June 21, 2024

THỰC TẠI, TÂM LINH VÀ CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI (5)

                                                      (Reality, Spirituality and Modern Man)

David Hawkins, M. D., Ph. D.

Phạm Nguyên Trường dịch


CHƯƠNG 4

 

THỰC TẠI LÀ CHỦ QUAN HAY KHÁCH QUAN?

 

Dẫn nhập - Bản sắc cá nhân: “tự ngã” 

Tâm trí chỉ chắc chắn ở một điểm: nó biết “Tôi là tôi”. Nhưng, “tôi” ngụ ý điều gì? Tự ngã dường như là duy nhất, riêng biệt, và là tâm điểm của sự chú ý, nhưng có lẽ nó cũng giống như “tự ngã” của những người khác. Người ta cho rằng sự khác biệt cơ bản giữa mình và những người khác là về thể chất hay tình huống. Những khác biệt này dường như xuất phát từ những điều thích hay không thích mang tính cá nhân, cộng với những giả định hoặc thậm chí là lưỡng phân, chẳng hạn như “Tôi nghĩ; cho nên, tôi tồn tại,” hay phải là: “Tôi tồn tại; cho nên, tôi nghĩ” (Sturme, 2007)? 

Trình tự của các sự kiện và trải nghiệm bên trong và bên ngoài tạo ra dữ liệu trong ngân hàng bộ nhớ của của não bộ để cảm giác về “cái tôi” (I-ness) bao gồm cả những sự kiện bên trong cũng như bên ngoài song song với việc ghi lại thời-gian-và-không-gian, cũng được người ta sở hữu như là “tôi” và “tâm trí của tôi”. Do đó, tâm trí ngày càng sở hữu khối lượng dữ liệu khổng lồ từ nhiều nguồn, với nhiều tầng ý nghĩa và mức độ quan trọng. Cùng với quá trình trưởng thành, sẽ xuất hiện nhận thức về trách nhiệm và trách nhiệm giải trình, cũng như phạm vi tự do hành động. Từ tất cả những yếu tố này xuất hiện hình ảnh của tự ngã mang tính chủ quan như là tác nhân chủ yếu, có chủ ý, có ý chí trong việc thực hiện các tùy chọn và lựa chọn, cũng như vị trí của quá trình trải nghiệm. Lúc đó nó cũng là người quyết định, người lựa chọn và, do đó, là ý chí. 

Từ tự ngã bên trong cũng xuất hiện các nhu cầu, ý định, ác cảm và sức hấp dẫn mang tính bản năng, mà trung tâm của nó là hiện tượng được gọi là “trải nghiệm”. Khi đó ý thức về tự ngã thay đổi từng bước một, khi quá trình xử lý dữ liệu tuần tự mạnh lên, và cuối cùng tâm trí kết luận rằng nó là người trải nghiệm các sự hiện, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, cả bên trong và bên ngoài, cũng như trong tương lai có thể dự đoán được. Do đó, tâm trí kết luận rằng, nó là nguyên thủy, có tính nhân quả, duy nhất, mang tính cá nhân và tách biệt với những người khác, mà nó coi là tương tự như nó. 

Từ sự phức tạp này xuất hiện những hình ảnh của tự ngã cá nhân cũng như tự ngã xã hội (ví dụ, “nhân cách”) và bản sắc cá nhân, cũng như những giả định về bản chất của sự tồn tại của chính con người. Sự đặc biệt được tích hợp lại này của tự ngã như là “tôi” (me) có lịch sử và tên gọi và do đó, trở thành một nhân cách liên kết với một cơ thể riêng biệt và rất nhiều chức năng mang tính bản năng của động vật, nhưng nó cũng có ý thức tự chủ bẩm sinh, cùng với tự ngã như là tác nhân nhân quả chủ yếu. 

Tổng thể của trải nghiệm được biểu thị bằng thuật ngữ trừu tượng là “đời sống”. Ma trận của tồn tại mang tính sinh học, thoáng qua và hữu sinh hữu tử có thể xác nhận được, từ đó xuất hiện câu hỏi hóc búa mang tính hiện sinh: “Tôi đến từ đâu? Làm sao tôi biết? Làm sao tôi biết là tôi biết?” Do đó, mỗi người đều đối mặt với câu hỏi về chính ý thức và biểu hiện trừu tượng hơn của nó, gọi là “linh hồn”. 

Quá trình tiến hóa của tự ngã/bản ngã 

Như đã mô tả, sử dụng kỹ thuật đơn giản của nghiên cứu ý thức, sự thật hay dối trá của bất kỳ lời tuyên bố nào cũng có thể được xác định một cách nhanh chóng mức độ chắc chắn cũng có thể được thể hiện bằng thang đo ý thức tăng dần, được hiệu chỉnh từ 1 đến 1.000, bao gồm tất cả các khả năng bên trong vương quốc của loài người và thậm chí vượt ra bên ngoài vương quốc của loài người. Con số được hiệu chỉnh thu được nhờ kỹ thuật phi cá nhân, dựa trên phản xạ mang tính sinh lý (tương tự như giấy quỳ, để đo độ pH) độc lập với quan điểm cá nhân. Tương tự như đo nhiệt độ của một người nào đó hoặc bất kỳ dữ liệu lâm sàng nào khác. (Xem Phụ lục C để tìm hiểu phương pháp luận). Năng lực này chỉ đơn giản là phẩm chất mang tính đáp ứng vốn có của đời sống sinh học. Quá trình phát triển trong quá khứ của chính ý thức trong những giai đoạn kéo đã được lập thành bản đồ và mô tả trong những tác phẩm xuất bản từ trước (Hawkins, 1995, 2006) và được in lại ở đây. 

Các tầng ý thức được hiệu chính

THẾ GIỚI ĐỘNG VẬT

 

Vi khuẩn

1

Chim di  cư

105

Sinh vật đơn bào

2

Chim săn  mồi

105

Loài giáp xác

3

Loài gậm nhấm

105

Sâu bọ, côn trùng

6

Tê giác

105

Động vật thuộc lớp nhện

7

Chim hót

125

Loài lưỡng cư

17

Bồ câu

145

20

Gấu bắc cực

160

Bạch tuộc

20

Gấu xám ở Tây Bắc Mỹ

160

Cá mập

24

Trâu nước

175

Rắn hổ lục

35

Gấu đen

180

Rồng Komodo

40

Chó rừng, Cáo

185

Loài bò sát

40

Chó sói

190

     Động vật có vú săn mồi

     (Linh cẩu, sư tử, hổ)

40

Hà mã

190

Rắn

45

Lợn cỏ peccary

195

Cá sấu châu Mỹ

45

Động vật ăn cỏ: Ngựa vằn, Linh dương, Hươu cao cổ

200

Khủng long

60

Hươu, Nai

205

Cá voi

85

Bò rừng bizon

205

Cá heo

95

Lợn nhà

205

Voi

235

Nai sừng tấm

210

Ngựa nhà

240

Bò sữa

210

Mèo

240

Cừu

210

Mèo nhà

245

Gia súc

210

Ngựa đua

245

Chó

245

Chó nhà

250

Khỉ

250

Khỉ đột

275

Tinh tinh

305

Đặc biệt: Mèo Oscar

250

 

 

 

Ngoại lệ: 

Vẹt xám châu phi được huấn luyện tên Alex, 401

Koko (con khỉ đột được huấn luyện)  405     

Tiếng hót của loài chim hót 500

Tiếng gừ gừ của mèo  500     

Động tác vẫy đuôi của chó 500

 Khoảng một phần ba người Mỹ có thể sử dụng kỹ thuật phản ứng của cơ bắp trong nghiên cứu ý thức (“Phản xạ trước sự thật, đấy là nói nếu họ có ý định chính trực). Họ phải có điểm hiệu chỉnh cao hơn 200 và quan tâm tới sự thật chứ không phải là tìm cách củng cố quan điểm mà mình ưa chuộng. Tầng ý thức của người tham gia càng cao (như ý định nguyên sơ) thì mức độ chính xác cũng càng cao (Jeffrey và Colyer, 2007). 

Bằng cách sử dụng kỹ thuật đơn giản này, phẩm chất của ý thức được thể hiện dưới dạng ý nghĩ, cảm xúc hoặc hiểu biết có thể được phân tích và mô tả theo thang đo tăng dần, dùng nó có thể biết được tầng cụ thể của sự thật được mặc khải qua một số câu hỏi và câu trả lời. (Kiểm tra sức mạnh cơ bắp là kiểm tra đơn giản nhất, nhưng cũng có những cách kiểm tra khác, chẳng hạn như như phản ứng của đồng tử (Davis, 2007) hoặc những thay đổi trong chức năng của não bộ được thể hiện bằng hình ảnh từ trường. Phản ứng mang tính sinh học trước sự thật và dối trá là trọng tâm của công trình nghiên cứu trị giá hàng triệu đôla đang được các cơ quan an ninh của chính phủ Hoa Kỳ tiến hành (Applebaum, 2007), cũng như đang được Cục An ninh Giao thông Vận tải tiến hành tại các sân bay, gọi là “Spot Security”, nhằm phát hiện những kẻ khủng bố tiềm tàng. 

Bằng cách tự tìm hiểu, người ta sẽ phát hiện được rằng những ý nghĩ và quá trình tư duy là rời rạc, độc đáo, riêng biệt và khác nhau và do đó, được mô tả là “tuyến tính”, có nghĩa là có thể xác định được cũng như có thể định vị được trong không gian, thời gian và trong các mối quan hệ. Ngược lại, khả năng trở thành người nhận thức được ý nghĩa đang được giữ trong tâm trí là kết quả của trường phi tuyến tính bao trùm của chính nhận thức/ý thức. Do đó, trường ý thức cũng tương tự như màn hình của tivi. Nội dung tuyến tính là chương trình mà người ta có thể xem. Do đó, tất cả các trải nghiệm đều đồng thời là trải nghiệm nội dung (nhận thức, hình ảnh, ý nghĩ, cảm xúc, v.v.) được chiếu sáng bởi trường bối cảnh phi tuyến tính (ánh sáng của ý thức/nhận thức). 

Không phân biệt được nội dung và bối cảnh là lý do vì sao các cuộc thảo luận và luận cứ được coi là có tính khoa học đang giữ thế thượng phong về bản chất của ý thức lại hạn chế và không hiệu quả đến mức như thế; nó có điểm hiệu chỉnh ở tầng 400 hoặc thường là còn thấp hơn. Cực kỳ quan trọng là phải phân biệt được trường năng lượng vô biên vô tế của chất nền của chính ý thức/nhận thức (điểm hiệu từ 600 trở lên) với nội dung tuyến tính có giới hạn của tâm trí (ví dụ, ý nghĩ, hình ảnh, cảm xúc, và ký ức). 

Như vậy là, ý thức là một cái “đã định sẵn” phi cá nhân, nhưng nội dung của nó lại bao gồm những định nghĩa tuyến tính về thời gian và không gian, đấy còn là kết quả của việc lập trình, có thể là cố ý hoặc vô tình. Do đó, tâm trí của con người vừa có tính chủ quan/mang tính trải nghiệm và chọn lọc cũng như phi cá nhân, không chọn lọc, và không cố ý. Vì thế, tâm trí không biết chắc chắn là màn hình hay chương trình có thực sự là “thật” hay không. Chỉ cần quan sát, có thể thấy rõ rằng phẩm chất của ý thức/nhận thức là năng lực phi cá nhân nguyên thủy, bên trong của chính điều kiện sống, nhưng nội dung cụ thể của nó là quá trình phát triển trong quá khứ của cá nhân. 

Thực tại là chủ quan hay khách quan? Tại một thời điểm nào đó, tâm trí hướng vào bên trong suy ngẫm về sự thật của phẩm chất của nó, nghĩa là, “Làm sao tôi biết? Làm sao tôi biết là tôi biết? Làm sao tôi biết rằng cái mà tôi nghĩ là sự thật thực sự là sự thật?” Ngoài ra, “Sự sống xuất phát từ đâu và nguồn gốc của nó là gì?” Trạng thái chủ quan này là phi tuyến tính, nguyên thủy và có tính tiên nghiệm. Từ trường phi cá nhân này xuất hiện ý thức rất cá nhân về “cái tôi” (I-ness) như là phẩm chất cơ bản của nội dung. Ý thức chủ quan cơ bản này của “Tôi” có khả năng tự nhận thức bằng phản xạ, trong khi đó, ngược lại, tâm trí chỉ nghĩ. 

Như đã nói trước đây, René Descartes đã trình bày nhận xét sâu sắc rằng có tâm trí (res interna/cogitans), rồi sau đó có thực tại bên ngoài (res externa - thế giới hay tự nhiên như nó đang là). Nguyên tắc này có thể được coi là tuyên bố về sự khác biệt giữa tri giác và bản chất. Thường có sự chênh lệch rất lớn giữa tri giác và bản chất, nó là thế tiến thoái lưỡng nan của con người, như các giác giả trong trong quá khứ từng nhận xét, như trong câu châm ngôn của Socrates: con người luôn chọn cái dường như là “tốt”, nhưng khó khăn là người ta không thể phân biệt được cái tốt “thực sự” với cái là tưởng là tốt (tức là, phân biệt giữ biểu hiện bên ngoài với bản chất). Lưu ý rằng “người làm điều tốt” (điểm hiệu chỉnh 190) thường tạo ra thảm họa xã hội trong những giai đoạn kéo dài (Charen, 2004). 

Trong tất cả các truyền thống và giáo lý tâm linh, người ta thừa nhận sự chênh lệch như thế là khiếm khuyết căn bản và nền tảng, và công nhận khiếm khuyết cơ bản của con người được gọi “vô minh”. Trong nghiên cứu ý thức, khó khăn được cho là xuất phát từ những hạn chế về mức độ tiến hóa của chính ý thức (cả cá nhân và tập thể). Do đó, xuất hiện những vấn đề về tội lỗi và trách nhiệm và hậu quả của sự lựa chọn và hành động của mỗi người.

Cấu trúc của tâm trí con người 

Trong các tác phẩm và công trình nghiên cứu trước đây (Hawkins, 1995-2006), cấu trúc của tâm trí con người được ví như một chiếc máy tính, trong đó cấu trúc cơ bản của tâm trí giống như phần cứng, còn nội dung của nó vào phần mềm. Tâm trí có thể kiểm soát một cách rất hạn chế nội dung của chương trình; do đó, con người đồng thời có trách nhiệm và có trách nhiệm giải trình, nhưng cũng là người ngây thơ. 

Trong thời đại thông tin hiện nay, việc lập trình tâm trí diễn ra liên tục và thường xuyên, nhưng tâm trí lại không có cơ chế bảo vệ; do đó, có thể làm cho người ta tin vào bất cứ điều gì, chỉ đơn giản là nhắc đi nhắc lại là đủ, dù cái đó có kỳ quái hay vô lý đến mức nào, Joseph Goebbels, Bộ trưởng tuyên truyền của Đệ tam Đế chế của Hitler, đã từng nói như thế. Việc lập trình như thế cũng tương tự như nhồi sọ giáo điều vào đầu óc người ta, nó nằm ngoài nhận thức. Tâm trí con người thực ra là vô tình bị người ta liên tục nhồi sọ những giáo điều khác nhau (xem Horowitz, 2007). 

Tất nhiên những điều vừa trình bày là kiến thức mà hiện nay mọi người đều biết. Nghiên cứu các thí nghiệm cai ngục/tù nhân (Milgram, 1974; Zimbardo, 2007) cho thấy rằng ngay cả những người bình thường cũng có thể trở thành những kẻ tàn bạo. Bộ phim và cuốn sách nổi tiếng Chúa Ruồi là ví dụ điển hình. 

Trong những điều kiện thích hợp, những hành vi nguyên thủy xuất phát từ những tầng sâu bên trong của “Cái Nó” của Freud có thể được kích hoạt, và được đưa lên bề mặt (“trở thành người điên loạn và bạo lực”) và được thể hiện thông qua những động phá hoại như đã được thể hiện qua hành động tàn sát 32 người vô tội do Cho Seung-Hui (điểm hiệu chỉnh 5!), sinh viên Đại học Công nghệ Virginia, thực hiện vào tháng 4 năm 2007. Những hành vi nguyên thủy tương tự xảy ra do những kẻ giết người bừa bãi ở các trường học hoặc nơi làm việc và tội phạm tràn lan xảy ra sau cơn bão Katrina, sau đó là tình trạng vô chính phủ thực sự. (Người ta sẽ ngạc nhiên trước sự bình thản của những người theo chủ nghĩa vô chính phủ khi những người này coi thảm họa của tình trạng hỗn loạn ngoài đời thực trái ngược với việc truyền bá triết lý như là lý thuyết xã hội của họ). 

Tóm lại, tâm trí được xây dựng thông qua quá trình tiến hóa sinh học, cho nên khả năng của nó trong việc phân biệt ngay cả thực tại với vọng tưởng và nhận thức sai lầm đầy cảm xúc không chỉ là khiếm khuyết mà còn bị hạn chế rất nhiều. Hạn chế này là rõ ràng nhất ở tầng hiệu chỉnh dưới 200, do đó, nền tảng ý thức của cả bạo lực cá nhân và chính trị có thể có điểm hiệu chỉnh thấp, từ 10 đến 20 (ví dụ, nhồi sọ của bọn khủng bố). 

Chính sinh lý của não bộ phản ánh tầng ý thức, sơ đồ sinh lý não thể hiện điều đó.

 Trang 113 tác phẩm Truth vs. Falsehood

 

        Dưới 200

    Trên 200

Não trái giữ thế thượng phong

Não phải giữ thế thượng phong

Tuyến tính

Phi tuyến tính

Căng thẳng – Adrenaline[1]

Bình an - Endorphine[2]

Chiến đấu hay chạy trốn

Cảm xúc tích cực

Cảnh giác-phản kháng-Kiệt sức

Hỗ trợ tuyến ức

Tế bào tiêu diệt và miễn dịch

Tế bào tiêu diệt

↓Căng thẳng tuyến ức

↑Miễn dịch

Rối loạn hệ thống kinh mạch

↑Chữa lành

Bệnh

Hệ thống kinh mạch cân bằng

Cơ phản ứng yếu

Cơ phản ứng mạnh

Chất dẫn truyền thần kinh - Serotonin[3]

 

Đường dẫn tới cảm xúc nhanh gấp đôi so với đi từ vỏ não trước trán tới cảm xúc

Đường dẫn tới cảm xúc chậm hơn đôi so với đi từ vỏ não trước trán và não thể phách

Đồng tử giản ra

Đồng tử co lại

 Quan trọng:

Nỗ lực và ý định tâm linh làm thay đổi chức năng não và sinh lý của cơ thể, đồng thời thiết lập một khu vực riêng biệt cho thông tin tâm linh trong vỏ não trước trán của não phải và não thể phách (não năng lượng) tương hợp của nó.

 Khả năng nhận biết thực tại của cá nhân là kết quả của tầng ý thức và sinh lý não phù hợp. Đáng chú ý là ý định tâm linh làm tăng đáng kể khả năng của tâm trí và chức năng của não bộ để tâm trí có năng lực tốt hơn trong việc phân biệt được bản chất. Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi “Mục đích của đời sống hay của thế giới là gì?” phụ thuộc chủ yếu vào tầng ý thức được hiệu chỉnh và sinh lý não liên quan với nó của người đang suy nghĩ câu hỏi này. Nhìn chung, chúng tôi thấy rằng tầng ý thức càng cao (tâm trí cao hơn), thì khả năng phân biệt sự thật, bản chất và thực tại với vọng tưởng và tri giác sai lầm đầy cảm xúc (tâm trí thấp hơn) càng lớn.

Cảm giác về thực tạ 

Tâm trí tự động cho rằng nó liên tục nhận thức được thực tại và nó không biết rằng những gì nó coi là thực tại thực ra chỉ là chức năng xử lý ở bên trong mang tính giả định của chính nó, gọi là “người trải nghiệm” (Hawkins, 2000-2006). Do đó, dữ liệu đã được xử lý một cách tự động và được chỉnh sửa thông qua cơ chế của bản ngã, diễn ra trong khoảng 1/10.000 giây, quá trình này đưa thêm giá trị, ý nghĩa và mức độ quan trọng cũng như một chút cảm xúc và ký ức hoặc lấy bớt những thứ đó đi. Cái mà tâm trí bình thường giả định là “sự thật” thực ra là hỗn hợp đã được xử lý của hàng ngàn biến số với những mức độ khác nhau, cùng với quá trình chỉnh sửa, lựa chọn, bóp méo, và đánh giá đầy cảm xúc và thiên vị được xếp chồng lên nhau. Quá trình chỉnh sửa được thực hiện một cách vô thức trong 1/10.000 giây và người ta không loại bỏ hoặc bỏ qua được nó cho đến khi người đó đạt được Chứng ngộ (điểm hiệu chỉnh 600 trở lên). 

Đức tin và khoa học

 Thuật ngữ “khoa học” ngụ ý quan sát dữ liệu mà không có thiên kiến và giả định về tính khách quan vị tha thông qua phép biện chứng của lý trí, duy lý và logic. Việc xử lý dữ liệu cũng được coi là “khách quan”, đồng thời, giá trị của nó, mức độ quan trọng và ý nghĩa đều đồng thời là kết quả việc tô màu theo lối chủ quan. Trong khi các trường của khoa học trừu tượng nằm trong các tầng từ 400 tới 499 (xem Bản đồ ý thức), các thí nghiệm khoa học riêng lẻ thường thấp hơn rất nhiều so với tầng Sự thật, 200 (ví dụ, “khoa học tạp nham”). Trên thực tế, trong những thời điểm khác nhau của cuộc đời, một nhà khoa học có thể làm những thí nghiệm nghiên cứu rất khác nhau, từ cao tới 460 xuống còn 170, đấy là do sự can thiệp của ý định. 

Ví dụ như công trình nghiên cứu mới đây về hiệu quả của cầu nguyện trong việc thúc đẩy quá trình chữa lành, xuất hiện trên American Journal of Cardiology (tháng 4 năm 2006) và kết quả được báo cáo là chẳng mang lại kết quả gì. Tất nhiên, kết quả này trái ngược với rất nhiều tác phẩm xuất hiện trong nhiều năm qua, với kết luận hoàn toàn ngược lại, cùng với hàng triệu người hồi phục trong những nhóm đức tin/những nhóm tự giúp nhau bằng cầu nguyện. Thiết kế công trình nghiên cứu kéo dài nhiều năm trị giá hàng triệu đôla này chỉ có điểm hiệu chỉnh 170. (Kỳ lạ là, Quỹ Templeton, tổ chức có điểm hiệu chỉnh 500, lại là đơn vị tài trợ công trình nghiên cứu này).

 Ví dụ tương tự là công trình nghiên cứu của Crick: phát hiện ra chuỗi xoắn DNA. Công trình nghiên cứu này có điểm hiệu chỉnh 440, trong khi dự án nghiên cứu gần đây của ông ta được thiết kế nhằm chứng minh rằng ý thức chỉ là kết quả của hoạt động thần kinh, chỉ có điểm hiệu chỉnh 170. (Ông ta là người vô thần.)

 Khoa học xa rời sự thật đã được xác thực là hiện tượng phổ biến, đấy là do các nguồn tài trợ thiên vị, tài trợ cho định vị bị chính trị hóa và mục đích mà người ta thúc đẩy, qua đó niềm tin vào khoa học trở thành “thuyết khoa học vạn năng” (scientism), gắn liền với đức tin và lòng nhiệt tình mù quáng. Vì vậy, “môi trường luận” (environmentism) dẫn đến sự hoảng loạn về trái đất nóng lên, được cho là do con người gây ra (khí nhà kính, v.v.), được hiệu chỉnh là sai (điểm hiệu chỉnh 190). Những lần khoan băng sâu ở vùng cực và những dữ liệu khác chỉ ra rằng chu kỳ nóng lên của trái đất là kết quả của hoạt động từ trường của bề mặt mặt trời (Lehr và Bennett, 2003; và Mehlman, 1997). Những công trình nghiên cứu này có điểm hiệu chỉnh 455, đó là tầng giá trị của khoa học. Xin lưu ý rằng trong khi khối lượng băng ở Bắc Cực giảm đi, thì khối lượng băng ở Nam Cực đã tăng lên, thậm chí tăng nhiều hơn số lượng băng bị mất ở Bắc Cực. 

Tạp chí Journal of the American Medical Association (tháng 6 năm 2005) báo cáo rằng, một phần ba các báo cáo nghiên cứu sau này được chứng minh là có sai sót. Công trình nghiên cứu tập thể về sự nguy hiểm giả định của việc hút thuốc thụ động có điểm hiệu chỉnh 190 và bị tòa án liên bang tuyên bố là vô hiệu (Meier, 1998). Ngay cả các công trình nghiên cứu liên quan đến béo phì với các loại bệnh tật mà sau này mới xảy ra hóa ra đã bị cường điệu hơn 200%.

 Một nguồn gốc khác làm sai lệch các báo cáo nghiên cứu khoa học là giải thích sai tương quan mang tính thống kê là quan hệ nhân quả. (Sự kiện là 90% số người mắc bệnh lao thường đi giày màu nâu không có nghĩa là giày màu nâu gây ra bệnh lao). Tương quan thống kê không phải là quan hệ nhân quả cũng được Austin viết trên tờ The Economist (tháng 2 năm 2007). Nghịch lý là, cơ quan báo cáo càng có uy tín, thì khả năng báo cáo sai càng lớn. Đây rõ ràng là do lợi thế của các phương tiện truyền thông, họ được mệnh danh là nhà tài trợ nổi tiếng. Xin lưu ý rằng, trong quá khứ, gần như tất cả những khám phá vĩ đại mang lại lợi ích cho nhân quần đều bắt nguồn từ những khởi đầu rất khiêm tốn (ví dụ, khám phá của Fleming dẫn đến việc tìm ra penicillin).

 Do những khiếm khuyết cố hữu và tính thất thường của tâm trí con người, không thực hiện hiệu chỉnh ý thức thì không thể thực sự xác định được tầng của sự thật, thậm chí ngay từ khi nó được thể hiện như là dự định. Mặc dù người ta có thể nghi ngờ hay trực giác được khả năng thiên vị, nhưng chỉ có thể được phát hiện được nó và chứng minh một cách thuyết phục bằng chính nghiên cứu ý thức. Khi đó sẽ phát hiện ra rằng có thể phát hiện được những dối trá có ảnh hưởng sâu trong trong hầu hết các hoạt động của con người. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều bị ảnh hưởng bởi những niềm tin xã hội (ví dụ, trái đất phẳng; mặt trời quay quanh trái đất) cũng như những tài liệu được ghi lại trong cuốn sách nổi tiếng Extraordinary Popular Delusions and the Madness of Crowds (Mackay, [1841] 2003).

 Sự thống trị của tính chủ quan

 Ý thức về “cái thực” là hệ quả của quá trình xử lý mang tính chủ quan, và do đó , tất cả những gì được cho “có tính khách quan”, tự nó đã là giả định và kết luận hoàn toàn chủ quan. Do đó, tính chủ quan nội tại là tiền đề tiên nghiệm của tất cả các quá trình xử lý của tâm trí và nó hoạt động như một tiền đề giữ thế thượng phong. Để chính xác và cụ thể, có thể nói rằng “tính khách quan” tự nó đã là giả định thuần túy chủ quan. 

Tuy nhiên, cảm giác của hữu thể “thực” cũng đi kèm với những trạng thái ý thức đã thay đổi, chẳng hạn như giấc mơ, thôi miên và “điên loạn” (bỏ nhà ra đi), cũng như ảo giác, ảo tưởng và ám thị; bị UFO bắt cóc (điểm hiệu chỉnh 170); và trải nghiệm ngoài cơ thể về những cõi khác và “tầm nhìn”, chẳng hạn như hiện tượng xuất thần. 

Ngược lại, các trạng thái mất trí nhớ có thể diễn ra trong thời gian ngắn và tạm thời hay có thể kéo dài hàng giờ, hàng ngày hay thậm chí lâu hơn. Có thể thấy những hoàn cảnh rối loạn nhân cách kéo dài, được chia thành từng ngăn. Những tính cách “Jekyll & Hyde”[4] thực sự có tồn tại, và hai nhân cách thực có điểm hiệu chỉnh khác xa nhau. Một số người như thế giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong ngành an ninh, trong đó có cả các dự án năng lượng nguyên tử, sự phản bội của các điệp viên hai mang trong lĩnh vực này gây ra nguy cơ chiến tranh nguyên tử trên thế giới (ví dụ, Robert Hansson, Klaus Fuchs và Rosenbergs). 

Những tính cách bị chia cắt mà người ta không ngờ tới hiện đang tiếp tục tạo ra những rủi ro nghiêm trọng cho an ninh của nước Mỹ. Muốn phát hiện được chúng thì phải dùng kỹ thuật hiệu chỉnh ý thức, sẽ nhanh chóng và dễ dàng nhận ra nhân dạng thật của họ. Nhận dạng những kẻ như thế dường như quan trọng, vì trong thế giới hạt nhân hiện nay, tính mạng của hàng triệu người vô tội đang như ngàn cân treo sợi tóc.



[1] Adrenaline là một loại hormone được giải phóng ra khỏi tuyến thượng thận và phóng thích trực tiếp vào máu. Có chức năng phục vụ các chất trung gian đồng thời truyền tải lượng xung thần kinh đến các cơ quan khác nhau - ND.

[2] Nhóm endorphine bao gồm ba hợp chất: α-endorphin, β-endorphin và γ-endorphin ưu tiên liên kết với thụ thể μ-opioid. Chức năng chính của endorphin là ức chế sự truyền tín hiệu đau; chúng cũng có thể tạo ra cảm giác hưng phấn rất giống với cảm giác do các opioid khác tạo ra - ND.

[3] Serotonin đóng vai trò là một chất dẫn truyền thần kinh, một loại hóa chất giúp chuyển tiếp tín hiệu từ vùng não này sang vùng não khác. Mặc dù serotonin được sản xuất trong não, nơi nó thực hiện các chức năng chính nhưng có tới khoảng 90% nguồn cung cấp serotonin trong cơ thể chúng ta được tìm thấy trong đường tiêu hóa và trong các tiểu cầu trong máu - ND.

[4] Jekyll & Hyde” được sử dụng để nói về một người có tính cách và đạo đức rất khác nhau trong những trường hợp khác nhau. Tiếng Việt thường hay gọi là "đừng trông mặt mà bắt hình dong", "nhìn vậy nhưng không phải vậy" - ND.


2 comments:

  1. Cháu cảm ơn bác Trường và chúc bác nhiều sức khỏe. Cháu có đọc thử một số trang sách trên Google và được biết có tất cả 19 Chapters. Thêm một cuốn sách cũng khá dầy của tiến sĩ Hawkins nữa đã và đang được bác dịch và truyền tải lại cho bạn đọc. Cháu biết ơn bác thật nhiều. Bác dịch rất hay và truyền đầy cảm hứng cho bạn đọc tiếp thu những kiến thức tâm linh vừa rộng, vừa sâu sắc ạ.

    ReplyDelete
  2. Mong bác Trường hôm nay ra tiếp phần 6 ạ. Chúc bác nhiều sức khỏe.

    ReplyDelete