July 3, 2024

THỰC TẠI, TÂM LINH VÀ CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI (13)

                                                     Reality, Spirituality and Modern Man)

David Hawkins, M. D., Ph. D.

Phạm Nguyên Trường dịch


CHƯƠNG 12

 

Thiên Chúa như là giả thuyết

 Dẫn nhập

Trong quá khứ, những cuộc thảo luận và suy đoán về bản chất của Thần tính là lĩnh vực của thần học và tôn giáo. Mặc dù có những tác phẩm uyên bác như thế, một người bình thường vẫn thường thực sự cảm thấy bối rối về bản chất thực sự của Thực tại tối thượng, còn trong thế giới ngày nay, mỗi người thường có rất ít thời gian để nghiên cứu hoặc suy ngẫm sâu về chủ đề này.

Nói chung, Thiên Chúa được hình dung là “ở trên kia”, và, mặc dù có thể tiếp cận bằng cầu nguyện, nhưng Ngài không thực sự tồn tại ở cùng tầng với những hiện tượng thế gian mà chúng ta tri giác được. Trong đời sống hàng ngày, cảm giác về “thực tại” chủ yếu dựa trên xác nhận của giác quan cộng với những trau chuốt về khái niệm và cảm xúc. Đối với nhiều người, Thiên Chúa trước hết là hệ thống niềm tin và do đó, phụ thuộc vào những thăng trầm của tâm lý cá nhân trong suốt cuộc đời của người đó. Vì vậy, chủ đề này có thể bị lãng quên trong suốt hàng chục năm hoặc có thể chỉ được dành riêng vào sáng chủ nhật. Nhiều người quyết định rằng họ sẽ nghiêm túc bắt tay vào giải quyết chủ đề này trong những giai đoạn về sau.

Những mô tả trong quá khứ

Như đã nói, hầu như trên toàn thế giới người ta đều tưởng tượng và hình dung Thiên Chúa như là đang ở nơi khác, chẳng hạn như trên thiên đường và do đó, có khoảng cách thực tế nào đó. Trong nghệ thuật, người ta miêu tả Thiên Chúa là người rất to lớn, đang lơ lửng giữa các vì sao và những đám mây, có lẽ có vài thiên thần và thiên sứ đang bay gần đó. Trong các tác phẩm kinh điển, miêu tả tương tự như bức tranh trên trần nhà nguyện Sistine, Chúa có mái tóc dài, người cao và to, già nua, lơ lửng trong không gian, có lẽ đang hạ xuống để tiếp xúc với con người thời cổ đại.

Chúa như là một khái niệm

Khái niệm và định nghĩa về Thiên Chúa như là “Đấng sáng tạo” chứ không phải là Hiện diện vĩnh hằng và Cội nguồn đang diễn ra, liên tục, thường hằng dẫn đến những hạn chế về mặt khái niệm, theo đó Thiên Chúa được định nghĩa trong những thuật ngữ của thời gian và quan hệ nhân quả và do đó, liên kết về mặt khái niệm với thế giới tuyến tính, có thể quan sát được mỗi ngày. Chính thời gian là vọng tưởng mang tính nhận thức và tri giác và chỉ đơn giản là sự phóng chiếu của ý thức, như đã nói trong những tác phẩm trước (Hawkins, 2001). Nhận thức này được lý thuyết vật lý lượng tử cao cấp xác nhận (Lynds, 2006). Lý thuyết này kết luận rằng không có ý thức thì thậm chí vũ trụ độc lập cũng không tồn tại (Stapp, 2007; Rosenblum và Kuttner, 2007).

Thiên Chúa không chỉ được coi là “cái gì” mà còn là “ai”, như cũng như “khi nào”, với những tính cách chủ yếu là nhân hình (giống như người), và đặc biệt là trong Kinh Cựu Ước. Vì thế Thiên Chúa được cho là có tất cả những nhược điểm của bản ngã của con người - tức giận, trả thù, nguyên thủy, trả đũa, ghen tị và phán xét, cùng với lòng nhân từ, đấy là khi Ngài hài lòng. Một vị Chúa như thế cũng được coi là có phần nào thất thường theo nghĩa là dân chúng dường như được tạo ra một cách quá bất bình đẳng nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của mình, mặc dù họ được tạo ra như là những kẻ bất tài (vô minh). Như vậy là, nhân loại đòi hỏi cả Lòng Thương Xót và Sự Cứu Rỗi của Thiên Chúa.

Từ những phóng chiếu nhân hình này xuất hiện hình ảnh của Thiên Chúa mà con người có thể thấy được phần nào mâu thuẫn, theo nghĩa là Thiên Chúa được coi là nhân từ, nhưng ngược đời là Ngài thậm chí còn có khả năng ném tâm hồn của con người vào Địa ngục. Như vậy là, Thiên Chúa được coi là người yêu thương, nhưng cũng có giới hạn. và được ví với cha mẹ của con người. Tất nhiên, Sigmund Freud đã nghiên cứu hiện tượng này, và ông đã vứt bỏ ý tưởng đó về Chúa, coi đấy chỉ đơn giản là phóng chiếu của vô thức trẻ con mà thôi. Trong khi ông bác bỏ những mô tả sai lầm về Thiên Chúa, thì ông lại phạm sai lầm khi kết luận rằng Chúa thực sự không hề tồn tại, đó là sai lầm, nghĩa là sự kiện là những mô tả nhân hình về Thiên Chúa là sai lầm cũng không bác bỏ được Thực tại của Thần tính. Những tôn giáo phức tạp hơn chẳng hạn như Phật giáo và Ấn Độ giáo, dạy về nghiệp lực, phản bác lại quan niệm cho rằng số phận của con người dường như là bất công.

Kính sợ Chúa

Trong khi những mô tả nhân hình làm cho người ta sợ sự giận dữ mang tính phán xét của Thiên Chúa, thì cội nguồn của nỗi sợ khác lại phát sinh từ việc coi Thiên Chúa là Cội nguồn và nguyên nhân của tất cả những sự việc diễn ra trên trần gian, cũng như những tai họa của con người. Vì vậy, Thiên Chúa được coi là tác giả của bão tố, hạn hán, lũ lụt, động đất, núi lửa phun trào, v.v. Trong các xã hội nguyên thủy, quan niệm này làm cho người ta tìm mọi cách nhằm xoa dịu Thiên Chúa bằng cách hiến tế người hay động vật, và trong nghi lễ của người Inca, người Maya, và trong hầu hết các nghi lễ tôn giáo nguyên thủy khác, lễ hiến tế thường cực đoan đến mức kỳ quặc. Lễ hiến tế động vật cũng diễn ra ở nhiều nơi khác và đã ăn sâu bén rễ vào văn hóa Do Thái cổ đại, cũng như các nền văn hóa khác. Trong thế giới ngày nay, người ta cũng chứng kiến những hành động nguyên thủy tương tự như thế trong việc tôn thờ tự sát của đạo Hồi và giết hại những người vô tội hoặc “những kẻ ngoại đạo” để làm hài lòng Thiên Chúa và nhờ đó mà giành được ân huệ của Thiên Chúa, cũng như những món quà và thú vui trên thiên đàng. Kiểu suy nghĩ này cũng liên quan đến việc bố thí hay hy sinh để làm hài lòng Thiên Chúa. Khái niệm cho rằng có thể làm cho Thiên Chúa hài lòng, tức giận, xoa dịu, “mua chuộc” hay tâng bốc bằng cách thờ cúng có nguồn gốc từ thuyết nhân hình. Cũng như những thực hành tôn giáo khác, phẩm chất quan trọng là ý định và đức tin.

Thiên Chúa là Tạo Hóa

Người ta đã mô tả Thiên Chúa là toàn trí, toàn năng, và có mặt khắp nơi. Thiên Chúa là nguồn gốc đầu tiên, là cội nguồn, và do đó, là Tạo Hóa. Tâm trí con người suy nghĩ bằng những thuật ngữ nhân quả diễn ra theo thời gian. Tâm trí cho rằng thời gian, trình tự và nhân quả đều “ở ngoài kia”, trong thế giới tuyến tính mà người nhận thức được và do đó là thực tại (sự nhầm lẫn giữa res interna [cogitans] với res externa [extensa]). Khái niệm hóa này còn được xác nhận bởi tính chất tuần tự của qúa trình xử lý hình ảnh của tâm trí. Do đó, tâm trí dựng lên “dòng thời gian”, có bắt đầu và có kết thúc, nó đòi hỏi “nguyên nhân chính” tạo ra nguồn gốc và quyền tác giả.

Thiên Chúa được coi là “nguyên nhân đầu tiên”, nguyên nhân chính. Sáng tạo được người ta hình dung như là quá trình tuyến tính tuần tự, như được mô tả trong Sáng Thế Ký, trong đó vũ trụ là sản phẩm được tạo ra, và thời gian đã được thiết lập. Những hạn chế mang tính khái niệm vốn có của sự tiến triển này đã được Immanuel Kant chỉ ra vào năm 1781, trong tác phẩm Phê phán lý trí thuần túy, và sau này, sau khi cơ học lượng tử xuất hiện, năm 1993, đã được Stephen Hawking trau chuốt kỹ lưỡng, bao gồm những giá trị thực tiễn và sự hữu ích của “thời gian tưởng tượng” trong lý thuyết hấp dẫn lượng tử.

Kinh Cựu Ước tách biệt một cách có ý thức Cái được sáng tạo khỏi Người sáng tạo, đấy là tính chất của ngôn ngữ nhị nguyên, phân biệt chủ thể, khách thể, và động từ. Do đó xuất hiện khái niệm “tung xúc xắc” (tức là may rủi – ND), phù hợp với phong cách xử lý của bản ngã/tâm trí.

Vượt qua những hạn chế của khái niệm hóa, sẽ thấy rằng sáng tạo nằm ngoài thời gian. Vì vậy, “lúc đó” và “bây giờ” bị bỏ qua khi đã nhận ra sự vĩnh hằng là mãi mãi, không có khởi đầu, cũng không có kết thúc; không có quá khứ, tương lai hay hiện tại; và không có sự tiến triển của thời gian, vì chỉ có con người mới chứng kiến sự tiến triển mà thôi. Chứng kiến diễn ra một cách tuần tự và được trải nghiệm như là diễn ra trong quá trình mở ra của thời gian và tiềm năng. Chính “tồn tại” là cách giải thích mang tính chọn lọc, vì trong thực tại, vũ trụ và Thần tính là nhất thể.

Thiên Chúa là Cội nguồn và chất nền luôn hiện diện chứ không phải là “nguyên nhân” của vũ trụ; do đó, sự sáng tạo mang tính tiến hóa là hậu quả của sự mở ra của tiềm năng vô biên vô tế của quyền năng vô hạn thành thực tại của tồn tại. Vũ trụ được bảo bọc của Chúa Ba Ngôi xuất hiện và vũ trụ được mở ra của sự sống và tồn tại. Trong quá trình biến đổi này, tồn tại không đòi hỏi sự xác nhận của chứng kiến. Vũ trụ là nội dung, Thần tính là bối cảnh và là Cội nguồn của nó. Qua đó có thể thấy bản chất không phải là “nguyên nhân” mà là Thực tại Tự tồn tại, nguyên thủy, thường hằng, liên tục, luôn hiện diện.

Ở tầng trừu tượng cao, có thể trực giác và nói cũng như hiểu được rằng Tất cả Đang là và tồn tại là do Luật của Thiên Chúa. Đó là phản ánh ân sủng của Thiên Chúa, qua đó tiềm năng được bảo bọc hiển lộ như là vũ trụ tuyến tính có thể quan sát được, đã mở ra. (Bohm, 1980.) Chúa Ba Ngôi của tiềm năng vô biên vô tế hiện thực hóa như là tồn tại để cho tuyến tính xuất hiện từ phi tuyến tính. Trước đây, những tác phẩm viết về những điều vừa trình bày là chủ đề của bản thể học, một nhánh của triết học quan tâm đến khoa học về hữu thể. Giải thích của Kinh Thánh được trình bày trong Phúc Âm của Thánh John, Chương 1, trong đó tuyên bố rằng khởi đầu của Thiên Chúa là Ngôi Lời[1] (Chúa Ba Ngôi), từ đó sinh ra tất cả tồn tại, trong đó có Ánh sáng của Sự sống và ý thức con người (điểm hiệu chỉnh ở tầng 1.000). Như vậy, Thiên Chúa vừa là Cội nguồn vừa là Tạo hóa.

Thiên Chúa và Sáng tạo trong thuật ngữ của khoa học hiện đại

Trong cơ học lượng tử, thế giới vật chất đang hoạt động được bộc lộ như là hệ quả của “sự sụp đổ của hàm sóng” từ tiềm năng (nguyên lý sóng) thành biểu hiện của vật chất dưới dạng “hạt”, thông qua Nguyên lý bất định Heisenberg, trong đó ý thức và ý định là chất xúc tác. Xu hướng này tăng lên là do sức mạnh bên trong có thể hiệu chỉnh được của tầng ý thức của ý định. Vì tầng ý thức của Thiên Chúa là vô biên vô tế và nằm ngoài thời gian hay giới hạn, Sáng tạo và vẻ ngoài mang tính tiến hóa của nó (sự xuất hiện) là xác thực. Vì vậy, từ “Chúa Ba Ngôi” của tiềm năng vô biên vô tế nhờ có “ý Chúa” (toàn năng) mà hiển lộ (có mặt khắp nơi) xuất hiện và sự toàn tri của Ý thức Vô biên Vô tế xuất hiện, nhờ đó tất cả đều vĩnh viễn được người ta biết.

Thiên Chúa như là Thực tại được trải nghiệm

Những mô tả mang tính trí tuệ về Thần tính xuất phát từ những hình ảnh trong tâm trí và cấu trúc của quá trình xử lý của logic tuyến tính và ý nghĩa trong tâm trí của con người. Những suy nghĩ và ý tưởng về Thiên Chúa là quá trình tri thức hóa, đấy là kết quả của những tầng ý thức từ 400 đến 499.

Hoàn toàn không phụ thuộc vào quá trình tri thức hóa như thế, trải nghiệm của con người trong mọi thời đại đã có nhận thức về sự hiện diện của Thiên Chúa như là sức mạnh của bối cảnh, bản chất Thiêng liêng của Nó là mặc khải choáng ngợp vượt trên tâm trí và tạo được  ảnh hưởng mang tính chuyển hóa sâu sắc. Khi quá trình tiến hóa tâm linh tiến lên trong mỗi  người, những sự kiện mang tính chuyển hóa về mặt tâm linh có thể xảy ra, và ở những tầng ý thức từ 540 đến 570, chúng thường trở thành những hiện tượng thường xuyên và đưa nhận thức theo lối trải nghiệm chủ quan của người đó về thực tại của đời sống vào bối cảnh mới.

Ở các tầng ý thức từ 540 đến 570, các khái niệm tâm linh không còn đơn giản là không sờ thấy được mà bắt đầu xuất hiện như là chính kết cấu mang tính trải nghiệm về chính đời sống. Chia sẻ những trải nghiệm như vậy với những người ở trên cùng tầng ý thức sẽ làm cho người ta vững tin, và tìm thấy điểm chung, được chứng minh qua trải nghiệm. Trong những cộng đồng tâm linh như thế, “Ý chí” của Thiên Chúa được mọi người chấp nhận là có ảnh hưởng, hiện diện, bẩm sinh, có tác dụng và có mặt khắp nơi (ví dụ, bối cảnh). Vì thế, nó là phần thiết yếu của thế giới hiện tượng mang tính chủ quan. Người ta hiểu rằng sự hiện diện của Thần tính là bao trùm tất cả và do đó, được gọi là “Quyền lực Cao hơn” của các nhóm dựa trên đức tin, tức là những nhóm người tìm cách tăng cường tiếp xúc một cách có ý thức với Thiên Chúa thông qua cầu nguyện, thiền định và phụng sự một cách vị tha. Do khiêm tốn mà người ta biết rõ rằng, vì những hạn chế của mỗi người, mà người ta chỉ chịu trách nhiệm về nỗ lực chứ không phải chịu trách nhiệm về kết quả, kết quả phụ thuộc vào ý Chúa.

Khi người ta chối bỏ và buông bỏ phần thưởng dành cho bản ngã, sức kìm kẹp về mặt tâm lý của nó giảm dần và trải nghiệm tâm linh tiến lên khi những nghi ngờ còn sót lại dần dần bị loại bỏ. Kết quả là, niềm tin được thay thế bằng kiến thức mang tính trải nghiệm, chiều sâu và cường độ của lòng mộ đạo gia tăng và có thể cuối cùng thay thế và làm lu mờ tất cả các hoạt động và lợi ích trần tục khác.

Công nhận theo lối trải nghiệm về Thiên Chúa như là Thực tại quan trọng nhất

Quá trình tiến hóa tâm linh sẽ có đà khi nó trở thành trọng tâm và những giai đoạn tiến triển của nó được mô tả khá cụ thể trong loạt sách của tác giả, trong đó có The Eye of the I, I: Reality and Subjectivity, và Transcending the Levels of Consciousness. Mô tả và bằng chứng về trạng thái chủ quan của việc nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa đã được ghi lại trong suốt chiều dài của lịch sử và được trình bày lại trong tác phẩm Discovery of the Presence of God: Devotional Nonduality, cũng như trong Chương 17 của tác phẩm Truth vs. Falsehood. Trong tất cả những cuốn sách vừa dẫn, bằng chứng cũng như trải nghiệm về Thực tại Thiêng liêng đã được chứng thực bằng hiệu chỉnh tầng ý thức, lần đầu tiên được mô tả trong tác phẩm Power vs. Force (Hawkins, 1995).

Ngoài những bằng chứng đã trích dẫn, sinh viên và các nhóm nghiên cứu trên toàn thế giới trong mấy thập kỷ gần đây đã bổ sung thông tin và đưa ra rất nhiều trải nghiệm phản ánh nhận thức cao cấp của các cá nhân và các nhóm hỗ trợ lẫn nhau (Grace, 2007). Đáng chú ý là, tất cả những người đóng góp tự phát đều không mang theo quyền lợi của bản ngã cá nhân, và nhiều báo cáo thực ra là ẩn danh, điển hình như “George P. ở New Zealand” hoặc “Mary S. ở Đức.”

Trong mọi thời đại, trải nghiệm chủ quan về những thực tại tâm linh đã được những người sống trên khắp thế giới báo cáo, rồi sau đó được ghi lại và xác nhận bằng cách hiệu chỉnh ý thức, cách làm này đang được các cá nhân cũng như các nhóm ở những vùng khác nhau thực hiện.

Chướng ngại

Do ý chí tự do, các cá nhân, nhóm người hoặc thậm chí toàn bộ nền văn hóa có thể bác bỏ thực tại của Thần tính ở bất kỳ tầng nào và ở tất các các tầng. Động cơ cơ bản là bản chất mang tính tiến hóa của ý thức cá nhân cũng như động cơ xã hội/tâm lý và nó đại diện cho cả cá nhân cũng như tập thể. Đến lượt mình, động cơ lại bị ảnh hưởng bởi nghiệp lực, cả biệt nghiệp lẫn cộng nghiệp. Ở mỗi cá nhân, nhận thức tâm linh bị ảnh hưởng bởi truyền thống, trí thông minh, học vấn và trải nghiệm cá nhân, trong đó có các mối quan hệ tình cảm và gia đình. Sách báo tâm linh chính trực cũng như đạo sư thích hợp cũng tạo được ảnh hưởng lên mỗi cá nhân. Động lực cá nhân cũng thể hiện ảnh hưởng của những yếu tố khác, chẳng hạn như tuổi tác, tính cách, tâm lý, năng khiếu, tài năng, và sự cân bằng giữa hướng nội và hướng ngoại mà Jung nói tới.

Một số thái độ có thể ngăn cản, không cho nhận thức tâm linh xuất hiện, chẳng hạn ái kỷ, thái độ hoài nghi, nghi ngờ, ngờ vực, tiêu cực chiếm ưu thế, cũng như phản đối, thách thức, và thậm chí khuynh hướng hoang tưởng như sẽ bàn trong Chương 13. Ngoài ra, còn có sự non nớt hoặc chậm trễ trong việc quá trình tiến hóa tâm linh. Có cả thất vọng về tôn giáo hoặc tâm linh, đấy là do những trải nghiệm không may mắn với những người hoạt động tôn giáo hay thậm chí là thất vọng trước những ví dụ về sự không chính trực trong tôn giáo, chẳng hạn như những vụ bê bối trong giáo hội.

Bên cạnh các yếu tố cá nhân, còn có ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, trong đó có những cuộc tấn công có tổ chức, được tài trợ hậu hĩnh, nhắm vào tôn giáo và tâm linh đến mức tìm cách thậm chí là không cho nhắc đến từ “Chúa”. Các phong trào bài tôn giáo hoặc bài tâm linh đều dựa trên sự hấp dẫn mang tính ái kỷ của các quan điểm chính trị thời thượng của chủ nghĩa thế tục, mà ngược đời là lại trở thành một “cơn sốt tôn giáo” mới, mang tính áp bức. Phong trào thế tục còn được các hệ thống triết học của chủ nghĩa hậu hiện đại và tương đối luận - tất cả đều có điểm hiệu chỉnh dưới 200 - ủng hộ và tiếp thêm sức lực (xem Truth vs. Falsehood).

Trong quá trình trưởng thành, người ta có thể trải qua những giai đoạn khác nhau, thích hay ác cảm với tôn giáo và tâm linh. Thời thơ ấu là thách thức, tuổi thanh niên nổi loạn, rồi sau đó là lo lắng về trách nhiệm với gia đình và nuôi dạy con cái. Sau đó là lo lắng của tuổi già và đứng trước những hạn chế của sự vô thường của cuộc đời, vì trong những giai đoạn sau của cuộc đời, những lo lắng này trở thành quan trọng nhất. Dưới áp lực lo lắng về những sự kiện không thể tránh khỏi, đức tin và hy vọng bỗng trỗi dậy, không chỉ do sợ chết mà còn do đã chấp thuận. Lúc đó người ta chờ mong Thực tại của Thiên Chúa, sợ hãi và nghi ngờ được thay thế bằng sự an bình vì đã phó thác cho ý Chúa và số phận.

Những mô tác khác về Thực tại Tối thượng

Tôn giáo độc thần (Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo) có xu hướng dẫn đến mô tả về Thực tại Tối thượng như là một thực thể có thể xác định được, như thế đó là siêu nhân bất khả phân với những đặc điểm cụ thể, đặc trưng cho siêu nhân. Như một thực thể cụ thể, Thiên Chúa được người ta hình dung ở một chỗ nào đó trong không gian, thời gian và thậm chí địa điểm. Ngoài ra, như đã nói trước đây, người ta gán cho Thiên Chúa những thuộc tính nhân hình (giống như người), chẳng hạn như động cơ, ý chí, ý định, sở thích và những yêu ghét khác nhau. Như vậy là, người ta có thể bác bỏ bất kỳ thuộc tính nào, và do đó “bản chất” của Thiên Chúa là đề tài của các cuộc tranh luận thần học và giả thuyết trí tuệ.

Các nền văn hóa của Ấn Độ cổ đại hay Viễn Đông có những mô tả khác với văn hóa và tôn giáo độc thần. Những mô tả này không phải là mô tả của những kẻ hữu sinh hữu tử trong quá khứ mà là những mặc khải của chính ý thức. Đấy là mặc khải của Krishna, Đức Phật, các thánh nhân và giác giả thời kinh Vệ Đà cổ xưa. Đây là những tài liệu nói về Mặc khải tối thượng, như kết quả của sự Chứng ngộ.

Hiểu biết nảy sinh từ bên trong là bẩm sinh, có thể tiếp cận được, có thể trải nghiệm được, và nằm ngoài định nghĩa hay mô tả như là sức mạnh và năng lượng nền tảng cơ bản, có thể xác nhận được, có tính phổ quát, từ đó xuất hiện khả năng cũng như hiện thực hóa tồn tại. Thực tại tối thượng này được mặc khải thông qua việc khảo sát chất nền và cội nguồn của chính ý thức, đó là bối cảnh phi tuyến tính tối thượng vượt ra ngoài mọi định nghĩa. Như vậy là, bằng con đường Chứng ngộ, không có quan hệ tách biệt giữa “bạn-Chúa” so với “tôi-con người”. Đây là ý nghĩa của Thuật ngữ Advaita (bất nhị) về Đại ngã so với tự ngã. Đây là cốt lõi được chiếu sáng của các nhà huyền môn, qua đó, Thực tại phi tuyến tính tối thượng sẽ tự bộc lộ khi những trở ngại của bản ngã tuyến tính đã bị loại bỏ.

Mặc khải huyền nhiệm là con đường bên trong của người tu tập thiền định trong truyền thống Do Thái giáo và Kitô giáo (“Unio Mystica”) và Sufi trong Hồi giáo. Đó là “cửa không” của Thiền tông và là cốt lõi của Phật giáo cũng như truyền thống Hindu của Yoga cổ điển. Hiện diện được mặc khải và nhận ra vượt trên mọi mô tả, tưởng tượng hay tên gọi và do đó, vượt ra ngoài tranh chấp, thỏa thuận hoặc diễn ngôn thần học. Không có những phẩm chất có thể định nghĩa được, Thực tại tối thượng cũng vượt trên mọi tên gọi hay đặc điểm có thể định danh được và nằm ngoài mọi ràng buộc của các những khái niệm tuyến tính như quan hệ nhân quả, không gian, thời gian, hoặc địa điểm (Grace, 2007).

Con đường của chủ quan triệt để bộc lộ cốt lõi nội tại của chính ý thức, vượt ra ngoài giả thuyết vì nó là chất nền cơ bản và nguồn gốc của khả năng nhận thức mang tính trải nghiệm. Vì vậy, giả thuyết cuối cùng được trả lời bằng cách siêu việt nó.

Bản chất không thể định nghĩa được của cốt lõi của Thực tại dẫn đến kết quả như đã nói trước đây là không thể định nghĩa hoặc gọi tên. Do đó nảy sinh những các nói như “Phật tính”, dường như ngược đời là phi cá nhân nhưng lại chính là nền tảng của trải nghiệm. Phẩm chất không thể định nghĩa được là điều kiện tiên nghiệm, luôn luôn hiện diện, cần thiết, chiếm ưu thế, hệ quả tất yếu gần gũi nhất trong Kitô giáo được thể hiện bằng thuật ngữ “Chúa Ba Ngôi”, từ đó xuất hiện thuật ngữ “Đấng sáng tạo” khi áp dụng vào tồn tại của vũ trụ.

Vương quốc tuyến tính có thể mô tả được xuất phát từ Cội nguồn phi tuyến tính không thể mô tả được. Việc nhận thức được cốt lõi nền tảng tột cùng của tất cả Thực tại là kết quả của điều kiện được gọi là “Chứng ngộ”, do đó, nó là lĩnh vực của nhà huyền môn, trạng thái bên trong của họ có đặc điểm là “không thể nói ra được”. Trạng thái này có thể được xác nhận bằng trải nghiệm và được chứng thực bằng nghiên cứu hiệu chỉnh ý thức và nằm ngoài hiểu biết hay định nghĩa bằng trí tuệ. Do đó, các mệnh đề mang tính giả thuyết hay luận cứ không thể nào giải thích được. (Tuyên bố bên trên có hiệu chỉnh 1.000.)

Việc giải quyết mọi nghi ngờ mang tính trí tuệ đều thông qua trải nghiệm, và phương tiện sử dụng cho công việc này được trình bày trong tác phẩm Discovery of the Presence of God.

Giải quyết

Những giả thuyết về sự tồn tại và bản chất của Thiên Chúa đã là đề tài thảo luận và tranh luận của những bộ óc vĩ đại nhất của nền văn minh phương Tây trong suốt nhiều thế kỷ. Các diễn ngôn cũng cho thấy sự uyên bác cũng như sự nhạy bén khác thường về trí tuệ, trí tuệ tập thể mà chúng ta có là do những nỗ lực và cống hiến hết mình như thế. Tính chính trực của các tư tưởng gia vĩ đại nhất thuộc mọi thời đại và khả năng truyền cảm hứng là hiển nhiên.

Bên cạnh nỗ lực đầy ấn tượng này của nền văn minh phương Tây, con người hiện đại còn có thể tiếp cận được với trí tuệ đã tích lũy được của Trung Đông và Viễn Đông. Ngay cả ở nước Trung Quốc hiện đại, Nho giáo đã hình thành được ma trận hỗ trợ cho xã hội khổng lồ và đang tiến hóa nhanh chóng này. Ấn Độ, nền văn hóa khổng lồ khác đang nổi lên, có một nền tảng văn hóa/tôn giáo Hindu đã ăn sâu bén rễ thể hiện quá trình chắt lọc trí khôn tập thể qua nhiều thế kỷ. Ở Mỹ, nền văn hóa Bản địa của những cư dân đầu tiên đã cùng nhau khám phá ra Thần linh Vĩ đại, còn nền văn hóa của thổ dân rất tách biệt với những nền văn hóa ở Châu Phi và Nam Mỹ cũng tôn thờ các vị thần.

Các bộ lạc của người Đức cổ đại cũng như các xã hội Hy Lạp và La Mã thời tiền Kitô giáo đều có các vị thần. Như vậy là, có thể nói rằng, mặc dù khác nhau về cách miêu tả, nhưng nhân loại đều hiểu rằng Thần tính là Cội nguồn của sự sống và tồn tại.

Do đó, người vô thần đứng trước nhiệm vụ trí tuệ đáng ngờ là cố tình bắt bẻ toàn thể nhân loại trong toàn bộ lịch sử của loài người. Mặc dù có những người giả vờ làm việc này, nhưng chưa có người nào thành công, mặc cho những giả vờ như thế về trí tuệ. Họ thất bại la do sự kiện không thể tránh khỏi được là cái không thể chứng minh được thì cũng không thể bác bỏ được.

Tâm trí khôn ngoan rút ra kết luận nói rằng, thực tại của Thần tính là xác suất mang tính thăm dò, muốn giải quyết nó thì phải có thêm chi tiết thông qua quá trình tiến hóa của chính ý thức. Giải quyết chung cuộc diễn ra trên bình diện cao hơn và trong chiều kích lơn hơn địa hạt giới hạn của trí tuệ, tức là địa hạt chỉ nằm trên những tầng ý thức từ 400 tới 499. Bằng cách trung thực với chính mình, người ta sẽ phát hiện được rằng bản chất của tư duy của những tầng từ 400 tới 499 là vô thức mang tính bẩm sinh, kiêu ngạo mù quáng. Mỗi “nhà tư tưởng” đều thầm tin rằng tâm trí của họ thực sự cao hơn tâm trí của những người khác. Đó là cơ sở tâm lý của việc “cảm thấy hài lòng về mình”, thế hệ tuyệt vời trên bìa tạp chí Time (25 tháng 12 năm 2006).

Vọng tưởng của tâm trí cho rằng nó có khả năng biết thực tại không phải là do kiêu ngạo bình thường mà là khiếm khuyết nội tại trong cấu trúc của chính tâm trí, đấy là hậu quả không thể tránh được của quá trình phát triển mang tính tiến hóa của nó. Đời sống sinh học cần sự chắc chắn và cơ thể thăm dò môi trường xung quanh (ví dụ, bằng chức năng “người trải nghiệm” của bản ngã). Vì vậy, muốn tồn tại, đức tin tiến hóa trong việc đánh giá chính xác quá trình thăm dò miền tuyến tính. Tuy nhiên, chức năng xử lý tuyến tính của bản ngã không thủ đắc được năng lực khám phá thực tại của những chiều kích phi tuyến tính của tồn tại hay thực tại. Như vậy là, phải sau hàng thiên niên kỉ tiến hóa, ý thức con người mới tiến hóa đến mức phân biệt được bối cảnh và nội dung. 85% người dân trên thế giới hiện nay vẫn chưa có năng lực này.

Kết quả là đa phần nhân loại phải dựa vào những thành viên tiên tiến nhất của mình thì mới giải thích được Thực tại phi tuyến tính, nó chính là bối cảnh và cội nguồn của tồn tại. Như vậy là, giá trị của việc hiệu chỉnh ý thức là nó mở ra con đường đưa tới kiến thức cao hơn (nhận thức về bản chất), nếu không làm thế thì sẽ không tiếp cận được kiến thức này. Tương tự như kính thiên văn mở rộng tầm nhìn của con người, giúp họ nhìn thấy những thứ không thể nhìn thấy được và không phát hiện được, nghiên cứu ý thức tiết lộ sự thật cao hơn hẳn tri giác thông thường và nắm được những lợi ích chưa được nói ra và chưa được khám phá.

Thoát khỏi giới hạn bẩm sinh

Mục đích cơ bản của công việc tâm linh và dâng hiến tâm linh là để siêu việt những giới hạn mang tính tiến hóa bẩm sinh của bản ngã và bằng cách đó, tiếp cận và phát triển năng lực non trẻ của chính ý thức, vượt qua mọi giới hạn của bản ngã/tự ngã. Lúc đó, nhờ Ân Sủng của Thiên Chúa, sự thật sẽ tự xuất hiện. Thần tính tự mặc khải cho những người tìm kiếm Nó (hiệu chỉnh là đúng) mà không phụ thuộc vào ý chí của người tìm kiếm. Tốc độ tiến hóa tâm linh có thể dường như là chậm, nhưng nỗ lực tâm linh không bao giờ là vô ích. Tiến bộ có thể xảy ra rất đột ngột, quy mô và tác động cũng rất lớn.

Những học thuyết tôn giáo có vấn đề

Do thiên hướng dễ mắc sai lầm và khả năng dễ bị ám thị của tâm trí, các nhánh của các tôn giáo lớn đã bị những nhóm ly khai mô phỏng, họ sử dụng danh hiệu của tôn giáo chân chính để hy vọng rằng người ta sẽ tin những nhóm ly khai, nhưng những nhóm này thường đi ngược lại hoàn toàn với tôn giáo mà họ là thành viên. Những cuộc chiến tranh tôn giáo bất tận cũng như Tòa án dị giáo trong quá khứ chính là những trường hợp như thế.

Tôn giáo tương đối dễ bị chính trị hóa, và do đó, trong suốt nhiều thế kỷ những vụ tàn phá kinh hoàng, đủ mọi hình thức và người ta đã sát tàn hàng triệu người “nhân danh Thiên Chúa”. Đấy là những cuộc “thánh” chiến, từ những cuộc Thập tự chinh trong quá khứ đến những cuộc động binh kéo dài hàng thế kỷ trong đế chế Ottoman, tới những chiến binh “thánh chiến” (Jihad) thời hiện đại (điểm hiệu chỉnh 30), thái độ hân hoan của những tên khủng bố Hồi  giáo (điểm hiệu chỉnh 90) dựa trên học thuyết Wahhabism (điểm hiệu chỉnh 30) và những truyền thuyết tận thế của Hồi giáo (điểm hiệu chỉnh 70), chẳng hạn như sự trở lại của Imam thứ 12, Madhi (người cứu chuộc). Quan trọng là kinh văn đạo Hồi (ví dụ, kinh Koran) không tách biệt biệt tôn giáo và nhà nước. Tôn giáo Nhà nước (“Nhà của Hồi giáo”).

Thú vị là tất cả những tưởng tượng về ngày tận thế đều có điểm hiệu chỉnh từ 60 đến 70 và nảy sinh từ nguyên mẫu trong vô thức mà Carl gọi là “Shadow” (Bóng), còn Freud thì gọi là “Id” (Cái Nó). Có những “cõi trung giới thấp” mà các cá nhân thỉnh thoảng lại báo cáo là họ nhìn thấy, đấy là cảnh tượng mà tâm trí của con người trong những trạng thái ý thức đã thay đổi (ví dụ, xuất thần, bị quỷ ám, ma túy gây ảo giác, rối loạn chức năng thùy não, và loạn thần, sau co giật, và trạng thái ảo giác) thường xuyên nhìn thấy. Những hiện tượng này thường lặp đi lặp lại trong nhiều thế kỷ và thường dẫn đến các cộng đồng coi sinh tồn làm mục đích chính và tạo ra những giáo phái cực đoan với những người đứng đầu có sức cuốn hút chẳng khác gì đấng cứu thế.

Những lầm lạc của tôn giáo

Như đã nhận xét trong tác phẩm Truth vs. Falsehood, trong kinh thánh truyền thống trong các tôn giáo trên thế giới có những đoạn có thể có sai lầm. Trước khi phát hiện được phương pháp hiệu chỉnh ý thức không thể nào biết được những sai lầm này; do đó, sai lầm cứ tiếp tục mà không bị phát hiện. Kinh Tân Ước có điểm hiệu chỉnh trên những tầng 800, nhưng Sách Khải Huyền có điểm hiệu chỉnh cực kỳ thấp, 70 (tác giả, tên là John, cũng có điểm hiệu chỉnh thấp như thế).

Kinh Koran có điểm hiệu chỉnh tổng thể khá cao - như một tôn giáo độc thần và mộ đạo- nhưng 30% nội dung của nó có điểm hiệu chỉnh nằm dưới tầng sự thật (200), và 14% nằm dưới tầng 100. Ngoài ra, trong Kinh Cựu Ước, tiếng Hebrew, còn có những mô tả tiêu cực về Thiên Chúa, còn trong các tôn giáo nguyên thủy (ví dụ, Inca, Maya và ở Đảo Phục Sinh) có những đoạn mô tả man rợ về Thần tính.

Trong quá khứ, những nghịch lý vừa nói được người ta giải thích là do cuộc tấn công của các năng lượng/thực thể tà ác trong cuộc đấu tranh sinh tồn của chúng (Luciferic, Satanic, cộng với ngọn giáo sắc bén của năng lượng do nhầm lẫn mà ra). Đức Phật nhận xét rằng, Ngài bị quỷ ám khi sắp chứng ngộ, còn Chúa Jesus Christ thì đổ mồ hôi máu khi Ngài trải qua những hoàn cảnh tương tự. Cũng cần lưu ý rằng, nhiều bậc thầy tâm linh và đạo sư có điểm hiệu chỉnh cao trong những giai đoạn ban đầu, rồi sau đó hạ xuống và rơi xuống những thầng khá thấp (ví dụ, quyền lực, kiểm soát, tình dục, tiền bạc và sự phù phiếm). Tự truyện về cuộc đời các vị thánh của các giáo phái khác nhau cũng tường thuật lại những “cám dỗ” mà họ đã trải qua.

Vì những người không cảnh giác có thể mắc những cái bẫy vừa nói, cùng với thời gian, thánh thư có thể chứa những sai lầm nghiêm trọng, những sai lầm này có thể được trích dẫn nhằm biện minh cho những hành động phá hoại, chúng tạo ra những hậu quả chết người đối với những người theo đạo ngây thơ. Nguyên nhân chủ yếu làm cho người ta không nhận ra những sai lầm như thế là do khả năng “phân biệt tâm linh” chỉ xảy ra khi người ta có điểm hiệu chỉnh ý thức ở tầng 600 (trước đây gọi là “khai mở con mắt thứ ba của Phật thể”).

Tôn giáo như là căn nguyên của các cuộc xung đột trên thế giới

Cốt lõi ái kỷ của bản ngã rất muốn thông qua xung đột mà phồng to mãi ra. Do đó, tôn giáo đã và vẫn là đề tài yêu thích của những cuộc tranh cãi và bạo lực diễn ra triền miên từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Mặc dù hòa bình là nguyên tắc đầu tiên của tất cả các tôn giáo lớn, nhưng ngược đời là chiến tranh nhân danh hòa bình lại là một chủ đề nổi bật từ những người cuồng nhiệt ở Judea[2] đến những kẻ sát hại người Shia ở Iran, rồi đến những vụ bạo lực của người theo đạo Tin lành và người theo đạo Công giáo ở châu Âu và những cuộc xung đột và bạo lực do Hồi giáo gây ra trong giai đoạn hiện nay.

Lời biện hộ mà ta thường xuyên nghe thấy, ngay cả đấy là những hiện tượng bạo lực khủng khiếp nhất, là khẩu hiệu đã có từ rất lâu “Mục đích biện minh cho phương tiện”, theo đó, bất kỳ hành động nào cũng có thể được hợp lý hóa bằng những lời đao to búa lớn khá thông minh. Những kẻ khủng bố cố gắng giành được vai trò “người anh hùng giải phóng”, và bằng cách đó, nạn nhân và kẻ áp bức sẽ đổi chỗ cho nhau trong trò chơi Robin Hood.

Khủng bố là chiến thuật được các nhóm tôn giáo cũng như các cá nhân (ví dụ, unibomber, Weather Underground terrorists, the “Black September”, “animal rights” và những nhà hoạt động vì môi trường, Arafat, Castro, và nhiều người khác) sử dụng trong suốt nhiều thế kỷ. Vũ đài trung tâm trong thế giới ngày nay là việc kích động bạo lực của trùm khủng bố bin Laden “nhân danh đạo Hồi”, một lần nữa, như trong suốt chiều dài của lịch sử, bản ngã tìm cách che dấu lòng hận thù bằng những lời nói và việc làm dường như là thánh thiện, thần thánh hóa bằng cách chiếm đoạt danh hiệu của Thiên Chúa. Cuối Thế chiến II, chính sự sùng mộ Thần đạo của người Nhật đã buộc người ta phải sử dụng bom nguyên tử nhằm chấm dứt chiến tranh.

Trong khi những nguy hiểm của thái độ hân hoan mang tính khải huyền của đấng cứu thế có thể chỉ giới hạn trong các nhóm nhỏ, giống như giáo phái, nhưng các nhà lãnh đạo thế giới thì lại khác, trong thời đại hạt nhân, khi một nhà lãnh đạo tự cho là đấng cứu thế, ái kỷ, hoang tưởng có thể tìm cách kích hoạt ảo mộng bằng những vụ hủy diệt trên diện rộng “nhân danh Thiên Chúa” (ví dụ, “Giết tất cả bọn ngoại đạo, quét sạch Israel khỏi bản đồ thế giới”, theo lời đe dọa của tổng thống Iran, điểm hiệu chỉnh 80), thì nguy cơ quả là quá lớn.

Hiện tượng nổi bật trong thế giới ngày nay là việc truyền bá khía cạnh tiêu cực của Hồi giáo được thể hiện qua của luật Hồi giáo “Sharia”, điểm hiệu chỉnh 190, kết quả là phụ nữ bị ném đá đến chết, chặt đầu những kẻ ngoại đạo và giết người hàng loạt, tất cả đều trái ngược hoàn toàn với mô tả mà người ta truyền bá, nói rằng Hồi giáo là “tôn giáo của hòa bình”.

Thái độ hân hoan chiến thắng của Hồi giáo

Do quá trình bành trướng về lãnh thổ và chính trị-quân sự từ năm 623 sau Công nguyên, những hành động bạo lực của Hồi giáo kéo dài suốt nhiều thế kỷ, đã xâm chiếm rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, trong đó có cả toàn bộ các châu lục (ví dụ, đế chế Ottoman), cộng với nhiều cuộc nội chiến. Bằng cách đe dọa sử dụng bạo lực và rối loạn xã hội dân sự, Hồi giáo hiện đang buộc hầu hết các quốc gia Châu Âu trở thành con tin, đấy là khi dân nhập cư Hồi giáo gia tăng mà không bị ngăn chặn, hậu quả của sự “thích nghi” theo lối quan liêu và đầu hàng trước những vụ đe dọa diệt chủng và bạo loạn. Chính quá trình thế tục hóa với thái độ ân hận đặc thù đã giúp cho việc xâm nhập dễ dàng hơn, bịt miệng sự phản kháng của phái Do Thái-Kitô giáo. Như đã nói trước đây, Hồi giáo (“tôn giáo của hòa bình”) hiện đang gây ra chiến tranh ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, nước này mới thức tỉnh trước mối đe dọa sau khi xảy ra thảm họa 11/9, làm cho nhiều người Mỹ thiệt mạng (tất cả đều là dân thường), nhiều hơn cả cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu cảng.

Trong khi Mỹ tập trung vào các biện pháp quân sự, nước này dường như ngày càng nhận thức rõ hơn rằng “con voi trong phòng” là một thực tại rõ ràng, rằng đe dọa thực sự đối với nền văn minh phương Tây chính là ý thức hệ (Bush, 2007) và hiện nay hoạt động với danh xưng “Thánh chiến văn hóa” (Phillips, 2006). Phiến quân Hồi giáo áp dụng các chiến lược và các kỹ thuật đặc thù gần như giống hệt nhau, đã được sử dụng trong giai đoạn ngóc đầu dậy của Đế chế Thứ ba (Quốc xã): tuyên truyền, nhồi sọ thanh thiếu niên (The Protocols of the Learned Elders of Zion), sức quyến rũ của chủ nghĩa quân phiệt, ám sát, đe dọa và bành trướng lĩnh vực công nghiệp quân sự, đặc biệt là những kiến thức cơ bản về vũ khí hạt nhân.

Ở Mỹ, cũng như ở phần lớn các nước phương Tây, những người biện hộ tập trung vào “lốt cừu của lũ sói” và vô tình đứng về phía kẻ thù của chính mình. Người Hồi giáo khinh bỉ những người theo chủ nghĩa tự do ở phương Tây và coi lời biện hộ của họ là sự yếu đuối đáng khinh (theo cách nói của Lenin: “những thằng ngu có ích”). Những người gọi là tinh hoa ở Hollywood là ví dụ điểm hình cho sự suy thoái nhơ nhớp của “Satan”.

TV của Hamas phát sóng chương trình phim hoạt hình Mickey Mouse dành cho trẻ em cùng với súng AK-47 và hét lên “Giết bọn Do Thái, giết bọn Israel và bọn Mỹ”. Trẻ em la hét, hô vang những khẩu hiệu căm thù và tuyên truyền theo phong cách Joseph Goebbels trong Thế chiến II (Beck, G., CNN, tháng 4 năm 2007).

Thế tiến thoái lưỡng nan khó giải quyết trong cuộc đời và giáo lý  của Muhammad cũng như trước tác của ông trong kinh Koran đã được nhiều học giả nghiên cứu và phê phán trong suốt nhiều thế kỷ (Warraq, 2003). Những mâu thuẫn trong kinh Koran được người ta giải thích như là hậu quả của chứng động kinh thùy thái dương (temporal lobe epilepsy) và lạm dụng tình dục, cũng như các mục tiêu có động cơ chính trị, dẫn đến những thay đổi thường xuyên, mà ông cũng như các tác giả khác đã làm trong kinh Koran và nhiều phiên bản sửa đổi của nó. Một lần nữa, 30% nội dung có điểm hiệu chỉnh dưới tầng 200, 25% có điểm hiệu chính dưới 150 và 14% dưới 100. (Xem Chương 16, Truth vs. Falsehood).

Những lời chỉ trích mạnh mẽ Hồi giáo xuất phát từ các học giả Ấn Độ giáo, họ coi chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo là kết quả của việc Imam (người lãnh đạo) lặp đi lặp lại các kỹ thuật nhồi sọ cổ điển nhằm tạo ra trạng thái thôi miên được gọi là “Wahi”. (Elst, 2006; Saraswati, 1875).

Nhiều học giả cũng nhận xét rằng, việc diễn giải lại các câu kinh Koran của Muhammad theo lối cơ hội chủ nghĩa và thường xuyên cho phù hợp với các mục tiêu mang tính cá nhân, chính trị và quân sự và cơ hội. Kết quả là nhiều đoạn hoàn toàn mâu thuẫn với nhau.

Nhiều thay đổi dẫn tới tuyên bố chính thức là “bãi bỏ”, có nghĩa là những đoạn xuất hiện sau trong kinh Koran được ưu tiên sử dụng hơn những đoạn trước. Quan trọng nữa là kinh Koran không phân biệt khái niệm chính trị với khái niệm tôn giáo, và do đó, chính trị và sự thống trị thế gian là bẩm sinh (Sultaw, 2006). Do đó, kinh Koran chia thế giới thành “Vương quốc của Hồi giáo” và “Vương quốc của chiến tranh” (phi Hồi giáo). Vì thế, bằng học thuyết tôn giáo, Hồi giáo đang gây chiến với phần còn lại của thế giới. Kinh Koran cũng tránh, không nói đến tính duy lý và đặc biệt lên án lý trí và tính duy lý, coi đấy là “nguy hiểm đối với đức tin”.

Trong suốt nhiều thế kỷ đã có nhiều người đồng ý rằng, Muhammad rơi vào trạng thái xuất thần ảo tưởng (Goel, 1999). Swami Vivekananda, cũng như nhiều học giả khác, nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc nhận biết trạng thái thay đổi của ý thức theo lối bệnh lý với nội dung tôn giáo (Warraq đã xem xét lại, 2003). Phân biệt mang tính chẩn đoán giữa trạng thái tâm linh thực sự và những khác thường trong tâm trí được trình bày chi tiết trong Truth vs. Falsehood, Chương 17.

Trong thực hành lâm sàng, chúng tôi thường gặp những trạng thái như thế, cùng với chứng động kinh thùy thái dương kèm theo ảo tưởng vĩ đại và thông điệp từ Thiên Chúa hoặc các tổng thiên thần, v.v. (Trong suốt 50 năm chữa bệnh, tác giả đã làm tư vấn tâm thần cho nhiều tổ chức tôn giáo và tâm linh). Trong trạng thái Chứng ngộ tâm linh chân chính, không có thực thể nào “khác” đóng vai người cung cấp thông tin, Đại ngã bao trùm tất cả là Purusha (người thầy) là do cái Toàn thể (Allness) của nó.

Các học giả vừa nói, cũng như những bậc thầy tâm linh và những nhà huyền môn cao cấp, đều nhất trí rằng, sự cuồng tín tôn giáo cực đoan là kết quả của sự thay đổi trạng thái của ý thức (điểm hiệu chỉnh 90) và quá trình tự động sau thôi miên thường được bộc lộ bằng giọng nói đơn điệu mang tính bệnh hoạn điển hình và đây là cách nói của phát ngôn nhân Hồi giáo, cả nam lẫn nữ (điểm hiệu chỉnh 100; hội chứng tẩy não). Họ là khách mời trên các chương trình truyền hình, như là người phát ngôn cho nhiều tổ chức của người Mỹ theo Hồi giáo với những tên gọi hoa hòe hoa sói và đọc thuộc lòng những lời tuyên truyền đã được lập trình, đã được nhồi sọ, trái ngược với những sự kiện đang diễn ra mỗi ngày trên toàn thế giới (xem Kizer, 2004).

Những quan sát và kết luận lâm sàng này cũng giúp chúng ta giải thích những hành vi khá kỳ quặc và phi lý của những người theo đạo cực đoan, không có lý trí hay không có khả năng kiểm nghiệm thực tại xã hội, chẳng hạn như những người tuyên bố rằng các sự kiện được hàng triệu người chứng kiến (trại tập trung của Đức Quốc xã và diệt chủng người Do Thái) là “không bao giờ xảy ra”. Những điều ngớ ngẩn như thế thường thấy ở bệnh nhân tâm thần hoặc những người vẫn còn trong trạng thái bị ám thị sau thôi miên.

Phái Hồi giáo Sharia tuyên bố tất cả những người không có đức tin đều là những kẻ ngoại đạo cần phải bị xử tử (Gelenter, 2007). Những người không có đức tin đại diện cho Vương quốc của chiến tranh như kinh Koran đã nói.

Thái độ phê phán Hồi giáo gia tăng kể từ năm 1989, sau khi có lệnh “fatwah” nhằm chống lại Salman Rushdie. Ông này đã phải trốn tránh trong suốt hàng chục năm trời, rồi được nhà vua Anh phong tước hiệp sĩ vào năm 2007.  Không chỉ những kẻ cực đoan mà chính kinh Koran cũng thường xuyên bảo người Hồi giáo “giết/chặt đầu” những người không có đức tin. Sự thật cơ bản và thực tại được ngụy trang được tiết lộ bởi sự kiện có thể kiểm chứng được là ảnh hưởng xã hội của Hồi giáo ở Mỹ hiện nay có điểm hiệu chỉnh khá cao, 190 (cũng như các trường được cho là thế tục, nhận được những khoản tài trợ của xã hội, nhưng bề ngoài chỉ dạy ngôn ngữ và văn hóa Hồi giáo). Tuy nhiên, tầng hiệu chỉnh cho thấy động cơ được che giấu.

Các nước phương Tây hàng ngày phải áp dụng thái độ khoan dung, tha thứ và từ bi trước sự khiêu khích đầy bạo lực, đe dọa và tấn công không ngừng, cả bằng lời nói lẫn thể chất. Đám đông người theo Hồi giáo la hét: “Giết bọn Mỹ”, còn bọn khủng bố thì làm nổ máy bay, giết hại hàng nghìn thường dân (vụ 9/11) và giết chết hàng ngàn người khác trên khắp thế giới. Như đã nói trước đây, người Hồi giáo đang tạo ra chiến tranh ở nhiều nước khác nhau, và nhiều hành động đang được họ lập kế hoạch hoặc đã bị ngăn chặn (ví dụ, vụ máy bay và tàu điện ngầm ở Anh).

Luật Sharia nổi tiếng vì sự tàn ác cùng cực của nó đối với những người vô tội và yếu đuối (phụ nữ, trẻ em và thậm chí cả chó). Thậm chí những kẻ biện hộ hèn hạ nhất, tự hạ mình nhất cũng khó có thể giữ được sự giả dối của những lời bào chữa bằng những sự hợp lý hóa theo lối xã hội học và tâm lý học giả mạo, chẳng hạn như thời thơ ấu đói nghèo, v.v. (bin Laden là triệu phú). Xin lưu ý rằng, tinh thần hiệp sĩ có điểm hiệu chỉnh 465, còn “giết người vì danh dự” của Hồi giáo có điểm hiệu chỉnh 90 (tàn ác cũng có điểm hiệu chỉnh 90). Những người biện hộ đã lờ đi tác động cực kỳ có hại của việc nhồi sọ đã được lập trình một cách kỹ lưỡng cho giáo phái tôn thờ cái chết, được hợp lý hóa là theo ý của Allah. Việc nhồi sọ như thế hiện nay được thực hành ở 25% các nhà thờ Hồi giáo ở Mỹ,  có điểm hiệu chỉnh tổng thể ở tầng 190.

Quan trọng nữa là Hồi giáo đã thực hành chế độ nô lệ trong suốt nhiều thế kỉ. Việc buôn bán nô lệ của người Hồi giáo có nguồn gốc từ việc người da đen châu Phi bị bán ở quần đảo Caribe và được đưa tới miền Nam Hoa Kỳ. Trong những năm của thế kỷ XVIII, John Adams và Thomas Jefferson phàn nàn với vị đại sứ của Tripoli, thì người ta nói với họ rằng kinh Koran cho phép người Hồi giáo bắt những kẻ ngoại đạo làm nô lệ, thậm chí phải coi đó là nghĩa vụ (Hogan, 2007).

Có những người như Irshad Manji, tác giả cuốn sách , The Trouble with Islam Today, bộ phim tài liệu của hãng PBS nhan đề Faith without Fear, đang là người lãnh đạo phong trào chống bạo lực Hồi giáo. Tuy nhiên, do thái độ ủng hộ hòa bình, chính bà bị người ta coi là kẻ dị giáo và phải ở trong những căn phóng có cửa kính chống đạn. Ví dụ, có câu chuyện tiếu lâm: “Hồi giáo đe dọa giết bất cứ người nào nói rằng đó không phải là ‘tôn giáo của hòa bình’” (Goldberg, 2007).

Bằng cách phóng chiếu theo lối hoang tưởng, xã hội phương Tây, mà nước Mỹ là biểu tượng, trở thành “Satan vĩ đại”. Quan trọng cần nhớ rằng, trẻ em Hồi giáo chẳng được dạy bất cứ kiến thức nào, ngoài việc ghi nhớ Kinh Koran và đọc The Learned Protocols of the Elders of Zion, đó là cuốn sách dạy người ta lòng thù hận đầy sai lầm (điểm hiệu chỉnh 90). Nói chung, theo tiêu chuẩn đánh giá của phương Tây, xã hội Ả Rập vẫn là xã hội nguyên thủy, chưa công nghiệp hóa và về cơ bản vẫn mang bản chất bộ lạc.

Tất nhiên, các lực lượng quân sự đã va đang nhân danh tôn giáo để tiến hành chiến tranh, ví dụ, trong Kitô từng xảy ra chiến tranh giữa các chế độ theo Tin lành và theo Công giáo ở châu Âu và gần đây hơn là cuộc xung đột vũ trang và khủng bố của IRA ở Bắc Ireland, cũng như người Sunni chống lại người Shiite ở Trung Đông, và PLO ở Palestine. Các tổ chức và hoạt động khủng bố được xem xét một cách chi tiết trong tác phẩm mang tính học thuật Thinking Like A Terrorist (tạm dịch: Tư duy như một kẻ khủng bố - German, 2007).

Yếu tố chính làm cho phương Tây thất bại, không xử lý thành công với văn hóa Hồi giáo là sự chênh lệch quá lớn về những giả định mang tính văn hóa về tính trung thực trong lời nói và tuyên bố. Luật Sharia không chỉ phép nói dối, mà thực ra người ta có nghĩa vụ phải làm như thế, khi nó mang lại lợi ích cho đạo Hồi. Đấy là điều mà văn hóa phương Tây không thể hiểu được, ở phương Tây người ta giả định rằng giao tiếp là phải trung thực, trừ khi có thể chứng minh ngược lại. Yếu tố quan trọng này là lý do làm cho phương Tây luôn thất bại thảm hại trong các cuộc đàm phán với các nước Hồi giáo.

Người phương Tây tin vào “sự thẳng thắn” và việc bảo tồn đời sống, trong khi Hồi giáo dựa vào bạo lực và giết người vì kinh Koran động viên người ta giết những người không có đức tin (“những kẻ ngoại đạo xúc phạm thánh địa Ả Rập”; “chặt đầu chúng” nếu tìm thấy chúng). Nguyên tắc này đã được triển khai bằng quân sự ngay từ năm 623 và tiếp tục kéo dài qua nhiều thế kỷ dưới thời đế chế Ottoman. Nó vẫn đang có tác dụng trong các fatwah hiện tại và trong những đe dọa với việc hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân.

Vì ngây thơ nên người Mỹ không hiểu được ý nghĩa thực sự và vai trò quan trọng của buổi phát sóng băng video của bin Laden trên các kênh truyền hình Mỹ, tháng 9 năm 2007, với lời mời “nước Mỹ hãy cải sang đạo Hồi”. Đó là một tín hiệu vô cùng nguy hiểm, vì theo luật Hồi giáo, nếu những kẻ ngoại đạo được mời cải đạo mà không làm như thế thì giết họ là vinh dự to lớn. Do đó, lời mời đó là bước đi chính thức quan trọng và có tính quyết định, dọn đường cho cuộc xâm lược chống Mỹ. Nếu người ngoại đạo đồng ý cải đạo, thì mạng sống của họ có thể được tha, nhưng họ nợ một khoản cống vật bằng tiền. (Những tuyên bố công khai của bin Laden vào tháng 9 năm 2007 có điểm hiệu chỉnh 35, đúng lúc Tổng thống Iran được mời phát biểu tại một trường đại học lớn.)

Từ tất cả những điều đã trình bày, có thể thấy khoảng cách rất lớn giữa thực tại mang tính khái niệm và thực tại mà người ta trải nghiệm được. Như vậy là, tâm trí phương Tây, thấm nhuần đạo đức của Bài Giảng Trên Núi (điểm hiệu chỉnh 955) của Chúa Jesus (Phúc Âm theo Matthew), không thể thực sự hiểu được sự chênh lệch quá lớn này, và chênh lệch còn nguy hiểm hơn nữa vì bị những lời đao to búa lớn của tương đối luận và lý tưởng hóa kiểu trẻ con làm cho khuất lấp đi. Có sự chênh lệch rất lớn giữa đức tin sùng đạo và cuồng tín điên khùng.

Trái ngược với các lý thuyết Hồi giáo là lý thuyết nói rằng Thiên Chúa đã tạo ra đời sống của tất cả mọi người, chứ không chỉ tạo ra người Hồi giáo, trong toàn bộ dân số thế giới họ chỉ là một nhóm nhỏ mà thôi. Như vậy là, theo luật Hồi giáo, thế giới Hồi giáo buộc phải tàn sát hết đa phần nhân loại. Thế giới quan này có điểm hiệu chỉnh 20 (vô lý). Sự chênh lệch như thế là do Muhammad bị bệnh động kinh thùy thái dương và kết quả là điểm hiệu chỉnh của ông ta rơi từ 700 xuống còn 130.

Khi tìm hiểu tất cả những khác biệt vừa nói, xin hãy nhớ rằng giả dối không phải là đối lập với sự thật mà là không có sự thật, cũng như bóng tối không phải là đối lập với ánh sáng mà là không có ánh sáng.

Sự chênh lệch về hệ hình

Ý thức của con người về thực tại hòa điệu với các tầng ý thức giữ thế thượng phong. Tương tự như thế, phương Tây và văn hóa Do Thái-Kitô giáo hòa điệu với luân xa tim (Tình yêu, tha thứ, bao dung, lòng tốt và bảo vệ kẻ yếu đuối, bảo vệ người vô tội và người bất lực).

Ngược lại, luật Sharia tập trung ở đám rối thái dương (thái độ hung hăng giữ thế thượng phong), lá lách (bạo lực, căm thù, sát nhân), và luân xa đế (tình dục hóa thiên đường). Đây là những thế giới quan không tương thích với nhau. Giáo lý của đạo Hồi đi ngược hẳn lại Bài Giảng Trên Núi. (Mời đọc tác phẩm Political Teachings of Jesus - Giáo lý chính trị của Chúa Jesus – Lindberg). Đáng chú ý là Hồi giáo dạy rằng Thiên Chúa (Allah) chỉ nghe những lời cầu nguyện bằng tiếng Ả Rập.

Trong khi kinh Koran công nhận Chúa Jesus là nhà tiên tri vĩ đại, những lại hoàn toàn phớt lờ và bác bỏ lời dạy của Chúa Jesus và thay vào đó, dạy rằng chế độ nô lệ, giết người vô tội, và không khoan dung khi chưa tha thứ là đúng. Như vậy là, không có nền tảng chung hoặc ý thức chung về thực tại để có thể đồng ý với nhau. Người Hồi giáo coi nhượng bộ là sự yếu đuối đáng khinh, sẽ bị đối phương khinh bỉ và khi nhận thức được sự bất lực thì đối phương sẽ càng hung hăng hơn. Như vậy là, những đoạn kinh Koran có thể được sử dụng nhằm biện minh cho tất cả những hình thức bạo lực và thái độ cực đoan nhất.

Lý trí như là hạn chế của xã hội phương Tây

Một hạn chế lớn, ngăn cản không cho người ta hiểu những hành vi cực đoan là giả định của phương Tây, cho rằng mọi hành vi đều dựa trên động cơ duy lý, hợp logic, có thể xác định được và do đó, chống lại được. Do đó, người ta giả định một số “mục đích” nhằm giải thích những hành vi cực đoan (ví dụ, lý luận mục đích luận). Nhưng trên thực tế, không có “tử tế” hay “mục đích”. Bạo lực tự nó đã là phần thưởng rồi; chỉ là cái đang là, cũng như kẻ căm thù bao giờ cũng tìm được lý do nào đó. Giết chóc mang lại thỏa mãn bẩm sinh, đơn giản là đam mê của họ. Họ chỉ là con người mà bản chất của họ đòi hỏi. Kẻ giết người chỉ đơn giản là giết. Không có “động cơ” hoặc tính duy lý.

Minh chứng là vụ Taliban cho nổ tung bức tượng Phật ở Afghanistan vào năm 2001. Bức tượng này cao 53 mét.



[1] In the beginning was the Word, and the Word was with God, and the Word was God (Trong sự bắt đầu đã có Lời, và Lời đã ở cùng Đức Chúa TRỜI, và Lời đã là Đức Chúa TRỜI) – ND.

[2] Zealots of Judea - phong trào chính trị trong Đạo Do Thái ở Đền Thờ thứ hai vào thế kỷ thứ nhất, tìm cách xúi giục người dân ở Tỉnh Judea nổi dậy chống lại Đế chế La Mã và đầy La Mã khỏi Đất Thánh bằng vũ lực, đáng chú ý nhất là trong Chiến tranh Do Thái-La Mã lần thứ nhất - ND.


1 comment:

  1. Cảm ơn bác đã cho lên bài chương 12 sớm hôm nay ạ. Cháu ngóng suốt từ hôm qua. Hôm nay mở lên được đọc bài mới bác dịch " Thiên Chúa như là giả thuyết" rất sâu sắc.

    ReplyDelete