August 10, 2021

Bộ máy quan liêu (2)

 Ludwig von Mises, 1944. Bureaucracy. New Haven: Yale University Press.

Phạm Nguyên Trường dịch





Dẫn nhập (1)

 

1.      Ý nghĩa mang tính thóa mạ của thuật ngữ qua liêu

 

 Các thuật ngữ kẻ quan liêu hay quan chức bàn giấy (bureaucrat), tác phong quan liêu (bureaucratic), và bộ máy quan liêu (bureaucracy) là những từ rõ ràng có tính thóa mạ. Không người nào tự gọi mình là quan liêu hay phương pháp quản lý của anh ta là có tính quan liêu. Những từ này luôn luôn có ý thóa mạ. Chúng luôn luôn có ý phê phán, làm mất thể diện cá nhân, tổ chức, hoặc thủ tục hành chính. Không ai nghi ngờ rằng bộ máy quan liêu là hoàn toàn xấu và không nên hiện diện trong thế giới hoàn hảo.

Hàm ý lăng mạ của những thuật ngữ vừa nói không phải chỉ có ở Mĩ và các nước dân chủ khác. Nó là hiện tượng phổ quát. Ngay cả ở Phổ, với chính quyền độc tài mẫu mực, cũng không ai muốn bị gọi là kẻ quan liêu. Virklicher geheimer OberRegierungsrat (thành viên chính thức của cơ mật viện – tiếng Đức) của nhà vua tự hào về phẩm giá và quyền lực được giao cho mình. Thái độ tự phụ của ông ta được thể hiện trong sự kính trọng của thuộc hạ và dân chúng. Ông ta nhận thức rất rõ tầm quan trọng và khả năng không thể sai lầm của mình. Nhưng ông ta sẽ coi là xúc phạm không thể chấp nhận được nếu có người nào đó dám gọi mình là kẻ quan liêu. Theo ông ta, mình không phải là người quan liêu mà là công chức, được hoàng thượng tin cậy, một công chức của nhà nước, ngày và đêm không ngừng lo lắng tới phúc lợi của quốc gia. 

Đáng chú ý là “những người tiến bộ” mà những người phê phán chế độ quan liêu cho rằng phải chịu trách nhiệm về việc làm cho nó lan tràn khắp thể giới không dám bảo vệ hệ thống quan liêu. Ngược lại, họ cùng với những người mà họ coi là “phản động” lên án nó. Vì, họ khẳng định rằng phương pháp quan liêu hoàn toàn không cần thiết cho chế độ không tưởng mà họ đang nhắm tới. Họ nói, chế độ quan liêu làm người dân bất mãn, trong đó, hệ thống tư bản tìm cách dàn xếp với xu hướng không thể đảo ngược là xóa sổ chính hệ thống này. Chiến thắng chung cuộc không thể tránh được của chủ nghĩa xã hội sẽ xóa sổ không chỉ chủ nghĩa tư bản mà xóa sổ cả chế độ quan liêu. Trong thế giới hạnh phúc của ngày mai, trong thiên đường của kế hoạch hóa toàn diện, sẽ không có còn bất kì kẻ quan liêu nào. Con người thuộc về tất cả mọi người sẽ là người nắm quyền cao nhất; nhân dân sẽ tự quản lí tất cả công việc của mình. Chỉ có giới tư sản hẹp hòi mới bị bộ máy quan liêu lừa gạt về trái đắng mà chủ nghĩa xã hội đang chuẩn bị cho nhân loại mà thôi. 

Như vậy là, dường như mọi người đều đồng ý rằng bộ máy quan liêu là xấu xa. Nhưng cũng đúng là chưa có người nào từng tìm cách định nghĩa một cách rõ ràng bộ máy quan liêu thực sự có nghĩa là gì. Nói chung, từ này thường được dùng một cách lỏng lẻo. Hầu hết đều cảm thấy lúng túng nếu có người hỏi định nghĩa và giải thích chính xác. Làm sao có thể lên án bộ máy quan liêu và kẻ quan liêu nếu không biết ý nghĩa của những thuật ngữ này? 

2. Công dân Mĩ lên án chế độ quan liêu 

Một người Mĩ, khi được đề nghị làm rõ những lời phàn nàn của anh ta về những cái xấu xa của tệ quan liêu hóa đang ngày càng phát triển, có thể nói như sau: 

“Hệ thống chính phủ truyền thống của nước Mĩ chúng ta vốn dựa trên sự phân chia quyền lực giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp và phân chia rõ ràng quyền tài phán giữa liên bang và các bang. Các nhà lập pháp, những quan chức chính phủ quan trọng nhất, và nhiều thẩm phán được lựa chọn qua các cuộc bầu cử. Do đó, người dân, cử tri, là cao nhất. Hơn nữa, không nhánh nào trong ba nhánh của chính quyền có quyền can thiệp vào công việc riêng tư của người công dân. Công dân tuân thủ pháp luật là người tự do. 

“Nhưng bây giờ, trong nhiều năm và đặc biệt là từ khi áp dụng Chính sách Kinh tế Mới (New Deal[1]), những lực lượng đầy sức mạnh gần như đã sẵn sàng thay thế cho hệ thống dân chủ cũ và đáng cậy này bằng chế độ cai trị bạo ngược của bộ máy quan liêu vô trách nhiệm và độc đoán. Một kẻ quan liêu không do dân bầu chọn mà được một kẻ quan liêu khác bổ nhiệm. Anh ta vơ vào mình rất nhiều quyền hành của nhánh lập pháp. Các ủy ban và văn phòng của chính phủ ban hành nghị định và quy định, đóng vai trò quản lý và chỉ đạo tất cả các lĩnh vực đời sống của người dân. 

“Họ không chỉ điều chỉnh những việc mà cho đến nay vẫn để cho các cá nhân tự quyết định; họ không chùn bước trước việc ban hành những quyết định gần như bãi bỏ các đạo luật được ban hành theo đúng thể thức. Bằng cách làm như thế, các văn phòng này tiếm được quyền quyết định nhiều vấn đề quan trọng theo đánh giá riêng của họ về tính chất của từng vụ việc, nghĩa là, khá tùy tiện. Luật lệ và đánh giá của các văn phòng lại được quan chức liên bang thực thi. Tái kiểm tư pháp, trên thực tế, đã trở thành viển vông. Càng ngày những kẻ quan liêu càng giành được nhiều quyền lực hơn; chẳng bao lâu nữa họ sẽ quản lí cả nước 

 “Không nghi ngờ gì rằng hệ thống quan liêu này thực chất là phi tự do, phi dân chủ và không phải là Mĩ, trái với tinh thần và lời văn của Hiến pháp, và đó là một bản sao của các biện pháp toàn trị của Stalin và Hitler. Đầy thái độ thù nghịch cuồng tín đối với kinh doanh tự do và tài sản tư nhân. Nó làm tê liệt hoạt động kinh doanh và làm giảm năng suất lao động. Chi tiêu phung phí, hệ thống này đang lãng phí tài sản quốc gia. Thiếu hiệu quả và lãng phí. 

“Mặc dù gọi những việc làm của mình là kế hoạch hóa, nó không có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng. Nó không thống nhất và không đồng nhất; các văn phòng và cơ quan khác nhau theo đuổi những mục tiêu trái ngược nhau. Kết quả là sự tan rã của toàn bộ bộ máy sản xuất và phân phối xã hội. Sau đó, nhất định sẽ là nghèo nàn và đau khổ”. 

Nói chung, bản cáo trạng mãnh liệt bộ máy quan liêu vừa dẫn đã mô tả đầy đủ - mặc dù mang tính cảm xúc - xu hướng hiện nay trong chính phủ Mĩ. Nhưng nó bỏ sót một điểm quan trọng vì cho rằng bộ máy quan liêu và những kẻ quan liêu là những người chịu trách nhiệm về những thay đổi mà nguyên nhân của chúng phải được tìm kiếm ở chỗ khác. Quan liêu chỉ là hậu quả và triệu chứng của những hiện tượng và thay đổi sâu xa hơn rất nhiều. 

Đặc điểm nổi bật của các chính sách hiện nay là xu hướng sử dụng các biện pháp kiểm soát của chính phủ thay thế cho kinh doanh tự do. Các đảng chính trị và các nhóm áp lực đầy sức mạnh kiên quyết đòi xã hội kiểm soát tất cả các hoạt động kinh tế, chính phủ lập kế hoạch tất cả mọi thứ và quốc hữu hóa lĩnh vực kinh doanh. Mục tiêu của họ là chính phủ kiểm soát toàn bộ lĩnh vực giáo dục và xã hội hóa[2] nghề y. Không có lĩnh vực hoạt động nào của con người mà họ không sằn sàng bắt phải làm theo các quy định của chính quyền. Trong mắt họ, các biện pháp kiểm soát của nhà nước là phương thuốc có thể chữa được tất cả các loại bệnh tật. 

Những người ủng hộ nhiệt tình chính phủ toàn trí toàn năng là những người rất khiêm tốn khi đánh giá vai trò của chính mình trong quá trình tiến tới chế độ toàn trị. Họ khẳng định rằng tiến tới chủ nghĩa xã hội là không thể tránh được. Đấy là xu hướng nhất định sẽ xảy và không thể tránh khỏi của quá trình tiến hóa của lịch sử. Cùng với Karl Marx, họ khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ tới “với sự chắc chắn, không thể lay chuyển được của quy luật tự nhiên”. Quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, kinh doanh tự do, chủ nghĩa tư bản, hệ thống tìm kiếm lợi nhuận đã bị kết án tử hình. “Làn sóng của tương lai” sẽ đưa con người tới thiên đường trên cõi thế do chính phủ kiểm soát hoàn toàn. Những người ủng hộ chế độ toàn trị tự gọi mình là “tiến bộ” chính là vì họ làm ra vẻ hiểu được ý nghĩa của những tín hiệu của tương lai. Họ chế giễu và chê bai, gọi là “phản động” tất cả những người tìm cách chống lại những lực lượng mà họ bảo rằng không nỗ lực nào của con người có thể đủ sức ngăn chặn. 

Vì các chính sách “tiến bộ” này mà các văn phòng và các cơ quan của chính phủ sinh sôi nảy nở như nấm sau mưa. Các quan chức bàn giấy tăng lên nhanh chóng và nóng lòng tìm cách hạn chế, từng bước một, quyền tự do hành động của công dân. Nhiều công dân, những người bị “những người tiến bộ” gọi một cách khinh miệt “phản động” phẫn nộ trước sự xâm phạm vào công việc của mình và lên án sự bất tài và lãng phí của các quan chức bàn giấy. Nhưng, cho đến nay, những người phản đối chỉ là thiểu số. Bằng chứng là, họ không thu được đa số phiếu trong các cuộc bầu cử vừa rồi[3]. “Những người tiến bộ”, kẻ thù không đội trời chung của kinh doanh tự do và sáng kiến ​​tư nhân và những người ủng hộ cuồng nhiệt những biện pháp kiểm soát của chính phủ toàn trị công việc kinh doanh đã đánh bại họ. 

Thực tế là, Chính sách Kinh tế Mới đã được được cử tri ủng hộ. Cũng không nghi ngờ gì rằng người ta sẽ bỏ toàn bộ chính sách này nếu cử tri không ủng hộ nó. Hoa Kì vẫn là chế độ dân chủ. Hiến pháp vẫn còn nguyên vẹn. Các cuộc bầu cử vẫn tự do. Cử tri không bị cưỡng bức khi bỏ phiếu. Do đó, nói rằng hệ thống quan liêu giành được chiến thắng bằng các biện pháp vi hiến và phi dân chủ là không đúng. Các luật sư có thể đúng khi nghi ngờ về tính hợp pháp của một số điểm không quan trọng. Nhưng, nói chung, Chính sách Kinh tế Mới được quốc hội ủng hộ. Quốc hội ban hành luật pháp và phân bổ ngân sách. 

Đương nhiên là, nước Mĩ đang đứng trước hiện tượng mà những người soạn thảo Hiến pháp không dự đoán được và không thể dự đoán được: Tự nguyện từ bỏ các quyền của quốc hội. Quốc hội, trong nhiều trường hợp, đã chuyển chức năng lập pháp cho các cơ quan và ủy ban của chính phủ và nới lỏng các biện pháp kiểm soát ngân sách bằng cách phân bổ những món tiền lớn mà họ thu được cho những khoản chi, mà chính quyền phải xác định chi tiết. Không ai tranh cãi việc quốc hội có quyền tạm thời ủy thác một số quyền hạn của mình. Ví dụ, Tòa án Tối cao tuyên bố Cơ quan phục hồi quốc gia là vi hiến[4]. Nhưng việc ủy quyền với hình thức thận trọng hơn vẫn được làm gần như thường xuyên. Dù sao mặc lòng, với cách làm như thế, cho đến nay quốc hội vẫn không đi ngược lại ý chí của đa số nhân dân có chủ quyền. 

Mặt khác, chúng ta phải hiểu rõ rằng, ủy quyền là công cụ chính của các chế độ độc tài hiện nay. Chính là do ủy quyền mà Hitler và nội các của ông ta đã giành được quyền cai trị nước Đức[5]. Cánh tả ở Anh cũng muốn sử dụng biện pháp ủy thác quyền lực nhằm thiết lập chế độ độc tài và biến Vương quốc Anh thành cộng đồng xã hội chủ nghĩa. Rõ ràng là, ủy thác quyền lực có thể được sử dụng nhằm che dấu chế độ độc tài. Nhưng, chắc chắn hiện nay, nước Mĩ chưa lâm vào tình cảnh như thế. Chắc chắn là quốc hội vẫn có quyền hợp pháp và sức mạnh thực tế để giành lại tất cả quyền lực đã ủy thác. Cử tri vẫn có quyền và sức mạnh thải hồi bất cứ thượng hay hạ nghị sĩ nào kiên quyết phản đối việc quốc hội từ bỏ quyền lực của mình. Ở Hoa Kì chế độ quan liêu được xây dựng trên nền tảng của hiến pháp. 

Nhưng coi việc tập trung ngày càng nhiều quyền lực vào chính quyền trung ương và kết quả là vai trò của bang giảm dần là vi hiến thì cũng không đúng. Washington không công khai chiếm đoạt bất kỳ quyền lực hợp hiến nào của các bang. Điểm cân bằng trong phân phối quyền lực giữa chính phủ liên bang và các bang do Hiến pháp lập ra đã bị vi phạm nghiêm trọng vì những quyền lực mới mà chính quyền giành được được phân bổ cho liên bang chứ không dành cho các bang. Đây không phải là kết quả của một âm mưu thâm độc - muốn tước đoạt quyền lực của các bang và thiết lập trung ương tập quyền - do bè lũ bí ấn nào đó ở Washington tiến hành. Nó là hậu quả của việc Hoa Kì là nền kinh tế với hệ thống tiền tệ và tín dụng thống nhất, tự do lưu thông hàng hóa, tư bản và con người giữa các bang. Trong một đất nước như thế, việc kiểm soát kinh doanh của chính phủ phải nằm ở trung ương. Không thể giao việc đó cho từng bang. Nếu mỗi bang được quyền tự do kiểm soát kinh doanh theo kế hoạch của mình thì thị trường trong nước không còn là một khối thống nhất nữa. Việc kiểm soát lĩnh vực kinh doanh của bang chỉ thành hiện thực nếu mỗi bang đều tách lãnh thổ của mình khỏi các bang còn lại bằng các các rào cản thương mại và di cư cũng như có chính sách tiền tệ và tín dụng độc lập. Vì không có người nào nghiêm túc đề nghị phá bỏ sự thống nhất về kinh tế của quốc gia, cho nên cần phải giao công tác kiểm soát kinh doanh cho liên bang. Chính bản chất của hệ thống kiểm soát kinh doanh của chính phủ đã nhắm tới việc tập quyền hóa tối đa. Quyền tự chủ của các bang được bảo đảm bởi Hiến pháp chỉ có thể được thực hiện trong hệ thống kinh doanh tự do mà thôi. Ủng hộ chính phủ kiểm soát lĩnh vực kinh doanh là các cử tri đã mặc nhiên, dù không cố ý, ủng hộ tập quyền hóa hơn nữa. 

Những người phê phán chế độ quan liêu đã sai khi hướng cuộc tấn công của mình vào những triệu chứng của nó chứ không hướng vào nguồn gốc của tai họa. Vô số nghị định, quy định mọi khía cạnh trong hoạt động kinh tế của người dân được quốc hội thông qua theo đúng thể thức – gọi là luật – hay được một ủy ban hoặc cơ quan của chính phủ - được luật pháp trao cho quyền và tiền – thì cũng thế. Người dân thực sự bất bình vì sự kiện là chính phủ đi theo những chính sách toàn trị như thế, chứ không phải bất bình vì các quy trình kỹ thuật được áp dụng để tạo ra những chính sách đó. Chẳng có mấy khác biệt nếu quốc hội không giao cho những cơ quan này chức năng lập pháp và giữ quyền tự mình ban hành tất cả các nghị định mà việc thực hiện chức năng của nó đòi hỏi. 

Khi kiểm soát giá cả được tuyên bố là nhiệm vụ của chính phủ, thì phải quy định rất nhiều giá trần và phải thường xuyên quy định lại giá cả nhiều mặt hàng mỗi khi điều kiện thay đổi. Văn phòng Quản lý giá (Office of Price Administration - OPA) được giao quyền này. Nhưng quyền lực của các quan chức của cơ quan này không hề suy suyển nếu họ cần tiếp xúc với quốc hội để ban hành luật về giá trần. Quốc hội sẽ chìm nghỉm trong một đống dự luật với nội dung nằm ngoài hiểu biết của nó. Các nghị sĩ quốc hội sẽ không có cả thời gian lẫn thông tin để kiểm tra một cách nghiêm túc các đề xuất do các phòng ban khác nhau của OPA đệ trình. Quốc hội sẽ không có lựa chọn nào khác, ngoài việc tin tưởng người đứng đầu OPA và các nhân viên của nó và bỏ phiếu thông qua các dự luật hoặc hủy bỏ điều luật cho phép chính phủ kiểm soát giá cả. Các nghị sĩ quốc hội hoàn toàn không thể xem xét vấn đề với sự tận tâm và cẩn trọng mà họ thường thể hiện trong khi thỏa thuận về chính sách và pháp luật. 

Thủ tục ở quốc hội là biện pháp phù hợp trong quá trình soạn thảo luật pháp, cần cho xã hội dựa trên sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, kinh doanh tự do và khách hàng là thượng đế; hoàn toàn không phù với cho việc tiến hành xử lí công việc của chính phủ toàn trí, toàn năng. Những người soạn thảo hiến pháp (Mĩ – ND) không bao giờ nghĩ tới hệ thống quản lí, trong đó chính quyền phải quyết định giá ớt và giá cam, giá máy ảnh và giá dao cạo râu, giá cà vạt và giá khăn ăn. Nhưng nếu nghĩ tới thì chắc chắn họ sẽ cho là những quy định như thế do quốc hội hay một cơ quan nào đó của bộ máy quan liêu ban hành không phải là điều quan trọng. Họ sẽ dễ dàng hiểu được rằng chính phủ kiểm soát lĩnh vực kinh doanh là hoàn toàn không tương thích với chính phủ hợp hiến và dân chủ, dưới bất cứ hình thức nào.   

Không phải ngẫu nhiên mà các nước xã hội chủ nghĩa được cai trị theo lối độc tài. Chủ nghĩa toàn trị và chính quyền nhân dân là những thiết chế không đội trời chung với nhau. Sẽ chẳng có gì thay đổi nếu ở Đức và Liên Xô, Hitler và Stalin phải trình những quyết định của mình để “quốc hội” thông qua. Khi chính phủ kiểm soát lĩnh vực kinh doanh thì quốc hội chỉ có thể là nơi tụ họp của những người chỉ biết giơ tay mà thôi.  

Cũng không thể chấp nhận ý kiến cho rằng các quan chức quản lí hành chính không phải do dân bầu là sai. Người dân chỉ có thể bầu ra các quan chức hành chính ở cấp cao nhất mà thôi. Cử tri chỉ có thể bầu cho các ứng viên mà họ đã biết rõ bản lĩnh chính trị và niềm tin của họ. Sử dụng biện pháp này trong việc bổ nhiệm những người mà cử tri không hề biết là việc làm vô nghĩa. Cử tri bầu tổng thống, thống đốc hay thị trưởng thì được. Nhưng để cho họ bầu hàng trăm, thậm chí hàng ngàn quan chức cấp thấp là lố bịch. Trong những cuộc bầu cử như thế, cử tri sẽ không có lựa chọn nào khác, ngoài việc chấp thuận danh sách do các đảng phái đưa ra. Sẽ không có khác biệt đáng kể nào giữa việc tổng thống hay thống đốc chọn các trợ lí của mình hay cử tri bỏ phiếu thông qua danh sách những ứng viên mà họ cho là xứng đáng được chọn làm trợ lí. 

Những người chống lại xu hướng toàn trị nói rất đúng rằng các quan chức bàn giấy được tự do quyết định theo ý mình những vấn đề quan trọng sống còn đối với đời sống của từng công dân. Đúng là các quan chức không còn là công bộc của quốc dân mà là những ông chủ và bạo chúa vô trách nhiệm và độc đoán. Nhưng đây không phải là khuyết điểm của bộ máy quan liêu. Đây là kết quả của hệ thống quản lí mới, hệ thống cản trở, không để cho cá nhân tự do giải quyết công việc của mình mà ngày càng giao cho chính phủ nhiều trọng trách hơn. Không phải các quan chức bàn giấy mà hệ thống chính trị mới là thủ phạm. Tất cả các dân tộc có chủ quyền vẫn còn có quyền tự do loại bỏ hệ thống này.

Cũng đúng là bộ máy quan liêu căm thù đến tận xương tủy doanh nghiệp tư nhân và kinh doanh tự do. Nhưng những người ủng hộ hệ thống quan liêu lại cho rằng đây là đặc điểm sáng giá nhất trong quan điểm của họ. Họ hoàn toàn không xấu hổ mà còn lấy làm tự hào vì chính sách bài bác kinh doanh của mình. Mục tiêu cùa họ là chính phủ kiểm soát hoàn toàn lĩnh vực kinh doanh và coi những doanh nhân muốn lẩn tránh những biện pháp kiểm soát đó là kẻ thù của xã hội. 

Cuối cùng, đúng là chính sách mới, mặc dù về mặt hình thức, không phải là vi hiến, nhưng đây là chính sách trái ngược với tinh thần của hiến pháp; chẳng khác gì phá bỏ tất cả những điều mà người Mĩ trước đây từng trân trọng; chắc chắn sẽ dẫn đến việc vứt bỏ cái mà người ta thường gọi là chế độ dân chủ và theo nghĩa đó, là xa lạ với tinh thần của người Mĩ. Nhưng lời phê phán này cũng không làm cho những người ủng hộ xu hướng “tiến bộ” cảm thấy nao núng. Họ nhìn quá khứ với đôi mắt khác với những người phê phán mình.  Đối với họ, lịch sử của tất cả các xã hội từng tồn tại cho đến ngày nay chỉ là lịch sử của quá trình thoái hóa của nhân loại, lịch sử của nghèo đói, lịch sử các giai cấp cai trị bóc lột dã man quần chúng lao động mà thôi. Trong ngôn ngữ ở Mĩ, cái gọi là “chủ nghĩa cá nhân” chỉ là “thuật ngữ khoa trương, trống rỗng để nói về thói hám tiền, được che đậy và thể hiện như là biểu hiện của đức hạnh”. Ý tưởng là “cho bọn tham tiền, bọn lừa đảo tinh vi và bọn đầu cơ trên thị trường chứng khoán và những bọn cướp khác được tự do cướp đoạt thu nhập củaquốc gia”[6]. Hệ thống ở Mĩ bị họ phỉ báng, coi là “chế độ dân chủ của những Tuyên ngôn nhân quyền[7], còn hệ thống ở nước Nga của Stalin thì được ca ngợi như là chế độ dân chủ thật sự duy nhất trên đời.      

Vấn đề chính trong cuộc đấu tranh chính trị hiện nay là xã hội phải được tổ chức trên cơ sở quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất (chủ nghĩa tư bản, hệ thống thị trường) hay là trên cơ sở xã hội kiểm soát tất cả các phương tiện sản xuất (chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, nền kinh tế kế hoạch hóa). Chủ nghĩa tư bản có nghĩa là tự do kinh doanh, người tiêu dùng là thượng đế trong các vấn đề kinh tế và chủ quyền của cử tri trong các vấn đề chính trị. Chủ nghĩa xã hội có nghĩa là chính phủ kiểm soát tất cả các lĩnh vực trong đời sống của cá nhân và quyền lực vô giới hạn của chính phủ, trong vai trò của cơ quan quản lí sản xuất trung ương. Hai hệ thống này không bao giờ có thể thỏa hiệp được với nhau. Trái ngược với niềm tin sai lầm của nhiều người, ở đây không thể có dung hòa; không thể có hệ thống tổ chức xã hội lâu dài nào khác, ngoài hai hệ thống này[8]. Người công dân phải chọn giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, hay như nhiều người Mĩ vẫn nói, phải chọn giữa lối sống Mĩ và lối sống Nga. 

Bất cứ người nào đứng về phe tư bản chủ nghĩa trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng này cũng phải nói một cách chân thành và thẳng thắn như thế. Người đó phải ủng hộ một cách tích cực sở hữu tư nhân và tự do kinh doanh. Thỏa mãn với những cuộc tấn công vào một vài biện pháp được thiết kế nhằm mở đường tiến lên chủ nghĩa xã hội là việc làm vô ích. Chỉ chiến đấu với những hiện tượng đi kèm chứ không chiến đấu chống lại xu hướng toàn trị cũng chẳng có tác dụng gì. Chỉ phê phán chế độ quan liêu là vô nghĩa.

 



[1] Chính sách kinh tế do tổng thống Hoa Kì, Franklin Delano Roosevelt, công bố và thực hiện trong những năm 1933-1938, với mục tiêu là khắc phục hậu quả cuộc Đại khủng hoảng giai đoạn 1929-1933, mà thực chất là nhà nước điều tiết một số khía cạnh của đời sống kinh tế bằng cách ấn định giá và sản lượng một số sản phẩm, trợ cấp cho nông dân, v.v. – Chú thích bản tiếng Nga, ND

[2] Socialization – xã hội hóa, trong ngữ cảnh ở đây có nghĩa là nhà nước quản lí, khác với cách hiểu ở Việt Nam hiện nay: chuyển các công việc nhà nước quản lí cho xã hội hay tư nhân – ND.

[3] “Chính sách Kinh tế Mới” của Roosevelt được đa số cử tri Mĩ ủng hộ trong suốt nhiều năm trời, bằng chứng là F.D. Roosevelt tái đắc cử tổng thống vào các năm 1936 và 1940, và đảng Dân chủ, ủng hộ ông, đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử Quốc hội trong những năm 1930 – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[4] Tháng 7 năm 1933, Quốc hội Hoa Kì thông qua Đạo luật Phục hồi Công nghiệp Quốc gia, đồng thời thành lập Cơ quan Phục hồi Quốc gia (National Recovery Administration - NRA) với các chức năng điều tiết hoạt động kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp, trong đó có phân bổ nguồn lực, giá cả, v.v ...Tháng 5 năm 1935, Tòa án Tối cao Hoa Kì tuyên bố Luật Phục hồi Công nghiệp Quốc là vi hiến – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[5] Ngày 30 tháng 1 năm 1933, tổng thống Đức, Hindenburg, bổ nhiệm Hitler làm Thủ tướng, tức là người đứng đầu chính phủ. Theo yêu cầu của Hitler, ngày 23 tháng 3 năm 1933, Reichstag (Quốc hội Đức) đã thông qua Luật Quyền hạn khẩn cấp của Chính phủ, tạo cơ sở pháp lí cho cho việc thành lập chế độ độc tài Quốc xã – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[6] W. E. Woodward, A New American History (New York, 1938), tr. 808. Trên bìa cuốn sách này, có đoạn như sau: “Hiện nay, bất kỳ người làm cha mẹ có tư duy đúng đắn biết rõ tất cả các sự kiện, có thể coi Benedict Arnold là mẫu người phù hợp với con trai của mình hơn là Lincoln”. Rõ ràng là những người có quan điểm như thế sẽ không coi bộ máy hành chính quan liêu được đưa vào Mĩ là sai. [Benedict Arnold (1741-1801), viên tướng Mĩ. Ở Hoa Kì, Benedict Arnold bị coi là biểu tượng của một kẻ đào ngũ vô nguyên tắc, vì trong cuộc chiến tranh giành độc lập, ban đầu ông ta ủng hộ George Washington, nhưng sau đó đã chạy sang phía quân Anh – đoạn trong ngoặc là chú thích bản tiếng Nga, ND.

[7] Ý nói Tuyên ngôn nhân quyền của Mĩ, gồm 10 Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Mĩ, được thông qua vào năm 1789. Tuyên ngôn nhân quyền bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do hội họp.. quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tài sản, thư thin và tôn trọng quyền công dân tại tòa án…v.v. - chú thích bản tiếng Nga, ND.

[8] Xem bên dưới tr. 117-119.

1 comment: