Phạm Nguyên Trường dịch
Cần phải hiểu Lực lượng 47 như là một phần của thách thức rộng lớn hơn đối với chế độ và những lựa chọn hạn chế mà chế độ đang gặp.
Ghi chú: Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết hiện lực lượng này (gọi là lực lượng 47 - theo chỉ thị 47) đã có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, "vừa hồng vừa chuyên", kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ.
Quân đội Nhân dân Việt Nam chính thức công nhận Lực lượng 47 tác chiến trên không gian mạng đã gây ra cuộc tranh luận và chỉ trích gay gắt trong thời gian gần đây không chỉ trên bình diện quốc tế mà cả ở trong nước.
Các luận cứ được đưa ra cho đến nay là có thể dự đoán được: Lực lượng đặc nhiệm này là vũ khí mới của Việt Nam nhằm chống lại những người bất đồng chính kiến trên không gian mạng, và việc kiểm duyệt và thái độ ít khoan dung hơn đối với các quan điểm khác nhau cũng có thể gây ra hậu quả đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Tuy nhiên, ít người để ý đến tổ chức thực sự lực lượng này, và quan trọng hơn là Đảng Cộng sản Việt Nam đang cầm quyền nhận thức như thế nào về cuộc đấu tranh chống lại cái được gọi là “diễn biến hòa bình” trong thời đại của truyền thông xã hội. Do sự quan tâm dành cho tổ chức này, cần phải khảo sát nó một cách chặt chẽ dưới góc độ đó.
Lực lượng 47, như nó được hình dung, trên thực tế chỉ toàn các sĩ quan quân đội và và binh sĩ, những người vốn là thành phần của lực lượng vũ trang. Hầu hết trong số họ đều được đào tạo về tuyên truyền và được trang bị những kỹ năng nhằm chống lại cái mà chế độ thường coi là yếu tố của “diễn biến hòa bình” trên Internet, trong giai đoạn mà những người có ảnh hưởng đang sử dụng rộng rãi những đường truyền trực tuyến ở Việt Nam cũng như ở các nước khác trên thế giới.
“Diễn biến hoà bình”, theo Đảng cộng sản Việt Nam, là chiến lược nhằm thâm nhập và phá hoại nhà nước xã hội chủ nghĩa bằng cách truyền bá những tư tưởng chính trị và lối sống của phương Tây, kích động thái độ bất mãn, và khuyến khích các nhóm người nhằm thách thức sự lãnh đạo của Đảng. Thành phần rất quan trọng của lý thuyết về diễn hòa bình là tư tưởng “tự chuyển hóa”, nghĩa là một số người trong giới cầm quyền hay các quan chức của đảng có thể bám vào các tư tưởng ngoại lai, chứ không bị bất cứ quốc gia hay tổ chức nào ép buộc.
Đơn vị đặc nhiệm này không có cơ cấu tổ chức hoặc vật chất cụ thể, và như được hiểu cho đến nay, tổ chức là tương đối tính phi chính thức và linh hoạt, dựa trên các nhiệm vụ cụ thể. Số 47 cũng chỉ đơn giản là số hiệu chứ không phải là tên hiệu với mức độ tập quyền cao.
Thay vào đó, tùy thuộc vào quy mô và phạm vi của nhiệm vụ cụ thể nào đó, các thành viên của lực lượng này (khoảng 5.000 đến 10.000 người) sẽ tham gia vào việc chống lại “quan niệm sai trái” theo cách riêng của họ. Mệnh lệnh và kiểm soát là tối thiểu, thậm chí trong một số trường hợp hoàn toàn không có, vì các thành viên của đơn vị đặc nhiệm được quyền hoạt động độc lập và chủ động trên Internet. Đảng Cộng sản vẫn có thể duy trì trật tự và kỷ luật về ý thức hệ của lực lượng này (và dĩ nhiên là đưa ra những phương hướng chung) thông qua mạng lưới chính trị viên độc đáo của mình, được triển khai xuống đến cấp đại đội.
Nói cách khác, các binh sĩ của Lực lượng 47 thực hiện các nhiệm vụ và sứ mệnh chính thức hàng ngày của mình, trong đó có đào tạo, nghiên cứu và tương tác với các đối tượng cụ thể, theo bộ quy tắc ứng xử của họ, đồng thời trở thành những người tranh luận trên internet, nếu cần. Cơ chế chỉ huy và kiểm soát linh hoạt này cho phép các bi nh sĩ của lực lượng đặc nhiệm được miễn các thủ tục nghiêm khắc thường thấy trong các mạng lưới truyền thống của Đảng Cộng sản.
Có một số biện pháp để Lực lượng 47 sử dụng nhằm thực hiện các mục tiêu của mình. Phương pháp rõ ràng nhất là sử dụng mạng truyền thông xã hội nổi tiếng nhất tại Việt Nam: Facebook. Nhiều trang Facebook đã được tạo ra nhằm ủng hộ các lợi ích quân sự hoặc ít nhất là tài trợ và quản lý từ quân đội hoặc nhân viên quân sự (tại ngũ và đã nghỉ hưu). Khi sự cố xảy ra, các trang Facebook này kiên quyết bảo vệ chính sách của chính phủ hoặc tấn công các đối thủ một cách dữ dội. Nếu biết rằng gần một nửa dân số Việt Nam hiện đang sử dụng Facebook (và vẫn đang gia tăng) và nhiều nhà bất đồng chính kiến và lực lượng chống chế độ cũng đang sử dụng Facebook làm căn cứ nhằm quảng bá chương trình nghị sự của họ, thì đây là điều không làm người ta ngạc nhiên.
Đối với Đảng Cộng sản, xét từ quan điểm rộng hơn này, việc thành lập Lực lượng 47 có thể được coi là có lợi về một số khía cạnh. Thứ nhất, không tốn nhiều tiền. Thay vì thuê một số người, quân đội có thể đưa sĩ quan và binh sĩ của mình tham gia, trong khi vẫn kiểm soát cách suy nghĩ của họ, đồng thời cho phép họ tự chủ khi thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Thứ hai, nó là sự mở rộng của những nỗ lực của chế độ nhằm bảo vệ các tư tưởng của Đảng, như đã thấy trên các trang Facebook nói trên (những người theo, thích, và nhắc tới đã gia tăng) và sự vươn lên của cái gọi là những trang “đỏ” và bảo thủ trên Facebook và thậm chí là trên Youtube.
Vấn đề là tại sao Đảng Cộng sản lại chọn thời điểm cụ thể hiện nay để thành lập và công khai hóa lực lượng đặc nhiệm này. Trên thực tế, sự kiện phải được hiểu là một phần của chiến dịch mà chính phủ đang tiến hành. Ví dụ, tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã kêu gọi kiểm soát Internet một cách khắt khe hơn trước việc “các thế lực thù địch đe doạ không chỉ an ninh mạng mà còn làm suy yếu uy tín của lãnh đạo Đảng và nhà nước”. Trong hội nghị Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hồi giữa tháng trước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Quân đội phải quan tâm hơn nữa tới cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, bảo vệ cái đúng và sự thật, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, cương quyết bác bỏ những quan điểm sai trái và những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Quân đội phải là lực lượng tiên phong và có những hành động quyết liệt hơn trong lĩnh vực này”.
Cũng phải hiểu hành động này trong bối cảnh các lựa chọn có giới hạn của chính phủ Việt Nam so với các nước khác, trong đó có Trung Quốc. Nói một cách đơn giản, Việt Nam không có đủ tiền và trình độ chuyên môn để có thể xây dựng hệ thống ngăn chặn các trang web hùng mạnh và hiệu quả như Vạn Lý Trường Thành Trên Mạng của Trung Quốc.
Tương tự như thế, chính phủ cảm thấy rằng không thể đơn giản là cấm Facebook hay Google hoặc bất kỳ mạng xã hội nào khác vì những mạng xã hội này đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, truyền thông xã hội là kênh tiếp thị quan trọng đối với người tiêu dùng trẻ tuổi và giàu có trong nền kinh tế có tốc đô tăng trưởng hơn 6% một năm. Thiết lập Vạn Lý Trường Thành Trên Mạng, tương tự như của Trung Quốc, không chỉ là một cơn ác mộng về mặt tài chính và kỹ thuật đồi với chính phủ, mà còn là cơn ác mộng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang sử dụng Internet để tiến hành công việc kinh doanh. Kiểm soát Internet khắt khe hơn cũng có thể làm chậm lại quá trình đổi mới và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Việc sử dụng các cán bộ tuyên truyền và các nhà bình luận truyền thống cũng có những hạn chế, mà chế độ đang phải cảnh giác. Những người tham gia vào công việc này có thể bị kiểm soát gắt gao, nhưng họ có thể không đủ khả năng nhằm tạo ra ảnh hưởng đáng mong muốn và trên thựcc tế, có thể gặp những trở ngại khi làm việc vì một số nhóm bị mang tiếng xấu là được nhà nước bảo trợ một cách quá đáng, nhất là đối với các thanh niên và người dân thành thị đang ngày càng Tây hóa hơn. Bên cạnh đó, như đã nói bên trên, nhà nước cũng cần đầu tư nhiều tiền hơn để duy trì và ủng hộ quá trình này.
Với tất cả những điều đã trình bày, sử dụng các “chiến binh trên không gian mạng” chuyên nghiệp và được đào tạo là lựa chọn tốt hơn đối với chế độ. Cách tiếp cận này được Đảng và Chính phủ thông qua có thành công hay không, hiện nay chưa thể đánh giá đươc. Nhưng rõ ràng là, trong thời gian gần đây, các cán bộ tuyên truyền và những nhà bình luận truyền thống đã không còn hấp dẫn đối với thế hệ trẻ có kiến thức và có đầu óc cởi mở hơn, và chiến thắng trên không gian ảo đòi hỏi một cách tiếp cận khác.
Nguyễn Thế Phương là nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS), Đại học Quốc gia Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh.
Đã đăng trên Dân Luận
No comments:
Post a Comment