June 7, 2011

Sigmund Freud - Tâm lí đám đông và Phân tích cái Tôi (Massenpsychologie und Ich-Analyse) – Phần 3


6. Những vấn đề mới và những hướng tìm tòi mới

Chúng ta đã nghiên cứu hai đám đông nhân tạo và thấy rằng có những ràng buộc tình cảm lưỡng phân ngự trị trong các đám đông đó, một mặt là ràng buộc với lãnh tụ, có tính quyết định hơn và mặt khác là với những cá nhân tham gia đám đông.

Nhiều vấn đề về cơ cấu đám đông vẫn chưa được khảo sát và mô tả. Cần phải xuất phát từ luận điểm là nếu trong một nhóm người tụ tập mà chưa hình thành các ràng buộc nêu trên thì nhóm người đó chưa phải là đám đông, đồng thời phải công nhận rằng trong bất kì nhóm người tụ hội nào cũng rất dễ xuất hiện xu hướng tạo lập một đám đông tâm lí. Phải xem xét các đám đông tự tụ hội ít nhiều có tính cách thường kì, theo nguyện vọng của mình; cần phải nghiên cứu điều kiện hình thành và tan rã của chúng. Trước hết chúng ta quan tâm đến sự khác nhau của đám đông có người cầm đầu và không có người cầm đầu. Liệu có phải là đám đông có người cầm đầu là cổ xưa hơn và hoàn thiện hơn hay không? Liệu người cầm đầu có thể được thay thế bằng một lý tưởng, bằng một cái gì đó trừu tượng là bước chuyển tiếp mà các đám đông tôn giáo tạo nên cùng với người cầm đầu vô hình hay không? Liệu một xu hướng, một ước vọng chung có thể thay thế vai trò người cầm đầu hay không? Cái giá trị trừu tượng đó có thể thể nhập vào một cá nhân đóng vai trò lãnh tụ thứ hai và từ quan hệ của người cầm đầu và lý tưởng có thể xuất hiện những biến tướng đáng quan tâm. Người cầm đầu hay tư tưởng chủ đạo cũng có thể thành tiêu cực, lòng căm thù một người nào đó hay thể chế nào đó có thể có khả năng tập hợp và tạo ra những mối liên kết tình cảm giống như những cảm xúc tích cực vậy. Sau đó có thể hỏi rằng có thực sự cần người cầm đầu để tạo ra đám đông hay không v.v.

Nhưng tất cả những câu hỏi đó, một phần đã được thảo luận trong sách báo về tâm lí đám đông, không thể làm chúng ta sao lãng khỏi những vấn đề tâm lí mà chúng ta cho là cơ bản trong cơ cấu đám đông. Trước hết chúng ta xem xét luận cứ chỉ cho ta con đường ngắn nhất dẫn đến việc chứng minh rằng những mối liên kết đặc trưng cho đám đông có nguồn gốc libido.

Chúng ta hãy nhớ lại xem người đời đối xử với nhau như thế nào trong lĩnh vực tình cảm. Schopenhauer đã có một so sánh nổi tiếng với những con nhím mùa đông để gợi rằng không một người nào có thể chịu nổi sự gần gũi quá mức của người khác. “Mùa đông lạnh giá, đàn nhím ép sát vào nhau cho ấm. Nhưng ngay lúc ấy chúng cảm thấy đau vì lông con nọ chọc vào con kia, chúng phải lùi xa nhau ra. Thấy rét chúng lại xích vào nhau và cứ thế chúng luẩn quẩn giữa hai nghịch cảnh đó cho đến khi tìm được một khoảng cách vừa phải thoải mái nhất” [1] . Phân tâm học khẳng định rằng mọi liên hệ tình cảm gần gũi trong khoảng thời gian đủ lâu nào đó (quan hệ vợ chồng, tình bạn, cha con) [2] đều để lại cảm giác khó chịu mang tính thù nghịch chỉ có thể được loại bỏ bằng cách đẩy nhau đi. Ta thấy rõ điều đó khi hai bên thường gây gổ với nhau hay khi thấy các nhân viên ta thán chống lại cấp trên. Khi người ta tụ tập thành đám đông hơn thì cũng xảy ra những chuyện hệt như vậy. Khi có hai gia đình thông gia với nhau thì bên nào cũng cho rằng mình tốt hơn và cao quí hơn bên kia. Hai tỉnh cạnh nhau ghen tị với nhau, tổng nọ khinh thường tổng kia. Giống người cùng nguồn gốc ganh ghét nhau: người Đức miền Nam không chịu nổi người Đức miền Bắc, người Anh ghét người Scotland, người Tây Ban Nha khinh người Bồ Đào Nha. Còn sự khác biệt lớn gây ra mối căm thù: người Pháp thù người Đức, người Arien ghét dân Do Thái, da trắng thù da đen; chuyện đó đã từ lâu chẳng làm ta ngạc nhiên nữa.

Nếu xuất hiện sự ác cảm chống lại người mà ta từng yêu mến thì ta gọi đó là thái độ nước đôi (ambivalent) và ta tự giải thích một cách quá duy lí bằng những lí do dẫn đến xung đột về quyền lợi, những lí do luôn luôn hiện hữu trong các quan hệ thân tình kiểu đó. Trong trường hợp khi sự ác cảm, thù địch biểu lộ công khai với tha nhân thì ta có thể nhận thấy đấy là biểu hiện của tính ích kỉ, ngã ái, cái ngã ái muốn tự khẳng định, cái ngã ái hành động theo kiểu dường như sự hiện hữu những gì khác với đặc điểm cá nhân của nó đều kèm theo sự chỉ trích và đòi hỏi phải biến cải. Chúng ta không biết vì sao người ta lại nhậy cảm với những tiểu tiết đến như thế, nhưng chắc chắn rằng trong hành vi đó hiển lộ rõ ràng tính dễ xung đột, dễ gây hấn mà chúng ta không rõ nguồn gốc và chúng ta coi là đặc điểm nguyên thủy. Trong cuốn sách Vượt qua nguyên tắc khoái lạc xuất bản năm 1920, tôi đã thử qui hai thái cực yêu ghét với sự đối lập giữa bản năng sống và bản năng chết và coi khuynh hướng tính dục như là một thứ thay thế thuần khiết nhất của cái thứ nhất, nghĩa là bản năng sống. Nhưng toàn bộ sự bất dung sẽ biến mất tạm thời hay lâu dài khi xuất hiện đám đông hay ngay trong đám đông. Khi còn đám đông thì cá nhân hành động trong khuôn khổ của nó như những người giống nhau hoàn toàn, họ chấp nhận cá tính của tha nhân, coi mình ngang hàng với tha nhân và không thấy có sự căm ghét nào.

Sự hạn chế ngã ái đó, theo lí luận của chúng tôi, là do một một yếu tố duy nhất: liên kết libido với người khác. Tính ích kỉ chỉ bị hạn chế khi có tình yêu đối với người khác, khi có tình yêu với các đối tượng [3] . Một câu hỏi lập tức xuất hiện, tự thân quyền lợi chung mà không cần bất cứ liên kết libido nào thì có dẫn đến sự khoan dung và tôn trọng đối tác hay không? Có thể đáp rằng sự hạn chế ngã ái trong trường hợp này không bền vững vì sự khoan dung sẽ mất ngay khi mối lợi do sự cùng tham gia của tha nhân không còn. Nhưng giá trị thực tế của vấn đề đang tranh luận này nhỏ hơn người ta nghĩ lúc đầu vì kinh nghiệm dạy chúng ta rằng trong quá trình cộng tác thì giữa các đối tác sẽ phát sinh các điều kiện libido giúp củng cố quan hệ của họ kể cả sau khi lợi lộc đã hết.

Trong quan hệ xã hội của con người cũng xảy ra hiện tượng giống hệt như vậy mà phân tâm học phát hiện ra khi nghiên cứu quá trình phát triển libido của cá nhân. Libido hướng vào việc đáp ứng các nhu cầu sống còn và lựa chọn những người có thể đáp ứng những nhu cầu đó làm những đối tượng đầu tiên. Trong quá trình tiến hoá của nhân loại cũng như của cá nhân, chỉ có tình yêu mới có thể đóng vai trò như là nhân tố văn hóa trong quá trình chuyển từ chủ nghĩa vị kỉ sang chủ nghĩa vị tha. Và thực tế là vì tình yêu với một người đàn bà, cho dù nó có gây ra những hạn chế, ta sẵn sàng chịu đựng mọi thứ miễn là người yêu ta được hạnh phúc; tương tự như vậy khi có một tình yêu đồng giới thăng hoa, phi dục tính sinh ra trong quá trình cộng tác với một người đàn ông. Như vậy là nếu trong đám đông có sự giới hạn lòng ích kỉ ngã ái thì đấy là bằng chứng không thể chối cãi rằng thực chất của đám đông chính là những liên kết mới được xác lập giữa các thành viên của nó với nhau.

Nhưng bây giờ chúng ta lại phải hỏi rằng những mối liên kết trong đám đông ấy là loại liên kết gì? Trong lí thuyết phân tâm học về bệnh tâm thần cho đến nay chúng tôi mới chỉ nghiên cứu về các khát khao yêu đương với các đối tượng nhằm mục đích dục tính trực tiếp. Trong đám đông thì hiển nhiên không thể nói đến chuyện dục tính rồi. Ở đây chúng ta gặp phải khát khao yêu đương tuy đã rẽ khỏi mục đích ban đầu nhưng vẫn giữ nguyên ảnh hưởng đối với đám đông. Trong khuôn khổ của sự chiếm đoạt đối tượng về mặt dục tính chúng tôi cũng đã nhận thấy những biểu hiện của sự chuyển hướng ham muốn khỏi mục đích dục tính. Chúng tôi đã mô tả chúng như là một mức độ yêu đương nhất định và nhận xét rằng chúng đã hạn chế một phần cái “Tôi”. Bây giờ chúng ta sẽ nghiên cứu kĩ lưỡng những biểu hiện tình ái đó với hy vọng rằng chúng ta sẽ tìm ra các quan hệ có thể đem áp dụng vào trường hợp các mối liên kết trong đám đông. Ngoài ra chúng ta còn muốn biết liệu phương pháp chiếm đoạt đối tượng, như chúng ta đã biết trong đời sống tình dục, có phải là hình thức liên kết tình cảm duy nhất đối với người khác hay chúng ta còn phải lưu ý đến những cơ chế khác nữa. Phân tâm học cho chúng ta biết rằng còn có những cơ chế liên kết tình cảm khác nữa: đó là hiện tượng đồng nhất hóa, một hiện tượng chưa được nghiên cứu kĩ, rất khó mô tả, chúng ta hãy tạm gác vấn đề tâm lí đám đông để xem xét vấn đề đồng nhất hoá.


7. Đồng nhất hoá

Phân tâm học cho rằng đồng nhất hoá là biểu hiện sớm nhất của liên kết tình cảm với người khác. Đồng nhất hoá đóng vai trò nhất định trong việc phát triển mặc cảm Ơđíp. Đứa bé trai rất thích cha nó, nó muốn được trở thành như bố nó, nó muốn thay thế bố nó trong mọi hoàn cảnh. Ta có thể nói: người cha là nhân vật lí tưởng của nó. Thái độ đó không phải là thụ động hay nữ tính đối với bố (hay với đàn ông nói chung) mà ngược lại đấy hoàn toàn là nam tính. Thái độ ấy hoàn toàn dung hoà với mặc cảm Ơđíp và góp phần thúc đẩy mặc cảm này.

Đồng thời với quá trình đồng nhất hoá với cha, đứa bé bắt đầu coi mẹ là đối tượng libido. Như vậy là đứa bé bộc lộ hai liên kết khác nhau về mặt tâm lí: với mẹ là khao khát dục tính còn với cha là sự đồng nhất hoá với nhân vật lí tưởng. Cả hai mối liên kết cùng tồn tại bên cạnh nhau một thời gian mà không ảnh hưởng đến nhau, không gây xáo trộn gì cho nhau. Nhưng dần dần hoạt động tinh thần đi đến chỗ thống nhất, hai mối liên kết va chạm nhau và nhờ sự qui tụ đó mà xuất hiện hội chứng Ơđíp. Đứa trẻ nhận thấy rằng bây giờ ông bố đã cản trở nó trên đường đến với mẹ; sự đồng nhất với cha có pha chút ác cảm và trở thành đồng nhất với ước muốn thay thế cha kể cả trong quan hệ với mẹ. Đồng nhất hoá có tính cách nước đôi ngay từ đầu [4] , nó vừa là biểu hiện tình cảm âu yếm vừa là ước muốn loại trừ cha. Nó thể hiện ra như là nhánh của giai đoạn đầu, giai đoạn “miệng” trong việc hình thành libido, trong giai đoạn đó đứa trẻ hấp thu đối tượng yêu quí bằng cách ăn và bằng cách đó hủy diệt ngay chính đối tượng. Như ta đã biết thì mọi ăn thịt người dừng lại ở giai đoạn phát triển này: hắn chén cả người hắn ghét lẫn người hắn yêu..

Việc đồng nhất hoá với cha sẽ không để lại dấu vết gì. Có thể xảy ra hiện tượng sau đây: khi đứa trẻ mang nữ tính thì người cha sẽ bị coi là đối tượng đáp ứng dục tính và khi đó sự đồng hoá với bố trở thành sơ kì của liên kết đối tượng. Đứa con gái cũng có thái độ tương tự như vậy với mẹ nó. Sự khác nhau chỉ là một đằng thì đồng nhất hoá với cha còn đằng khác thì coi cha là đối tượng. Trong trường hợp thứ nhất người cha là đối tượng để trở thành, trường hợp thứ hai thì người cha là đối tượng chiếm hữu. Như vậy, sự khác nhau là mối liên kết tình cảm này liên quan đến chủ thể hay khách thể của cái “Tôi”. Vì vậy mối liên kết thứ nhất có thể tồn tại trước khi có sự lựa chọn đối tượng dục tính. Rất khó mô tả sự khác biệt đó bằng tâm lí siêu hình. Ở đây chỉ cần ghi nhận rằng sự đồng nhất hoá dẫn đến việc tạo lập cái “Tôi” của mình theo hình mẫu của người khác, người được coi là “lí tưởng”.

Chúng tôi phân biệt một sự đồng nhất hoá khỏi những mối liên hệ phức tạp trong trường hợp suy nhược thần kinh như sau. Một bé gái mà chúng tôi quan sát có cùng một triệu chứng bệnh lí như người mẹ, thí dụ cùng bị những cơn ho dai dẳng. Chuyện đó có thể xảy ra bằng những cách khác nhau: đấy có thể là sự đồng nhất hoá với mẹ, sinh ra bởi mặc cảm Ơđíp, nghĩa là ước muốn thế chỗ của mẹ; triệu chứng này cũng có thể là biểu hiện của tình yêu đối với cha, nó thực hiện chính việc thay thế mẹ, đứa bé bị ảnh hưởng bởi cảm giác tội lỗi: mày muốn là mẹ ư, thì mày được rồi đó, mày ho như mẹ đó. Đấy là toàn bộ cơ chế hình thành chứng loạn thần kinh (hysterie). Có cả triệu chứng tương tự với triệu chứng của người mà đứa trẻ yêu (ví dụ cô bé Dora trong Bruchstück einer Hysterieanalyse bắt chước chứng ho của cha); trong trường hợp này ta có thể mô tả thực chất vấn đề như sau: đồng nhất hoá chiếm chỗ của lựa chọn đối tượng, còn lựa chọn đối tượng thoái hoá thành đồng nhất hoá. Chúng ta đã nghe rằng đồng nhất hoá là hình thức sớm nhất, hình thức đầu tiên của mối liên kết tình cảm; khi có dấu hiệu triệu chứng, nghĩa là sự dồn nén và khi các cơ chế vô thức chiếm ưu thế thì thường đáng lẽ lựa chọn đối tượng thì người ta lại đồng nhất hóa với đối tượng, nghĩa là “Tôi” nhận những phẩm chất của đối tượng.

Chúng ta nên để ý rằng trong đồng nhất hóa, cái “Tôi” đôi khi sao chép người nó yêu, đôi khi sao chép người nó ghét. Chúng ta cũng phải nhớ rằng trong cả hai trường hợp, đồng nhất hoá cũng chỉ là phần nào, rất hạn chế, nó chỉ mượn một nét nào đó của người mà nó nhận làm đối tượng mà thôi. Trường hợp thứ ba, hay xảy ra và quan trọng là trường hợp sự đồng nhất hóa không tùy thuộc vào quan hệ libido với đối với người mà nó sao chép. Ví dụ một cô nữ sinh nội trú nhận được từ người yêu bí mật một bức thư gợi lòng ghen, cô ta phản ứng bằng cách nổi cơn loạn thần kinh, thì một vài cô bạn của cô ta biết chuyện và bị lây cơn loạn đó, chúng tôi gọi đó là truyền nhiễm tâm thần. Ở đây cơ chế đồng nhất hoá, trên cơ sở một ước muốn được ở hoặc một khả năng ở cùng hoàn cảnh, đã được kích hoạt. Các cô học trò khác cũng muốn có một mối tình bí mật và do ảnh hưởng của nhận thức tội lỗi của mình họ chấp nhận sự đau khổ do tội lỗi đó mang lại [5] . Sẽ là sai lầm nếu khẳng định rằng họ rước vào mình triệu chứng đó là do lòng xót thương. Ngược lại, xót thương sinh ra từ đồng nhất hóa, bằng chứng là sự truyền nhiễm hay bắt chước có thể xảy ra trong trường hợp sự cảm thông trước đó còn ít hơn sự cảm thông giữa các cô học trò trong trường nội trú như vừa nói. Một cái “Tôi” cảm nhận được trong cái “Tôi” khác một tương đồng quan trọng ở một khía cạnh nào đó, trong thí dụ của chúng ta thì đấy là sự sẵn sàng có cảm xúc; trên cơ sở đó mà xảy ra sự đồng nhất hoá ở khía cạnh đó và do ảnh hưởng của tình trạng bệnh hoạn mà đồng nhất chuyển thành triệu chứng do cái “Tôi” cảm ứng được. Nghĩa là đồng nhất hoá thông qua triệu chứng là dấu hiệu chứng tỏ hai cái “Tôi” có chung một điểm bị dồn nén.

Chúng ta có thể tập hợp những điều vừa nghiên cứu vào ba nguồn gốc: thứ nhất, đồng nhất hóa là hình thức liên kết tình cảm đầu tiên với đối tượng; thứ hai, do thoái hoá mà nó trở thành cái thay thế cho liên kết tình cảm với đối tượng giống như phóng chiếu đối tượng vào cái “Tôi”; thứ ba, nó có thể xuất hiện khi có một cái chung với một người không phải là đối tượng dục tính. Cái chung càng lớn thì sự đồng nhất hoá từng phần này càng dễ xảy ra và bằng cách đó mà nó tạo ra một liên kết mới. Chúng ta đoán ra là sự liên kết với nhau của các cá nhân tạo thành đám đông về thực chất là sự đồng nhất hoá trên cơ sở một cái chung quan trọng, và chúng ta có thể giả định rằng cái chung này chính là mối liên kết với người cầm đầu. Dĩ nhiên chúng ta không coi là vấn đề đồng nhất hoá đã được trình bày một cách toàn diện; chúng ta mới ở ngưỡng cửa của cái mà tâm lí học gọi là nội nhập tình cảm (Einfühlung - tiếp thụ tình cảm của người khác), là cái đóng vai trò chủ yếu trong sự hiểu biết của chúng ta về cái “Tôi” của kẻ khác. Nhưng chúng ta giới hạn sự tìm hiểu bằng việc khảo sát những biểu hiện tình cảm trực tiếp nhất của hiện tượng đồng nhất hoá và tạm gác sang bên ảnh hưởng của nó đối với hoạt động trí tuệ.

Nghiên cứu phân tâm học đề cập một cách sơ lược cả những vấn đề phức tạp hơn của bệnh tâm thần biến thái có thể chỉ cho chúng ta hiện tượng đồng nhất hoá cả trong một số trường hợp mà chúng ta chưa hoàn toàn hiểu rõ. Tôi xin phân tích kĩ hai trường hợp sau đây để tiện cho việc nhận định về sau.

Sự phát sinh đồng tính luyến ái của đàn ông thường xảy ra như sau: người thanh niên ràng buộc với mẹ, hiểu theo nghĩa mặc cảm Ơđíp, một cách mạnh mẽ và trong một thời gian dài. Nhưng cuối cùng, sau giai đoạn trưởng thành về mặt giới tính thì cần phải tìm một đối tượng tình dục khác để thay cho mẹ. Khi đó xảy ra một bước ngoặt không ai ngờ được: trong khi rời bỏ mẹ chàng trai đã đồng nhất hoá mình với mẹ, trở thành người mẹ và đi tìm đối tượng có thể thay thế cái “Tôi” của chàng ta, đối tượng mà anh ta có thể yêu, có thể âu yếm, như người mẹ đã từng yêu, đã từng âu yếm anh ta vậy. Đây là quá trình thường gặp, có thể được khẳng định trong mọi trường hợp và dĩ nhiên là không phụ thuộc vào giả thuyết về duyên cớ và động cơ của sự thay đổi bất thần đó. Điều đáng chú ý là mức độ rộng lớn của trường hợp đồng hoá này: nó thay đổi cái “Tôi” của con người trong một lĩnh vực quan trọng nhất, trong lĩnh vực dục tình, theo mẫu của người mà cho đến lúc đó vẫn là đối tượng libido của nó. Chính đối tượng thì bị từ bỏ: sự từ bỏ là hoàn toàn hay là được giữ trong vô thức - nhưng đấy không phải là đề tài của cuộc thảo luận của chúng ta. Sự đồng nhất hoá với đối tượng mà người ta bỏ hay người ta bị mất với mục đích thay thế nó, việc nhập nội (introjection) đối tượng vào trong cái “Tôi” dĩ nhiên không phải là mới đối với chúng tôi. Đôi khi có thể quan sát trực tiếp quá trình này ở một đứa trẻ. Gần đây trên tờ “Internationale Zeitschrift für Psychoananlyse” có tường thuật sự kiện sau: một đứa nhỏ cảm thấy đau khổ vì mất một chú mèo con và bất thình lình giải thích rằng bây giờ nó chính là con mèo ấy, nó cũng bò bằng bốn chân và không chịu ngồi vào bàn ăn v. v. [6]

Phân tích hiện tượng trầm cảm (Melancholie) cho ta một thí dụ khác về hiện tuợng nhập nội đối tượng; nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là mất, mất thật sự hay mất về phương diện tình cảm, đối tượng tình ái. Đặc trưng chủ yếu của các trường hợp này là con bệnh tự hạ thấp quá mức cái “Tôi” của mình bằng cách tự phê phán và tự oán trách không thương tiếc. Sự phân tích cho hay rằng thực ra những lời tự phê phán và tự chỉ trích đó là nhằm vào đối tượng, là sự trả thù cái “Tôi” của chính đối tượng. Như tôi đã từng nói ở một chỗ khác, đấy là cái bóng của đối tượng đã phủ lên “Tôi”. Trong trường hợp này ta có thể thấy rõ hiện tượng nhập nội đối tượng một cách rõ ràng, không còn nghi ngờ gì nữa.

Nhưng chứng trầm cảm còn cho ta một điều nữa có thể quan trọng cho những khảo sát sau này. Nó chỉ cho chúng ta thấy một cái “Tôi” bị chia chẻ, một cái “Tôi” vỡ làm hai phần, phần này kịch liệt chống lại phần kia. Mảnh kia tức nửa cái tôi bị biến đổi bởi sự nhập nội, nửa ấy chứa đựng đối tượng đã bị mất. Nhưng cái nửa tự thể hiện một cách hung bạo cũng không xa lạ với chúng ta: nó đưa lương tâm, đưa thẩm quyền phê phán vào “Tôi”; tuy lúc bình thường nó cũng phê phán “Tôi” nhưng không bao giờ tỏ ra bất công và mãnh liệt như vậy. Trước đây chúng ta cũng đã có cớ (hiện tượng ngã ái, buồn bã và trầm cảm) để giả định rằng trong cái “Tôi” của chúng ta có một thẩm quyền như thế, một nửa cái “Tôi” có thể tách riêng ra và xung đột với phần còn lại. Chúng tôi gọi phần đó là “Tôi”- lí tưởng và gán cho nó chức năng tự quan sát, ý thức đạo đức, kiểm duyệt giấc mơ và vai trò chủ yếu trong việc dồn nén. Chúng tôi đã nói rằng nó là hậu duệ của ngã ái khởi thủy nhất, trong đó cái “Tôi” của đứa trẻ tìm được sự tự thoả mãn. Dần dần nó hiểu được những yêu cầu mà môi trường xung quanh đặt ra với cái “Tôi”, nhưng không phải lúc nào “Tôi” cũng thực hiện được, và người ta trong khi bất mãn với cái “Tôi” của mình vẫn có thể tìm được sự thoả mãn trong “Tôi”- lí tưởng đã tách rời khỏi “Tôi”. Ngoài ra chúng tôi còn xác định được rằng trong sự điên khùng vì tự soi mói đó (Beobachtungswahn) sự tan rã của “Tôi”- lí tưởng cũng trở nên rõ ràng và trong khi tan rã, nó lại chỉ cho ta thấy nguồn gốc của nó là từ ảnh hưởng của những người có uy tín mà trước hết là bố mẹ [7] . Chúng tôi cũng không quên chỉ rõ rằng đối với từng người thì mức độ tách biệt giữa “Tôi”- lí tưởng và “Tôi” thực tế là rất khác nhau và ở một số người thì sự phân hóa bên trong cái “Tôi” không vượt quá mức độ của một đứa trẻ.

Nhưng trước khi có thể sử dụng tài liệu này để giải thích tổ chức libido của đám đông, chúng ta cần chú ý đến một số quan hệ qua lại giữa “Tôi” và đối tượng. Chúng tôi hiểu rõ rằng bằng những thí dụ lấy từ môn bệnh lí học chúng tôi không thể nói hết về hiện tượng đồng nhất hóa và như vậy là phải bỏ qua không nói tới một vài phần bí mật của đám đông. Ở đây đáng lẽ ra phải có một cuộc phân tích tâm lí một cách sâu sắc và đầy đủ hơn. Từ đồng nhất hóa qua bắt chước đến nội nhập tình cảm nghĩa là hiểu được cái cơ chế nhờ đó chúng ta có thể tiếp xúc với tâm hồn của tha nhân. Trong những biểu hiện của đồng nhất hóa cũng còn nhiều điều phải tìm hiểu. Hậu quả của đồng nhất hóa là người ta không có thái độ thù nghịch với người mà ta đồng nhất, người ta bảo vệ, người ta giúp đỡ nữa. Robertson Smith khi nghiên cứu những sự đồng nhất hóa là cơ sở sự thống nhất của các bộ lạc đã phát hiện ra một kết quả là sự đồng nhất hóa dựa vào sự cùng công nhận một cái chung (Kinship and Marriage, 1885) và vì vậy có thể được thiết lập bằng một bữa ăn chung. Đặc điểm ấy cho phép liên kết sự đồng nhất hóa với lịch sử nguyên thủy của gia đình mà tôi phác họa trong cuốn “Vật tổ và cấm kị”.


8. Yêu đương và thôi miên

Ngôn ngữ dù có đỏng đảnh vẫn trung thành với một thực tế nào đó. Nó gọi những quan hệ tình cảm rất khác nhau là “yêu” và chúng ta gom về mặt lí thuyết tất cả những quan hệ đó dưới danh từ “yêu”, nhưng sau đó lại nghi ngờ rằng không hiểu đấy có phải là tình yêu thực sự, đúng đắn, chân thành hay không; nó cũng chỉ ra một loạt cấp bậc trong hiện tượng tình yêu. Quan sát những cấp bậc ấy không phải là việc khó.

Trong nhiều trường hợp yêu chính là việc tìm kiếm đối tượng dục tình nhằm thoả mãn nhục dục một cách trực tiếp, và khi đạt được mục đích thì tình yêu cũng tắt; đấy là tình yêu bất chính, tình yêu sắc dục. Nhưng, như chúng ta đã biết, tình trạng libido thường không giản đơn như vậy. Tin chắc rằng nhu cầu vừa chợt tắt sẽ lại bừng dậy dĩ nhiên phải là lí do chính để người ta ấp ủ niềm say mê với đối tượng trong một thời gian dài, phải “yêu” đối tượng cả khi không bị lửa tình thiêu đốt.

Từ trong lịch sử phát triển tình ái của con người ta lại có thể thấy một khía cạnh khác. Trong giai đoạn đầu, thường chấm dứt vào năm lên năm tuổi, đứa trẻ chọn cha hay mẹ làm đối tượng tình ái đầu tiên và tập trung mọi ham muốn dục tính đòi được thoả mãn vào đó. Sau đó sẽ đến giai đoạn dồn nén buộc đứa trẻ phải từ bỏ phần lớn mục tiêu dục tính trẻ con và đứa trẻ thay đổi thái độ đối với cha mẹ một cách sâu sắc. Đứa trẻ vẫn còn gắn bó với cha mẹ, nhưng những ham muốn của nó thì phải nói “về mặt mục đích đã bị ngăn chặn”. Tình cảm của nó với những người thân yêu được gọi là “âu yếm”. Nhưng như ta đã biết, trong vô thức khao khát “sắc dục” lúc trước vẫn còn được giữ ở một mức độ nào đó, cho nên theo một nghĩa nào đó thì nhánh dục lạc đó vẫn còn tồn tại [8] .

Đến tuổi dậy thì bỗng phát triển một xu hướng mới, mạnh mẽ nhằm đạt mục tiêu dục tính trực tiếp. Trong những trường hợp bất lợi thì các khao khát mãnh liệt mới đó sẽ vẫn là luồng sắc dục tách rời khỏi luồng tình cảm “âu yếm” tồn tại từ lâu. Chúng ta có một bức tranh mà có những xu hướng văn chương nhất định sẵn sàng lí tưởng hóa cả hai mặt. Người đàn ông thể hiện lòng say mê viển vông những người đàn bà đáng kính, những người không hề hấp dẫn anh ta về mặt tình dục, anh ta chỉ động tình khi đứng trước những người đàn bà khác, những người anh ta không “yêu”, không tôn trọng, thậm chí coi khinh [9] . Nhưng thường thì chàng trai trẻ có thể thực hiện việc kết hợp giữa ái tình cao thượng phi dục tính với ái tình nhục dục thế gian và quan hệ của anh ta với đối tượng dục tính là đồng tác dụng của khao khát không bị cản trở và khao khát bị cản trở. Có thể theo số lượng ham muốn âu yếm bị cản trở mà đánh giá sức mạnh tình yêu của họ so với những ước muốn nhục dục.

Trong phạm vi tình ái này ngay từ đầu ta đã thấy đập vào mắt hiện tượng lí tưởng hóa đối tượng, đối tượng dục tình ở một mức độ nào đó đã tránh được sư phê phán, tính nết của đối tượng được đánh giá cao hơn những người họ không yêu hoặc cao hơn chính đối tượng đó trước khi được yêu. Khi những khao khát nhục dục bị dồn nén hay đàn áp quá mức thì người ta có ảo tưởng rằng nhờ những ưu việt tinh thần mà đối tượng được yêu về nhục dục, trong khi thực ra thì chính tình yêu nhục dục đã gán cho đối tượng các ưu việt tinh thần đó. Khao khát đã tạo ra trong trường hợp này phán đoán sai lạc gọi là lí tưởng hoá. Nhờ thế mà chúng ta dễ định hướng. Chúng ta thấy rõ rằng đối tượng được coi là chính “Tôi” và như vậy là trong tình yêu phần lớn ngã ái libido được rót sang đối tượng. Trong một vài hình thức chọn lựa người yêu ta còn thấy rõ ràng hiện tượng đối tượng được dùng để thay thế cho cái “Tôi”- lí tưởng chưa thành tựu của chính mình. Người ta yêu đối tượng vì cho rằng đối tượng có những điểm tận thiện tận mỹ mà cái “Tôi” của người ta chưa vươn tới và giờ đây người ta thoả mãn ngã ái của mình bằng con đường vòng đó. Đối tượng càng được đánh giá cao, mức độ yêu đương càng lớn thì bức tranh càng trở nên rõ ràng. Những ham muốn đòi thoả mãn nhục dục trực tiếp bây giờ có thể bị gạt bỏ hoàn toàn như trong trường hợp tình yêu thơ mộng; “Tôi” càng ít hấp dẫn hơn, càng khiêm tốn hơn; đối tượng càng quí giá hơn, càng lộng lẫy hơn. Cuối cùng thì đối tượng làm chủ toàn bộ tình yêu mà cái “Tôi” có thể có với chính nó và như vậy sự hy sinh “Tôi” là hậu quả tự nhiên. Có thể nói đối tượng đã nuốt chửng “Tôi”. Trong mọi trường hợp yêu đương đều nổi rõ những đặc điểm như nhún nhường, hạn chế ngã ái, quên mình. Trong trường hợp cực đoan những đặc điểm ấy được khuyếch đại lên và do các ham muốn nhục dục đã bị gạt bỏ mà chúng trở thành quan trọng hàng đầu. Điều này đặc biệt dễ xảy ra trong những mối tình bất hạnh, bất thành vì mỗi lần nhục dục được thỏa mãn thì mức độ lí tưởng hoá đối tượng lại giảm sút phần nào. Đồng thời với việc hi sinh cái “Tôi” cho đối tượng (sự hi sinh này không khác gì hi sinh thăng hóa cho một lí tưởng trừu tượng), những chức năng của “Tôi”- lí tưởng không còn. Chức năng phê phán xuất phát từ “Tôi”- lí tưởng đã không còn lên tiếng nữa thì dù đối tượng có làm gì, có đòi hỏi gì cũng đều là đúng, cũng là không chê vào đâu được. Lương tâm không còn chỗ trong những việc người ta làm vì đối tượng. Mù quáng vì tình, người ta có thể phạm cả tội ác mà không hề hối hận. Tình trạng ấy có thể thâu tóm vào công thức sau: đối tượng đã chiếm chỗ của “Tôi”- lí tưởng.

Rất dễ dàng mô tả sự khác nhau giữa đồng nhất hóa và yêu đương trong những biểu hiện cực đoan nhất của nó, được gọi là mê mẩn hay phục tùng nô lệ. Trong trường hợp thứ nhất “Tôi” được làm giàu thêm bằng các phẩm chất của đối tượng, theo cách nói của Ferenczi thì nó “nhập nội” đối tượng; trong trường hợp thứ hai nó nghèo đi, nó hi sinh mình cho đối tượng, nó lấy đối tượng thay vào thành phần quan trọng nhất của mình. Tuy nhiên khi xem xét thật kĩ thì có thể thấy cách mô tả như vậy tạo ra những điểm đối lập mà thực ra là không có. Đứng về phương diện lợi ích thì đấy không phải là vấn đề giầu lên hay nghèo đi, tình trạng yêu thương cùng cực cũng có thể mô tả như là cái “Tôi” nhập nội đối tượng. Có lẽ sự phân biệt sau đây bao quát được thực chất vấn đề. Trong trường hợp đồng nhất hóa, đối tượng biến mất hoặc người ta từ bỏ đối tượng, sau đó nó được tái sinh vào “Tôi”; “Tôi” thay đổi phần nào theo nguyên mẫu của đối tượng đã mất. Trong trường hợp kia đối tượng vẫn còn, và được đánh giá cao hơn và bằng cách hạ thấp chính “Tôi”. Nhưng sự phân biệt như thế cũng có chỗ đáng thắc mắc. Có phải đã xác định rõ ràng rằng đồng nhất hoá là từ bỏ ham muốn đối với đối tượng? Có thể có từ bỏ trong khi đối tượng vẫn còn hay không? Trước khi chúng ta đi sâu vào những vấn đề phức tạp ấy, chúng ta đã thấy xuất hiện một ý nghĩ bao hàm thực chất của vấn đề, đấy là: đối tượng chiếm chỗ của cái “Tôi” hay của cái “Tôi”- lí tưởng.

Rõ ràng là từ trạng thái yêu đương đến trạng thái thôi miên khoảng cách không xa lắm. Những điểm giống nhau là rất rõ ràng: khiêm tốn phục tùng, nhu thuận, không có thái độ phê phán với ông thầy thôi miên cũng như với người yêu dấu, không còn sáng kiến riêng. Không còn nghi ngờ gì rằng ông thầy thôi miên đã chiếm chỗ của cái “Tôi”- lí tưởng. Nhưng trong tình trạng thôi miên những trạng thái ấy hiện ra rõ ràng hơn, nổi bật hơn cho nên đúng ra là phải dùng thôi miên để cắt nghĩa yêu thương chứ không phải là ngược lại. Ông thày thôi miên là đối tượng duy nhất bên cạnh kẻ bị thôi miên, ngoài ra không còn ai khác. Trong trạng thái thôi miên “Tôi” tuân theo tất cả những gì ông thày đòi hỏi và ra lệnh và sự kiện này nhắc chúng ta rằng chúng ta đã quên không nói đến một chức năng của cái “Tôi”- lí tưởng, đấy là chức năng kiểm nghiệm thực tế [10] . Không có gì đáng ngạc nhiên là “Tôi” coi mọi cảm giác là thực nếu thẩm quyền tâm thần làm nhiệm vụ kiểm nghiệm thực tế (“Tôi”- lí tưởng) đã công nhận cái thực tế đó. Vì không có khao khát đưa đến những mục tiêu dục tính không bị cản trở cho nên việc thể hiện là rất hoàn hảo. Quan hệ trong thôi miên là sự xả thân hoàn toàn mà không có thoả mãn nhục dục, còn trong tình yêu thì sự thoả mãn được tạm thời gác lại, được coi là mục đích đến trong tương lai.

Nhưng mặt khác ta cũng có thể nói rằng thôi miên là một sự hình thành đám đông (nếu có thể nói như thế) gồm hai người. Thôi miên không phải là đối tượng phù hợp để so sánh với đám đông vì chúng y hệt nhau. Thôi miên tách riêng từ cấu trúc phức tạp của đám đông ra còn một thành phần: quan hệ với lãnh tụ. Thôi miên khác đám đông ở giới hạn người tham gia, còn khác yêu đương ở chỗ không có khao khát dục tính trực tiếp. Thôi miên giữ vị trí trung gian giữa đám đông và tình yêu.

Chúng ta nên để ý rằng chính các khao khát bị ngăn chặn hiểu theo nghĩa mục đích dục tính tạo ra những mối liên kết lâu dài giữa người với người. Điều đó thật dễ hiểu vì các khao khát này không thể được thoả mãn hoàn toàn trong khi các khao khát dục tính không bị ngăn chặn bị yếu đi nhiều sau mỗi lần thoả mãn mục đích nhục dục. Tình yêu nhục dục nhất định tắt ngay sau khi được thoả mãn; muốn dài lâu thì ngay từ đầu nó phải hoà quyện với tình âu yếm nghĩa là bị ngăn chặn hiểu theo nghĩa mục đích hay nhất định sẽ xảy ra sự hoà quyện như vậy.

Hiện tượng thôi miên có thể giải được câu đố về cấu trúc libido, nếu như chính nó không chứa đựng các đặc điểm của tình yêu không có khao khát dục tính trực tiếp vốn chưa được giải thích trong khuôn khổ suy lí vừa nêu. Thôi miên vẫn còn chứa đựng nhiều điều khó hiểu, thần bí. Một trong những đặc điểm ấy là sự tê liệt do kẻ mạnh gây ra với kẻ yếu, kẻ bất lực; rất gần với trạng thái thôi miên do hoảng loạn của các loài động vật. Phương pháp gây thôi miên cũng như quan hệ của nó với giấc ngủ cũng chưa rõ, tại sao một số người dễ bị thôi miên, còn số khác thì không, cho ta thấy một điều bí ẩn được thực hiện trong khi thôi miên, đấy có thể là giữ cho thái độ libido được hoàn hảo. Một sự kiện khác cũng đáng chú ý là lương tâm của người bị thôi miên có thể vẫn còn cứng cỏi ngay cả khi đã nhu thuận hoàn toàn trong những lĩnh vực khác. Nhưng điều đó có thể xảy ra vì trong đa số trường hợp thôi miên được thực hiện như hiện nay có thể người bị thôi miên vẫn còn nhận thức được rằng đấy chỉ là một trò chơi, đấy chỉ là tái tạo một cách giả tạo một tình huống quan trọng hơn trong cuộc sống.

Những điều trình bày ở trên đã giúp chúng ta lập ra công thức cấu trúc libido của đám đông, ít nhất là của cái đám đông mà chúng ta xem xét hiện giờ, đấy là đám đông có người cầm đầu nhưng chưa được “tổ chức hoàn bị” để tái thu nhận được những phẩm chất của một cá nhân riêng lẻ. Đám đông đó là tập hợp của những cá nhân đã đặt một đối tượng vào “Tôi”-lí tưởng của chính mình và vì vậy mà tự đồng hóa với nhau trong cái “Tôi” của mình. Quan hệ đó có thể được mô tả bằng biểu đồ như sau: (Trong bản tiếng Nga download được không có biểu đồ, rất mong được bạn đọc bổ sung –ND).

[1]Parerga und Paralipomena, II. Teil, XXXI, Gleichnisse und Parabeln
[2]Có thể loại trừ quan hệ giữa mẹ và con trai, vốn được đặt nền tảng trên sự ngã ái, sẽ không bị phá vỡ do sự tương tranh về sau mà sẽ được tăng cường do tham gia vào việc lựa chọn đối tượng tình dục.
[3]Zur Einführung des Narzißmus. 1914
[4]Freud: Ba cuộc khảo cứu về lí thuyết dục tính và Abraham - Untersuchungen über die früheste prägenitale Enrwicklungsstufe der Libido (Internat. Zeitschr. f. Psychoanal., IX 1916) cũng như Klinische Beiträge zur Psychoanalyse (Internat. Psychoanalyst. Bibliothek, Bd. 10.1921).
[5]Ở đây là trừơng hợp các trường nội trú cuối thế kỉ XIX còn rất nhiều cấm đoán khắt khe nên mới có hiện tượng và các hậu quả như được trình bày trong thí dụ này (chú thích của người dịch)
[6]Markuszewicz, Beitrag zum autistischen Denken bei Kindern, Internat. Zeitsch. f. Psychoanalyse, VI, 1923
[7]Zur Einführung des Narzißmus.
[8]Sexualtheorie
[9]Über die Allgemeine Erniedrigung des Liebeslebens: Sammlung, 1918
[10]Xem „Metapsychologische Ergänzungen zur Traumlehre“, Sammlung kleiner Schriften zur Neurosenlehre, Vierte Folge, 1918.
Nguồn: Bản tiếng Nga: З. Фрейд. «Психология масс и анализ человеческого «Я», издательство «Современные проблемы», Н. А. Столляр, М., 1926), http://www.frejd-zigmund.viv.ru/cont/freud/31.html và các trang tiếp theo

Đã đăng trong tác phẩm Gustave Le Bon – Tâm lý học đám đông do Nguyễn Xuân Khánh dịch, nhà xuất bản Tri Thức ấn hành quý III năm 2009.

(còn 2 kì nữa)

No comments:

Post a Comment