March 23, 2020

Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới (kỳ 10)

Biên tập: Sergio Bitar và Abraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm


Dịch: Phạm Nguyên Trường


Chương 2

Công cuộc chuyển hóa thành công của Chile:

Từ tình trạng phân cực gay gắt sang dân chủ ổn định (Tiếp theo và hết)

 Kết quả hình ảnh cho Ricardo Lagos
Ricardo Lagos, Tổng thống Chile giai đoạn 2000 - 2006
Nỗi sợ quá khứ

Bạn có biết khi nào thì tôi nhận ra rằng tôi có thể thua trong cuộc tranh cử thượng viện không? Như tôi đã nói, tôi quyết định không tranh cử tổng thống năm 1989, mặc dù tôi được khá nhiều người ủng hộ. Đúng là lúc đó, các cuộc khảo sát không chính xác như bây giờ, nhưng tôi đã nhận thức được rằng nếu tôi trở thành ứng cử viên thì có thể xảy ra đảo chính. Tôi nhận ra rằng tôi có thể thua khi đang ở Huechuraba, một comuna nghèo, gần Santiago, tôi đang kết thúc bài phát biểu trước hơn 20.000 người và tôi nhìn thấy một người phụ nữ lớn tuổi, đang nhìn tôi như thể Thiên Chúa đang nói vậy. Khi tôi đi ra, người phụ nữ bắt đầu tiến đến gần sân khấu, sân khấu khá cao. Tôi nhận ra rằng bà sẽ không tới được chỗ tôi, vì vậy, tôi nhảy xuống. Mọi người dãn ra và tôi đã đi đến để ôm lấy bà. Bà ấy cảm động và nói: “Ông đã thuyết phục được tôi; tôi sẽ bỏ phiếu cho ông. Tôi là người ủng hộ Allende, nhưng tôi đã định bỏ phiếu cho Zaldivar, vì tôi từng nghĩ nếu ông mà được bầu thì quân đội có thể quay lại, và tôi sẽ bị đau khổ rất nhiều”. Nó tác động mạnh lên tôi đến mức tôi đã đề nghị một người đến nói chuyện với người phụ nữ đó vào ngày hôm sau, và bà kể cho người này nghe những chuyện đã xảy ra với mình trước đây - với các lực lượng quân sự. Đấy là lúc tôi nhận ra rằng tôi có thể thua trong cuộc bầu cử. Đấy là nỗi sợ hãi: mặc dù bà ấy ủng hộ tôi, nhưng bà lại nghĩ nên bỏ phiếu cho người khác để đảm rằng bảo rằng quân đội sẽ không quay trở lại, chỉ cần cả hai người đều chống Pinochet là được. Đó là nói về sự trưởng thành của nhân dân và sự trưởng thành như thế có thể làm cho quá trình chuyển hóa trở thành dễ dàng hơn.

Như vậy, cho đến lúc này chúng ta đã thảo luận về quan hệ với quân đội. Phái hữu dân sự từng ủng hộ Pinochet có vai trò gì?

Ở Chile, quân đội tìm kiếm sự tha thứ, nhưng phái hữu không bao giờ tìm kiếm sự tha thứ. Nhiều người cánh hữu tiếp tục khẳng định rằng cuộc đảo chính là cần thiết, và do đó biện minh cho những vụ vi phạm nhân quyền. Đấy tiếp tục là nhân tố làm mất lòng tin và là trở ngại cho việc hòa giải và những thỏa thuận rộng rãi hơn.

Hệ thống bầu cử

Trong quá trình chuyển hóa của Chile, sau năm 1988 đã có cơ hội quan trọng để tiến hành cuộc trưng cầu dân ý nhằm tu chính bản hiến pháp năm 1980, nhưng thay đổi tương đối ít, để lại nhiều ốc đảo độc tài. Lúc đó đã xảy ra những sự kiện nào và đánh giá của ông hôm nay?

Quá trình chuyển hóa đòi hỏi mỗi nhóm phải hiểu rằng không thể yêu cầu tất cả mọi thứ mà họ muốn. Đó là quá trình chuyển hóa: nói chuyện với những người có suy nghĩ khác nhau, ngay cả nếu họ đã bị thua, và làm việc rất nhiều vì mục đích chung, thắng cuộc trưng cầu, đàm phán với chính phủ, bãi bỏ Điều 8..v.v…

Bản hiến pháp của Pinochet đã lập ra hệ thống bầu cử “cặp” (binomal): mỗi khu vực bầu cử bầu hai đại diện. Phái hữu phát hiện ra rằng hệ thống này là nền tảng bảo đảm cho sự tồn tại về chính trị của họ, vì làm cho nó dẫn đến bế tắc về chính trị: bạn được 60% phiếu, còn tôi được 40% và chúng ta dính líu với nhau - bạn chọn một thứ, còn tôi chọn thức khác. Hệ thống bầu cử “cặp” còn có ảnh hưởng lớn đối với các liên minh, vì những thay đổi nhỏ trong liên minh có thể làm cho tất cả các ứng viên Đảng Dân chủ Cơ Đốc trúng cử, trong khi không có đảng viên PPD nào được bầu hay ngược lại, nhiều đảng viên PPD, trong khi chỉ có vài đảng viên Dân chủ Cơ đốc được bầu mà thôi. Ảnh hưởng này, cộng với túc số (số đại biểu quy định, cần có để biểu quyết một vấn đề) cao cần có để thông qua dự luật trong cơ quan lập pháo (hiện vẫn còn hiệu lực), trên thực tế, tạo cho liên minh đối lập khả năng phủ quyết dự luật. Sau 20 năm, không còn cần như thế nữa. Chu kì chính trị của cánh hữu với quyền phủ quyết - trong khi chúng tôi cầm quyền đã giành được đa số tại các cuộc bầu cử trong suốt 20 năm, nhưng chúng tôi không có đa số để thay đổi những thứ chúng tôi muốn thay đổi vì chúng tôi không thể tập hợp được đủ túc số hoặc chúng tôi rơi vào bế tắc. Làm sao thoát ra khỏi bế tắc này? Tôi không biết, bởi vì hệ thống “cặp” vẫn tiếp tục, và, thậm chí nếu chúng tôi giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo, tôi cũng không rõ là phải làm gì để có thể thay đổi chuyện đó.
Tôi cảm thấy là cần phải xóa bỏ cách làm như thế, nhưng không thể làm được. Cuộc đàm phán cuối cùng là giữa Aylwin với Jarpa, đại diện cho Đổi mới Quốc gia (Renovacion Nacional), thuộc phái hữu, cùng với Liên minh nói Không (Concertación de partidos por el NO), mà sau đó trở thành Liên minh vì Dân chủ (Concertación por la Democracia). Chúng tôi đã thắng trong cuộc trưng cầu dân ý nhưng không thể thay đổi được hệ thống “cặp”.

Cải cách hiến pháp

Hiến pháp của Pinochet đã có một kẽ hở. Nó đòi phải có túc số cao thì mới tu chính được: vấn đề quan trọng cần tới đa số là bốn phần bảy, còn tu chính một số mục của hiến pháp thì cần đa số là hai phần ba tổng số. Ngược đời là, mục nói về tu chính hiến pháp không nằm trong số những mục cần đại đa số, cho nên có thể tu chính mục này của hiến pháp với đa số đơn giản và làm như vậy là thay đổi nhóm túc số cần phải có để thay đổi hiến pháp. Đó là vũ khí duy nhất của chúng tôi. Vấn đề cần bàn là liệu chúng tôi có sử dụng vũ khí đó hay không, trong khi chế độ độc tài cũng đã biết rõ về điều đó. Cách khác là lao vào đối đầu trực diện. Quân đội có thể nói rằng chúng tôi chế nhạo, và họ có thể tấn công chúng tôi bằng một cuộc đảo chính nữa. Do đó, tiến lên ngay trong kì họp đầu tiên của Quốc hội là quá mạo hiểm. Cuối cùng, quân đội chấp nhận một loạt thay đổi, ví dụ, bãi bỏ Điều 8 và một số điều khác. Đổi lại, họ áp đặt túc số đặc biệt cho việc sửa đổi hiến pháp. Nói cách khác, họ đóng cửa con đường, không cho chúng tôi tiến hành những thay đổi mà chúng tôi cho là quan trọng trong bản hiến pháp năm 1980. Nhưng từ quan điểm của công chúng thì đây chỉ là thảo luận mang tính kĩ thuật và tôi thấy rằng chúng tôi đã đi vào ngõ cụt.

Tôi nhớ là chúng tôi đã đến thời điểm đưa ra quyết định cuối cùng là liệu có thông qua một vài thay đổi trong hiến pháp [những thay đổi có thể đàm phán với quân đội] không. Aylwin biết rằng tôi phản đối. Đó là lần duy nhất tôi thấy ông tức giận, vì chúng tôi đang tranh luận với nhau. Lúc đó, tôi phải gọi điện để nói “Không” với cuộc trưng cầu dân ý mới nhằm thay đổi bản hiến pháp đang được thương lượng với Pinochet. Lúc đó chúng tôi không có quyền đưa ra sáng kiến, trong giai đoạn đó chỉ chính quyền quân sự mới có quyền đề xuất về sửa đổi hiến pháp, và được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý. Vì vậy, tôi phải tung ra lời kêu gọi là bỏ phiếu “Không”.

Aylwin rõ ràng là ủng hộ phiếu “Có”. Ông nhấn mạnh rằng chúng ta sẽ cùng nhau thay đổi hệ thống bầu cử “cặp” sau. Aylwin kết luận mấy nhận xét mà ông vừa đưa ra và tôi hỏi ông: “Chúng ta có những đảm bảo nào?” Ông trả lời rằng ngày hôm sau chúng tôi sẽ đến nhà Ricardo Rivadeneira, luật sư của Renovacion Nacional, người đang soạn thảo công cuộc cải cách. Ngày hôm sau chúng tôi đến nhà Rivadeneira, nhưng Jarpa, đầu lĩnh của cánh hữu, không tới, nên chẳng làm được gì.

Khác biệt thứ hai giữa chúng tôi xuất hiện khi Aylwin trở thành tổng thống mới đắc cử. Tôi được dự định là bộ trưởng nội các. Tôi đã thua cuộc bầu cử vào Thượng viện và trong một lần nói chuyện riêng giữa hai chúng tôi, tôi hỏi ông: “Bước đi đầu tiên của ông sẽ là gì?”. Ông ấy nói với tôi rằng thực ra ông chưa nghĩ đến chuyện đó và ông hỏi có ý tưởng gì không. Tôi nói với ông ấy là tôi có, rằng ông nên gọi điện cho Pinochet bảo ông ta từ chức. Ông đáp lại rằng Pinochet sẽ không từ chức, và tôi nói với ông rằng ngay lúc đó ông phải gửi cho cơ quan lập pháp đề nghị cải cách hiến pháp, yêu cầu sửa đổi hiến pháp và tuyên bố rằng ông đã quyết định cách chức Pinochet và đã yêu cầu ông ta từ chức, và rằng ông ta không chấp hành vì hiến pháp nói rằng ông ta không có nghĩa vụ phải làm như vậy. Rồi chúng tôi bắt đầu thảo luận về vấn đề này, cho đến khi tôi nói với ông rằng ông không nhắc tới luận cứ quan trọng nhất để có thể khắc phục được sự khác biệt ý kiến. Ông hỏi tôi đó là cái gì và tôi nói với ông: “Ông có thể nói với tôi, ‘Ricardo, ông có cách hành xử của ông, ông vừa trở thành bộ trưởng nội các, còn tôi thì trở thành tổng thống’”. Vâng, thật tức cười vì tôi là bộ trưởng mà lại phải nói cho tổng thống rằng ông phải làm gì. Cả hai chúng tôi cùng phá lên cười và “luận cứ” chỉ đi xa đến đó thôi.

Xây dựng liên minh

Làm sao liên minh Concertación đạt được thỏa thuận khi liên minh này quyết định ai là ứng cử viên? Liên minh này cũng đã thảo luận và chuẩn bị chương trình cho mỗi chính phủ mới. Ông cho rằng cách làm như thế có tầm quan trọng đến mức nào?

Khó khăn hơn cả việc chuyển hóa từ chế độ độc tài sang dân chủ là những điều sẽ xảy ra sau khi nhà độc tài đã ra đi - ví dụ, thỏa thuận ai sẽ là ứng cử viên tổng thống.

Nhiều người nghĩ tôi phải là ứng cử viên tổng thống. Tôi hiểu rõ rằng đây không phải là vấn đề cần suy nghĩ. Chẳng khác gì đưa chiếc áo choàng màu đỏ ra phía trước mặt con bò tót. Đó là lí do vì sao hai ngày sau cuộc trưng cầu dân ý tôi lại thông báo rằng tôi sẽ không làm ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống. Quá trình chuyển hóa đòi hỏi rằng một số người phải từ bỏ nguyện vọng có thể có của mình. Tôi nhớ rằng cuộc trưng cầu dân ý Hội đồng Tối cao của PPD muốn tuyên bố tôi là ứng cử viên. Armando Jaramillo và những người khác tỏ ra rất nhiệt tình. Tôi cảm ơn họ, nhưng tôi giải thích rằng tôi mà ứng cử thì sẽ có hại cho quá trình chuyển hóa. Tôi đề nghị cùng ủng hộ Enrique Silva làm ứng cử viên của PPD và cuối cùng tất cả chúng tôi cùng ủng hộ Patricio Aylwin làm ứng cử viên của Concertación. Và phần còn lại là lịch sử.

Thiết lập các ưu tiên trong chính sách

Lúc đầu chúng tôi không nhận thức được một cuộc chuyển hóa khác, khó khăn hơn – chuyển hóa từ nước nghèo thành nước phát triển. Chúng tôi phải hỏi: “Chúng tôi muốn kiểu xã hội nào?” Không thể làm được tất cả mọi thứ ngay lập tức, cho nên trong quản trị người ta phải đặt ra các ưu tiên.
Xin đưa một ví dụ. Sau khi chúng tôi thắng trong cuộc trưng cầu dân ý, chúng tôi chắc chắn rằng Aylwin cũng sẽ thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Một hôm, tôi nhận được cuộc gọi từ Hội đồng Giám mục, họ hỏi liệu chính quyền Aylwin có ép thông qua luật li hôn hay không. Tôi nói rằng không, vì có những việc quan trọng hơn cần phải làm. Tôi giải thích rằng trong chính quyền thứ hai chúng tôi sẽ làm việc để có thể thông qua luật li hôn. Vâng, chúng tôi cũng đã không làm được việc này. Khi tôi là tổng thống, vị Hồng y hỏi tôi: “Còn li hôn?” “Lần này, có”, tôi nói với ông. Vì vậy, ông hỏi liệu tôi có thể dành cho ông đặc ân hay không. “Tại sao không để bộ trưởng tư pháp làm nhân vật chính để chúng tôi có thể tranh luận về chuyện đó với ông ta chứ không phải với ông?” Họ đã nhận thức được rằng điều kiện chính trị đã chín muồi và không thể ngăn chặn được thay đổi. Và luật li hôn đã được thông qua vào năm 2005.

Chúng tôi thỏa thuận về các ưu tiên của chúng tôi và các ưu tiên này được thể hiện trong chương trình được chuẩn bị trong mỗi chiến dịch tranh cử. Những chương trình được thỏa thuận đã giúp chúng tôi giữ được sự thống nhất. Quá trình chuyển hóa có những ưu tiên chính trị chính: Thay đổi hệ thống chính trị và bảo đảm sẽ có các cuộc bầu cử, bảo đảm tự do và tôn trọng nhân quyền. Sau đó, quá trình thứ hai, thay đổi về kinh tế và xã hội bắt đầu. Khi bạn đề nghị tăng trưởng cùng với bình đẳng cho tất cả mọi người và bạn tìm cách làm cho tăng trưởng đến với tất cả mọi người, thì cần phải có các chính sách công mới và hội nhập vào thế giới của thương mại tự do. Tất cả những việc này đòi hỏi phải có một đa số khá lớn. Vì vậy, có đa số khá lớn để đánh bại Pinochet là việc dễ; đa số khá lớn bầu cho Aylwin việc dễ; quá trình chuyển hóa này là phần khó hơn – quá trình chuyển hóa mà không gây ra tác động lớn với dư luận, nếu so với thời điểm khi mà nhà độc tài tháo khăn choàng tổng thống và khoác nó lên người vị tổng thống mới, vừa được nhân dân bầu lên.

Không có đảng chính trị nào đưa ra thỏa thuận chính thức [sau khi Aylwin được bầu làm tổng thống]; tất cả chúng tôi đều hoạt động trên cơ sở nhận thức rằng chúng tôi phải tiếp tục gắn bó với nhau. Chúng tôi sẽ phải thắng trong cuộc bầu cử, phải cầm quyền trong vòng tám năm, vì đó là nhiệm kỳ tổng thống, theo bản hiến pháp của Pinochet. Và chúng tôi vui vẻ đồng ý rút ngắn thời hạn từ 8 năm xuống còn 4 năm. Chúng tôi nghĩ: “Chúng ta sẽ ở bên nhau không quá bốn năm, và sau đó mỗi người có thể đi con đường riêng của mình và chúng ta sẽ quay lại tranh luận để tìm cho ra thỏa thuận mới”.
Bốn năm trôi quá nhanh và chúng tôi quay lại với thủ tục thỏa thuận ứng cử viên chung. Chúng tôi đã làm như vậy với cuộc bầu cử sơ bộ giữa nhiệm kỳ mà chúng tôi cùng với Eduardo Frei Ruiz-Tagle [con trai của cựu Tổng thống Frei Montalvo] đã phát minh ra để đảm bảo rằng ông sẽ thắng, và chúng tôi tiếp tục nắm quyền. Tôi tin rằng đó là thời điểm rất quan trọng, đấy khi bạn nhận ra rằng sự đoàn kết nhằm hạ bệ chế độ độc tài phải chuyển sang một giai đoạn khác, sang chương trình chuyển hóa về chính trị, kinh tế và xã hội. Nhìn lại, trong một thập kỉ, trước cuộc trưng cầu dân ý, chúng tôi đã có 10 năm suy nghĩ. Vì vậy, những việc mà Alejandro Foxley làm sau đó, khi ông là Bộ trưởng Tài chính, và các chính sách kinh tế và xã hội mà ông áp dụng để phát triển nền kinh tế và làm giảm đáng kể tình trạng nghèo đói là kết quả của suy nghĩ của nhiều người.

Quá trình chuyển hóa của Chile là khá đặc biệt. Sau khi trở về với dân chủ, Pinochet còn giữ chức tư lệnh thêm tám năm nữa và đương nhiên là khó cai trị khi nhà độc tài giữ chức vụ quan trọng như thế. Một số bắt đầu dự đoán các vấn đề mới về quản trị và những biện pháp đương đầu với chúng. Ví dụ, Edgardo Boeninger, người có vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa, nói với tôi: “Bây giờ chúng ta phải làm sao để các phong trào xã hội không còn tiếp tục hoạt động tích cực nữa, vì nếu không, làm sao chúng ta có thể tiếp tục cai trị nếu ngày nào họ cũng đòi thêm? Làm sao chúng ta có thể kiểm soát được kì vọng của dân chúng?”

Quản lí kinh tế để phát triển

Chile là câu chuyện thành công về kinh tế. Chính sách kinh tế đã giúp cho quá trình chuyển hóa chính trị như thế nào?

Trong thế giới hiện đại, quản lí kinh tế phải là công việc hệ trọng và đầy trách nhiệm. Đây không phải là vấn đề của phái tả hay phái hữu; phải tìm ra được biện pháp phù hợp để quản lí nền kinh tế. Ngoài ra, trong giai đọan chuyển tiếp, trong các nước đang phát triển, còn nhiều người nghèo đói, quản lí kinh tế là cực kì quan trọng, vì cần phải có tăng trưởng thì mới đáp ứng được nhu cầu của những lĩnh vực bị thiệt thòi. Cần phải có chính sách công vững chắc, hướng những khoản chi tiêu vào đúng những nơi cần, sao cho mọi người đều nhìn thấy có thay đổi. Nếu nhân dân không nhìn thay đổi theo hướng tốt hơn trong cuộc sống của họ thì người ta sẽ thất vọng với chế độ dân chủ vừa được tái lập. Nhiều người sẽ nghĩ rằng nếu chế độ dân chủ không có khả năng cung cấp, thì nó có ích lợi gì? Cho nên, tăng trưởng đã trở thành yếu tố then chốt trong chính sách của chúng tôi. Mỗi người lãnh đạo trong chính phủ trong quá trình chuyển hóa là thông tín viên chính trong nước và người đó phải giải thích ông/bà ta đang làm gì và tại sao ông/bà ta lại làm việc đó, và đất nước có tốc độ tăng trưởng đủ lớn hay là không. Dân chủ là giống cây phải được tưới nước mỗi ngày và thu nhập càng lớn thì càng nhiều nhu cầu có thể được đáp ứng.

Ủng hộ quốc tế

Ngoài tình đoàn kết của các Đảng Xã hội trong các nước khác, Chile có nhận được thêm sự ủng hộ quốc tế?

Sự giúp đỡ quốc tế, mà chúng ta đều dựa vào, theo cách này hay cách khác, là cực kì quan trọng. Tôi nhớ một số việc thay đổi trong chính phủ thứ hai của Reagan, đấy là lúc George Shultz có vai trò quan trọng. Vị đại sứ mới, Harry Barnes, đến Chile và nói: “Tôi muốn gặp Liên minh Dân chủ”. Armando Jaramillo là chủ tịch và hỏi đại sứ Barnes khi nào chúng tôi có thể tới thăm ông. Nhưng, ông trả lời là không, ông sẽ tới thăm chúng tôi. Chúng tôi có một văn phòng rất nhỏ và ông đại sứ đã đến đó. Chuyến thăm này có ảnh hưởng lớn đối với Pinochet; đó là một thay đổi chính sách quan trọng. Tôi còn nhớ rằng chúng tôi và những người khác, cùng với Sergio Bitar được mời tham dự một buổi hội thảo ở Bộ Ngoại giao (Mỹ- ND) vào năm 1985 và chúng tôi đã gặp Elliott Abrams (lúc đó là trợ lí bộ trưởng ngoại giao Mỹ – ND). Rõ ràng lúc đó chính quyền Mỹ đã giúp chế độ dân chủ quay trở về và tách ra khỏi Pinochet.

Nhìn về tương lai

Đàn áp và kiểm soát làm cho người ta sợ hãi và có thể làm tê liệt cuộc đấu tranh xã hội và hành động chính trị. Vì vậy, cần phải đánh tan nỗi sợ hãi. Đây là lí do vì sao chiến dịch “Nói không” năm 1988 tập trung vào hạnh phúc và tương lai: Alegria la ya viene (hạnh phúc đang tới gần). Bài học của ông về cách thức đối mặt với nỗi sợ hãi trong cuộc đấu tranh chế độ độc tài là gì?

Chiến dịch “Nói không”, được cả thế giới coi là tấm gương, cũng chịu ảnh hưởng của các bạn bè người Mỹ. Khi các chuyên gia quan hệ công chúng nói với chúng tôi – bằng những báo cáo về vi phạm nhân quyền và những thứ tương tự - chúng tôi sẽ làm cho người dân khiếp sợ, họ đã đề nghị rằng muốn lôi kéo được dân chúng về phía mình, ta phải nhìn về tương lai theo hướng tích cực, mà không sống mãi trong quá khứ. Chiến dịch “Nói không”, không còn nghi ngờ gì nữa và đó là một bài học quan trọng.

Những cuộc chuyển hóa hiện nay

Bằng những kinh nghiệm của mình, ông nhìn những quá trình chuyển hóa hiện nay như thế nào?
Quan trọng nhất là những cuộc chuyển hóa hôm nay khác với những cuộc chuyển hóa ngày hôm qua, vì bây giờ chúng ta có Twitter và Facebook. Khi tôi chấp nhận làm ứng cử viên tổng thống của Liên minh Dân chủ lần thứ hai, tháng 11 năm 1984, có một cuộc biểu tình và Pinochet tuyên bố tình trạng bị bao vây. Chúng tôi bị cho ra rìa và chúng tôi không thể nói chuyện với nhau. Chúng tôi bị cấm trả lời phỏng vấn; chúng tôi không còn là mình nữa. Enrique Silva, đứng đầu Đảng Cấp tiến, được gọi đơn giản là cựu tổng kiểm soát. Gabriel Valdes, đứng đầu Đảng Dân chủ Cơ đốc, được gọi là cựu ngoại trưởng còn tôi thì được gọi là nhà kinh tế học Ricardo Lagos. Không ai được nhắc tới chúng tôi cùng với đảng tịch của mình. Một hôm, đang lúc buồn, tôi tổ chức một cuộc họp báo dù biết rằng không có báo nào đưa tin. Sau khi tôi trình bày ý kiến của mình, một người lại gần và đưa ra cho tôi hai câu hỏi dành cho tờ New York Times. “Tại sao tôi lại quan tâm tới tờ New York Times, nếu vấn đề của tôi là tờ Santiago Times!” Tôi trả lời, rồi sau đó tôi xin lỗi. Cơn giận của tôi là do sự thất vọng mà tôi cảm thấy vì sự im lặng xung quanh chúng tôi do Pinochet dựng lên.

Gần đây, chính quyền Pinera cấm cuộc diễu hành do người lãnh đạo sinh viên, Camila Vallejo, kêu gọi và được tổ chức hằng tuần, vào các ngày thứ năm. Thế là, một đêm cô nói trên Twitter là tất cả mọi người nên gõ nồi niêu xoong chảo, và đêm đó mọi người cùng gõ nồi niêu xoong chảo. So sánh với quá trình chuyển hóa trước đây, mạng xã hội ngày nay thu hút được sự chú ý của mọi người, nhưng cuối cùng thì vẫn phải bước ra đường phố. Tuy nhiên, Twitter và Facebook là những công cụ truyền sức mạnh cho các phong trào xã hội; tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì về chuyện này. Và khi bạn nằm trong thành phần chính phủ, nhân dân sẽ sử dụng Twitter để yêu cầu bạn thực hiện lời hứa của mình, họ nói: “Tôi bầu cho ông và đang theo dõi xem chính quyền đối xử với chúng tôi như thế nào”.

Những nguyên tắc nền tảng

Ông có thể tóm tắt thật ngắn gọn một số điểm chính về cách thức tiến hành quá trình chuyển hóa từ chế độ độc tài sang dân chủ, bao gồm những nguyên tắc cơ bản cần phải hiểu và nhớ?
Thứ nhất, khi bắt đầu tiến hành quá trình chuyển hóa, phải hiểu rằng điểm khởi đầu là mọi người sợ quay trở lại chế độ độc tài và đàn áp. Thứ hai, xây dựng cho bằng được một liên minh rộng rãi nhất trong khả năng, vì bạn cần phải gom góp tất cả sức mạnh mà bạn có thể có để đoạn tuyệt với quá khứ. Thứ ba, không bao giờ được quên rằng chỉ trong giới hàn lâm người ta mới có thể làm và nói tất cả những thứ mà người ta muốn. Trong chính trị, bạn làm những việc bạn có thể làm, và bạn phải làm như vậy với niềm đam mê, làm một cách mạnh mẽ, sao cho mọi người nhìn thấy là bạn thực sự tin vào những điều bạn đang kêu gọi. Khi lời kêu gọi của bạn chỉ là mị dân và có động cơ cá nhân thì mọi người sẽ nhận thấy ngay và người ta sẽ không ủng hộ nữa.

Những mốc chính

Tháng 9 năm 1970: Một người thuộc phái tả, Salvador Allende, thắng vì được nhiều phiếu hơn - nhưng không phải là đa số - trong cuộc bầu cử tổng thống. Trong hoàn cảnh đó, Quốc hội chọn Tổng thống từ hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất. Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh cho Cơ quan tình báo trung ương (CIA) tìm cách phá hoại Allende.

Tháng 10 năm 1970: Rene Schneider, một vị chỉ huy quân đội nổi tiếng vì thái độ tôn trọng hiến pháp, bị giết trong một âm mưu bắt cóc bất thành (được CIA hỗ trợ) nhằm ngăn chặn việc bầu Allende. Quốc hội bầu Allende làm tổng thống.

Tháng 11 năm 1970: Allende bắt đầu quốc hữu hóa các mỏ đồng thuộc sở hữu của các công ti Mỹ, đồng thời đẩy nhanh công cuộc cải cách ruộng đất và gia tăng các khoản phúc lợi xã hội, đưa xã hội vào tình trạng phân cực.

Tháng 11 năm 1971: Fidel Castro thăm Chile trong 40 ngày, làm trầm trọng thêm tình trạng phân cực.

Tháng 10 năm 1972: Sau giai đoạn bất ổn kéo dài và một cuộc bãi công lớn, được CIA bí mật tài trợ, Allende bổ nhiệm nội các mới, có cả các vị chỉ huy quân sự.

Tháng 8 năm 1973: Quốc hội và Tòa án Tối cao cáo buộc Allende cai trị một cách bất hợp pháp, bằng các nghị định, lờ đi các quyết định của ngành tư pháp và có thái độ khoan dung với các nhóm vũ trang tả khuynh.

Tháng 9 năm 1973: Hội đồng quân nhân do tư lệnh Lục quân Augusto Pinochet Ugarte chỉ huy tiến hành đảo chính và nắm quyền. Allende chết. Hội đồng quân nhân cấm các đảng phái và các tổ chức công đoàn, giải tán Quốc hội, nhiều người cánh tả bị tra tấn và “mất tích”, đa số thành viên nội các bị bắt giam. Nhiều nhà lãnh đạo đối lập bỏ trốn.

Tháng 9 năm 1974: Tướng Carlos Prats Gonzalez, Chỉ huy Lục quân và Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ Allende, bị giết ở Buenos Aires, một trong mấy vụ ám sát do tình báo Chile thực hiện.

Tháng 4 năm 1975: Phản ứng lại trước tốc độ tăng trưởng thấp và lạm phát cao, chính phủ tiến hành cải cách thị trường tự do, được dẫn dắt bởi các nhà kinh tế học trường phái Chicago. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 15% ngay trong năm đó và thất nghiệp gia tăng.

Tháng 1 năm 1976: Theo chỉ thị của Hồng y Raul Silva Henriquez, Giáo hội Công giáo lập ra tổ chức gọi là Vicariate of Solidarity nhằm cung cấp sự trợ giúp về mặt pháp li, ghi chép những vụ vi phạm nhân quyền và xuất bản một tờ tạp chí có thái độ phê phán chính phủ.

Tháng 9 năm 1976: Orlando Letelier, đại sứ và bộ trưởng nội các thời Allende, cùng với người phụ tá của mình, bị ám sát ở Washington, DC. Chính phủ Mỹ lên án chính phủ Chile vì vụ giết người này.

Tháng 9 năm 1980: Chile tổ chức trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới, kéo dài quyền cai trị của hội đồng quân nhân đến năm 1990 và tổ chức trưng cầu vào năm 1988 về việc kéo dài chế độ cho đến năm 1998. Trong lúc còn chế độ kiểm duyệt, gian lận và cấm đoán các đảng phái, cuộc trưng cầu dân ý được chấp thuận, phe đối lập bác bỏ, coi là bất hợp pháp.

Tháng 6 năm 1982: Kinh tế Chile giảm 17% trong các năm 1982-1983, và thất nghiệp tăng lên đến 23%. Bất mãn với Pinochet tăng lên, buộc ông ta phải tiết chế bớt chính sách kinh tế của mình.
Tháng 5 năm 1983: Phe đối lập tổ chức những cuộc biểu tình lớn đầu tiên, phối hợp với công đoàn thợ mỏ, công đoàn này đã tiến hành những cuộc biểu tình từ mấy năm trước.

Tháng 8 năm 1983: Một loạt các đảng đối lập thành lập Liên minh Dân chủ, Liên minh này cam kết với quá trình thay đổi dân chủ một cách hòa bình.

Tháng 3 năm 1985: Vụ giết ba đảng viên cộng sản do cảnh sát quân sự thực hiện làm cho Tòa án Tối cao phải tiến hành điều tra. Cuối cùng, một số sĩ quan đã bị kết án; cảnh sát trưởng, thành viên của hội đồng quân nhân, phải từ chức.

Tháng 8 năm 1985: Mười một đảng kí Hòa hợp Dân tộc vì Chuyển hóa sang Dân chủ Hoàn toàn, chiến lược cải cách chính trị từ từ thông qua việc đưa chế độ cùng tham gia, được Giáo hội Công giáo ủng hộ.

Tháng 1 năm 1986: Hội đồng Dân sự (Civic Assembly), liên minh các nhóm xã hội dân sự ủng hộ dân chủ bắt đầu hoạt động.

Tháng 8 năm 1986: Lực lượng an ninh phát hiện kho vũ khí lớn ở Carrizal Bajo; chính phủ tuyên bố rằng đó là âm mưu của phái tả nhằm lật đổ chế độ, đấy là cái cớ để tăng cường đàn áp và làm mất uy tín của phái cực tả.

Tháng 9 năm 1986: Du kích cánh tả định ám sát Pinochet, họ giết chết năm người. Cuộc tấn công này làm cho phe đối lập càng thêm chia rẽ về việc sử dụng bạo lực và tạo cớ cho chính quyền đàn áp.
Tháng 4 năm 1987: Giáo Hoàng John Paul II thăm Chile, Ngài lên tiếng chỉ trích chế độ độc tài và kêu gọi dân chủ.

Tháng 9 năm 1987: Chính phủ đề cử Pinochet làm ứng cử viên tổng thống cho cuộc trưng cầu dân ý năm 1988, hợp pháp hóa quảng cáo chính trị và bắt đầu đăng kí cử tri.

Tháng 1 năm 1988: Phe đối lập quyết định chiến đấu với cuộc trưng cầu dân ý, mặc dù có những lo ngại sự trung thực và thành lập Liên minh “Nói không” (Concertacion de partidos por el NO). Tính chuyên nghiệp của Liên minh này làm chính phủ phải ngạc nhiên và được quốc tế ủng hộ; đại sứ Mỹ và những người khác áp lực phải tiến hành trưng cầu dân ý một cách trung thực.

Tháng 10 năm 1988: Cử tri không chấp nhận cho Pinochet tiếp tục cầm quyền, với tỉ lệ: 56% phản đối, 44% ủng hộ. Chính phủ đàm phán với phe đối lập về những sửa đổi lặt vặt trong bản hiến pháp, nhưng vẫn khăng khăng đòi cho Pinochet làm tư lệnh Lục quân trong tám năm nữa và sau đó thì trở thành thượng nghị sĩ suốt đời.

Tháng 7 năm 1989:. Thay đổi hiến pháp được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu tự do, sau cuộc đàm phán căng thẳng. Những cuộc cải cách đã làm thay đổi thủ tục tiến hành sửa đổi hiến pháp, hạn chế tình trạng khẩn cấp, để cho hiệp ước thay thế luật của Chile, mở rộng đa nguyên chính trị, nhưng vẫn bảo đảm quyền tự chủ của giới quân nhân.

Tháng 12 năm 1989: Chile tổ chức tuyển cử tự do. Liên minh Concertación por la Democracia, kế thừa của Liên minh “Nói không”, giành được đa số ghế trong Quốc hội. Patricio Aylwin, đảng viên Đảng Dân chủ Cơ đốc và người lãnh đạo Concertación, đánh bại Bộ trường bộ tài chính của Pinochet và giành được chức tổng thống.

Tháng 3 năm 1990: Chính phủ khởi động kế hoạch nhằm kết hợp chính sách kinh tế vĩ mô thời Pinochet với những biện pháp xóa đói giảm nghèo mới, cải cách thuế khóa, và tăng đầu tư công.
Tháng 4 năm 1990: Aylwin triệu tập Ủy ban Sự thật và Hòa giải để báo cáo về vi phạm nhân quyền dưới thới Pinochet. Báo cáo năm 1991 của Ủy ban này xác định có 2.279 vụ giết người có yếu tố chính trị.

Tháng 4 năm 1991: Thượng nghị sĩ Jaime Guzman, đồng minh của Pinochet, bị cánh tả cấp tiến ám sát. Những vụ bắt cóc và bạo hành nhắm vào phái hữu thúc đẩy quá trình phân cực trong xã hội và khuyến khích chính phủ củng cố các cơ quan tình báo.

Tháng 10 năm 1992: Sau khi hiến pháp được tu chính, những cuộc bầu cử đầu tiên - tính từ năm 1973 - ở các hội đồng thành phố được tổ chức.

Tháng 12 năm 1993: Liên minh Concertación của Eduardo Frei Ruiz-Tagle, một đảng viên Đảng Dân chủ Cơ đốc và là con trai của cựu tổng thống, được bầu làm tổng thống. Concertación tiếp tục kiểm soát Quốc hội.

Tháng 5 năm 1995: Manuel Contreras, cựu giám đốc tình báo, bị buộc tội âm mưu ám sát Letelier. Cuối cùng, ông ta bị kết án là đã có những hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Tháng 3 năm 1998: Pinochet từ chức tư lệnh Lục quân. Là cựu tổng thống, ông ta trở thành Thượng nghị sĩ suốt đời, được quyền miễn tố.

Tháng 10 năm 1998: Pinochet bị bắt ở London, theo lệnh quốc tế, do những vụ vi phạm nhân quyền. Chính phủ Frei yêu cầu dẫn độ về Chile và để quan tòa Chile xử ông ta.

Tháng 1 năm 2000: Ricardo Lagos, nhà lãnh đạo Liên minh trung tả Concertación, từng là Bộ trưởng Giáo dục dưới thời Aylwin, được bầu làm tổng thống.

Tháng 3 năm 2000: Pinochet được dẫn độ về Chile. Quốc hội cho ông ta quyền miễn tố nhưng cách chức thượng viện nghị sĩ. Nhiều vụ kiện phản đối vụ miễn tố này.

Tháng 5 năm 2004: Lagos triệu tập Ủy ban nhằm xác định và bồi thường cho những người đã bị giam cầm và tra tấn dưới thời Pinochet. Sáu tháng sau, cơ quan này đưa ra báo cáo.

Tháng 9 năm 2005: Quốc hội sửa đổi hiến pháp, loại bỏ các thượng nghị sĩ không do dân bầu và cho phép tổng thống quyền cách chức các chỉ huy quân đội và cảnh sát.

Tháng 1 năm 2006: Đảng viên Đảng Xã hội, Michelle Bachelet, đại diện cho Liên minh Concertación ứng cử viên và là con gái của một viên tướng từng phản đối Pinochet, được bầu làm nữ tổng thống đầu tiên của Chile.

Tháng 12 năm 2006: Pinochet qua đời ở tuổi 91, lúc chết vẫn là đối tượng của một vụ truy tố còn hiệu lực.

Tháng 1 năm 2010: Doanh nhân và chính trị gia trung hữu, Sebastian Pinera, được bầu làm tổng thống, đây là lần đầu tiên liên minh Concertación thua trong cuộc bầu cử tổng thống.

ĐỌC THÊM
Arriagada, Genaro. Pinochet: The Politics of Power. Boston, Mass.: Unwin Hyman, 1988. Do giám đốc điều hành Liên minh “Nói không” chấp bút.

Aylwin, Patricio. El Reencuentro de los Demócratas: Del Golpe al Triunfo del No. Santiago: Ediciones Grupo Zeta, 1998.

Aylwin, Patricio, Serrano Perez, Ascanio Cavallo, and Karin Niklander. El Poder de la Paradoja: 14 Lecciones Políticas de la Vida de Patricio Aylwin. Santiago: Grupo Editorial Norma, 2006.
Barahona de Brito, Alexandra. Human Rights and Democratization in Latin America: Uruguay and Chile. Oxford: Oxford University Press, 1997.

Bitar, Sergio. Transición, Socialismo y Democracia: La Experiencia Chilena. Buenos Aires: Siglo Veintiuno Editores, 1979.

Drake, Paul W., and Ivan Jaksic, eds. The Struggle for Democracy in Chile. Lincoln: University of Nebraska Press, 1991.

Fleet, Michael, and Brian H. Smith. The Catholic Church and Democracy in Chile and Peru.
Notre Dame, Ind.: University of Notre Dame Press, 1998.

Foxley, Alejandro. “Lessons from Chile’s Development in the 1990s.” In Development Challenges in the 1990s: Leading Policymakers Speak from Experience, edited by Timothy Besley and Roberto Zagha. Washington, D.C.: World Bank, 2005. By Christian Democratic think-tank leader and finance minister under Aylwin.

Garreton, Manuel Antonio. Reconstruir la Política: Transición Consolidación Democrática en Chile. Santiago: Editorial Andante, 1987.

Huneeus, Carlos. The Pinochet Regime. Boulder, Colo.: Lynne Rienner, 2007.

Lagos, Ricardo, with Blake Hounshell and Elizabeth Dickinson. The Southern Tiger: Chile’s Fight for a Democratic and Prosperous Future. New York: Palgrave Macmillan, 2012. By a former president and Concertacion leader.

Munoz, Heraldo. “Chile: The Limits of Success.” In Exporting Democracy: The United States and Latin America, edited by Abraham F. Lowenthal. Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1991.
Ominami, Carlos. Secretos de la Concertación: Recuerdos Para el Futuro. Santiago: Editorial Planeta, 2011.

Oxhorn, Philip. Organizing Civil Society: The Popular Sectors and the Struggle for Democracy in Chile. University Park: Pennsylvania State University Press, 1995.

Puryear, Jeff rey M. Thinking Politics: Intellectuals and Democracy in Chile, 1973–1988. Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1994.

Silva, Patricio. “Searching for Civilian Supremacy: The Concertacion Governments and the Military in Chile.” Bulletin of Latin American Research 21, no. 3 (2002): 375–95.

Tironi, Eugenio, and Guillermo Sunkel. “The Modernization of Communications: The Media in the Transition to Democracy in Chile.” In Democracy and the Media: A Comparative Perspective, edited by Richard Gunther and Anthony Mughan. Cambridge: Cambridge University Press, 2000.
Valenzuela, J. Samuel, and Timothy R. Scully. “Electoral Choices and the Party System in Chile: Continuities and Changes

[1] Điều 8 hiến pháp năm 1980 của Pinochet nói rằng các cá nhân có thể bị coi là phải chịu trách nhiệm hình sự về những suy nghĩ của mình: “Các đảng chính trị và các tổ chức khuyến khích tư tưởng xét lại gia đình, ủng hộ bạo lực, hoặc là tuyên truyền các khái niệm toàn trị là vi hiến”; như vậy là nó cung cấp cho chính quyền cơ sở để tiến hành đàn áp, mà không cần các cơ quan tư pháp.
[2] Ủy ban Quốc gia về Tù Chính trị và Tra tấn, gọi là Ủy ban Valech, chủ tịch là giám mục Công Giáo, Sergio
Valech, vốn là chủ tịch tổ chức nhân quyền có tên là La Vicaria de la Solidaridad, hoạt động dưới thời Pinochet.

No comments:

Post a Comment