Elisabeth Kubler-Ross
Phạm Nguyên Trường dịch
XII
Trị liệu cho các bệnh nhân nan y
Sinh tử đều là các phần của cuộc sống.
Như bước đi, gồm việc đưa chân lên và đặt chân xuống.
Tagore, Bầy chim lạc
Từ những điều đã trình bày, rõ ràng là bệnh
nhân nan y có những nhu cầu rất đặc biệt - có thể được đáp ứng nếu chúng ta
dành thời gian ngồi lại, lắng nghe và tìm hiểu xem họ cần gì. Có lẽ, thông tin
quan trọng nhất là chúng ta cho bệnh nhân biết rằng chúng ta sẵn sàng và sẵn
sàng chia sẻ một số lo lắng của người bệnh. Muốn làm việc với bệnh nhân sắp chết
thì cần có sự trưởng thành nhất định, mà đấy là kết quả của trải nghiệm. Chúng
ta phải xem xét kỹ lưỡng thái độ của chính mình về cái chết và người sắp chết
trước khi có thể ngồi yên lặng và không lo lắng bên cạnh bệnh nhân nan y.
Cuộc phỏng vấn mở là cuộc gặp giữa hai người
có thể giao tiếp mà không sợ hãi và lo lắng. Nhà trị liệu-bác sĩ, cha tuyên úy,
hoặc bất cứ người nào đảm nhận vai trò này - sẽ cố gắng thể hiện cho bệnh nhân
biết - bằng lời nói hay hành động của mình - rằng ông ta sẽ không bỏ chạy nếu họ
nhắc đến từ ung thư hay người sắp chết. Lúc đó, bệnh nhân sẽ chấp nhận gợi ý
này và trở thành người cởi mở, hoặc bệnh nhân có thể nói cho người phỏng vấn biết
rằng mình đánh giá cao thông điệp, mặc dù thời gian là không phù hợp. Bệnh nhân
sẽ nói cho người phỏng vấn biết khi nào mình sẵn sàng chia sẻ những lo lắng của
mình, và người trị liệu sẽ trấn an rằng mình sẽ quay lại vào thời điểm thích hợp.
Nhiều bệnh nhân của chúng tôi chỉ được phỏng vấn có một lần. Đôi khi, họ bám
vào đời sống vì một số công việc còn dang dở; phải chăm sóc cho một cô em gái
chậm phát triển và không tìm được người thay thế nếu họ chết, hoặc họ không thể
tìm được người chăm sóc con cái và cần chia sẻ những lo lắng này với một người
nào đó. Một số người có mặc cảm tội lỗi về một số “tội lỗi” có thật hoặc do họ
tưởng tượng ra và cảm thấy nhẹ nhõm khi chúng tôi tạo điều kiện cho họ chia sẻ,
đặc biệt là khi có mặt cha tuyên úy. Những bệnh nhân này đều cảm thấy thoải mái
hơn sau khi “xưng tội” hoặc sắp xếp việc chằm sóc những người khác và thường chết
ngay sau khi giải quyết xong công việc còn dang dở.
Ít khi nỗi sợ hãi không có thực có thể
ngăn cản, không cho bệnh nhân chết, như ví dụ trước đó về người phụ nữ “quá sợ
chết” vì bà ta không thể hình dung được việc “bị giun ăn thịt” (Chương IX). Bà ấy
mắc chứng sợ giun, nhưng cũng nhận thức được sự vô lý của nó. Vì nỗi sợ này quá
ngớ ngẩn, như chính bà ấy nói, bà ấy không thể nói với gia đình, vì họ đã tiêu
hết tiền tiết kiệm sau những lần bà ấy nằm viện. Sau một lần phỏng vấn, bà này
đã có thể chia sẻ nỗi sợ hãi của mình với chúng tôi, con gái bà đã giúp bà thu
xếp việc hỏa táng. Bệnh nhân này cũng đã chết ngay sau khi được tạo điều kiện
thảo luận về sự sợ hãi của mình.
Chúng tôi luôn luôn ngạc nhiên về việc làm
sao mà một lần phỏng vấn có thể làm giảm bớt gánh nặng to lớn của bệnh nhân và
tự hỏi tại sao nhân viên bệnh viện và gia đình lại khó gợi mở nhu cầu của họ đến
như thế, vì thường thì chỉ cần một câu hỏi mang tính gợi mở là đủ.
Mặc dù ông E. không bị bệnh nan y, nhưng
chúng tôi xin dùng trường hợp của ông làm ví dụ điển hình cho một cuộc phỏng vấn
mở. Nó có liên quan vì ông E. tự giới thiệu mình là một người sắp chết, đấy là
do những xung đột chưa giải quyết được mà cái chết của một người có nhiều tình
tiết éo le gây ra.
Ông E., một người Do Thái 83 tuổi, được
khám bệnh tại một bệnh viện tư vì sụt cân quá nhanh, chán ăn và táo bón. Ông ta
phàn nàn về những cơn đau bụng không thể nào chịu nổi, thân hình hốc hác và mệt
mỏi. Tâm trạng chung của ông ta là rất chán nản và rất dễ khóc. Kiểm tra y tế kỹ
lưỡng cho cho kết quả tiêu cực, và cuối cùng, bệnh nhân đã xin ý kiến bác sĩ
tâm thần.
Ông đã được phỏng vấn trong một cuộc phỏng
vấn chẩn đoán-trị liệu, một số sinh viên đã có mặt trong phòng này. Ông không tỏ
ra ngại ngùng trước các sinh viên và cảm thấy nhẹ nhõm khi nói về những vấn đề
cá nhân của mình. Ông kể lại rằng bốn tháng trước khi nhập viện mình vẫn là người
khỏe mạnh, rồi bất ngờ trở thành “một người già yếu, ốm yếu và cô đơn”. Hỏi
thêm thì biết rằng một vài tuần trước khi bắt đầu phàn nàn về thể chất, ông đã
mất một người con dâu và hai tuần trước khi bắt đầu cơn đau, người vợ đã ly
thân của ông đột ngột qua đời khi ông đang đi nghỉ dưỡng ở bên ngoài thị trấn.
Ông giận người thân của mình vì đã không đến
gặp khi ông mong đợi họ. Ông phàn nàn về công tác điều dưỡng và nói chung, không
hài lòng với sự chăm sóc của những người khác. Ông tin chắc rằng họ hàng của
ông sẽ đến ngay lập tức nếu ông có thể hứa cho họ “vài nghìn đôla khi tôi chết”,
và ông kể rất chi tiết về dự án nhà ở để ông sống cùng với những người già khác
và chuyến đi nghỉ mà tất cả đều được mời tham dự. Ngay sau đó, chúng tôi phát
hiện được rằng sự phẫn nộ của ông có liên quan đến việc ông ấy nghèo và nghèo
có nghĩa là ông phải thực hiện chuyến đi khi người ta quyết định chỗ ở của ông,
tức là ông ta không có lựa chọn nào khác trong vấn đề này. Khi hỏi thêm, thì
chúng tôi phát hiện được rằng ông ta tự trách mình vì đã không có mặt khi vợ ông
nhập viện và tìm cách đổ lỗi cho những người tổ chức kỳ nghỉ.
Khi chúng tôi hỏi liệu ông ta có cảm thấy
bị vợ bỏ rơi hay không và ông không thể thừa nhận sự phẫn nộ của mình với bà ấy,
ông đã tuôn ra một tràng cảm giác cay đắng, ông chia sẻ với chúng tôi rằng mình
không thể hiểu tại sao bà ấy lại bỏ rơi ông để đi theo người anh trai (được ông
gọi là Đức quốc xã), không hiểu cách bà ấy nuôi dạy đứa con trai duy nhất của họ
như một người không theo Do Thái giáo, và cuối cùng là bà ấy đã bỏ ông cô đơn
như thế này khi ông cần bà ấy nhất! Vì cảm thấy vô cùng tội lỗi và xấu hổ về
tình cảm tiêu cực của mình đối với người đã khuất, ông ấy đã dịch chuyển cảm
xúc của mình lên người thân và nhân viên điều dưỡng. Ông ta tin rằng mình phải
bị trừng phạt vì tất cả những suy nghĩ xấu xa đó và ông ta phải chịu đựng nhiều
đau đớn và khổ sở thì mới có thể giảm bớt mặc cảm tội lỗi của mình.
Chúng tôi chỉ đơn giản nói với ông ta rằng
chúng tôi có thể chia sẻ những cảm xúc lẫn lộn của ông, đây là những cảm xúc của
con người, ai cũng có. Chúng tôi cũng thẳng thắn nói với ông ta rằng chúng tôi
tự hỏi liệu ông ấy có thể không thừa nhận sự phẫn nộ đối với người vợ cũ của
mình và thể hiện điều đó trong những lần gặp gỡ ngắn sau này với chúng tôi hay
không. Ông ta trả lời: “Nếu cơn đau này không hết, tôi sẽ phải nhảy ra khỏi cửa
sổ”. Câu trả lời của chúng tôi là, “Nỗi đau của bác có thể là tất cả những cảm
giác phẫn nộ và thất vọng bị nuốt vào trong. Hãy loại bỏ chúng mà không cảm thấy
xấu hổ và cơn đau của bác có thể sẽ không còn”. Ông đi ra với cảm xúc rõ ràng
là lẫn lộn, nhưng đề nghị chúng tôi ghé thăm một lần nữa.
Bác sĩ nội trú đi cùng với ông ta trở lại
phòng đã rất ấn tượng trước tư thế ngồi sụp xuống của ông ta và ghi nhận điều
đó. Anh bác sĩ này khẳng định lại những điều chúng tôi đã nói trong cuộc phỏng
vấn và trấn an rằng phản ứng của ông là rất bình thường, sau đó ông ấy đứng thẳng
lên và trở về phòng với tư thế thẳng thắn hơn.
Trong chuyến thăm vào ngày hôm sau chúng
tôi biết rằng ông ấy hầu như không ở trong phòng bệnh. Ông dành phần lớn thời
gian để giao lưu, ghé thăm quán ăn tự phục vụ và thưởng thức đồ ăn dành cho
mình. Chứng táo bón và cơn đau cũng biến mất. Sau hai lần đại tiện trong buổi tối
của cuộc phỏng vấn, ông ấy cảm thấy “mạnh mẽ hơn bao giờ hết” và lập kế hoạch
xuất viện và tiếp tục một số hoạt động trước đây.
Vào ngày ra viện, ông ấy đã mỉm cười và kể
lại những ngày tốt đẹp mà ông từng có với người vợ. Ông ấy cũng kể về sự thay đổi
thái độ đối với các nhân viên bệnh viện, “những người mà tôi đã gây ra khó
khăn” và những người thân của ông, đặc biệt là người con trai mà ông đã gọi điện
để làm lành, “vì cả hai chúng tôi đều có thể cảm thấy cô đơn trong một thời
gian”.
Chúng tôi tái khẳng định với ông ấy rằng
chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nếu ông ấy gặp thêm nhiều vấn đề, về thể chất hoặc
tình cảm, và ông mỉm cười, nói rằng đã học được một bài học quý và có thể đối mặt
với cái chết của chính mình một cách bình thản hơn.
Ví dụ về ông E. chỉ ra rằng những cuộc phỏng
vấn như thế có thể có lợi như thế nào đối với những người không thực sự bị bệnh,
nhưng – do tuổi già hoặc đơn giản là do họ không có khả năng đối mặt với cái chết
của một người có tính cách mâu thuẫn – đang phải chịu rất nhiều đau khổ và coi
những khó chịu về thể chất hoặc tinh thần của họ là phương tiện nhằm giảm bớt mặc
cảm tội lỗi vì đã tìm cách đè nén những mong muốn đầy hận thù đối với người đã
khuất. Ông lão này không sợ chết lắm, đấy là nói so với thái độ lo lắng của ông
rằng mình sẽ chết trước khi trả hết nợ vì những ước muốn mang tính hủy diệt của
mình đối với một người đã chết mà không cho ông ta cơ hội “đền bù”. Ông chịu đựng
những cơn đau đớn như là biện pháp nhằm giảm bớt nỗi sợ bị trừng phạt và trút
phần lớn thái độ thù địch và phẫn nộ của mình lên các y tá và người thân mà
không nhận thức được lý do làm cho mình phẫn nộ. Thật đáng ngạc nhiên khi một
cuộc phỏng vấn đơn giản có thể cho chúng ta biết nhiều dữ liệu như thế và một
vài lời giải thích, cũng như trấn an người đó rằng những cảm giác yêu và ghét
này là của con người và có thể hiểu được và không cần phải trả giá quá đắt, có
thể giảm bớt phần lớn các triệu chứng này của cơ thể.
Những bệnh nhân không có vấn đề cần giải
quyết, thì liệu pháp ngắn hạn là rất hữu ích, không cần bác sĩ tâm thần, mà chỉ
cần một người hiểu biết, có thời gian ngồi bên cạnh và lắng nghe là được rồi.
Tôi nghĩ đến những bệnh nhân, ví dụ như Sơ I., chúng tôi đã thăm cô nhiều lần,
cô được các bệnh nhân cùng phòng cũng như chúng tôi chữa trị. Đấy là những bệnh
nhân may mắn, họ có đủ thời gian để giải quyết một số xung đột trong khi bị bệnh
và là những người có thể tìm tới những hiểu biết sâu hơn và có lẽ đánh giá cao
những thứ họ còn được hưởng. Những buổi trị liệu này, tương tự như những buổi
trị liệu tâm lý ngắn với nhiều bệnh nhân nan y, không diễn ra thường xuyên cả về
thời gian lẫn số lần. Những buổi trị liệu này được sắp xếp cho từng người, phụ
thuộc vào tình trạng sức khỏe thể chất của bệnh nhân, khả năng và thái độ sẵn
sàng nói chuyện của bệnh nhân tại thời điểm đó; thường bao gồm các chuyến thăm
trong vài phút để đảm bảo với họ rằng chúng tôi có mặt ngay cả khi họ không muốn
nói chuyện. Những buổi trị liệu này thậm chí còn diễn ra thường xuyên hơn khi bệnh
nhân cảm thấy ít thoải mái hơn và đau đớn hơn, lúc đó thường là cùng ngổi im lặng
bên cạnh họ, chứ không giao tiếp bằng ngôn từ.
Chúng tôi thường tự hỏi có cần chỉ định liệu
pháp nhóm với một nhóm bệnh nhân nan y được lựa chọn hay không, vì họ thường có
cùng cảm giác cô đơn và bị cô lập. Những người làm việc tại các khu chữa bệnh
có bệnh nhân nan y nhận thức khá rõ về những tương tác giữa các bệnh nhân và
nhiều câu nói có ích được truyền từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. Chúng
tôi luôn cảm thấy ngạc nhiên trước việc rất nhiều trải nghiệm của chúng tôi
trong hội thảo được truyền từ bệnh nhân sắp chết này sang bệnh nhân khác; thậm
chí chúng tôi còn được bệnh nhân này “tiến cử” bệnh nhân khác. Chúng tôi còn thấy
những bệnh nhân ngồi cùng nhau trong sảnh của bệnh viện, những người đã được phỏng
vấn trong hội thảo, và họ tiếp tục những buổi hội thảo phi chính thức, như những
người cùng hội. Cho đến nay, chúng tôi vẫn để cho bệnh nhân quyết định chia sẻ
với người khác tới mức nào, nhưng hiện nay chúng tôi đang xem xét động cơ của họ
để tổ chức cuộc họp chính thức hơn, vì dường như một nhóm nhỏ bệnh nhân của
chúng tôi mong muốn như thế. Đấy là những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính và phải
nhập viện nhiều lần. Họ đã biết nhau từ khá lâu rồi và không chỉ mắc chung một
căn bệnh mà còn có những kỷ niệm giống nhau về những lần nhập viện trước đây.
Chúng tôi rất ấn tượng trước phản ứng gần như vui mừng của họ khi một trong những
“người bạn” của họ qua đời, nó xác nhận niềm tin vô thức của họ: “ngưới đó chết
chứ không phải mình”. Đây cũng có thể là một yếu tố góp phần giải thích lý do
vì sao rất nhiều bệnh nhân và người nhà của họ, ví dụ bà C. (Chương VII), cảm
thấy vui khi đến thăm những bệnh nhân khác có lẽ bị bệnh nặng hơn. Sơ I. coi những
chuyến thăm này với thái độ thù địch, cụ thể là vạch ra nhu cầu của bệnh nhân
và chứng minh cho các y tá biết rằng họ làm việc không hiệu quả (Chương IV). Bằng
cách giúp đỡ bệnh nhân như một y tá, cô ấy không chỉ có thể tạm thời chối bỏ rằng
mình không còn khả năng hoạt động mà còn có thể thể hiện sự phẫn nộ của mình đối
với những người khỏe mạnh, nhưng không thể phục vụ bệnh nhân một cách hiệu quả
hơn. Những bệnh nhân như vậy trong một cơ sở trị liệu theo nhóm sẽ giúp họ hiểu
hành vi của mình, đồng thời giúp nhân viên điều dưỡng bằng cách buộc họ họ chấp
nhận nhu cầu của bệnh nhân hơn trước.
Chúng tôi vẫn nhớ bà F., bà bắt đầu trị liệu
theo nhóm không chính thức, gồm bà và một số bệnh nhân trẻ, tất cả đều phải nhập
viện vì bệnh bạch cầu hoặc bệnh ung thư Hodgkin mà bà bị cách đây hơn hai mươi
năm. Trong vài năm gần đây, trung bình mỗi năm bà phải nhập viện sáu lần, cuối
cùng bà hoàn toàn chấp nhận căn bệnh của mình. Một hôm, một cô gái mười chín tuổi,
tên là Ann, nhập viện; cô này lo sợ về căn bệnh của mình và hậu quả của nó, cô
ta không thể chia sẻ với bất cứ người nào. Cha mẹ cô không chịu nói về nó, sau
đó bà F. trở thành cố vấn không chính thức cho cô gái này. Bà F. kể cho Ann
nghe về những người con trai của mình, về chồng mình và ngôi nhà mà bà đã chăm
sóc trong nhiều năm mặc dù đã phải nhập viện nhiều lần, và cuối cùng đã giúp
Ann giải tỏa những lo lắng của cô và đặt những câu hỏi liên quan đến bà. Khi
Ann xuất viện, cô đã đưa một bệnh nhân trẻ khác đến gặp bà F. và thế là một phản
ứng dây chuyền giới thiệu bệnh nhân bắt đầu diễn ra, hoàn toàn có thể so sánh với
liệu pháp nhóm trong đó bệnh nhân này thay thế cho bệnh nhân khác. Những nhóm
này ít khi có nhiều hơn hai hoặc ba người và vẫn ở bên nhau khi các thành viên
còn nằm viện.
Sự
tĩnh lặng vượt ra ngoài ngôn từ
Có một thời điểm trong cuộc đời của bệnh
nhân, khi đau đớn ngừng lại, khi tâm trí rơi vào trạng thái không mộng mị, khi
nhu cầu về thức ăn trở thành tối thiểu và nhận thức về môi trường xung quanh gần
như tan vào bóng tối. Đây là lúc khi người thân chạy qua chạy lại trong hành
lang bệnh viện, đau khổ vì chờ đợi, không biết nên đi vể để chăm sóc những người
đang sống hay ở lại cho đến phút lâm chung. Đây là lúc quá muộn rồi, không còn
gì để nói nữa, nhưng cũng là lúc người thân kêu cứu to nhất, bằng lời hay không
dùng lời nói. Quá muộn rồi, không thể chữa chạy gì nữa (và quá tàn nhẫn, mặc dù
mục đích có tốt tới đâu, khi chúng xảy ra), nhưng cũng còn quá sớm, chưa phải
là giây phút chia ly cuối cùng với người hấp hối. Đó là thời khắc khó khăn nhất
đối với những người thân cận nhất, khi người đó muốn đi, muốn vượt qua nó; hay
bấu víu một cách tuyệt vọng vào một thứ gì đó mà anh ta đang vĩnh viễn đánh mất.
Đó là thời gian dành cho liệu pháp tĩnh lặng cùng với bệnh nhân và có giá trị đối
với người thân.
Bác sĩ, y tá, nhân viên xã hội hay cha
tuyên úy có thể giúp được rất nhiều trong những giây phút cuối cùng này, đấy là
nói nếu họ có thể hiểu được những xung đột của gia đình vào lúc này và giúp chọn
ra một người sẵn sàng ở lại với người đang hấp hối. Người này trở thành người
trị liệu của bệnh nhân. Nếu người hấp hối cảm thấy quá lo lắng thì có thể được
giúp đỡ bằng cách xoa dịu mặc cảm tội lỗi của họ và trấn an rằng một người nào
đó sẽ ở bên họ cho đến phút lâm chung. Rồi họ có thể trở về nhà khi biết rằng bệnh
nhân không chết trong cô đơn, mà không cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi vì đã trốn
tránh khoảnh khắc mà nhiều người rất khó đối mặt.
Những người có sức mạnh và tình yêu ngồi
bên người bệnh đang hấp hối trong sự tĩnh lặng không thể diễn tả bằng lời sẽ biết
rằng khoảnh khắc này không đáng sợ hay đau đớn, mà là cơ thể đã ngừng hoạt động
trong yên bình. Quan sát cái chết an bình của một người làm cho ta liên tưởng đến
một vì sao rơi; một trong hàng triệu đốm sáng trên bầu trời rộng lớn lóe lên
trong một khoảnh khắc ngắn ngủi để rồi mãi mãi biến mất vào màn đêm vô tận. Trở
thành người trị liệu cho bệnh nhân hấp hối làm cho chúng ta nhận thức được sự độc
nhất vô nhị của mỗi người trong biển người rộng lớn này. Nó làm cho chúng ta nhận
thức được sự hữu hạn của chính mình, nhận thức được tuổi thọ hữu hạn của chính
mình. Người thọ 70 xưa nay hiếm, tuy nhiên, trong khoảng thời gian ngắn ngủi
này, hầu hết chúng ta đều xây dựng được và sống với một tiểu sử độc đáo và góp
phần dệt nên lịch sử nhân loại.
Nước long lanh sáng trong bình, nhưng tối sẫm dưới đại dương không thấy đáy!
Chân
lý nhỏ dễ chứng minh rõ ràng, chân lý lớn phải cảm nhận thâm trầm lặng lẽ.
Tagore, Bầy chim lạc
Xin cảm ơn dịch giả!
ReplyDeleteCảm ơn bác đã dịch cuốn sách này ạ!
ReplyDeleteCảm ơn bác nhiều ạ. Sách hay quá.
ReplyDeleteQuá tuyệt luôn bác
ReplyDelete