Sandy
Ikeda – Chủ nghĩa cá nhân đối lập với chủ nghĩa vị kỉ
Phạm
Nguyên Trường dịch
Người
công dân của xã hội tự do giữ quyền lực chính trị ở mức tối thiểu và bảo vệ một
cách quyết liệt những quyền cá nhân. Kết quả là xã hội tự do xói mòn đặc quyền
đặc lợi được luật pháp công nhân bằng cách loại bỏ mọi sự đe dọa chống lại
những người mới ngoi lên thuộc đủ mọi kiểu khác nhau và bảo vệ sự tự chủ của
họ. Nó cung cấp cho người ta con đường dẫn tới tiến bộ xã hội và sự cải thiện
điều kiện sống cho tất cả mọi người, kể cả những người được sinh ra trong hoàn
cảnh tồi tệ nhất của xã hội. Khao khát tìm hiểu làm cách nào mà hành động
của cá nhân có thể thúc đẩy sự thịnh vượng chung đã thúc đẩy Adam Smith phát
triển lí thuyết về xã hội tự do trên cơ sở của sự đồng cảm và tư lợi.
Adam Smith nói về tính ích kỉ và sự đồng cảm
Trong
tác phẩm Lí thuyết về cảm nhận đạo đức[1],
xuất bản năm 1759, Smith viết như sau:
Dù con người có ích kỉ đến đâu đi nữa thì trong tính cách của anh
ta vẫn có một nguyên tắc làm làm cho anh quan tâm đến số phận của người khác và
hạnh phúc của họ mặc dù anh ta chẳng được lợi lộc gì, ngoài việc thấy vui khi
quan sát người khác hạnh phúc. Tình cảm khi trông thấy hay hiểu được một cách
sống động hoàn cảnh khốn khổ của người khác là tình thương hay từ tâm.
Đối
với Smith, khả năng tưởng tượng mình trong vị thế của người khác – sự đồng cảm
– là chìa khóa để hiểu tại sao về mặt đạo đức chúng ta bằng lòng và mong muốn
tưởng thưởng hoặc không bằng lòng và mong muốn trừng phạt người khác hay chính
chúng ta vì những hành động cụ thể nào đó.
Và vì thế, thể hiện thật nhiều tình cảm với người khác và kiềm chế
tình cảm với chính mình, hạn chế tính ích kỉ và để cho tình yêu tương người
khác tuôn trào là sự hoàn hảo của bản chất con người; và tự nó có thể tạo ra sự
hài hòa tình cảm và tình thương yêu giữa con người với nhau, toàn bộ sự thanh
cao và tài sản của họ đều ở đó. Yêu người hàng xóm như yêu chính mình là điều
luật vĩ đại của Thiên chúa giáo, cho nên lời răn vĩ đại của tự nhiên là chỉ yêu
mình như yêu người hàng xóm hay hàng xóm cũng có khả năng yêu mến chúng ta thì
cũng thế.
Theo
nghĩa nào đó, trong khi tư lợi tương tự như cái máy gia tốc thúc đẩy sự tiến bộ
trong xã hội tự do thì sự đồng cảm lại là cái phanh giúp chúng ta chạy thậm chí
còn nhanh hơn.
Chủ nghĩa cá nhân chân chính không phải là lòng ích kỉ hẹp hòi
Cố
gắng bảo vệ quyền sống, quyền tự do và tài sản – nền tảng của chủ nghĩa cá nhân
– không phải là sự ích kỉ hẹp hòi. Chúng ta có thể sử dụng thành quả của quyền
tự do của chúng ta để giúp đỡ người khác cũng như giúp đỡ chính mình – và chúng
ta vẫn làm như thế. (Và rõ ràng là điều đó làm cho chúng ta hạnh phúc hơn[2]).
Nhưng
không ít người vẫn đánh đồng chủ nghĩa cá nhân với tính ích kỉ hẹp hòi vì ngay
những người theo phái tự do (libertarians) đôi khi cũng tuyên xưng chủ nghĩa cá
nhân dưới hình thức quá hạn hẹp - với tâm điểm của nó là “cái tôi” được đưa lên
hàng đầu. (Tôi đã viết[3]
và nói[4]
về vấn đề này rồi). Tôi không nghĩ là quan điểm đó hay cách sống mà quan điểm
đó ám chỉ vốn dĩ là sai, nhưng vấn đề là nó không được nhiều người ủng hộ. Sự
phát triển về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa phụ thuộc vào mạng lưới quan hệ xã
hội phức tạp của rất nhiều người, và mạng lưới đó khó mà hình thành trong cái
chủ nghĩa cá nhân với mỗi người là một nguyên tử như thế.
F.A.
Hayek viết trong tiểu luận quan trọng của ông với nhan đề “Chủ nghĩa cá nhân:
chân chính và sai lầm”[5]
như sau: “… tin rằng chủ nghĩa cá nhân ủng hộ và khuyến khích thói ích kỉ là
một trong những lí do chính làm cho nhiều người không ưa nó…”
Trong
một bài báo có tên là “The Downside of Liberty”[6]
được công bố trên tờ New
York Times ngay trước ngày lễ Độc lập, ông Kurt Anderson than thở:
Điều xảy ra trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội
sau những thay đổi to lớn hồi cuối những năm [19]60 không phải là mâu thuẫn hay
không thích hợp. Tất cả những cái đó chỉ là chuyện vặt. Đối với những người
hippy và những người tự do cũng như các doanh nhân và nhà đầu tư, chủ nghĩa cá
nhân cực đoan đã giành toàn thắng. Tính ích ki đã chiến thắng.
Tác
giả nêu lên vấn đề đáng được bàn thảo vào một dịp khác. Nhưng vấn đề ở đây là
việc đánh đồng giữa chủ nghĩa cá nhân với tính ích kỉ hẹp hòi. Đương nhiên là
ông ta sai. Nhưng với những điều mà những người ở phía “chúng ta” đôi khi vẫn
nói thì tôi có thể hiểu vì sao ông ta và những người khác có thể nghĩ như thế. Chủ
nghĩa cá nhân hẹp hòi tự nó dẫn tới khái niệm cho rằng những người theo phái tự
do, đấy là nói khi chúng ta đánh giá cao chủ nghĩa cá nhân, trên thực tế là
những phần tử phản xã hội..
(Hiện
nay tôi nghĩ rằng những mối đe dọa đối với quyền tự do của chúng ta là con
đường ngắn nhất làm cho thói ích kỉ hẹp hòi thế chỗ cho sự đồng cảm giữa người
với người mà Smith từng nói hay theo ngôn từ của Tuyên ngôn độc lập “hàng loạt các hành vi lạm
quyền và chiếm đoạt … chứng tỏ ý đồ bắt họ [nhân
dân] phải nằm dưới quyền của một chế độ độc tài chuyên chế”. Nghĩa là tìm cách sử dụng quyền lực chính trị để làm cho
chúng ta trở thành ít ích kỉ hơn – thí dụ thông qua việc tịch thu và tái phân
phối thu nhập – có thể có hiệu quả ngược lại).
Chủ nghĩa cá nhân chân chính hướng tới xã hội
Chủ
nghĩa cá nhân theo cách hiểu của Adam Smith có nghĩa là gì? F.A. Hayek viết
trong tiểu luận vừa dẫn như sau:
Đâu là những tính chất quan trọng nhất của chủ nghĩa tự do? Trước
tiên cần phải nói rằng đấy trước hết là lí
thuyết về xã hội, là cố gắng nhằm tìm hiểu những lực lượng quyết định đời
sống xã hội của con người, còn tập hợp những câu châm ngôn chính trị được rút
ra từ quan điềm như thế về mặt xã hội chỉ đóng vai trò phụ mà thôi.
Nói
cách khác, chủ nghĩa cá nhân là phương pháp quan sát và tìm hiểu cách chúng ta
sống cùng nhau. Chủ nghĩa cá nhân là nói về những biện pháp tốt nhất nhằm thúc
đẩy sự hợp tác xã hội. Nghĩa là:
. . . Chỉ có thể tìm hiểu những hiện tượng xã hội thông qua việc
tìm hiểu những hành vi của cá nhân hướng tới những người khác và được dẫn dắt
bởi hành vi mà họ kì vọng ở đối tác.
Trong
ngữ cảnh như thế của chủ nghĩa cá nhân, tính ích kỉ có ý nghĩa thực sự là gì?
Nếu chúng ta đặt vấn đề một cách ngắn gọn bằng cách nói rằng,
trong hành động người ta được và phải được hướng dẫn bởi quyền lợi và ước muốn của họ thì điều này ngay lập tức bị hiểu
lầm hay bị xuyên tạc thành quan niệm sai lầm ngược lại là họ được hay phải được
hướng dẫn chỉ và chỉ bởi nhu cầu cá nhân hay quyền lợi ích kỉ của họ mà thôi, trong
khi chúng ta muốn nói rằng họ có quyền phấn đấu cho tất cả những gì mà họ nghĩ là đáng mong ước.
Như
vậy là, chủ nghĩa cá nhân chân chính trái ngược với thái độ bao cấp (dịch từ:
paternalism -ND) về mặt tư tưởng ở chỗ nó tôn trọng khả năng đưa ra và đánh giá
quyết định của từng người và của mỗi người. Kể cả quyết định có xin giúp đỡ hay
có giúp đỡ người khác hay không và nếu có thì trong những hoàn cảnh như thế
nào, và xin giúp hay giúp những cái gì, cũng như việc giúp đỡ có hiệu quả hay
là không.
Kết
quả là trong lịch sử loài người, tự do và chủ nghĩa cá nhân (được hiểu một cách
đúng đắn) chính là những động cơ mạnh mẽ nhất trong việc nâng cao đời sống của
ngay cả những người nghèo khổ nhất, như đoạn băng video nổi tiếng[7]
của ông Hans Rosling, giáo sư về sức khỏe thế giới, đã cho thấy.
Bây
giờ xin bàn về tính ích kỉ hiểu theo nghĩa rộng, vốn là phần quan trọng nhất
của chủ nghĩa tự do, mà như Hayek nói, thường bị hiểu lầm. Ông giải thích như
sau:
Nền tảng chân chính của luận cứ của [người theo phái cá nhân chủ
nghĩa] là không có người nào có thể biết ai
là người biết rõ nhất và chỉ có một con đường tìm kiếm, đấy là thông qua tiến
trình xã hội, trong đó mỗi người đều được phép thử và tìm ra điều mà người đó
có thể làm.
Tiến
trình xã hội đó là sự cạnh tranh trên thương trường không có các đặc quyền về
mặt chính trị và rào cản về mặt pháp lí. Cạnh tranh kiểu đó là khám phá thủ
tục, trong đó người ta tìm kiếm những biện pháp – thông qua sự đồng cảm - làm
cho nhau cùng được lợi. Điều dó sẽ không dẫn tới sự toàn thiện toàn mĩ có tính
không tưởng, mà dẫn tới sự cải thiện thường xuyên phúc lợi của tất cả mọi người
và sự thể hiện bản thân của mỗi người.
Chủ
nghĩa cá nhân là biện pháp thử-đúng nhằm thúc đẩy sự hợp tác xã hội chứ không
phải là lời kêu gọi nhằm tránh xa nó.
Sandy
Ikeda là phó giáo sư kinh tế tại Purchase College,
SUNY, và là tác giả cuốn The Dynamics of the Mixed Economy:Toward a Theory of
Interventionism (tạm dịch: Sự năng động của nền kinh tế hỗn hợp: bàn về lí
thuyết can thiệp).
[1] The Theory of Moral Sentiments:
http://www.econlib.org/library/Smith/smMS.html
[2] http://www.nytimes.com/2012/07/08/opinion/sunday/dont-indulge-be-happy.html?_r=1&pagewanted=all
[3] http://www.thefreemanonline.org/headline/don%E2%80%99t-tread-on-others/
[4] http://www.youtube.com/watch?v=QxPAZANdYQE&feature=youtube_gdata
[5] “Individualism: True and False”:
http://mises.org/books/individualismandeconomicorder.pdf
[6] “The
Downside of Liberty,”:
http://www.nytimes.com/2012/07/04/opinion/the-downside-of-liberty.html
[7] this
popular video: http://www.youtube.com/watch?v=jbkSRLYSojo
No comments:
Post a Comment