January 5, 2021

Thuật ngữ chinh trị (110)

 


252. Iron Law of Oligarchy - Qui luật muôn đời của chế độ đầu sỏ. Qui luật muôn đời của chế độ đầu sỏ là thuật ngữ do Roberto Michels (1876–1936), đặt ra để mô tả tuyên bố của ông, nói rằng, ngay cả các đảng xã hội chủ nghĩa, tức là các đảng tuyên xưng chế độ dân chủ nội bộ nhưng trên thực tế lại bị một nhóm tinh hoa kiểm soát: “Nói đến tổ chức là nói đến chế độ đầu sỏ”.

Lý thuyết của Michels cho rằng tất cả các tổ chức phức tạp, dù ban đầu chúng có dân chủ đến mức nào, cuối cùng đều phát triển thành các tổ chức đầu sỏ. Michels nhận xét rằng vì không tổ chức đủ lớn và phức tạp nào có thể hoạt động như tổ chức dân chủ trực tiếp thực sự, nên quyền lực trong tổ chức sẽ luôn luôn được giao cho các cá nhân trong nhóm đó, được bầu hoặc được lựa chọn theo những cách khác.

Theo Michels, tất cả các tổ chức cuối cùng đều do “tầng lớp lãnh đạo” quản lí, những người này thường giữ vai trò quản trị viên, giám đốc điều hành, phát ngôn viên hoặc chiến lược gia được trả lương. Michels khẳng định rằng “tầng lớp lãnh đạo” không những không còn là “đầy tớ của nhân dân” mà chắc chắn sẽ vươn lên để nắm quyền thống trị các cơ cấu quyền lực của tổ chức. Bằng cách quy định ai có quyền tiếp cận thông tin, những người nắm quyền có thể tập trung quyền lực vào tay mình, và vì, hầu hết các thành viên bình thường đều thờ ơ, dửng dưng và không tham gia vào quá trình ban hành quyết định của tổ chức cho nên những người nắm quyền thường phải chịu trách nhiệm giải trình. Michels khẳng định rằng những nỗ lực theo lối dân chủ nhằm buộc những người lãnh đạo phải có trách nhiệm giải trình thường thất bại, vì người có quyền lực thì cũng có khả năng tưởng thưởng cho lòng trung thành, khả năng kiểm soát thông tin về tổ chức và khả năng kiểm soát các thủ tục mà tổ chức sử dụng trong quá trình ban hành quyết định. Tất cả các cơ chế này có thể được sử dụng để tác động lên kết quả của bất kì quyết định nào do các thành viên đưa ra theo lối “dân chủ”. Michels tuyên bố rằng mục tiêu chính thức của chế độ dân chủ đại diện là xóa bỏ sự cai trị của tầng lớp tinh hoa là bất khả thi, chế độ dân chủ đại diện là vẻ ngoài giả dối, hợp pháp hóa sự cai trị của tầng lớp tinh hoa, và sự cai trị của tầng lớp tinh hoa, mà ông gọi là chế độ đầu sỏ, là không thể tránh khỏi. 

253. Iron Law of Wages – Quy luật sắt về tiền công. Quy luật sắt về tiền công là một quy luật kinh tế, khẳng định rằng, trong dài hạn, tiền công thực tế luôn luôn có xu hướng giảm tới mức lương tối thiểu đủ để duy trì cuộc sống của người lao động. Karl Marx và Friedrich Engels gán học thuyết này cho Lassalle (1825-1864), nhất là trong tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gotha (Critique of the Gotha Program - 1875). Ý tưởng là, trong chủ nghĩa tư bản, tiền lương phải được giữ ở mức tối thiểu, đủ để cho người lao động tồn tại và tái sản xuất ra những thế hệ công nhân tiếp theo. Marx cho rằng đây chỉ là lặp lại quan điểm của Malthus (1766-1834) được trình bày trong tác phầm Luận về nguyên lý dân số (An Essay on the Principle of Population – 1798). Tuy nhiên, một số tác phẩm thời kì đầu của Marx cho ta cảm tưởng rằng ông từng tin vào quy luật sắt của tiền công. 

254. Irredentism - Chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ. Chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ là phong trào chính trị hoặc phong trào quần chúng tìm cách tuyên bố hoặc đòi lại và chiếm giữ những vùng đất mà các thành viên của nó coi là một lãnh thổ mà trước đây đất nước họ đã “bị mất”. 

Chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ ban đầu được dùng để nói về phong trào chính trị của Ý, cuối thế kỉ XIX. Từ này có nguồn gốc từ cụm từ Italia irredenta, khẩu hiệu đòi lại quyền kiểm soát của nước Ý những vùng đất mà họ cho là của người Ý và đã bị các lân bang xâm lấn. 

Nhiều nước chính thức hóa các yêu sách phục hồi lãnh thổ của mình bằng cách đưa chúng vào hiến pháp của họ, hoặc thông qua các biện pháp pháp lý khác. Các yêu sách lãnh thổ như vậy được chứng minh dựa trên các quan niệm thực sự hoặc tưởng tượng về các liên kết lãnh thổ, tôn giáo hoặc dân tộc và lịch sử. Chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ có thể được các phong trào như chủ nghĩa dân tộc ủng hộ và đã trở thành một trong những đặc trưng bản sắc chính trị, văn hóa, và địa chính trị. Chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ có thể được sử dụng như một trong những động cơ giúp chính phủ chuyển hướng sự bất mãn của dân chúng nhắm vào các lân bang.

 

1 comment: