September 27, 2013

Vladimir Fedorovsky - Chiến lược của cải tổ: Gorbachev có thực sự tin vào cải cách hay không?

Vladimir Fedorovsky, một nhà ngoại giao trong giai đoạn có những biến động to lớn ở phương Đông, tạo cơ hội cho độc giả tiếp cận với những nhân chứng và hồ sơ lưu trữ chưa từng được công bố về Mikhail Gorbachev và bà Raisa, vợ ông, cũng như các đối tác phương Tây của ông. Đây là đoạn trích từ “Câu chuyện về cải tổ” (Le Roman de la perestroika)


Sự cáo chung không thể tránh khỏi của hệ thống Xô Viết ngày càng tới gần hơn, và Gorbachev hoàn toàn nhận thức được vấn đề này. Trong bộ máy nhà nước bắt xảy ra những trục trặc. Dù sao mặc lòng, lúc đó bộ máy đã đạt được tốc độ đủ để thực hiện những cuộc cải cách từ trên xuống, tức là những cuộc cải cách tạo điều kiện cho nó thiết lập sơ đồ quản lí mới. Tổng bí thư cần phải tùy cơ ứng biến, làm điên đầu đảng, quân đội và nhân dân bằng một loạt những nghị định “mang tinh thần Lenin”, được viết bằng văn phong quen thuộc và truyền thống Xô Viết mà mọi người đã quen. Và sau đó, gieo cấy từng bước một tinh thần tự do vào lòng chủ nghĩa cộng sản! Và cuối cùng là đặt tất cả trước sự kiện đã rồi.



“Không có cách nào khác – lúc đó ông Yakovlev đã nhiều lần nói với tôi như thế -  Nếu chúng tôi công bố những cuộc cải cách trước khi tiến hành thì KGB và đảng sẽ lột da chúng tôi. Nhưng nếu chúng ta mở cửa cho tự do, đồng thời chơi trò Sa hoàng đỏ, thì không ai có thể nghi ngờ gì! Cái chính là chúng ta có tự do. Vào cái ngày mà tự do trở về trên thực tế thì không ai có thể làm gì đươc nữa…” Ngoài ra, Gorbachev và Yakovlev tin (nhưng hóa ra là sai) rằng họ nắm đươc những nguồn lực quan trọng để thực hiện chiến dịch bí mật này: đó là châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, tức là những nước đã ủng hộ quá trình tự do hóa không thể đảo ngược được của chế độ Xô Viết vào giai đoạn cuối của cuộc “Chiến tranh lạnh thứ hai.” Trong khi đó, chính sách do người đứng đầu nhà nước tuyên bố là đấu tranh với sự suy thoái của Liên Xô bằng chính sách cải tổ lại theo theo đuổi ba mục tiêu chính: hòa dịu quốc tế để cắt giảm chi tiêu quân sự, đẩy mạnh sản xuất bằng cách huy động nguồn lực vật chất  và kỹ thuật, sự hồi sinh đời sống xã hội bằng chính sách công khai hóa. Gorbachev đã có ý định giao cho 19 triệu đảng viên của đảng cầm quyền - tổ chức duy nhất của đất nước có một bộ máy rõ ràng – thực hiện chính sách này. “Chúng tôi sử dụng đảng cộng sản Liên Xô, tức là sử dụng công cụ của Stalin để tiêu diệt chủ nghĩa Stalin!” – Yakovlev luôn luôn khẳng định với tôi như thế. “Không thể để con quái vật này tự tung tự tác được nữa…” – cả hai người đều thường xuyên khẳng định một cách đầy tự tin và duy lí như thế.

Gorbachev bắt đầu bằng việc “quét” tất cả những kẻ thù nguy hiểm nhất của mình và các thành viên thủ cựu khỏi Bộ Chính trị. Sau khi đươc bầu vào Bộ Chính trị, Yakovlev tìm cách củng cố sự kiểm soát của Tổng bí thư đối với các trung tâm ra quyết định chính ở trong nước, và sau đó là hết mình cho “tư tưởng đối ngoại.” Tuy nhiên, ông đã có một sai lầm chết người: “Chúng tôi muốn duy trì ảnh hưởng trong đảng, nhưng đã quên mất KGB, quên mất một nhà nước trong một nhà nước, quên mất kẻ thù nguy hiểm nhất của cải cách.” Gorbachev đã cố gắng duy trì mối quan hệ tích cực với Ủy ban an ninh quốc gia, trong khi vẫn dựa vào sự ủng hộ của nó trong cuộc đấu tranh giành quyền lực.
Nhưng, hành vi của ông đã làm nảy sinh quan niệm một chiều đối với các sự kiện, được các cựu chiến binh các cơ quan an ninh và một số chuyên gia về Điện Cremlin ở phương Tây ủng hộ: KGB là người khởi xướng công cuộc cải tổ. Có khẳng định như vậy là vì các thành viên của Ủy ban an ninh quốc gia (họ thường được coi là thành phần ưu tú của đất nước) dường như là những người duy nhất có đủ sức xem xét vấn đề thay đổi chế độ. Ví dụ, thư ký suốt đời của Viện Hàn lâm Pháp, ông Helene Carrere d'Encausse, từng viết: “KGB ở Nga – cũng giống như trường Hành chính Quốc gia ở Pháp. KGB đào tạo các cán bộ lãnh đạo. KGB lựa chọn những người thông minh nhất. KGB mời những người có học vấn tốt nhất. Mọi người đều biết hoạt động tình báo của nó, hiện nay đấy là điều không đáng quan tâm. Cái chính là KGB đào tạo cán bộ đại diện. Chính vì vậy mà cần phải chú ý tới nó.”



Cần phải nói rằng khi Brezhnev bị cơn đau tim đầu tiên vào năm 1976, và quyền lực trong nước chuyển sang bộ ba Gromyko-Andropov-Ustinov (KGB-Bộ ngoại giao-Quốc phòng), ban lãnh đạo đã suy nghĩ rất nhiều về hiện tình của đất nước. Andropov lúc đó đang say mê cách làm của Đặng Tiểu Bình, tức bảo vệ hệ thống chính trị với một sự cởi mở nhất định về kinh tế. Ông có đầy đủ thông tin về Liên Xô và hiểu rõ vị trí thực sự của nó. Đằng sau những số liệu thống kê chính thức, chỉ nhằm mục đích tuyên truyền, là những con số chính xác về tỷ lệ tử vong (chủ yếu là do nghiện rượu), tỉ lệ GDP dùng cho nhu cầu quốc phòng (ít nhất là một nửa), quy mô của nền kinh tế ngầm.v.v.. Để có thể đánh giá một cách khách quan tình hình hiện tại cần phải có đánh giá khách quan sự tương tác giữa nền kinh tế ngầm và thị trường chính thức..


Chính những lý do đó đã buộc những người thân cận với Andropov tự xưng là những người khởi xướng công cuộc cải tổ. Theo Yakovlev, lúc đó có hai dự án cải cách không thể dung hòa: dự án với mục đích bảo tồn hệ thống của KGB và kế hoạch riêng của ông ta nhằm xóa sổ chủ nghĩa cộng sản. Những ngươi đại diện cho các cơ quan an ninh và tổ hợp quân sự-công nghiệp tạo ra nhóm “những nhà cải cách độc tài”, họ là những người kiên quyết chống mọi sự buông lỏng và ủng hộ việc tăng cường vai trò của nhà nước trong lĩnh vực sản xuất. Họ lên án Yakovlev là theo trào lưu và “mê hoặc” Gorbachev, thúc đẩy ông ta hành động mà chưa có sự chuẩn bị và kế hoạch rõ ràng. 

Dù sao mặc lòng, từ những tài liệu lưu trữ ở Điện Kremlin (nguồn đáng tin cậy nhất trong việc phân tích các lý thuyết hiện có) ta thấy có một văn thư của tư tưởng gia về cải cách gửi Tổng bí thư đề ngày 06 tháng 12 1985, trong đó ghi rõ một hệ thống những hành động hoàn toàn phù hợp với chiến lược cải tổ. Về chính trị, tài liệu này xem xét cải tạo hoàn toàn hệ thống hiện có. Nhiệm vụ của cải tạo là không để đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn đẫm máu, việc bảo vệ chế độ độc tài toàn trị nhất định sẽ dẫn tới tình trạng này. Cụ thể, chương trình này có xem xét việc tổ chức những cuộc bầu cử tự do với hệ thống đa đảng, bảo đảm tự do báo chí, chế độ đại nghị và sự độc lập của các tòa án. Lĩnh vực kinh tế, một lĩnh đã trở thành vấn đề tài chính của cải tổ, các khuyến nghị mù mờ hơn nhiều.
Yakovlev có ý định từ bỏ sự độc quyền của nhà nước trong lĩnh vực ngoại thương và sẽ cho các doanh nghiệp nhiều tự do hơn trong khuôn khổ của nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, ông cũng đề nghị (hiện nay có vẻ hoàn toàn vô lý) cho nhân viên xí nghiệp bầu người đứng đầu các doanh nghiệp, đây được coi là một biểu hiện của chế độ dân chủ.


Như vậy là, tự do, dân chủ, đạo đức và tự nhiên đã tạo ra cơ sở của tư duy chính trị mới, khác với chủ nghĩa lý tưởng đầy phô trương và, do đó, hoàn toàn không phù hợp với thượng tầng kiến trúc của những chính khách thời Chiến tranh lạnh. Nhưng, Gorbachev không thể dựa vào tầng lớp trung lưu của các chủ sở hữu nhỏ, như đã từng xảy ra ở một số nước châu Âu trong thế kỷ XIX, ở buổi bình minh của chủ nghĩa tư bản, kết quả là ông chỉ có thể đưa ra một lí thuyết phức tạp, dựa vào cuộc đấu tranh của các “lực lượng tiến bộ” chống lại những người bảo thủ. Lí thuyết này đã nhắm mắt trước những vấn đề sắc tộc, xã hội và kinh tế cực kì to lớn và làm lu mờ những chia rẽ đang có mặt trong xã hội Liên Xô.


Năm 1986 Tổng bí thư đưa ra lời kêu gọi trí thức và khởi động chính sách “glasnost” như là điểm bắt đầu cho dự án của mình. Các nhà trí thức đang tìm cách thiết lập lại nền đạo đức thời trước cách mạng, một lần nữa lại tập trung vào trách nhiệm đạo đức. Chính quyền đồng ý công nhận những người bất đồng chính kiến: ​​Andrei Sakharov được phép trở về từ nơi lưu đầy ở thành phố Gorky, các tù nhân chính trị đã có thể rời trại giam và bệnh viện tâm thần, Alexander Solzhenitsyn đã được phục hồi và có thể phát hành sách, người di cư được trở về Liên Xô. Sau đó, Yakovlev đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao với Giáo hoàng. Ông tin là cần tìm được tiếng nói chung với Tòa Thánh “trên cơ sở những giá trị nhân bản phổ quát.” Gorbachev tuyên bố rằng những giá trị phổ quát của con người cao hơn các giá trị của cuộc đấu tranh giai cấp trong khung cảnh như thế. Đến lượt mình, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đóng một vai trò quan trọng trong sự thúc đẩy các ý tưởng của Gorbachev, đặc biệt là ở Ba Lan. Nhưng, khi tôi hỏi Yakovlev rằng Gorbachev có thật sự bảo vệ những ý tưởng này hay không thì nhận được câu trả lời hoàn toàn bất ngờ: “Gorbachev nói dối, nhưng lão già Reagan lại tin. Gorbachev xỏ mũi tất cả mọi người, và Mitterrand, con cáo ranh mãnh này cũng tin ông ta. Nhưng ông ta nói dối khéo đến nỗi cuối cùng thì chính ông cũng bắt đầu tin!”


Dịch qua bản tiếng Nga
Đã đăng trên diendanxahoidansu.wordpress.co.

No comments:

Post a Comment