1.\
Mở đầu
Eben Alexander (11/12/1953) là con nuôi của một chuyên gia phẫu thuật thần kinh đáng kính. Eben là thành viên của Hiệp hội Y khoa Mỹ; ông từng theo học tại Viện Phillips Exeter (1972), Đại học North Carolina tại Chapel Hill (1975), đại học Y khoa Duke rồi tham gia giảng dạy ở Bệnh viện Đại học Duke, Đại học Y Harvard, Đại học Y Massachusetts và Đại học Y Virginia. Hơn 25 năm làm bác sĩ phẫu thuật thần kinh, Eben thường xuyên tiếp xúc với các bệnh nhân trong trạng thái hôn mê sâu và tỉnh lại sau đó, rất nhiều người đã kể cho ông nghe về trải nghiệm cận tử, nhưng ông vẫn luôn nghĩ đó hoàn toàn chỉ là ảo giác khi não của họ gặp vấn đề. Cho đến khi ông rơi vào tình trạng: “vỏ não hoàn toàn ngừng hoạt động. Tôi đã bước vào thực tại của một thế giới nhận thức tồn tại hoàn toàn bên ngoài những giới hạn của thế giới vật chất”.
Tác phẩm này nói về trải
nghiệm cận tử của một bác sĩ phẫu thuật thần kinh “đang hành nghề… có vị thế
khá-hơn-trung-bình để xét đoán không chỉ thực tế mà còn hàm ý của những gì đã xảy
ra đối với tôi”.
Nhưng xin hãy nghe Eben
nói về một trải nghiệm trước đó của ông.
Lúc còn nhỏ, Eben thường
mơ thấy mình biết bay. Cậu bé Eben thường mơ thấy mình tự động bay lên. Nhưng
càng lên cao thì cậu càng nhận ra rằng hành trình của cậu phụ thuộc vào chính cậu,
nếu quá phấn khích, quá chìm vào trải nghiệm thì sẽ rơi bộp xuống, còn nếu tỏ
ra thoải mải, bình tĩnh đón nhận mọi chuyện xảy ra thì sẽ bay tiếp, càng lúc
càng nhanh về phía bầu trời đầy sao [Nhận
xét, tương tự như lời giảng của các thiền sư: “Chớ mong cầu, cứ thuận theo tự
nhiên”].
Trong thời gian học đại
học Eben tham gia câu lạc bộ nhảy dù và đã có một trải nghiệm không bao giờ
quên. Một hôm, họ nhảy dù tập thể, xếp hình. Đội nhảy dù lần này có 2 người mới,
họ phải nhập vào đội hình. Nhưng 2 người này không có kinh nghiệm nên đã lao thẳng
vào mấy người đã xếp vào đội hình ở bên dưới. 5 người trong đội hình liền rời
nhau ra và nhào lộn không kiểm soát nổi. Họ quá sát nhau, mỗi người lại tạo ra ở
phía sau luồng khí áp thấp vô cùng hỗn loạn. Và Chuck, một người bạn của Eben
lao thẳng về phía anh. Eben viết: “Ở vận tốc đó, nếu tôi va vào chân hay tay của
Chuck, tôi sẽ làm chúng đứt lìa, và chính mình thì bị một đòn chết người. Còn nếu
tôi lao thẳng vào người anh thì về cơ bản 2 chúng tôi sẽ tan thây”.
Nhưng: “Ngay thời khắc
… tôi liền hạ hai cánh tay xuống hai bên sườn và duỗi thẳng người trong tư thế
cắm đầu xuống đất, cong người lại rất nhẹ ở phần hông… giúp tôi bay vèo quá
Chuck.. Cứ như thể là khi đối mặt với một tình huống đòi hỏi khả năng phản ứng
cao hơn thông thường, bộ não của tôi đã trở nên siêu việt”.
NHẬN XÉT: Có lẽ hầu hết
chúng ta đều đã từng trải qua tình huồng tương tự như thế, tất nhiên không phải
là nhảy dù. Đấy có thể là cú ngã xe đạp, hay xe máy, hay một cú trượt chân trên
thềm đá trơn trượt mà NẾU KHÔNG PHẢN ỨNG KỊP thì chắc chắn có sống cũng thành tật
suốt đời. Nói chung, tôi nghĩ rằng hầu hết chúng ta đề đã trải qua hay chứng kiến
những tình huống mà sau này nghĩ lại, chúng ta đều cho rằng TRỜI/PHẬT đã cứu…
Tác giả viết tiếp: “Tôi
đã làm điều đó như thế nào? Trong suốt 20 năm trong nghề giải phẫu thần kinh..
tôi đã có vô vàn cơ hội để suy ngẫm về vấn đề này. Rốt cuộc tôi đã đi đến kết
luận rằng đó là bởi vì bộ não thật sự là một bộ máy phi thường: phi thường hơn
nhiều so với phán đoán của chúng ta… Bây giờ thì tôi nhận ra câu trả lời thật sự
cho câu hỏi này sâu sắc hơn nhiều.. Cuốn sách
này viết về những sự kiện đã khiến tôi thay đổi quan điểm về vấn đề đó.
Những sự kiện này đã thuyết phục tôi rằng, cho dù bộ não là một cỗ máy kỳ diệu
đến như thế, nhưng điều CỨU SỐNG TÔI NGÀY HÔM ĐÓ CHẮC CHẮN KHÔNG PHẢI LÀ NÃO BỘ
CỦA TÔI”.
1.
Căn bệnh quái ác & Khó hiểu
Cuộc đời Eben
Alexander, một bác sĩ tài ba, được xã hội trọng vọng, có vợ đẹp và 2 cậu con
trai thông minh, một người 21 tuổi, đang học đại học, còn bé kia 10 tuổi, tưởng
như cứ thế êm đềm trôi. Nhưng, 4 giờ rưỡi sáng ngày 10 tháng 11 năm 2008, ông bất
ngờ bị một cơn đau dữ dội đến mức gần như không thể bước ra khỏi được bồn tắm…
Sau đó, ông bị “một cơn
co giật động kinh nặng, chắc chắn được gây ra bởi một cú sốc nghiêm trọng nào
đó ở não bộ.” Và “Trong 7 ngày sau đó, đối với Holley (vợ ông - PNT) và gia
đình. Tôi chỉ còn là thân xác thực vật. Tâm trí tôi, linh hồn tôi- bạn thích gọi
phần cốt lõi, phần nhân tính của tôi là gì cũng được – thì đã đi xa”.
Người ta tiến hành lấy
dịch não tủy của ông. “Dịch não tủy là một dịch lỏng, trong suốt, chạy dọc theo
bề mặt cột sống và bao bọc bộ não, bảo vệ não khỏi tác động từ bên ngoài… bình
thường mỗi ngày sản xuất ra khoảng nửa lít, và việc chất dịch bị giảm độ trong
suốt dù ở mức độ nào đó cũng cho thấy bệnh nhân đã bị nhiễm trùng hoặc xuất huyết”.
Hiện tượng nhiễm trùng
như vậy được gọi là viêm màng não (VMN) – lớp màng não, những lớp màng lót dọc
phần bên trong của cột sống và hộp sọ, tiếp xúc trực tiếp với dịch não tủy bị
sung lên. 4/5 trường hợp VMN là do virus… chỉ khoảng 1% tử vong. Tuy nhiên 1/5
trường hợp còn lại là do vi khuẩn gây ra… nguy hiểm hơn. Nếu không được chữa trị
phù hợp, tỷ lệ tử vong từ 15 tới 40%.
Một trong số những thủ
phạm gây ra VMN ở người lớn ít gặp nhất là do E.coli gây ra. Con vi khuẩn này rất
háu ăn và sinh sản rất nhanh (phân tách nhị phân), chỉ sau 1 giờ đã 1 phân
thành 8, sau 12 giờ sẽ là 69 tỷ, sau 15 giờ sẽ là 35 nghìn tỷ.
Không bác sĩ nào
nghĩ rằng Eben bị VMN do mà E.coli là thủ
phạm vì căn bệnh này cực hiếm gặp ở người lớn. Mỗi năm chỉ có 1 trên 10 triệu
người mắc một cách ngẫu nhiên. Nhưng hóa ra Eben Alexander mắc chính căn bệnh
đó. Chỉ 10% có may mắn sống sót, nhưng “nhiều người sẽ sống thực vật suốt phần
đời còn lại”.
Bác sĩ Laura, người lấy
dịch tủy sống của Eben, chứng kiến 2 bất ngờ: 1. Dịch không nỏ giọt mà phun ra
– áp suất cao đáng báo động và 2. Dịch không phải là đục mà sền sệt màu trắng,
hơi ngả màu xanh lục – dịch tủy sống của bệnh nhân đầy mủ.
Nhưng còn 1 điều ngạc
nhiên nữa: “sau 2 giờ liên tục rên rỉ và gầm rú như súc vật, tôi trở nên yên lặng.
Sau đó, chẳng hiểu từ đâu, tôi hét lên 3 tiếng một cách rành mạch:
-
“CHÚA, CỨU CON!” – Đấy là những từ cuối
cùng ông nói trong suốt 7 ngày bất tỉnh.
“Mọi người lao đến cáng
cấp cứu. Lúc họ đến nơi, tôi đã hoàn toàn bất động”
Đây là khởi đầu 1 giai
đoạn mới trong cuộc đời bác sĩ Eben Alexander.
Eben Alexander viết:
“Trong các ca viêm màng não do vi khuẩn, vi khuẩn trước tiên sẽ tấn công lớp
ngoài của não, hay vỏ não… Hãy hình dung 1 quả cam, bạn sẽ thấy lớp vỏ của nó
là một mô hình khá giống với cách mà lớp vỏ não bao quanh các bộ phận nguyên thủy
hơn của bộ não. Vỏ não chịu trách nhiệm về trí nhớ, ngôn ngữ, cảm xúc, nhận thức
về âm thanh và hình ảnh và logic. Do vậy, khi một sinh vật như E.coli tấn công
vào não, các vùng chịu trách nhiệm điều khiền các chức năng quan trọng nhất với
việc duy trì phẩm chất người sẽ bị phá hủy trước tiên… Một dãy những máy theo
dõi được đặt xung quanh giường để ghi lại mọi chuyển động bên trong cơ thể và bộ
não gần như đã bị phá hủy hoàn toàn của tôi”.
Xin nhắc lại, Chỉ 10%
có may mắn sống sót, nhưng “nhiều người sẽ sống thực vật suốt phần đời còn lại”.
Và 7 ngày tìm mọi cách
chữa trị, nhưng Eben Alexander vẫn hôn mê, bác sĩ Scott Wade đành
phải nói với vợ của ông: “Một tuần bất tỉnh với căn bệnh viêm màng não nghiêm
trọng do vi khuẩn gây ra đã là vượt quá giới hạn của bất kỳ khả năng hồi phục
khả dĩ nào. Trong hoàn cảnh này, có lẽ tốt hơn hết là chúng ta để mọi thứ diễn
ra một cách tự nhiên”.
Nghĩa là, như sau này
Eben viết: “Đã đến lúc để cho tôi được chết”.
Và trong khi người ta quyết
định rằng nếu trong vòng 12 giờ nữa mà không có tiến triển nào thì họ sẽ ngừng
các loại thuốc kháng sinh, vợ ông bắt đầu gọi điện để bảo cậu con trai lớn về
nhà, thì ông bỗng nhiên mở mắt ra trước sự kinh hoàng của tất cả mọi người.
Eben Alexander đã đi đâu trong suốt 7 ngày hôn mê, với bộ não gần như đã bị phá hủy hoàn toàn
Thế giới Trên ấy
Trong 7 ngày đó, tâm
trí/linh hồn Eben Alexander đã đi qua 3 nơi mà ông gọi là “Vùng Quang cảnh của
Giun đất”, “Cổng vào” và “Cốt lõi”.
“Cổng vào” được Eben mô
tả là một “thứ gì đó vừa xoay vòng một cách chậm rãi, vừa tỏa ra những sợi ánh
sáng như tơ mỏng màu vàng… mang theo một âm thanh sống, tựa như một bản nhạc đẹp
đẽ nhất, phức tạp nhất, phong phú nhất”. Nó dẫn ông đến “một thế giới kỳ lạ nhất,
đẹp đẽ nhất” mà ông “chưa từng thấy”. Đấy là thế giới “rực sỡ, sống động, ngây
ngất, choáng ngợp…” và “có dùng một đống tính từ của ngôn ngữ con người thì nó
vẫn chưa đủ để mô tả sự đẹp đẽ của thế giới đó.”
Eben viết: “ Nó là trái
đất… nhưng đồng thời lại không là trái đất. Giống như khi bố mẹ bạn đưa bạn trở
lại nơi bạn đã sống từ khi còn rất nhỏ. Nơi đó hoàn toàn xa lạ với bạn. Hay ít
ra là bạn nghĩ thế. Nhưng rồi khi bạn nhìn xung quanh, có thứ gì đó níu lấy bạn,
rồi bạn nhận ra đó là một phần bên trong mình – một phần ở rất, rất sâu – vẫn
còn nhớ được nơi này, và hân hoan khi được quay trở lại nơi đây”.
Eben cũng nhìn thấy con
người, động vật. “Người ta hát và nhảy thành những vòng tròn… tất cả đều ngập
tràn niềm vui. Họ mặc những bộ quần áo đơn giản nhưng vô cùng đẹp đẽ.”
Rồi ông gặp và bay cùng
“một cô gái xinh đẹp, với đôi gò mà cao và cặp mắt xanh lam sâu thẳm… Trang phục
của cô gái mang trong chúng thứ sức sống sinh động đến choáng ngợp mà tất cả mọi
thứ khác ở xung quanh đều sở hữu… Cô ấy nhìn tôi bằng ánh mắt mà chỉ cần nhìn
thấy trong giây lát thôi cũng sẽ khiến cho cuộc sống của bạn cho đến thời điểm
đó trở nên đáng sống, mặc cho chuyện gì xảy ra trước kia”.
GHI CHÚ: Sau này Eben mới
biết rằng đấy là cô em gái cùng cha cùng mẹ - ông chưa từng gặp - một người phụ
nữ vô cùng thánh thiện đã chết cách đó mấy năm.
Cô gái nói chuyện với
Eben bằng “những thông điệp xuyên qua người” ông “như một cơn gió, mang đến
tình yêu vượt lên trên tất cả những tình yêu khác nhau mà chúng ta biết đến trên
trái đất này. Nó là thứ gì đó cao cả hơn, vừa chứa đựng tất thảy mọi thứ tình
yêu còn lại, vừa chân thành, vừa thuần khiết hơn chúng”.
Thông điệp này gồm 3
thành phần, và nếu phải dịch ra thành ngôn ngữ của loài người thì sẽ là:
- Anh luôn luôn được yêu
và trân trọng một cách tha thiết, vĩnh viễn.
- Anh không có gì phải
sợ
- Anh không làm gì sai.
“Chúng tôi sẽ chỉ cho
anh nhiều thứ ở đây”, cô gái nói, nhưng không phải bằng ngôn từ, mà bằng cách
đưa thẳng cái tinh thần cốt tủy của những khái niệm đến với tôi .. “Nhưng cuối
cùng anh sẽ phải quay lại”.
Eben tự hỏi: “Quay lại
đâu?”
Kể về cái gọi là “Cốt
lõi”, Eben mô tả rằng mình đang đi tới “một vùng khoảng trống bao la, tối mịt,
vô hạn về kích thước, nhưng cũng lại êm dịu vô ngần. Dù đen kịt đến thế, nhưng
lại ngập tràn ánh sáng: một thứ ánh sáng như thể phát ra từ một quả cầu rực rỡ”.
Tại “Cối lõi”, Eben cảm
thấy mình đang ở trong một bào thai, bồng bềnh trong một nhau thai, giúp nuôi
dưỡng nó và làm trung gian với “người mẹ” của ông. Người mẹ của ông ở đây
“chính là Chúa, là Đấng Sáng Tạo, là Nguồn Sống chịu trách nhiệm kiến tạo ra vũ
trụ và tất thảy những gì ở bên trong nó”. Ông cảm nhận được “sự bao la vô tận”,
cảm nhận được “sự gần gũi, sự yêu thương vô điều kiện, toàn năng, toàn trí và
không thể tả bằng lời” của Đấng Sáng Tạo.
Khi ở trong “Cổng vào”,
Eben cho biết: “tôi không biết mình đã bay như vậy chính xác là bao lâu. Thời
gian ở nơi này khác biệt với thời gian tuyến tính đơn giản mà chúng ta cảm nhận
ở trái đất, và miêu tả về nó cũng vô vọng y hệt như miêu tả về những khía cạnh
khác của nơi này.”
Tại “Cốt lõi”, nhiều lần
Eben giao tiếp với Chúa mà ông gọi là Đấng Sáng Tạo thông qua một Quả Cầu Ánh
Sáng. Đấng Sáng Tạo cũng cho Eben biết được rằng không chỉ có một mà có nhiều
vũ trụ – nhiều hơn so với điều mà con người có thể hình dung – nhưng ở trung
tâm của tất cả các thứ ấy là tình yêu.
Eben trông thấy sự
phong phú của sự sống qua “hằng hà sa số vũ trụ, bao gồm cả những vũ trụ nơi
trí tuệ đã vượt xa loài người”. Eben cũng trông thấy “vô số chiều không gian
cao hơn… Thế giới của thời gian và không gian mà chúng ta di chuyển ở trên trái
đất này được đan cài một cách chặt chẽ và phức tạp bên trong những thế giới cao
hơn ấy.”
Tỉnh lại sau trải nghiệm
cận tử, Eben cho rằng “bản thân bộ não không tạo ra ý thức”, nó giống như một
cái van giảm áp hay máy lọc, có tác dụng điều chỉnh ý thức phi vật chất mà
chúng ta có được trong những thế giới phi vật chất rộng lớn thành một loại ý thức
có dung lượng hạn chế trong hiện thực cuộc sống nhỏ bé này.
Chính vì vậy, khi ý thức
của Eben vượt ra ngoài thân thể, ông đã thu được những kiến thức về thiên nhiên
và cấu tạo của vũ trụ, vượt trên rất nhiều khả năng hiểu biết trong thế giới
này của ông, một cách tức thì và vô cùng dễ dàng.
Eben viết: “Dù cho khi
lớn lên, tôi đã rất muốn tin vào Chúa và thiên đường cũng như kiếp sau, nhưng
nhiều thập kỷ sống trong thế giới khoa học giải phẫu thần kinh nghiệm ngặt đã
khiến tôi hoài nghi sâu sắc sự tồn tại của những điều này. Khoa học thần kinh
hiện đại tuyên bố rằng bộ não là khởi nguồn của ý thức – của tâm trí, linh hồn,
tâm linh, của cái phần vô hình, phi vật thể mà bạn muốn gọi là gì cũng được –
là phần thật sự tạo nên chúng ta – và tôi đã không mấy nghi ngờ gì về lời tuyên
bố này”.
Trải nghiệm cận tử đã
làm cho Eben đã thay đổi những niềm tin bấy lâu nay của mình về khái niệm bộ
não, về ý thức, thậm chí là về việc bản thân cuộc sống này mang trong nó ý
nghĩa gì.
Khi Eben hăng hái chia
sẻ những trải nghiệm của mình với mọi người, đặc biệt là các bác sĩ đồng nghiệp,
nhưng đã có rất nhiều người thờ ơ trước câu chuyện của ông. Eben nhận ra rằng
chính bản thân mình trước kia cũng có thái độ như vậy khi tiếp xúc với các trải
nghiệm cận tử.
Tuy nhiên, với vai trò
là một bác sĩ, Eben nhận thấy mình có nghĩa vụ phải kể lại câu chuyện của bản
thân với hy vọng có thể giúp đỡ những người khác. Và có lẽ, không ai ở vị trí tốt
hơn ông để làm điều đó.
Giải thích
Eben Alexander đã sử dụng
kiến thức khoa học hiện đại để giải thích phần nào cho một trong những vấn đề
hóc búa nhất mà khoa học chưa giải thích được: Ý thức. Ông trình bày một số giả thuyết y khoa để giải thích cho trải nghiệm
cận tử của mình, nhưng tất cả các giả thuyết trên đều không thể giải thích được
nguyên nhân về trải nghiệm cận tử của chính mình – những trải nghiệm hết sức
sâu sắc, ở mức độ hết sức tinh vi của thính giác và thị giác với những hình ảnh
rõ ràng, đầy tính logic – trong khi vỏ não của ông đã được các bác sĩ xác nhận
là hoàn toàn không hoạt động trong suốt 7 ngày hôn mê.
Chỉ còn 1 giải thích hợp
lý duy nhất: Ý thức tồn tại độc lập với cơ thể
Ông tự tin nói rằng:
khi còn ở “Cổng vào” và “Cốt lõi” thì thật ra ông cũng đang “làm nghiên cứu
khoa học”, dù lúc đó ông không hay biết gì về thuật ngữ này. “Thứ khoa học dựa
trên công cụ chân thật nhất và tinh tế nhất của mọi công trình nghiên cứu khoa
học mà chúng ta sở hữu: Chính là bản thân ý thức”.
“Việc theo đuổi thực tại cốt lõi của vũ trụ là
bất khả thi nếu không dùng đến ý thức. Ý thức không hề là một thứ sản phẩm phụ
và không quan trọng của các quá trình vật chất, nó không chỉ rất thật – thật ra
nó còn thật hơn toàn bộ sự tồn tại vật chất còn lại, và rất có thể là thứ cơ bản
nhất của mọi thứ.”
Eben tin rằng sự thống
trị của các phương pháp khoa học chỉ đơn thuần dựa trên thế giới vật chất trong
suốt hơn 400 năm qua đã tạo ra một vấn đề rất lớn: Chúng ta đã mất liên lạc với
vùng đất bí ẩn sâu sắc nằm ở trung tâm của sự tồn tại – ý thức của chúng ta.
Mỗi người trong chúng
ta đều quen thuộc với ý thức hơn bất kỳ điều gì khác, thế nhưng chúng ta hiểu về
những phần còn lại của vũ trụ nhiều hơn rất nhiều những gì chúng ta hiểu về cơ
chế hoạt động của ý thức. Ý thức quá gần gũi với chúng ta đến nỗi gần như nó
mãi mãi vượt quá khả năng lĩnh hội của chúng ta.
Thật ra manh mối lớn nhất
dẫn ta đến với thế giới tâm linh chính là thứ bí ẩn sâu sắc này – sự tồn tại của
ý thức của chúng ta. Đây là một bí ẩn hoàn toàn vượt khỏi khả năng giải quyết của
các nhà vật lý học hay các nhà khoa học thần kinh, và chính sự thất bại của họ
đã che mờ mối quan hệ mật thiết giữa ý thức và cơ học lượng tử – và cùng với nó
là mối quan hệ giữa ý thức và thực tại vật chất.
Ông viết: “Khi ở thế giới bên trên kia, tôi đã khám phá
ra rằng vũ trụ này vô cùng phức tạp và bao la, vượt quá khả năng miêu tả của mọi
ngôn từ, và rằng ý thức chính là nền tảng của mọi thứ đang tồn tại. Tôi đã hoàn
toàn kết nối với nó đến nỗi đa phần là không hề tồn tại sự phân biệt thực sự
nào giữa “tôi” và cái thế giới nơi tôi đang ở.”
Khi ở thế giới bên trên
kia, Eben đã “trải nghiệm được vai trò cơ bản của ý thức hay linh hồn, một cách
tức thì đến choáng ngợp”. Điều thứ hai Eben trải nghiệm được là: “chúng ta – mỗi
chúng ta – đều kết nối một cách sâu đậm và không thể tách rời với vũ trụ rộng lớn
hơn. Đó mới chính là ngôi nhà thật sự của chúng ta, và suy nghĩ rằng thế giới vật
chất này là tất cả những gì quan trọng chẳng khác nào tự nhốt mình vào một cái
tủ nhỏ rồi tưởng tượng rằng chẳng còn gì khác ở bên ngoài kia nữa”.
Điều thứ ba Eben trải
nghiệm được là: Sức mạnh chủ chốt của niềm tin trong việc tạo điều kiện cho
“tâm trí chiến thắng vật chất”, điều này được thể hiện rõ ở hiệu ứng giả dược
trong điều trị y học.
Trở về sau trải nghiệm
cận tử, Eben phát hiện ra rằng cái vũ trụ bao la vĩ đại gấp nhiều này lần này
chẳng xa xôi chút nào. Nó ở ngay tại đây, ngay bây giờ, nhưng chúng ta không nhận
thức được nó bởi phần lớn con người đều bị tách biệt khỏi các tần số nơi mà nó
biểu hiện.
Chúng ta sống trong các
chiều không gian và thời gian thân thuộc, thu hẹp trong những giới hạn đặc thù
của các giác quan và trong nhận thức thay đổi theo góc nhìn, trong phạm vi từ hạ
nguyên tử cho đến toàn thể vũ trụ. Những chiều không gian này tự có rất nhiều
thứ diễn ra ở bên trong, nhưng đồng thời chúng cũng đóng cánh cửa dẫn đến các
chiều không gian khác cũng đang tồn tại song song với chúng ta.
“Từ lâu ta đã thấy rằng
những câu hỏi liên quan đến linh hồn, kiếp sau, sự đầu thai, Chúa, và thiên đường
là những câu hỏi khó có thể nào được trả lời thông qua các phương tiện khoa học
thông thường – các phương tiện vốn đã luôn hàm ý rằng chúng có lẽ là không tồn
tại”.
Eben cho rằng THỰC HÀNH
TÍN NGƯỠNG và THIỀN ĐỊNH chính là các phương pháp giúp con người giải phóng ý
thức ra ngoài thân thể của họ. Khi ý thức của con người rời khỏi thân thể, họ
có thể giao tiếp với Thượng Đế – một trải nghiệm phi thường nhất mà con người
có thể tưởng tượng được – nhưng cũng là một điều tự nhiên nhất. Bởi Thượng Đế
hiện diện trong mỗi con người mọi lúc, toàn trí, toàn năng, gần gũi và yêu
thương chúng ta vô điều kiện.
Nước Mỹ cực kì nhân
văn
Vẫn biết rằng Mỹ là số
1, số 2 và cả số 3 nữa, nghĩa là khen Mỹ thì chỉ có mỏi dừ chỗ nói chuyện và
khô hết cổ họng cũng chưa khen xong, nhưng đọc cuốn sách này vẫn phải khen thêm
một lần nữa: Đấy là xã hội cực kì nhân văn. Muốn hiểu hết mức độ nhân văn của họ
thì phải đọc cuốn sách này, bài viết chỉ xin trích một số đoạn chủ yếu.
Trong trường đoạn Điểm
neo vào sự sống, Eben viết: “Đúng ra mà nói, tôi sẽ không thể nào thực hiện
công việc của mình – tức là hằng ngày làm những việc tôi làm và nhìn thấy những
thứ tôi thấy – mà không có sự hỗ trợ mang tính nền tảng là tình yêu và sự thấu
hiểu mà gia đình dành cho tôi. Đó là lý do tại sao Phyllis (sau khi tham khảo ý
kiến với cô chị Betsy) tối hôm đó đã quyết định hứa với tôi, thay mặt toàn thể
gia đình. Khi ngồi đó, cầm lấy bàn tay yếu ớt, gần như không còn sức sống của
tôi, cô em đã nói với tôi rằng cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa thì lúc nào
cũng sẽ có một ai đó ở ngay đây, nắm lấy tay tôi. ‘Gia đình sẽ không để cho anh
đi đâu, Eben à’, cô ấy nói. ‘Anh cần một điểm neo để giữ anh ở lại đây, ở lại
thế giới này, nơi gia đình cần anh. Và gia đình sẽ cho anh điều anh cần’”.
(trang 48-49). LƯU Ý QUAN TRỌNG: Bố mẹ Phyllis và Betsy nhận Eben là con nuôi
và tình trạng của Eben thì đã tuyệt vọng).
Xin trích dẫn vài đoạn
về cách cư xử với trẻ con.
Ở trang 22, Eben viết:
“.. tôi chợt có ý nghĩ nếu cơn đau này là nghiêm trọng và tôi đúng là phải đi
viện tôi có thể sẽ không gặp thằng nhỏ khi nó đi học về chiều ngày hôm đó. Dồn
hết sức bình sinh, tôi thều thào: ‘Chúc con 1 ngày vui vẻ ở trường nhé, Bond’”.
Ở trang 126, Eben viết:
“Quy định thông thường là chỉ có 2 người được phép ở trong phòng… Vào khoảng 6
giờ, Holley dịu dàng nhắc Bond là đã đến giờ về nhà ăn tối. Nhưng Bond không chịu…
Vậy là trong suốt thời gian còn lại của buổi tối, lần lượt từng người vào thăm
để Bond có thể ở nguyên vị trí của mình”.
Đọc những đoạn này, tôi
tự hỏi: Ở VN người ta thường ứng xử như thế nào?
Rồi những đoạn vị mục
sư và bạn bè cầu nguyện cho Eben, rất cảm động.
Một trường đoạn rất dài
nói về việc Eben đi tìm cội nguồn của mình cũng rất cảm động và đầy tính nhân
văn. Số là bang này cấm ngặt, không cho những thân nhân kiểu này tìm nhau.
Nhưng Eben đã “lách” được luật và sau khi biết rằng cha mẹ ruột của mình, vì lí
do nào đó, chưa muốn liên hệ với ông, ông đã rất buồn và bị trầm cảm trong 7
năm trời. Thế rồi Eben quyết định viết thư cho cô em ruột một lần nữa. Bức thư
không một lời oán trách mà đầy tình thân ái, nhẫn nại, rất cảm động. Nhờ đó ông
đã tìm được cha mẹ ruột và mấy người em cùng mẹ cùng cha với mình. Rồi ông viết:
“Việc biết được rằng mình được yêu, ngay từ thuở lọt lòng bắt đầu chữa lành cho
tôi theo một cách sâu sắc nhất mà người ta có thể hình dung. Tôi cảm thấy một sự
trọn vẹn mà trước đây mình chưa từng biết”.
Cuốn sách này làm cho
tôi nghĩ rằng đa số chúng ta, trong đó có tôi, dường như được sinh ra trong cảnh
giới khác với những người được nói tới ở đây.
PHỤ LỤC: Một vài trích
đoạn về Cốt lõi (Giúp những người tu tập thêm kiên định).
Trang 60: “… tôi đang ở
một nơi toàn mây.. Cao hơn những đám mây ấy – cao đến vô chừng – là những quả cầu
ánh sáng trong suốt, những sinh vật lấp lánh tụ thành từng đám, bay lượn thành
hình vòng cung, để lại phía sau chúng các vệt dài tựa như những lá cờ dài
Là chim ư? Hay là các
thiên thần? … Nhưng chẳng từ nào là đủ để diễn tả những sinh vật ấy – những
sinh vật mà nói một cách đơn giản là khác biệt hoàn toàn với bất kì thứ gì tôi
từng biết trên hành tinh này. Cao cấp hơn.
Một âm thanh lớn, ngân
vang lên tựa như một bài thánh ca tráng lệ, từ bên trên bắt đầu vọng xuống, …
phải chăng những âm thanh này xuất phát từ chính những sinh vật có cánh kia.
Sau này nghĩ lại, tôi nhận ra rằng niềm hân hoan của những sinh vật ấy, khi
chúng tung cánh bay vút cao lên bầu trời là quá đỗi lớn lao, đến nỗi chúng buộc
phải thốt ra những âm thanh như thế - và nếu niềm hân hoan đó không được tuôn
chảy ra bên ngoài theo cách này, làm sao chúng có thể chứa hết nổi thứ hân hoan
ấy được”.
Trang 61: “Không có sự
phân biệt giữa nghe và thấy ở nơi này. Tôi có thể nghe thấy vẻ đẹp của những
hình thù lấp lánh ánh bạc của những sinh vật ở bên trên, và tôi có thể nhìn thấy
được sự hoàn mỹ đang trào dâng và ngây ngất niềm hoan lạc trong lời hát của
chúng”.
Trang 62: “Tôi tiếp tục
tiến tới và thấy mình đang đi vào một khoảng trống bao la, tối mịt, vô hạn về
kích thước, nhưng cũng lại êm dịu vô cùng. Dù đen kịt như thế, nhưng lại ngập
tràn ánh sáng: Một thứ ánh sáng như thể phát ra từ một quả cầu rực rỡ mà lúc
này đây, tôi cảm thấy được là nó đang ở ngay sát bên tôi. Một quả cầu ánh sang
chứa đựng sự sống và gần như chất rắn, tựa như những bài hát của các thiên thần.
Trang 62-63: “Điều lạ
lùng là. Tình thế của tôi lúc này tựa như là 1 bào thai ở trong tử cung.. Trong
trường hợp này, người “mẹ” chính là Chúa, là Đấng Sáng Tạo, là Nguồn Sống, chịu
trách nhiệm kiến tạo ra vũ trụ và tất thảy những gì ở bên trong nó. Đấng này gần
gũi đến nỗi dường như không có chút khoảng cách nào giữ tôi và Chúa… Tôi sẽ thỉnh
thoảng dùng từ Om làm đại từ thay cho Chúa…
nhưng tôi chắc chắn rằng Quả Cầu Ánh Sáng là “phiên dịch viên” giữa mình
và hiện hữu phi thường xung quanh mình”
Trang 64: “Thông qua quả
cầu ánh sang, Om nói với tôi rằng không chỉ có một mà nhiều vũ trụ - thật ra là
nhiều hơn so với tôi có thể hình dung – nhưng ở trung tâm của tất cả chính là
tình yêu ấy. Cái ác cũng tồn tại ở tất cả mọi vũ trụ khác nữa, nhưng chỉ với khối
lượng vô cùng nhỏ. Cần thiết phải có cái ác bởi nếu không có nó thì ý chí tự do
là bất khả và nếu không có ý chí tự do, sẽ không có phát triển – không có tiến
bộ, không có cơ hội để chúng ta trở thành điều mà Chúa mong ước. Đôi lúc trong
một thế giới như thế giới của chúng ta, cái ác dường như vô cùng uy lực và khiếp
đảm, nhưng nhìn bao quát thì tình yêu vẫn hoàn toàn chiếm ưu thế và cuối cùng
chính tình yêu sẽ chiến thắng”.
Trang 95: “tôi cũng biết
được bằng trái tim mình rằng chia sẻ thông điệp cơ bản này – một thông điệp cơ
bản đến nỗi hầu hết trẻ con đều chấp nhận ngay – là nhiệm vụ quan trọng nhất của
mình”.
Trang 110-111: “Một
trong những sai lầm lớn nhất mà người ta mắc phải khi nghĩ về Chúa là việc họ
hình dung Chúa là điều gì đó xa lạ. … nghe có vẻ nghịch lý – Om cũng là “người”
– thậm chí còn người hơn cả bạn và tôi. Om hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của
loài người chúng ta một cách sâu sắc và gần gũi hơn những gì chúng ta có thể tưởng
tượng được, bởi Om biết rằng chúng ta đã lãng quên điều gì và hiểu rằng sống mà
lãng quên Đấng Linh Thiêng, dù chỉ là trong một khoảng khắc thôi, là một gánh nặng
khủng khiếp ra sao”.
HẾT.
có nhiều điều mà khoa học không giải thích được
ReplyDelete