January 16, 2021

Thuật ngữ chính trị (115)

 


266. Judicial Activism/Judicial Restraint – Tính tích cực của thẩm phán/ Kiềm chế của thẩm phán.

Tính tích cực của thẩm phán là triết lý tư pháp nói rằng các tòa án có thể và nên vượt ra ngoài các bộ luật hiện hành để xem xét những tác động xã hội rộng hơn của những quyết định do mình đưa ra. Thuật ngữ này thường được dung theo nghĩa xấu, ngụ ý rằng các thẩm phán đưa ra phán quyết dựa trên quan điểm chính trị của riêng mình, chứ không dựa vào án lệ.

Kiềm chế của thẩm là lý thuyết khuyến khích các thẩm phán giới hạn việc thực thi quyền lực của chính mình. Lý thuyết này khẳng định rằng các thẩm phán nên cân nhắc khi vượt ra ngoài các bộ luật trừ khi chúng rõ ràng là vi hiến, mặc dù cái gì được coi là vi hiến rõ ràng còn là vấn đề tranh cãi. Kềm chế tư pháp đôi khi được coi là đối lập với hoạt động tư pháp.

267. Judicial Review – Tái thẩm tư pháp.

Tái thẩm tư pháp là quá trình, trong đó các quyết định của hành pháp hoặc lập pháp phải được cơ quan tư pháp xem xét lại. Tòa án có thẩm quyền tái thẩm tư pháp có thể làm mất hiệu lực các đạo luật, quyết định của chính phủ nếu không thấy tương thích với quyền lực cao hơn: Quyết định hành pháp có thể bị vô hiệu hóa vì trái pháp luật, đạo luật do cơ quan lập pháp ban hành có thể bị vô hiệu hóa do không phù hợp với hiến pháp. Tái kiểm tư pháp là một trong những biện pháp đối trọng và cân bằng trong cơ chế tam quyền phân lập: Cơ quan tư pháp giám sát các nhánh lập pháp và hành pháp khi các nhánh này hành động vượt quá thẩm quyền của mình. Các nước khác nhau có thể có thủ tục và phạm vi tái thẩm tư pháp khác nhau. Nhiều nước, trong đó có Australia, Pakistan, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Italy và Hoa Kì áp dụng cơ chế tái thẩm tư pháp.

268. Judiciary - Cơ quan tư pháp. Theo luật học, cơ quan tư pháp hay hệ thống tư pháp là hệ thống tòa án nhân danh quyền tối cao hoặc nhà nước để thực thi công lý, một cơ chế để giải quyết các tranh chấp. Thuật ngữ này cũng được dùng để đề cập đến cả quan tòa ở các cấp, những người thiết lập nền móng cho một bộ máy tư pháp và cả những người trợ giúp cho hệ thống này hoạt động.

Những vấn đề liên quan đến cơ quan tư pháp thường được đem ra thảo luận:

1.      Sự độc lập của tư pháp. Người ta thường nghĩ rằng muốn có chế độ pháp quyền thì quan trọng là các quan tòa không dễ dàng bị thải hồi. Điều này thường được quy định trong hiến pháp của từng nước.

2.      Tái thẩm tư pháp nhánh lập pháp. Các bản hiến pháp thành văn cho các tòa án hay toàn bảo hiến quyền tái thẩm các bộ luật xem chúng có hợp hiến hay không.

3.      Tái thẩm tư pháp các quy định của nhánh hành pháp.

1 comment: