March 8, 2023

Kinh tế học hài hước (Freakonomics)

 


Có thể đọc hay nghe ở đây: https://tiasach.com/sach/gioithieu/kinh-te-hoc-hai-huoc

Khám phá những khía cạnh bất ngờ còn ẩn khuất của mọi hiện tượng xã hội từ quan điểm về kinh tế học

Steven D. Levitt và Stephen J. Dubner

Giới thiệu chung

Kinh tế học hài hước (xuất bản năm 2005) áp dụng phân tích kinh tế theo lối duy lý vào những tình huống diễn ra hằng ngày, từ hẹn hò trực tuyến đến mua nhà. Cuốn sách tiết lộ lý do vì sao cách chúng ta thường không quyết định một cách hợp lý, vì sao trí tuệ thông thường lại thường sai, cách thức và vì sao chúng ta được khuyến khích làm những việc chúng ta đang làm.

Về tác giả

Steven D. Levitt giảng dạy kinh tế học ở trường Đại học Chicago. Cách tiếp cận phi chính thống của ông: sử dụng các công cụ của kinh tế học để khám phá những khía cạnh bị che dấu trong các quyết định diễn ra mỗi ngày, tức là những quyết định đã và đang gây ra các cuộc tranh luận trong giới truyền thông và giới hàn lâm.

Stephen J. Dubner là nhà văn và từng là biên tập viên của tạp chí New York Times Magazine. Ông còn là tác giả của những cuốn sách như Turbulent Souls ( tạm dịch Những tâm hồn hỗn loạn, Confession of a Hero-Worshiper (tạm dịch: Lời thú tội của một anh hùng mê tín), và cuốn sách dành cho thiếu nhi The Boy with Two Belly Buttons (tạm dịch: Cậu bé có hai cái rốn).

Giới thiệu

Các biện pháp khuyến khích có thể ảnh hưởng tới hầu bao, lòng tự trọng hay lương tâm của bạn.

 Ngay tại thời điểm này, có thể có vô số người muốn tạo ảnh hưởng lên hành vi của bạn: chính trị gia, cảnh sát, bác sĩ, sếp của bạn, cha mẹ hoặc vợ/chồng của bạn, đấy là chỉ kể một vài người. Mặc dù các chiến thuật được sử dụng có thể khác nhau, từ đe dọa và hối lộ đến quyến rũ và lừa dối, nhưng tất cả các nỗ lực đều có điểm chung: chúng đều dựa vào các biện pháp khuyến khích.

Các biện pháp khuyến khích chỉ đơn giản là phương tiện thúc giục mọi người làm nhiều việc tốt hay làm ít việc xấu hơn trước mà thôi.

Các biện pháp khuyến khích được chia thành ba loại: kinh tế, xã hội và đạo đức. Hầu hết các khuyến khích tạo được thành công - những khuyến khích tạo được những thay đổi trong hành vi mà người mong muốn – là sự kết hợp của cả ba loại.

Một trong những lĩnh vực mà các biện pháp khuyến khích đóng vai trò cực kỳ quan trọng là lĩnh vực tội phạm. Người ta thường xuyên có cơ hội để nói dối, ăn cắp và lừa đảo, vì vậy, sẽ thú vị khi xem xét những khuyến khích nào khiến người ta không phạm tội.

Rủi ro khi bị đi tù và liên quan đến nó là mất việc làm, mất nhà cửa và tự do đều thực chất là rủi ro về kinh tế, và chắc chắn là khuyến khích mạnh mẽ người ta không phạm tội.

Ngoài ra còn có khuyến khích mạnh mẽ về đạo đức, vì người ta không muốn làm việc gì đó mà họ cảm thấy là sai.

Và cuối cùng, có khuyến khích mạnh mẽ mang tính xã hội, vì người ta không muốn bị người khác coi là mình làm việc gì đó sai trái. Thông thường, tùy vào loại tội phạm, đấy có thể là những khuyến khích có sức mạnh hơn là các hình phạt về kinh tế.

Chính sự kết hợp của cả ba hình thức khuyến khích này góp phần làm cho hầu hết người ta kiềm chế, không phạm tội.

Các biện pháp khuyến khích có thể ảnh hưởng tới hầu bao, lòng tự trọng hay lương tâm của bạn.

Tia sách 1

Thường thì, áp dụng các biện pháp khuyến khích có thể gây ra những hậu quả không lường trước được trong hành vi của mọi người.

Tất cả chúng ta đều đã biết những nỗ lực nhằm khuyến khích hành vi. Đấy có thể là cha mẹ thưởng cho con cái những món quà nhỏ vì chúng làm bài tập hay các công ty thưởng cho những nhân viên đạt chỉ tiêu bán hàng, mọi người đều có những khuyến khích treo ngay trước mặt.

Tuy nhiên, thường thì ảnh hưởng của các biện pháp khuyến khích lên hành vi là vấn đề phức tạp hơn là người ta tưởng tượng lúc đầu. Khuyến khích thường có tác dụng trong môi trường mà những thay đổi nhỏ có thể tạo ảnh hưởng mạnh mẽ và không phải lúc nào cũng theo cách mà những người khởi xướng từng hy vọng.

Trong một công trình nghiên cứu về các trung tâm giữ trẻ ở Haifa, Israel, các nhà kinh tế học đã tìm cách giảm số lượng phụ huynh đến đón con trễ hơn quy định. Để làm như thế, họ áp dụng biện pháp trừng phạt về mặt kinh tế: phạt khoản tiền là 3 đôla.

Nhưng biện pháp này không những không làm giảm số người tới đón con trễ, mà số người tới đón trễ thực sự đã tăng gấp đôi. Làm sao mà biện pháp trừng phạt này lại phản tác dụng?

Một trong những vấn đề có thể là số tiền phạt không lớn đến mức làm người ta phải suy nghĩ, nó còn cho phụ huynh biết rằng việc đón con trễ không phải là vấn đề quan trọng.

Tuy nhiên, vấn đề chính là biện pháp trừng phạt về kinh tế quá nhỏ này đã thay thế cho biện pháp trừng phạt về đạo đức sẵn có: cảm giác tội lỗi mà cha mẹ cảm thấy khi đón con trễ. Giờ đây, các bậc phụ huynh có thể chuộc lỗi của mình bằng một vài đôla, vì vậy họ bớt lo lắng về việc đến đón con trễ.

Hơn nữa, khi tín hiệu đã được gửi đi, hiệu ứng sẽ tồn tại trong thời gian dài, không thể loại bỏ ngay được. Bỏ khoản tiền phạt không làm giảm số lượng phụ huynh đến đón con trễ.

Như ví dụ bên trên cho thấy, thiết lập các biện pháp khuyến khích có thể là công việc đòi hỏi sự tinh tế, đặc biệt là khi đã có những hình thức khuyến khích khác. Khi áp dụng các biện pháp khuyến khích, xin hãy suy nghĩ cẩn thận về việc liệu chúng có thể thay thế cho những biện pháp khuyến khích hiện có hay không.

Thường thì, áp dụng các biện pháp khuyến khích có thể gây ra những hậu quả không lường trước được trong hành vi của mọi người.

Tia sách 2

Các biện pháp khuyến khích phụ thuộc vào bối cảnh: biện pháp có tác dụng khi trời nắng có thể không có tác dụng khi trời mưa.

Bạn đã bao giờ cướp ngân hàng chưa? Có lẽ là chưa, vì có rất nhiều yếu tố không khuyến khích (ví dụ, nhà tù, mất địa vị xã hội, lương tâm cắn rứt) làm cho bạn không dám thử. Tuy nhiên, một số người thực sự cướp ngân hàng, mặc dù họ cũng đứng trước những yếu tố không khuyến khích đó. Vì sao?

Vì những người khác nhau phản ứng với cùng những khuyến khích theo cách khác nhau.

Cái này thì quá rõ ràng, nhưng đáng ngạc nhiên hơn là, thậm chí một người, trong những hoàn cảnh khác nhau, cũng có thể có phản ứng khác nhau trước cùng những biện pháp khuyến khích.

Hãy xem xét dữ liệu do Paul Feldman thu thập được. Ông là người cung cấp bánh mì tròn cho các căng tin trong các văn phòng. Ông ta để một hộp đựng tiền không có người giám sát, để khách hàng tự trả tiền, thu tiền mặt và thức ăn thừa vào cuối ngày. Mỗi khách hàng đều được khuyến khích trả tiền như nhau - mong muốn được trung thực và được người khác nhìn nhận là trung thực - vì vậy, dao động trong tỷ lệ người trả tiền mỗi ngày và tại các địa điểm khác nhau cho thấy một số xu hướng thú vị về tính trung thực trong những điều kiện đang thay đổi.

Yếu tố quan trọng góp phần vào việc khách hàng của ông trung thực đến mức nào dường như là tâm trạng cá nhân, tâm trạng cá nhân lại bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác:

Thời tiết có vai trò quan trọng với tỷ lệ người trả tiền: cao hơn vào những ngày thời tiết ấm áp trái mùa và thấp hơn vào những ngày thời tiết lạnh giá trái mùa. Những ngày lễ làm người ta cảm thấy căng thẳng như Giáng sinh và Lễ tạ ơn đã làm giảm đáng kể tỷ lệ người trả tiền, trong khi những ngày lễ làm người ta cảm thấy thoải mái thì làm cho tỷ lệ người trả tiền cao hơn.

Tương tự, đạo đức của văn phòng có vai trò quan trọng, những người làm việc trong các văn phòng vui vẻ có nhiều khả năng là họ sẽ trả tiền hơn những văn phòng khác. Tỉ lệ người trả tiền nói chung cũng gia tăng sau ngày 11/9, tác giả cho rằng đó là sự gia tăng chung về sự đồng cảm.

Bài học rút ra là, những biện pháp khuyến khích có hiệu quả đối với một số người vào một số ngày nào đó, có thể không hiệu quả với những người đó vào những ngày khác, tất cả phụ thuộc vào sự thay đổi trong hoàn cảnh cá nhân, khu vực hoặc toàn cầu, có ảnh hưởng đến tâm trạng của họ.

Các biện pháp khuyến khích phụ thuộc vào bối cảnh: biện pháp có tác dụng khi trời nắng có thể không có tác dụng khi trời mưa.

Tia sách 3

Các chuyên gia có thể sử dụng lợi thế thông tin của mình nhằm bóc lột những người không có kiến thức chuyên môn vì lợi ích kinh tế.

Thỉnh thoảng người ta lại cần lời khuyên của chuyên gia. Dù bạn đang sửa chữa thứ gì đó, mua sắm một món đồ đắt tiền hay đang giải quyết một vấn đề pháp lý, bạn sẽ dựa vào người có kiến thức chuyên môn nhằm giúp bạn đi qua lĩnh vực xa lạ.

Các chuyên gia có thể tiếp cận với nhiều thông tin mà phần lớn dân chúng không thể, nghĩa là có sự bất đối xứng về thông tin. Mặc dù các chuyên gia thường được trả một khoản phí hay hoa hồng cho kiến thức chuyên môn của họ, nhưng họ cũng có thể sử dụng lợi thế thông tin mà mình nắm được để lừa dối những người không có kiến thức chuyên môn để kiếm thêm lợi nhuận.

Hãy xem xét lĩnh vực bất động sản: Đối với hầu hết mọi người, bán nhà là một trong những giao dịch tài chính lớn nhất mà họ làm trong cuộc đời. Đấy có thể là công việc kinh doanh phức tạp, đó là lý do vì sao bạn phải dựa vào đại lý bất động sản. Đại lý có tất cả thông tin liên quan về giá bất động sản và xu hướng thị trường và có lẽ cũng khuyến khích để có được mức giá tốt nhất có thể để nhận được nhiều “hoa hồng” hơn. Bạn cảm thấy yên tâm khi biết rằng có người với trình độ chuyên môn như thế ở bên cạnh.

Trong khi suy nghĩ như thế làm bạn yên tâm, nhưng đấy là suy nghĩ hơi đơn giản. Cái nhìn rộng hơn về khuyến khích cho thấy, mặc dù khoản tiền “hoa hồng” dành cho đại lý bất động sản liên quan tới giá bán, nhưng lợi ích bổ sung này là nhỏ so với việc hoàn thành công việc giao dịch. Khuyến khích của đại lý để thực hiện một giao dịch bán hàng mới nhanh chóng vượt xa khuyến khích mà đại lý nhận được khi đáp ứng mục tiêu của khách hàng.

Một công trình nghiên cứu so sánh phát hiện được rằng, khi các đại lý bất động sản bán nhà của chính mình, thì họ sẽ để lâu hơn và nhận được giá cao hơn so với khi nhận ủy thác của khách hàng. Do đó, hãy cẩn thận; khi đại lý bất động sản khuyến khích bạn ra giá đầu tiên cho ngôi nhà của bạn, đó không phải là để tối đa hóa lợi nhuận của bạn mà là tối đa hóa lợi nhuận của chính họ.

Các chuyên gia có thể sử dụng lợi thế thông tin của mình nhằm bóc lột những người không có kiến thức chuyên môn vì lợi ích kinh tế.

Tia sách 4

Các chuyên gia có thể sử dụng sự sợ hãi và lo lắng để lừa những người không có kiến thức chuyên môn.

Cái chưa biết có thể là đáng sợ. Bất kỳ giao dịch nào trong lĩnh vực mà bạn có ít kiến thức hoặc thông tin, bạn đều có thể lo lắng và băn khoăn. Các chuyên gia thường tận dụng nỗi sợ hãi như thế nhằm thu được lợi ích tài chính.

Điều này có thể xảy ra theo một số cách: Người bán xe ô tô có thể thuyết phục bạn không mua một mẫu xe rẻ hơn bằng cách làm cho bạn sợ rằng mẫu này không an toàn. Đại lý bất động sản có thể dựa vào nỗi sợ của bạn rằng sẽ không mua được ngôi nhà mà mình mơ ước khiến bạn đặt giá cao hơn. Người môi giới chứng khoán có thể nói với bạn rằng nếu không đầu tư vào cổ phiếu nào đó ngay lúc này, thì bạn sẽ bỏ lỡ và sẽ phải hối tiếc trong suốt quãng đời còn lại của mình.

Sợ hãi làm suy yếu khả năng đưa ra quyết định hợp lý, đó là lý do vì sao các chuyên gia sử dụng nó để làm cho chúng ta sợ hãi trong khi đưa ra những quyết định mà nếu không sợ thì chúng ta có thể có quyết định khác.

Trong những tình huống mặt đối mặt, sợ giao tiếp có thể làm trầm trọng thêm vấn đề này: chuyên gia có thể khai thác nỗi sợ của chúng ta về vẻ ngoài đần độn, ti tiện hoặc đáng khinh.

Hãy tưởng tượng tình huống căng thẳng trong lúc thu xếp đám tang của một người thân. Giám đốc nhà tang lễ biết rằng bạn ít hiểu biết về công việc kinh doanh của ông ta, có thể sử dụng sự lo lắng của bạn về việc chôn cất người thân một cách thích hợp nhằm hướng bạn tới chiếc quan tài đắt tiền hơn là cái bạn sẽ chọn nếu không bị ông ta tác động.

Hãy cảnh giác với những tình huống khi mà chuyên gia dường như đang lợi dụng nỗi sợ hãi của bạn, đặc biệt là khi bạn được người ta bảo rằng cần phải quyết định ngay lập tức. Trong những trường hợp như vậy, hãy cố gắng áp dụng các chiến lược sẽ giúp bạn có thời gian và không gian quý giá để cân nhắc lựa chọn của mình một cách bình tĩnh, ví dụ như nói rằng bạn cần tham khảo ý kiến khác nữa. Bạn cũng có thể loại bỏ sự bất cân xứng về thông tin bằng cách nghiên cứu giao dịch này ngay từ trước.

Các chuyên gia có thể sử dụng sự sợ hãi và lo lắng để lừa những người không có kiến thức chuyên môn.

Tia sách 5

Internet giúp làm giảm đáng kể lợi thế thông tin của các chuyên gia.

Trong những năm 1990, giá bảo hiểm nhân thọ rớt một cách thê thảm. Không xảy ra xu hướng tương tự trong các lĩnh vực bảo hiểm khác, hoặc không xảy ra bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong chính hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ hoặc nhóm khách hàng mua nhiều lần bảo hiểm. Thế thì, tại sao lại có hiện tượng giảm giá đột ngột như thế?

Câu trả lời là: Internet, hay cụ thể hơn là các trang web so sánh giá cả. Các trang web này tạo điều kiện cho khách hàng so sánh giá bảo hiểm do hàng chục công ty khác nhau cung cấp chỉ trong vài giây. Thông tin về giá mà chỉ vài năm trước phải mất rất nhiều thời gian mới thu thập được lập tức xuất hiện ngay sau một cú nhấp chuột. Các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm khá giống nhau, các công ty chào giá đắt hơn không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm giá, làm cho giá tổng thể của các hợp đồng bảo hiểm giảm đi.

Ví dụ này cho thấy vai trò quan trọng của Internet trong việc bào mòn và giảm bớt bất cân xứng về thông tin trên toàn thế giới. Tại cốt lõi, nó là phương tiện có hiệu quả cao trong việc chia sẻ và tái phân phối thông tin từ những người có thông tin tới những người không có thông tin.

Người tiêu dùng hiện nay có thể thu thập nhanh chóng và thuận tiện thông tin về sản phẩm và giá cả trước khi làm việc với chuyên gia, là những người cung cấp cho họ ý tưởng tốt hơn về giá mà họ phải trả và những thứ phải được đưa vào giá đó, nó loại bỏ nhiều lợi thế về thông tin mà chuyên gia nắm được và do đó, thu lợi tài chính một cách bất công.

Ví dụ, nếu hôm nay bạn mua nhà, bạn có thể lên mạng và tự tìm cho mình căn nhà có giá hợp lý thì hơn là dựa vào lời nói của đại lý bất động sản của bạn.

Internet giúp làm giảm đáng kể lợi thế thông tin của các chuyên gia.

Tia sách 6

Khi người bán đưa ra thông tin, khách hàng thường đưa họ vào tình thế bất lợi bằng cách cho đấy là thông tin bất lợi nhất.

Một trong những tác dụng phụ của thông tin bất cân xứng là thậm chí thiếu thông tin - thực tế hay người ta nhận thức như thế - cũng có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ.

Ví dụ, người ta thường nghĩ rằng, khi mua một chiếc ô tô mới, nó sẽ ngay lập tức mất đi một phần tư giá trị. Người mua chiếc ô tô giá 20.000 đôla ngày hôm qua có thể kỳ vọng bán được chưa tới 15.000 đôla vào ngày hôm nay.

Tại sao lại giảm một cách vô lý như thế trong 24 giờ?

Đấy là do bất cân xứng về thông tin. Người mua không thể biết lý do thực sự, vì sao người bán lại bán chiếc xe mới mua của mình, vì vậy, họ hoàn toàn có lý khi cho rằng cái xe có chuyện gì đó không ổn. Ngay cả khi không phải như thế, người mua vẫn cho rằng người bán có thông tin, nhưng họ không tiết lộ, và lấp đầy khoảng trống thông tin này bằng giả định của chính mình. Thực sự là, người bán bị trừng phạt vì thông tin không cân xứng.

Một công trình nghiên cứu về các trang web hẹn hò trực tuyến cung cấp một ví dụ khác về hiệu ứng này. Kết quả cho thấy rằng, điều tồi tệ nhất mà người dùng có thể làm để giảm số người quan tâm mà họ tạo ra là không đăng ảnh của mình. Khi những người khác thấy họ làm như thế, họ liền cho rằng đây là người tồi tệ nhất.

Bài học rút ra là, trong bất kỳ giao dịch nào, quan trọng là không chỉ tập trung vào thông tin mà bạn cung cấp, mà còn phải xem xét thông tin mà bên kia kỳ vọng bạn sẽ cung cấp và kết luận mà họ rút ra nếu bạn bỏ qua thông tin đó.

Khi người bán đưa ra thông tin, khách hàng thường đưa họ vào tình thế bất lợi bằng cách cho đấy là thông tin bất lợi nhất.

Tia sách 7

Người ta thường lo lắng một cách thái quá về những rủi ro đặc biệt dễ thấy hoặc những rủi ro mà họ có ít khả năng kiểm soát.

 

Khi cần đánh giá rủi ro, chúng ta ít lý trí hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng thái quá tới đánh giá của chúng ta là chúng ta có thể dễ dàng tưởng tượng ra rủi ro mà mình đang nghĩ tới. Mặc dù, trên thực tế, chúng ít khi xảy ra, nhưng chúng ta có thể dễ dàng tưởng tượng ra những vụ tai nạn máy bay, tội phạm có súng hay những cuộc tấn công khủng bố do chúng được các phương tiện truyền thông thường xuyên nói tới. Nó làm cho chúng ta đánh giá quá cao nguy cơ của những mối đe dọa này.

Một ví dụ khác, con bạn chơi ở nhà một người bạn có súng hay chơi ở một ngôi nhà có bể bơi, bạn cảm thấy nơi nào an toàn hơn?

Ý nghĩ về việc con bạn bị bắn quá kinh khủng và nó làm cho bạn phẫn nộ. Bể bơi thì không, vì vậy chúng ta có thể cảm thấy an toàn hơn khi con mình chơi ở gia đình có bể bơi. Nhưng trên thực tế, khả năng một đứa trẻ bị giết bằng súng nhỏ hơn hẳn khả năng chết vì tai nạn ở bể bơi.

Yếu tố thứ hai trong đánh giá rủi ro là cách chúng ta cảm nhận mức độ kiểm soát của mình. Nó có thể giải thích nỗi sợ thái quá khi đi máy bay so với khi lái xe: chúng ta cảm thấy mình đang kiểm soát khi đang cầm vô lăng, trong khi ở trên máy bay chúng ta cảm thấy bất lực. Nhưng nguy cơ chết trong cả hai hình thức đi lại này, trên thực tế là như nhau.

Nhận thức được những thành kiến của chúng ta trong những khía cạnh này là bước đầu tiên nhằm giúp chúng ta chống lại chúng. Thứ hai, tìm kiếm những sự thật vững chắc về những rủi ro nhằm giúp chống lại những phản ứng tiêu cực và có những đánh giá hợp lý hơn.

Người ta thường lo lắng một cách thái quá về những rủi ro đặc biệt dễ thấy hoặc những rủi ro mà họ có ít khả năng kiểm soát.

Tia sách 8

Chúng ta thường giả định một cách không chính xác rằng chỉ vì hai sự kiện xảy ra đồng thời, thì một cái là nhân, còn cái kia là quả.

 

Mặc dù có dân số gần bằng nhau, thành phố Washington DC có số cảnh sát nhiều gấp ba lần và số vụ giết người nhiều gấp tám lần thành phố Denver. Bạn có nghĩ số cảnh sát tăng thêm gây ra nhiều vụ giết người hơn?

Khi chúng ta thấy rằng một yếu tố nào đó, ví dụ X, tăng lên, tương ứng với tốc độ tăng lên của yếu tố khác, ví dụ Y, chúng ta sẽ nghĩ ngay rằng chúng có quan hệ nhân quả và X tăng làm cho Y tăng. Đây là xu hướng của con người: chúng ta cho đấy là quan hệ nhân quả, trong khi thực tế có thể chỉ là chúng tương quan với nhau.

Hãy xem xét ví dụ về tiền bạc và chính trị. Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng tiền có ảnh hưởng mạnh mẽ đến kết quả của các cuộc bầu cử và trên thực tế, dữ liệu cho thấy những ứng cử viên chi nhiều tiền nhất cho chiến dịch tranh cử thường giành chiến thắng. Chúng ta có xu hướng suy luận rằng tiền là nhân, thắng là quả. Nhưng nó có đúng không?

Những người đóng góp tiền bạc cho các chiến dịch chính trị nói chung là thực dụng, và do đó, họ sử dụng một trong hai chiến thuật: họ cố gắng tạo ra khác biệt trong cuộc đua với các đối thủ ngang sức ngang tài hoặc ủng hộ người mà họ thực sự yêu thích. Họ tin rằng ứng viên mà họ không ủng hộ không xứng đáng để mình phải nỗ lực.

Những xu hướng này đưa đến kết quả là các ứng viên thành công thu được nhiều tiền hơn. Nhưng tiền đã góp phần tạo nên thành công hay ngược lại?

Nghiên cứu các ứng cử viên tranh cử trong các cuộc bầu cử kế tiếp nhau cho chúng ta biết rằng, thực ra số tiền bỏ ra hầu như không ảnh hưởng tới kết quả. Ứng cử viên chiến thắng có thể cắt giảm một nửa số tiền mà mình bỏ ra mà chỉ mất 1% phiếu bầu, trong khi ứng cử viên thua cuộc có thể tăng gấp đôi số tiền đã bỏ ra, nhưng chỉ kỳ vọng tăng được 1% phiếu bầu mà thôi. Dường như tiền bạc không làm nên chiến thắng trong các cuộc bầu cử.

Chúng ta thường giả định một cách không chính xác rằng chỉ vì hai sự kiện xảy ra đồng thời, thì một cái là nhân, còn cái kia là quả.

Tia sách 9

Khi gán cho quan hệ nhân quả, chúng ta có xu hướng bỏ qua những nguyên nhân xa để ủng hộ cho những nguyên nhân trực tiếp hơn.

 

Ngoài việc vội vàng kết luận về quan hệ nhân quả giữa hai sự kiện, chúng ta còn có xu hướng tìm kiếm quan hệ nhân quả đó ở những chỗ trực tiếp và rõ ràng nhất, mà bỏ qua những nguyên nhân xa xôi hay gián tiếp hơn.

Hãy xem xét lĩnh vực tội phạm: Cuối năm 1989 ở Hoa Kỳ, con số tội phạm dường như vượt ngưỡng. Tội phạm bạo lực tăng 80% so với 15 năm trước, các chuyên gia dự đoán tình hình chắc chắn sẽ tồi tệ hơn. Vì vậy, thật bất ngờ khi con số tội phạm giảm đột ngột và đáng kể vào đầu những năm 1990.

Chính những chuyên gia đó bây giờ đã vội vàng tìm cách giải thích hiện tượng sụt giảm này. Nguyên nhân được họ đưa ra bao gồm kinh tế được cải thiện, kiểm soát súng chặt chẽ hơn, công tác giữ gìn trật tự được cải thiện, số lượng cảnh sát gia tăng và gia tăng biện pháp giam cứu.

Mặc dù những lời giải thích này có thể đúng và được nhiều người ưa chuộng, phân tích sau đó chỉ ra rằng hầu hết các yếu tố này chỉ có ảnh hưởng không đáng kể lên tỷ lệ tội phạm. Trên thực tế, vào thời điểm đó, yếu tố tạo được ảnh hưởng lớn nhất thậm chí còn chưa được nói tới: phá thai.

Hai trong số những yếu tố mạnh mẽ nhất sẽ hình thành hành vi phạm tội trong tương lai của đứa trẻ là lớn lên trong gia đình có cha mẹ đơn thân và sống trong cảnh nghèo đói. Những yếu tố này xảy ra cùng một lúc với những lý do phổ biến nhất mà người quyết định phá thai. Vì vậy, nằm 1973, khi phán quyết mang tính bước ngoặt trong vụ án Roe kiện Wade hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn nước Mỹ, những người phụ nữ trong hoàn cảnh như thế đột nhiên có thể phá thai. Nó làm giảm đáng kể nhóm tội phạm có khả năng sẽ bước vào tuổi 16 trong năm 1989 hoặc sau đó, do đó, góp phần làm giảm tội phạm từ đó trở đi.

Bài học rút ra là phải cảnh giác trước những nguyên nhân rõ ràng và tức thời - ngay cả các chuyên gia cũng có thể bị lừa.

Khi gán cho quan hệ nhân quả, chúng ta có xu hướng bỏ qua những nguyên nhân xa xôi để ủng hộ cho những nguyên nhân trực tiếp hơn.

Kết luận

Tóm tắt cuối cùng.

Thông điệp quan trọng nhất của cuốn sách này là:

Từ việc nuôi dạy con cái cho đến bán nhà, cuộc sống hàng ngày của chúng ta đầy rẫy những quyết định và tương tác tưởng chừng như đơn giản. Bằng cách thách thức trí tuệ thông thường, khảo sát ảnh hưởng của các biện pháp khuyến khích và phân tích dữ liệu thu được từ môi trường xung quanh chúng ta, Siêu kinh tế học hài hước đi vào trung tâm của các tương tác từ mọi tầng lớp xã hội nhằm khám phá các yếu tố bất ngờ và thường là phi lý đang hoạt động. Chỉ khi thừa nhận những khía cạnh bị che giấu này, chúng ta mới có thể bắt đầu hiểu và phát triển các chiến lược nhằm chống lại chúng.

Những câu hỏi mà cuốn sách này trả lời:

Bạn phải quan tâm tới chuyện gì khi đánh giá các biện pháp khuyến khích và tác động của chúng?

  • Các biện pháp khuyến khích có thể ảnh hưởng tới hầu bao, lòng tự trọng hay lương tâm của bạn.
  • Thường thì, áp dụng các biện pháp khuyến khích có thể gây ra những hậu quả không lường trước được trong hành vi của mọi người.
  • Các biện pháp khuyến khích phụ thuộc vào bối cảnh: biện pháp có tác dụng khi trời nắng có thể không có tác dụng khi trời mưa.

Phân bố thông tin ảnh hưởng như thế nào tới các bên tham gia?

  • Các chuyên gia có thể sử dụng lợi thế thông tin của mình nhằm bóc lột những người không có kiến thức chuyên môn vì lợi ích kinh tế.
  • Các chuyên gia có thể sử dụng sự sợ hãi và lo lắng để lừa những người không có kiến thức chuyên môn.
  • Internet đã giúp làm giảm đáng kể lợi thế thông tin của các chuyên gia.
  • Khi người bán đưa ra thông tin, khách hàng thường đưa họ vào tình thế bất lợi bằng cách cho đấy là thông tin bất lợi nhất.

Những thành kiến nào của con người ảnh hưởng đến các đánh giá của chúng ta về rủi ro và quan hệ nhân quả?

  • Mọi người lo lắng một cách thái quá về những rủi ro hiện ra một cách rõ ràng hoặc những rủi ro mà họ ít có khả năng kiểm soát.
  • Chúng ta thường giả định một cách không chính xác rằng chỉ vì hai sự kiện xảy ra đồng thời, thì một cái là nhân, còn cái kia là quả.
  • Khi gán cho quan hệ nhân quả, chúng ta có xu hướng bỏ qua những nguyên nhân xa xôi để ủng hộ cho những nguyên nhân trực tiếp hơn.

 

1 comment: