1. Bỏ tết âm lịch ở đây chỉ có nghĩa là bỏ thời gian nghỉ quá dài trong dịp tết âm lịch, hiện nay là 7 ngày. Tôi cho đây là sai lầm, vì nó chẳng những làm mất quá nhiều thì giờ, bê trễ trong việc làm, gây khó khăn cho việc làm ăn với nước ngoài, mà còn gia tăng những những hủ tục và tệ nạn (sẽ được bàn trong những phần sau).
Chợ tết thời bao cấp
2. Bỏ nghỉ tết âm lịch không có nghĩa là số ngày nghỉ trong 1 năm sẽ giảm. Số ngày nghỉ (7 ngày) như hiện nay sẽ được chuyển thành ngày nghỉ có lương cho những người làm công ăn lương, ví dụ, công thêm vào những ngày nghỉ năm mới theo dương lịch hoặc công thêm vào ngày nghỉ phép có lương. Tôi cho rằng trong giai đoạn đầu có thể vẫn nghỉ 1 ngày mồng 1 tháng giêng âm lịch
3. Bỏ nghỉ tết âm lịch chỉ ảnh hưởng tới những người làm công ăn lương, sinh viên học sinh; còn nông dân, các bà bán hàng xén hay anh chạy Uber… muốn nghỉ bao nhiêu, nghỉ ngày nào là tùy thích, thậm chỉ nghỉ luôn cũng không sao.
4. Bỏ nghỉ tết âm lịch không có nghĩa là bạn không được làm cỗ cúng trong những ngày 23, 30 tháng chạp hay 3 tháng giêng. Xã hội ngày càng đa nguyên, việc tổ chức đời sống của bạn thế nào là tùy bạn, không ai có quyền can thiệp.
Pháo tết ngày xưa
Việc làm & hội nhập
1. Việc làm. Tết nguyên đán ở Việt Nam có một cái gì đó rất lạ. Vấn đề không chỉ là số ngày nghỉ, mà là không khí chểnh mảng trước và sau tết. Ngày 12 tháng 12 (dương lịch), tôi gửi cho NXB bản thảo cuốn sách dịch có tính nhập môn về kinh tế học. Thông thường, với những tác phẩm “không động chạm gì” như thế này, chỉ khoàng 15 ngày đến 1 tháng là sẽ xong phần biên tập. Nhưng lần này, tôi nhận được thư trả lời như sau: “… sẽ cho xem thông tin phần bản quyền, và sẽ báo .. sau. Vì giờ cuối năm rồi cũng không in gì kịp nữa”. Và đến nay cũng chưa nhận được bất cứ phản hồi nào. Tôi đoán rằng phải sang tháng 3 thì may ra người ta mới bắt tay vào “xử lí” bản thảo này. Như vậy là, chậm hơn những cuốn khác chừng 2 tháng.
Hôm qua, bạn Ngô Nhật Đăng, trong 1 comment đã viết: “Hồi còn liên doanh với bọn nước ngoài, 1 năm coi như bị nghỉ đến 2 tháng. Chúng nó chơi từ 5/12 đến tận 5/1 năm sau, Giáng sinh, Tết Tây (chỉ trừ những việc quá quan trọng. Sau đó lại nghỉ thêm vì ‘Lại đến Tết của chúng mày’”. Một số bạn khác, trong những STT trước đó cũng nhận xét tương tự.
Nghĩa là tết âm lịch không phải chỉ kéo dào 5-7 ngày như chính phủ quy định, mà kéo dài ít nhất là 1 tháng, còn thường thường là 2 tháng.
2. Hội nhập. Tây nghỉ tết dương lịch 1 tuần, từ Noel qua 1 tháng 1 hàng năm. Nhưng, thứ nhất, họ nghỉ bao ngày là đúng từng ấy ngày chứ không “lai rai” như ta. Thứ hai, hồi còn đi làm, tôi thường thấy các đơn chào hàng từ các nước châu Âu (Italy, Pháp) đều viết, thời hạn giao hàng là 4-5 tháng, trừ tháng 8. Tức là họ nghỉ hè vào tháng 8. Trong khi đó ta lại “lai rai” vào tháng 1-2, còn tháng 8 lại làm. Tức là ta không đồng bộ với họ, mà họ lại là đối tác, là thị trường quan trọng của ta. Thế là ta gặp khó khăn trong làm ăn trên trường quốc tế, mà ta cần họ chứ họ không cần ta.
3. Về câu hỏi: Đời có bao lăm, sao chỉ nghĩ đến làm? Tất nhiên, trên bình diện cá nhân, ai thích làm ngày nào, nghỉ ngày nào là tùy, thậm chí trở thành hành khất cũng chẳng có vấn đề gì. Đây là nói về chính sách lớn. Mà lớn thì, như chúng ta đều biết, nước ta đứng thứ 14 thế giới về dân số, trong khi ta lại là nước thuộc loại nghèo nhất, hèn nhất; có ít đóng góp nhất về tất cả các lĩnh vực. Hộ chiếu Việt Nam bị người ta coi thường. Một gã ma cà bông người Âu hay người Mỹ đều có thể dễ dàng nhập cảnh Việt Nam làm Tây ba lô; trong khi đó, trừ quan chức, còn tất cả thường dân Việt Nam muốn vào những nước đó đều phải có giấy mời, có vé khứ hồi…và còn bị hành hạ đủ điều mới có viza. Bạn có thấy tủi không? Chứng kiến ông thủ tướng một nước mà dân số đứng thứ 14 thế giới phải cảm ơn quan chức các nước chỉ bé bằng viên đạn vì đã giúp đỡ nước mình, bạn có thấy xấu hổ không?
Nếu bạn thấy xấu hổ và công nhận rằng mình nghèo, mình hèn, mình kém hơn người ta mà lại muốn nghỉ nhiều hơn, muốn “lai rai” lâu hơn người ta thì có được không?
Đi lại, tai nạn giao thông & đánh nhau
1. Đi lại: Báo Pháp Luật Việt Nam ngày 3 tháng 1 năm 2016 viết: “tết năm nào cũng giống năm nào, muôn nẻo câu chuyện “về quê ăn tết” trở thành nỗi ám ảnh cho những người con xa xứ.
Đầu tiên là bến xe nơi mà họ phải vạ vật, chờ đợi, cầu may đêm ngày để mua được tấm vé lên xe về quê. Nhưng đa số cánh nhà xe đã mua số lượng lớn vé xe khách. Khách hàng buộc phải mua vé chợ đen với giá cắt cổ hoặc bị đủ mọi “cò” mồi chài, nhồi nhét lên các xe dù. Đứng xếp hàng chờ đến lượt mua vé quá lâu, nhiều người mệt mỏi ra ghế chờ ngồi, nằm ngủ, có người ngồi bệt trên sàn trong bến xe. Người mua, kẻ bán tấp nập tạo cơ hội cho kẻ gian móc túi, cướp giật nơi bến xe ngày tết hoạt động triền miên.
Cảnh đi lại ngày tết
2. Giá vé tăng. Năm nay, Theo quy định của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, các hãng xe không được phụ thu vé xe Tết Nguyên Đán 2018 quá 60% so với ngày bình thường. Vất vả và giá vé cao là đúng vì dịp tết số người đi lại gia tăng khỏng 50%, không thể nào có đủ phương tiện để đáp ứng mức độ gia tăng cao đến như thế.
Tiền làm cả năm ở trong Nam, chi cho một chuyến ra Bắc đầy nhọc nhằn, vất vả là vừa hết.
3. Tai nạn giao thông. Ngày 27 tháng 12 năm 2017 Báo mới đưa tin: năm 2017, mỗi ngày có 23 người chết vì tai nạn giao thông. Báo Giao thông ngày 1 tháng 2 năm 2017 đưa tin: Trung bình mỗi ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2017 có 29 người chết và 60 người bị thương vì tai nạn giao thông. Như vậy, số người chết vì tai nạn giao thông trung bình trong ngày tết cao hơn ngày thường 6 người; những ngày 30, 1, 2 và 3 tết số người chết và tai nạn giao thông chắc chắn còn lớn hơn con số trung bình này. Như vậy nếu không sa đà vào việc ăn nhậu trong dịp tết, thậm chí bỏ hẳn tết âm lịch đi thì mỗi ngày đã có ít nhất là 6 gia đình con không bị mất cha, vợ không bị mất chồng.
Thương tật ngày tết
Vui ở đâu chưa biết, nhưng đọc những tin tức này hẳn mọi người đều sởn da gà. Có ai còn muốn tết cổ truyền nữa không?
Truyền thống & đoàn tụ
I. Truyền thống:
Tất cả chúng ta đều cho rằng tết nguyên đán là truyền thống lâu đời, nhưng truyền thống có thay đổi hay không?
Xin xem xét một vài truyền thống:
1. Trước năm 1945, tất cả những người có học đều nghĩ rằng đất nước một ngày không thể không có vua, Cách mạng tháng 8 xóa sổ luôn truyền thống cả ngàn năm đó trong có vài ngày.
2. Cách đây chưa tới 100 năm, người thiếu nữ đẹp truyền thống là:
Răng đen ai nhuộm cho mình
Cho duyên mình đậm cho tình anh mê
Người thiếu nữ đó rồi sẽ thành người đàn bà răng đen, váy đụp, miệng nhai trầu bỏm bẻm, rồi ra đầu hẻ nhổ đến toẹt một cái. Bạn có muốn có người mẹ vợ/mẹ chồng truyền thống đó không? Còn người đàn ông truyền thống là tóc búi tó củ hành, đóng khố, hút thuốc lào sòng sọc, rồi phun ngay bã ra nền nhà. Bạn có muốn có ông bố vợ/bố chồng truyền thống đó không?
3. Truyền thống lấy vợ lấy chồng: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã chuyển thành “Con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy”. Thách ông nào nghe cô con gái nói rằng sẽ cưới anh A, anh B nào đó dám vin vào truyền thống mà cấm cản!
4. Việc đón tết cổ truyền cũng đã khác xưa, nếu ngày xưa là:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.
Thì nay: câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo đã không còn; chắc là mọi nhà đều có cặp bánh chưng, nhưng thịt mỡ và dưa hành thì không phải nhà ai cũng có.
Những người ở thành phố có xe hơi riêng thường thông báo với người quen rằng sẽ đi du lịch vào ngày 30 hay sáng 1 tết; có lẽ là để tránh nhậu nhẹt và tránh phải nói, phải nghe những lời đã quá quen.
Kết luận: Tất cả những thứ gọi là thói quen, phong tục, truyền thống, văn hóa cũng đều phải tuân theo quy luật: Sinh, trụ, hoại, diệt; tết cổ truyền thì cũng thế. Tất cả đều phải thay đổi cho phù hợp với thời đại, mà thời đại này là cạnh tranh, là tốc độ, chậm là nghèo hèn, là không thể an toàn.
II. Đoàn tụ. Có người nói rằng nhờ có tết người ta mới đoàn tụ. Tôi cho là không phải. Nếu các ngày nghỉ tết được cộng vào ngày phép hoặc chuyển thành ngày nghỉ khác thì người ta vẫn có thể đoàn tụ, mà lại có thể đoàn tụ trong thời gian phù hợp hơn với từng gia đình. Ngày xưa không có phương tiện thông tin liên lạc, cần phải chờ tết về để gặp nhau, bây giờ thì khác. Một cú click chuột là có thể làm hội nghị “on line” với anh em ở cùng trời cuối đất rồi và thế là ta có thể hẹn nhau ngày hội ngộ. Các gia đình sẽ có thời gian đi lại khác nhau và phương tiện giao thông sẽ không còn quá khó khăn nữa.
Bàn thêm về âm lịch & kết luận
1. Âm lịch (thực ra cái gọi là lịch âm – lịch theo mặt trăng - mà hiện nay chúng ta vẫn dùng là âm lịch đã được hiệu chỉnh theo dương lịch – lịch theo mặt trời, nhưng để ngắn gọn xin gọi là âm lịch): Để xác định ngày, giờ, năm tháng, người Trung Quốc cổ đại đặt tên các năm theo tên những con vật mà họ thường gặp hàng ngày là Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi (gọi là Thập Nhị Địa Chi hay mười hai con giáp), trong đó chỉ có con Rồng (Thìn) có lẽ là không có thật ngòai đời, nhưng lại có vị trí quan trọng trong tiềm thức của người Trung Quốc. Nhưng lúc đó, những người sống lâu có lẽ có tuổi thọ chừng 50-60 tuổi (nhân sinh thất thập cổ lai hi) cho nên nếu chu kì chỉ là 12 năm thì không thể nào mô tả được sự kiện diễn ra trong một đời người, mà cho thêm tên những con vật khác thì có thể là nhiều quá, khó nhờ. Cho nên người ta mới nghĩ ra Thiên Can hay Thập Can, gồm Canh, Tân, Nhâm, Quý, Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỉ. Thập Can kết hợp với Thập Nhị Địa Chi tạo thành một chu kì gọi là Lục Thập Hoa Giáp (60 năm) vì bội số chung nhỏ nhất của 10 và 12 là 60. Như vậy là tạm đủ đối với những người cổ đại không đi ra khỏi lũy tre làng và tuổi thọ cao nhất cũng chừng 60 năm. Nhưng đối với người hiện đại thì như thế là chưa đủ, ví dụ, nếu nói cuộc Cách mạng năm Ất Dậu mà không chua thêm 1945 thì không ai tưởng tượng được cuộc Cách mạng này xảy ra khi nào, cách đây bao nhiêu năm. Tương tự như thế, nói đến Chiến thắng Đống Đa năm Kỉ Dậu thì người ta cũng phải viết thêm năm dương lịch 1789..v.v.. Rõ ràng là có sự bất tiện.
Nhưng như thế vẫn chưa hết. Người Trung Hoa cổ đại còn quan niệm vũ trụ có âm và dương và được xây dựng từ năm thành tố gọi là Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), tương tự như đạo Phật quan niệm có bốn thành tố (Đất, Nước, Gió, Lửa). Đây là những quan niệm duy vật sơ khai, bây giờ chúng ta biết rằng vụ trụ được cấu tạo từ hơn một trăm nguyên tố. Ngũ Hành lại có tương sinh, tương khắc; các cặp tương sinh là Kim sinh Thủy (quan niệm đơn giản: nấu chảy kim lọai thì thành nước, những cắp khác cũng tương tự như thế), Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim; các cặp tương khắc là Kim khắc Mộc (dao chặt cây, các cặp khác cũng tương tự như thế), Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim.
Từ đây bắt đầu sinh ra những quan niệm vô căn cứ như tứ hành xung, ngày giờ xây dựng nhà cửa, ngày giờ chôn cất, ngày giờ bốc mồ bốc mả..v..v… Tử vi cũng dựa trên 4 thông số khi con người được sinh ra là ngày sinh, giờ sinh, tháng sinh và năm sinh.
Nhưng, không có bất cứ ở đâu, cả trên mặt đất, mặt biển hay trăng sao có bất kì dấu hiệu nào, ví dụ, chứng tỏ năm nay, 2017, là năm Đinh Dậu. Đây là quy ước do con người đặt ra, nếu cái người đầu tiên nghĩ ra hệ thống Can Chi mà khởi đầu chu kì là năm Tý trước đó hay sau đó một vài năm thì năm nay có thể là năm Sửu, năm Dần hay bất kì năm nào khác. Mà năm Tý thuộc hành Thủy…v.v.. cũng là do con người tùy tiện đặt ra, chẳng có biểu hiện nào trong vũ trụ chứng tỏ điều đó.
Trong khi đó, hiện nay, tất cả các công việc trong các cơ quan nhà nước, trong các nhà máy, hầm mỏ… đều được tiến hành theo dương lịch, âm lịch chỉ còn được sử dụng để tổ chức các lễ hội truyền thống và xem ngày giờ theo lối mê tín dị đoan mà thôi. Vì vậy, mà in những loại lịch có cả âm và dương lịch là không cần thiết. Có một số người nói rằng ở những vùng sông nước bà con nông dân vẫn cần lịch âm để theo dõi thủy triều, thậm chí là làm mùa. Nếu đúng như thế thì có thể vẫn in kèm ngày âm lịch nhưng phải cấm ghi ngày giờ, năm tháng theo thiên can địa chi và cấm những cơ quan báo chí chính thức, như TV, đài phát thanh và báo chí do nhà nước quản lý nhắc tới những khái niệm này vì nó chỉ gợi cho người ta những điều mê tín dị đoan nhảm nhí.
KẾT LUẬN:
1. Ngày nghỉ là để người ta thư giãn, là để giải tỏa những căng thẳng mà một ngày, một tuần hay một năm lao động dồn nén lại chứ không phải là đi mua thêm mệt mỏi và rắc rối, tốn tiền. Tết âm lịch, như hiện nay, không đáp ứng được nhu cầu này.
2. Bây giờ là thời buổi cạnh tranh, là tốc độ, là thời đại toàn cầu hóa, tức là cần làm việc và nghỉ ngơi đồng bộ với các nước, các dân tộc văn minh trên thế giới. Người nào, nước nào lề mề, không thể cạnh tranh và không hoạt động đồng bộ với các nước, các dân tộc văn minh thì sẽ tụt hậu, sẽ nghèo nàn, bị khinh khi và bị đe dọa. Tết âm lịch, như hiện nay, không đáp ứng được nhu cầu này.
3. Như vậy là, tết âm lịch là một truyền thống lâu đời, nhưng, như tất cả các truyền thống khác, nó cũng chịu quy luật: sinh, trụ, hoại, diệt. Tất cả đều phải theo dịch: tức là biến đổi cho hợp thời, hợp thời thì sống, không hợp thời thì sẽ tiêu vong. Nước Việt Nam có bước lên đài vinh quang cùng với các dân tộc tiến bộ trên thế giới hay không là nhờ thành quả lao động của những người dân bình thường và đóng góp vào kho tàng văn hóa, khoa học thế giới của những nhà khoa học như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn và những người có tài năng khác, chứ không phải là có giữ được truyền thống nào đó hay không.
4. Âm lịch, đúng hơn là âm-dương lịch đã hết vai trò lịch sử. Nên bỏ.
HẾT.
Việt báo ngày 15 tháng 2 năm 2018 viết: “Người Việt đánh nhau nhiều nhất lúc Giao thừa” - Đoạn này chắc có lỗi đánh máy, chắc chắn không thể là năm 2018 được ạ.
ReplyDeleteRất cảm ơn bác đã viết bài viết này, đặc biệt là đoạn nói về 12 con giáp và Thiên Can, Ngũ Hành ạ. Đây là lần đầu cháu đọc về luận điểm này.
Trước đây khi còn tham khảo lá số tử vi (nay cháu đã tự cảm nhận là không cần xem làm gì nữa), cháu có thấy thầy tử vi phán một số chuyện rất đúng về cá nhân cháu, và về cả bệnh tật của bố mẹ cháu (không hề có chiêu trò lừa đảo gì ở đây cả). Quả thật là lá số tử vi vẫn có 1 cái gì đó thật là bí hiểm theo cảm nhận riêng của cháu.
Bài viết của bạn về cách bỏ đi bớt các ngày nghỉ của tết âm lịch Việt Nam. Cũng nhiều quan điểm rất hay. Nhưng nhìn chung đây là văn hóa lâu đời và cái Tết rất có ý nghĩa với đa số người Dân Việt Nam. Nó ko chỉ là ngày nghỉ đơn thuần mà còn là thời gian đoàn tụ gia đình. Tết vừa qua đi nay lại sắp đến rùi ^^! https://www.xemlicham.com/am-lich/nam/2019
ReplyDeleteTết âm lịch là là văn hóa lâu đời của Việt Nam, không thể bỏ truyền thống đi được, có thể tránh những vấn để phát sinh thì nên cho ngày nghỉ ngắn hơn và tuyên truyền văn hóa tốt hơn là được.
ReplyDeleteViệc bỏ thông tục Tết Nguyên Đán là một cách triệt để thay đổi tư duy, vì không chỉ có vấn đề Tết Nguyên Đán, chúng ta còn vướng nhiều cặn bã phong tục phong kiến của Khổng giáo và Lão Giáo nữa trong tư tưởng nữa.
ReplyDelete