317. Majority System – Hệ thống đa số. Hệ thống đa số đơn giản là hệ thống, trong đó, phải có đa số phiếu bầu (50% + 1) thì đạo luật, hoặc quyết định mới có thể được thông qua, quyết định mới được thi hành, ứng cử viên mới được bầu hoặc đề nghị mới được chấp nhận. Hệ thống đa số có thể được áp dụng trong các ủy ban, trong các cơ quan lập pháp, trong khu vực bầu cử và bất cứ ở đâu, khi cần phải có quy trình kiểm phiếu để bầu lên hoặc xác nhận một ứng cử viên hoặc một đề nghị nào đó. Đa số phiếu bầu giữ vị trí linh thiêng – mặc dù về mặt lý thuyết là khá bấp bênh – trong tín điều dân chủ, dựa trên luận cứ cho rằng quyết định mà người đồng ý đông hơn người phản đối là quyết định hợp pháp về mặt chính trị. Có một loạt vấn đề lý thuyết – đa số có bao gồm, ví dụ, tất cả những người có quyền bỏ phiếu, hay chỉ bao gồm những người có mặt và bỏ phiếu? Các vấn đề khác xuất hiện, khi người ta xem xét đa số phiếu có thực sự đại diện cho một sở thích rõ ràng hay chỉ đơn giản là một sở thích được ưa chuộng trong một tập hợp các lựa chọn thay thế không được nhiều người ưa chuộng. Đây luôn luôn là lý do để nhiều người phản đối sử dụng các cuộc trưng cầu dân ý, coi đó là công cụ ban hành quyết định, và đặc biệt rắc rối khi tiến hành các cuộc bầu cử quan chức: Luật lệ bỏ phiếu phức tạp, nhiều vòng bầu cử hay phải sử dụng cả hai biện pháp, để đảm bảo rằng người chiến thắng thực sự được đa số cử tri ưa thích hơn tất cả những ứng viên khác (xem đại diện theo tỷ lệ). Tuy nhiên, quy tắc đa số đã ăn sâu bến rễ vững chắc trong quan điểm chính trị. Trong những hệ thống khác nhau, một trong những vấn đề quan trọng nhất là đa tuyệt đối, nghĩa là, phải có tỷ lệ cố định lớn hơn 50% + 1 cử tri ủng hộ thì vấn đề mới được thông qua hoặc ứng cử viên mới được bầu.
318. Maladministration – Thiếu sót trong quản lý gây hậu quả nghiêm trọng. Thiếu sót trong quản lý gây hậu quả nghiêm trọng là những hành động của cơ quan dân chính, của các bộ trưởng, của các viên chức chính quyền địa phương hoặc bất kỳ quan chức nào khác khi ban hành quyết định ảnh hưởng đến xã hội nếu những hành động đó là đã bị mua chuộc hay bất hợp pháp. Khi quyết định không phù hợp với luật pháp và những người ban hành có thể chứng tỏ rằng họ có có khiếm khuyết nghiêm trọng, thiếu sót trong quản lý gây hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, nhưng, nói chung, không đủ năng lực không bị coi là thiếu sót trong quản lý gây hậu quả nghiêm trọng. Các vấn đề thường gặp trong thiếu sót trong quản lý gây hậu quả nghiêm trọng có khả năng là những hiện tượng mà thông luật gọi hành động vượt quá thẩm quyền: Quan chức ban hành quyết định mà theo luật thì họ không quyền ban hành. Cũng có thể xảy ra trường hợp, quan chức, mặc dù có quyền ban hành quyết định, nhưng lại chú ý tới những vấn đề lẽ ra phải bỏ qua hoặc bỏ qua những bằng chứng quan trọng. Trong những lĩnh vực pháp lý khác nhau, thiếu sót trong quản lý gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý bằng những biện pháp khác nhau. Hai biện pháp thường được áp dụng là các tòa án hành chính đặc biệt, hoặc thông qua hệ thống thanh tra. Cáo buộc về thiếu sót trong quản lý gây hậu quả nghiêm trọng có thể tạo ra hậu quả rất nghiêm trọng đối với chính phủ, đặc biệt ở các nước, như ở Vương quốc Anh, với lý thuyết về trách nhiệm của bộ trưởng. Về lý thuyết, ở những nước này, thiếu sót trong quản lý gây hậu quả nghiêm trọng có thể buộc bộ trưởng phải từ chức vì những hành động của công chức mà họ có thể không hề biết.
319. Mandate - Ủy quyền. Các đảng giành thắng lợi trong các cuộc tổng tuyển cử thường tuyên bố là được ủy quyền, ngay cả khi họ chỉ giành được đa số không lớn. Nếu một đảng hay ứng cử viên đã ứng cử trên cơ sở một tập hợp các chính sách thì sau khi thắng cử họ được nhân dân ủy quyền thực hiện các chính sách đó. Do đó, các chính phủ thường tuyên bố rằng họ được “ủy quyền” thực hiện một số việc ngay cả khi không có lý do chính đáng để tin rằng chính sách mà họ nói tới liên quan rất nhiều tới chiến thắng của họ trong cuộc tuyển cử. Ý nghĩa ban đầu là một nhóm người, có thể là bộ phận cử tri của đảng chính trị hoặc tổ chức công đoàn - khi được đề nghị cử đại diện tới hội nghị toàn quốc – giao cho những người đại diện những hướng dẫn mà họ phải thực hiện trong khi thảo luận hoặc biểu quyết theo cách đã chọn về một số vấn đề cụ thể nào đó. Ủy quyền cho người đại diện là vấn đề quan trọng trong lý thuyết dân chủ. Một quan điểm cho rằng những người bầu chọn người đại diện được quyền ủy quyền cho họ bỏ những lá phiếu cụ thể để trực tiếp đại diện cho quan điểm của đa số trong đơn vị bầu cử. Quan điểm khác là lý thuyết về sự ủy quyền, do Edmund Burke trình bày, nói rằng việc lựa chọn người đại diện là vấn đề chọn người tốt nhất mà người ta có thể tìm được, và sau đó tin tưởng vào đánh giá của người đó về các vấn đề sẽ phát sinh. Vấn đề có ủy quyền hay không có ủy quyền, người được ủy quyền bị ràng buộc đến mức nào, và khi nào thì kết quả trong cuộc tuyển cử cấp cho người thắng cử ủy quyền như thế đang là vấn đề tranh luận sôi nổi trong các lý thuyết hiện đại về dân chủ, cả trong nghị viện lẫn trong các đảng phái.
Về mặt pháp lý, ủy quyền là
trao cho người nào đó quyền làm một việc cụ thể nào đó với tư cách là đại diện
của cơ quan có quyền tự làm việc đó. Sau Thế chiến I, Hội Quốc Liên thành lập
các vùng lãnh thổ ủy trị, giao quyền kiểm soát hành chính các lãnh thổ thuộc địa
của đế quốc Đức và Thổ Nhĩ Kỳ bại trận cho một số cường quốc trong phe chiến thắng.
Nhiệm vụ là quản lý các vùng lãnh thổ này vì lợi ích của người dân ở đó và mục
đích cuối cùng là trao trả độc lập cho nhân dân những cùng lãnh thổ này. Hệ thống
ủy trị tương tự cũng được Liên Hợp Quốc thành lập.
những nước bị ủy quyền kiểu này thì cũng rất khổ
ReplyDelete