March 7, 2020

Điểm sách: Sergio Bitar và Abraham Lowenthal, “Chuyển hóa Dân chủ: Trò chuyện với các nhà Lãnh đạo trên Thế giới” (Viện Quốc tế vì Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử, 2015) - 1

Vũ Tường, ĐH Oregon

Có thể đọc ở đây: Chuyển hóa Dân chủ: Trò chuyện với các nhà Lãnh đạo trên Thế giới (Viện Quốc tế vì Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử, 2015).

Bản dịch của Phạm Nguyên Trường (2020).

Kết quả hình ảnh cho democratic transitions

Đây là một công trình nghiên cứu hiếm hoi có cả giá trị hàn lâm lẫn ý nghĩa thực tiễn. Hai tác giả của công trình này nổi tiếng trong hai lãnh vực khác nhau. GS Abraham Lowenthal là một học giả kỳ cựu, người sáng lập ra Hội đồng Chính sách Quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Council on International Policy) ở Los Angeles và cựu giáo sư về quan hệ quốc tế của ĐH Nam California (University of Southern California). Ông Sergio Bitar từng là Bộ trưởng dưới chính quyền khuynh tả của Tổng thống Chile Salvador Allende, bị giam cầm và sau đó sống lưu vong ở Mỹ trong nhiều năm sau khi Allende bị quân đội Chile lật đổ năm 1973. Sau khi dân chủ được lập lại, ông làm Bộ trưởng và Thượng Nghị Sĩ trong chính quyền của Tổng Thống Lagos và Michelet.


Quyển sách này rất độc đáo vì hai tác giả không nhằm phân tích lý thuyết về chuyển hóa dân chủ như phần lớn những học giả khác. Thay vì vậy, họ phỏng vấn những người từng đóng vai trò then chốt trong chuyển hóa dân chủ thành công và không đổ máu trong hơn ba thập niên qua ở 9 quốc gia ở bốn châu lục Âu (Tây Ban Nha, Ba Lan), Á (Philippin, Indonexia), Phi (Ghana, Nam Phi), và Mỹ La tinh (Chile, Brazil, Mexico). Những nhân vật được phỏng vấn bao gồm cả ở phía chính quyền độc tài cũng như phe đối lập đòi dân chủ.

Tới đây có thể bạn đọc thắc mắc: tại sao lại có cả những người ở trong chính quyền độc tài ở đây? Vâng, những người này đóng vai trò quan trọng để chuyển hóa được thành công và quyền lực được chuyển giao mà không xảy ra bắn giết lẫn nhau. Nhiều chế độ độc tài đã thối nát, khủng hoảng hay bất lực đến mức chính những người trong chính quyền cũng cảm thấy cần thay đổi và muốn hợp tác với những nhóm bất đồng chính kiến để chuyển hóa chế độ một cách êm thắm. Quyển sách này có giá trị độc đáo cũng vì nó cho thấy việc hợp tác hòa bình đó khả thi và có lợi cho tất cả những ai quan tâm đến tiền đồ của đất nước và dân tộc họ.

Qua những cuộc phỏng vấn, bạn đọc sẽ thu thập được nhiều kinh nghiệm cá nhân và bài học thực tế về chuyển hóa thành công và bền vững. Chuyển hóa dân chủ là một hiện tượng chính trị vô cùng phức tạp và khó khăn. Trong bài kết luận của sách, hai tác giả đã đúc kết đầy đủ những bài học đó và tôi không cần lập lại ở đây, ngoại trừ bài học về mối liên hệ giữa cá nhân và lịch sử.

Những nhân vật trong sách có mặt trên chính trường vào những thời điểm quyết định. Bằng ý chí, khả năng cùng với không ít may mắn, họ đã đóng vai trò lớn trong lịch sử quốc gia và thế giới. Không có họ lịch sử rất có thể đã khác đi. Mặt khác, cần nhận thấy xu hướng dân chủ hóa vào thời điểm đó đang rất mạnh, tạo điều kiện cần cho họ thành công. Ví dụ ở Nam Phi, nhờ Chiến tranh Lạnh chấm dứt mà chính quyền da trắng cảm thấy bớt đe dọa bởi nguy cơ cộng sản từ nước láng giềng Angola được Liên Xô và Cuba hậu thuẫn. Sức ép của quốc tế đòi chính phủ kỳ thị chủng tộc của Nam Phi phải thay đổi đã làm cho giới tinh hoa trong cộng đồng da trắng của Nam Phi nhận thức rằng thay đổi theo hướng dân chủ hóa là không thể tránh khỏi. Việc thương thảo giữa chính quyền Botha và Đảng Quốc Hội Phi (ANC) do Nelson Mandela lãnh đạo đã bắt đầu trước khi Tổng thống F. W. de Klerk lên nắm quyền. De Klerk và Mandela cùng với Thabo Mbeki, ba nhân vật chủ chốt trong quá trình chuyển hoá, có thể đóng vai trò cá nhân của họ nhờ phần lớn những chuyển biến đó. Trường hợp Nam Phi và những quốc gia khác trong sách cho thấy rõ sự tương tác giữa cá nhân và xu hướng lịch sử. Sự tương tác này cho thấy chuyển hóa dân chủ thành công đòi hỏi sự nhẫn nại và kiên trì của phong trào vận động dân chủ cũng như tinh thần sẵn sàng đón lấy thời cơ lịch sử.

Chúng tôi mong rằng bạn đọc quan tâm đến chính trị Việt nam và thế giới sẽ đón nhận và thảo luận quyển sách này nhằm hướng tới một tương lai dân chủ cho Việt nam. Trong những năm gần đây vấn đề dân chủ hóa ngày càng trở nên quan trọng và bức thiết đối với người Việt trong và ngoài nước. Vì sao?

Trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông giữa Trung Quốc và Việt nam, với đường lối phát triển kinh tế lệ thuộc vào đầu tư và vay nợ nước ngoài, với gánh nặng thuế khóa cao nhất nhì khu vực nhưng ngân sách hàng năm vẫn thiếu hụt, với tình trạng tham nhũng và đấu đá nội bộ trầm trọng trong Đảng Cộng sản, với những thảm họa liên tiếp về môi trường như Thị Vải và Formosa, với xu hướng gia tăng bất công xã hội dẫn đến những phản kháng bằng bạo lực như ở Tiên Lãng, Đắc Nông và Đồng Tâm, và với việc sử dụng những điều luật và bản án tù hà khắc cùng với những công cụ bạo lực khác để đàn áp những người chỉ trích ôn hòa những vấn đề của chế độ — đây là thực tế khách quan làm cho nhu cầu dân chủ hóa ở Việt nam tự nhiên trở nên bức thiết hơn.

Một câu hỏi lớn gây nhiều tranh cãi là: Liệu dân chủ có khả thi ở Việt nam vào lúc này? Nhiều bạn trẻ dù ủng hộ dân chủ nhưng lo ngại rằng dân trí người Việt thấp nên khó chấp nhận dân chủ, hay thể chế dân chủ dù có thành lập ở Việt nam cũng sẽ thất bại. Một lo ngại nữa là: Ai sẽ là bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống Thein Sein của Việt nam? Hiện nay có vẻ chưa khuôn mặt nào trong chính quyền hay đối lập ở Việt nam có thể cáng đáng được trọng trách này.

Mặt khác, chính quyền do Đảng Cộng sản Việt nam (ĐCSVN) lãnh đạo thường xuyên dọa rằng dân chủ sẽ dẫn đến hỗn loạn, nội chiến. Trong lịch sử ĐCSVN đã có nhiều kẻ thù: từ giai cấp địa chủ phú nông đến tư sản mại bản đến “nguỵ quân nguỵ quyền”. Cơ quan tuyên huấn của ĐCSVN luôn rêu rao rằng dân chủ sẽ dẫn đến hành động trả thù đối với những cá nhân đã từng theo cộng sản hay hiện vẫn đang làm việc cho nhà nước. Những cá nhân và gia đình “có công với cách mạng” nếu không bị trả thù thì cũng mất sổ hưu nếu ĐCSVN mất quyền lãnh đạo. Theo ĐCSVN, cái Việt nam cần hiện nay không phải là dân chủ mà là ổn định chính trị để phát triển. Dựa trên lý do cần ổn định này, họ hạn chế tự do tư tưởng, tự do tôn giáo và những quyền tự do cơ bản của con người đã được cả thế giới chấp nhận như tự do báo chí, hội họp và hoạt động chính trị không bạo lực.

Theo nhận định chủ quan của tôi, quyển sách này sẽ giúp chúng ta hiểu hơn quá trình chuyển hóa dân chủ để không quá lo ngại về những thách thức nêu trên. Những lo ngại về dân trí thấp không phải không có căn cứ. Nhưng khó có thể nói dân trí Việt nam thấp hơn Indonexia, Philippin, hay Ghana. Nỗ lực nâng cao dân trí luôn luôn cần thiết dù cho quốc gia có dân chủ hay không. Đúng là dân trí là một điều kiện quan trọng để một chế độ dân chủ có thể vận hành tốt. Nhưng trong trường hợp Việt nam bị chính sách ngu dân kềm hãm, dân chủ hóa chính trị cũng là một điều kiện để nâng cao dân trí. Nếu còn độc quyền của ĐCSVN, nếu còn việc áp đặt một chủ thuyết lỗi thời lên xã hội qua sự kiểm soát độc đoán đối với giáo dục và báo chí, dân trí rất khó được nâng cao.

Về lãnh tụ, các quốc gia trong sách cho thấy khó đoán trước ai sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa dân chủ. Chính nhiều người lãnh đạo quá trình này đều bất ngờ khi lịch sử đột ngột giao trọng trách này cho họ. Đó là nhà độc tài Jerry John Rawlings của Ghana, Tổng thống B. J. Habibie của Indonesia, tướng Fidel Ramos của Philippin, Tổng thống Ernesto Zedillo của Mexico, và GS. Fernando Henrique Cardoso của Brazil. Có thể nói đây là vận may của các quốc gia này. Nhưng cũng có thể nói lịch sử tạo nên anh hùng, và người anh hùng của Việt nam chẳng qua là chưa đến thời nên chưa lộ diện mà thôi.

Về chuyện trả thù, những trường hợp trong sách đều cho thấy có áp lực lên những chính quyền dân chủ mới thành lập để trừng phạt những cá nhân hay tổ chức trong chế độ độc tài. Nhưng điều này đã không xảy ra vì 3 lý do sau đây. Đầu tiên, tư tưởng dân chủ chân chính (không phải dân chủ giả hiệu, mỵ dân) về bản chất mâu thuẫn với bạo lực. Dân chủ chính trị đồng nghĩa với chấp nhận đối thoại và cạnh tranh trên chính trường bằng hình thức lá phiếu, không phải “cướp chính quyền” kiểu người cộng sản. Tư tưởng dân chủ chân chính không cho phép lập luận kiểu “tước đoạt của người đi tước đoạt là việc làm hợp quy luật” dựa trên tư tưởng đấu tranh giai cấp bằng bạo lực như trong chủ nghĩa Mác-Lê nin.

Một nhược điểm của thể chế bầu cử dân chủ là cho phép đa số cử tri áp đặt ý muốn của mình lên thiểu số cử tri trong cộng đồng. Đây là lo ngại của chính phủ da trắng Nam Phi về dân chủ hóa: nếu tự do bầu cử, người da đen chiếm đa số trong quốc gia và sẽ áp đặt ý muốn của họ lên người da trắng. Trong các thể chế dân chủ hiện đại, hạn chế này được khắc phục bằng 1) những nguyên tắc tổ chức thể chế – ví dụ như tam quyền phân lập và tư pháp độc lập (Quốc Hội có thể ban hành luật thể hiện ý muốn của đa số cử tri nhưng có thể bị tòa án phủ quyết nếu những đạo luật đó vi phạm quyền con người của phe thiểu số cử tri); và 2) các điều khoản về nhân quyền căn bản trong hiến pháp về tự do cơ thể (công an không được bắt nếu chưa có trát của tòa và không được tra tấn ép cung), về tự do tư tưởng (công dân có quyền phát biểu, xuất bản công khai ý nghĩ của mình không bị giới hạn trừ việc cổ vũ bạo lực hay một vài ngoại lệ khác, nhưng chính phủ nếu cấm phải được tòa cho phép), và về bảo vệ tài sản cá nhân.

Hiến pháp Việt nam hiện nay cũng có những điều khoản này nhưng vì ĐCSVN độc quyền nên tất cả chỉ có trên giấy tờ. Trên thực tế, trừ một vài ngoại lệ, công an muốn bắt ai thì bắt; chính phủ muốn lấy đất đai tài sản của ai thì cứ trưng thu (với giá đền bù rẻ mạt). Trong phần lớn các trường hợp, câu thành ngữ dân gian “con kiến mày kiện củ khoai” nói lên thực trạng hệ thống tòa án ở Việt nam chỉ là cánh tay nối dài của Đảng, không phải là một thể chế có thể bảo vệ dân quyền và nhân quyền. Nếu có đầy đủ những thiết chế chính trị vững chắc đi kèm với tự do bầu cử, Đảng viên ĐCSVN không có lý do gì phải lo ngại trả thù dưới một chế độ dân chủ. Đó là thực tế xảy ra ở Ba Lan, Nam Phi và Chile là những nơi xung đột giữa chế độ độc tài và đối lập còn tồi tệ hơn Việt nam.

Lý do thứ hai khiến cho việc trả thù không xảy ra là: chuyển hóa dân chủ thành công đòi hỏi sự tham gia và đóng góp của những cá nhân và tổ chức trong chế độ độc tài qua việc ủng hộ công khai, ủng hộ ngầm, hay “án binh bất động”. Đóng góp của cá nhân trong ban lãnh đạo đương nhiệm của chế độ độc tài như Jerry John Rawlings ở Ghana, tổng thống B. J. Habibie của Indonexia, tướng Fidel Ramos của Philippin, tướng Wojciech Jaruzelski ở Ba Lan, tổng thống de Klerk ở Nam Phi, vua Juan Carlos của Tây Ban Nha, là tối quan trọng. Có thể nói dân chủ không thể chuyển hóa thành công nếu không có họ. Nhưng sự tham gia của họ, công sức đóng góp của họ cho chuyển hóa dân chủ, có nghĩa là chính quyền mới buộc phải quan tâm bảo vệ lợi ích chính đáng của họ, dù rằng có những áp lực đòi trả thù từ một số nhóm cực đoan.

Lãnh tụ của các chế độ dân chủ mới thành lập, từ Tổng thống Brazil Fernando Hendrique Cardoso đến Thủ tướng Ba Lan Tadeusz Mazowiecki và Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, mặc dù cá nhân họ từng chịu nhiều khổ đau dưới chế độ độc tài, đều hiểu rõ và đánh giá cao nhu cầu vượt lên những hành động trả thù nhỏ nhen để quốc gia của họ chuyển hóa thành công. Sau chuyển hóa, cựu tổng thống de Klerk được giữ chức Phó Tổng thống trong chính quyền dân chủ mới của Nam Phi. Ông Aleksander Kwasniewski, cựu Bộ trưởng của Ba Lan cộng sản, tổ chức lại Đảng CS thành Đảng Dân chủ Xã hội, tranh cử thành công, và trở thành tổng thống của Ba Lan trong 10 năm. Tướng Fidel Ramos ở Philippin, sau khi ủng hộ bà Corazon Aquino lên thay nhà độc tài Ferdinand Marcos, trở thành Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ dân chủ, sau đó thắng cử và làm Tổng thống kế vị bà Aquino.

Lý do thứ ba khiến trả thù không xảy ra là nhờ một cơ chế mới đã áp dụng thành công ở nhiều quốc gia: đó là Ủy ban Tìm kiếm Sự thật và Hòa giải Dân tộc. Ủy ban này được thành lập với sự tham gia của những nhân vật có uy tín nhất của quốc gia như các giáo sư, học giả, luật sư, không phân biệt chính kiến. Mục đích, sứ mệnh của Ủy ban là tìm kiếm sự thật và hòa giải, không phải để trả thù. Những oan khuất dưới chế độ độc tài đều được điều tra và phơi bày, giúp cho nạn nhân được phục hồi danh dự và một phần mất mát nếu có thể. Đây là công việc chính của Ủy ban, và công tác này giúp giảm bớt áp lực trả thù. Việc xử lý những cáo buộc đối với các viên chức và tổ chức của chế độ độc tài, nếu có, được thực hiện trên tinh thần hòa giải và do cơ quan tư pháp tiến hành theo đúng nguyên tắc tố tụng.

Về nguyên tắc, hoạt động của Ủy ban này cũng như hệ thống tư pháp mới dựa trên Hiến pháp và luật pháp mới trong khi thừa nhận tính chính đáng trong quá khứ của Hiến pháp và luật của chế độ độc tài. Ví dụ: vì trong Hiến pháp độc tài xem ĐCSVN là hợp pháp, Ủy ban này không xem đảng viên của ĐCSVN là có tội. Những cá nhân và tổ chức tự nguyện hay bị bắt buộc tuân theo luật pháp độc tài trong quá khứ đều không bị truy tố. Còn những cá nhân vi phạm chính luật pháp dưới chế độ độc tài nhưng được che chắn vì là đảng viên (ví dụ công an tra tấn đánh chết người mặc dù luật hình sự Việt nam hiện hành cấm tra tấn, hay gia đình của quan chức chiếm đất công qua thủ đoạn bất hợp pháp)—những người này nếu bị chứng minh là có tội vi phạm luật pháp của chính chế độ độc tài sẽ bị xử lý. Nhưng quá trình xử lý họ lại dựa trên luật pháp của chế độ dân chủ với những nguyên tắc tư pháp độc lập, suy đoán vô tội, có luật sư bào chữa công bằng theo đúng Hiến pháp dân chủ.

Về lo ngại chuyển hóa dân chủ có thể dẫn đến hỗn loạn hay nội chiến, đây là một ngụy biện của những người bênh thể chế độc tài. Bạn đọc tự hỏi mình xem: Ai sở hữu vũ khí ở Việt nam? Ai nắm quân đội và công an ở Việt nam? Nếu ĐCSVN không ra lệnh cho quân đội và công an nổ súng thì làm sao có nội chiến? Hiện thời tuyệt đối không có nước ngoài nào ủng hộ nội chiến ở Việt nam. Những nước dân chủ và muốn giúp Việt nam trở nên dân chủ–ví dụ như Anh, Mỹ, Thụy Điển, Canada, cũng như các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc và Ngân Hàng Thế Giới, không ai ủng hộ chiến tranh ở Việt nam lần nữa.

Có thể thấy tất cả các trường hợp trong sách đều không xảy ra nội chiến mà lại có tác động ngược lại. Chuyển hóa dân chủ giúp cho các phe phái đối nghịch trong các quốc gia này giải quyết các xung đột nghiêm trọng trong lãnh vực chính trị và xã hội bằng phương pháp hòa bình và đối thoại. Khi các đảng phái chính trị chấp nhận từ bỏ bạo lực và cạnh tranh trong hòa bình, chuyển hóa dân chủ mới có thể bắt đầu. Việt nam đã có nội chiến khốc liệt và ĐCSVN có vai trò chính trong đó. Di sản lịch sử này nếu không giải quyết sẽ tiếp tục gây chia rẽ sâu sắc trong dân Việt, giảm đi tiềm năng phát triển của Việt nam. Cũng như đối với vấn đề dân trí, dân chủ không những không dẫn đến nội chiến mà còn giúp cho người Việt hàn gắn những thù hận quá khứ.

Tôi không nghĩ dân chủ là liều thuốc trị mọi căn bệnh cho Việt nam. Nhưng trước mắt, qua kinh nghiệm của các quốc gia trong sách, chúng ta có thể thấy dân chủ có thể giúp Việt nam loại trừ vai trò của xung đột bạo lực trong đời sống chính trị, đáp ứng những tiêu chuẩn về dân quyền và nhân quyền của thời đại, khai mở dân trí, hòa giải dân tộc và kích thích sự phát triển mọi tiềm năng của dân Việt. Đây là những điều mà chế độ độc tài không bao giờ có thể mang lại cho Việt nam. Nếu người Việt đặt lợi ích dân tộc và quốc gia lên trên hết, dù là Đảng viên ĐCSVN hay không, thật khó mà không ủng hộ chuyển hóa dân chủ.

Nguồn: usvietnam.uoregon


No comments:

Post a Comment