The  Human  Security  Report  2012,” www.hsrgroup.org/human-security-reports/2012/overview.aspx (accessed 2/27/13); and Human Security Report Project (March 2015), www.hsrgroup.org.

[2] Charles Tilly, “Reflections on the History of European State-Making,” in The Making of National States in Western Europe (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1975), p. 42.

[3] John Mueller, “The Essential Irrelevance of Nuclear Weapons: Stability in the Postwar World,” International Security 13:2 (Fall 1988): 55–79; and Mueller, Retreat from Doomsday: The Obsolescence of Major War (New York: Basic Books, 1989). See also Gregg Easterbrook, “fte End of War?” New Republic, May 30, 2005, 18–21.

[4] See Joshua S. Goldstein, Winning the War on War: The Decline of Armed Conflict Worldwide (New York: Dutton, 2011); and Robert Jervis, “Theories of War in an Era of Leading Power Peace,” American Political Science Review 96:1 (March 2002): 1–14.

[5] Jervis, “Theories of War,” 11.

[6] Jervis, “Theories of War,” 9.

[7] Steven Pinker, The Better Angels of Our Nature: The Decline of Violence in History and Its Causes (New York: Viking Penguin, 2011).

[8] Kenneth N. Waltz, Man, the State, and War: A Theoretical Analysis (New York: Columbia University Press, 1954).

[9] Augustine, Confessions and The City of God, in Great Books of the Western World, ed. Robert Maynard Hutchins, vol. 18 (Chicago: Encyclopedia Britannica, 1952, 1986); and Reinhold Niebuhr, The Children of Light and Children of Darkness (New York: Scribner, 1945).

[10] Thomas Hobbes, Leviathan, rev. student ed. (New York: Cambridge University Press, 1996), pp. 88–89.

[11] John J. Mearsheimer, The Tragedy of Great Power Politics (New York: W. W. Norton, 2001), p. 32.

[12] F. K. Organski, World Politics (New York: Knopf, 1958), chap. 12; and Organski and Jacek Kugler, The War Ledger (Chicago: University of Chicago Press, 1980).

[13] George Modelski and William R. ftompson, “Long Cycles and Global War,” in Handbook of War Studies, ed. Manus I. Midlarsky (Boston: Unwin Hyman, 1989).

[14] For a more comprehensive approach, see Jack S. Levy, “The Causes of War: A Review of fteories and Evidence,” in Behavior, Society and Nuclear War, ed. Philip E. Tetlock et al., vol. 1 (New York: Oxford University Press, 1989), pp. 209–333

[15] Scott D. Sagan and Kenneth N. Waltz, The Spread of Nuclear Weapons: A Debate Renewed (New York: W. W. Norton, 2003)..

[16] Michael Walzer, Just and Unjust Wars (New York: Basic Books, 1992), p. 185.

[17] Andrew Mack, “Why Big Nations Lose Small Wars: fte Politics of Asymmetric Conflict,” World Politics 27:2 (January 1975): 175–200.

[18] Ivan Arreguín-Toft, How the Weak Win Wars: A Theory of Asymmetric Conflict (New York: Cambridge University Press, 2005).

[19] Ivan Arreguín-Toft, “How the Weak Win Wars: A Theory of Asymmetric Conflict,” International Security, 26:1 (Summer 2001): 105.

[20] Audrey Kurth Cronin, “Behind the Curve: Globalization and International Terrorism,” International Security 27:3 (Winter 2002/3): 33.

[21] Audrey Kurth Cronin, “ISIS Is Not a Terrorist Group. Why Counterterrorism Won’t Stop the Latest Jihadist threat,” Foreign Affairs 94 (March–April 2015): 90.

[22] See, for example, Dan Caldwell and Robert E. Williams Jr., Seeking Security in an Insecure World (Lanham, MD: Rowman & Littlefield, 2006); and Walter Enders and Todd Sandler, “Distribution of Transnational Terrorism among Countries by Income Classes and Geography after 9/11,” International Studies Quarterly 50:2 (June 2006): 367–68.

[23] For contemporary views, see Michael Walzer, Just and Unjust Wars, 4th ed. (New York: Basic Books, 2006).

[24] Martha Finnemore, The Purpose of Intervention: Changing Beliefs about the Use of Force (Ithaca, NY: Cornell University Press, 2003), pp. 52–84.

[25] Shashi Tharoor and Sam Daws, “Humanitarian Intervention: Getting Past the Reefs,” World Policy Journal 18:2 (Summer 2001): 23.

[26] Tharoor and Daws, “Humanitarian Intervention,” 23

[27] John Herz, “Idealist Internationalism and the Security Dilemma,” World Politics 2:2 (January 1950): 157–80.

[28] Hans J. Morgenthau, Politics among Nations: The Struggle for Power and Peace, 4th ed. (New York: Knopf, 1967), pp. 161–215.

[29] 29.      George W. Bush, “The National Security Strategy of the United States of America,” September 17, 2002, http://georgewbush-whitehouse.archives.gov/nsc/nss/2002/index.html (accessed 2/1/10).

[30] See Glenn Snyder, Deterrence and Defense (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1961); and Alexander L. George and Richard Smoke, Deterrence in American Foreign Policy: Theory and Practice (New York: Columbia University Press, 1974).

[31] For a good analysis of suicide terrorism, see Robert A. Pape, “The Strategic Logic of Suicide Terrorism,” American Political Science Review 97:3 (August 2003): 343–61. On the discounted power of credible threats to kill as a challenge to deterrence, see Ivan Arreguín-Toft, “Unconventional Deterrence: How the Weak Deter the Strong,” in Complex Deterrence: Strategy in the Global Age, ed. T. V. Paul, Patrick Morgan, and James Wirtz (Chicago: University of Chicago Press, 2009), pp. 204–21.

[32] Keir A. Lieber and Daryl G. Press, “fte Rise of U.S. Nuclear Primacy,” Foreign Affairs 85:2 (March–April 2006): 42–54.

[33] For a complete treatment, see Inis Claude, Power and International Relations (New York: Random House, 1962), pp. 94–204.

[34] Zoltan Barany, “NATO’s Post–Cold War Metamorphosis: From Sixteen to Twenty-Six and Counting,” International Studies Review 8:1 (March 2006): 165–78.

[35] Deborah Avant, The Market for Force: The Consequences of Privatizing Security (New York: Cambridge University Press, 2005).


No comments:

Post a Comment