July 4, 2024

THỰC TẠI, TÂM LINH VÀ CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI (14)

 (Reality, Spirituality and Modern Man)

David Hawkins, M. D., Ph. D.

Phạm Nguyên Trường dịch


 

CHƯƠNG 13

 

Nghi ngờ, hoài nghi và không tin

 

Dẫn nhập

Bản ngã/tâm trí nhận thức được rằng nó dễ bị thái độ thất vọng do lầm lỗi làm cho tổn thương. Trong khi tìm cách tự bảo vệ mình để không bị tổn thương, nó nghĩ rằng hoài nghi hoặc nghi ngờ là biện pháp bảo vệ như thế. Dễ tin cũng phản ánh chất lượng của tương tác giữa cha mẹ và con cái trong những giai đoạn đầu đời. Tình yêu nâng đỡ thái độ tin tưởng và đức tin, trong khi khắc nghiệt hoặc hờ hững dẫn đến quan niệm tiêu cực về cuộc đời. Mô thức xử lý thông tin mới xuất hiện dựa trên đánh giá về mức độ tin cậy, có thể thay đổi từ cả tin ngây thơ đến thách thức mang tính thù địch, đả phá tín ngưỡng, hay thậm chí là khinh thường phụ nữ.

Vì không thể sống sót nếu không có ý thức thực tế về thực tại, tâm trí của người trung bình phát triển hệ thống xử lý dựa trên các giả định và khả năng có thể sử dụng được và tránh những cực đoan thái quá. Thông qua trải nghiệm, tâm trí trưởng thành, phức tạp nắm giữ thông tin mới như là thông tin có tính thăm dò hay tạm thời và chờ xác nhận thêm thông qua bằng chứng hoặc trải nghiệm.

Tính chất bẩm sinh của quá trình kiểm nghiệm thực tại này là dựa vào các giác quan và quá trình xử lý trong tâm trí thế giới tuyến tính của hình tướng, cùng với những hình ảnh và khái niệm của tâm trí đại diện cho thế giới. Phạm vi của hiểu biết và lĩnh hội lại tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sinh lý não, như đã trình bày, mà sinh lý não lại phụ thuộc vào tầng của chính ý thức. Như vậy là, kiểu xử lý của bán cầu não trái thiên về bản năng động vật là do hạn chế của quá trình tiến hóa, nó không thể hiểu được bối cảnh phi tuyến tính, trong đó có các chiều kích tâm linh. (Các hệ thống các đường biên não mang tính bản năng có điểm hiệu chỉnh 120). Bán cầu não trái tìm kiếm nội dung tuyến tính; bán cầu não phải tìm kiếm ý nghĩa và hiểu biết (nội dung phi tuyến tính).

Do đó, với sự kế thừa thuận lợi về nghiệp lực/sinh học và năng lực phát triển niềm tin; người ta có thể chấp nhận bối cảnh tâm linh và hiểu biết phi tuyến tính như là thực tại mà không cần phải kiểm chứng theo lối chủ quan. Sau đó, thông tin được được lưu giữ như là niềm tin và được bảo vệ như là sự thật. Ít người hiểu được sự phức tạp của lý thuyết lượng tử cao cấp, nhưng họ đánh giá cao và chấp nhận thẩm quyền của các chuyên gia. Vì vậy, người khôn ngoan tin tưởng vào người khôn ngoan hơn, ít nhất là về mặt trí tuệ và trong hoạt động, và nhờ đó mà cuộc sống của chính họ lại được nâng cao và được hưởng lợi.

Người hoài nghi

Trong khi chủ nghĩa hoài nghi như là thái độ giữ thế thượng phong có thể là kết quả của rối loạn cảm xúc hoặc nhân cách (ví dụ, khái niệm “thách thức hậu môn” của Freud hay tính cách nổi loạn “đối lập” chống lại uy quyền của cha mẹ), cũng là thái độ mang tính trí tuệ ngang ngược (Bauer, 2006), nó có thể phát triển thành cuộc tranh luận và suy luận dài dòng, chẳng hạn như đang xảy ra trong khoa học về tính xác thực của trải nghiệm chủ quan và lời khai của “người làm chứng”. Có thể coi mâu thuẫn này là hệ quả của sự giới hạn về hệ hình.

Giáo sư Charles Eisenstein của Pennsylvania State University đã tiến hành nghiên cứu chi tiết về chủ nghĩa hoài nghi (“Trạng thái niềm tin là trạng thái của Hiện hữu”) và chỉ ra rằng “ảnh hưởng của người làm thí nghiệm” tạo ra vấn đề về sự tín nhiệm trong khoa học dòng chính, Nguyên lý Bất định Heisenberg đã có tác động lớn đối với nó. Công trình nghiên cứu của ông tiết lộ rằng, bên dưới thái độ hoài nghi về trí tuệ được cho là hợp lý, có trường động lực của thái độ và thế giới quan được che giấu, ác ý, “xấu tính”, thường được thể hiện là “hoang mang, kiêu ngạo, giáo điều, tự mãn và dễ xúc động”, như những “kẻ vạch trần chuyên nghiệp” thường thể hiện.

Tất cả những điều vừa nói được chứng minh bởi những người hoài nghi chuyên nghiệp, họ đã dành nhiều năm nhằm bác bỏ Einstein (có lẽ ở đây ám chỉ công thức E=MC2- ND)  - thông qua các bài giảng và sách báo - tất cả đều mô tả Einstein như là kẻ “giả mạo”, “kẻ mạo danh” và “Hoàng đế cởi truồng”. Mặc dù bị người đời tiếp nhận một cách tiêu cực, các tác giả tiếp tục công kích mà không hề nản lòng (điểm hiệu chỉnh 190) và dường như mù tịt về việc quá trình phát triển năng lượng hạt nhân đã xác nhận công thức của Einstein.

Trong tâm thần học, hiện tượng này được gọi là “rối loạn hoang tưởng về bằng chứng logic” (Muller, 2006), như ta đã thấy trong những niềm tin koểu như “Holocaust chưa bao giờ xảy ra,” hay “Chính phủ Mỹ tạo ra sự kiện 11/9”. Những người bị chứng rối loạn tâm thần này coi thế giới là lừa dối, trong khi thế giới quan của người đó là có giá trị. Như vậy là, rối loạn xuất phát từ thái độ tự cao tự đại, không có lý trí và được thúc đẩy bởi thái độ đố kỵ và kèm theo là ác ý và bóp méo. Về mặt hoạt động, đấy là do chức năng não có khiếm khuyết và cho rằng mình là toàn năng theo lối ái kỷ trẻ con chưa trưởng thành và thái độ thù địch trẻ con đối với những nhân vật có uy quyền.

Trong tiếng Hy Lạp cổ, skeptikos là triết lý nói rằng không thể biết được sự thật và kiến thức là hoàn toàn không chắc chắn (như những đệ tử của Pyrrho từng tuyên bố). Như Descartes đã chỉ ra, nếu không có trợ giúp, tâm trí của con người không thể phân biệt được res cogitans interna (mọi thứ xuất hiện trong tâm trí, chẳng hạn như nhận thức hoặc ý kiến) với res externa (bản chất, thực tại). Socrates cũng nhận xét rằng con người tìm kiếm cái tốt nhưng không thể phân biệt được cái tốt viển vông (vẻ ngoài) với bản chất (cái tốt “thực sự”).

Trong khi đó, về mặt vận hành, thái độ hoài nghi hợp lý đem lại lợi ích: cho thấy những tuyên bố sai lầm và ngu ngốc, nhưng chính hoài nghi thường lại là ngu ngốc. Trong quá khứ nó thường chỉ trích tất cả những khám phá quan trọng, từ chuyến bay của anh em nhà Wright ở Kittyhawk đến đài phát thanh và hiện nay là trong các ngành khoa học, như y học và vật lý học, trong đó có thuyết lượng tử. Tất nhiên, đó cũng là truyền thống (de rigueur- có tính bắt buộc) của những người hoài nghi, phủ nhận thực tại của hệ hình tâm linh phi tuyến tính của bối cảnh cũng như chính Thần tính.

Nếu, như thái độ hoài nghi tin tưởng rằng, không thể biết được sự thật, thì rõ ràng là, những tiền đề và lập luận của chính nó cũng là sai; do đó, thái độ hoài nghi chính là gậy ông đập lưng ông.

Một trong những lý do vì sao tầng sự thật của thái độ hoài nghi lại có điểm hiệu chỉnh thấp, chỉ có 160, vì nó trước hết là biến thể của Chủ nghĩa hư vô (điểm hiệu chỉnh 120). Thái độ hoài nghi không phụng sự được mục đích của mình, nó bẩm sinh đã không có các công cụ để giải quyết hoặc điều tra những thực tại của bối cảnh, đặc biệt là những bối cảnh có điểm hiệu chỉnh ở các tầng 500, 600 và cao hơn nữa. Ngoài ra, chủ nghĩa hoài nghi chỉ nói đến nội dung mà không nhận ra rằng giá trị của chính ý nghĩa hoàn toàn phụ thuộc vào bối cảnh. Đến lượt mình, bối cảnh phản ánh ý định, như Nguyên lý bất định Heisenberg đã chứng minh và hòa điệu với sức mạnh bên trong của tầng ý thức của người quan sát.

Trái ngược với ngây thơ hay hoài nghi, nghiên cứu ý thức không nhằm mục đích chứng minh hay bác bỏ bất cứ thứ gì; nghiên cứu ý thức là để phân biệt hoặc xác nhận tầng của thông tin mà tư duy, lý trí hoặc giả định không phát hiện ra được, vì nghiên cứu ý thức nằm ngoài tri giác và ý kiến. Hiệu chỉnh là khách quan và chỉ đơn giản là đưa ra một con số, ý nghĩa của con số đó được thể hiện bởi vị trí của nó trên Bản đồ Ý thức đã được hiệu chỉnh.

Chủ nghĩa hoài nghi bị giới hạn vì nó phụ thuộc vào miền tư duy tuyến tính, mà chính chủ nghĩa hoài nghi cho rằng nó là mơ hồ. Mục tiêu của người hoài nghi sẽ được hoàn thành một cách trọn vẹn hơn nếu họ sử dụng lợi thế của kỹ thuật phi tuyến tính, và bằng cách đó, có thể xác định được ảnh hưởng sâu sắc của bối cảnh. Tương tự như thế, người ta không thể sử dụng vật lý Newton hay phép tính vi phân nhằm chứng minh hay bác bỏ cơ học lượng tử. Chủ nghĩa hoài nghi cần sự giúp đỡ của kiến thức cao hơn hẳn thì mới bắt kịp với thông tin ngày càng gia tăng, tạo điều kiện cho người ta truy cập vào hệ hình về thực tại ngày càng mở rộng hơn.

Một điều kỳ quặc khác của chủ nghĩa hoài nghi là không nhận ra rằng phủ định cái tiêu cực không tạo ra được cái tích cực, như được chứng minh bằng chiếc hộp nghịch lý cổ điển nổi tiếng: Người ta làm ra một cái hộp và đặt vào bên trong tờ giấy với dòng chữ: “Tất cả các tuyên bố trong cái hộp này đều sai”.

Không có khả năng công nhận sự thật

Không có khả năng công nhận sự thật có thể là do (1) rối loạn cảm xúc, (2) xung đột về mặt tâm lý, (3) trưởng thành mà vẫn bị chứng ái kỷ chi phối quá mạnh, hoặc, phổ biến nhất là, (4) đơn giản là do tầng tiến hóa của ý thức. Như đã được mô tả trong Transcending the Levels of Consciousness, chức năng của tâm trí bị chi phối bởi các trường năng lượng điểm hút được gọi là Tâm trí Thấp hơn (điểm hiệu chỉnh 155) và Tâm trí Cao hơn (điểm hiệu chỉnh 275). Đặc điểm của những kiểu tâm trí này được in lại ở đây.

 

Chức năng của tâm trí

 

Tâm trí thấp hơn (điểm hiệu chỉnh 155)

Nội dung

Cụ thể

Tâm trí cao hơn

Nội dung cộng với trường

Điều kiện

Tích tụ

Phát triển

Thu thập

Thưởng thức

Giữ nguyên

Tiến hóa

Suy nghĩ

Quá trình

Biểu hiện

Hàm ý

Thời gian = hạn chế

Thời gian = cơ hội

Tập trung vào hiện tại/quá khứ

Tập trung vào hiện tại/tương lai

Bị cai trị bởi tình cảm/ước muốn

Bị cai trị bởi lý trí/cảm hứng

Đổ lỗi

Nhận trách nhiệm

Cẩu thả

Có kỷ luật

Cụ thể, theo nghĩa đen

Trừu tượng, tưởng tượng

Giới hạn, thời gian, không gian

Không giới hạn

Cá nhân

Phi cá nhân

Hình tướng, sự kiện

Tầm quan trọng, ý nghĩa

Tập trung vào chi tiết

Tổng thể

Ví dụ chọn lọc

Phân loại, dung hợp

Hận thù

Bác bỏ

Phản ứng

Không dính chấp

Thụ động/hung hăng

Bảo vệ

Nhớ lại sự kiện

Đưa tầm quan trọng vào bối cảnh

Lập kế hoạch

Tạo ra

Định nghĩa

Bản chất, ý nghĩa

Cụ thể hóa

Khái quát hóa

Chán ngắt

Siêu việt

Đạo đức

Luân lý

Ví dụ

Nguyên tắc

Sống sót về thể xác và tình cảm

Phát triển trí tuệ

Khoái lạc và thỏa mãn

Hoàn thành tiềm năng

Cực đoan tôn giáo

Cân bằng tâm linh

Chủ nghĩa hoài nghi

Nghiên cứu tri thức

Ngây thơ

Tinh tế

 

Hiện tượng có ý nghĩa vô cùng quan trọng là Tâm trí Thấp hơn giữ thế thượng phong trong 55% dân chúng Hoa Kỳ và khoảng 85% người dân và xã hội trên toàn thế giới. Nền văn hóa và những người bị Tâm trí Cao hơn và Thấp hơn chi phối có thế giới quan rất khác nhau (“xung đột”). Thú vị là, sự chênh lệch này không thể hiện bằng tầng IQ, mà thể hiện ở khả năng phân biệt bản chất với hình thức bên ngoài và thái độ ích kỷ, chỉ biết có mình.

Có thể mô tả như sau, Tâm trí Thấp hơn có đặc điểm là chán ngắt, hiểu theo nghĩa đen, trần tục và có xu hướng hợp lý hóa mang tính chính trị hóa và đao to búa lớn, trong khi Tâm trí Cao hơn có khả năng phân biệt, trừu tượng, có nguyên tắc, có kỷ luật. Tâm trí Thấp hơn thường có những cảm xúc tiêu cực, đặc biệt là hận thù. Ngược lại, Tâm trí Cao hơn có thái độ tích cực hơn, nhân từ hơn và tìm kiếm đồng thuận và tha thứ.

Giá trị mang tính tiên lượng đáng sợ là Tâm trí Thấp hơn có xu hướng sử dụng lực lượng bên ngòai để thống trị vì nó gắn liền với bán cầu não trái, xử lý thông tin chẳng khác gì động vật. Tâm trí Cao hơn tìm cách gây ảnh hưởng bằng những tầng cao hơn: sự thật và lý trí. Như vậy là, Tâm trí Thấp hơn thường có thái độ hung hăng và thích sử dụng bạo lực, trong khi Tâm trí Cao hơn thúc đẩy hòa bình và miễn cưỡng phòng thủ khi bị tấn công. Có thể so sánh với thế giới động vật, động vật ăn cỏ luôn bị những loài ăn thịt đe dọa tấn công. Trong thế giới ngày nay, động vật ăn thịt đe dọa tấn công bằng vũ khí hạt nhân, trong khi động vật ăn cỏ thì rụt rè, không thể quyết định sử dụng hệ thống cảnh báo tên lửa phòng vệ hoặc thậm chí “gọi cái thuổng là cái thuổng” vì sợ “xúc phạm” người khác.

Bác bỏ sự thật

Quá trính tiến hóa tâm linh tương quan với tầng ý thức và do đó, thể hiện sự cân bằng giữa lòng trung thành với bản ngã và lòng trung thành với sự thật, cân bằng là thực tại tâm linh. Tầng ý thức có thể hiệu chỉnh được phản ánh sự thống trị của trường điểm hút năng lượng, kết quả là nó bao gồm một loạt những tùy chọn phù hợp. Như vậy là, thế giới quan của người nằm trên tầng ý thức khoảng 450 lại bị những người nằm trên tầng ý thức từ 170 đến 195 coi là sai, đây không chỉ hiện tượng rất phổ biến mà còn là cốt lõi của những vụ xung đột chính trị-xã hội trong lịch sử nhân loại.

Những tầng ý thức thấp nhất của con người là các tầng tội phạm, được thể hiện bằng sự kiện là không thể trì hoãn hay kiểm soát những cơn bốc đồng chẳng khác gì động vật, niềm vui khi tỏ ra thách thức và không có khả năng học hỏi từ kinh nghiệm. Khiếm khuyết thể hiện trong việc không có khả năng phân biệt đúng sai, đây là khiếm khuyết mang tính bẩm sinh và thường là do di truyền. Về mặt lâm sàng, tình trạng này được gọi là “rối loạn hành vi” hay “rối loạn nhân cách tâm thần”, và chất nền sinh học của nó thường liên quan tới khuyết tật bẩm sinh của chất xám trong vùng vỏ não trước trán. Có thể chẩn đoán được ngay từ tuổi lên ba và nói chung, rất khó điều trị về mặt lâm sàng và không thể sửa được.

Tác giả đã quan sát một trường hợp như thế trên máy bay, ngay ghế bên cạnh có một bà già để đứa trẻ ngồi trên đùi của mình. Đứa trẻ liên tục nắm và kéo chiếc vòng cổ đính cườm của bà già, còn bà ta thì nói, “Không được làm thế” và tát đứa trẻ. Nhưng đứa trẻ vẫn tiếp tục và kéo nhiều lần nữa, mỗi lần đều bị tát và bị mắng, nhưng nó tiếp tục làm như thế. Bà giá tát nó và nói “không” hơn một trăm lần trong vòng có một nửa giờ, nhưng đứa trẻ này dường như không thể dừng lại hay học hỏi từ kinh nghiệm. Những nhà độc tài và các nhà lãnh đạo của các quốc gia bất hảo là những người thể hiện rõ ràng nhất việc họ không thể học được gì từ những trải nghiệm tiêu cực, những người này sẵn sàng hủy diệt hàng loạt đồng bào của mình.

Thái độ ngoan cố và thách thức không thể kiểm soát được thể hiện trong giai đoạn “hai tuổi khủng khiếp”, trong đó bản ngã “ông trời con” của đứa trẻ gặp phải sự kiểm soát của cha mẹ. Cha mẹ có thể không đủ nghị lực hay ý chí để có thể phản hồi một cách thích hợp, vì vậy mà đứa trẻ không học được biện pháp kiểm soát xung lực và không thể nhận ra bài học sinh tồn cơ bản về đúng và sai. Nó phù hợp với tầng ý thức rất thấp, đặc biệt là những người có điểm hiệu chỉnh dưới 90, tức là những kẻ tội phạm. Tình trạng tương tự cộng với những bài nói tràng giang đại hải mà chúng ta thấy trong biểu hiện chính trị của nó, gọi là “ái kỷ theo lối cứu thế ác tính (megalomania), được trình bày trong tác phẩm Truth vs. Falsehood (in lại ở bên dưới) và đấy là đặc điểm của tất cả các nhà độc tài; họ thường không có lòng nhân từ hoặc thiện chí và do đó, giành được quyền lực chính trị dựa trên hận thù.

 

Tính cách của các nhà lãnh đạo chính trị nguy hiểm

           

Tàn nhẫn, hời hợt, xảo quyệt

Không tôn trọng đời sống của con người

Không đánh giá cao sự thật

Nói dối thường xuyên và là tiêu chuẩn

Sự kiện bị coi là không liên quan

Chiến thắng bằng mọi giá, lợi dụng người khác

Không có đạo đức hay luân lý

Không có các giá trị tâm linh

Không có lý tưởng nhân đạo

Không quan tâm tới người khác

Tự hào khi giành được kết thúc tốt hơn

Hả hê trước mánh khóe bịp bợm thông minh

Chỉ đánh giá cao chinh phục, chiến thắng, đánh bại

Sẵn sàng hy sinh gia đình, xã hội

Quỷ quyệt, thông minh, tàn nhẫn

Hướng tới quyền lực, không có giới hạn

Tham lam được đánh giá cao

Cho rằng mọi người đều đang nói dối

Không đánh giá cao tính trung thực

Chế nhạo kẻ yếu

Tàn bạo, hung ác

Vui sướng trước đau khổ của người khác

Phát đạt nhờ xung đột

Không đồng cảm với nhân loại

Hòa bình là không liên quan

Không có danh dự cá nhân

Tự phụ, khoa trương, bạo ngược

Vô thần, hám lợi

Tôn giáo chỉ là phương tiện

Muốn báo thù, đố kỵ

Ghen tỵ, ác tâm, hận thù

Ác ý, khắc nghiệt

Không có khả năng yêu thương

Ngôn từ đao to búa lớn, khoa trương

Giả vờ trung thực, lừa dối

Lợi khẩu và khoa trương

Không cảm thấy tội lỗi, bất lương

Khinh bỉ phụ nữ và trẻ con

Ích kỷ, ngã ái

Tự phụ, tự coi mình là trung tâm

Đưa ra những lời kết án sai

Coi người khác cũng như mình

Cuốn hút những người ủng hộ ngây thơ

Vượt mọi giới hạn của logic và lý trí

Có khả năng mắc sai lầm rất lớn

Không nhận thức được hậu quả, phản tác dụng

Hoang tưởng, cảnh giác, đề phòng

Coi binh lính là bia đỡ đạn

Cuối cùng phản ứng quá mức và thất bại

Kẻ yếu “xứng đáng” với số phận dành cho họ

 

Đối với những người có thái độ thách thức, sự thật hoặc uy quyền chỉ làm cho họ bực bội vì nó đại diện cho sự kiểm soát độc đoán của cha mẹ. Nhân cách kém thường coi sự thật chính trực là đe dọa và do đó, dễ dàng bác bỏ, coi nó là sai lầm.

Mức độ khiếm khuyết ít hơn tương quan với quan điểm chính trị xã hội được thể hiện dưới dạng thế hệ “tôi”/”nhạy cảm”. Hiện tượng bất bình thường như thế xuất hiện dưới dạng chú tâm theo lối gây sự vào “quyền” của chủ nghĩa ái kỷ và chủ nghĩa khoái lạc đã bị thổi phồng lên. Quan điểm này được thể hiện một cách rõ ràng dưới dạng thế tục, bài tôn giáo, bài Thiên Chúa và quan điểm xã hội bài-hiện-thực-tâm-linh. Sự ngóc đầu dậy của các hệ thống triết học (Marxist) của cái gọi là tương đối luận đạo đức “hậu hiện đại” (điểm hiệu chỉnh từ 160 đến 190) càng hỗ trợ cho những quan điểm này. Lúc đó sự phồng lên quá mức của bản ngã được thể hiện bằng cách gọi tập hợp những quan điểm ích kỷ bị thổi phồng này là “cao cấp”, “tinh hoa” hoặc “chính xác”. Quan trọng nhất là, tập hợp các xu hướng này dẫn đến yếu kém trong việc kiểm nghiệm thực tại, nó lại được hệ tư tưởng mang tính hàn lâm/dân túy và chính trị xã hội và ngụy biện chống lưng, tất cả đều khoe khoang là “ngôn luận tự do”.

Quá trình xâm nhập của những ngôn từ đao to búa lớn đầy thiên vị như thế vào giới hàn lâm đã làm cho thành tích của giới hàn lâm suy giảm nghiêm trọng, không chỉ “khoan dung” mà còn ở tôn vinh một loạt bài giảng có điểm hiệu chỉnh 130, hoặc thậm chí thấp hơn, chỉ ở tầng 90. (Câu hỏi lại được đặt ra: Liệu bạn có muốn một bác sĩ phẫu thuật não có điểm hiệu chỉnh 90 phẫu thuật cho bạn; hoặc nhân viên tư vấn đầu tư có điểm hiệu chỉnh 90 giải quyết vấn đề tiền bạc của bạn; hay thậm chí là người giữ trẻ có điểm hiệu chỉnh 90 chăm sóc con bạn hay không?).

Nghịch lý của quan điểm chống độc tài và những người ủng hộ nó là chính nó lại cực kỳ độc đoán và toàn trị, cũng như thù địch và có xu hướng ác ý và căm thù. Những cảm xúc kèm theo là hệ quả và bẩm sinh của trường điểm hút của các tầng ý thức thấp hơn. Những cuộc tranh cãi chính trị mà chúng ta từng trải qua như là cuộc đấu tranh gay gắt để thể hiện lòng trung thành giữa các nhóm dân cư có điểm hiệu chỉnh trên và dưới tầng ý thức tới hạn 200.

Mục tiêu chính của các tranh chấp xã hội/chính trị tập trung vào khái niệm đạo đức. Vì vậy, có những người biện hộ và ủng hộ những tên tội phạm man rợ, những kẻ đã làm cho hàng ngàn người chết, hay đồng cảm với những tên khủng bố Hồi giáo (cũng làm cho hàng ngàn người thiệt mạng), hay “quyền” của băng đảng MS-13[1], thành viên của nó đã tra tấn và giết hại hàng ngàn người.

Sự suy giảm khả năng kiểm nghiệm thực tại sau khi bị những lời đao to búa lớn của tương đối luận nhồi sọ tạo ra những hiện tượng kỳ quặc, ví dụ như những người nổi tiếng kéo đàn kéo lũ tới để bày tỏ thái độ đồng cảm với những kẻ ấu dâm, giết hại trẻ em hoặc những nhà độc tài bị bệnh tâm thần, giết hại người hàng ngàn đồng bào của mình và thich thú quan sát cảnh tra tấn tình dục một cách từ từ những phụ nữ bị treo bằng dây từ trên trần nhà, cố ý làm cho mấy ngày sau họ mới chết.

Có thể không đồng ý với uy quyền (ví dụ, người bất đồng chính kiến) mà không cần phải có quan điểm ngược lại, quan điểm ngược lại sẽ đẩy bất đồng rơi vào tầng sai lầm. Tương tự như thế, tâm từ bi phù hợp hơn hẳn, đấy là nói so với sự hòa điệu với dối trá vì bảo vệ cái ác sẽ dẫn đến hòa điệu với cái ác. Thực tế là những tên tội phạm loạn trí không thể không trở thành người mà chúng đang là không có nghĩa là ta phải đồng ý với chúng.

Khả năng nhận biết thực tại tâm linh bị suy giảm chủ yếu là do kết quả của công tác tuyên truyền không ngừng nghỉ và lập trình do các phương tiện truyền thông tiến hành, lại được trợ giúp bởi tâm trí ngây thơ của người bình thường, dễ bị mê hoặc và có thể bị những điều dối trá bị thổi phồng và bóp méo lập trình - bóp méo lại khoác áo quan điểm hợp thời và được ưa chuộng.

Sống sót về mặt xã hội

Quan trọng là cuộc công kích dữ dội của những thứ không chính trực được dân chúng ưa thích nhằm tới mục tiêu là 55% người dân Mỹ có điểm hiệu chỉnh dưới tầng ý thức 200, và lại được những người này ủng hộ. Tuy nhiên, tầng ý thức của người Mỹ nói chung vẫn có điểm hiệu chỉnh 421. (Đã từng đạt tới tầng 426, nhưng đã hạ xuống vào mùa thu năm 2006). Nguyên nhân tạo ra chênh lệch rõ ràng này là những tầng dưới 200, như có thể thấy khi so sánh hàm số mũ, là những tầng không có năng lượng được bù đắp bằng những tầng có điểm hiệu chỉnh cao của những người chính trực. Vì vậy, tầng rất cao với sức mạnh bên trong của chỉ một số tương đối ít người trong toàn bộ dân cư cũng giữ được khả năng sinh tồn của toàn bộ chỉnh thể và có thể đối trọng thành công với những tác động tiêu cực. (Ví dụ, nếu 100 người có điểm hiệu chỉnh cao nhất bị loại ra, thì tầng ý thức trung bình tổng thể của Mỹ giảm xuống chỉ còn 320. Nếu loại bỏ 1.000 đứng đầu, thì tầng ý thức tổng thể sẽ giảm từ 421 xuống còn 220.)

Bác bỏ thực tại tâm linh, đạo đức, tính chính trực và sự thật sẽ làm cho nền văn minh trở thành điêu tàn. Trong khi tầng ý thức tổng thể của nhân loại là 204 (tháng 11 năm 2007), nếu 1.000 người nằm ở những tầng ý thức cao nhất trên thế giới đã bị loại bỏ, thì tầng ý thức của nhân loại sẽ rơi xuống còn 198. Tâm từ bi dành cho những người chậm tiến hóa thúc đẩy những nỗ lực không ngừng nghỉ của xã hội trong việc sửa chữa và giúp đỡ những người kém may mắn hơn trong quá trình tiến hóa. Vì vậy, cần có tâm từ bi, thái độ chấp nhận và khoan dung thì mới giữ được cho xã hội nằm trong tạng thái cân bằng và hiệu quả, ở đây bao gồm nhận thức về thực tại xã hội/chính trị/tôn giáo, chẳng hạn thái độ hân hoan về ngày tận thế của Hồi giáo, hiện có điểm hiệu chỉnh 60 (tháng 11 năm 2007).

Chủ nghĩa vô thần, thuyết bất khả tri và không có tín ngưỡng

Thái độ nghi ngờ mang tính trí tuệ đích thực là chính trực ở chỗ nó coi quyết định và niềm tin là quan trọng và có ý nghĩa. Lý trí sử dụng quá trình xử lý mang tính trí tuệ dựa trên giả định rằng, thông tin cộng với tư duy logic - thông qua quá trình xử lý trong tâm trí - có thể dẫn đến sự thật. Cách làm như thế tạo điều kiện cho người ta có thái độ khoan dung trước tình trạng lưỡng phân và mơ hồ, vốn là kết quả của trải nghiệm tuyến tính trong quá trình trưởng thành và trí tuệ xuất hiện. Cuối cùng, người ta phát hiện được rằng chỉ dùng trí tuệ thì không thể trả lời được tất các câu hỏi có thể được đặt ra (giả thuyết), và do đó, đức tin đồng hành với tất cả các tầng trong quá trình tiến hóa. Đức tin luôn luôn nằm trong tâm trí, và do đó, vấn đề chỉ là tin vào cái gì mà thôi. 

Cốt lõi của bản ngã ái kỷ hòa điệu với việc trở thành người “đúng”, “đúng” có nghĩa là đồng ý với trí tuệ hay bác bỏ nó vì cho rằng nó không có giá trị. Bằng thái độ khiêm tốn, người tìm kiếm nghiêm túc phát hiện được rằng chỉ có tâm trí, dù có học đến đâu đi nữa cũng thì cũng không thể giải quyết nan đề: làm sao xác định và xác nhận được sự thật. Đây là quá trình xác nhận bằng trải nghiệm chủ quan, cũng như bằng những tiêu chí khách quan, có thể chứng minh được.

Trong khi việc dựa vào uy quyền thông qua đức tin là đủ cho phần lớn những người tìm kiếm chính trực thực tại tâm linh và sự thật, nhưng tâm trí có thể vẫn còn tiếp tục nghi ngờ trong một thời gian dài. Tuy nhiên, quyết tâm tìm kiếm vẫn tiếp tục nhờ những trải nghiệm chủ quan trong quá trình tiến hóa tâm linh ở bên trong, đấy là kết quả của quá trình siêu việt các tầng ý thức cộng với việc xác nhận thực tại tâm linh trong thế giới ngày nay bằng phương pháp hiệu chỉnh ý thức. Sự kết hợp này, cộng với dâng hiến cho sự thật, coi đó là con đường đến với Thiên Chúa, cuối cùng sẽ giúp người ta vượt qua những “khối nghi ngờ” to lớn, mang tính kinh điển, bên kia khối nghi ngờ này sẽ tự nhiên xuất hiện nhận thức và mặc khải. Tất cả nghi ngờ đều xuất phát từ tự ngã và sẽ bị hòa tan vào Thực tại bao trùm của Đại ngã, nhờ đó, cuối cùng người đó đã trở về nhà, thật bình yên vì không còn hồ nghi gì nữa.

Tâm trí không thể chứng minh được một mệnh đề nào đó, không có nghĩa là mệnh đề đó sai. Đây là cạm bẫy của những người vô thần, vì tâm trí không thể biết được sự thật. Đồng thời cũng không thể bác bỏ nó, vì nếu bác bỏ nó sẽ rơi vào nghịch lý là phải chứng minh điều ngược lại. Cốt lõi ái kỷ của bản ngã, do vô thức và ngây thơ, mà cho rằng nó là toàn năng và do đó, không có thái độ khiêm tốn cần thiết để có thể vươn tới Chân lý cao hơn. Thú vị là, những người vô thần không thể sử dụng kỹ thuật hiệu chỉnh ý thức để phủ nhận Thiên Chúa cũng có nghĩa là phủ nhận Sự Thật.

Trong khi chủ nghĩa vô thần có điểm hiệu chỉnh ý thức 190, thì thuyết bất khả tri có điểm hiệu chỉnh 200, nó phức tạp hơn, hòa điệu hơn với thực tại, và chỉ thừa nhận rằng bản thân trí tuệ không thể giải đáp được câu hỏi về sự tồn tại thực tế của Thiên Chúa. Thuyết bất khả tri có điểm hiệu chỉnh cao hơn thuyết hoài nghi, vì nó không có thái độ mang tính cảm xúc tiêu cực trong khi chống lại Sự thật. Nó chỉ tuyên bố một cách khiêm tốn rằng trí tuệ không có khả năng tìm được câu trả lời thỏa đáng. Hạn chế của thuyết bất khả tri là dùng trí tuệ để tìm câu trả lời cho những vấn đề không thể giải quyết được ở tầng trí tuệ.

Thuyết bất khả tri và thuyết vô thần cũng có thể tương thích với tuổi tác và có xu hướng giảm dần cùng với sự trưởng thành về mặt cảm xúc, từng trải hơn. Lúc đó người ta tìm kiếm sự thật không phải chỉ ở chiều tuyến tính của nội dung, mà còn tìm trong địa hạt bối cảnh phi tuyến tính, mở rộng khả năng nhận thức Sự Thật. Trong nhiều lĩnh vực của đời sống, suy đoán được thay thế bằng thái độ tự tin và mở rộng năng lực nhận thức về những chiều kích cao hơn, chúng tự bộc lộ thông qua mặc khải chứ không thông qua quá trình xử lý tuyến tính.

Nghi ngờ và không tin thường là điềm báo, nói rằng sẽ có những bước nhảy vọt trong ý thức, nó có thể xuất phát từ việc tái khởi động vì thất vọng, tai họa, hoặc chỉ đơn giản là trưởng thành và trí tuệ xuất hiện. Nhiều người đã nhận xét về hiện tượng như thế, ngay cả các thánh nhân, những người đã từng trải qua những trải nghiệm có tính cải hóa, trong đó có cả những điều kỳ diệu. Con đường như thế có thể liên quan đến việc thảm họa làm cho người ta mất niềm tin tôn giáo đã có từ thời thơ ấu, sau đó là những năm tháng tìm kiếm sự thật có thể xác nhận được. Quá trình khám phá bên trong có thể được đẩy nhanh bằng thiền định mà không cần hệ thống niềm tin liên quan nào. Vì vậy, đối với người không có niềm tin, Phật giáo thường có tính thực tế và hấp dẫn, như Đức Phật đã dạy về Bát Chánh Đạo không cần niềm tin vào “Chúa”.

Một con đường khác thích hợp cho những người không có niềm tin là kinh VedasUpanishads có từ thời cổ đại, hai tác phẩm này đã dự đoán trước về việc phát hiện được cơ học lượng tử. Hai cuốn Kinh này cũng nói về Thực tại Tối hậu của Nguyên lý Tuyệt đối và trường vô biên vô tế của chính ý thức, như là Thực tại nguyên thủy, nằm bên ngoài vọng tưởng của tri giác cũng như tư duy. Con đường Advaita (bất nhị) là con đường nguyên sơ dành cho quá trình tìm kiếm chính trực Sự thật, bác bỏ tất cả các hệ thống niềm tin. Con đường này đã được trình bày chi tiết trong các tác phẩm xuất bản trước đây. Mặc dù bất nhị dẫn đến sự Chứng ngộ, việc nghiên cứu kinh Vedanta có thể dẫn đến sự tham gia quá sâu vào các trường phái triết học khác nhau của Ấn Độ, có thể trở thành hệ thống niềm tin làm cho người ta bối rối.

Đối với những người hoài nghi/không tin tưởng, việc tìm kiếm bản chất của ý thức là con đường và phương pháp nguyên sơ nhất, vì nó bỏ qua tất cả các hệ thống niềm tin và chỉ đòi hỏi thái độ tò mò và chân thành chính trực.

Tất cả những mô tả của tâm trí (tuyến tính) về sự thật tâm linh/tôn giáo đều có thể bị vô hiệu hóa, dẫn đến tranh luận và tranh chấp. Ngược lại, chính ý thức (phi tuyến tính) nằm ngoài định nghĩa hoặc mô tả và do đó không thể bị hoài nghi, nghi ngờ, hoặc không tin.

Nghiên cứu bản chất của ý thức dẫn trực tiếp đến cội nguồn của Chiếu sáng, vì Ánh sáng của Ý thức là điều kiện của Chứng ngộ. Do Ánh sáng của nó, Người biết và Cái được biết hợp nhất trong Nhận thức về Đại ngã như là Thiên Chúa Thường Hằng

 



[1] Mara Salvatrucha là một băng đảng tội phạm lớn hoạt động trên khắp thế giới. Tên của băng đảng thường được viết tắt là MS-13, Mara, MS chủ yếu là những người En Xanvađo. Băng đảng MS-13 có đồng bọn, hoặc bè phái ở khắp nơi trên nước Mỹ nhưng vẫn giữ hoạt động chặt chẽ tại En Xanvađo. Năm 2005, cơ quan FBI tuyên bố rằng Mara Salvatrucha được coi là băng đảng tội phạm nguy hiểm nhất không chỉ trên đất nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Số thành viên tổng cộng chừng trên 50.000 ở Mỹ. Hoạt động tội phạm của chúng bao gồm buôn lậu và bán thuốc phiện, bán súng nơi chợ đen, giết người thuê, buôn người, cướp và hãm hiếp phụ nữ - ND.

No comments:

Post a Comment