Phạm Nguyên Trường
Những
câu hỏi: Ta là ai? Ta đến thế gian với mục đích gì? Và ta sẽ
đi về đâu? chắc chắn sẽ đưa người ta tới ngã ba đường. Trước mặt là con đường của
tâm trí và con đường của tâm linh.
Con đường của tâm trí sẽ tiếp tục đưa người ta tiến mãi vào thế gian: Làm trai cho đáng nên trai/Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng.
Người ta sẽ muốn/sẽ thu
được nhiều thành công, sẽ thủ đắc được nhiều của cải hơn, nhiều danh tiếng hơn,
nhiều kiến thức hơn, nhiều tình hơn; nhiều tranh đấu hơn; nhưng có thể người ta
cũng gặp nhiều thất bại nhục nhã ê chề hơn.
Nếu những người này dùng kiến thức, danh tiếng, của cải, sức lực của
mình vào công cuộc cải tạo xã hội thì người ta sẽ gọi họ là những nhà cải
cách/cách mạng xã hội.
Con
đường tâm linh: là con đường quay về, con đường không
còn hận thù, trả thù, đố kị, ghen ghét
hay tranh đấu nữa. Là con đường buông bỏ, là buông bỏ tất cả, buông bỏ cả
những của cải và kiến thức mà trước đó người ta tưởng rằng sẽ giúp người ta sống
sót trong cuộc vật lộn với thế gian. Đứa con đi hoang cuối cùng đã trở về ngôi
nhà xưa, tất cả đã bị bỏ lại phía sau, cảm giác an bình và phúc lạc tràn về, chẳng
khác gì đưa con trong cuộc đời thực trở về ngôi nhà mà người đó đã từng sống
trong thời thơ ấu. Người đó bỏ ba lô vào góc nhà rồi ngồi yên lặng, không hề có
cảm giác mệt mỏi, mặc kệ những giọt mồ hôi cuối cùng... và bụi đường trên những
đoạn đường cuối cùng còn sót lại. Nhạc sĩ Trần Tiến viết: "Mẹ ơi thế giới
mênh mông/Mênh mông không bằng nhà mình".
Bình
luận của giác giả (Người viết mới chỉ ghi lại những điều
mình ngộ được, đang thực hành, chưa thể nói là đạt yêu cầu).
Trước hết, Giác giả là
người chỉ nhờ tu tập tâm tính và thiền định mà hiểu được lẽ huyền vi của Tạo
hóa, nói cách khác, đây là những người đã Chứng ngộ.
Bình
luận của giác giả về con đường của tâm trí
1. Của cải chỉ nên ở mức
đáp ứng những nhu cầu vật chất tối thiểu. Khi sinh ta không mang chúng tới, khi
tử ta không mang chúng theo được, 2-3 biệt thự, hàng trăm tỉ gửi trong ngân
hàng chỉ làm cho ta thêm lo lắng và là gánh nặng không cần thiết.
2. Để của cho con: Quan
điểm "hy sinh đời bố, củng cố đời con" là hoàn toàn sai lầm. Nếu đứa
con không có phúc phận thì tất cả của cải chỉ một mồi lửa, hay vài đêm cá cược
bóng đá hoặc chỉ cần thử vài tép Heroin... là xong. Dùng những biện pháp bất
lương nhằm chiếm đoạt của cải thì những hiện tương bên trên càng dễ xảy ra hơn.
Để của cho con phải như người Do Thái: Ông bố có trách
nhiệm cho con một nghề và đọc thông viết thạo. Mà đọc thông viết thạo là để đọc các kinh sách của Do Thái giáo, để có tâm
pháp mà ước chế bản thân và tìm người đồng đạo, chứ không phải tìm đồng đảng, đồng
bọn hay đồng hương. Vì vậy mà dù có lúc bị đàn áp khốc liệt dân tộc Do Thái vẫn
trường tồn và tạo được ảnh hưởng vô cùng to lớn.
3. Làm cách mạng. Tâm
trí là nhị nguyên, cái nó cho là tốt thì liền đó đã có cái xấu rồi, cho nên những vấn đề mà nó tưởng là giải quyết được bằng CM
lại sinh ra nhiều vấn đề cần giải quyết hơn. Cuộc cách mạng do tâm trí dẫn dắt
là cuộc cách mạng thường trực, không bao giờ ngưng. Cách mạng tư sản Pháp, CM
tháng 10 Nga và CM tháng 8 ở Đông Lào là những ví dụ nhãn tiền.
Bình
luận của giác giả về con đường tâm linh
Hỏi: Con đường tâm linh
là phải rời bỏ thế gian, vào chùa hay vào tu viện, làm hòa thượng làm ni cô,
thày tu?
Trả lời: Ngày xưa thì
như thế, vì đấy là nơi duy nhất có thông tin, có kiến thức. Bây giờ có thể mua
sách, thậm chí có thể tìm trên mạng. Người tu tâm thời nay cần phải sống giữa
cuộc đời của người thường, học sinh/sinh viên thì phải học giỏi, công chức thì
phải làm tốt phận sự của mình, người buôn bán/sản xuất thì phải bán sản phẩm thật…v.v.
Nhưng có một điều: không tranh giành, không đấu đá, không hối lộ, không đút
lót, sẵn sàng chịu thiệt mà không hề phàn nàn. Trước khi làm nói/ làm một cái
gì đó thì phải tự hỏi: người kia có chịu được không? Sau khi nói/làm mà nảy
sinh mâu thẫn thì phải hướng nội tìm: ta đã làm gì sai mà người kia phản ứng
như thế. Nếu không tìm được thì phải nghĩ đấy là nghiệp lực từ đời trước mà bây
giờ ta phải trả, hoặc biểu hiện của người kia là để kiểm tra xem ta đã đủ nhận
chưa?
Tóm lại: sống giữa xã hội
mà “ma” luyện tâm tính của mình, đề cao lên, trở thành người tốt, ngày càng tốt
hơn, cuối cùng thành Giá giả, thành Phật.
Hỏi: Tu tập tâm linh là
không còn quan tâm tới thế gian nữa?
Trả lời: Hình thức bên
ngoài thì như thế. Nhưng thực chất hoàn toàn không phải thế.
Những người tự cho rằng
họ quan tâm tới xã hội, muốn cải cách, muốn làm cách mạng xã hội với những khẩu
hiệu đầy tinh thần tranh đấu, hận thù, súng gươm… làm sao có thể tạo ra được xã
hội hạnh phúc? Đấy chỉ là đáp ứng thói kiêu căng, ngạo mạn của bản ngã của họ
mà thôi. Nếu nó xảy ra thì đấy là bạo loạn, chứ không phải cách mạng, họ tưởng
là diệt được tiêu cực, nhưng tiêu cực sẽ lại xuất hiện, phải làm cách mạng thường
trực, bạo loạn thường trực. Mà những người này cũng chỉ có thể đoàn kết khi đối
tượng “cách mạng” của họ là tiêu cực: đánh Pháp, đánh Mỹ, đuổi Nhật, đấu địa chủ..v.v..
Bởi vì những kẻ nghi ngờ mục tiêu này sẽ bị đảng trưởng coi là “phản động/phản
bội” và sẽ bị cho đi “tầu thủy” hay viên đạn vào thái dương.
Những người này không
thể làm cách mạng hướng tới tự do dân chủ, vì tự do dân chủ là tích cực, không
hô hào chém giết và không loại bỏ bất kì người nào, vì vậy mà những người sử dụng
tâm trí/bản ngã sẽ tranh cãi mãi, không thể nào làm việc được với nhau được. Cuộc
cách mạng mà mục tiêu của nó là tích cực, ví dụ tự do, dân chủ, cần phải có những
con người khác: những người có tâm tha thứ và từ bi. Chỉ những con người như thế
mới buông bỏ được tâm của mình, buông bỏ được ý kiến của mình vì sự nghiệp
chung.
Những người thực sự tu
tâm nói chung thường không can thiệp trực tiếp vào việc thế gian, họ thường
nói: Sống trong thế gian, nhưng không để
thế gian sống trong con người mình. Họ cố gắng giữ tâm bất động. Nhưng cũng có
một ít người sau khi thành Đạo/Chứng ngộ rồi sẽ quay lại thế gian, ví dụ như
Mahatma Gandhi hay Mẹ Teresa.
Dù không trực tiếp tham
gia vào công việc thế gian, nhưng như David Hawkins viết: "một Thánh thần
giáng thế có tầng ý thức 1.000 có thể là đối trọng đủ sức cân bằng những tiêu cực
tập thể của toàn nhân loại. Một người có tầng ý thức 700 đối trọng với sự tiêu
cực của 70 triệu người có tầng ý thức dưới 200. Một người có tầng ý thức 600 đối
trọng với 10 triệu người có tầng ý thức dưới 200; một người có tầng ý thức 500
đối trọng 750.000 người có tầng ý thức dưới 200. Một người có tầng ý thức 300 đối
trọng với những tiêu cực của 90.000 người có tầng ý thức dưới 200....”
Đây là trạng thái mà
trong Phật giáo gọi là: “Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh”; còn Lão Tử
thì bảo là “Vô vi”: Không làm gì mà không gì không làm.
Hỏi: Tu tập tâm linh có
làm cho đất nước nghèo đói, yếu hèn?
Trả lời: Lần đầu tôi
nghe thấy câu hỏi này. Làm gì có chuyện như thế. Hoàn toàn ngược lại. Làm sao
người có đạo đức, người chính trực lại có thể làm cho đất nước nghèo hèn được? Hãy
xem các hoàng thân quốc thích đời nhà Trần. Họ đều là các Phật tử thuần thành,
nhưng khi họ đeo gươm, mặc áo chiến bào thì trở thành những người như thế nào?
Nước ta đời nhà Trần có hèn không?
Đạo đức xuống cấp mới
làm cho dân nghèo, nước hèn. Nói một các cụ thể: chính những kẻ vô đạo đức, ví
dụ như làm hàng giả, buôn gian bán lận, buôn bán xì ke ma túy, “rau hai luống,
lợn hai chuồng”, làm việc gì cũng đòi lót tay, bọn ăn đút lót, ăn hối lộ, các
quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì”, các quan chức nhúng tay vào vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu
mới là bọn làm nghèo đất nước. Đáy là chưa nói bọn ăn cơm nước Nam, làm quan
cho Tầu…
Làm sao mà những người
chỉ nghĩ đến việc cầm quyền của đảng và ghế của mình, những người suốt ngày reo
rắc hận thù, những kẻ mà mở mồm ra là “thế lực thù địch” có thể tạo ra được xã
hội ấm no, tự do hạnh phúc? Một gia đình hay một xã hội mà suốt ngày lục đục,
suốt ngày tranh đấu, hạ bệ nhau thì ngay cả có của, có tiền cũng không thể sống
hạnh phúc. Mà suốt ngày đấu đá nhau thì còn đâu thời gian sản xuất mà có thể có
ấm no.
Mà giả sử như tu tâm có
làm cho nước nghèo đi, thì anh hãy xem có bao nhiêu người thực sự tu tâm? Có
bao nhiêu người khi xảy ra mâu thuẫn thì hướng nội tìm, có bao nhiêu người tự
nhận là mình có lỗi? Ngược lại tất cả đều đổ lỗi cho người khác, cho nên chỉ một
va chạm xe máy không đáng kể ở ngã ba, ngã tư là người ta đã có thể thượng cẳng
tay hạ cẳng chân với nhau rồi. Có bao nhiêu người lên chùa cầu chính pháp, muốn
đắc chính đạo? Người ta toàn cầu mong
tiêu tai, giải hạn, phát tài, sinh con trai. Cho nên đừng lo người thực sự cầu
đạo làm cho nước nghèo, vì nếu có thể làm nghèo được thì số đó cũng quá ít. Những
bài viết như thế này của anh, dù viết cả đời cũng chưa chắc đã khuyến khích được
một người đang truy cầu những danh lợi tình ở xã hội người thường chuyển sang cầu
chính pháp. Tin tôi đi, nếu được một người thì công đức đã là vô lượng rồi đó.
Biết đủ giàu Tối Thượng
ReplyDelete