1. Trùng trùng duyên khởi
Nhân 20 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, đó đây lại có
những bài chê trách người nhạc sĩ tài danh là phản bội miền Nam. Rồi sắp tới 30
tháng 4, lại thấy có những bài viết thanh minh hay lên án Hoàng Phủ Ngọc tường
và một vài người khác.
Xin hỏi: Sao không để những ngày ấy lụi tàn?
Xét cho cùng, trong những năm 1950, 1960 phong trào
cánh Tả làm mưa làm gió trên toàn thế giới; nước nào cũng có ĐCS, có nước tới
2, 3 ĐCS, ở Ý và Pháp phong trào CS có lúc đã làm nghiêng lệch cả bàn cân chính
trị, ĐCS Pháp từng ban hành cương lĩnh chuẩn bị cầm quyền và hi vọng là sẽ
giành được quyền lực bằng con đường nghị trường.
Có thời những bộ óc siêu việt như Jean-Paul Sartre,
Bernard Shaw, Betrand Russell… còn tin rằng CS là tương lai của nhân loại. Có
người còn nói: “20 tuổi mà không yêu cộng sản là không có tim” thì những người
như Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhiều người khác ngả theo CS cũng
có gì là lạ.
Nó là trùng trùng duyên khởi. Sự thể lúc đó như thế
và người ta đã hành động như thế.
Nhưng họ không phản bội miền Nam.
Họ đâu có biết rằng đời sống ở VNCH sung sướng hơn, ấm no hơn, tự do hơn đời sống ở
VNDCCH. Họ thấy các quan chức VNCH tham nhũng, còn quan chức CNDCCH, dù có thể
là những kẻ chẳng ra gì, nhưng lại là những người gần dân và có đời sống mà
nhìn bên ngoài thì đạm bạc, thanh bần. Họ đâu có biết rằng tham nhũng quyền lực
mới là tham nhũng bỉ ổi nhất, xấu xa nhất.
VNDCCH cũng không hứa hẹn với họ tiền bạc hay địa vị
cao sang. Nó chỉ hứa rằng nếu ở đô thị thì sẽ phải chịu hơi cay và dùi cui, còn
“nhảy núi” thì đói rét, bệnh tật, bom đạn và chết chóc.
Thiết nghĩ, sai lầm của họ cũng là sai lầm của cả
nhân loại, của cả thời đại. Lương tâm tự cắn rứt cũng đủ khổ rồi.
2. Chiến
tranh kết thúc càng nhanh càng tốt
Các nhà lãnh đạo VNDCCH
không chấp nhận kết quả của 9 năm kháng chiến và Hiệp định Geneva. Lê Duẩn ở lại
miền Nam. Nhiều cán bộ to ở lại. Nhiều điệp viên tài năng đã được cài lại và được
đào tạo để chuẩn bị cho chiến lược rất lâu dài về sau. Chỉ xin kể mấy nhân vật
nổi bật: Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Đình Ngọc… và tất
nhiên, bên dưới những người này phải là mạng lưới liên lạc viên dày đặc và rất
trung thành. Phải công nhận rằng, về mặt này, CS là những người rất có chiến lược
và rất bài bản. (Bài bản đến mức ấy thì ông HCM có thể là anh thiếu tá HQ người
Tàu cũng không có gì lạ). Chỉ tiếc là trong hòa bình họ lại không được như thế.
VNCH không có chiến lược
nào như thế. Nếu có cũng không thể hoạt động được ở miền Bắc.
Năm 1959 ĐCS VN ra nghị
quyết 15: “giải phóng miền nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến…”. Các
đơn vị mở đường Trường Sơn vào Nam xuất phát vào ngày 19 tháng 5 năm 1959.
Như vậy, Chiến tranh
Đông Dương lần thứ II là do CS Bắc Việt chứ không phải Mỹ, Liên Xô hay Trung Quốc
phát động. Sau đó, những nước vừa kể đã biến cuộc chiến tranh này thành chiến tranh ủy nhiệm lại là chuyện
khác.
Cũng trong thời gian
đó, xung đột Tư bản&XHCN đã nổ ra ở nhiều nước, ví dụ, Thổ Nhĩ Kì, Hi Lạp,
Indonesia, Chile… nhưng ở những nước đó mọi thứ đều kết thúc rất nhanh. Chỉ có ở
VN người ta mới tin:
Vui gì hơn làm người lính đi đầu.
Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa.
Mẹ
đào hầm, mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh.
Nay
mẹ đã phơ phơ đầu bạc
Mẹ
vẫn đào hầm
Quân
không thiếu một người
Tất nhiên là còn nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng chỉ cần nhìn vào mấy nguyên nhân “quốc nội” như thế, chúng ta có thể kết luận: VNCH nhất định phải thua VNDCCH. Nội chiến mà đã chắc chắn là thua thì thua sớm ngày nào đỡ khổ ngày đó. Thua sớm ngày nào thì hệ lụy đi kèm với nó như tập trung cải tạo, kinh tế mới, thuyền nhân cũng chấm dứt sớm ngày đó.
Như vậy, đối với tôi, tất cả những hành động không
làm chết người, mà giúp chấm dứt chiến tranh đều là hành động tốt. Thua nhanh
thì kiếp nạn chấm dứt nhanh, thua chậm thì kiếp nạn chấm dứt chậm. Thế thôi.
Suy cho cùng, tất cả các dân tộc, cũng như tất cả
các cá nhân, đều phải gánh chịu tất cả nghiệp chướng của mình.
Chấp
kinh & Tòng quyền
Theo ngôn ngữ hiện đại, “chấp kinh” nghĩa là làm
đúng theo nguyên tắc, còn “tòng quyền” là tùy cơ ứng biến. “Chấp kinh” đối với
người con gái là giữ “chữ trinh”, còn với người lính là “chết vinh hơn sống nhục”.
Nhưng Truyện Kiều còn có câu: “Trong cơn ngộ biến tòng quyền biết sao”, lại
cũng có câu: “Có khi biến, có khi thường/Có quyền, nào phải một đường chấp kinh”.
Nhị độ mai cũng có câu: “Chấp kinh nếu
chẳng tòng quyền/Sợ khi muôn một chu tuyền được sao”.
Người lính nào khi ra
trận cũng thề chiến đấu tới viên đạn/giọt máu cuối cùng, nhưng đứng trước tình
huống, khi mà mọi sự thắng thua đã an bài, bắn thêm vài phát đạn nữa sẽ chỉ làm
cho mẹ mình hay mẹ của vài người lính phía bên kia đau lòng thì nhiều người tỉnh
táo sẽ tòng quyền, nghĩa là chấp nhận kết quả đã được an bài. Tôi kính trọng những
người bắn đến viên đạn áp chót và dành viên cuối cùng cho chính mình, nhưng
cũng hết sức thông cảm với những người chấp nhận kết quả đã được an bài.
Còn
nhớ.
Trong Thế chiến II, quân đội Pháp rút lui chứ không tử thủ ở Paris. Nếu họ tử
thủ thì chúng ta có còn Paris hoa lệ như ngày nay hay không? Cũng trong Thế chiến
II, chính phủ Mỹ không bắt lỗi những người lính đầu hàng quân Nhật khi mặt trận
Thái Bình Dương bị vỡ.
Nếu ngày 30 tháng 4 năm
1975, tướng Dương Văn Minh và tướng Vĩnh Lộc không kêu gọi binh sĩ buông súng
mà kêu gọi họ tử thủ thì Sài Gòn sẽ ra sao? Hơn nữa, nếu tướng Dương Văn Minh
nghe theo viên đại sứ Pháp, rút về vùng 4 chiến thuật để đợi quân Trung Quốc
can thiệp thì nước ta giờ ra sao?
Truyền
thuyết kể rằng, đạo quân trên đường đánh chiếm cố quốc của
Đức Phật đã đi ngang qua chỗ Ngài đang ngồi thiền, nhưng Ngài vẫn bất động. Người
sau bình luận rằng Đức Phật hiểu rõ lý nhân quả; nhân duyên của nền độc lập quốc
gia còn thì quốc gia còn độc lập, nhân duyên hết thì nền độc lập quốc gia cũng
phải chết theo.
Bám mãi vào cái thực thể
mà nhân duyên cho sự tồn tại của nó đã tan rã từ cách đây 46 năm có phải là tự
làm khổ mình, khổ người hay không?
P/S: Dường như những
người hiện nay vẫn kêu gọi “chết vinh hơn sống nhục” trong ngày 30 tháng 4 cách
đây 46 năm lúc đó còn trẻ chưa được khoác áo lính hoặc cũng đã bỏ súng, bỏ áo
chạy lấy người.
Bàn
về hòa giải
Hai người bạn/hàng xóm
đánh/cãi nhau, muốn hòa giải thì trước hết, mỗi người đều phải công nhận rằng
mình có sai, thậm chí một người hoàn toàn không có gì sai cũng phải hạ mình xuống
mà nói rằng: “Hôm ấy đúng là tôi nóng nảy quá, tôi cũng có sai, xin lỗi nha”.
Hai nhóm người từng
đánh/cãi nhau thì cũng thế.
Truyện Kiều có câu: “Mà
trong lẽ phải có người có ta”. Dù ta có phải tới 99%, thì cũng còn 1% dành cho
phe kia. Ta giữ lẽ phải 100% thì có thể hòa giải được hay không?
Hỏi là đã trả lời. Hỏi
tiếp: Độc quyền chân lý thì có thể hòa giải với đối phương được hay không?
Hỏi cũng là đã trả lời.
Hỏi tiếp: Không hòa giải
được với Nguyễn Thúy Hạnh, Huỳnh Ngọc Chênh, với mẹ con bà Cấn thị Thêu, với LS
Lê Công Định… thì làm sao hòa giải với những người đã từng cầm súng ở bên kia
chiến tuyến?
Từ “hòa giải” trong miệng
kẻ nắm độc quyền chân lý phải được dịch thành: “đầu hàng vô điều kiện, trong im
lặng và cam chịu”.
Cho nên điều kiện tiên
quyết để có hòa giải chân thành và toàn diện là chế độ dân chủ pháp quyền và đa nguyên.
Đa
nguyên để mọi ý kiến, mọi quan điểm đều được chấp nhận.
Cũng tức là: “Mà trong lẽ phải có người có ta”.
Chế
độ dân chủ pháp quyền là để mọi người đều bình đẳng trước
pháp luật, người nào giỏi làm kinh tế thì sẽ giàu, người nào giỏi làm chính trị
thì lãnh đạo (có thời hạn, theo luật định).
P/S: Bức thư của ông Hữu
Thỉnh gửi ông Phan Nhật Nam chỉ là 1 kiểu dân vận/địch vận mà thôi. Ông Phan Nhật
Nam đã nhận ra và từ chối.
lịch sử thì không thể lãng quên
ReplyDelete